Truyện ngắn của PHAN LONG ĐỊNH
Thằng Ngọc bỏ học. Ừ thì cái mã nó bỏ học cũng là phải thôi. Mười bốn tuổi, con người ta đã học cấp ba, đằng này nó lẽo đẽo chưa qua cấp một. Thực tình bà Phượng cũng thương con lắm. Muốn cho các con học đến đầu đến đũa nhưng hoàn cảnh một nách ba con nhỏ, bà Phượng cũng đành bấm bụng chiều theo ý con.
Ông Đàn đang khỏe khoắn tự dưng đổ bệnh lịm dần như cái cây bị đốn gốc. Nhìn ba đứa con đang trứng nước ăn chưa no, lo chưa tới, bà Phượng cố để khỏi gục ngã. Thằng Ngọc mới lên tám, đang đứng chống gậy trước đầu quan tài bố bỗng dưng phóng đi chơi theo lũ trẻ trong xóm. Con Bình vội vàng chạy theo em. Ra đến sân kho thấy thằng Ngọc, thằng Hải vo tròn hai cái áo tang buộc thành quả bóng để đá với nhau. Con Bình tát cho mỗi đứa một cái và lôi chúng về. Thấy hai đứa trẻ con khóc nức nở, mấy bà hàng xóm động viên an ủi chúng. Thực tình chúng bị đánh đau nên khóc chứ phải đâu khóc vì bố chết. Khi con Bình vừa học hết cấp hai thì nghỉ học. Bà Phượng khóc thương con, nhưng một mình bà bươn trải cũng quá mệt mỏi nên đành phải cho nó thôi học. Phần thằng Ngọc do bà không có thời gian quản lý nên sức học của nó ngày càng đuối. Bà Phượng đành tặc lưỡi, bỏ thì bỏ, bỏ học thì theo tao ra đồng kiếm công điểm để còn có cái đút vào mồm.
Vậy là mỗi buổi sáng ba mẹ con ra đồng làm hợp tác. Ba đứa con còn mỗi thằng Hải theo học. Buổi chiều thằng Ngọc cưỡi trâu đi chăn. Một hôm sau buổi bừa, thằng Ngọc nói với mẹ là nó không đi bừa nữa. Bà Phượng phân vân, sao thế con? Thằng Ngọc hùng hồn, con là lao động phụ xin lên làm ở đội xây dựng của hợp tác xã để khỏi bị chiết điểm, trên đấy toàn việc làm khoán, làm được nhiều ăn nhiều, chả ai chiết điểm cả. Quả thật làm ở đội xây dựng ngoài công điểm cao còn được nhận cả tiền mặt nữa. Thằng Ngọc ky cóp tiền về đưa cho mẹ nên cuộc sống cũng dễ chịu hơn.
Đùng một cái, thay đổi cơ chế quản lý kinh tế. Mô hình hợp tác xã giải thể hết, đội xây dựng cũng cùng chung số phận. Nhà bà Phượng được giao khoán ba sào ruộng và được mua lại con trâu của hợp tác đang chăn dắt. Ba mẹ con thành ra thiếu việc làm. Thằng Ngọc nằng nặc đòi theo cậu Vân lên hồ Thác Bà đánh bắt cá bằng lưới cao màn. Bà Phượng lo lắng khuyên con: “Đi sông nước nguy hiểm lắm con ạ”. “Năm nay con mười sáu tuổi lại biết bơi nữa thì mẹ lo gì?”. Nghe con thủ thỉ đi hồ theo cậu Vân bà Phượng cũng cảm thấy yên lòng.
Bố bà Phượng và bố cậu Vân là hai anh em ruột. Cậu có năm anh em, anh cả là liệt sĩ chống Pháp hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ, anh thứ hai đang chiến đấu ở miền Nam, trên còn hai chị gái nữa. Cậu là út được học hết phổ thông, thuộc diện gia đình chính sách nên xã cử đi học lớp quản lý kinh tế nông nghiệp. Ra trường cậu được bầu vào Ban quản trị hợp tác xã, trực tiếp làm kế toán trưởng. Con đường quan lộ đang thênh thang thì cậu cãi nhau với ông chủ nhiệm. Lý do ông chủ nhiệm yêu cầu cậu phải thanh toán khoản kinh phí quà cáp cho cấp trên. Cậu kiên quyết từ chối thanh toán thì ông chủ nhiệm trợn mắt đập mạnh tay xuống bàn. “Đây là tiền hợp tác xã có phải của nhà cậu đâu mà cậu giữ, cậu phải làm theo chỉ đạo của tôi”. Cậu vặc lại: “Của hợp tác xã cũng là của dân đóng góp, sao lại có thể chi cho một số cá nhân chứ?”. “A! Cậu chống đối lãnh đạo à? Không làm được thì nghỉ việc ngay cho người khác làm”. Hôm sau cậu nghỉ việc thật. Cậu là tay sát cá từ bé. Nghe mọi người nói đánh cá bằng lưới cao màn trên hồ Thác Bà được nhiều. Cậu rủ Giáp em vợ của cậu là thương binh mới được phục viên sau giải phóng sắm ngư cụ đánh bắt cá trên hồ.
Vân khoanh hai tay trước ngực, ngồi dựa lưng vào ghế gắn trên đuôi thuyền nan, dạng hai chân đạp mạnh vào hai mái chèo, đẩy chiếc thuyền nan lao đi vun vút. Chả mấy chốc thuyền đã cập mạn chiếc bè lớn được ghép bằng những cây bương. Trên bè dựng một chiếc lều nhỏ, đầu bè chiếc lưới cao màn được kéo lên như một chiếc vó khổng lồ chờ ụp xuống. Dưới đáy cái lưới cao màn treo tùng tằng một cái giỏ lớn.
Hai người lạch cạch chuyển đồ từ chiếc thuyền nan lên bè. Trong lều Giáp cởi trần, cổ đeo sợi dây chuyền bạc to như cái xích chó thò đầu ra nói trống không. “Bắt được thằng thanh niên hoi hả?”. “Thằng cháu con chị gái họ chả có việc làm ấy mà”. “Vậy hả?”. Nghe hai người đối đáp trống không, Ngọc lí nhí chào. “Thanh niên bao nhiêu tuổi, tên gì?”. “Dạ cháu tên Ngọc năm nay mười sáu ạ. Tớ tên Giáp em vợ anh Vân, thế là chúng mình cũng người nhà cả thôi”. Ngọc lúng túng gật đầu nhìn tướng mạo, nhất là nơi cánh tay trái của Giáp có vết sẹo dài, trong lòng cảm thấy sờ sợ. Giáp phì cười: “Sợ anh hả? Yên tâm cứ ở một thời gian đảm bảo sẽ không rời được anh nửa bước đâu”.
Quả đúng như lời Giáp nói. Ngược với dáng người thô lỗ bặm trợn thì Giáp lại là người rất tình cảm, dễ gần. Ngay như khoản hướng dẫn Ngọc tập bơi cái thuyền nan bằng chân, được Giáp hướng dẫn nhẹ nhàng, tỉ mỉ nên chỉ sau một tuần nó đã đạp thuyền thành thạo. Rồi hợp sức kéo cái lưới cao màn rộng mênh mông gắn trên bộ gọng làm bằng bốn cây hóp uốn cong, Ngọc cũng được Giáp chỉ bảo đến nơi đến chốn. Sau này biết Giáp là bộ đội đặc công nước, bị thương vào cánh tay trong trận đánh chìm hàng loạt tàu hải quân Mỹ ở cảng Cửa Việt, Ngọc vô cùng ngưỡng mộ. Sau giải phóng, Giáp về quê lấy vợ và dựng ngôi nhà sàn to gần chân núi. Phía đầu nhà là dòng suối nhỏ chảy từ trong khe núi ra tưới cho cánh đồng trước nhà. Giáp đặt một cái máy phát điện nhỏ chạy bằng sức nước từ dòng suối. Dưới ánh điện lung linh làm cho ngôi nhà sàn như rộng ra. Nhất là khi giữa hồ nước mênh mông nhìn vào bờ chỉ thấy ánh đèn dầu từ những ngôi nhà le lói thì nhà Giáp lại sáng choang ánh điện. Thằng Ngọc cứ ngắm nhìn thứ ánh điện ấy một cách say mê. Chiều tối Ngọc luôn là người bơi thuyền về nhà Giáp lấy những cái bình ắc quy đã nạp đủ điện để chuẩn bị cho buổi tối đánh bắt cá. Bóng đêm chùm xuống, ba người bật cái bóng điện chiếu luồn ánh sáng xuống nước. Từng đàn cá thấy ánh sáng bơi tung tăng đến lượn lờ trong lòng lưới. Ba người hợp sức kéo cái lưới lên khỏi mặt nước. Bao nhiêu cá tôm đều lọt vào trong cái giỏ có hom gắn dưới đáy lưới. Sản phẩm thu được hôm thì thương lái đánh co- le ra tận bè mua gom, hôm thì Giáp và Ngọc đem về chợ trung tâm xã bán giao cho các hàng cá. Số tiền thu được cậu Vân đều chia ba, lúc đầu Ngọc ngại vì nghĩ mình mới chỉ là người học việc. Nhưng cậu Vân bảo công của ba người bỏ ra như nhau nên phải hưởng ngang nhau, thế là Ngọc mới dám nhận.
Một buổi trưa, cậu Vân đang nghỉ trong lều nghe thấy Giáp và Ngọc lạch cạch ở ngoài. Cậu Vân nhẹ nhàng đi đến thấy Giáp cầm trên tay quả mìn tự tạo không biết kiếm từ đâu ra. Giáp vội nói: “Em vừa xin được bên mỏ đá để hai chú cháu ném cá ở ngách hồ đằng kia”. Cậu Vân vằn mắt: “Cậu cháu chúng mày làm thế nguy hiểm lắm”. Giáp thanh minh: “Anh cứ yên tâm, em đã sử dụng thành thạo loại này trong chiến trường rồi”. “Tôi bảo không được là không được, ngoài nguy hiểm đến tính mạng ra thì còn tàn phá môi trường hồ rồi vi phạm pháp luật nữa đấy”. Nói rồi Vân giằng lấy quả mìn ném tõm xuống nước. Giáp nhìn theo đầy tiếc nuối.
Số tiền Ngọc đưa về cho bà Phượng khi thì vài trăm nghìn, cũng có lúc hàng triệu. Bà Phượng đem cất chả dám tiêu pha. Phần sinh hoạt hàng ngày và học hành của thằng Hải chỉ bòn mót tích cóp từ mớ rau, con gà cũng tạm ổn.
Đang làm ăn được thì huyện ra chỉ thị cấm đánh bắt cá hủy diệt trên hồ. Thế là các bè lưới cao màn phải tháo dỡ hết. Một số người chống đối bằng cách hạ lưới chìm xuống nước, tháo bè kéo vào bờ, đêm lại đánh co le ra chụp đèn điện xuống sát mặt nước để tiếp tục đánh bắt cá. Giáp bàn với anh rể làm như họ, nhưng Vân dứt khoát không theo.
Nghe cậu Vân nói Ngọc không về mà theo Giáp đi làm ăn. Bà Phượng ruột gan rối bời. Cậu Vân động viên: “Nay cháu lớn rồi mà đi với cậu Giáp cũng là người nhà, em nhắc nhở hai chú cháu đi buôn bán không được vi phạm pháp luật, giờ cháu về mà chả có việc làm cũng gay”. “Nhưng tôi cứ thấy lo lo cậu ạ”. “Vâng! Thôi thì cứ chiều lòng cháu một thời gian xem sao, không ổn kéo cháu về cũng chưa muộn, phi thương bất phú mà”.
Nỗi lo của bà Phượng ngày càng lớn dần. Ừ thì nó vẫn đưa tiền về cho bà, nhưng thấy nó thay đổi từ ăn mặc, đi đứng cho đến nói năng. Thì hôm bà làm đám cưới cho con Bình đấy. Ngọc kéo về mấy thằng đầu trọc lốc, xăm trổ đầy người, phì phèo thuốc lá, khi rượu vào thì nói năng ầm ĩ, cười hô hố. Đến lũ thanh niên trong xóm thường ngày hung hăng thế mà thấy bọn này phải im re như ngóe gặp rắn. Bà Phượng định giữ Ngọc ở nhà nhưng nó nói đang có phi vụ làm ăn lớn. Căn vặn thì nó nói toẹt ra là đi buôn đường dài. Nó còn lý sự rằng nó đã đủ nhận thức không làm ăn phi pháp đâu mà lo. Nói là vậy nhưng bà Phượng vẫn thẫn thờ nơm nớp không yên. Trong lòng bà trống rỗng, thằng Ngọc bé bỏng biết vâng lời ngày xưa hình như đang tuột dần khỏi vòng tay bà.
Một hôm Ngọc đưa về một đứa con gái tuyên bố là người yêu và đòi cưới ngay. Bà Phượng ngỡ ngàng khuyên Ngọc. Các con phải tìm hiểu kỹ càng đi, cưới xin là việc hệ trọng đời người, phải người lớn hai bên nói chuyện đã chứ. Nó vằn mắt với bà, không bàn bạc gì hết. Cưới là cưới. Không cưới thì chúng tự lên ủy ban đăng ký là xong. Bà Phượng cho gọi con Bình đến. Con Bình chưa kịp mở miệng thì thằng Ngọc đã chặn luôn: “Chị xuất giá tòng phu rồi còn quyền hành gì ở cái nhà này? Có chửa ba tháng rồi đấy, không tin hỏi nó xem?”. Lan, người yêu thằng Ngọc cúi xuống gật đầu xác nhận. Con Bình điên tiết: “Thì chúng mày cút đi cho mẹ được yên. Mẹ khổ với chị em mình nhiều lắm rồi đấy”. “Chị đuổi tôi à. Được. Để mà xem”. Bà Phượng rưng rưng nước mắt khuyên: “Thôi các con bình tĩnh, đừng cãi nhau để mẹ tính đã”.
Buổi chiều hôm đó Lan theo bà Phượng ra ruộng. Nhìn thẳng vào mắt Lan, bà hỏi: “Cháu không có chửa, sao cháu lại nói dối bác?”. Lan chột dạ ngồi thụp xuống bờ ruộng nức nở. Bà Phượng ngồi xuống vuốt ve an ủi: “Nói cho bác nghe xem chuyện thế nào?”. “Vâng!”. Lan nức nở hồi lâu rồi thở dài quệt nước mắt và thì thầm kể.
Thì ra mẹ Lan ngày ấy là cô gái trẻ, đẹp quê ở Nam Định. Cô tham gia đội thanh niên xung phong lên khai thác tận thu vùng lòng hồ Thác Bà chuẩn bị cho ngăn nước phát điện. Cô quen và đem lòng thương yêu chàng trai công nhân lái máy ủi xây dựng nhà máy thủy điện quê ở Quảng Ngãi. Hai người dự kiến đưa nhau về ra mắt hai bên gia đình thì cũng là lúc công trình nhà máy hoàn thành. Chàng trai lại theo công trường chuyển đi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nước hồ thủy điện dâng lên, mẹ Lan được biên chế vào công nhân lâm trường. Cô phát hiện trong người mình đã có giọt máu của anh ấy. Cô lo lắng, mong mỏi tin anh từ những cánh thư nhưng vẫn bặt vô âm tín. Cái thai lớn dần lên, cô bị một số công nhân trong đội lâm sinh đòi đưa ra kỷ luật, nhưng bà đội trưởng đứng ra bảo vệ. Cô nhẫn nhục không hề hé răng nửa lời về tác giả của cái thai. Gần đến tháng sinh, cô một mình lặn lội về công trường nhà máy thủy điện Hòa Bình tìm anh. Tới nơi cô mới biết anh đã cùng một bộ phận nữa được điều động về trong quê anh xây dựng nhà máy mới. Mẹ Lan hẫng hụt, lủi thủi lần về Nam Định. Tới nhà mặc dù mẹ thương cô, nhưng ông bố xỉ vả đuổi cô đi. “Mày bôi tro trát trấu vào cả dòng họ này rồi, tao không có loại con gái như mày. Cút. Đừng bao giờ bước chân vào cái nhà này nữa”. Ông dằn mạnh chai rượu xuống bàn. Mẹ Lan phải gạt nước mắt cúi mặt bước đi trên con đường làng quen thuộc mà chẳng dám nhìn ai. May mắn cho mẹ con Lan được bà đội trưởng hết lòng giúp đỡ. Bà vận động mọi người hỗ trợ mẹ con Lan dựng một ngôi nhà nhỏ dưới chân đồi làm nơi tá túc. Tuổi thơ hồn nhiên của Lan lớn dần lên trong vòng tay âu yếm của mẹ. Cho đến ngày vào học lớp một, Lan bị bạn bè trêu là đứa con hoang. Lan về mặc cả với mẹ sẽ không đi học nếu không biết cha mình là ai. Trong lúc cáu giận, mẹ đã vụt cho Lan mấy roi. Đây là lần đầu tiên trong đời cô bị mẹ đánh, nên từ đó trở đi cô không bao giờ dám nhắc tới chuyện đó nữa. Lan vừa học hết cấp hai thì phải nghỉ học khi phát hiện ra mẹ bị ung thư vú giai đoạn cuối. Ngày mẹ ra đi Lan thấy đất dưới chân mình như sụt xuống. Điểm tựa che chở cho Lan chỉ còn là bà con chòm xóm mà thôi. Lâm trường lúc đó đã giải thể, đội lâm sinh của mẹ Lan được bàn giao về cho xã quản lý. Không ruộng đất, Lan xoay sang chạy chợ. Món hàng bán ở chợ hàng ngày là số tôm, cá của những người đánh lưới cao màn trên hồ giao lại để Lan bán lẻ. Dần dà Lan quen và nhận số sản phẩm của chú Giáp gần nhà cô để bán cũng đủ tiền trang trải sinh hoạt. Lan lục dưới đáy cái hòm gỗ của mẹ ra một bọc thư chưa hề được bóc. Đọc những lá thư này Lan biết đó là của bố cô gửi cho mẹ. Cô vừa thương vừa hận mẹ lại vừa ghét người đàn ông đã bỏ mặc mẹ con cô trong hơn hai chục năm qua. Từ đó Lan hết sức cảnh giác với bọn đàn ông suốt ngày cợt nhả bên cô. Nhiều người ve vãn, tán tỉnh Lan nhưng cô thừa biết họ thích thân xác cô hơn là một tình yêu đích thực. Những thế võ mà Lan học được ở chú Giáp làm cho nhiều thằng Sở Khanh tối tăm mặt mũi. Còn ở Ngọc, Lan nhận thấy đó là một sự mộc mạc, chân thành. Bởi mỗi lần đem cá đến giao cho Lan từ ánh mắt nhìn đến những câu chuyện và thái độ của Ngọc đã toát ra điều đó. Nhất là khi biết hoàn cảnh của Lan thì Ngọc càng gần gũi thân thiết và mến phục cô hơn. Ngày đưa nhau về ra mắt, sợ mẹ không chấp nhận hoàn cảnh của người mình yêu nên Ngọc bày ra việc Lan đã có thai. Thực tình đến cái nắm tay nhau giữa hai đứa cũng chưa hề có.
Nghe Lan kể, bà Phượng rất xúc động. Sau một hồi trầm ngâm bà mới nhỏ nhẹ, nếu hai đứa thương nhau muốn đến với nhau thì bác đâu có cấm. Có điều trong hoàn cảnh thế này hai đứa phải thực sự thông cảm, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thì mới có được gia đình hạnh phúc cháu ạ. Đám cưới hai đứa được tổ chức trang trọng gọn nhẹ và đầm ấm. Nhìn đôi vợ chồng trẻ ríu rít bên nhau, nhất là được bồng những đứa cháu nội trên tay lòng bà Phượng mừng vui khấp khởi.
Còn về thằng Hải, sau khi học xong đại học, biết mẹ có ý định nhờ người xin việc ở gần nhà, nó kiên quyết từ chối: “Xin việc mà mất tiền thì mẹ để con xin đi làm ở các công ty dưới Hà Nội cũng được, đỡ mất tiền xin xỏ lại đúng với chuyên môn con đã học”. “Nhưng về lâu dài còn nhà cửa, vợ con nữa thì con tính thế nào?”. Nó cười: “Mẹ lo xa quá”. Nửa tháng sau Hải điện về đã xin được việc, lương tập sự tháng năm triệu trừ thuê nhà còn bốn triệu, sau này sẽ nâng lương dần lên mà công ty còn cho đóng bảo hiểm xã hội nữa. Nghe con nói bà Phượng cũng chỉ biết vậy, hàng tháng nó có lương ăn là tốt lắm rồi.
Lại nói về thằng Ngọc. Nó chỉ ở nhà với bà Phượng, với vợ con nó năm bữa nửa tháng rồi lại khăn gói ra đi. Bà Phượng hỏi thì nó bảo đi buôn. Mà buôn cái gì thì nó không hề nói. Bà Phượng lo lắng nhìn Lan dò xét, cô cũng lắc đầu. Lan không nói đâu phải cô không biết. Trước đây Ngọc cùng chú Giáp và mấy anh bạn đi buôn tôm cá, buôn chè, buôn sắn, buôn gỗ rừng trồng. Nay chuyển sang buôn đồ cổ. Vì có lần cô bắt gặp Ngọc dẫn mấy người lạ về lấy đôi hạc đồng trên ban thờ xuống ngắm nghía, thì thào với nhau. Sau khi gói ghém cẩn thận đôi hạc đồng buộc vào xe máy. Lan kéo Ngọc ra đầu nhà hỏi: “Sao anh lại bán hết những thứ này mà không hỏi mẹ?”. “Hỏi mẹ thì còn bán chác vào đâu, để cũng chả có tác dụng gì, bán lấy mấy đồng mà tiêu chả hơn à? Tôi cấm cô hở chuyện này ra cho mẹ biết đấy nhé”. Rồi Ngọc cùng mấy người cưỡi lên xe máy phóng đi. Lan đâu có sợ Ngọc dọa, cô không nói ra vì sợ mẹ buồn là chính. Thế nhưng Lan cũng bí mật kể với Bình để tìm cách ngăn cản việc làm của Ngọc. Nghe Lan nói, Bình vô cùng ngạc nhiên và cô lục tìm trong buồng. Một lát sau bê ra năm cái bát to và một vật vuông vức màu đen, chị phải gửi cậu Vân cất những thứ này đi chứ nếu không trước sau cậu ấy cũng đem bán hết mất. Hôm bà Phượng xuống Hà Nội chăm vợ Hải đẻ đứa con thứ hai, Ngọc lại dẫn mấy anh em về. Anh hất hàm bảo vợ dọn đồ ăn sẵn anh vừa mua để mấy anh em uống rượu. Trong bữa ăn Ngọc nói với mấy anh bạn: “Liệu mình có bán hớ không nhỉ?”. “Không hớ đâu, được giá đấy vì của ông tỷ lệ đồng đen không đáng kể”. “Ờ đúng rồi, bây giờ ăn nhất đồng đen và đồ cổ ít ra phải từ thời nhà Lý trở về trước. Như cái kiếm Nhật của lão Giáp hôm nọ, đẹp thì có đẹp nhưng giá rẻ bèo”. Vừa ăn uống vừa bàn bạc to nhỏ về những phi vụ làm ăn. Một thằng trong đám bạn Ngọc có vẻ là người cầm đầu nói như ra lệnh: “Ông Giáp và ông Ngọc phải năng động lên, các ông phải chịu khó tìm kiếm nguồn hàng chứ mấy thứ lặt vặt thế này ăn thua cái đếch gì. Về giá cả chúng tôi đảm bảo không có gì phải lăn tăn cả, các ông phải kin kín cái mồm một tý chứ như hôm nọ mà hội thằng Trầm thằng Tuất xía vào lại rách việc ra, bọn nó bẩn bụng lắm đấy”. Thấy thái độ của tên cầm đầu cứng rắn Giáp và Ngọc chỉ biết vâng dạ rối rít.
Thế rồi Giáp và Ngọc đèo nhau đi khắp nơi để tìm nguồn hàng.
Một hôm Ngọc về lục tung nhà cửa rồi hỏi Lan: “Cô để mấy cái bát cổ với miếng đồng đen ở đâu rồi?”. “Em nào có biết những thứ đó?”. “Ở cái nhà này hơn chục năm rồi mà hỏi cái gì cô cũng không biết. À phải rồi, hay mẹ cất ở đâu?”. Bà Phượng lúng túng: “Mẹ nào có được cất ở đâu. Mà mẹ đang muốn hỏi con xem bao nhiêu đồ trong nhà con đem bán hết rồi phải không?”. Ngọc sẵng giọng: “Không bán lấy cái gì cho cái nhà này tọng vào mồm hả, để đấy chỉ là đống đồ vứt đi chứ có giá trị gì chứ?”. “Con ơi, đó là những đồ vật từ ngày xưa của các cụ để lại sao con lại đem bán?”. “Để đấy chỉ là đồng đồ đồng nát, không bán thì lấy đâu ra tiền mà sống? À hay là miếng đồng đen ấy mẹ đã cho thằng Hải rồi phải không?”. “Ơ hay! Mẹ có biết đồng đen, đồng trắng nào đâu thì làm sao mẹ cho được thằng Hải hả con?”. “Không cho nó thì làm sao hai vợ chồng nó mới lấy nhau, khổ thế mà nhoáy một cái đã mua đất, xây nhà ở Hà Nội lại còn mua ô tô con nữa chứ? Phải rồi tiền của con làm được bao nhiêu mẹ cũng tích cóp cho nó phải không?”. “Con đừng nói vậy tội cho mẹ, cho vợ chồng thằng Hải”. Trả lời con mà bà Phượng rơm rớm nước mắt. Ngọc cáu tiết: “Thôi đi! Tôi chả lạ gì cả, bà đừng nước mắt cá sấu nữa”. Nghe chồng đối đáp với mẹ như vậy Lan liền can ngăn: “Anh không được hỗn với mẹ”. “Còn cô nữa, một đứa không cha không mẹ mà dám xía vào việc nhà tôi hả? Thử hỏi không có tôi lôi cô từ vũng bùn về đây thì cô sẽ như thế nào hả?”. “Anh đừng nhầm nhé! Anh nghĩ lại đi xem ai lôi ai từ trong vũng bùn ra nào?”. “Á à! Cô dám trả lời tôi thế hả? Xưa nay được tôi chiều chuộng nên cô láo với tôi hả?”. Ngọc xông vào túm tóc và tát liên hồi vào mặt vợ. Lan nhanh tay túm lấy cánh tay lực lưỡng của chồng, cô vặn mạnh làm cho Ngọc đổ huỵch xuống nền nhà nhăn nhó. “Ối trời ơi! Có đời thưở nào mà vợ đánh gãy tay chồng thế này không hả?”. Lan cười khẩy: “Anh lại nhầm rồi, là anh đánh tôi trước nên tôi tự vệ đấy chứ, nhân đây nói cho anh biết, trước đây bao nhiêu thằng “ác ôn” ở chợ định xàm sỡ tôi đều bị tôi cho đo ván hết đấy, từ nay anh liệu đường mà đối xử với tôi nhé”. Bà Phượng sợ hãi run lẩy bẩy quỳ xụp xuống chắp hai tay vào nhau: “Thôi thôi, mẹ xin các con, mẹ lạy các con, các con đừng đánh nhau nữa”. “Cho anh ấy chừa cái thói côn đồ bắt nạt vợ con đi mẹ ạ”. Ngọc mặt xám nghoét, dứng đậy phủi những vết bẩn dính đầy quần áo.
Nhân dịp quốc khánh, Hải đưa vợ con về chơi. Bữa cơm xum họp gia đình có cả vợ chồng cậu Vân nữa. Vừa ăn, Hải vừa vui vẻ kể: “Ngày ấy con nghe theo mẹ về trên này chắc không thể vào biên chế nhà nước được, làm ngoài cũng chỉ ba cọc ba đồng thôi. Dưới đó hai vợ chồng cùng làm trong công ty lương cao hơn. Thế rồi chúng con tích cóp và vay thêm bên nhà ngoại mua được mảnh đất năm chục mét vuông ở ngoại thành và dựng cái nhà gỗ. Khổ nỗi vị trí đất giáp với cánh đồng, đến mùa cày cấy bà con bón phân bắc tươi thối um cả một vùng. Nhiều người không chịu đựng được đành phải bán rẻ để chuyển đi nơi khác. Chúng con vì không có tiền để mua nơi khác nên cố chịu đựng, bữa cơm trưa ăn tại công ty, còn bữa tối hai vợ chồng đem lên trên đê sông Hồng mới ăn được. Một anh giáp nhà con bán lại thổ đất chỉ lấy nửa tiền, thế là vợ chồng con cố gắng vay mượn mua thêm để làm vườn. May thay thành phố quy hoạch mở rộng. Cả cánh đồng được sang lấp làm khu dân cư, đường đi lối lại khang trang hơn. Nhà con ở đúng vào vị trí hai mặt tiền. Đất nhà con bị thu hồi mất một ít, số tiền đền bù đủ xây được cái nhà ba tầng. Chúng con dành hẳn tầng một làm cửa hàng tạp hóa và vợ con nghỉ việc công ty để quản lý cửa hàng đấy ạ”.
Nghe thằng Hải kể, Ngọc ngớ người hỏi: “Thế không phải chú…?”. Cậu Vân vội xen vào: “Đồng đen hả, đồ cổ hả? Đây!”. Vừa hỏi cậu vừa lôi trong cái bọc để cạnh người ra một miếng đồng vuông vức. “Cậu nói cho mà biết, đây là đồng thau nhé. Hồi kháng chiến chống Pháp, Chính phủ xây dựng một xưởng quân giới chuyên sản xuất vũ khí phục vụ quân đội ở đồi Ông Mạn. Năm bốn chín giặc Pháp đánh lên sông Lô và một mũi đánh vào vùng mình nhằm phá xưởng quân giới. Được báo trước nên cả xưởng đã sơ tán đi nơi khác. Giặc Pháp càn vào chỉ đốt nhà xưởng và cướp bóc được một số trâu bò của dân thôi. Sau này thành lập hợp tác xã cải tiến, cậu với bố các cháu được giao ngả cây táu mật trên đồi Ông Mạn để đóng cày bừa. Lúc phát dọn quanh gốc cây đã nhặt được miếng đồng này, đây là loại đồng thau chuyên làm vỏ đạn của xưởng quân giới bỏ sót lại. Cậu cũng nhặt được một miếng và thuê người gò được cái mâm vẫn dùng đấy. Còn mấy cái bát này nữa, bà nội các cháu và mẹ cậu mua ở chợ Hiên đem về làm đồ thờ đấy. Cậu khuyên Ngọc đừng đi buôn bán đồ cổ nữa, cậu Giáp cũng nghỉ rồi. Mà buôn bán đồ cổ cũng vi phạm pháp luật đấy. Cháu ở nhà chăm lo ruộng vườn đỡ mẹ cháu, tìm kiếm việc làm thêm để tu sửa lại nhà cửa đi. Mẹ cháu càng ngày càng già yếu rồi không làm được đâu”.
Nghe cậu Vân nói chuyện Hải chợt nhớ ra và liếc mắt với vợ. Vợ Hải vội lấy đưa cho anh một bọc. Hải vui vẻ: “Dạ! Đây là số tiền hai trăm triệu vợ chồng con tiết kiệm biếu mẹ và bác Ngọc để tu sửa nhà cửa ạ”. Bà Phượng rưng rưng, các con còn khó khăn cứ giữ lại mà dùng. Vợ Hải vội đỡ lời, chúng con có chút ít biếu mẹ và bác Ngọc mà, mẹ cứ cầm lấy đi. Bà Phượng vội đứng dậy đi vào buồng lát sau đi ra đưa cho Ngọc: “Đây là số tiền của con mẹ nhờ chị Bình gửi tiết kiệm cho con đấy”. Ngọc run run đón lấy quyển sổ tiết kiệm, sáu trăm triệu đồng cơ à? Vậy từ trước đến nay mẹ không dùng đến tiền của con?”. “Mẹ với vợ con bòn mót cũng đủ trang trải rồi, con rút về mà tu sửa lại nhà cửa nhé”. Ngọc bẽn lẽn: “Hóa ra lâu nay con toàn nghĩ sai về mẹ, về mọi người, cho con được xin lỗi… À mà còn mảnh đất mẹ để cho chú Hải đấy”. “Thôi mà, anh chị đông các cháu cứ để đấy mà dùng, bọn em ổn cả rồi. Ngọc nhìn mọi người với đôi mắt ầng ậc nước.
Bà Phượng bế thằng con sáu tháng tuổi của Hải trong lòng. Bà cúi xuống nựng yêu nó: “Cha bố anh nhé, cười gì mà cười hử?”.
P.L.Đ
Tin khác