• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Thêm một cuốn “sử mềm” của Không quân Việt Nam
Ngày xuất bản: 29/09/2023 8:43:32 SA

Sau Lính bay 1, Lính bay 2 viết về những đồng đội phi công MiG-21 đồng lứa, Trung tướng Phạm Phú Thái, Nguyên Phó Tư lệnh thứ nhất Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên phi công chiến đấu, Anh hùng LLVTND, bắn rơi 4 máy bay địch đã tiếp tục ra mắt cuốn sách Đi tìm thung lũng MiG. Cuốn sách với độ dài gần 600 trang tiếp tục cung cấp nhiều câu chuyện, nhiều tư liệu sinh động bổ sung cho những trang sử hào hùng của Không quân nhân dân Việt Nam với trọng tâm là những trang viết về những phi công MiG-17.

Là phi công MiG-21 và đã có tới hai cuốn sách viết về những trận không chiến của loại máy bay này, ở cuốn thứ ba, Trung tướng Phạm Phú Thái dành để tri ân những bậc đàn anh, những phi công MiG-17 với những chiến công còn chưa được nhiều người tường tận, ưu tiên những trận đánh, những phi công dũng cảm còn ít được biết đến. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, ở Đi tìm Thung lũng MiG không chỉ có chiến thắng mà có cả những trận đánh không thành công, những trận thua cay đắng, những hi sinh tổn thất lớn lao, để thấy rằng, những chiến thắng của Không quân nhân dân Việt Nam là không hề dễ dàng.

Trung tướng Phạm Phú Thái và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tại buổi ra mắt sách.

Một điều khá thú vị là lịch sử của Không quân Việt Nam, của những người lính bay là những năm tháng chưa lùi quá xa, vì thế, nhiều nhân vật xuất hiện trong Đi tìm thung lũng MiG vẫn còn sống và là những nhân chứng cho những gì cuốn sách đề cập. Trung tướng Phạm Phú Thái đã viết về họ với tư cách vừa là người trong cuộc, vừa là đàn em lớp sau, vừa là cương vị cựu chỉ huy của BTL Phòng không - Không quân, còn một vai trò nữa là vai trò của một cựu chiến binh không quân tham gia nhiều cuộc gặp gỡ phi công Mĩ - Việt, với nhiều đối thoại, giao lưu, toạ đàm, chia sẻ những tư liệu từ hai phía... Bởi thế, cái nhìn của ông là cái nhìn đa chiều với những phân tích cặn kẽ của người có chuyên môn, có kiến thức chỉ huy tham mưu không quân với góc nhìn cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Xuất hiện tại buổi ra mắt cuốn sách, một số nhân chứng quan trọng đã được mời phát biểu. Đó là các cựu phi công Đồng Văn Song, Lê Thanh Đạo, Lương Thế Phúc, Nguyễn Đăng Kính, cựu sĩ quan dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên… và rất nhiều các cựu chiến binh Không quân khác.

 

Cựu phi công Đồng Văn Song nói về cuốn sách Đi tìm Thung lũng MiG.

Phi công Bùi Văn Siu sinh năm 1943, thuộc lớp phi công sang được cử sang Liên Xô học lái máy bay MiG-17, sau đó là Trung Quốc học lái máy bay MiG-19, từ đầu những năm 1960. Ông cho rằng, Đi tìm thung lũng MiG là một cuốn sách đề cập đến những vấn đề chiến lược, sách lược của Không quân với nhiều số liệu phong phú, phân tích, soi xét lại lịch sử trong những điều kiện cụ thể của những người trong cuộc, làm rõ hơn, hiểu hơn cuộc sống chiến đấu của những phi công chiến đấu thời kì đầu của Việt Nam. Phi công Đồng Văn Song, người bắn rơi 4 máy bay địch, cũng bị 4 lần dính tên lửa nhưng vẫn quay lại đội ngũ chiến đấu, trong phần phát biểu của mình cũng đánh giá cao những tư liệu mà cuốn sách mang lại mà theo ông, nhiều tư liệu chính ông đến giờ mới biết. Bài học mả ông muốn truyền lại những thế hệ phi công hôm nay, đó là “khi nào về đến sân bay thì trận đánh mới kết thúc” bởi kinh nghiệm từ sự nghiệp không chiến của ông, 4 lần bị bắn rơi thì có tới 3 lần máy bay bị tấn công khi đã thoát li chiến đấu, đang trên đường về sân bay. Phi công Lương Thế Phúc phát biểu làm rõ sự khác biệt của các thế hệ phi công trước lớp phi công được đào tạo cơ bản như ông và Phạm Phú Thái - là những học sinh sinh viên được lựa chọn để đào tạo phi công - trong khi thế hệ học viên phi công trước đó đầu vào thấp hơn, học tập vất vả, cần những sự nỗ lực vượt bậc. Vào đầu những năm sáu mươi, thực hiện chủ trương mở mặt trận trên không của Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương, nhiều thanh niên văn hoá chỉ lớp 3 lớp 4 đã được cử đi học đào tạo dự khoá phi công, họ đã phải cố gắng rất nhiều, vừa học kiến thức văn hoá, vừa học kĩ thuật chuyên môn, nhưng vẫn đã làm chủ được máy bay, vẫn thành phi công, trở về nước chiến đấu và chiến thắng. Tiêu biểu trong số đó là phi công Nguyễn Văn Bảy, người “phi công nông dân” vừa mất cách đây ít lâu, cũng là người nhắn gửi Trung tướng Phạm Phú Thái viết về những phi công MiG-17 thế hệ ông.

 

Cựu phi công Lương Thế Phúc nói về cuốn sách với những nhận định về lớp phi công MiG-17 đàn anh mà theo ông các tác phẩm văn học, báo chí viết về Không quân Việt Nam chưa đề cập đến.

Trong Đi tìm Thung lũng MiG, nhiều chân dung các phi công tiền bối cũng hiện lên sinh động với nhiều thông tin, kỉ niệm về thời tuổi trẻ. Như phần viết về Anh hùng phi công Nguyễn Đăng Kính, người nổi tiếng với ba lần bị thương, ba lần nhảy dù chỉ trong một năm, nhưng ông đều nhanh chóng quay lại đội ngũ, tiếp tục chiến đấu. Phi công Nguyễn Đăng Kính đã bắn rơi 6 máy bay địch cũng là phi công có số lần xuất kích cao nhất trong chiến tranh với 157 lần. Ông cũng là phi công được đào tạo trên hai loại máy bay MiG-17 và MiG-21. Người bay số 2 cho Nguyễn Đăng Kính chính là phi công Đồng Văn Song, cả hai phi công, theo tác giả Phạm Phú Thái là những người điềm đạm, khiêm tốn, hỗ trợ đồng đội lập công. Sau này, dù những chiến công của các ông người trước người sau đều được Đảng, Nhà nước ghi nhận, nhưng dù đến tận năm 2010 Nguyễn Đăng Kính mới được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND nhưng ông vẫn điềm đạm sống, cống hiến và hoàn thành mọi nhiệm vụ được Quân đội phân công, nghỉ hưu với cương vị Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương.

 

Anh hùng phi công Nguyễn Đăng Kính, một nhân vật trong cuốn sách, cũng là nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử của Không quân nhân dân Việt Nam.

Một số sự kiện trong lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam cũng được tác giả Đi tìm Thung lũng MiG làm rõ hơn, thậm chí tường minh hơn những góc khuất xưa nay vẫn khiến nhiều người đặt câu hỏi. Như việc luận giải về việc tại sao lại có hai ngày chiến thắng trận đầu của Không quân, tác giả đã kể lại sự thật, những nghi vấn trong hai ngày không kích đánh máy bay địch trên vùng trời Hàm Rồng, Thanh Hoá của Không quân ta với những chi tiết trước đây chưa hiện diện trong chính sử với những tư liệu từ cả phía ta và phía Mĩ.

Dù số liệu về cuộc chiến trên không sau này giữa Việt Nam và Mĩ có nhiều khác biệt, nhưng theo tác giả điều đó cũng không thực sự cần thiết và truy nguyên tận cùng nữa, bởi cuối cùng thì ai là người chiến thắng đã rõ. “Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, dù phía Mĩ không công nhận hay không muốn công nhận phi công Việt Nam bắn rơi máy bay của họ thì những luồng đạn nóng bỏng căm thù của những người phi công dũng cảm kiên cường của chúng ta làm bùng cháy máy bay kẻ thù vẫn sẽ là những biểu tượng anh hùng của một thế hệ. Tôi trân trọng họ như những anh hùng dù có hay chưa có được danh hiệu của Nhà nước trao tặng”, tác giả viết trong cuốn sách về những nhìn nhận của cá nhân ông đối với các phi công Việt Nam.

 

Tác giả Đi tìm Thung lũng MiG - Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái.

Khu vực mà Không quân tập trung đánh phá nhiều nhất trên miền Bắc, các thành phố, làng mạc, khu công nghiệp, đường sá, cầu cống tập trung ở “Thung lũng sông Hồng” (Red River Valley), còn khu vực MiG mà không quân Mĩ đánh dấu trên bản đồ tác chiến của họ nằm ở phía tây bắc sân bay Đa Phúc (sân bay Nội Bài ngày nay) với tên gọi “MiG-Airfield” - Thung lũng MiG. Nhưng đi hết cuốn sách gần 600 trang, nếu ai đó muốn tìm đích xác một “Thung lũng MiG” định hình thì sẽ không có. Cuối cùng thì “Thung lũng MiG” ở đâu? Lời khẳng định cuối cùng của tác giả đó là: đâu có máy bay địch là có MiG của ta tiến công, ở đấy có Thung lũng MiG.

 

Trung tướng Phạm Phú Thái kí tặng sách cho đồng đội cũ, cựu phi công Trần Việt.

Cùng với Lính bay 1, Lính bay 2, và bây giờ là Đi tìm Thung lũng MiG, đó thực sự là những nguồn tư liệu bổ trợ tuyệt vời cho chính sử về Không quân nhân dân Việt Nam với những câu chuyện sinh động, những cách tiếp cận mới, những sự làm rõ bằng tư liệu và nhân chứng thuyết phục, không chịu sự chi phối, ràng buộc bởi điều gì, chỉ duy nhất một tiêu chí là gần nhất với sự thật, nhìn nhận lại để rút ra những bài học cho tương lai, với tinh thần hoà giải cùng những phi công của các lực lượng không quân Mĩ từng tham chiến tại Việt Nam.

Có thể coi Đi tìm thung lũng MiG và những cuốn sách khác của Trung tướng Phạm Phú Thái như những cuốn “sử mềm” với những câu chuyện được ghi lại một cách chân thực nhất, cùng những đối sánh công phu, nhìn nhận khách quan sau một độ lùi với nguồn sử liệu từ nhiều phía để nhìn về mặt trận trên không một cách công bằng, điềm tĩnh nhất.

NGUYỄN XUÂN THUỶ

Theo Văn nghệ Quân đội

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter