• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Đời lính, nghề thầy thỏa ước mơ
Ngày xuất bản: 22/11/2023 3:43:04 SA

(Nhân đọc 3 tập thơ: “Nghiêng nghiêng bóng núi”, “Thao thức một miền quê”, “Lau thưa xào xạc mãi” của tác giả Lê Ngân)

                                                       QUANG BÁCH

 

Nhà giáo, nhà thơ, cựu chiến binh Lê Ngân là đồng nghiệp trong lĩnh vực giáo dục của tôi. Vì rất yêu quý, kính trọng ông nên tôi đã vẽ tặng ông bức chân dung bằng ngôn ngữ, thông qua bài thất ngôn bát cú đường luật, với tiêu đề “Bức chân dung tự họa”, kèm theo dòng đề tặng chân tình “Kính tặng nhà giáo, nhà thơ, cựu chiến binh Lê Ngân”:

            Nghiêng nghiêng bóng núi sáng lời thơ

            Đời lính nghề thầy thỏa ước mơ

            Tiễu Phỉ công đồn đồng đội đợi

            Bình văn giảng toán học sinh chờ

            Gieo vần báng súng tình man mác

            Xướng họa thi đàn dạ ngẩn ngơ

            Sóng gió đời thường thuyền vững lái

            Khiêm nhường lãng mạn một người thơ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia phong nề nếp ở Yên Bái. Năm nay Lê Ngân đã ở tuổi 90, cách nói người xưa là thượng thượng thọ. Ông sống qua nhiều chế độ, chứng kiến và tham gia nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Sự trải nghiệm cuộc đời đã đem đến cho thi tứ của ông những trang, dòng giàu cảm xúc nhân văn ở hai chủ đề “Thơ lính- Thơ thầy”.

Những năm năm mươi thế kỷ trước, ở tuổi 19, 20 chàng thanh niên Lê Ngân sau khi tốt nghiệp phổ thông đã tự nguyện xếp bút nghiên lên đường tòng quân, trở thành bộ đội cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài và anh dũng của dân tộc. Ngày đi thật trong sáng, hồn nhiên và lãng mạn “Bất chợt xôn xao đàn bướm đỏ/ Nương gió theo người lên chiến khu” (Ngày đi, trang 5, tập thơ Nghiêng nghiêng bóng núi). Ở chiến khu, mỗi lần hành quân, giác quan tinh nhậy của thi nhân như nghe được lời tâm sự của ngàn sao khi đồng hành với người ra mặt trận “Ngàn sao hẳn nhớ người năm ấy/ Thì thầm kể mãi chuyện hành quân” (Qua Khau Phạ, trang 17- Tập thơ Nghiêng nghiêng bóng núi). Để rồi trong chiến tranh ác liệt, sống thiếu thốn, đói khát, sự sống và cái chết liền kề gang tấc mà không hề sợ hãi, chùn bước, người lính chiến tự động viên mình “Lính tình nguyện chống Pháp đều thế cả/ Gánh nhẹ thênh cả một trái tim hồng” (Trắng mãi một mùa hoa, trang 70, tập thơ Thao thức một miền quê).

Từ hình tượng Trái tim hồng, mạch thơ Lê Ngân đã đưa người đọc đến chiến trường gian khổ. Ở đó anh bộ đội Cụ Hồ đã vượt lên tất cả, thể hiện tinh thần chiến đấu, hy sinh dũng cảm. Mặc cho “Mảnh bạt che chẳng kín ba lô/ Súng đạn trên vai chân tay tê dại” hoặc “Lạnh thấu xương manh trấn thủ mỏng tang” nhưng “Đơn vị anh vẫn vững vàng tay súng/ Tìm diệt bọn Vàng Bâu, Xèo Lẻng lũ phỉ gian”. Ngoài những bài thơ khắc họa thành công hình ảnh người lính khi mặt giáp mặt với kẻ thù, nhìn đồng đội hy sinh, sự đau xót, tiếc thương trào dâng lên đầu súng, sức mạnh vô hình bỗng nhiên ùa tới, người lính nhắm mắt siết cò trút hết căm giận vào đội hình đối phương, nhà thơ Lê Ngân còn có những vần thơ làm xúc động tận đáy lòng người đọc. Đó là sự hy sinh của người bạn chung một chiến hào bởi bệnh tình trầm trọng và sự khắc nghiệt của thiên nhiên “Trận phục kích đêm qua không gặp địch/ Vẫn xót xa một chiếc lá lìa cành” (Nhớ một ngày, trang 13, tập thơ Thao thức một miền quê).

Tây Bắc mù sương, quân doanh luôn thay đổi bởi nhiệm vụ chiến trường, những miền đất có dấu chân người lính đi qua đã để lại trong thơ Lê Ngân nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều ấn tượng khó quên “Chiềng Ve ơi! Một thời quá khứ/ Mãi theo ta khắc đậm in sâu” (Một thoáng bâng khuâng, trang 26- Nghiêng nghiêng bóng núi). Và hôm nay mỗi khi nhớ về những kỷ niệm ấy, dòng hồi ức trong thơ ông lại xao xuyến, bồi hồi “Bảy mươi năm trước hư vô/ Mà nay tóc đã bạc phơ mái đầu/ Mười năm lính chiến rừng sâu” (Bảy mươi, trang 84- Lau thưa xào xạc mãi). Thời gian gần đây, cựu chiến binh Lê Ngân có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Trước những hàng bia liệt sĩ, tay run run cắm nén hương trầm, tưởng nhớ đồng đội năm xưa, lời thơ Lê Ngân lại một lần nữa khiến ta rưng rưng xúc động bởi chỉ một dấu hỏi tu từ đắc địa “Có phải máu hồng trong ngực đất/ Mỗi mùa lại trổ một đài hoa” (Lên đồi A1, trang 25, Nghiêng nghiêng bóng núi).

Nhật chạy, Pháp thua, Phỉ đầu hàng, anh bộ đội Lê Ngân được về học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, trở về Yên Bái gắn bó với ngành Giáo dục ba thập niên. Sự cống hiến của thầy Hiệu trưởng cấp 3 Lê Ngân được nhiều thế hệ học trò, giáo chức và lãnh đạo các cấp, các ngành ghi nhận. Nhiều bài thơ viết về sự nghiệp trồng người của thầy từ năm 1950 đến nay đã góp phần chứng minh cho sự phát triển không ngừng của phong trào thơ ca Yên Bái.

Mái trường quê hương gắn liền với bao kỷ niệm ấu thơ, nơi ươm trồng ước mơ cao đẹp đã đi vào thơ Lê Ngân bình dị, tự nhiên mà chứa chan hoài niệm “Đâu rặng lem già phủ bóng kín sân trường/ Ríu rít giờ chơi rải ranh bi đáo/ Thầy xưa bạn cũ ai đầu trời cuối đảo/ Ai mất ai còn có nhơ mái trường xưa” (Thao thức một miền quê, trang 21, trong tập thơ cùng tên).

Những ngày tham gia chiến đấu chống giặc Pháp, tiễu Phỉ, bước chân người lính trẻ Lê Ngân có dịp đi qua nhiều địa danh vùng cao Tây Bắc và ở đó có những ngôi trường, những cô giáo trẻ, những đêm xem biểu diễn vở kịch thơ “Điền và Lúa” của tác giả Lê Ngân đã in đậm dấu mốc thời gian trong đời lính, đời thầy của nhà thơ “Đồn cao đơn vị còn không/ Trường xưa chắc vẫn nhơ mong người về” (Xuân xanh, trang 20, Thao thức một miền quê).

Cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm, thầy giáo, nhà thơ Lê Ngân lại hăm hở trở về vùng cao Yên Bái. Ở đó vẫn còn nhiều các thanh thiếu niên đói chữ, đói cơm đang rất cần những luồng ánh sáng mới. Thời điểm này cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta lại đang ở giai đoạn cam go, ác liệt. Trường học phải sơ tán để tránh đạn bom kẻ thù. Thầy giáo, nhà thơ, chiến sĩ Lê Ngân lại cùng đồng nghiệp vượt qua mọi khó khăn gian khổ ở nơi trường đóng “Trường sơ tán rừng sâu Yên Thái/ Đêm xuống rồi sương sa lạnh lòng thung/ Đường hun hút ướt đầm trăng đầu núi/ Ngọn đèn mờ bài soạn dở chưa xong” (Yên Thái, trang 50, Thao thức một miền quê).

Nhiệm vụ nặng nề, vừa hoàn chỉnh địa điểm ngôi trường cấp 3 sơ tán ở huyện vùng cao này, lại phải nhận nhiệm vụ sơ tán ngôi trường cấp 3 của huyện vùng cao nơi khác. Song thầy giáo Lê Ngân không hề một chút băn khoăn, tự nguyện cùng túi hành lý tư trang và một ba lô đầy sách vở lên đường. Sự gian truân vất vả ở đây đã được nhà thơ khắc họa thông qua hình tượng thơ mang tính khái quát, tượng trưng nhưng sức biểu cảm vô cùng sâu sắc “Những đường hầm ụ pháo hố sâu/ Chằng chịt dây leo cỏ cây bao bọc/ Trường cấp 3 Văn Yên/ Ta gọi ngôi trường trận địa đầu tiên” (Ngôi trường nỗi nhớ, niềm tin, trang 54 - Nghiêng nghiêng bóng núi).

Tháng năm nối tiếp tháng năm, nhà thơ Lê Ngân có ba mươi năm trong nghề dạy học. Đến khi “Trên đầu tóc đã trắng màu mây”. Và nói theo chữ dùng của cụ Nguyễn Tiên Điền thì ba mươi năm ấy biết bao nhiêu tình, ta mới thấy được chữ tình trong thơ ông rộng lớn đến mức nào. Đó là tình thầy trò, tình đồng nghiệp, tình yêu nghề qua những trang giáo án giàu tâm huyết và nặng trĩu suy tư. Những kỷ niệm khó quên, cứ mỗi độ hoa phượng về, mùa thi, mùa chia tay của mỗi lớp học trò hồn nhiên, tươi trẻ đã để lại trong thơ Lê Ngân những xao xuyến, bồi hồi, nhung nhớ ... “Phượng hồng sẫm lại cuối hè/ Chia tay kẻ ở người về đôi nơi” (Đợi chờ, trang 92- Lau thưa xào xạc mãi). Đối với những người bạn có chung niềm đam mê vì sự nghiệp trồng người và tương lai thế hệ trẻ, khi phải chia tay nhau, lời thơ Lê Ngân nhẹ nhàng nhưng thâm trầm, sâu lắng. Ông thường sử dụng các thể thơ truyền thống như lục bát, đường luật... để diễn tả tâm trạng “Vẫn còn nặng nghĩa nghề thầy/ Cánh chim không mỏi mê say lựa vần” hoặc “Nhớ bác xuân này tuổi tám mươi/ Nghề thầy tận tụy chẳng hề ngơi” (Chia tay, trang 55; Viếng bạn, trang 51- Thao thức một miền quê). Đọc và suy ngẫm kỹ ta mới thấy, thơ viết về đồng nghiệp của Lê Ngân thường có sự chọn lọc kỹ càng ở cả hai phương diện: Lập tứ, lập ngôn. Tứ thơ Lê Ngân mang tính hiện thực khách quan, khoáng đạt, rõ ràng, mạch lạc, người đọc dễ dàng nhận biết vấn đề nhà thơ định đề cập tới. Còn ngôn từ trong thơ Lê Ngân chuẩn xác, sắc thái biểu cảm cao góp phần làm cho cách diễn đạt trong thơ thêm phong phú, đa dạng. Những câu thơ sau đây, theo tôi là minh chứng cho sự thành công của Lê Ngân về cách lập tứ, lập ngôn và sử dụng khá nhuần nhuyễn các thủ pháp tu từ nghệ thuật. “Cám ơn những người thầy, có người còn người mất/ Người đã nghỉ hưu, người đang đứng lớp/ Những người đầu tiên, những người kế tiếp/ Những người lái đò đầu bạc, đầu xanh/ Những người chăm lo cho hoa phượng mãi đỏ cành” (Ngôi trường nỗi nhớ, niềm tin, trang 55, Nghiêng nghiêng bóng núi).

Hoàn thành nhiệm vụ người lính chiến biên cương, làm tốt trọng trách của một thầy giáo, một cán bộ quản lý giáo dục, cựu chiến binh, nhà giáo, nhà thơ Lê Ngân được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chế độ đã gần ba chục năm nay. Tuy tuổi cao, tinh thần trí tuệ, thể lực giảm sút nhưng ông vẫn có những bài thơ hồi ức về phận lính duyên thầy thấm đậm chất trữ tình. Bài thơ “Cuối chiều” trang 66- Tập thơ Thao thức một miền quê mà ông viết cách đây 15 năm là một trong nhiều bài thơ như thế.

            Xuân này thôi đã bảy lăm xuân

            Bóng ngả chiều hôm quá bảy phần

            Lính chiến mười năm trời vất vả

            Nghề thầy ba chục tuổi gian truân

            Hằn sâu nỗi nhớ tình biên giới

            In đậm tình thương mái lớp thân,

Tím ngắt hoàng hôn hoài niệm... nhớ

Cuối chiều lưu luyến một thời xuân.

            Kính chúc tác giả thơ Lê Ngân sức khỏe, phúc lộc trường hưng, mãi là cây bóng quế hòe trong vườn hoa thảo hiền con cháu, có nhiều thơ hay đến với độc giả trong thời gian tiếp theo.

                                                                                                                    Q.B

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter