Làm đường ở Mù Cang Chải

Ký của Nguyễn Tâm   

Sinh ra và lớn lên ở miền núi, hình ảnh những ngọn núi cao xanh và chuyện vượt đồi lội suối với tôi đâu có gì lạ lẫm. Thế nhưng mỗi lần lên với Mù Cang Chải, những con đường lên xã, lên bản cheo leo nơi lưng trời, vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác vẫn khiến tôi vừa nghĩ đến thôi đã toát mồ hôi vì cảm giác chông chênh, chơi vơi giữa một bên là vách núi sừng sững và một bên là vực sâu hút mắt, nhưng cũng vẫn hào hứng được đi để thêm một lần trải nghiệm, khám phá. Nếu là 5 năm trở về trước, muốn lên bản, lên xã vùng cao của Mù Cang Chải còn phải “trông trời” xem mưa hay nắng. Giờ thì khác rồi, dù trời có mưa dầm cả tuần cũng không còn ngại, bởi thay vì đường mòn đất dốc cao trơn trượt là những con đường bê tông đang dần nối tiếp nhau men theo sườn núi lên tít cổng trời. Bởi thế nên trong chuyến công tác vào những ngày cuối đông giá rét, tôi vẫn quyết tranh thủ tối đa thời gian và lòng nhiệt tình của cán bộ huyện, cán bộ xã đưa tôi đi thăm cơ sở. Và có lẽ cũng bởi thế nên thay vì ngồi sau xe của các cán bộ người Mông là nam giới thì chuyến này, tôi lại vững tâm ngồi sau xe một cán bộ nữ người miền xuôi mảnh dẻ, nhỏ nhắn Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mù Cang Chải Trần Thị Nguyệt.

Trong cuộc trao đổi với anh Sùng A Lù- Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng ngay khi vừa đến huyện, biết tôi muốn tìm hiểu về công tác xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn của huyện, nhất là những con đường đặc thù nối liền trung tâm xã với các thôn, bản vùng cao, anh Lù giới thiệu tôi lên Khao Mang để tận mắt xem bà con người Mông làm đường đặc thù. Vậy nên, ngay trong chuyến thực địa cơ sở đầu tiên ở Mù Cang Chải, tôi đã chọn Khao Mang. Xe chúng tôi bon bon vượt qua đoạn đường hơn 15km trên tuyến quốc lộ 32 thênh thang, uốn lượn ngược theo dòng hạ lưu xanh trong của hồ thủy điện Khao Mang. Nắng sớm ngày đông trải vàng ruộm trên khắp các ngọn núi, xuyên qua thung khe chiếu xuống mặt nước lăn tăn gợn sóng, soi rõ làn hơi sương mờ ảo bao phủ khắp mặt hồ. Ngồi sau xe của chị Nguyệt, mải ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp mà tôi quên mất rằng mục tiêu của mình là khám phá những con đường đặc thù lên núi. Mãi tới khi nghe chị Nguyệt nhắc tới chuyện làm đường và rằng, chị em phụ nữ Mông trên các rẻo cao chính là những người góp công đầu trong việc làm nên những con đường ấy, tôi mới chợt nhớ đến câu chuyện của anh Lù trong cuộc trao đổi hôm trước. Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, có tới 13 xã với 116 thôn, bản đặc biệt khó khăn, trong tổng số 820,29km đường giao thông của toàn huyện thì hiện tại, Mù Cang Chải mới chỉ có hơn 200km đường bê tông và đường nhựa, còn lại tới hơn 616km là đường đất. Nếu như ở các vùng đồng bằng, giao thông nông thôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thì với một huyện vùng cao như Mù Cang Chải, đường giao thông càng quan trọng và việc làm đường càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Xác định được tầm quan trọng đó nên nhiều năm nay, hệ thống đường giao thông đã được huyện Mù Cang Chải quan tâm đầu tư, phát triển, nhất là từ khi bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện đã tranh thủ tận dụng tốt, có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách, vận động mọi nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, phát triển hệ thống đường giao thông. Trong giai đoạn 2016- 2020, tổng nguồn vốn đầu tư vào làm đường giao thông của huyện đạt trên 220 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn huy động từ Đề án giao thông nông thôn đạt trên 80 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng và 200.000 ngày công để kiên cố hóa được trên 50km đường rộng 3m trở lên; trên 80km đường xe máy (đường đặc thù có bề rộng mặt đường từ 1 đến 2m); mở mới 60km nền đường rộng 3,5m và xây dựng mới 7 cầu bê tông cốt thép. So với tổng diện tích đường giao thông của toàn huyện thì con số làm được chưa phải là nhiều, song để có được con số đó là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện. Xét trên tình hình thực tế và xét thấy nhu cầu của nhân dân về việc làm đường ngày càng lớn, nhận thấy số lượng đường cần phải làm tương đối nhiều trong khi nguồn lực đầu tư và điều kiện thực tế của địa phương lại khó khăn nên việc đầu tư xây dựng đồng loạt là điều không thể. Bởi vậy, ngay từ khi bắt tay vào làm đường, huyện đã phải tiến hành rà soát, phân tích kỹ lưỡng xem xã nào, bản nào và tuyến đường nào cần ưu tiên làm trước. Việc làm đường được huyện đưa vào Nghị quyết rồi cụ thể hóa thành chỉ tiêu và giao xuống cho từng xã, xã lại giao xuống cho từng thôn bản, mỗi năm thực hiện khối lượng bao nhiêu, làm con đường, tuyến đường nào, điểm đầu, điểm cuối ở đâu… Với những công trình đường giao thông thực hiện theo đề án của Nhà nước hay chương trình xây dựng nông thôn mới, được Nhà nước đầu tư kinh phí hoặc Nhà nước và nhân dân cùng làm thì khỏi phải bàn bởi đó không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ của chính quyền địa phương mà từ lâu đã là niềm khao khát lớn nhất của đồng bào nơi đây. Riêng với những con đường đặc thù, cũng bởi có sự thay đổi về nhận thức cùng những mong mỏi có được những con đường bê tông sạch sẽ, thuận tiện đi lại nên dù không được hỗ trợ về kinh phí, bà con vẫn hăng hái tình nguyện đóng góp để làm đường. Dù chỉ là đường đặc thù với quy mô mặt đường rộng từ 0,8 đến 2m, dày 12cm, tính về chi phí có thể tiết kiệm được 70% so với đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn, song với điều kiện kinh tế còn quá nhiều khó khăn của đồng bào vùng cao thì việc có được khoản tiền đóng góp để làm đường là điều không dễ. Bởi vậy, cùng với việc tuyên truyền, động viên thì huyện còn tìm các nguồn vốn hỗ trợ bà con bằng cách kêu gọi xã hội hóa từ các tổ chức doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn. Kết quả là toàn bộ xi măng để làm đường đặc thù được lấy từ nguồn kêu gọi đó. Khi làm, UBND các xã có trách nhiệm hướng dẫn, định hướng cho bà con, nêu cao tinh thần tập thể, đoàn kết cộng đồng, cùng nhau chung sức làm đường. Bản thân các cán bộ công chức, viên chức từ huyện xuống xã, nhất là lực lượng lãnh đạo không được phép đứng ngoài cuộc mà phải sắn tay cùng bà con trong những ngày “thứ bảy cùng dân”, giúp bà con phấn chấn và tạo nên một phong trào làm đường rầm rộ trong toàn huyện. Là đường đặc thù, được làm bởi những con người đặc biệt và ở những nơi đặc biệt nên việc làm những con đường này rất khác với việc làm đường ở những vùng nông thôn khác. Đồng bào Mông ở Mù Cang Chải rất sáng tạo trong việc làm đường, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mà mỗi nơi làm một khác. Với nhiều bản có khối lượng đường cần làm lớn mà thiếu thốn, khó khăn về nguồn lực, kinh phí đầu tư thì những đoạn đường khó, có độ dốc cao, trơn trượt sẽ được làm trước, những đoạn đường dễ đi hơn sẽ được tận dụng cho nên khi lên bản vùng cao, người ta thường bắt gặp những đoạn đường bê tông bị ngắt quãng. Với nhiều xã, bản khác lại thực hiện làm từ điểm đầu và điểm cuối trước, ở giữa làm sau cùng vì đường vào bản khó đi, đường được làm đến đâu, vật liệu sẽ dễ dàng được vận chuyển vào đến đó. Chỗ nào đường đi thuận lợi thì vật liệu sẽ được chở đến tận nơi, chỗ nào quá cao, quá khó và đường đi nhỏ hẹp thì bà con tính toán số lượng vật liệu tương ứng với số người tham gia làm đường trong ngày, trộn thành bê tông khô ở nơi rộng rãi rồi mới vận chuyển đến nơi làm đường. Lúc họp bàn, thống nhất mỗi hộ cử một người tham gia góp công, nhưng đến khi làm thì chẳng ai tính toán thiệt hơn, hễ ai rảnh rỗi là tham gia, bất kể trẻ, già, nam, nữ, có hộ có đến vài ba người cùng đi. Đàn ông phụ trách vận chuyển bê tông. Đàn bà phụ trách san gạt, phát lề, lấp rãnh. Những đứa trẻ cũng chẳng chịu ở yên một chỗ mà lăng xăng theo chân mẹ trộn đảo bê tông. Cả bản náo nhiệt, vui như có hội.

Những thông tin anh Lù cung cấp cùng câu chuyện của chị Nguyệt cứ nối tiếp, đan xen nhau trong tâm trí khiến tôi không kịp nhận ra chị em tôi vừa lướt qua một khu chợ khá náo nhiệt trên cung đường núi. Vượt qua khu chợ không xa là đến trụ sở ủy ban xã Khao Mang. Có lẽ chị Nguyệt đã liên hệ trước với lãnh đạo xã và yêu cầu điểm đến nên Chủ tịch UBND xã Sùng A Dinh đã chủ động xuống thôn trước khi chúng tôi tới. Để tỏ lòng thịnh tình hiếu khách, anh Dinh muốn đưa chúng tôi lên thăm đoạn đường đặc thù đang được thi công trên bản Háng Bla Ha A, nhưng vì đường lên khá khó đi, lại vì để đợi cho đoạn bê tông mới đổ chiều qua kịp khô, vừa để chuẩn bị vật liệu cho buổi làm chiều nay nên buổi sáng bà con không thi công. Bởi vậy, chúng tôi chỉ đành đứng từ xa mà ngắm nhìn con đường dốc cheo leo đang thi công dở rồi anh Dinh đưa chúng tôi đi thăm một vài hộ tiêu biểu trong sản xuất chăn nuôi của thôn. Qua anh Dinh và những người chủ hộ gia đình Mông mà chúng tôi ghé thăm tôi được biết, các hộ này đều từ trên các bản Háng Bla Ha A, Háng Bla Ha B chuyển xuống đây sinh sống. Hầu hết các gia đình vẫn còn bố mẹ, anh em, họ hàng thân thuộc sống ở trên bản. Trước kia không có đường đi, những người đi làm ăn, công tác bà con xuống chợ hay bản thân họ mỗi khi muốn về thăm gia đình đều phải đi theo lối mòn. Đoạn đường từ đường lớn lên đến bản chỉ chưa đầy 4km nhưng đàn ông khỏe mạnh leo có nhanh cũng phải mất 2 tiếng, còn chị em phụ nữ phải đi mất nửa ngày mới tới. Ấy là những ngày trời nắng ráo còn có thể đi được, chứ trời mưa, đường trơn trượt, người trên bản có con lợn, con gà đem xuống chợ bán; rồi người dưới bản muốn về giúp đỡ bố mẹ trồng cấy hay trong nhà có người ốm đau cần thăm nom, chăm sóc thì cũng đành chịu. Chẳng riêng gì ở Khao Mang mà hầu hết những con đường nối từ trung tâm các xã lên các thôn bản vùng cao đều là đường đất nhỏ, có độ dốc cao nên bà con đều chung một cảnh khó như nhau. Nhớ lại chuyến lên thăm bản Màng Mủ (xã Mồ Dề) một năm về trước. Dù đã khá lâu mà tôi vẫn không quên cảm giác như ngạt thở khi men theo con đường mòn ngược đỉnh Sáng Nhù. Những đoạn đường đất chỉ lọt vừa bánh xe mà dốc ngược sừng sững; những đoạn đường dù giữa trời nắng ráo mà vẫn trơn trượt như muốn ném văng bánh xe ra khỏi mặt đường, và còn có những khúc cua gấp khúc như muốn bẻ cong bánh xe, khiến cho tay lái rắn chắc như bắp lim già của anh cán bộ người Mông trẻ trung kia cũng có lúc chùng xuống vì mỏi, và khiến cho kẻ ngồi sau như tôi phải nhiều phen bạt vía. Mấy năm gần đây, nhờ có chủ trương làm đường của huyện cùng những nỗ lực của bà con mà đường bê tông đã được trải ngày càng nhiều trên lưng núi, giúp cho việc đi lại, giao thương của bà con trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Chia sẻ về những băn khoăn, trăn trở của mình về việc làm thế nào để giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; làm sao để xóa được con số 33% hộ nghèo và hơn 30% hộ cận nghèo ở Khao Mang, vị Chủ tịch trẻ nói với tôi rằng, đồng bào Mông xưa nay vốn quen với nếp sống tự cung tự cấp, giờ muốn định hướng cho bà con làm ăn nhưng sản xuất ra sản phẩm mà đường đi lối lại không thuận tiện, nông sản không bán được thì làm sao vận động được bà con. Là cán bộ huyện mới tiếp nhận công tác về xã, nhưng nỗi trăn trở ấy khiến anh Dinh luôn ấp ủ và quyết tâm làm được nhiều đường cho bà con, nhất là ở các bản vùng cao. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng để được lâu dài anh Dinh đã tự đặt ra cho mình mục tiêu trong năm 2021 này sẽ phải tranh thủ các nguồn đầu tư của tỉnh, của huyện, phấn đấu làm sao để bà con chỉ phải tham gia đóng góp khoảng 20% chi phí đầu tư (có thể quy ra ngày công lao động) làm 4km đường lên nhóm hộ của bản Háng Bla Ha A với quy mô mặt đường rộng 3m, dày 20cm.

Ở Mù Cang Chải, tính đến thời điểm này thì nơi làm được nhiều đường giao thông nông thôn nhất là Nậm Khắt (xã được tập trung nguồn lực đầu tư và là xã đầu tiên của huyện cán đích nông thôn mới cuối năm 2020) và nơi còn nhiều đường chưa làm nhất là Nậm Có- xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện. Nậm Có có địa hình rộng, dân cư phân tán nên dù được huyện đầu tư nguồn lực mỗi năm 3- 4km nhưng đến nay vẫn còn tới 70% khối lượng đường giao thông chưa được kiên cố. Không riêng gì ở Nậm Có mà ở các xã như Chế Tạo, Mồ Dề, Khao Mang, Lao Chải… cũng còn nhiều tuyến đường liên xã, bản cần được bê tông hóa. Hiện tại, Mù Cang Chải vẫn còn trên 200km đường từ xã về bản, 220km đường trục bản, liên bản và đường ngõ xóm chưa được kiên cố, bê tông hóa. Có lẽ vì thế nên một trong những mục tiêu quan trọng mà Mù Cang Chải đặt ra trong giai đoạn tiếp theo chính là phấn đấu lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp để kiên cố hóa ít nhất 300km đường giao thông nông thôn với quy mô rộng 3m và 70% số hộ gia đình trong toàn huyện có đường bê tông vào nhà.

 

N.T

 

Các tin khác:

1-5 of 335<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter