Bùi Thanh Phương
Như mọi ngày, cả nhà tôi đang cùng ngồi ăn cơm, bỗng nhiên cha tôi đặt bát xuống bàn, ông nói: “Dạo này mình có vẻ béo ra, dây đồng hồ chật quá”. Sau đó ông lại phát hiện thêm: “Nhưng… tay phải của mình vẫn thế, vẫn bình thường”. Ông vén cả hai ống tay áo lên để so sánh và ông đã cười vì ngạc nhiên. Nhưng mẹ tôi, vốn đã từng công tác nhiều năm trong ngành y tế, nên bà đã hiểu ngay có vấn đề. Tuyệt nhiên, trong ngày hôm đó, không một ai có thể ngờ được rằng đó chính là tiếng gõ cửa đầu tiên của thần chết đối với cha tôi. Có thể cha tôi đã nói câu hóm hỉnh cuối cùng trong cuộc đời ông vào ngày hôm đó: “Nếu cả hai cánh tay của mình đều cùng béo hoặc cùng gầy như nhau thì khỏi cần phải gọi tới bác sĩ làm gì. Bác sĩ chỉ làm cho mọi việc thêm rắc rối”.
Những ngày còn lại của cuộc đời, cha tôi say sưa, hối hả vẽ. Ông hiểu rằng mình sắp giã từ cõi trần, nên ông sai tôi hạ hàng loạt tranh trên tường xuống để ông sửa lại, vẽ thêm và ký tên vào góc bức tranh, nhưng có một số bức khác ông đã xóa sạch trắng. Có một đêm, dự cảm về ngày ra đi của cha tôi đã lại đến với tôi, khi tôi thức dậy, thấy ông vẫn đang ngồi, ông lật dở từng trang album, một vài cuốn đã xưa cũ cũng được ông lấy trong tủ ra xem lại chăm chú. Tôi cố gắng không gây tiếng động, tôi biết ông đang trở về với những kỷ niệm năm tháng đã qua của cuộc đời cùng bao nhiêu chuyện vui buồn… Tôi nhận thấy có sự trùng hợp lạ kỳ về thời gian trước khi ra đi giữa cha và anh trai tôi. Cách đó mười năm, năm 1978, trước ngày anh Bùi Kỳ Anh ra đi, anh cũng đã chăm chú lật dở từng trang album của gia đình như thế.
BÙI XUÂN PHÁI – Hai ký họa vẽ trong bệnh viện. 1988
Khi cái chết đã có thể đếm được từng giờ, cha tôi vẫn ung dung thư thái vẽ. Dường như ông không bận tâm đến cái chết đang cận kề. Những đề tài cuối đời ông vẽ đã được các nhà báo nhắc tới, tôi không nhắc lại nữa, nhưng có những bức họa của Bùi Xuân Phái gây ấn tượng cho tôi là loạt tranh ông vẽ theo từng ngày. Đó là một lọ hoa sung do một cô người mẫu mến mộ ông đem đến tặng. Tôi có cảm giác như dấu hiệu không lành. Từng bông hoa đổ cong rồi gục xuống theo từng ngày. Và cả ở nhưng bức tranh của Bùi Xuân Phái vẽ về những bông hoa này cũng vậy, ngày hôm sau tệ hơn ngày hôm trước, cho đến khi những bông hoa gục hẳn xuống mặt bàn. Nó đúng như nhật ký được vẽ bằng tranh.
Nhưng nét vẽ cuối cùng của ông là vẽ đôi bàn chân của chính mình, khi ông nằm trên giường trong bệnh viện, vừa không có cảnh vật nào để vẽ và ông cũng không đủ sức để ngồi dậy. Cứ thế, ông đổ dồn những thương cảm mê man vào nét vẽ. Ông vẽ cho đến khi thiếp đi.
Trước ngày Bùi Xuân Phái ra đi, có một đoàn khách ngoại quốc “đổ bộ” vào xưởng vẽ. Dường như họ cũng biết tin Bùi Xuân Phái lâm bệnh nặng bởi vì tôi thấy họ hỏi mua rất nhiều tranh, hầu như toàn bộ số tranh của Bùi Xuân Phái treo trên bốn bức tường. Nhưng tôi đã từ chối không bán một bức nào. Sau khi khách về, cha tôi có hỏi: “Tại sao con không bán để lấy tiền đưa cho mẹ?” Tôi đã lúng túng không trả lời được mà chỉ muốn òa khóc.Tôi không thể trả lời ông câu đó vào khi đó được. Hôm đó, muốn làm ông yên lòng tôi đã nói chuyện với cha tôi một chút về vấn đề di sản mà ông để lại. Tôi đã nói với ông rằng: “Nếu sau này bố mất, tranh của bố sẽ được tăng giá gấp 20 lần!” Khi đó tôi thấy ông không nói gì mà chỉ mỉm cười hiền lành…
LẦN CUỐI “NGẮM” PHỐ VÀ BẠN PHỐ
Tôi cũng có dịp hỏi cha tôi về những người bạn mà ông quý mến nhất. Bùi Xuân Phái bối rối một lúc rồi kể tên vài người bạn mà theo ông là những người có tình và là những người bạn tâm giao trong cả những thời kỳ ngặt nghèo khốn khó nhất. Đó là nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu, ông Lê Chính (trình bày báo Văn nghệ), họa sĩ Nguyễn Trọng Niết và nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm.
Một người bạn mà ông quý trọng như một người anh, đó là nhà văn Nguyễn Tuân. Ông gọi Nguyễn Tuân là anh. Tôi chưa thấy ông xưng hô như thế với ai bao giờ. Bây giờ nghĩ lại thời xưa ấy, tôi thấy nhà văn Nguyễn Tuân là người bạn duy nhất của Bùi Xuân Phái từ những thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước. Trong suốt mấy chục năm ấy, như đã thành thông lệ thường niên, cụ Nguyễn Tuân luôn có quà sêu tết cho Bùi Xuân Phái, năm thì chân giò, năm thì cân thịt bò, năm thì con cá chép, năm thì chai rượu Tây. Gia đình tôi trong mấy thập niên đó, có một cái tết “ra trò” hay không một phần cũng trông chờ vào quà sêu tết của nhà văn Nguyễn Tuân.
Có một vài yêu cầu cuối cùng của ông là nhờ tôi chở ông đến thăm nhà một vài người bạn thân. Ở nhà riêng một người bạn, khi mà di căn của ác bệnh ung thư đã chèn lên thanh quản, khiến ông không nói được mà phải dùng bút đàm để nói chuyện với mọi người. Bạn ông đưa ông cây bút và tờ giấy trắng, lần đó ông đã không viết chữ nào mà vẽ vài đường sóng nước, từ mặt sóng có một cánh tay giơ lên vẫy vẫy trong tuyệt vọng. Người bạn ông xem, đã tỏ ra ngậm ngùi, cho dù bức vẽ có nét hài hước, nhưng không một ai có thể cười được vào khi ấy. Sau đó, cha yêu cầu tôi chở đến phố Mã Mây, nơi có góc phố đẹp nhìn chênh chếch ra phố Hàng Bạc. Tôi biết đây là góc phố ông yêu thích và đã vẽ rất nhiều về nó. Bùi Xuân Phái đứng lặng im hồi lâu, ông ngắm nhìn những ô cửa sổ, những mái ngói thâm nâu như muốn nói lời chia tay với khu phố cổ Hà Nội. Con phố ấy đã đồng hành cùng ông trong suốt cuộc hành trình của cả một đời người.
Bức tranh tự họa cuối cùng của Bùi Xuân Phái trước khi mất 7 tiếng.
Ông qua đời lúc 2h40 ngày 24/6/1988
Bìa vựng tập “Triển lãm tác phẩm hội họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái”. Hà Nội 1984
Trong buổi tối cuối cùng của Bùi Xuân Phái (23/6/1988), ông vẫn vui vẻ tiếp hai vị khách cuối cùng của đời mình. Đó là hai nhà sưu tập tranh, ông Lâm “Cà-phê” và ông Bổng “Hàng Buồm”. Vài giờ trước khi cha tôi mất, theo thói quen thường lệ, ông Bổng “Hàng Buồm” vẫn còn xin được của Bùi Xuân Phái bức tự họa mà ông đang vẽ dở dang. Bên dưới bức họa đó, Bùi Xuân Phái viết dòng chữ: “Bây giờ chỉ cần nhất là có sức khỏe và không có bệnh tật gì”.
Đến 10h tối, mẹ tôi phát hiện thấy đôi bàn tay cha tôi trở nên lạnh ngắt. Mẹ tôi kêu khóc cầu cứu, anh em chúng tôi chạy ra đường và yêu cầu dừng lại một chiếc xe hơi, vội vã đưa ông vào viện cấp cứu. 2h35’ cha tôi nhìn lần cuối từng người trong gia đình, sau đó tự tay ông gạt đi bó dây mà các bác sĩ đã cuốn vào cổ tay để đo huyết áp. Ông lắc đầu và ngước mắt nhìn lên trần nhà giống như cách ông ngắm nhìn bức vẽ sau khi đã hoàn thành nó. 2h40’ (24/6/1988), trong tiếng kêu khóc của mẹ tôi và anh chị em trong nhà, tôi nhìn sang cái màn hình kiểm tra nhịp tim cha tôi: Đó là một vệt sáng nằm ngang giống như khi xưa, cha tôi, họa sĩ Bùi Xuân Phái, trước khi bắt đầu vẽ một bức tranh. Ông vẫn thường vạch ngang một nét, lấy đó làm đường chân trời hoặc làm cơ sở khởi đầu cho cuộc chơi bằng hình và màu…
B.T.P
Theo nguồn: Tạp chí Mỹ thuật
Tin khác