Truyện ngắn của Mã A Lềnh
Đi học tận bên Thái Nguyên, nửa năm tôi mới được về nghỉ hè để thăm nhà. Lòng dạ chộn rộn lắm dẫu biết rằng mọi sự ở nhà vẫn được bình an, còn cái đói cái nghèo, muôn đời vẫn thế. Người miền núi mà. Một nếp nhà lợp tranh, quây xung quanh bằng giát mai, giát vầu, cẩn thận thì đan nong đôi, luộm thuộm thì kết nong mốt áp vào cột, buộc vào mấy thanh ngang là xong, miễn là che chắn được cái bếp lửa cùng căn buồng của chủ nhà, có cái cột chống nóc tượng trưng cho người đàn ông, trụ cột trong gia đình để khi nào ăn nên làm ra, tậu được con trâu, con bò trả nghĩa cho cha mẹ, ông bà, tiên tổ mà treo cả đôi sừng hay cái hàm dưới lên nóc hoặc lên cột, thế là người thân thích gần xa biết được chủ nhân ngôi nhà cũng biết ăn ở hiếu nghĩa với tiền nhân, cũng nghĩa là biết ăn ở với bà con xóm giềng.
Lớn rồi. Thanh niên trai tráng rồi tôi mới được đi học. Hồi tết năm ấy tôi được về nghỉ có một tuần. Một tuần tức sáu ngày. Hai ngày rưỡi về, hai ngày rưỡi đi, ngồi tàu hỏa và cuốc bộ. Vị chi chỉ được ở nhà có một ngày. Vẫn cứ về. Về mừng anh Giế cưới vợ. Người ta thì súng sính cưới vợ sau những ngày tết, không khí mùa xuân tràn trề rừng núi. Anh Giế mồ côi thì cưới vợ vào đận thu hoạch xong, mùa đông đang sầm sập tới. Thế mới là lạ đời. Người ta thì tổ chức kéo vợ rền vang cả một khúc đường, râm ran đến hàng tháng, hơn cả nổ pháo tết. Anh chị Giế thì lầm lũi về ở chung với nhau, ăn chung với nhau, ngủ chung với nhau kín tiếng lặng hình. Thế là khác người. Lạ đời, khác người là vì anh Giế sớm mồ côi, nghèo khổ. Anh mồ côi nhưng không đơn côi. Vẫn có người thương. Đến bữa vẫn được nhà nào đó mời lên mâm ăn bát cơm nóng. Đến giấc vẫn được ngủ trong ổ rơm nhà ai đó. Và, anh Giế được chị Sông yêu thương, cảm mến, một mực bù đắp cho anh. Tình yêu của họ đẹp và lạ. Đẹp thì đương nhiên rồi. Còn lạ? Những người con gái khác đã yêu rồi, đã từng cho thằng người yêu “rung rinh” năm lần, bảy lượt rồi, đã hẹn địa điểm đón người yêu đến kéo rồi, thế mà khi thằng chồng cầm tay kéo đi ba bước, thì bù lu bù loa lên, thậm chí giằng co đến tụt cả váy, long cả khăn đội đầu, nhằm để cho cha mẹ có cớ đòi cưới cheo, để nhà trai gánh chồng chất nợ nần. Có đứa về nhà chồng, còn rúc vào buồng khóc sụt sịt ba ngày, là khóc những lúc có mẹ chồng, chị hay em chồng, hoặc là bà cô, bà dì vào dỗ dành, chứ thằng chồng vào là im thít, thi thoảng còn phát ra tiếng cười đùa. Đằng này, anh Giế, chị Sông không! Thế là lộn phèo hết cả phong tục!
Tết ấy, chênh vênh bên dốc núi hoang, gọi là Dốc Núi Lở xuất hiện một túp lều, tuềnh toàng, đơn sơ như túp lều tạm bợ để coi nương ngô. Đó là nhà của anh chị Giế Sông. Tuềnh toàng ban đầu, là vì anh chị chỉ có đôi bàn tay trắng. Nhưng dư thừa sức lực và tính cần mẫn, chỉ cần nom nhát dao chặt củi, nhát cuốc bổ xuống đất của anh thì biết. Anh chị lại dốc sức dốc lòng với nhau, thì chỉ qua vài vụ lúa, vài mùa nương là sẽ thành Xếnh Lầu có của ăn của để, lợn gà đầy chuồng đầy sân, trâu, bò ngựa, dê, cừu đầy bãi, được mọi người trọng nể.
Anh Giế người làng Mường Tiên. Chị Sông người làng Sua Pủa. Hai làng giáp nhau nhưng từ nhà anh tới nhà chị phải đi cật lực mất cả buổi. Chị cũng sớm mồ côi, phải sống chung với người anh ruột trong một nếp nhà lợp gỗ thông, quây bằng ván, đơn độc, chênh vênh bên sườn dốc. Anh ruột Sông đã có vợ con nhưng hằng ngày tuy lầm lũi việc nhà, ruộng nương, nhưng chắc hẳn trong lòng luôn thắc thỏm mong mỏi một ngày xuân náo nức sẽ có người đeo chiếc nhù cu sừng trâu bóng loáng đến ăn hỏi rồi dắt em gái mình đi khi đã đổ reng reng một sàng bạc sáng lóa.
Ngày ấy cũng đã đến nhưng chẳng có sàng bạc nong ngọc nào. Đó là ngày họp chợ huyện. Cái Sông nó đi chợ, chờ đến tối chẳng thấy nó về. Trưa hôm sau mới có người gọi là chí sung đeo tồng tộc chiếc nhù cu óc ách một lít nước chua đến báo tin con trâu măng cái nhà mình đã đậu vào nhà ông Lừ Jang ở phía mặt trời mọc Mường Tiên. Chí sung, tức ông mối hát xin chỗ treo ô, hát xin chỗ ngồi, hát xin mượn chén. Rượu rót ra. Gặp bạn cũ lâu ngày. Vui quá. Chuyện cưới cheo không nói, toàn chuyện kỷ niệm xưa hai thằng bé đi đào đá mài, đi bẫy khỉ, chui sâu vào hang Tiên, cùng nhau đi trêu gái ngày hội gầu tào... Lớn lên, ở xa nhau, mỗi thằng lo ôm giữ vợ mình kẻo có thằng ngó nghé, rủ rê... Tỉnh giấc mà rượu vẫn còn đầy ứ trong họng nhưng ông mối vẫn phải cố bò về khi trời mới tơ mơ nhờ nhờ ánh sáng ngoài kẽ vách.
Đám cưới Giế Sông vẫn được tiến hành đơn sơ và nghèo nàn. Ông cậu, bà mợ, một anh, một chị của Giế nhưng là nhờ người hàng xóm. Một ông mối khác, chứ ông mối trước làm sao dám vác mặt đến nữa. Sau vài chập lạy lục cùng với những lời có cánh, ông chủ, anh ruột của cô dâu bảo:
- Hai mươi lăm con trâu trắng, ba gộc măng nhú, mười chõ cơm...
Cô dâu, chú rể tái mặt nhưng im lặng lắng nghe. Trâu trắng tức bạc trắng, đồng bạc hoa xòe. Gộc măng nhú tức lợn để mổ thịt. Chõ cơm quy ra thồ ngô...
- Nhưng... - Ông chủ tiếp: - Nhưng đó là cái giá mà các em ăn ở với nhau. Bao giờ có thì trả!
Như là ông trời mở toang cánh cửa. Vợ chồng Giế Sông kính cẩn lạy anh chị ba lạy, rồi rót mời mỗi người đôi chén rượu đầy sóng sánh. Trước khi ra về, Sông, cô dâu không quên bảo chồng thắp ba nén nhang, dâng ba chén rượu lên ban thờ cho cha mẹ đã quá cố cùng với tiên tổ.
Cuộc sống êm đềm trôi đi.
Một ngày, Sông cất tiếng than thở:
- Hết muối ăn rồi, mình à!
- Ừ, biết rồi mà!
Giế vào rừng đào được một thồ rễ pênh lang, cất một buổi chiều xuống suối câu được đáy giỏ cá, kẹp thành hai gắp hong bếp lửa cho khô, cài lên gác bếp để mang xuống chợ tỉnh. Lâu lắm rồi, phố tỉnh có thay đổi gì không. Lâu lắm rồi, từ ngày lấy vợ, quên mất chợ tỉnh rồi, chả nhẽ không rủ vợ đi để vào quán đong một bát miến măng nứa canh thịt gà chan cơm nắm nhắm cốc rượu nhạt.
- Mình à, mai đi chợ tỉnh nhá!
Đêm khuya, trên chiếc giường chật, Giế thủ thỉ vào tai vợ:
- Ừ! Đi chợ thì phải nằm im đấy. Đừng quờ quạng chân tay nhá!
*
Thồ vỏ, gắp cá đã có khách đón mua ngay từ lối vào phố rồi nhưng vẫn phải vào trong phố, đúng giữa chợ để vợ mua vài đon chỉ thêu, cái đèn hoa kỳ, Giế cũng muốn tìm mua chiếc đèn pin, và dù sao cũng phải đãi vợ một bát miến cho xứng danh đàn ông. Bát canh miến măng chan nước luộc gà bà chủ quán người phố bưng đặt lên mâm. Giế đẩy tới trước mặt vợ. Vợ lại đẩy sang chồng.
- Mua một bát thôi, mình. Ăn xong, còn đói, hẵng mua thêm!
- Dứt khoát mỗi người một bát, mình ạ!
Một cốc rượu sắn nữa. Vợ từ chối. Uống một mình vô duyên, mà không uống thì thèm. Vừa lúc nâng cốc lên miệng thì thằng Giống lù lù đi tới. Ối cha cha! Mừng quá! Thằng bạn cùng cạm chuột, bẫy chim đây!
- Ớ! Giống cũng đi chợ á!
- Vợ chồng cùng đi à! Thích quá nhỉ. - Giống đứng trơ ra. - Tôi mang củ nâu nếp đi bán cho người phố mà. Họ đặt tôi lâu rồi!... Đóng cái xe gỗ chở đi!
Giế vồn vã:
- Ngồi xuống đây! - Rồi gọi chủ quán: - Chị cho một cốc nữa!
Giống xua tay:
- Tôi có biết uống rượu đâu. Vui lắm thì tí chút thôi!
Theo lời Giống, cốc rượu được san vào hai cái bát. Nhưng rồi một cốc thành hai cốc, hai cốc thành bốn cốc...
“Sao chẳng thấy ai đặt mình lấy củ nâu nhỉ?”. Giế đã thấy tò mò câu chuyện của Giống.
- Chỉ cho tôi chỗ có người mua củ nâu với!
- Ồ, xuống bờ sông kia kìa! Củ nâu, tre, nứa, trúc, song, mây, gỗ, giang... Úi zố! Cả hổ, báo, tê tê, lợn lòi, trăn, rắn, tắc kè, chim, chuột, gạc nai, nhung hươu... Mọi thứ rừng ta có là người ta cần. Có người miền xuôi lên mua trực tiếp. Có người buôn ở đây. Ới một câu là họ nhao đến ngay. Chỉ sợ Giế không đủ sức thôi!... Họ đóng bè, cái nước nó chở xuôi mà. Chứ có như mình cho vào cái cở đeo trên lưng đâu! Đó! Họ bày cho tôi cách đóng cái xe bánh gỗ đấy!
- Cả hổ, báo, khỉ, lợn... thì làm sao mang cho họ được?
- Hề hề, thế mới phải đi chợ, cho cái mắt nhìn rộng ra, cho cái đầu phải nghĩ xa ra! Cả một con hổ bóp cho bé lại bằng nắm tay. Vài con sơn dương cô lại chỉ bằng cục cứt ngựa, chứ mấy!
- Ừ... ừ... Giống à, nhưng mà trong bài Quét rác trưa ba mươi tết có câu buôn bán là không tốt! Câu đúc kết truyền đời của người Hmông mình mà...!
- Ai mà chả buôn bán, hả Giế ơi. Ăn tết, người Hán khôn, người Hán dựng bia đá/ Người Hmông dốt, người Hmông dựng cột nêu... Nhân thể lát nữa Giế theo tôi xuống bờ sông, rồi hôm nay theo tôi về ngủ làm khách một đêm, nói chuyện nhiều! Lâu rồi không gặp!
*
Giế có người chị đi lấy chồng xa năm mười ba, mười bốn gì đó. Mẹ bệnh chết. Chẳng lo tang ma, bố Giế cắp khèn thổi vang lừng biến dần sang bên kia sống núi Quây Trống. Trên sống núi ấy ngày xưa dân làng họ Mã Mường Tiên dồn công sức để làm một cái trống dùng chung, là vì trống chỉ được dùng vào việc tang ma, theo lời nguyền. Thế là bác và bố tôi phải lăn vào lo toan tất cả đến khi mồ yên mả đẹp cho mẹ Giế, bố Giế mới rón rén về. Một lời cảm ơn không thốt ra. Một hớp nước không có. Còn Giế, nó còn bé, trẻ con biết gì. Đi khắp mấy làng tìm chả được mụ nạ dòng nào, bố Giế đành dắt con mẹ Di sồ sệ như cái bồ rách từng lang chạ với nhiều thằng đàn ông có trẻ có già mãi bên làng Hồng Dên về. Con mẹ phốp pháp, khỏe dai, mặc cho lão chồng vần vò từ lúc trời mới sập tối cho đến khi sáng bảnh bành banh vẫn chưa buồn dậy. Thế nên từ đấy hầu như Giế tá túc tại nhà tôi, và chúng tôi đi đâu, làm gì đều có nhau như bóng với hình. Cho tới khi tôi được chọn cho đi học trường thiếu nhi miền núi của tỉnh, bị hụt hẫng, Giế thui thủi khi nhà này, khi nhà nọ, khi nằm ở lều nương cả tuần chẳng để ý gì tới cha đẻ và dì ghẻ lạ hoắc. Do đó để chống chế, bà con họ hàng bảo bố Giế bị ma ám. “Con ma mụ Di nó ám, làm cho lão Lừ đê mê mất hết trí khôn rồi!”. Mấy bà lắm lời truyền nhau. “Con mụ Di khóc dề mũi dãi đòi lão Lừ chuyển sang mãi bên Xang Thàng, Dào Sang ở với anh chị ruột. Anh chị bỏ Hồng Dên chạy sang bên ấy rồi!”. Xang Thàng, Dào Sang tức là phải vượt qua sống núi Hoàng Liên, đường đi khúc khuỷu lên dốc cao khe sâu xa lắc mãi phía mặt trời lặn. Làm sao đây. Gia tài chẳng có gì đáng giá ngoài vài mảnh ruộng bậc thang khô cằn cộng tất cả mỗi mùa cũng chỉ cấy được chừng năm cân giống. Quý nhất trong nhà là cây khèn đã lên nước bóng nhoáng nghe nói là vật gia bảo. Làm được gì? Năm thì mười họa mới có một đám tang đến mời làm thầy. Tang chủ có trâu, bò hiến tế thì theo định mức xưa nay, thầy khèn được ba giẻ xương sườn. Nếu chỉ mổ lợn thì to nhỏ, béo gầy cũng chỉ ba giẻ xương sườn cùng với cả số thịt, da dính ở đó. Mà ức thật, có đám tang làng xa làng gần, người ta toàn mời cụ Vang và cụ Tư, không ai thèm mời lão Lừ ma rượu chưa vào việc đã đòi uống; đã uống là uống đến kỳ say vãi cả cứt đái ra quần; huênh hoang khoác lác giựt tung cả cúc áo, chan rượu tràn trề vào bát cơm để húp; còn đem khèn ra thổi chơi thì buồn lắm, buồn nẫu ruột, nhất là đêm khuya có ánh trăng loang lổ trên những tàu lá chuối, lá dong. Bán tuốt! Bán lấy tiền lên chợ huyện uống rượu!
Bố Giế, lão Lừ và mụ dì ghẻ Di rúc rích chuẩn bị lúc đêm rồi biến mất vào lúc sương mù chụp kín núi rừng như chụp chõ hấp cơm ngô, để lại anh Giế ngơ ngơ ngác ngác một mình. Xang Thàng, Dào Sang chẳng có anh chị ruột nào rón tay làm phúc cả, cũng như những con lợn, con chó hục hặc nhau khi đối diện với miếng ăn. Đánh nhau vì tranh giành miếng ăn. Chém giết nhau vì tranh giành miếng ăn. Không ruộng nương, lười là chết. “Tao không có cơm nuôi không chúng mày đâu!”. Chị dâu của Di trừng mắt khi đến bữa. Dần dà chẳng ai còn nhắc đến đôi vợ chồng Lừ Di nữa.
Về nhà, đầu tiên tôi nhìn sang phía dốc núi đối diện bên kia. Dưới khe sâu là con suối Mường Tiên. Hai sườn dốc núi đường tên bay không xa lắm, có thể thấy bóng người hoặc bóng trâu di động nhỏ xíu bằng ngón tay, ngón chân nếu ở chỗ thoáng. Nhìn sang bên ấy, chỗ anh chị Giế - Sông dựng túp lều, chỉ thấy một chấm đen sì. Nghe bác gái tôi bảo Sông đang tá túc ở nhà họ Giàng trên Tà Sua, tôi cất công đi tìm.
- Sao Sông không về với anh chị trên Sua Pủa?
Bất giác Sông kéo vạt áo che kín ngực. Trong cái bụng kia có một sinh linh đang cựa quậy, chẳng mấy nữa sẽ có mặt gia nhập cộng đồng người vùng cao kham khổ, lam lũ đánh vật với miếng cơm, manh áo cả cuộc đời, chỉ lúc cất lên tiếng hát, bấm ngón tay vào nốt khèn, hay bưng bát cơm thơm nức mùa lúa chín vàng, nâng đũa gắp miếng thịt... là nhận ra hạnh phúc ùa về trong muôn sự giằng xé cướp giật.
- Cái con ma phố chợ, con ma buôn bán, con ma tiền bạc... nó chui vào trong tim, trong óc Giống, Giế, cả tôi nữa...
Vậy là đã có nhiều lúc Sông không phải cùng ở cạnh Giế, mà đi cùng với Giống. Có khi bận lên nương, bận đi xẻ gỗ, bận đi dân công, Giế đành phải gắt vợ: “Cô phải đi. Tôi hẹn người ta rồi. Đã ứng tiền trước rồi!...”. Khi thì vật vã trên xe khách chật ních người. Khi thì cuốc bộ bơ phờ nắng cháy. Khi thì bì bõm lội trời mưa, nước lũ... Nào Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Hung, Khốp Sộp, Dào Sang, Xang Thàng, Háng Gàng, Tà Ghênh... Nào những cao khỉ, cao hổ cốt, xương sơn dương, bột cặn bên trong khấu đuôi con xạ hương, thuốc phiện, râu dê, mật tê giác... Đã cất bước lên đường là phải chịu mặt dày; lại còn phải có mưu để trốn tránh những cuộc lừa lọc, thanh toán nhau…
Buổi tối ấy, một mình Sông ở nhà. Rim được đĩa thịt gà tra gừng cả củ cả lá đặt lên mâm rồi nhưng một mình chẳng buồn ăn. Chờ mãi chồng không về như đã hẹn. Hôm ấy Giế lên hang Tiên hót phân dơi, đắc chí bán được tiền giá cao lắm mà lại chẳng cần giấu giếm như thuốc phiện. Sao mãi không về? Lạy giời cho mọi sự bình yên. Tối rồi, Giế đi đâu? Hay lại tranh thủ đi chọc vách đứa nào. Ừ thôi, anh thích thì cứ đi nhưng đã hẹn rồi thì phải về cho vợ đỡ mong đỡ nhớ chứ. Sông trải nắm rơm xuống ngay cạnh bếp lửa nằm để giữ ấm. Đang thiu thiu thì có tiếng gõ cửa ken bằng vầu cạch cạch.
- Mình về đấy à? Không cài cửa đâu mà! - Sông nói.
- Tôi đây! Giế chưa về à? - Tiếng Giống nói nhưng đã quẳng cái mông xuống chỗ chân Sông đánh soạt. - Giờ này nó chưa về? Hay là... Nghe nói cái hang ấy sâu lắm, phải đi từng bậc, từng bậc như cái thang nằm ngang, các khấc chứa đầy nước ma nước thánh thả dây chín sải không tới đáy. Đi hết chín mươi chín khấc thang mới tới chỗ hót phân cơ!
- Anh đến tìm Giế có việc gì? Cẩn thận kẻo tôi cho một cái gộc củi cháy vào đầu đấy!
- Tôi đến trả nợ cho Giế. Hai đồng bạc trắng vay lâu lâu rồi. A! Có cơm thịt mà chẳng mời. Đang đói đây!
- Đói thì ăn đi, rồi về mau!
Giống đưa đẩy trong khi tay đang nhón một miếng đùi gà béo ngậy:
- Không về cũng chẳng ai đợi. Người đợi tôi ở đây, chứ đâu!
- Ai thèm!
Bất chợt, cánh cửa nách bị đạp mở toang. Bất chợt, bó đóm đang cháy đùng đùng dúi vào tận ổ rơm. Giế, lù lù như một con gấu đẫm sương đêm với bộ mặt đằng đằng sát khí.
- Biết mà! Muốn chết thì cùng chết!
Tiếng thét của Giế như trái bom toan nổ làm vỡ toác cả túp lều. Nhưng không. Ngọn đuốc đã bén vào ổ rơm. Giống bật dậy bứng gọn thân hình Sông ném xuyên qua vách ra ngoài bóng đen cùng với tiếng thét: “Chạy đi!”. Chưa kịp xoay mình lại để chống đỡ thì ngọn lửa từ ổ rơm cháy bừng bừng bén vào bếp, bén vào buồng, bắt lên tấm phên hong thịt chim, chuột, cá... Chỉ trong giây lát, túp lều đã biến thành một ngọn lửa cháy phừng phừng ngùn ngụt phun khói đen đặc vào giữa màn đêm mịt mùng.
Người nhà tôi từ bên dốc núi này nhìn sang Dốc Núi Lở, thấy rõ ngọn lửa, nhưng đành buông tay. Xa quá. Không biết bên ấy xảy ra việc gì. Chắc là thằng Giế, con Sông chúng nó dọn vườn, đốt cỏ.
Hôm sau, người từ bên xóm họ Mã này sang, người từ trên xóm họ Giàng xuống, người họ Châu từ phía khuất bên kia núi Tiên tới, người từ Vùi Lùng Sung lên, thấy hai cái xác đàn ông đen thui đang co quắp quặp chặt lấy nhau.
M.A.L
----------------------
(*) Truyện đoạt giải Nhất cuộc thi viết truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ 3 tỉnh Yên Bái- Phú Thọ- Lào Cai 2019.
Tin khác