Tiếng dỉ dèn của anh Tàm
Truyện ngắn của HOÀNG TƯƠNG LAI
Chiều nào cũng vậy, sau khi đặt các loại cạm bẫy quanh nương, Tàm nhóm lửa nấu bữa chiều lúc mặt trời còn chưa xuống núi. Cơm xong, chiếc tăm còn trong miệng, anh cầm cây dỉ dèn(*) treo trên mái lều đặt lên đùi kéo một đoạn, làm ngụm nước, rít hơi thuốc lào nh ngả người xuống chiếc gối mây, cây dỉ dèn đặt lên bụng anh lại vang lên. Tiếng dỉ dèn mảnh mai, nỉ non như tiếng ve ngân, như tiếng suối chảy, lúc dồn đập như trận gió thoảng qua. Lúc đó những con nhện đến đan mành dưới mái lều anh để bắt muỗi và hình như nó cũng muốn nghe tiếng dỉ dèn của anh. Chiếc lều của anh Tàm dựng giữa mảnh nương, ngày đến khai phá mảnh nương này anh đã chọn những cây gỗ chắc cứng để làm nên chiếc lều. Chiếc lều coi nương của anh dựng trên cao vừa coi thú đến phá lúa vừa để tránh nếu còn con hổ đói nào đến rình ăn thịt cũng không nhảy lên được chỗ anh nằm. Từ ngày có những con nhện đến giăng lưới quanh lều bắt muỗi, anh Tàm chẳng phải mắc màn nữa. Quanh nương anh đặt các loại cạm bẫy, thỉnh thoảng có sóc, cầy, chim các loại dính bẫy. anh mổ nướng treo trên gác bếp cho chú em hàng tuần lên lấy về ăn giúp. Tàm biết hiệu quả, công dụng vô cùng quý giá của tiếng dỉ dèn nó làm cho các loại sâu đến phá lúa đều tránh xa. Vậy nên từ ruộng nhà Tàm cùng ruộng chòm xóm xung quanh lẫn mảnh nương này đều không có con sâu nào đến phá lúa. Từ cây rừng, khóm lúa, cây ngô cùng những con thú to nhỏ đều quen uống tiếng dỉ dèn vang lên từ chiếc lều nương ấy nên mọi thứ đều xanh tốt, mượt mà và thân thiện như không thể thiếu vắng tiếng dỉ dèn mỗi khi trưa về tối đến.
Tàm quý cây dỉ dèn từ nhỏ. Ngày ấy cha thường kéo dỉ dèn để ru con ngủ. Cũng lạ. Nghe tiếng dỉ dèn của cha, Tàm chỉ mếu máo một lát là ngủ ngon trong lòng cha để cha đặt lên võng lúc nào không biết. Thế là nghiện, không được nghe tiếng dỉ dèn là anh không ngủ được. Cha mất. Tàm đã kéo thạo các bài hát Khắp, Cọi để gọi bạn tình. Thuở làm trai của mình, anh không có giọng hát ngọt như lũ trai bản nhưng lại có tài kéo dỉ dèn. Đang nghe tiếng hát Cọi của bạn trai, tiếng dỉ dèn của Tàm cất lên là người già ngẩn ngơ dỏng tai lên nghe, còn bọn con gái xúm lại quanh Tàm chẳng muốn rời bước. Bọn con gái còn hiểu được chàng trai Tàm đang kéo bài Khắp gì và dành cho ai. Ngày ấy, Tàm có một mối tình với Lụa xinh người đẹp nết nhất bản Tin Đán này cũng bởi tiếng dỉ dèn khi Tàm kéo cho nàng lên giọng hát Khắp. ".... Anh bỏ em chẳng lìa/ Anh đi em chẳng biệt/ Bao giờ nai lìa rừng mới bỏ/ Lúc nào trâu lìa cỏ mới thôi/ Đổ nước cho đầy sọt mới lìa/ Đổ nước cho đầy vợt hẵng xa..." Lễ hội Lồng Tôồng năm ấy, những quả còn như cánh én cứ chao đi chao lại cạnh vòng đồng tâm trên cao nơi lưng trời, rồi tiếng vỗ tay như sấm dậy khi quả còn từ tay Lụa tung lên lượn xuống và Tàm đã đón được. Khi Tàm tung lên quả còn đã trúng đích, tiếng sấm tay lại vang lên khi Lụa và Tàm đứng cạnh cột còn nhận phần thưởng và Lụa hát bài Cọi cho Tàm kéo dỉ dèn, giọng hát Cọi của Lụa vút lên cao cùng tiếng dỉ dèn ngọt lịm đan dính quyện lấy nhau giữa lưng trời đầy nắng: " ... Mùa xuân về nắng ấm tỏa bản mường/ Hoa mận hoa đào khoe sắc thắm/ Nhạn én bay gọi bạn bốn phương/ Về chơi hội tháng giêng mường noọng/ Hát Cọi mời bạn cùng đua yến/ Tiếng dỉ dèn mời bạn đua còn/ Còn yến quện trên cao cùng én/ Hoa người và hoa núi nở thắm... ơi ứ hợi... Tạm biệt mùa xuân sau lại đến ơi ứ hợ..." Làng bản ai cũng mừng cho đôi bạn trẻ đẹp đôi trai tài gái sắc sắp nên vợ nên chồng. Nhưng nhà Tàm nghèo quá không lấy được Lụa về làm vợ. Ngày sắp lấy chồng ở làng bên, Lụa hẹn Tàm ra bờ suối để nghe anh kéo dỉ dèn lần cuối. Tiếng dỉ dèn như lời giã biệt của nước non của suối núi Chò tiễn người mình yêu thương sang bản bên xây tổ ấm. Bỗng "ùm", Lụa lao xuống vực sâu. Tàm bỏ dỉ dèn lao xuống theo mãi mới kéo được Lụa lên bờ. Bộ váy áo chàm Lụa ướt sũng nước suối núi Chò mà Tàm ôm người yêu đến khô cả váy áo trên người. Tàm lựa lời an ủi. “Con người ta có duyên số em ạ! Ông trời chẳng se cho hai ta thành đôi, em đau anh cũng xót lắm chứ. Nhưng đừng buồn em ạ! Chẳng thành vợ chồng hai ta vẫn là bạn tốt của nhau đi suốt cuộc đời. Rồi Lụa sẽ có ngày mới tốt đẹp hơn anh mong ước”. Nói mãi, Lụa mới chịu nghe anh sang bản bên lấy chồng. Từ ngày ấy, tiếng dỉ dèn của Tàm càng da diết, có lúc nức nở như tiếng khóc than thương xót gửi vào mây vào gió.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ. Tàm treo chiếc dỉ dèn lên gác và dặn mẹ: Mẹ giữ kỷ vật này của cha cho con, đánh xong giặc, con về lại kéo dỉ dèn cho mẹ và các em nghe nhé mẹ. Suốt 6 năm đi khắp các chiến trường, Tàm bị thương vì chất độc màu da cam của Mỹ rải xuống chiến trường, Tàm trở thành bệnh binh trở lại quê hương. Mẹ Tàm đã theo cha lên nằm ở sau nhà, cây dỉ dèn vẫn còn treo trên mái cọ đợi anh.
Cuộc phát triển kinh tế sau chiến tranh đang gặp nhiều khó khăn tạm thời. Do dong công phóng điểm, hợp tác xã nông nghiệp chỉ còn ba lạng thóc trên một công lao động. Rồi nghị quyết "Bung ra". Bà con được mở rộng trồng thêm lúa nương, ngô đồi ở những khoảng rừng lau lách, khai phá thêm ruộng nước ở các khe dọc ven suối. Đời sống người làm nông nghiệp ở vùng núi dần được nâng lên. Gặp phải năm sâu phá lúa xảy ra trên diện rộng, thuốc trừ sâu không đủ cấp, bà con phải dùng cẫng cọ có gai để ra ruộng tìm diệt sâu cuốn lá. Bà thím của Tàm muốn nghe lại tiếng dỉ dèn của Tàm nên gọi cháu sang nhà kéo cho thím cùng cả nhà nghe. Nhà thím nổi tiếng là hộ trồng dâu nuôi tằm có tiếng trong vùng. Hơn chục nong tằm đang rải lá dâu cho tằm ăn, phần đã vào kén bà để riêng sang nong khác. Bà thím phấn khởi thấy cháu mấy năm cầm súng đánh giặc khắp các chiến trường mà nay tiếng dỉ dèn vẫn ngọt lịm. Tàm kéo dỉ dèn từ sáng đến trưa, ăn cơm xong lại kéo cho đến chiều tà. Tàm kéo gần hết các bài Khắp, bài Cọi mà anh thuộc từ khi chưa vào bộ đội. Bà thím nghe đến một bài Khắp: Bà bảo: “Cháu kéo bài này khiến con Lụa nhảy xuống vực tự tử vì không lấy được cháu chứ gì?”. Tàm hỏi về Lụa. Bà thím kể: “Lụa nó bỏ chồng về nhà mẹ đẻ ở rồi!”. “Sao thế thím?”. “Chồng nó nát rượu hay đánh nó thâm tím cả người, lại nghiện hút. Cả chục con trâu chui vào bàn đèn hết chả còn gì, chiếc nồi sứt cũng chả còn. Nó không chịu nổi nên ra tòa ly hôn rồi”. “Thế con của Lụa theo ai hả thím?”. “Đã có con đâu, cái thằng nghiện ngập thân gầy như que củi ấy, đi còn không vững nữa là!”. Tàm lại chạnh buồn, anh xin phép bà thím ra về.
Tuần sau bà thím sang nói cho Tàm biết: “Cả gần hai chục nong tằm của thím coi như bỏ hết vì tự nhiên tằm không ăn lá dâu nữa. Hay là tiếng dỉ dèn của cháu hay quá làm cho nó không ăn nổi lá dâu non nữa, hả cháu?”. Tàm vò đầu bứt tai: “Cháu cũng không biết nữa. Để cháu kiểm nghiệm lại đã”. Nhà Tàm lúc này chỉ còn hai anh em. Ba sào ruộng trước nhà được khoán thẳng giao cho gia đình hai anh em. Ruộng khá tốt mà sâu cuốn lá, đục thân phá trụi gần một nửa. Tàm bảo em chú: “Chiều giúp anh dựng một chiếc lều nhỏ ở bờ ruộng!”. “Để canh sâu phá lúa hả anh?”. “Được cứ làm đi, khắc biết”. Chập tối ấy, Tàm cầm cây dỉ dèn cùng chiếc đèn dầu ra chiếc lều nơi bờ ruộng của nhà mình. Tàm đặt cây dỉ dèn lên đùi và anh kéo, tiếng i i nhỏ như sợi chỉ xuyên qua màn đêm, từng giọt, từng giọt vuốt theo từng ngọn lúa, theo gió thoảng khắp tràn ruộng đương thì con gái. Gió thổi nhè nhẹ, tiếng dế cùng tiếng côn trùng ngừng bặt. Ngọn đèn dầu khi mờ khi tỏ, tiếng dỉ dèn vẫn nỉ non vọng vào đêm trộn lẫn tiếng gà gáy vang dài, vang xa khắp xóm.
Sau ba đêm Tàm ra chiếc lều ở bờ ruộng kéo dỉ dèn. Một sáng, em chú của Tàm ra thăm lúa bỗng reo lên như cất vó được con cá to. Anh Tàm ơi! Sâu phá lúa chết hay bỏ đi đâu hết rồi, em lội khắp ruộng nhà mình sang mấy thửa nhà bên cạnh cũng không bị sâu phá nữa. Ái chà! Được đấy! Hay là tiếng dỉ dèn của anh hay quá mà con sâu nó nghe quên luôn chuyện cắn lúa. Không phải đâu! Anh nghiệm ra rồi, từ vụ những nong tằm của nhà bà thím bị hỏng. Những con sâu bọ đó chắc là nghe tiếng dỉ dèn bị ghê răng không cắn nổi thức ăn nữa nên chết hoặc chạy tháo thân đi nơi khác.
Em chú của Tàm giục: “Hết giặc, đất nước hòa bình thống nhất rồi, anh lấy vợ đi rồi đến lượt em chứ!”. Giọng trầm xuống, Tàm thủ thỉ cái điều hệ trọng cùng em chú: “Anh bị chất độc da cam, có ai dám lấy, vì lấy cũng chẳng có tương lai con cái. Chú ở nhà chăm mấy sào ruộng để anh lên chân núi Chò phát nương trồng lúa sau trồng cây là ăn chắc nhất, được chú nhỉ?”.
Con suối nhỏ bắt nguồn từ lưng núi Chò quanh năm có nước chảy. Tàm bắc lần dẫn nước về tận chiếc lều nương của mình. Dưới khe, anh mang cây mon từ dưới nhà lên để trồng nay thành vạt mon xanh tốt men theo bờ khe. Tàm dự tính nuôi mấy con lợn, đàn gà, khai phá chỗ đất bằng thành ruộng bậc thang, chỗ cao thì trồng cây. Từ đây về đến nhà mình chẳng bao xa, mà có khi lại thành bản mới cũng nên. Nếu thành bản là đặt tên gì nhỉ? Phải rồi! Bản Gốc Chò. Vì núi Chò ngày xưa nhiều chò chỉ lắm, con người làm mất dần hết nòi chò chỉ trên núi. May còn giữ lại kịp màu xanh của các loại cây khác nên núi vẫn cho dòng nước mát tưới cho cánh đồng bên chân núi. Hổ, hươu, nai, dúi, cầy hương chạy đi đâu hết, cả những con trăn dài hàng mấy mét cũng biến theo. Tàm đã tân trang được cây dỉ dèn của mình, anh thay bộ da ếch trên chiếc ống bằng da kỳ đà, hai dây bằng sợi chỉ tơ lấy từ nhà bà thím, bộ dây kéo bằng những sợi lông ngựa nên mỗi lần kéo dỉ dèn vang xa từ vạt nương này sang vạt nương bên cạnh, tiếng vang vọng xuống tận khe mon kéo dài sang tận thung bên kia. Tàm kéo hết các bài Khắp, bài Cọi mình thuộc lại kéo đến bài hát thuở cầm súng ở chiến trường như: “Sợi nhớ sợi thương”, “Trường Sơn đông Trường Sơn Tây” rồi bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.... Tàm nghĩ có lẽ cây dỉ dèn kéo phù hợp nhất là điệu hát của người Tày mình. Giọng ứ ơi hứ hợi hay ới của Khắp Tày ngân nga, tha thiết, mảnh mai có tiếng dỉ dèn luồn vào quấn quýt làm nên sắc thái riêng có của núi rừng, của người dân Tày quê núi mình. Tàm thích nhất là bài gốc Cọi, anh kéo dỉ dèn cả buổi chả thấy mệt: ".... Giờ đẹp anh cất tiếng bảo em ơi/ Giờ tốt anh cất lời/ Kể về truyện gốc cọi ngày xưa/ Tiếng lượn cọi vọng về nhớ mãi/ Gốc cọi ở rừng già đưa về/ Gốc cọi ở suối ngàn chia cho/ Đêm nằm còn vọng mãi bên tai/ Tiếng lượn nơi đỉnh đồi da diết/ Từ nay có tiếng cọi trời ban/ Truyền cho xuống thế gian mãi mãi/ Tiếng ve gọi tha thiết núi rừng/ Tiếng ong ca vang lừng bên suối/ Tháng mười chim queng quý gọi nhau/ Cùng tiếng cọi hòa vang khắp núi/ Đêm ngày nghe tiếng cọi vọng về/ Rộn ràng nơi sơn khê mọi bản/ Tiếng ứ hợi tìm bạn tâm tình/ Rạo rực muôn trái tim nhớ mãi/ Đời này truyền cho mãi đời sau/ Ngân tiếng cọi đêm ngày mãi mãi..."
Lụa bỏ chồng về nhà ở cùng mẹ và vợ chồng em cậu. Đã gần ba năm, những vết thương chồng đánh đập ngày nào nay đã liền sẹo, nhưng vết thương lòng vẫn còn đang rỉ máu. Lụa lầm lũi chẳng dám ló mặt đi dâu xa. Nhờ em cậu đi làm ăn xa ở công ty tận dưới miền xuôi nên đã có tiền làm được ngôi nhà sàn cột bê tông vững chãi. Lụa ở nhà cùng giúp em mợ trồng lúa, trồng màu, nuôi đàn lợn nái. Một hôm, em mợ mách chị lên khe Chò cắt mon về nấu cho lợn ăn. Lợn con đang có giá, nhất là mấy con lợn rừng phải cho nó ăn thân chuối, mon cùng sắn thì nó mới ra dáng lợn rừng. Lụa thắc mắc: “Khe ấy làm gì có mon?”. “Thì chị lên đấy khác biết, mon nhiều lắm chị ạ!”.
Sáng ấy, trời hây hây nắng. Những đụn mây trắng như chiếc mũ bông đang đội cho chóp núi Chò. Lụa thắt vỏ dao lên khe Chò. Ồ, nhiều mon thế, cả một khe dọc theo bờ suối toàn những mon là mon. Mà mon mọc tốt thế chả có cây cỏ dại nào lẫn, Lụa nghĩ: Đám mon này chắc chắn phải có người ra tay chăm sóc thì mới được thế này. Lụa mang theo chiếc bao tải nhưng chưa dám cắt mon, cô ngồi nghỉ bên gốc cây chờ xem có ai đi lại để hỏi chủ nhân của đám mon này. Lụa ngước nhìn lên, trước mắt là những thửa ruộng bậc thang ai vừa khai phá nước chảy gần tràn bờ. Tràn phía trên lúa đang thì con gái, lại có chiếc lều cao tít trên ấy nữa. Lụa chẳng còn lạ khe Chò ngày xưa nữa. Ngày ấy Lụa theo chúng bạn lên tìm măng hốc, không dám đi một mình vì sợ beo, sợ rắn, rết, sợ nhất là lũ vắt xanh. Người đi trước còn đỡ, người đi sau bị lũ vắt xanh bám lấy quần áo bò lên tận cổ mà hút máu người. Mà lũ vắt xanh nó có thuật thôi miên hay sao ấy, có con hút no máu treo vào bắp chân như chiếc mõ trâu rơi xuống đất mới phát hiện ra, chết khiếp đi được. Giờ ngồi nghỉ cạnh bãi mon bên bờ suối này chả thấy con vắt nào bén mảng, muỗi cũng hình như không có. Có tiếng gà rừng gáy te te trên lưng núi Chò, có cả tiếng họa mi, tiếng hót đối nhau của bầy khướu ở triền núi. Cô nghĩ ngày chưa chỗ này không dốc lắm nhưng rậm, có những búi gai mây to như gian nhà sàn cho beo làm tổ. Giờ khác quá, lại ở triền núi bên kia, bên kia nữa, những tràn ruộng bậc thang đang xanh lúa. Ồ, sắp thành làng mới cũng nên. Lụa đang mơ màng ngắm cảnh thì hình như có tiếng dỉ dèn ở đâu đó cất lên. Lụa ngơ ngác như người mất hồn, không tin vào tai mình nữa. Tiếng dỉ dèn tít trên cao ấy vọng theo khe xuống thung mon này nghe mỗi lúc một rõ. Mấy năm rồi làm ăn lam lũ bên bản khác nay dứt ra được về lại bản sinh ra mình lại được nghe tiếng dỉ dèn. Mà tiếng dỉ dèn hình như cất lên từ chiếc lều trên cao ấy thì phải, có cả những sợi khói mỏng mảnh giăng quấn quýt trên mái lều ấy. Lụa nghe như lạ mà như quen quá tiếng dỉ dèn đang vang vọng xuống từ chiếc lều nương trên ấy. Đúng rồi, bài dỉ dèn Lụa đã nghe bên bờ suối của anh Tàm hôm ấy:
"... Cất lời cùng cành châm bạn ngọc/ Gìơ đây còn nói được cùng nhau/ Lúc nữa vía hai nơi cách biệt/ Tựa như chim ăn trái lìa tổ/ Biết bao giờ hội ngộ hai ta/ Giống như bụt nơi chùa bỏ hương/ Xa em bao tháng ngày gặp lại/ Xa anh về khác xã hãy thương/ Xa anh lập gia đình khác bản/ Cơm nước xong mắc màn vào ngủ/ Em hãy đặt gối để cho anh/ Vía hôm sớm được thành bầu bạn/ Ngộ nhỡ em mơ đến cũng nên/ Cơm ăn đặt xuống mâm thêm đũa/ Cau trầu đặt gần chỗ bạn nằm/ Vía anh được cùng nàng kết bạn/ Anh nhắn em khác bản đừng quên..../ ..... Anh bỏ em chẳng lìa/ Anh đi em chẳng biệt/ Bao giờ nai lìa rừng mới bỏ/ Lúc nào trâu lìa cỏ mới thôi/ Đổ nước cho đầy sọt mới lìa/ Đổ nước cho đầy vợt hẵng xa ...".
Đúng tiếng dỉ dèn của anh Tàm rồi. Bỏ lại chiếc tải cùng con dao bên dộc mon, đôi chân leo dốc như đôi cánh bay lên đưa Lụa tới chiếc lều nương nơi lưng chừng núi, giữa buổi trưa nắng tràn lấp lóa khắp núi Chò...
H.T.L.
-----------
(*): Cây dỉ dèn của người Tày giống cây nhị của người Kinh nhưng cần cao dài hơn. Ngày nay người ta vẫn kiêng kéo nhị và dỉ dèn đối với những nhà đang nuôi tằm, nghe tiếng kéo nhị và dỉ dèn tằm sẽ không ăn lá dâu được nữa. Người Tày ngày xưa dùng tiếng dỉ dèn để diệt sâu phá lúa.