Là một nước nông nghiệp, các đô thị Việt Nam xuất hiện rất sớm nhưng có vẻ mờ nhạt hơn so với làng xã. Chúng chủ yếu bám quanh nơi làm việc, ăn ở của vua quan dưới dạng kinh thành, tỉnh lỵ rồi dần có thêm các phố và thị. Động lực kinh tế đến từ cung đình, sở lỵ nhiều hơn là thương mại, công nghiệp, vốn là nguồn sống chính của đô thị phương Tây từ cổ đại đến nay. Đó phải chăng là một lý do kiềm toả nghệ thuật đô thị Việt?
Chấp chới giữa nông thôn và thành thị...
Mô hình ở của thị dân vốn dựa vào thủ công nghiệp và cửa hàng buôn bán nhỏ mặt phố tạo nên nền kinh tế hộ gia đình chủ đạo trong đô thị, bền bỉ kéo dài cho đến hôm nay. Mô hình nhà phố, nhà ống, nhà chia lô theo mặt tiền vẫn được ưa chuộng với lối sinh sống nhỏ, tự dịch vụ lẫn nhau, kinh tế hộ (ngay cả khi chiến tranh rất còm cõi) vẫn âm thầm phát triển để làm nên thị phần không nhỏ nhà chia lô bán nền trong các khu đô thị mới ở Việt Nam. Không biết sẽ tiến đến hiện đại ra sao, nhưng mô hình ở xưa cũ của thị dân vẫn đang làm chủ các đô thị Việt Nam.
Có lẽ vậy nên nghệ thuật đô thị Việt vẫn dựa vào tinh thần làng xã chủ yếu là lễ hội, đình đám, tranh phố, hát xướng... quanh những đình, chùa ở phố hàng, do những cư dân giỏi tay nghề đi ra từ làng lập nên xung quanh nơi ở của họ, mang theo tập tục và cả sinh hoạt từ thôn quê ra phố.
Suốt ba tháng đầu năm của cư dân VN có rất nhiều nghi lễ, trong đó, người ta thông cảm với thần linh hay kéo thần linh xuống gần, cùng với con người san sẻ những nỗi lo âu hay hy vọng.
Ảnh: TMVK
Hàng ngàn năm, nghệ thuật Việt Nam là nghệ thuật của nông nghiệp, của làng xã chiếm trọn vị thế trung tâm của số đông dân chúng, trong đó có ít ỏi thị dân. Có hơn chăng là ở phố, được nhìn người đi như mắc cửi, nhiều phiên chợ từ tinh mơ đến tối sẩm, nhiều diễn xướng, nhiều tranh và giấy điều dịp Tết.
Nghệ thuật làng xã gắn bó máu thịt với con dân nông nghiệp sinh tồn và bền bỉ từ trong lễ hội, lễ mùa, thờ cúng, đãi khách, giao thương với tha nhân nước ngoài, tranh Hàng Trống cho phố, tranh Đông Hồ cho làng... Sự lụi dần văn minh thảo mộc vốn khép kín trong làng xã kéo theo sự lụi tàn của nghệ thuật nông nghiệp và sự lu mờ ở những phố phường lèo tèo, phố huyện.
Rồi cũng tưởng mọi sự sẽ lùi dần vào dĩ vãng...
Chớm nở nghệ thuật khai phóng
Không phải vậy, sự tiếp xúc với phương Tây đưa đến sự gặp gỡ và giao thoa văn hóa, để biến đổi, rõ nét nhất là nghệ thuật thị dân trong thành thị chứ không ở nông thôn. Giao thoa với văn minh phương Tây đến đầu thế kỷ XX khiến Khu phố thị dân vụt lớn sang dạng thức Thành phố.
Nghệ thuật thị dân - người đô thị, đã trở thành trung tâm dẫn dắt số đông dân lúc bấy giờ. Chưa ai lý giải rõ ràng tại sao thời Pháp thuộc đô thị lại phát triển khắp nơi, đem lại văn minh phương Tây và đẹp lộng lẫy như: Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, mộc mạc như Hải Phòng, Nam Định, Thủ Dầu Một… Chỉ chắc chắn một điều là đường sắt Bắc - Nam dài gần 3.000km và những cây cầu nối hai bờ những con sông chi chít dữ dằn trong mùa lũ đã tạo nên động lực của kinh tế hàng hóa, vốn chủ đạo trong sự hình thành con người thị dân mới trên toàn lãnh thổ.
Sự lụi dần văn minh thảo mộc vốn khép kín trong làng xã kéo theo sự lụi tàn của nghệ thuật nông nghiệp và sự lu mờ ở những phố phường lèo tèo, phố huyện.
Một giai đoạn của khai phóng nghệ thuật ở hàng loạt thành phố Đông Nam Á mà Việt Nam dẫn trước với kiểu cư trú thành thị đã rõ dần một thứ văn minh thị dân làm chủ thể. Một loạt các trào lưu văn minh ra đời, đặc biệt sau phổ cập chữ quốc ngữ: báo chí, xuất bản, phong trào Thơ mới, Tự lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ bảy, Sân khấu, Điện ảnh, Kiến trúc, đặc biệt phải kể đến Mỹ thuật Đông dương với phong cách Indo-China nổi tiếng thế giới, đặc trưng hiện đại - bản địa quyến rũ, ảnh hưởng cho đến hôm nay...
Nghệ thuật mới đang có một nét đặc biệt vô cùng, đó là siêu hình nằm ngay trong cái hữu hình, khác hẳn với phương tây: "Người Đông phương đã đem cái vô hình xuống cuộc đời hàng ngày của họ. Họ sống với thế giới huyền bí... Trái lại người châu Âu sống bên lề cái vô hình, phủ nhận nó vì không biết đến sự có mặt của nó hoặc bị xô vào nó mà không nhận ra. Ở Việt Nam cũng vậy, tục lệ tín ngưỡng đã pha trộn và hợp hóa tâm linh của Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng nguyên thủy, bởi vậy, tư tưởng đã dành cho phương diện vô hình của tự nhiên. Đời sống hàng ngày của họ cấu trúc từ nghệ thuật, từ huyền thoại”. (Alfred Meinard)
Có lẽ vì thế, những nghệ sĩ thời kỳ Tây học đã muốn xây dựng cho đất nước một nền văn hóa ăn nhịp với chiều sâu tiềm thức của dân tộc (có một nét rất riêng, khác với những nền văn minh Âu - Ấn, triết học được sáng tạo hoặc do những quý tộc hoặc do hàng tư tế tăng lữ hoàn toàn không cùng mối bận tâm như bình dân). Minh triết Việt lặn sâu trong triết lý bình dân, chung sống hòa thuận cùng triết lý bác học, chỉ khác về ngôn ngữ biểu đạt.
Bằng nhiều con đường ngoằn ngoèo của lịch sử, nghệ thuật đô thị Việt mới mẻ thời đó đã đậm tính bản địa thế giới ngay khi bước chân ra thế giới. Chỉ có thể giải thích về sự va đập của minh triết Việt với văn minh phương Tây gây ra cơn địa chấn khai phóng tự do, khai phóng nghệ thuật. Bởi chỉ có con người tự do mới có nghệ thuật.
Và lạ lùng thay, mới thoát ra từ nông thôn, đô thị Việt đã đón nhận dạng thức hiện đại - nhiệt đới mà không sa vào hiện đại công nghiệp, rồi nghệ thuật biểu tượng (Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm… của Trường mỹ thuật Đông Dương), nghệ thuật siêu thực (Chế Lan Viên với Điêu tàn, Huy Cận với Lửa thiêng, và Hàn Mặc Tử với Máu cuồng và Hồn điên vụt tan vào vũ trụ, chơi với trăng sao, đùa với muôn thiên hà để thỏa chớp sáng của khát vọng bản ngã - người…), là những mức độ cấp tiến nhất bấy giờ.
Nghệ thuật “huyền sử” thức tỉnh thị dân Việt
Thế kỷ XXI, bối cảnh hậu hiện đại đã cho con người trở về với minh triết phương Đông nhiều hơn khi chủ nghĩa Duy lý đã tỏ ra bất lực để dẫn dắt một thế giới đang ngày càng tỏ ra khó nhận biết - thế giới của tính bất định.
Từ những quan niệm hữu thể đưa đến vật chất hóa con người suốt bốn thế kỷ để trở thành con người chức năng - công cụ làm cứng hóa con đường của sự biến đổi, của sáng tạo. Con người bị cắt đứt với quá khứ hay nói cách khác với minh triết, là nhận thức giúp con người sống động, cùng nhịp đập với tự nhiên để an nhiên, năng lượng giúp đi không ngơi nghỉ trên con đường lữ hành đầy biến thiên và sáng tạo.
Con người thấm đẫm mùi của thời gian và mùi của vạn kiếp, sự thấu cảm thôi thúc tìm đến đời sống như một nghệ thuật từ chiều sâu nội tâm, từ tâm linh hơn là sự hợp lý.
Phải chăng đó cũng là bản chất nghệ thuật thời hậu hiện đại?
Sự đòi hỏi của nghệ thuật đô thị vốn dành cho số đông loài người cũng đang theo chiều kích nghệ thuật dẫn đến sự bùng nổ của năng lượng tâm linh, trực thị vào nội tâm để dẫn hướng những thăng hoa, yêu thương vô điều kiện, dẫn dắt hành vi sống quảng đại, bao dung. Cuộc sống cần cao đẹp để hạnh phúc, con người luôn đi tìm hạnh phúc cho mình và cho đồng loại.
Và, thị dân Việt đang đi tìm trong huyền sử đặc tính Việt, là cái phi thường trong cái thường thường, tỷ dụ thời Văn Lang đã dùng bánh chưng bánh dày để diễn đạt cả đạo trời đất và con người. Đó là khả năng diễn tả cái phi thường bằng những cái thường nhật. Nghệ thuật đô thị từ sâu thẳm Việt lại có cơ gia nhập thế giới thời hậu hiện đại một lần nữa.
Cảm xúc trước Du & Dội và Niệm (ảnh dưới) của HS. Ngô Xuân Bính là lay động lớn trước hai dạng thức của chủ nghĩa đại đô thị. Ảnh: TL
Những biểu tượng nghệ thuật (trống đồng Đông Sơn, cửa Võng, sơn son thếp vàng không gian cổ tự, điêu khắc đình, sự tích, huyền khải…) có khả năng qui nạp vào đó cuộc tiến hóa hàng nghìn, chục nghìn năm lịch sử của cha ông đang có mặt ở đô thị Việt, tại lúc này, đang quay về trong vài số triển lãm hội hoạ ào ạt của đô thị.
Cảm nhận về ngày mai của đô thị vụt hiện trong tâm thức người viết, khi đi trong hàng trăm, hàng trăm bức hoạ khổ lớn với ánh sáng chói chang Du & Dội và sự linh diệu tinh thần của Niệm mà hoạ sĩ Ngô Xuân Bính bày trong không gian có hàng ngàn cách đi tự nghiệm. Sự ám ảnh ở đó là khi bắt gặp một thoáng tương lai cho cư trú Việt (có cơ may thành hình) nếu ta nhận biết mà lưu giữ nó đâu đó trong dòng đời đô thị đang lấm lem lam lũ hàng ngày. Một chớp sáng.
Ngày xuân như một cho phép, chép ra để san sẻ cái mơ mộng (luôn ảo ảnh) một ngày mai sẽ khác của đô thị Việt, cho những thị dân đã từng qua cái đẹp thị thành chớm nở trăm năm trước, rồi buộc ngậm ngùi chia tay để đi vào những cuộc chiến tranh liên miên.
Cái cảm xúc trước Du & Dội, trước Niệm là lay động lớn trước hai dạng thức của Chủ nghĩa đại đô thị, mà năm 1992, Renzo Piano trình diễn giữa Paris (bảo tàng ký ức nhân loại), ngay cạnh Nhà thờ Đức Bà, một Trung tâm Pompidou, lộn toàn bộ phụ kiện ra mặt ngoài để giải phóng toàn bộ bên trong cho cái Không vô tận, đủ cho tất cả - người lặn vào (tính Không của nhà Phật?), báo hiệu thời kỳ của siêu đô thị đến gần, thuộc về thế kỷ XXI.
Đây quả là sự khác biệt lớn khi nghệ thuật hậu hiện đại muốn tái hiện kích cỡ vũ trụ của Không gian lịch sử trong Thời gian lịch sử mà chỉ có siêu đô thị mới “có thể chở theo linh thiêng đượm màu minh triết của cái cao cả trong cái thường thường” (GS. Kim Định).
Và chính Renzo Piano cũng đâu ngờ sự khai phóng nghệ thuật của Đại đô thị đã mang lại cho nhân loại đồng hiện của Không - Thời gian trong Kỷ nguyên đô thị, khoảnh khắc khai phóng cho một xã hội có nhân tính, con người phải được như chính nó để tự chủ về tư tưởng và nghệ thuật (Trong khi con người thời đại đang trở thành con người một chiều kích - theo H Marcuse - chỉ biết có vật chất đã trở nên vô đạo, trống rỗng).
“Khát” thông linh nghệ thuật với đất trời và đồng loại
Nghệ thuật đô thị lấy con người làm trung tâm phải biểu lộ được những khát vọng người mới mẻ, như vậy con người mới đổi mới chính mình và làm trung gian cho cuộc đời hiện hữu thông với tương lai.
Nghệ thuật mới biểu thị cái thông linh của con người với đất trời và với đồng loại. Như có sự vô hình dẫn dắt, như chim muông trên trời, dưới lòng đất cháy ngùn ngụt, ngoi trên nước, như đôi cánh người bay lên cao, lao xuống đáy nước mênh mang để tạo ra ngàn hồng hạc ca múa trong hoan lạc. Xúc cảm như gặp lại trống đồng cổ xưa lưu giữ ký ức con người với nhất thể vạn vật chứa đầy sáng tạo của Thượng đế.
Như dòng nước, như dòng thời gian trôi chảy không ngừng, như vũ trụ vần xoay không nghỉ, co lại rồi dãn rộng trong vũ điệu hỗn độn của sự hài hòa. Nghệ thuật thông với tâm thức mở trên mạng lưới vũ trụ dệt năng lượng tối hậu, sinh diệt muôn ngàn thiên hà, sinh sôi và tàn lụi trong những mắt xích của sự bí ẩn.
Nghệ thuật đô thị, bản chất đã tiến hóa thành luồng năng lực vô biên thúc đẩy sự sáng tạo - biến đổi trong dòng thời gian trường cửu. Không ai nghe được tiếng thời gian và không ai ngửi thấy mùi thời gian, nhưng thị dân mới có nhu cầu cảm nhận sự sống động của nó từ sâu thẳm tâm can.
Nghệ thuật đô thị, bản chất đã tiến hóa thành luồng năng lực vô biên thức đẩy sự sáng tạo - biến đổi trong dòng thời gian trường cửu. Không ai nghe được tiếng thời gian và không ai ngửi thấy mùi thời gian, nhưng thị dân mới có nhu cầu cảm nhận sự sống động của nó từ sâu thẳm tâm can.
Trong nghệ thuật hay nhắc đến “tâm thức”. Bất cứ hoạt động nào khởi lên từ nghệ thuật cũng bay ra quyện thêm khí chất tương đồng để rồi trở về với chính vẻ đẹp tinh thần. Đó là những đức tính vũ trụ, sự quay trở về bản ngã nghệ thuật trong đô thị đánh thức “tâm thức tập thể” của cộng đồng cư dân mà trở thành đại ngã của căn tính dân tộc - từ cái cao cả, cái đẹp theo nghĩa mỹ học. Đô thị cần lắm cái mỹ học từ đời sống, từ tâm thức, từ sự gặp gỡ hòa quyện, nuôi dưỡng bên trong tâm thức cộng đồng, quần thể để tạo nên một sức mạnh khởi nguyên canh tân. Mục tiêu tối thượng của nghệ thuật.
Mượn một lời kết của học giả Nguyễn Kiến Giang để thấy ảo ảnh ngày mai, nho còn xanh không phải là nho không thể chín “Như vậy, một xã hội phù hợp nhất với con người, một xã hội có nhân tính không phải là một xã hội chỉ cần dọn dẹp môi trường chung quanh để thích hợp với “tính bản thiện” của nó, cũng không phải là một xã hội khuôn theo những công thức lý tưởng nào đó do ý chí tốt lành nào đó của một số người tự coi có sứ mệnh cứu thế áp đặt, và nếu con người không thích hợp với những công thức này thì chỉ có việc là “nhào nặn lại” cho thích hợp.
Một xã hội có nhân tính là một xã hội được tổ chức sao cho những bản tính tự nhiên của con người tồn tại một cách tự nhiên, tạo ra những điều kiện tối ưu cho sự phát triển toàn diện và tự do cho mỗi cá nhân con người.
Trong xã hội đó, cái ego không bị triệt tiêu, trái lại, còn được coi là đơn vị cơ sở của xã hội. Tính đồng loại, tính tập thể của con người là tất yếu (cũng giống như mọi quần thể sinh học khác) và cũng phải được coi là một giá trị cơ bản, nhưng điều đó không có nghĩa là triệt tiêu cái ego mà chính là phải tạo ra môi trường thuận lợi và tối ưu cho mỗi ego. Xã hội chỉ qui định ranh giới để cho ego này không làm tổn hại ego khác.
Tất cả những giá trị vật chất và đạo đức do con người tạo dựng trong lịch sử phải trở thành tài sản riêng của mỗi ego, và bằng cách đó mà trở thành tài sản chung của toàn xã hội. Cái xã hội (cái chung) làm phong phú cho cái cá nhân (cái riêng),và ngược lại, cái cá nhân được phát triển sẽ làm cơ sở và điều kiện cho cái xã hội phát triển theo những nhịp độ gia tốc” (Đi tìm chủ nghĩa nhân văn mới).
Sự xuất hiện mộng mơ của nghệ thuật đô thị áp sát chủ nghĩa nhân văn mới không cần đến những “con người chí thiện”. Nó cần có những con người như vốn có với tất cả những khả năng và hạn chế và, do đó, cũng cần tới một tổ chức xã hội phù hợp để có được sự giải thoát đi tới trời xanh hạnh phúc.
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục
Thu muộn 2019
Theo Tạp chí điện tử Người đô thị
Tin khác