• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
“Hãy rộng lượng lòng tốt”
Ngày xuất bản: 29/07/2022 3:50:12 SA

Nếu không phải là người thân thì có lẽ không ai biết về việc này: Cứ cuối năm, chị dành dụm một số ngân sách nhất định để đi từ thiện ở những vùng núi cao như Hòa Bình, Ba Vì… Đi đến những nơi thường có những cuộc đời không may mắn, những số phận nổi trôi theo kiếp người. Chị thường đi một mình, không muốn ai biết đến và cũng chẳng quan tâm ai nghĩ gì.

Nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ Bàng Ái Thơ

Tôi chỉ vô tình biết được bởi nó liên quan đến câu chuyện những bức tranh của gia đình thất lạc 10 năm, nay được nhà sưu tầm tốt bụng trả lại. Tuy nhiên, với những người từng tiếp cận đủ lâu, không có gì ngạc nhiên về điều nói trên bởi với chị, một người mà làm gì cũng chỉ nghĩ phần hơn cho thiên hạ, còn bản thân thì gì cũng xong.

Sau này khi có điều kiện gần gũi, tiếp xúc nhiều thì tôi được biết thêm, có rất rất nhiều người cũng được chị giúp đỡ nhiệt tình, như chính con cháu người thân. Có những cuộc đời khó khăn, cô đơn… lại được chị dang rộng vòng tay cưu mang, đứng ra bảo vệ trước những ngang trái trong đời sống thường nhật. Thấu hiểu, cảm thông, bao dung, chia sẻ để mong cho họ có cuộc sống tốt hơn. Bản tính không thích phô trương nên chị thường gạt đi, không muốn nói rõ câu chuyện tế nhị về tên, tuổi của người được giúp.

Người ta bảo “cứu một người còn hơn xây 7 tòa tháp” nhưng với chị thì chỉ đơn giản là “Gặp người khó khăn, giúp được thì phải giúp chứ”.

*

Sau nhiều năm miệt mài lao động nghệ thuật quên ăn quên ngủ để vẽ tranh, trang trí nội thất… chị tích lũy được một số vốn nho nhỏ. Ngày 25/07/2005, chị cùng các bạn bè là nhà văn, nhà thơ, dịch giả, hoạ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, y bác sĩ… chung nhau mua đất trên đồi Ban Phốc, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội. Khi đó hầu hết chưa có ai trong nhóm thu xếp được thời gian để về đây, chỉ có mình chị xây 1 căn nhà đá gần trên đỉnh và ở đây một mình. Cuộc sống thanh tịnh, chị dành thời gian để chiêm nghiệm về những đổi thay cuộc đời.

Thế nhưng hai cô con gái khi đó đã lớn, chúng không an tâm khi mẹ ở đây, họ nói tha thiết với chị “mẹ mà ở đây chúng con không an tâm. Lúc khỏe đã đành, ốm đau thì làm sao? Chúng con đi làm không thể luôn về đây được. Mẹ có thương chúng con thì về Hà Nội đi ạ”.

Mẹ nào chả thương con. Con gái nào chả xót mẹ. Thôi thì chị về cho con an tâm. Thời gian chừng ấy năm ở đây cũng đủ cho tâm hồn một góc yên ả.

Trở về căn nhà ở Hà Nội nhưng chị vẫn đau đáu với ý định “xây dựng khu Đồi này trở thành một điểm Văn Hoá tại Ba Vì. Điểm văn hóa này là nơi mà tất cả những ai yêu chương, nghệ thuật đều có thể đến đây giao lưu, tọa đàm. Bất kể là ai, đặc biệt những nghệ sỹ không có điều kiện kinh tế vẫn được chào đón nồng nhiệt…”. Gần đây, địa chính đất đai đến đo đạc cụ thể, họ tự đặt tên nơi này là Xóm Nghệ sỹ, sau đổi thành Đồi Nghệ sỹ.

*

Đầu mùa hè, có những đêm trăng sáng, ngồi trước cửa ngôi nhà đá, gió mát trăng thanh, hàng thông reo như thì thầm vào tai. Người phụ nữ ấy cứ thế thả hồn mình theo mộng ảo của quá khứ. Lạ một điều, quá khứ của chị dài đằng đẵng với nỗi buồn mênh mang nhưng giờ đây, nỗi niềm ấy bay biến đi đâu hết, chỉ còn lại những ký ức thời hạnh phúc đơn sơ in sâu trong tâm khảm. Đặc biệt ký ức sâu đậm nhất là hình ảnh người cha già, cống hiến hết mình cho nghệ thuật nước nhà.

Là người gần gũi với cha nhất so với các anh em khác trong nhà. Khi còn nhỏ, cô bé yêu thơ ca thường được cha cho theo đến Lớp bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam và ngồi cuối lớp nghe cha nói chuyện, trao đổi về những sáng tác với các nhà văn trong giờ giảng. Từ khi nào không rõ, tâm hồn đứa bé nhạy cảm đã ngấm sâu những hình ảnh và những ngôn ngữ từ mạch nguồn văn chương như định mệnh của cuộc đời.

Ký ức trôi về năm tháng còn nhà ở 96 Phố Huế, khi tiếng tàu điện chạy leng keng buổi sáng, ông khua các con dậy. 7 người con xếp hàng dài như học sinh để nghe cha dậy học Tam tự kinh... Suốt cả tuổi ấu thơ được gần bố, các con đã ảnh hưởng tính cách của cụ rất nhiều. Cụ dạy các con đến với nghệ thuật một cách rất hồn nhiên.

Ảnh hưởng từ cha rất lớn, chị đọc, nghiền ngẫm, thích tác phẩm của cha từ những ngày thơ bé. Cha gắn với hình ảnh người đàn ông ngồi uống trà, thưởng cảnh đầy tao nhã, ông không bao giờ mắng quát con cái, chỉ cùng con học và dạy con yêu nghệ thuật một cách tự nhiên…

Mỗi khi lên Đồi, những ký ức tươi đẹp ấy lại dội về khiến chị càng yêu tha thiết nơi chốn này. Chị vận động những người trong nhóm bạn bè, người thân ủng hộ ý kiến về xây dựng tương lai cho khu vực. May mắn thay, tất cả đều nhất trí. Bước đầu thống nhất tạo lập nơi đây thành tụ điểm để các nghệ sĩ cùng bạn bè giao lưu, sáng tác và nghỉ dưỡng; đồng thời trở thành điểm Văn Hoá trong tương lai.

Được thừa hưởng dòng máu nhân văn tốt bụng, phóng khoáng, thương người của dòng họ Bàng như những gì đã viết trong cuốn Bàng Gia Vọng Tộc: “Lối sống Mạnh Thường Quân của gia đình nhà cụ Bàng Nguyên Dũng thể hiện ở nhiều khía cạnh, bao gồm dựng nhà lập ấp, thu nhận dư cân tha hương từ các nơi đến khu phố Kép, cho họ ở không lấy tiền, hỗ trợ họ tạo dựng cuộc sống. Đặc biệt là nơi yêu thích của các văn nghệ sỹ. Nghệ sỹ nghèo nhất có thể tới đây giao lưu văn nghệ, ăn ở lưu trú tự nhiên cả tháng cả năm… Sau này nghiên cứu về nghề thuốc, cụ chữa bệnh cho người không lấy tiền”.

*

Vào ngày giỗ lần thứ 6 của bố, Đồi Nghệ sỹ đông vui hơn mọi khi. Nắng vàng rực rỡ. Mới hôm qua còn mưa tầm tã, sầm sập đen sì, vần vũ mây. Ấy thế mà hôm nay, trời đã nắng ráo, bừng sáng cả một vùng đồi. Cây cối mướt mát hơn nhờ cả ngày hôm qua mưa đổ bộ trần gian.  

Chị từ Hà Nội lên đây từ mấy ngày trước để chuẩn bị cho ngày giỗ cha. Căn nhà trên đồi vừa sửa xong với sự trợ giúp đắc lực của anh Chính, em trai chị. Niềm vui hiện rõ trên nét mặt của chị nhưng có một sự thật mà nếu ai để ý sẽ có thể nhận ra: Chị gầy đi nhiều. Có lẽ một phần vì chị phải lo lắng, đôn đốc cho hoàn thiện việc sửa sang ngôi nhà. Một phần lớn khác từ cách đây cả tháng trời, chị đi đi lại lại như thoi giữa Hà Nội – Yên Bài, Ba Vì để lo hoàn tất thủ tục, giấy tờ pháp lý cho các cư dân của Đồi Nghệ sỹ… Làm việc đó một cách tự nguyện nên vui vẻ, chỉ có điều dường như thân hình bé nhỏ phản đối khi cứ phải ra ngoài nắng gió, đo đạc, chỉ dẫn địa chính để cho chuẩn xác. Muốn mang đến điều tốt đẹp nhất cho mọi người nên chị phải tự mình đôn đốc, lăn xả. Con đường đi xung quanh quả đồi cần nhiều công của, từ việc phát quang, san bằng, dải đá… Lại biết kêu ai đứng ra lo liệu? Thôi thì cũng lại chị lo gần hết cho mọi người, mỗi hộ chỉ góp một số tiền khiêm tốn để phụ giúp, còn lại chị chịu hết. Nào có phải giàu có chi, chị cũng chỉ là người nghệ sỹ lao động nghệ thuật chân chính, gom góp để giúp người thân, bạn bè và bằng lòng với cuộc sống do mình tạo nên.

Gầy đi rõ rệt nhưng bản thân chị, hẳn là không nhận ra điều đó đâu. Bởi vì, luôn dành phần hơn cho người là bản chất, là nghiệp của chị rồi.

Sau khi quan sát chị đủ lâu, tôi lại gần, nhìn vào mắt chị nói: “Chị ơi, chị ăn gì đi chứ. Cứ lo hết cho mâm này, mâm kia, đoàn khách này, khách kia…”.

“Ừ, chị không sao. Cũng uống sữa và bốc chút xôi rồi. Hôm nay vui quá”.

Dường như ai thân với chị cũng hiểu “chị là thế. Chỉ biết lo cho mọi người thôi. Còn mình thì thế nào cũng xong”. Trong lòng bạn bè thân thiết dấy lên sự xót xa “chị muốn mang niềm vui đến cho mọi người. Mong mọi người sống tốt, cùng nhau tạo dựng điều ý nghĩa cho khu này. Đơn giản vậy thôi, nhưng liệu có ai thấu?”.

Đó là lo xa, chứ thật ra, chị giúp đỡ ai, mang điều lợi cho ai, mang niềm vui cho ai… đều xuất phát từ sự tự nguyện cho đi và không mong nhận lại. Bạn bè có lần ái ngại nói “sao chị có thể cho đi dễ dàng thế. Cho người ta thứ mà mà bản thân đã phải nỗ lực bằng mồ hôi, nước mắt từ công sức lao động nghệ thuật của mình. Toàn nhận thiệt về mình mà chả ai hay. Người tốt không sao, nhỡ người xấu thì làm thế nào? Mà chị cũng nhiều lần thương không đúng người rồi, chị phải cẩn trọng hơn chứ?”.

Với nụ cười hiền lành, chị ôn tồn nói: “Ôh, không ngại đâu. Mình tâm niệm, tử tế không bao giờ thừa. Hãy cứ tốt với người đi. Người ta sẽ không lỡ không sống tốt đâu. Mà kể cả sau này, nếu họ sống không tốt thì có trời biết, đất biết. Không cần phải làm gì, những người sống tồi sẽ không được phúc báo. Nhân – quả không bỏ sót một ai. Vậy nên, hãy cứ an yên mà rộng lượng lòng tốt…”.

Đó là họa sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ Bàng Ái Thơ!

Nguồn Văn nghệ số 30/2022

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter