• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Động lực nào để theo đuổi văn chương?
Ngày xuất bản: 21/07/2023 3:26:54 SA

- Xin chào Hiền Trang! Chúc mừng chị vừa hoàn thành chương trình đào tạo viết văn tại Đại học Iowa (Hoa Kì), nơi được xem là “Thiên đường văn chương”. Theo tôi được biết, không có nhiều nhà văn - người viết Việt Nam nhận được cơ hội đào tạo này. Chị nghĩ như thế nào khi có mặt ở Iowa?

+ Khi tôi bắt đầu viết văn khoảng gần 10 năm trước, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình có thể đại diện cho Việt Nam tới tham gia International Writing Program (IWP) của Đại học Iowa, chưa kể các nhà văn Việt ngay cả khi đã được đề cử cũng phải cạnh tranh cùng các nhà văn khác trong khu vực Đông Nam Á để hiện diện ở đây nữa.

Khi đọc danh sách những nhà văn Việt từng có mặt ở đó, như Lý Lan, Phan Triều Hải, Phan Thị Vàng Anh, Phan Hồn Nhiên,... tôi thấy vừa tự hào vừa kì lạ lắm. Chị Nhiên từng là giám khảo hồi tôi thi Văn học tuổi 20, tôi nhớ lúc chị viết một bài tổng kết về cuộc thi này trên một tờ báo, biên tập viên của báo, tình cờ cũng là người thường làm việc với tôi khi tôi cộng tác ở mục âm nhạc và phim ảnh, bảo với tôi rằng có vẻ chị Nhiên cũng thích cuốn sách của em vì chị dành nhiều dòng cho tác phẩm. Sau này chị Nhiên lại là người “làm chủ” cho một cuốn sách của tôi, một dự án đã thực hiện từ năm 2021, đến năm nay hi vọng có thể ra đời.

Bởi vậy mà có những ngày khi đi dạo dọc bờ sông Iowa, tôi cứ nghĩ mãi đây có phải là thật không nhỉ. Tôi bắt đầu với văn chương không mang theo kì vọng gì, tôi luôn nghĩ nếu bất cứ lúc nào không thể tiếp tục thì tôi sẽ không nuối tiếc, đi được tới đâu cũng là xa hơn những gì tôi nghĩ rồi.

Một người bạn thân của tôi ở Iowa, một tiểu thuyết gia Đài Loan, có lần chỉ cho tôi xem một vết sẹo trên tay anh và bảo rằng nó đến từ một lần anh cảm thấy bản thảo mình viết ra dở tệ. Rồi anh đấm vào tường và... gãy tay. Tôi bảo với anh rằng “Nhưng đó chỉ là văn chương thôi mà?” Và nếu là tôi thì sẽ không thể nào làm vậy, sẽ không bao giờ vì văn chương mà giận dữ đến thế.

Rồi thời gian tôi ở Iowa thì một thành viên ở niên khoá trước đó, Shehan Karunatilaka, nhà văn người Sri Lankađược trao giải thưởng Booker danh giá. Nghĩa là tôi đang ở chính tại nơi Shehan từng ở, chỉ cách nhau có vài tháng thôi. Tôi cũng được nghe Orhan Pamuk diễn thuyết ở New York, và ông cũng từng là thành viên của IWP. Tất cả giống như một giấc chiêm bao vậy.

Tôi đã sống bằng nghề viết trong nhiều năm, tất nhiên là viết nhiều thứ chứ không riêng gì văn chương cả, nhưng lạ lắm, ngay cả những khách hàng thương mại đều gọi tôi là “nhà văn”, dù chưa bao giờ tôi nghĩ về mình như một nhà văn. Cả nhà tôi cũng không ai nghiêm túc nghĩ tôi là nhà văn, mãi cho đến IWP. Một trải nghiệm như thế khiến bố tôi cũng chẹp miệng cho rằng có lẽ những thứ tôi viết ra chưa tới mức nhăng nhố lắm.

- Gần đây, chị xuất bản cuốn sách Tại sao ta yêu… với những tên tuổi lớn của văn chương, nghệ thuật thế giới (Haruki Murakami, Norah Jones, Frédéric Chopin, Oscar Wilde, Vincent van Gogh, The Beatles…). Có vẻ như, chị yêu thật nhiều, yêu như là trạng thái của sống và viết (một cách hình dung của chị khi viết về Trương Quốc Vinh). Làm sao để có thể yêu được nhiều như thế? Làm sao để tìm thấy tình yêu và giữ được tình yêu ấy trong sự vội vã của cuộc sống, sự thờ ơ và mau chóng nhạt phai của lòng người hiện nay?

+ Có một chuyện rất ít người biết, đó là hồi tôi học trung học, tôi từng tham gia một diễn đàn phim ảnh trên mạng. Những bài viết đầu tiên mà tôi viết từ một thôi thúc cá nhân đều là ở trên diễn đàn ấy. Sau này tôi mới tập tành sáng tác truyện.

Bởi vậy mà tiểu luận có lẽ là thể loại gắn bó hữu cơ nhất với tôi, trên tư cách một người sáng tác. Tôi thích đọc các nhà văn viết về những tác giả có ý nghĩa với họ. Cuốn sách tôi yêu thích nhất của Vladimir Nabokov, ngoài hồi kí của ông, chính là tập bài giảng của ông thời còn làm giáo sư đại học ở Mĩ. Ông viết về những người khổng lồ Nga như Pushkin hay Dostoevsky, viết về những Jane Austen, Franz Kafka, Marcel Proust... Cách đọc của ông nói lên nhiều về cách viết: sự “rối loạn ám ảnh cưỡng chế” với các tiểu tiết, sự vươn đến một thế giới khác. Hay với Pamuk, tôi thích đọc ông viết các tiểu luận ngắn về Victor Hugo hay Nghìn lẻ một đêm. Chúng chỉ là đoản thiên so với các tiểu thuyết đồ sộ của Pamuk, nhưng chúng hé lộ “bộ máy” phía sau lập trình nên suy nghĩ của một nhà văn.

Nói thế này thì tự cao quá nhưng quả là tôi cũng muốn nghĩ về Tại sao ta yêu… như thế, bề ngoài nó là chuyện về những nghệ sĩ tôi yêu, nhưng bên trong có lẽ nó là tự sự của tôi về viết, về sáng tạo.

Tôi không biết vì sao mình dễ ngã lòng với văn chương, nghệ thuật. Nhưng lạ lắm, có khi tôi chỉ đọc một câu trong Ông già và Biển cả, đại loại là “nỗi đau mách cho lão hay lão còn chưa chết”, thế thôi mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi cố gắng giữ cuộc sống của mình thật giản dị, mỗi ngày đều đọc, xem và viết. Cũng khó, vì bạn bè thân nhất của tôi đều học ở một ngôi trường kinh tế, giờ đều rất thành đạt trong sự nghiệp. Tôi hay bảo với họ: “Chúng mày giỏi quá, tao không tránh khỏi bị áp lực đồng trang lứa.” Nói thật, cũng có lúc tôi nhìn ngang nhìn ngửa, tôi tưởng tượng nếu ngày đó tôi cũng theo đuổi công việc như mọi người thì có khi bây giờ cũng sẽ như thế, nhưng rồi rất nhanh, tôi lại quay về với những tình yêu của mình. Sau rốt khi chết đi tôi chỉ muốn người ta mở cho tôi nghe một lượt các album đầu tay của The Beatles, đọc cho tôi nghe một đoạn văn của Nabokov, vậy là đủ để khép lại một cuộc đời, đủ để chia tay trong êm đềm vui vẻ.

Nhà văn Hiền Trang, sinh năm 1993, tại Hà Nội. Chị đã xuất bản một số tác phẩm như Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ (tiểu thuyết, 2015), Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi (tập tản văn, 2016), Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa (tập truyện ngắn, 2018, giải Ba - Cuộc thi Văn học tuổi 20, lần VI), Dưới mái hiên đêm, những khách lạ (tập truyện ngắn, 2020), Chopin biến mất (tiểu thuyết, 2022), Tại sao ta yêu (tập tiểu luận, 2022). Hiền Trang là dịch giả của hai cuốn sách Shout! The Beatles - Hơi thở thời đại của thế kỉ XX, Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội đồng thời là diễn giả của nhiều chương trình tọa đàm về văn học - văn hóa tại Việt Nam. Năm 2022, Hiền Trang là đại diện của Việt Nam tham gia International Writing Program tại Iowa, Mĩ.

- Có tác giả nào chị đã từng yêu, nhưng sau đó không còn yêu nữa hoặc nhận ra mình đã “yêu lầm”?

+ Hồi xưa tôi từng nghĩ tôi rất thích Thái Minh Lượng. Ông là một đạo diễn Đài Loan với đặc trưng là điện ảnh chậm. Nghĩa là một cảnh phim của ông về một người phụ nữ ngồi khóc có khi cũng kéo dài 6 - 7 phút. Trong khoảng 6 - 7 phút đó, cô làm đúng một việc là khóc, không làm gì khác cả. Khi còn trẻ, tôi thích những bộ phim như thế lắm, có lẽ vì tuổi trẻ tôi còn đang khám phá mối quan hệ của mình với thời gian, và những tác phẩm như vậy miết tôi vào từng giây đầy đoạ của cuộc đời. Nhưng sau này tôi bớt thích Thái Minh Lượng đi một chút, cảm thấy con người ta không nhất thiết phải cô đơn tột cùng như vậy.

Hay Kim Ki-duk, ông là một nhà làm phim với thứ điện ảnh duy ác. Khi xưa tôi luôn tò mò phim ông, xem người ta có thể hình dung về một thế giới tàn ác đến mức nào, nhưng về sau lại nghĩ sự u tối ấy chưa hẳn là thứ mình mưu cầu. Có lẽ tôi vẫn thích những tác giả hướng thiện hơn, chẳng hạn như Haruki Murakami, người ta bảo tác phẩm của ông buồn bã trầm cảm u sầu, nhưng không đâu, Murakami là một nhà văn chữa lành, các nhân vật của ông luôn rất đẹp, con người trong truyện của ông luôn yêu âm nhạc, hiểu biết về văn chương, thích yêu và được yêu, ta còn muốn đòi hỏi gì hơn ở con người nữa?

- Vậy có khi nào, chị yêu vì danh tiếng, vì hào quang của tác giả không?

+ Nhưng đâu có lựa chọn nào khác phải không? Thực ra người ta vẫn bảo Frank Sinatra không phải người hát hay nhất vào thời đại của ông, nhưng thời đại đã lựa chọn ông là huyền thoại. Mọi thứ ta được tiếp nhận âu cũng là đã trải qua vô vàn công đoạn rồi, ta cũng chỉ là người đứng cuối cùng trong chuỗi tiêu thụ văn hoá mà thôi. Hay nếu so những bản Dạ khúc của Chopin và của John Field, tôi nghĩ John Field cũng không kém cạnh, ông còn là người khai sinh ra tiểu loại ấy nữa. Nhưng sau này Chopin lại vượt xa Field về danh tiếng, và Chopin chứ không phải Field mới trở thành một “tình nhân” trong mộng, những khía cạnh câu chuyện được thêu dệt về Chopin tạo nên một giai thoại, một truyền thuyết, còn Field cùng lắm cũng chỉ là một nhạc sĩ cổ điển với những bản nhạc hay. Nghệ thuật là trò xổ số, ta đều biết vậy cả.

- Khi con tim lên tiếng thì lí trí phải biết nín lặng, những tình yêu của chị có khi nào bị giằng xé giữa lí trí và trái tim?

+ Một trong những nhà phê bình mà tôi chịu ảnh hưởng nhiều nhất, đó là Roger Ebert. Đó là một nhà phê bình rất bình dân, không hẳn là một học giả. Ông thường viết về các tác phẩm trên tư cách một người xem, một người yêu hoặc một người ghét, chứ không phải một nhà kiểm định, và ông bảo thế này: “Hiểu tôi nghĩa là yêu tôi.”

Hiểu có nghĩa là yêu. Tôi cũng tin như vậy. Phải hiểu mới yêu, và vì yêu nên mới cố sống cố chết để hiểu. Cho nên lí trí và con tim với tôi cũng là một mà thôi.

- Khi yêu, người ta nghĩ và viết thật đẹp, thật say đắm về người mình yêu. Chị đã nghĩ, đã viết như thế trong Tại sao ta yêu… Đó là văn phong của kẻ đang yêu. Nhưng, nếu được phép, xin ngừng ở đây một chút, có điểm gì đáng ghét, đáng phê phán, gây thất vọng cho chị trong những cuộc yêu ấy không?

+ Có chứ. Đơn cử, tôi có một “mối quan hệ” vừa yêu vừa ghét với Haruki Murakami. Ai mà chê bai ông là tôi bực bội, nhưng ai mà tâng ông lên đến trời xanh thì tôi cũng thấy khó nuốt lắm. Xin đừng so ông với Yukio Mishima, không thể nào có chuyện ấy được, Mishima là ở tầng mây khác rồi. Nhưng đó hiển nhiên không phải lỗi của Murakami, khi tôi bỏ qua tất cả những “tiếng ồn” bên ngoài để “thiền định” trong văn ông, chỉ nghe ông cầu kinh với cuộc đời thì tôi biết Murakami là một người bạn đường hào phóng nhất và an ủi nhất.

Còn thì nghề viết bao giờ cũng vậy, luôn có những chuyện trên trời rơi xuống. Một tờ tạp chí tôi cộng tác từng nhận được cả thư của độc giả không hài lòng với bài viết của tôi về một tác phẩm của nhà văn Italo Calvino, theo họ thì tôi hiểu về ông sai bét hết cả. Rồi có lần tôi viết một bài về album nhạc của một ban rock huyền thoại ở Việt Nam, cũng có so sánh với thế hệ rock khác, để rồi lại bị những nhạc sĩ rock khác không vui, đến mức trưởng nhóm ban rock kia còn phải nhắn tin an ủi tôi, dù trước đó tôi không quen biết anh. Nhưng biết làm thế nào được, nghề viết sẽ luôn có những chuyện khù khoằm thế đấy, đó là cái giá phải trả khi ta đem phanh trái tim mình ra bày lên cho người khác xem. Tôi chấp nhận cái giá ấy. Dù sao tôi viết cũng không vì để nhận lời khen.

- Có lần, tôi nhớ chị thổ lộ rằng, mình ít quan tâm đến văn học Việt Nam. Ít, nhưng không phải là không, nhỉ? Phần ít đó là gì vậy?

+ Anh biết đó, người ta hay bảo “Bụt chùa nhà không thiêng”. Anh bạn tiểu thuyết gia Đài Loan của tôi tuyệt nhiên chưa hề xem phim của Thái Minh Lượng, đạo diễn nổi tiếng ở quê hương anh, trong khi tôi thì say mê xem bằng hết. Có một kiểu người hay hướng ra ngoài để đi tìm mình, chắc tôi là người như vậy.

Nhưng trong khoảng vài năm trở lại đây, tôi ngày càng nghĩ nhiều hơn về căn cước của mình. Chính là trong khi viết những bài thơ bằng tiếng Anh mà tôi tự hỏi, thế thì tại sao người ta phải đọc thơ tôi? Và tôi nghĩ câu trả lời chỉ có thể là, vì tôi là một phụ nữ, một phụ nữ Việt Nam, và một phụ nữ Việt Nam thì có thể kể những câu chuyện mà một người đàn ông da trắng phương Tây sẽ không bao giờ kể được.

Đó là lúc mà tôi quay về. Hồi viết Dưới mái hiên đêm, những khách lạ, tập truyện này thực ra là Tại sao ta yêu phiên bản hư cấu - tôi viết một truyện về Nguyễn Tuân thời đi đóng phim ở Hong Kong, và một truyện về Tố Như (Nguyễn Du) thời đi sứ, và tôi cũng nhìn họ như những người trong mộng huyễn vậy, khi xa khi gần, khi thực khi hư, hoàn toàn cách xa sử liệu. Mà sự thật là trong nhiều năm, ngày nào tôi cũng đọc thơ Việt, và phần lớn ngôn từ tôi học được đều ở đó mà ra.

- Vậy nếu có thể mở lòng mình để chọn và yêu lấy một vài cái tên của văn học Việt Nam, chị sẽ chọn ai, vì sao? Và nếu không chọn được, vì sao vậy?

+ Tôi sẽ chọn nhiều lắm, tôi lớn lên bằng thơ Nguyễn Khuyến và Tản Đà, bà tôi ngày nào cũng đọc cho tôi nghe. Nhưng nếu chỉ chọn một, hãy cho tôi về gần hơn một chút và chọn Nguyễn Thị Hoàng. Tôi muốn chọn một người phụ nữ, bởi thời học phổ thông, tôi luôn có ấn tượng nhà văn không phải việc của phụ nữ. Mọi người nghĩ xem có đúng không, những nhà văn ta học trong chương trình, dù Tây hay ta, gần như đều là nam giới. Thảng hoặc mới có một vài cái tên nữ.

Tôi nhớ có một truyện của Nguyễn Thị Hoàng kể về một người vợ đi tìm chồng mất tích, và đương lúc lo lắng cho anh, cô tưởng tượng ra anh đang đi cùng người cũ, và tìm thấy một niềm vui kiểu khoái cảm khi ngẫm nghĩ như thế. Trời ơi, ai có thể viết ra những huyễn tưởng chân thật như vậy, ngoài một người đàn bà. Văn chương Nguyễn Thị Hoàng có sự chân thật mà tôi muốn so sánh với Annie Ernaux, dù Ernaux thì viết giản dị hơn và lạnh lùng hơn, còn Nguyễn Thị Hoàng có lối văn chương kiều diễm, nhưng họ chia sẻ cùng một cái nhìn trực diện, không che giấu vào những phần đen tối nhất, thậm chí là đáng xấu hổ nhất, trong tâm hồn một phụ nữ.

Mấy năm trước, khi sách của bà được tái bản, tôi có vinh dự được ngồi cùng bà trong một buổi toạ đàm, dù tôi chỉ là một nhà văn trẻ.

- Tôi không thích cách định danh nhà văn trẻ. Với tôi, chỉ có nhà văn, không trẻ, không già. Ở thế hệ của chị, trong quan sát thật khắt khe, điểm mạnh và điểm yếu là gì khi bước vào văn chương nghệ thuật?

+ Nếu câu hỏi là vậy thì xin phép cho tôi được... than khổ một chút.

Thế hệ chúng tôi là một thế hệ tản mát. Tản mát trong mọi lĩnh vực. Vì có nhiều nền tảng xuất bản hơn nên nhiều tác giả tuy có cộng đồng độc giả trung thành, nhưng nhìn chung vẫn chẳng ai biết là ai cả. Thật ra hồi tôi ở IWP, từng có một nhà văn hoá nổi tiếng lắm, bảo rằng năm nay Việt Nam có người tham gia nhưng bác không biết người này là ai. Kể ra vậy không phải vì tôi tự ái, thật ra bác ấy mà biết tôi mới là lạ.

Sự phân nhánh này là quy luật tất yếu, ở trên thế giới cũng vậy thôi, ngay cả những cuốn sách được các giải thưởng danh giá cũng chưa chắc được tất cả cùng đọc tới. Không còn một hệ quy chiếu chung nữa mà sự đọc chẻ ra thành nhiều hướng, và chúng ta sẽ ít tìm thấy hơn những tác giả với tác phẩm là sách gối đầu của tất cả mọi người. Nhưng điểm mạnh của thế hệ này cũng chính là sự phân nhánh ấy, nếu như ngày trước chỉ có một số thiết chế xuất bản, bạn muốn có độc giả thì không có cách nào khác, bạn phải gửi bài tới đó và ngồi cầu nguyện bản thảo của bạn sẽ vượt qua hàng ngàn bản thảo khác. Nhưng giờ thì thiết chế quyền lực của ngành xuất bản đã san đều bớt ra, chia đều cơ hội cho nhiều giọng văn, nhiều thể loại.

Còn nói về nội nhãn của người viết, tôi nghĩ làm nhà văn bây giờ chịu nhiều sự phân tâm. Trước đây khi mọi người đều chung điều kiện kinh tế như nhau, làm nhà văn khó thì cũng không khó hơn người khác. Nhưng bây giờ khi ngày ngày đập vào mắt ta là vô số những thứ hào nhoáng lập loè, thì động lực nào để ta quay về với văn chương? Song một lần nữa, đó chính là lợi thế, như một cuộc marathon vậy, ai “máu dày”, bền bỉ đến cuối cùng thì chắc sẽ không bị văn chương bạc đãi đâu nhỉ.

- Chị đã xuất bản cuốn sách Tại sao ta yêu…, cũng đã thuyết trình về chủ đề “Tại sao chúng ta viết?” Xin hỏi ngược lại một chút, từ trải nghiệm cá nhân, có khi nào chị lâm vào tình trạng không thể yêu, không thể viết?

+ Gần đây tôi có đọc một cuốn sách mới của Murakami về nghề viết, đại ý ông có bảo rằng, viết một cuốn sách thì dễ lắm, ai cũng viết được hết, thậm chí viết rất hay. Nhưng để sau vài chục năm vẫn còn viết thì mới là khó. Ông bảo nhà văn là người không được nhanh trí lắm đâu, họ cần nhiều thời gian hơn người khác để hiểu ra cách vận hành của thế giới, cho nên họ cứ trở đi trở lại với những chuyện mà người khác đã hiểu từ tám đời rồi. Tôi nghĩ ông nói cũng đúng đấy chứ, ở phương diện nào đó.

Cá nhân mình, hiếm khi tôi thấy trống rỗng không biết viết gì, mệt thì có, nhưng trống rỗng thì không, có lẽ vì lúc nào tôi cũng trong trạng thái không biết mình là ai, mình ở đây làm gì, và vì câu hỏi cứ lơ lửng ở đó, nên tôi buộc phải viết. Viết để tìm một câu trả lời không tồn tại.

Còn vào những khoảnh khắc tôi không biết viết gì cả, tôi chỉ đơn giản là mở một cuốn sách của một nhà văn tôi yêu thích ra, thường là Vladimir Nabokov, xem ông nói gì, viết gì, và nó kích thích tôi hãy nói chuyện với ông, trong tâm trí. Nghe hơi tự đại quá, nhưng đúng là khi viết, tôi thường có một độc giả trong đầu, độc giả ấy thường là một tác giả mà tôi say mê, tôi muốn viết để hội thoại với họ, để thử tìm đáp án cho câu hỏi họ khơi nên.

- Chị nói nhiều về Nabokov, một nhà văn luôn gây tranh cãi về chủ đề mà ông viết. Vậy văn chương nghệ thuật có cần đạo đức và luân lí không, thưa chị?

+ Từ nãy đến giờ tôi nhắc rất nhiều đến Nabokov, và ai cũng biết giai thoại sau khi Lolita được phát hành, vợ ông lúc nào cũng phải kè kè một khẩu súng phòng có người ám sát chồng mình. Cuốn sách ấy gây phẫn nộ đến mức ấy. Nhưng Nabokov nói rằng tiểu thuyết là một thế giới khác, nó không phải sự mô phỏng của thế giới thật mà là một cuộc chơi riêng.

Dẫu vậy, tôi sẽ không nói rằng văn chương không cần luân lí hay đạo đức. Văn chương khám phá những khả năng của thế giới này và đạo đức là một trong những khả năng ấy. Văn chương là bánh mì còn đạo đức là miếng thịt kẹp bên trong, cũng có khi chúng ta không ăn bánh mì nhân thịt mà ăn bánh mì nhân xúc xích. Khi tôi viết cuốn sách Tại sao ta yêu… một trong những người đầu tiên đọc nó là nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu, về sau anh hỏi tôi rằng thế có bao giờ định viết một cuốn “tại sao ta ghét?” hay “tại sao ta kinh hoàng?” không? Anh lấy ví dụ về Michel Houellebecq. Vâng, làm sao mà yêu cho nổi một “tay” như Houellebecq, chỉ có thể sợ hãi ông thì đúng hơn. Như tôi, tôi có một ngăn riêng để những cuốn của vị tác giả này, người nói rằng “đừng sợ hạnh phúc, vì nó không tồn tại”, người cho rằng “viết là nuôi kí sinh trùng trong não”. Tôi cảm thấy mình phải nhốt riêng những cuốn sách của ông ở một nơi, vì chúng thật nguy hiểm, thật điên rồ, tôi sợ bị chúng kéo tuột vào trong thế giới u uất của chúng. Những cuốn sách ấy như người ta hay so sánh, là thuốc độc bảng A. Và nếu như thuốc và thuốc độc luôn song hành với nhau, thì luân lí và phi luân cũng vậy. Ta muốn hay không thì chúng vẫn sẽ luôn có ở đó.

- Còn với tôi, mỗi ngày, trong những va chạm với cuộc đời và người khác, văn chương và nghệ thuật, tôi lại càng thấm thía thêm rằng, không nên và khó có thể dán nhãn, định vị, định danh một cách đoan quyết cho điều gì đó. Bởi lẽ, mình chỉ là một cá nhân, cái nhìn của mình chủ quan và thời gian sẽ xô lệch những khuôn khổ do mình tạo dựng. Chị có nghĩ vậy không?

+ Vâng, và nó cũng nên là như thế. Gần đây tôi có hoàn thiện một bản thảo lấy cảm hứng từ văn học Việt Nam. Tôi mới đọc lại những tác phẩm mà ngày xưa mình được học, như truyện Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng chẳng hạn. Bỗng dưng có một tình tiết đánh động tôi, đó là cái lược mà người cha để lại cho con trong truyện được làm bằng ngà voi. Nghĩa là có cái chết của một con voi đằng sau nó! Nhưng tôi nhớ khi đi học, không cô giáo nào nói về chủ đề sinh thái trong câu chuyện ấy cả. Cô giáo chỉ nói về sự tàn khốc của chiến tranh, về tình cha con, tình gia đình, thế thôi. Vậy thì sẽ ra sao nếu nhìn lại truyện ngắn này từ góc độ đó? Sẽ ra sao nếu kể lại nó theo một cách khác, kết hợp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và văn chương sinh thái, như cách mà ta từng thấy Ngô Minh Ích làm trong tiểu thuyết Người mắt kép?

Tôi cũng nghĩ như anh, bởi thế, mỗi khi có những cuộc bút chiến mà chủ yếu đến từ sự giành giật xem ai thật sự hiểu một tác giả/tác phẩm, tôi lại thấy vô nghĩa hết sức, và chẳng bao giờ dẫn tới đâu. Nhìn chung tất cả những cuộc như thế, tôi cho đều là nguồn gốc gây phân tâm đối với một người viết. Loại bỏ những phân tâm ấy ra thì sẽ tập trung được năng lượng của mình cho huyệt đạo văn chương lưu thông. Mặc dù vậy, chắc cũng không dễ lắm vì mình cứ phải va vào những chuyện ấy hằng ngày, nhiều khi tôi chỉ mong có thể sống ẩn dật ở đâu đó, như ở một ngọn hải đăng chẳng hạn, rồi ngày ngày viết và để ngoài tai mọi chuyện khác.

- Vậy nếu phải bình luận ngắn gọn về một số sắc thái của văn chương - nghệ thuật, như: đại chúng, tinh hoa, cô đơn, cái chết, cái đẹp, cái ác, chữa lành, underground, kitsch, sự ẩn thân - lơ lửng - biến mất, điều còn lại, cái nhất thời - cái vĩnh hằng, cá nhân và phổ quát… chị sẽ nói gì?

+ Tôi nghĩ thế nào cũng được, miễn cứ là văn chương là được. Thực lòng nhé, tôi từng thích rất nhiều tác phẩm mà ngành xuất bản dán nhãn là... rẻ tiền, thích đến mức thuộc lòng cả thoại. Nhưng rồi đến một thời điểm, tự mình không còn thích những cuốn sách ấy nữa, dù cảm tình vẫn còn đó, vì mình đã vượt ra khỏi con người thơ dại thuở đó rồi. Mỗi khía cạnh anh nhắc đến, tôi nghĩ, đều là một phần của văn chương. Không thể hi vọng một nền văn chương toàn tinh hoa, vì như thế cũng buồn lắm, nếu cuốn sách nào cũng xuất sắc cả thì các nhà phê bình chắc sẽ không vui đâu nhỉ?

- Nền văn chương Việt Nam mà chị cho là lí tưởng sẽ trông như thế nào?

+ Ban nãy tôi có nói rằng tôi chẳng bao giờ kì vọng gì về con đường của chính mình, trước đây hay bây giờ đều thế. Cho nên với một khung cảnh lớn như văn chương Việt Nam thì tôi càng không hình dung điều gì cả. Có lẽ người ta cũng không cần thiết phải mong chờ nhà văn có thể thay đổi điều gì lớn lao của cuộc đời, xã hội hay thế giới, tôi nghĩ là không có đâu, đã qua thời đại mà văn chương ẩn giấu sức mạnh như thế, vì quyền lực mà văn chương từng độc tôn giờ phải chia sẻ cho rất nhiều nền tảng khác: điện ảnh, truyền hình, mạng xã hội, mà cái gì cũng có vẻ hấp dẫn và long lanh hơn văn chương. Tôi chỉ là một người viết, mỗi ngày cố gắng kể ra những câu chuyện mà mình ước giá như có ai đó đã kể cho mình, cố gắng hiểu được tại sao mình lại có mặt ở đây, đồng thời chấp nhận rằng mình sẽ không bao giờ hiểu được.

- Xin cảm ơn Hiền Trang về cuộc trò chuyện này!

NGUYỄN THANH TÂM thực hiện

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter