Nhận trách nhiệm, trao niềm tin

Ký của DƯƠNG THU PHƯƠNG

 

Vật lộn một ngày với nhiều trang A4 về điển hình dân vận khéo, với những bản thành tích vượt trội đang được chính quyền các cấp đề xuất vinh danh khen thưởng tôi dành bó tay chưa chọn được nhân vật cho bài viết đã đến hạn. Không phải là tôi không tin các cơ quan chuyên trách, tham mưu về công tác dân vận mà tôi nhớ đến lời dạy của bác, một bậc thầy trong công tác dân vận “Người làm dân vận tốt là người nói ít, làm nhiều. Coi đó là trách nhiệm cá nhân và làm bao nhiêu cũng chưa thấy đủ, không có cả thời gian ngồi cả ngày để viết những bản thành tích tự khen mình”. Tôi hạ quyết tâm đi xuống cơ sở để tìm “vàng trong đá” vì tôi tin rằng “hữu xạ tự nhiên hương”, người dân vận khéo ắt hẳn được nhiều người quý và ca tụng. Và tôi được gặp, được nghe kể nhiều về đồng chí Nguyễn Ngọc Điền, Chủ tịch UBMTTQ xã Đại Đồng.

Đại Đồng không quá xa huyện lỵ Yên Bình, dăm bảy km để xuống một cơ sở so với nhiều cơ sở khác phải đi hàng trăm km đường đèo dốc với tôi khá nhẹ nhàng, nhưng tôi vẫn không thôi lo lắng. Không chắc chắn sẽ gặp được vì tôi đang đi kiểu “du kích” không báo trước, cũng lo không biết anh có nhiệt tình chia sẻ với mình không vì tôi được biết đã nhiều lần anh từ chối cánh báo chí “Biết bao tấm gương về dân vận ngoài kia, họ đều làm tốt hơn tớ. Tớ giới thiệu, nếu cần tớ đưa vào tận nhà”. Và anh say sưa đến mức mọi người thường xoay chuyển mục tiêu khi bị anh “dân vận”. Tôi tin sau khi được chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng, tôi bản lĩnh hơn. Nhưng để cho chắc chắn, tôi vẫn tìm một lý do khả dĩ nhất. Và rất may, tôi đã nghĩ xong nó trên đoạn đường chầm chậm đó.

“Em đang được giao vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhưng vướng mắc quá nhiều, việc khó em nghĩ ngay đến anh nên muốn được gặp anh xin chút ít kinh nghiệm”. Tôi nhấc máy gọi điện thoại cho anh khi nhìn thấy cửa phòng làm việc đang được khóa kín.

Anh cười nhẹ như một cơn gió thoảng qua, giọng cười của người thấy ngại ngùng khi được nhờ cậy. “Nếu giúp được thì tớ giúp ngay, nhưng bây giờ tớ đang ở trong Hồng Bàng”. Tôi trả lời rằng tôi biết anh không ở trụ sở vì tôi đang có mặt ngay trước phòng làm việc, tôi cũng nói rằng tôi sẽ đi đến đó nhanh thôi.

Thật ra, tôi ân hận ngay khi vừa tắt điện thoại. Tôi biết Hồng Bàng, nơi đó tôi đã đi thiện nguyện mấy lần, và lần nào đồng chí đi cùng đoàn cũng nhận nhiệm vụ chở theo tôi vì “phải tay lái lụa và xịn như em mới an toàn được. Chị  không cầm lái nổi đâu”. Ấn tượng về Hồng Bàng trong tôi là một thôn khó khăn nhất của xã Đại Đồng. Chúng tôi phải đi dễ đến 4 km với con đường đất mòn vẹt chỉ rộng vừa đủ một bánh xe máy quanh co dưới chân đồi cây và chênh vênh bên hồ. Tôi đã từng thót tim vài lần, xuống đi bộ vài lần, lắc lư vài lần mặc dù hôm đó là một ngày trời đẹp, người bạn đường luôn trấn an bằng câu nói “thật may mắn vì đi trong ngày hôm nay nên không bị trơn trợt”.

Không có tiềm lực về công nghiệp như Mông Sơn gần đó hay thuận lợi thương mại như các xã trung tâm khác, cũng không hẳn mạnh về nông nghiệp, thủy sản. Cảm tưởng như xã Đại Đồng mỗi thứ có một ít làm cho thu nhập mức sống nơi đây không đồng nhất và có những thôn đặc biệt khó khăn như Hồng Bàng. “Nơi nào khó khăn thì nơi đó phải bố trí đồng chí Điền”, đó là cách giải thích giản dị của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Vũ Quốc Hiếu, khi tôi muốn hỏi cụ thể đồng chí Chủ tịch UBMTTQ xã Đại Đồng Nguyễn Ngọc Điền được phân công phụ trách thôn Hồng Bàng từ bao giờ.

Không như tưởng tượng của tôi, Hồng Bàng đã đổi khác. Các tuyến đường đã được bê tông hóa, điện sáng vào đến từng ngõ. Nhìn nền đường sạch tinh tươm như sân nhà anh kể “Dù là ngày mưa giông, hay nắng gắt, đường sá nơi đây vẫn sạch sẽ như thế, hai phần chân đường được đắp lề, hoa nở bốn mùa”. Không khí ấy, niềm vui vì vừa mới hoàn thành được công việc cực kỳ khó khăn khiến anh dễ trải lòng. Chúng tôi đang đứng trên tuyến đường xóm Ngọn Ngòi anh kể “Để làm được con đường này, các anh đã tổ chức 11 cuộc họp thôn, trong đó có 5 cuộc họp tổ chức vào ban ngày còn 6 cuộc họp được tổ chức vào ban đêm, mục đích là để tất cả mọi người đều tham gia được, có thời gian để thảo luận chia sẻ mọi tâm tư nguyện vọng”. Và không biết bao nhiêu ngày đêm bàn chân anh thấm đất của con đường này để vào vận động. Bởi một điều không thể khác, quan trọng nhất là người dân phải đồng lòng, không ai có thể làm thay dân được”. Mục tiêu đặt ra ban đầu là làm cho 500m đường, nhà nước hỗ trợ xi măng. Trách nhiệm được chia đều cho từng khẩu từ người già cả đến trẻ con, chia cả cho phần đất ruộng và đất đồi rừng tính theo diện tích của những hộ dân ở trong đó. Sống trong dân, anh hiểu, ai cũng muốn đi trên con đường to đẹp, sạch sẽ; ai cũng hiểu được giá trị lợi ích mà con đường mang lại kể cả trong phát triển kinh tế và thụ hưởng cuộc sống thường nhật, nhưng nói đến tiền là cả một vấn đề. Lại là một số tiền lớn và rất lớn. “Nhưng không làm không được”, đó là câu nói thường xuyên mà tôi nghe được trong cuộc trò chuyện. Trước khi gặp anh, chị Chủ tịch xã Đại Đồng Phạm Thị Thu Hằng có nói với tôi “Chị đã định từ bỏ khi vào tham gia cuộc họp thứ 10 của thôn”. Tôi hoàn toàn tin vào điều chị nói bởi, Đại Đồng đã hoàn thành về đích nông thôn mới cuối năm 2020, là xã nông thôn mới nâng cao năm 2022, không còn áp lực về chỉ tiêu đường giao thông nông thôn, trong lúc, là một chủ tịch xã chị phải xoay như chong chóng với bao nhiêu việc từ nhiệm vụ chính trị của năm, đến giải ngân các nguồn vốn, hay kể cả việc mua thẻ bảo hiểm cho dân, cài các ứng dụng chuyển đổi số, quản lý khai thác sử dụng đất và diện tích mặt nước trên hồ Thác Bà... Cái “không làm không được” mà đồng chí Nguyễn Ngọc Điền nhấn mạnh, tôi hiểu nó được xuất phát từ sự quan tâm lo lắng cho người dân. “Cứ để con đường như thế này người dân đi lại quá khổ, trẻ con đi học, người già đi bệnh viện, xe chở vật liệu xây dựng, vận chuyển gỗ lạt sau khai thác đồi rừng...”. Trách nhiệm của mình là phải đưa ra chủ trương, định hướng, quy tụ lực lượng và sẽ hỗ trợ hết sức. Nếu sự đóng góp của người dân không đủ, mình sẽ xin chủ trương của Thường vụ Đảng ủy cho kêu gọi quyên góp, ủng hộ.

Nói đến việc kêu gọi ủng hộ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của chị Lương Thị Thuần, một người không giàu có gì nhưng đã mặc cả áo mưa thùng thình mang 200 nghìn đồng “tấm lòng của em mong các bác nhận cho” vào tận nhà anh để ủng hộ một gia đình trên địa bàn vừa mới bị hỏa hoạn sau lời kêu gọi được viết vội trên facebook. Lướt một vòng trên trang cá nhân của đồng chí chủ tịch UB MTTQ xã sẽ thấy các hoạt động của xã, các đợt quyên góp ủng hộ, công khai minh bạch mọi thu chi với địa chỉ và hình ảnh cụ thể. Anh nói, thời đại 4.0 rồi, mình cũng phải biết tận dụng mạng xã hội để động viên kịp thời, lan tỏa những điều tốt đẹp và công khai minh bạch mọi nguồn tiền để người dân biết tiền mình đóng góp đã đi về đâu. Chính sự công tâm, rõ ràng trong cách làm việc là bảo chứng niềm tin để mỗi lần, Chủ tịch MTTQ xã đứng ra kêu gọi ủng hộ con số thu được vượt quá mong đợi. Và thường các cuộc kêu gọi đó được thông báo dừng nhận ủng hộ trước thời gian dự kiến. Gần 5 triệu đồng cho một ngày kêu gọi bà con nhân dân hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã mua bảo hiểm y tế là một con số biết nói.       

Trở lại với câu chuyện làm đường ở Hồng Bàng. Sau khi được anh đến từng hộ gia đình chưa đồng thuận, còn nhiều khó khăn vướng mắc cùng ngồi lại bàn cách tháo gỡ thì những cối bê tông đầu tiên cũng được đổ xuống, con đường nhanh chóng hoàn thành. Hân hoan được bước đi trên con đường mới, sạch, đẹp, người dân đã tự nguyện kêu gọi đóng góp tiền hoàn thiện 900m đường còn lại. Vậy là 1.400m tuyến đường Ngọn Ngòi chạy dọc thôn được hoàn thiện trong sự ngỡ ngàng, đồng chí Chủ tịch UBND Phạm Thị Thu Hằng hào hứng nói “Chị đã đi “vay” xi măng để làm đường ngay khi anh Điền báo tin nhân dân thống nhất cao làm hết 1.400m đường. Phải đi vay vì không có trong kế hoạch dự tính, nhưng vui lắm”.    

Hôm nay, cũng không phải là một ngày đi nắm tình hình nhân dân như bình thường, đồng chí Chủ tịch UB MTTQ Nguyễn Ngọc Điền đang vào thăm hỏi gia đình ông Nguyễn Duy Hoàn, đó là người đàn ông ốm yếu mang trong mình căn bệnh nan y khi mới ngoài 60 tuổi, nhưng ông là biểu tượng của tình đoàn kết và tinh thần trách nhiệm. Sẽ không ngoa khi nói “nếu không có ông sẽ không có con đường bê tông Ngọn Ngòi vào lúc này”. Sau nhiều ngày bàn bạc thống nhất, số tiền làm đường sẽ được chia theo nhân khẩu. Khó hơn nữa là khi ranh giới chỉ bằng một cây núc nác mà phía bên này cách tính là 4,8,triệu/ha trong khi đó phía bên kia số tiền tính gấp đôi. Tính đi tính lại tổng số tiền mà gia đình ông Hoàn phải đóng lên đến 38 triệu đồng. Số tiền ấy đối với một gia đình thành phố đã là lớn, nói gì đến một gia đình nông thôn miền núi nghèo. Đó là chưa kể, với một người tuổi cao bệnh trọng có thể họ còn không được hưởng niềm vui đi trên con đường mới. Sự thật là ông đã không được chứng kiến hình ảnh cả thôn tổ chức ăn mừng khi con đường nhọc nhằn đó hoàn thành. “Mình chưa hưởng thì con cháu mình hưởng”, lời nói của ông Hoàn vẫn làm Chủ tịch UB MTTQ nghẹn ngào xúc động trên mỗi chặng đường đi làm công tác dân vận. Vui hơn, người dân Ngọn Ngòi không chỉ đủ tiền hoàn thành con đường, họ còn có đủ tiền để kéo sáng đường điện và trồng hoa đủ màu sắc trên cả con đường dài 1.400m ấy. “Lạt ôm lấy rế, lá rách ít đùm lá rách nhiều” hơn 27.000 m đường bê tông hóa, 16 ngôi nhà của các gia đình nghèo, gia đình chính sách được xây dựng mới ở xã Đại Đồng, để có được xã nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao đã được xây dựng như thế.

Có làm công tác dân vận ở miền núi mới hiểu hết những khó khăn chồng chất. Đêm miền núi đằng đẵng, những con đường mịt mùng giữa đồi rừng. Phải thật xa mới có một nhà dân. Nhưng nếu không đi vào những lúc như thế dễ gì gặp được. Không chế độ đãi ngộ, thứ nhận về nhiều khi là những câu nói chói tai đến mất ăn mất ngủ. Nhưng nói như anh, “Đó là nghiệp của mình, nếu không phải là mình thì cũng sẽ phải là một người khác. Thôi thì sức đến đâu, cống hiến đến đó, rồi mọi người sẽ hiểu, sẽ tin. Nhưng mình vất vả một, người dân vất vả nhiều lần. Nếu như ở những vùng đông đúc dân cư, làm một đoạn đường, mỗi hộ gia đình phải đóng khoảng 5-10 triệu đã nhiều thì như ở Ngọn Ngòi số tiền huy động cho một lần làm đường lên đến gần 40 triệu mà đôi khi nhìn đi nhìn lại trong nhà chẳng có tài sản gì giá trị đến bằng đó cả”. Nghe anh nói đến đây, chính tôi cũng thấy nhói nhói, khó thở.

Như mọi cuộc trò chuyện, tôi xin anh chia sẻ kinh nghiệm làm công tác dân vận. “Mỗi người có một cách, cách làm của mình chưa chắc áp dụng được ở nơi khác nhưng có một mẫu số chung, mình nghĩ luôn đúng và mình đã tuân theo tôn chỉ đó là: phải biết tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, thấu hiểu họ để khơi dậy sức mạnh tiềm tàng đó và phải làm việc với hết nhiệt tâm, trách nhiệm của mình”. Trên thực tế thì mọi thành quả làm thay đổi hạ tầng nông thôn Đại Đồng hiện tại, chìa khóa nằm ở sự đoàn kết của nhân dân và phát huy sức mạnh các tổ tự quản. Đại Đồng có 11 tổ tự quản, người dân tự thống nhất, thỏa thuận về quy chế, hương ước, chế độ đóng góp, quyền hạn, trách nhiệm và sự giám sát lẫn nhau. Điều này, giúp cho người dân giải quyết được những vấn đề cần kíp của chính mình, được làm chủ thật sự và được tôn trọng.

Dù uy tín cao như thế, làm được nhiều việc như thế nhưng anh luôn cho rằng, thành tích lớn nhất mà anh có được không phải là đã vận động được bao nhiêu mà là chính anh đã góp phần giúp cho mọi người, mọi tổ chức thành viên của MTTQ đều trở thành một cán bộ dân vận trách nhiệm và tâm huyết.

Là người có nhiều năm cống hiến, kinh qua nhiều vị trí công tác từ Bí thư Đoàn Thanh niên, Bí thư Đảng ủy và giờ đây là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, anh thấu hiểu vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận. Không như ai nói, làm dân vận nhàn, công việc không cần áp chỉ tiêu, đo đếm, không định lượng. Anh hiểu dân vận là công tác làm cho xong thì dễ mà làm đến cùng thì càng làm càng nhiều việc. Không có một con đường nào khác ngoài lấy trái tim mình để đến với trái tim người khác. Đi cơ sở, thường xuyên nói chuyện, trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân chính là điểm cốt yếu.

Rất nhiều điều đã được chia sẻ, nhưng có lẽ điều tôi tôn trọng anh nhất, tâm đắc nhất trong những lần trò chuyện chính là cách nghĩ của một con người nhiều kinh nghiệm và thấu hiểu. Xưa nay, nói đến làm dân vận người ta cứ nghĩ đến việc thuyết phục người dân ủng hộ cái này, đóng góp cái kia. Nhưng “huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân”, người làm dân vận cũng cần phải biết động viên khích lệ kịp thời, lan tỏa và nhân lên nguồn sức mạnh tích cực. Được nghe anh hào hứng kể về nhà này vừa trồng được giống cây mới, nhà kia vừa mới thu hoạch ao; kể về những ấp ủ, dự định của từng hộ gia đình; về những kinh nghiệm mới vừa được bà con áp dụng… thế mới thấy được anh gần gũi, quan tâm, động viên người dân nhiều như thế nào. Bao nhiêu trách nhiệm anh nhận về mình để trao đi niềm tin tưởng, sự quý mến.

Câu chuyện vẫn đang dạt dào thì chuông điện thoại của anh reo lên, đứng bên cạnh tôi nghe rõ giọng chị chủ tịch xã “Anh xong việc ở Hồng Bàng chưa? Về xã đi với em. Việc này phải anh đi cùng em mới được”. Chúng tôi ra về, hoa bên đường in bóng lên những bước chân.

 

D.T.P

 

Các tin khác:

1-5 of 289<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter