• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Tiếp khách mua tranh
Ngày xuất bản: 07/07/2022 8:12:12 SA

 LTS: Kinh tế phát triển, những biệt thự, những ngôi nhà, những căn hộ chung cư đầy đủ tiện nghi được xây dựng, hoàn thiện mỗi ngày. Vì vậy, nhu cầu về thưởng thức cái đẹp cũng lớn dần lên. Khách hàng mua tranh có nhiều mục đích như sưu tập, quà tặng, làm đẹp cho căn nhà của mình. Nghệ thuật thì đa dạng, nhiều phong cách, trường phái, chất liệu… người chọn phong cách này, người lại thích họa sĩ kia, hoặc có thể chọn theo lượng kinh phí đã dự trù. Tất cả tạo nên một thị trường nghệ thuật nhộn nhịp. Nằm trong bối cảnh chung ấy, để định lượng một góc nhìn cá nhân khác, Tạp chí xin giới thiệu chùm ba bài viết “Thẩm tranh”; “Tiếp khách mua tranh”; “Bán tranh” của họa sĩ Đỗ Đức. Bài viết được lấy từ chính những trải nghiệm cá nhân của họa sĩ Đỗ Đức trong rất nhiều năm hoạt động sáng tác nghệ thuật.

Ban Biên tập TCMT trân trọng mời bạn đọc theo dõi.

Là họa sĩ, dù không tham gia kinh doanh, nhưng có bán tranh nên cũng hay phải tiếp khách. Khách thì nhiều loại. Nhưng quý nhất vẫn là khách mua tranh. Họa sĩ là đám thèm tiền số một, he he he…

Đến với phòng tranh có nhiều đối tượng. Người tiện đường ghé thăm; cũng có thể đến chỉ xem tranh suông. Người thì tìm đến xưởng mua tranh. Có khách đến xin bái sư học nghề. Hồi tôi mới có xưởng vẽ, có một khách quen mặt nhưng không biết tên, cứ một tuần thì vài lần gõ cửa vào xin phép được xem tranh. Anh hay đến vào buổi sáng. Kết thúc buổi đi bộ là anh ghé vào xưởng vẽ của tôi trước khi về nhà. Trên tường vẫn những tranh cũ nhưng lần nào cũng ngắm xem chăm chú. Trong một lần như thế, anh hỏi mua một bức tranh giấy và cứ lan man hỏi giá với vẻ rụt rè. Biết anh yêu mê tranh nhưng nghèo, tôi bán cho anh bức tranh giấy một triệu. Anh sung sướng nhưng khi trả tiền thấy mồ hôi trán lấm tấm rịn ra. Biết anh cố gạn tiền, nhưng không thể cho vì anh hỏi mua chứ không xin. Khách mua tranh như anh có một, nhưng ấn tượng với tôi hơn người mua tranh trăm triệu.

Khách thường ngày, xem mấy lần rồi mới quay lại mua

Có bà hàng xóm chuyên bán bún mắm tôm đậu rán, bận bịu suốt ngày, được hôm mưa bà ghé vào xem tranh hỏi bỗ bã: “Bác vẽ nhiều thế này để làm gì?” Tôi hỏi chị thấy đẹp thấy thích không. Bà qua loa: “Bác hỏi thế! Em biết gì về tranh mà nói thích hay không”. Rồi bà chỉ tay vào một tranh hỏi: “Tranh này bác bán được bao nhiêu?”. Bức tranh khuôn khổ ấy nếu bán phải 5 nghìn đô Mỹ, tôi bảo chỉ hai chục triệu, là nói thế để xem bà bảo sao, thế là bà toáng lên, èo! Bố ai người ta mua, bác khoác lác vừa thôi, tưởng tôi không biết gì à? Tôi á, hai trăm ngàn cũng không thèm…

Nói thế nhưng trước khi ra về bà vẫn nửa nạc nửa mỡ: “Bác xem có bức nào loại ra cho em đem về treo chơi!”.

Một hôm, đang ngồi vẽ, có một chàng trai trẻ đến gõ cửa. Hỏi tên tôi xong, anh thở phào: “Thế là đúng bác rồi, may quá, hỏi mãi mới tới”. Vào phòng mời nước, anh thờ ơ, cứ đưa mắt lên tường kiểm kê hết tranh này đến tranh khác gần như quên chủ nhà. Bụng bảo dạ, chắc là khách sộp! Một lúc, sau khi thẩm định các giá trị ảo trên tường, anh bộc bạch là… em đến xem tranh để tư vấn cho tổng giám đốc. Tranh bác đẹp lắm ạ. Bức nào cũng đẹp, tranh nào cũng giống. Tôi bảo: thế sếp anh thích mua tranh loại gì? À, salon tiếp khách của sếp em có tường dài 30 mét. Tranh bác cỡ này phải mấy bức. Tôi bảo: Này nhưng tranh giá đắt đấy. Cỡ này từ 4 nghìn rưỡi đến 5 nghìn đô la Mỹ một bức. Anh khịt khịt, chun mũi nói nhanh, giọng khinh bạc: Giá ấy “muỗi!” Sếp em tiền như quân Nguyên. Miễn là thích thì sếp chi không cần đong đếm. Tôi bỏ qua, không bàn chuyện sếp anh ta, hỏi luôn: “Cậu chọn thế nào?”

Anh không trả lời vào câu hỏi của tôi mà bất ngờ đặt vấn đề: “Bác có tranh đá quý phong thủy không. Sếp em đang lùng loại tranh ấy. Tranh đá ngọc mới quý chứ loại tranh của bác đẹp thì đẹp thật, nhưng không phải thú chơi của sếp em. Ông ấy chơi sang chảnh lắm”.

Nghe xong tôi suýt ngất.

Còn ông khách người Anh, giám đốc quỹ IMF ở Việt Nam thời thủ tướng Phan Văn Khải tại vị tôi đã kể ở một bài viết khác thì chọn bốn tranh xong ông về. Hôm sau, ông dắt vợ và hai con đến xem tranh lấy ý kiến, vợ con cùng thống nhất mới mua. Bữa ấy vợ con ông nhất trí được ba bức, ông phải để lại một bức với vẻ tiếc nuối! May mà hôm sau, trợ lý của Thủ tướng biết chuyện đến hỏi mua bức thứ tư làm quà tặng cho ông trước khi mãn nhiệm, thế là ông toại nguyện.

Tôi được học ít, nên khả năng bắt chước cũng tồi. Muốn lén cắp cũng không làm nổi dù có cơ hội vì năng lực hạn chế, thành ra cứ loay hoay mày mò thể nghiệm linh tinh theo kiểu của mình. Nhớ câu của Lỗ Tấn “Lộ tại cước hạ”, nghĩa là đường dưới chân mình, đi mãi thành đường thôi chứ làm gì có đường sẵn. Tôi tâm đắc với câu lập ngôn ấy của văn hào, và đường mình đi như đường rừng, lạ lẫm với mọi người, nên không bao giờ có “giải rút” gì trong các lần tham gia trưng bày chung, dù chẳng bỏ lần nào. Kiếm cái giải khuyến khích thậm chí còn khó hơn ngài Pắc Hăng Seo kiếm điểm trong vòng loại bóng đá thế giới khu vực châu Á! Và suốt đời tự vạch lấy đường đi cho mình.

Vậy mà một hôm có ông khách đến xem tranh tỏ ra thông thạo, hỏi tranh thủy mặc anh vẽ là học Trung Quốc phải không. Tôi hỏi sao ông nghĩ thế, ông khách bảo thấy giống Quốc họa Trung Hoa, hỏi thêm thế nào là Quốc họa, ông tắc tị. Thế là lại bã bọt mép giải thích cho ông thế nào là Quốc họa, thế nào là thủy mặc, thế nào là vẽ như Trung Quốc, và người Việt Nam vẽ khác Trung Quốc ở chỗ nào.

Lúc ấy ông mới “à” vỡ nhẽ.

Nhớ có một năm, Bộ trưởng Trần Hoàn đi Pháp làm việc với Bộ Văn hóa bên ấy (không rõ bộ của họ gọi là gì, nhưng hiểu đó là bộ về lĩnh vực văn hóa) cần quà tặng. Chẳng biết ai giới thiệu mà chánh văn phòng Bộ Ngô Quang Nam mò xuống nhà chọn tranh dó của tôi. Chọn mấy bức rồi đem về Bộ duyệt lần nữa. Cuối cùng duyệt được hai tranh, tranh giá ba trăm nghìn đồng/tranh. Còn nhớ, sau đó gặp Thứ trưởng Nguyễn Khoa Điềm, ông còn hỏi tôi, mình chọn thế được không. Bây giờ Bộ trường Trần Hoàn đã đi xa, nhưng có lẽ đó là bộ trưởng duy nhất xuất ngoại chọn tranh dó làm quà chứ không chọn đồ mĩ nghệ sơn mài khảm trai có tính phổ biến thời bấy giờ.

Năm năm trước, có thiếu phụ đến phòng tranh, xin phép được xem tranh và xin được học. Tôi bảo không nhận học trò, và cũng chưa từng dạy ai. Cô hỏi lý do, tôi bảo, tôi là người sáng tác, dạy thì lấy tiền công, giờ giấc phải nghiêm ngặt, không phải thói quen của tôi vốn quen tự do. Với lại, nếu người học vẽ không được mà trót nhận tiền dạy thì mình sẽ mất ăn mắt ngủ. Nên tôi nghĩ đói thì ăn khoai lang ngồi vẽ, chứ quyết không mở lớp dạy, dù kiếm được tiền. Cô cười, nghĩ như chú là quá cẩn thận. Rồi cô chỉ bức tranh ”Tháng ba” khuôn khổ 100x150cm của tôi hỏi, tranh này chú bán không? Tôi bảo có, nhưng đắt lắm, cháu lấy đâu ra tiền mua. Hỏi làm gì? Cô nhìn tôi nói luôn “Giá bao nhiêu. Chú tưởng cháu không có tiền à?”. Tôi bảo bảy ngàn. Cô nói ngay, bảy ngàn thì bảy ngàn, cháu mua! Cô lập túc rút ví đặt cọc 20 triệu, và hẹn tháng sau qua rước tranh! Khách thế mới đáng yêu làm sao…

Hai, ba tháng sau có bà khách người Đà Nẵng đến phòng tranh, hỏi bức ấy. Tôi bảo bán rồi và người ta đặt cọc hai chục triệu; nghĩ giây lát bà bảo hay họ không muốn lấy nên mới để lâu thế. Bán cho tôi, tôi trả giá cao hơn. Tôi cầm máy gọi cô bé hỏi tình hình, thì cô trả lời dứt khoát, không, cháu không thay đổi ý kiến, tuần sau cháu đến rước tranh .

Tuần sau vẫn không thấy cô tới mà có vợ chồng doanh nhân đến.

Sau khi chọn vài bức xong xuôi anh lại chỉ vào bức tranh đó đòi mua. Tôi đã nói giá bán và đã bán, anh bảo chắc họ không lấy, anh để cho tôi. Anh trả hơn mấy giá, tôi lại gọi điện. Cô ấy cuống cuồng, cháu chuyển hết tiền ngay đây. Và cô làm thật.

Sau đấy tôi hỏi lý do anh thích tranh ấy, anh trả lời, cháu muốn mua tặng vợ cháu ngày sinh nhật. Vợ cháu thích tranh ấy lắm. Anh nói vẻ nuối tiếc…
Thế mà hai năm treo mốc trên tường không ai hỏi. Vậy mới biết bán tranh là cái duyên chứ không nằm ở chỗ tài ba đâu. Duyên tới duyên đi không biết hết được.
Hồi tôi lập xưởng vẽ, có đến năm rưỡi chẳng ai hỏi mua tranh. Thế mà một hôm có đôi vợ chồng trẻ tìm đến. Cô vợ reo lên “A, may quá, nó vẫn còn đây”. Đó là bức tranh “Đường núi” 90x110cm, một trong những bức sơn dầu đầu tiên tôi vẽ sau khi nghỉ hưu. Cô bảo cháu theo dõi bức tranh này mấy năm rồi, trên”phết-búc”; thích mà biết tranh không rẻ nên cứ tích cóp chờ đủ tiền mới dám hỏi. Khi nghe tôi đồng ý bán thì vợ chồng cô mừng lắm, xin mang tranh về ngay hôm ấy.

Cô khách từ Sài Gòn ra

Đó là bức tranh tôi vẽ về núi ở Hà Giang. Đặng Nam, một họa sĩ cùng cơ quan xem lúc tranh vừa vẽ xong cứ tấm tắc: “Cậu tài thật, vẽ được khí núi bốc lên huyền diệu quá”. Nữ họa sĩ Dung thì chê: “Anh vẽ cứng quèo”. Chắc cô ấy chắc không biết gì về núi. Cố Phó giáo sư tiến sĩ văn học Chu Văn Sơn, sinh thời ngắm nó thốt lên: “Ở Việt Nam, vẽ núi chỉ có hai! Phan kế An với tranh “Nhớ một chiều Tây Bắc”, tôn vinh được cái hùng vĩ miền Tây; còn tranh “Đường núi” của anh cho người ta nhận ra sự huyền bí của vùng đất cao nguyên Đồng Văn. Không ai vẽ hơn!”.

Bức tranh ban đầu để giá 8 nghìn đô Mỹ. Vợ chồng cô là bác sĩ nhắn chúng cháu đang dành tiền, chú giữ để cháu lo đủ thì xin đến lấy… Nghĩ ngẫm hồi lâu, tôi hỏi thế cô chú chuẩn bị được bao nhiêu. Năm ngàn ạ. Một ý nghĩ thoáng qua, năm ngàn thì rẻ, nhưng bán để khai thoáng cho phòng tranh thì cũng cần. Tôi tặc lưỡi, người Việt mình yêu tranh thì cũng nới tay để khuyến khích. Thế là ô kê.

Một năm sau, vợ chồng bác sĩ sang chơi, tôi hỏi về bức tranh cô ấy bảo vợ chồng em thích lắm. Tết vừa rồi ai đến cũng trầm trồ. Nhà em sợ mất cắp nên qua tết anh ấy cho treo lên tầng hai. Ăn cơm xong, nghỉ ngơi uống nước chúng em cùng ngắm… Tranh xem mãi được, mỗi lần xem lại phát hiện thêm cái mới. Chẳng biết có thật không?
Có lần cô nói đùa, mới hôm vừa rồi vợ chồng ngồi chuyện “hết khôn dồn dại”, anh ấy bảo: “Nếu mà chia tay, tôi để tất tài sản cho cô, Tôi chỉ đem theo bức tranh”.
Nói thật, dù kể cả bị nịnh đi nữa thì câu nói thế cũng làm họa sĩ sướng miên man.

Lại có một nhà văn đến chơi chỉ bức sơn dầu trên tường hỏi: “Đây là sơn mài phải không?”, làm tôi trố mắt. Thế là lại phải giải thích về các chất liệu. Nghe một hồi, ông bảo nghề của anh phức tạp bỏ bố! Chỉ có vẽ mà bày lắm thứ. Viết văn như chúng tớ chỉ cần cây bút sắt mà vẽ ra đủ loại, từ hiện thực đến siêu thực, từ hiện đại đến hậu hiện đại cứ ngon ơ…

Có ông khách chọn tranh, mua xong trả thiếu tiền, nhắc nhở trả nốt ông ta cứ lờ lớ lơ đi. Khách ấy thì không thể tiếp lần thứ hai.
Có khách mua, nghe nói giá, không mặc cả, chỉ chọn tranh. Mua xong , trả tiền sòng phẳng, ngồi tiếp chén trà, khách tâm sự, tôi xem tranh và chấp nhận giá thì lấy. Ai đi mặc cả nghệ thuật, giá ấy thấy đủ tầm thích thì mua thôi.

Khoái nhất có một khách hàng trẻ, thuộc một chủ doanh nghiệp lớn đến mua hẳn một sê-ri tranh. Thi thoảng anh quay lại thăm tôi và khoe tranh chú vẽ treo phòng khách được nhiều người mến mộ lắm. Bao giờ cũng xem tranh lúc lâu rồi mới làm việc! Những khách như thế không nhiều nhưng thật quý. Nó làm cho lòng mình được sưởi ấm khi hành nghề. Thật tình, vẽ là nghề cô quả, chỉ một mình một bóng, mình tự làm vua cho chính mình. Nên khi tranh được khách mua, thấy được sự chia sẻ, thấy ấm lòng vô cùng. Sau đó lại có tiền tái sản xuất. Bán được một bức tranh, lại hào hứng vẽ được hai ba bức khác.
Nghĩ cho cùng, chẳng nghề nào sướng bằng nghề vẽ. Khi vẽ thì sung sướng, bán cái sung sướng lại được tiền. Vẽ gì chẳng ai cấm đoán. Khách đến thì vui. Khách đến với tôi, trừ bà bán bún đậu thì còn lại thì toàn văn nhân tài tử. Nhưng bà bún đậu lại là điểm nhấn trong trong tương quan khác. Và anh bạn tôi không biết tên mua tranh một triệu mà rịn mồ hôi trán, đó chính là điểm nhớ nhất về những khách đã đến phòng tranh.

Đỗ Đức

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter