• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Văn học dịch năm 2023: Ngồn ngộn những tình thế sống, tình thế diễn giải
Ngày xuất bản: 05/02/2024 7:52:27 SA

Vanvn- 2023, mặc cho bao rên rỉ chung năm nay khó lắm, phải cố qua được năm nay, tới tâm tư thầm kín thôi hạn chế các đầu sách văn học, không bán được đâu, có lẽ, vẫn là năm lẫy lừng nhất về văn học dịch.

2024 sẽ không chỉ là mốc đánh dấu 20 năm Việt Nam gia nhập công ước Berne, mà còn là 20 năm việc liên kết xuất bản giữa các nhà xuất bản nhà nước và các tổ chức tư nhân được chính thức đưa vào Luật Xuất bản.

Ngần ấy thời gian đủ để tạo ra một vài thế hệ dịch giả và người viết mới, sản sinh vài thế hệ độc giả mới và thay máu nền xuất bản. Trong quãng thời gian ấy, 2023, mặc cho bao rên rỉ chung năm nay khó lắm, phải cố qua được năm nay, tới tâm tư thầm kín thôi hạn chế các đầu sách văn học, không bán được đâu, có lẽ, vẫn là năm lẫy lừng nhất về văn học dịch: nhiều đầu sách dịch mới lẫn tái bản, như thể một nỗ lực flex tập thể, nhìn xem chúng tôi oách và chất thế nào này.

 

Cuộc trình diễn quần quật

Độc giả năm nay như được đẩy vào một bàn tiệc Mãn Hán toàn tịch: ngồn ngộn tác phẩm cổ kim, Đông Tây, giải thưởng to, giải thưởng bé. Đúng là quá xa rồi cái thời năm vài đầu sách lẻ tẻ. Giờ ai muốn trên thông Tây phương, dưới tường khu vực, không phải hì hục đi tìm sách ngoại văn lậu nữa, cứ ra hiệu sách, đầy.

Sách có tí giải, hẳn nhiên Nobel vẫn là số 1 từ nay tới xưa, vẫn đều như vắt tranh: bộ ba Cơn cuồng si, Nỗi nhục, Một người phụ nữ của Annie Ernaux (Nobel văn chương 2022), Klara và Mặt trời của Kazuo Ishiguro (Nobel năm 2017), Đi tìm Dora và Những cậu bé can đam thế của Patrick Modiano (Nobel năm 2014), Tuyển tập truyện ngắn Truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata Yasunari cùng tiểu thuyết Bồ công anh (Nobel năm 1968), Hạt ngọc trai của John Steinbeck (Nobel năm 1962), Người mẹ của Grazia Deledda (Nobel năm 1926), Tuyển tập thơ của William Butler Yeats (Nobel năm 1923), và lại bộ ba Bí mật của Synnøve, Chuyện tình chàng Arne, Cậu trai vui vẻ của Bjørnstjerne Bjørnson (Nobel năm 1903).

Các sách được giải Pulitzer, Booker, Goncourt cũng điểm xuyết vài đầu: Bình yên nước Mỹ của Philip Roth, Những cuộc đào tẩu ngoạn mục của Kavalier và Clay của Michael Chabon, Đường hẹp lên miền Bắc thẳm của Richard Flanagan, Con cháu của họ cũng thế thôi của Nicolas Mathieu.

Những hiện tượng Âu Á mà tác giả ra sách là độc giả chụp vội ảnh đăng Instagram cho kịp trào lưu cũng xuất hiện trên thị trường sách Việt như Sally Rooney với Thế giới tươi đẹp, người ở đâu, hay làm bão làm bùng như Kevin Chen với Vùng đất quỷ tha ma bắt.

Những tên tuổi đã đi vào kinh điển cũng thoắt cái là lại có bản dịch mới: Kurt Vonnegut với Bữa sáng của nhà vô địch, Raymond Chandler với hai siêu phẩm Ngủ giấc ngàn thu  Kẻ không thể giã từ, Ray Bradbury với Biên niên ký Sao Hỏa, F. Scott Fitzgerald với Bên này địa đàng, Yasushi Inoue với Bọ tuyết, Bạch Tiên Dũng, Người Đài Bắc.

Còn vô số những tên tuổi văn chương cỡ trung và cỡ nhỏ, vô số những sách lẻ, thoáng hiện và chớp lóe mà không mấy ai hay. Một thị trường, qua dần tháng năm, đã trở thành nơi cạnh tranh khốc liệt: ai may mắn thì chiếm được sự chú ý của số đông độc giả – những người đang có nguy cơ bội thực, đứng trước trăm dòng nước, manh nha để cho tất cả trôi vì hầu bao hạn hẹp (chưa kể sách tự nhiên đắt đỏ hẳn ra).

Trên cao nhìn xuống, từ ngóc ngách mà soi lên, trong cái cuộc trình diễn quần quật của văn học dịch năm nay, liệu có nên ngớ ngẩn lẩy ra mà tóm lấy một (và hẳn nhiên là nhiều) mẫu hình?

Những tấm gương soi choáng váng

Văn học dịch 2023 đã lôi tôi vào một tình thế đọc: nơi “diễn ra một sự rúng động nhất định của con người cá nhân, một sự lật lại những gì đã đọc trước đó”. Một sự rung chuyển về nhận thức, khi cá nhân đối mặt trực tiếp với đa dạng những tình thế sống và tình thế diễn giải.

Không hẹn mà gặp, những cuốn sách hay nhất của 2023 là một tập hợp cho chúng ta thấy cái thế giới không phanh, nơi “bạo lực là vĩnh cửu… là vị thần thực sự và duy nhất”. Nhưng sự tình cờ trong tập hợp bạo lực này lại không gây choáng váng bằng sự bất lực tuyệt đối của con người, khi đối mặt với bạo lực, hay khi biết về sự tồn tại của những cái ác, mà đành thúc thủ.

Giáo sư văn chương Mỹ Latin J. A. Masoliver Ródenas miêu tả Roberto Bolaño, nhà văn Mỹ Latin được coi là xuất sắc nhất sau Gabriel García Márquez là “một tác giả kinh hoảng bởi bạo lực của thế kỷ chúng ta”, một nhà văn thiết tha với “sự bệnh hoạn đạo đức của thời đại”.

Trong một tiểu luận về ảnh của nhiếp ảnh gia người Chile Sergio Larraín, Bolaño bàn về nghệ thuật chụp ảnh: Qua cách chụp của Larraín cảnh một hàng người đợi xe buýt, cảnh tưởng xảy ra ở London “nhưng có thể nói nó xảy ra ở bên rìa địa ngục”, Bolaño cảm thấy “London Bridge với chiếc xe buýt hai tầng và những cây cột khổng lồ gớm guốc lao xuống làn nước lạnh, mang hình dáng cây cầu tới địa ngục”.

Cách mà Bolaño bình luận về nhiếp ảnh của Larraín cũng chính là lăng kính mà chúng ta dùng để nhìn thế giới của hiện tại và quá khứ: sự đồng hiện diện của cái ác và cái thường nhật trong mỗi khung hình, trong mỗi lát cắt lịch sử, trong mỗi cái nhìn chim bay của Chúa trời.

Những tội ác gớm guốc, những con người như sống trong địa ngục, ở khắp các nơi chốn khác nhau trên trái đất, tồn tại cùng với hàng vạn những cảnh sống thường nhật thản nhiên khác, có thể biết, hoặc không thể biết, về nhau.

Năm 1940, khi Đại chiến thế giới lần thứ hai đang diễn ra ác liệt, một phụ nữ trẻ, 23 tuổi, ở Mỹ, xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên Trái tim là thợ săn cô đơn, ngay lập tức gây tiếng vang lớn.

Được coi thuộc nhánh Gothic miền Nam, Trái tim là thợ săn cô đơn của Carson McCullers kể về một loạt nhân vật kỳ quái mà ta hay bắt gặp trong tiểu thuyết của William Falkner hay truyện ngắn của Flannery O’Connor. Ở tâm điểm của tiểu thuyết là một người điếc và câm John Singer và tình bạn tri kỷ với một gã câm khác. Khi bạn bị đưa vào nhà thương điên, Singer rơi vào trạng thái cô đơn cùng cực.

Thế giới cũ tan vỡ, chuyển tới nơi ở mới, Singer trở thành mối thân tình của bốn con người hoàn toàn khác biệt và không liên quan gì tới nhau. Haruki Murakami, người đã dịch tác phẩm này sang tiếng Nhật 80 năm sau, coi cái thị trấn nơi những cá nhân ấy sinh sống là “một vũ trụ nhỏ”: một thế giới miền Nam hiện lên với đầy rẫy bạo lực, phân biệt chủng tộc và giai cấp, quyện với các nhân vật nhỏ bé vất vưởng đi lại trong cô độc, bất lực tuyệt đối trước sự đổ ập vô căn cứ của đời sống.

Cùng kể chuyện về những con người cùng thời với các nhân vật của McCullers nhưng ở một châu lục khác, nhà văn Úc Flanagan trong Đường hẹp lên miền Bắc thẳm lại dựng nên cả một thế giới nơi con người “bước trên địa ngục ngắm hoa”.

Cuốn tiểu thuyết có nhân vật chính là bác sĩ Dorrigo Evans bị bắt làm tù binh bị bắt lao động cưỡng bức. Hiếm nhà văn nào có khả năng miêu tả một thế giới tàn bạo nơi đói ăn và bệnh tả hoành hành, nơi cứt đái nổi lềnh bềnh tới đầu gối, nơi máu tuôn phùn phụt trên đùi những người lính bị đứt động mạch chủ, nơi những tù nhân co cụm lại và rơi rụng từng ngày dưới ý chí kiên quyết phải xây đường, bất chấp mạng sống con người.

Miêu tả lại cái tội ác khủng khiếp chống lại nhân loại mà theo lời tác giả, còn nhiều người chết hơn khi bom nguyên tử rơi xuống Nagasaki hay Hiroshima, Flanagan lại chọn cho cuốn tiểu thuyết một cái tên đầy thơ mộng “Đường hẹp lên miền Bắc thẳm” của bậc thầy thơ thiền Basho cũng như các thủ pháp của văn học Nhật để “thiêng hóa cái không thể thiêng hóa”.

 

Ở hai thời đại khác nhau nhưng cùng viết về một giai đoạn chiến tranh, Flanagan từng nhắc tới một bậc thầy của văn chương thế kỷ 20: Vasily Grossman, khi đề cập tới nỗi mong mỏi sẽ có ngày tác phẩm của mình được đọc.

Việc xuất hiện bản dịch tiếng Việt Cuộc đời và Số phận của Grossman có thể coi là thành tựu xuất sắc nhất của văn học dịch năm nay. Thế kỷ chó săn giờ đây nhảy chồm lên vai những người nông dân, những người lính, những người Do Thái, những trí thức Nga Xô viết những năm 1942-1943.

Được ví với Chiến tranh và Hòa bình của thế kỷ 20, Cuộc đời và Số phận còn đi xa hơn trong việc khắc họa những nỗi bi kịch cá nhân, gia đình và dân tộc. Nỗi đau riêng khi có mẹ là người Do Thái bị phát xít Đức bắn chết, những trải nghiệm cá nhân của một nhà báo chiến trường trong trận Stalingrad, cả những đổi thay về nhận thức lý tưởng, trên hết là một tình yêu và sự đồng cảm với “những nỗi đau, niềm vui, lỗi lầm và cái chết” của những con người bình thường, tôn vinh cái hạt nhân bé nhỏ là lòng thiện… tất cả đã giúp Grossman xây dựng lên một cuốn sách, nói như F. Kafka, “như lưỡi rìu bổ vào đại dương đông cứng trong ta”.

Cái bóng khủng khiếp của chủ nghĩa phát xít Đức không chỉ phủ ở châu Âu mà còn vươn dài cánh tay qua tận Brooklyn, thành phố New York. Những chuyến tàu dẫn tới phòng hơi ngạt chạy xuyên cả tiểu thuyết của Grossman sang tới Những cuộc đào tẩu ngoạn mục của Kavalier và Clay.

Kể về một cậu bé Do Thái ở Praha đam mê làm ảo thuật gia may mắn đào thoát sang được Mỹ sống với họ hàng và trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh thành công, để lại sau lưng là cả một gia đình sớm muộn cũng bị diệt chủng, tác phẩm của Michael Chabon, vô tình tạo nên những nốt vang giao nhau với Grossman.

Như nhiều nhà phê bình nhận xét, đây là một câu chuyện có rất nhiều lớp: ở một lớp nó là câu chuyện tình bạn và sự đua tranh giữa hai anh em họ; ở một lớp khác nó là một cuốn tiểu thuyết lịch sử trong cái thời vàng kim của nền xuất bản truyện tranh ở Mỹ; ở một lớp khác nữa nó là cuốn tiểu thuyết về sự đào thoát.

Dẫu vậy chấn thương không mất đi, quá khứ không kết thúc, chúng sống mãi. Cái mô típ ám ảnh vì quá khứ và tội lỗi vì mình là người sống sót, như một sợi tơ nhện vô tình quấn Flanagan và Chabon lại với nhau.

Bình yên nước Mỹ lại gối ngay đầu vào sau thời điểm mà Những cuộc đào tẩu ngoạn mục của Kavalier và Clay dừng lại: kết thúc Đại chiến, một nước Mỹ chìm trong một niềm hân hoan ngùn ngụt, con người tự tin mình có thể làm chủ vận mệnh của mình. Một trong những tượng đài của văn học đương đại Mỹ, Philip Roth không từ một phút giây nào để xé toạc cái ảo tưởng lớn lao ấy.

Từ cái bình yên đồng quê của nước Mỹ những năm 1940, độc giả bị đẩy tới những bạo động sắc tộc và những biểu tình của những năm 1960. Và rồi khi đã theo những trang thấm đẫm bi kịch của một con người tưởng như hoàn hảo, ta không thể hiểu được cuộc đời theo thuyết nhân quả, ta buộc phải chấp nhận những sự phi lý của đời sống và xã hội.

Những lát cắt hoa mày chóng mặt của cuộc đời

Băng từ Bắc Mỹ sang Nam Mỹ, một thập niên sau cái thời mà Roth miêu tả, ta lại rơi vào cái thế giới đầy lãng mạn nhưng cũng đầy bất ổn trong Thám tử hoang dã của Bolano. Tiểu thuyết đồ sộ này dựng lại những tồn tại đầy vật vã của các nhà thơ thuộc nhóm Hiện thực cật ruột ở Mexico.

Đả phá các thể chế văn chương chính thống, nhóm những nhà thơ trẻ ấy sống vừa đầy tự do phóng túng vừa đầy những ti tiện nhỏ nhặt của đời sống. Những nhà thơ vô danh tác phẩm chưa từng được ai đọc, những khắc khoải tìm kiếm một thứ gì đó vượt lên trên tất cả.

Dịch giả của cuốn tiểu thuyết này, Trần Tiễn Cao Đăng, đã chỉ ra điều đó khi nhắc lại xác quyết của Bolano, khi được hỏi “Có thể tồn tại một cách đầy tính thơ trong thời hiện đại hay không?, Bolano đáp: “Có, nhưng đó là một sự tồn tại hiểm nghèo”.

Nếu coi văn chương có một sứ mệnh cao cả nào đó, ta bước tiếp sang thập niên 1990 của một vùng tỉnh lẻ miền Đông nước Pháp trong tiểu thuyết Con cháu của họ cũng thế thôi phơi bày các lát cắt cuộc đời của những đứa trẻ vị thành niên trong bốn mùa hè 1992, 1994, 1996, 1998.

Xuất thân từ một gia đình lao động, Mathieu coi viết là “gây chiến với thế giới”, dùng tiểu thuyết để phơi bày những cơ chế và bất công xã hội. Xây dựng một thế giới nồng nực vì những ham muốn cả về sinh lý lẫn tinh thần nhằm thoát khỏi đời sống chán ngắt và nhục nhã của dân lao động ở khu giải công nghiệp hóa, nơi thất nghiệp tràn lan đi cùng nghiện ngập và bạo lực, được viết bằng bút pháp học theo truyền thống của Emil Zola, Flaubert và Balzac, Con cháu của họ cũng thế thôi mong muốn bằng văn chương mà hiểu hơn về thế giới đang sống.

 

Chuyển sang địa hạt của siêu hư cấu, độc giả Việt Nam lần đầu tiên gặp gỡ một thiên tài văn chương của Ireland, Viên cảnh sát thứ ba của Flann O’Brien. Lấy bối cảnh là nông thôn Ireland nhưng lại rất khó xác định chính xác đó chính là Ireland, Viên cảnh sát thứ ba kể về những câu chuyện phiêu lưu càng ngày càng kỳ quái của một học giả nghiệp dư, người nghiên cứu về một triết gia hư cấu tên là de Selby.

Sự quái đản không chỉ đến từ cách hành xử và nói năng của nhân vật, mà còn đến từ sự thản nhiên như không của tất cả những người liên quan, và những hành động giết người nhẹ như bẫng. Viên cảnh sát thứ ba đùa cợt và gây hấn với tư duy logic của độc giả, bởi những lý luận thông thường đều thất bại trong việc giải nghĩa nó: liệu đây là một bản đồ địa ngục, hay một dụ ngôn về tội lỗi?

Cuốn tiểu thuyết nằm trên lằn ranh giữa thực và ảo và được nhiều nhà nghiên cứu và phê bình coi là kiệt tác đầu tiên của chủ nghĩa hậu hiện đại, với sự độc đáo trong việc dùng chú thích ở mỗi chân trang để tạo nên một dòng tự sự nữa.

Không hẹn mà gặp, cả O’Brien và một ông tổ của văn chương kỳ ảo, Jorge Luis Borges đều là bậc thầy trong việc xóa mờ thực với ảo, đùa chơi với mọi điều mà ta có một niềm tin bền vững là cái có thật.

Những truyện ngắn, mà nhiều truyện đọc như tiểu luận, đầy tính chất siêu hình tập hợp trong hai tập Truyện hư cấu và Aleph có thể coi là đỉnh cao của một thứ văn chương từ chối sự áp đặt về nghĩa.

Từ chối viết những sách dày, bởi “thật là một chứng điên nhọc nhằn và kiệt quệ cái việc soạn ra những sách dày; cái việc dông dài trong năm trăm trang một ý tưởng có thể trình bày miệng hoàn hảo trong vài phút”, truyện của Borges, là sản phẩm của “một đầu óc đang mơ và thế giới là giấc mơ của nó”.

Kết thúc một năm đọc sách, ta nhận ra, lại xin lắp ghép lời của Roberto Bolaño, những cuốn sách lớn, phải chăng, “vừa là lời nguyền vừa là tấm gương soi của chúng ta, tấm gương soi đầy bồn chồn soi rọi những vỡ mộng của chúng ta và cả những diễn giải đầy đồi bại về tự do và ham muốn của chúng ta”.

***

Vladimir Nabokov và Borges chia sẻ một cú đau hài hước: cùng bị trượt Nobel vào năm 1965. Về phong cách, ở tiểu thuyết Lửa nhạt, Nabokov như là một hậu thân của cả O’Brien lẫn Borges.

Hiếm tìm thấy tiểu thuyết nào được dàn dựng một cách thông minh, hài hước và đầy nỗi buồn như Lửa nhạt. Được các học giả coi là “cuốn tiểu thuyết hoàn hảo nhất của Nabokov”, Lửa nhạt là một sự vặn xoắn đúng nghĩa của nhiều dòng tự sự với nhau, buộc độc giả phải lần từng mẩu xếp hình nhỏ để thiết lập lại một câu chuyện có đầu có đuôi, mà không phải lúc nào cũng thành công, bởi sự mù mờ và cố tình xâm lấn một cách phi lý của một đầu óc loạn trí.

Như một câu thơ trong bài thơ Lửa nhạt”: “Đời, lời nhắn nhủ, nguệch ngoạc trong bóng tối“, tiểu thuyết này là một trò đùa về những tình thế diễn giải.

ZÉT NGUYỄN/ TTCT

Theo Vanvn.vn

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter