• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Tạc tượng đài Bác vào thơ
Ngày xuất bản: 22/09/2023 3:20:17 SA

THẾ QUYNH

 

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962, thầy giáo Vũ Văn Đình được phân công lên dạy học tại Yên Bái. Mảnh đất của cuộc khởi nghĩa chống Pháp do nhà yêu nước Nguyễn Thái Học lãnh đạo; của thủy điện Thác Bà, của gạo trắng nước trong Mường Lò… đã nuôi dưỡng hồn thơ. Và bút danh Vũ Chấn Nam đã trở thành thân quen với bạn đọc các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ. Thơ ông viết về nhiều đề tài: quê hương, nghề giáo, tình yêu thiên nhiên, nỗi niềm thế sự… Song một mảng thơ quan trọng trong chặng đường sáng tác của tác giả là những bài thơ viết về Đảng, Cách mạng và Bác Hồ. Thật không quá lời khi có bạn đọc nhận xét ông là người ở Yên Bái có nhiều thơ nhất viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Về Pác Bó”, “Lán Nà Lừa”, “Ghi ở Tân Trào”… và “Bác về Yên Bái chiều thu ấy”. Những bài thơ với giọng thơ chân thành, mộc mạc mà sâu lắng đã diễn tả được cái lớn lao bên trong sự bình dị bề ngoài của lãnh tụ.

Viết về Bác, tác giả Vũ Chấn Nam mường tượng lại thuở cậu bé Nguyễn Sinh Cung ra đời ở quê hương Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An: “Nhớ làng Sen buổi Bác ra đời/ Đau đáu vầng trăng soi giếng Cốc/ Con chim hót giữa lòng đau mất nước/ Sắc trời xanh giục giã bước Người đi” (Tháng Năm). Ở Nghệ An mấy trăm năm nay, trong dân gian vẫn truyền miệng từ người này qua người khác, từ đời này qua đời khác ba câu sấm ký tương truyền do trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên đoánĐụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Nam Đàn sinh thánh. Nghĩa là: Khi nào núi Đụn bị phân chia ra 2 hay nhiều bộ phận, khe Bò Đái (hay Bồ Đái) nước chảy không nghe tiếng nữa thì huyện Nam Đàn sẽ sinh ra một vị thánh. Các cụ ở Nam Đàn nói rằng khi núi Đụn nứt đôi, khe Bò Đái chảy không nghe tiếng nữa thì rất phù hợp với thời kỳ Bác Hồ ra đời. Bằng cảm quan thi sĩ, Vũ Chấn Nam như dự báo được tương lai của bậc hiền tài. Những hình ảnh “Vầng trăng soi giếng Cốc/ Con chim hót giữa lòng đau mất nước/ Sắc trời xanh giục giã bước Người đi” vừa đẹp, vừa trong sáng mà như có ánh hào quang soi tỏa của sắc màu huyền thoại. Đất nước lầm than, anh hùng tái thế và tất yếu tuấn kiệt xuất hiện. Cũng ở bài thơ “Tháng Năm”, ta như được gặp lại bước chân Người “Ba mươi năm đi cuối đất cùng trời” “bốn biển năm châu” tìm chân lý. Vất vả với bao công việc nặng nhọc: phụ bếp, quét tuyết, đốt lò nhưng chính cuộc sống “gắn bó những con Người cùng khổ” với mục đích “thức tỉnh bao kiếp đời nô lệ” đã giúp Người tìm ra chân lý: “Đêm Pari Luận cương đến với Người/ Chim báo bão giục hoài quanh Pác Bó/ Bác trở lại trong bồn chồn thương nhớ/ Hang sâu này mắt bão đã bùng lên”. Về Pác Bó mùa xuân năm 1941, Bác thực sự bắt tay vào lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Một kỷ nguyên mới, một thời đại mới- thời đại Hồ Chí Minh bắt đầu mở ra. Sự kiện này từng được nhà thơ Chế Lan Viên viết “Cả nước mất, hang này là Độc Lập/ Thay non sông đón Bác buổi ban đầu”. Còn với Vũ Chấn Nam, mấy chục năm sau đặt chân đến đây, ngắm nhìn bao kỉ vật: núi Các Mác, suối Lênin, bàn đá, giường ván ghép… mà rưng rưng thấy được sự chuyển mình của cả một dân tộc:

Ôi có phải nơi đây bùng ngọn lửa

Mặt trời lên, thung lũng ngát hương mơ

Trong bão tố vụt trưởng thành khu Đỏ

Bác đã về, Dân tộc sáng đường đi

Tại đây, Bác đã có nhiều chủ trư­ơng và quyết sách quan trọng. Ngư­ời chủ trì Hội nghị Trung ư­ơng Đảng lần thứ 8 có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của đất nước, xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ giải phóng dân tộc đư­ợc đư­a lên hàng đầu; quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Mặt trận Việt Minh; biên soạn các tài liệu tuyên truyền cho cách mạng; thành lập đội du kích thoát ly đầu tiên ở Pác Bó (11/1941) gồm 12 ngư­ời là tiền thân của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Và ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần H­ưng Đạo, huyện Nguyên Bình, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đư­ợc thành lập gồm 34 chiến sĩ dư­ới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay). Sự kiện này cũng được tác giả Vũ Chấn Nam miêu tả qua hồi tưởng thật hào hùng Có phải bóng đa uy nghiêm trầm mặc/Nhớ đàn con tuyên thệ buổi ra quân/Nhớ hạt giống gieo từ bàn tay Bác/ Ba mươi năm ngồn ngộn những mùa vàng” (Ba mươi năm cây đa cột mốc).

Ngày 4/5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nư­ớc. Đến với Tân Tào, thăm lán Nà Lừa là lại được sống với ký ức, với vị cha già dân tộc tận tụy vì nước vì dân. Kỷ niệm năm xưa bừng thức dậy, lời Bác dặn đồng chí Văn “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới. Dù hy sinh tới đâu, dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!” còn văng vẳng đâu đây. Nhất là tấm lòng của nhân dân đối với Bác “Siêu thuốc sôi âm ỉ trong chiều sương/ Tay mế hái tự lòng thương kính Bácthì khó bút nào tả xiết. Cũng tại “chiến khu cách mạng dựng nên Cộng hòa”, hình ảnh lãnh tụ hiện lên đẹp biết bao Đôi mắt ướt nhìn lên con thấy Bác/ Người lại viết… khi vừa lui cơn sốt/ Siêu thuốc còn đang sắc dưới cầu thang/ Vẫn ù ù ngọn gió núi Hồng sang” (Đến Nà Lừa). Và không gì đẹp hơn tại Quốc dân Đại hội Tân Trào- Hội nghị Diên Hồng thứ hai của lịch sử nước Việt Nam, sự gắn kết ý chí và tình cảm gần gũi giữa lãnh tụ với nhân dân đã tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Đình Tân Trào Đại hội Quốc dân/Sáu mươi đại biểu khắp ba miền/ Khi Cụ Hồ Chí Minh ra mắt/ Dân bản gần xa đến chúc mừng” (Ghi ở Tân Trào). Đó cũng là tiền đề để có ngày “Cuồn cuộn Ba Đình cờ reo, hoa vẫy” với “thiêng liêng tiếng nói Bác Hồ” đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Đọc những bài thơ tác giả Vũ Chấn Nam viết về Bác Hồ, ta còn gặp ở đây một nghị lực phi thường vượt lên khó khăn gian khổ; một tinh thần lạc quan tin tưởng vào tương lai cách mạng thắng lợi của lãnh tụ kì tài có con mắt nhìn xa trông rộng; một thi nhân với tâm hồn lộng gió thời đại, thơm ngát cỏ hoa mà vẫn không xa rời hiện thực cuộc sống. Nào là khi Pác Bó, Nà Lừa “cháo bẹ rau măng”, “lán tre hoang lạnh” vẫn “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”với niềm tin “Hai tay xây dựng một sơn hà”. Rồi chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, việc quân bận rộn vẫn thả hồn cùng nước biếc, trăng trong “Buổi Bác đi thuyền trong đêm trăng/ Tứ thơ vụt đến lúc đi đường/ Ngàn lau phơ phất thành núi dựng/ Chiếc mũ trên đầu ướt đẫm sương” (Nhớ Bác đi thuyền trên sông Đáy). Chính cái bình dị, cái phẩm chất cách mạng sáng trong đã làm nên sự vĩ đại của con người Hồ Chí Minh:

Trong mắt Bác có trời xanh, biển rộng

Đuổi giặc rồi, Tổ quốc bốn mùa xuân

Ngày 25 tháng 9 năm 1958, Bác Hồ lên thăm tỉnh Yên Bái. Bác đã có cuộc nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ tại sân vận động thị xã. Sự kiện này để lại ấn tượng sâu sắc và trở thành nguồn đề tài sáng tạo của nhiều văn nghệ sĩ trong tỉnh. Là người từng có nhiều tác phẩm viết về lãnh tụ, nhà thơ Vũ Chấn Nam đã cảm xúc viết nên bài thơ “Bác về Yên Bái chiều thu ấy”. Sau 50 năm nhớ lại, cảm xúc vẫn tươi nguyên như thuở ban đầu. Một Bác Hồ giản dị, gần gũi nhân dân “Đôi dép lốp, bộ bà ba gụ/ Người vẫn là ông Ké, vẫn Già Thu”. Những cái tên thân thương ông Ké, Già Thu từ ngày Bác hoạt động cách mạng ở Việt Bắc được tác giả nhắc lại không chỉ gợi bao kỷ niệm mà còn như khẳng định “Người là cha, là bác, là anh” của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Không đứng trên nhân dân, giữa lãnh tụ và nhân dân hầu như không có sự cách biệt “Bác đi trên một con tàu chợ/ Như bao hành khách ở trong toa”. Nhớ lại kỷ niệm này, ông Đào Tiến Lộc kể: “Bác từ toa số 5 bước xuống, với dáng ung dung thanh thản trong bộ áo quần bà ba đã phai màu, đầu đội mũ cát, chân đi dép lốp, khăn mặt vắt vai, tay cầm quạt giấy giống hệt như một ông lão nhà quê phúc hậu cả đời người đã sống với đồng quê Việt Nam. Xuống tầu, Bác không đi ra cửa nơi chúng tôi đón mà tiến thẳng lên đầu tầu… Đùng một cái thấy Bác leo lên đầu máy bắt tay người lái tầu và hai công nhân xúc than ở đó, Bác cảm ơn chúc sức khỏe và tạm biệt!”. Lên thăm Yên Bái trong hoàn cảnh khi “Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh”. Tất cả vẫn ngổn ngang khó khăn “Thị xã còn tranh tre, nứa lá/ Vùng cao còn bao người mù chữ/ Đất rộng, người thưa chưa đủ ăn”. Nhưng cũng trong bối cảnh đó, chân dung người cầm lái vĩ đại được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết:

Phòng Bác vào khuya vẫn sáng đèn

Rạng ngày Bác đến với nhân dân

Người dân mong Bác như mong mẹ

Lời Bác như lời cha với con.

Hết lòng lo toan việc nước, chăm chút đến hạnh phúc của nhân dân, phẩm chất này chỉ có ở những người thực sự “lấy dân làm gốc” và con người đó chính là Bác Hồ. Cũng vì vậy sự tin yêu của người dân đối với Bác ngày được nhân lên, không còn ở mức bình thường mà là niềm tin mang tính chất gia đình, phụ tử “Người dân mong Bác như mong mẹ/ Lời Bác như lời cha với con”. Và vượt lên nghi thức “lễ đài đơn sơ”, thì “Chiếc áo len màu ghi Bác mặc” cùng bài nói chuyện chân phương mà sâu sắc lại tạo nên một hình ảnh cao đẹp, một tượng đài sống mãi trong lòng nhân dân “Bóng Người lồng lộng trước sân Căng”.

Nhân kỷ niệm lần thứ 65 ngày Bác Hồ thăm Yên Bái, đọc lại những bài thơ viết về Bác để được cùng tác giả Vũ Chấn Nam sống lại hạnh phúc trong giờ phút thiêng liêng đón Bác. Và để gửi tới lãnh tụ lời hứa của lớp con cháu hôm nay đang học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn” (Tố Hữu- Theo chân Bác).

T.Q

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter