Ký của Nguyễn Tâm
Cũng bởi những ấn tượng đặc biệt ấy mà trong chuyến ngược Trạm Tấu công tác lần này, mục đích lớn nhất của tôi chính là để gặp được cô- Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bắc và được thăm những chủ thể hạnh phúc ở ngôi trường bán trú Xà Hồ. Chiều cuối thu, nắng phủ vàng như tắm mật lên những vạt lúa trĩu bông trên ruộng bậc thang nơi lưng núi. Ngồi sau xe thầy giáo trẻ, tôi yên tâm thỏa sức thưởng ngoạn không gian tươi xanh, mát lành của một bên là núi cao vi vút thông reo và một bên là dòng suối trong rì rào như đang hát. Đón tôi ở điểm trường chính, vẫn mũ lưỡi trai, áo phông, quần jogger, giày thể thao năng động, cô Bắc cởi mở, nồng nhiệt như thể đón chị em xa về thăm, khiến tôi thấy mình không còn là khách lạ mà có cảm giác ấm áp, thân thuộc như đã quen biết cô và nơi này từ lâu. Đưa tôi đi một vòng quanh trường, cô Bắc giới thiệu cho tôi từ nơi ăn, chốn ngủ đến chỗ dạy dỗ, học hành của hơn 50 giáo viên và hơn 600 học sinh ở điểm trường chính. Nằm ghếch trên một dải đất không mấy rộng và bằng phẳng, điểm trường được ráp nối bởi nhiều dãy nhà nhỏ thành một khuôn viên khá khiêm tốn. Ngoài 3 dãy nhà chính dùng để dạy và học, chỉ còn dãy nhà cấp bốn phía sau làm ký túc xá cho hơn 400 em học sinh bán trú và một dãy nhà lắp ghép vừa làm nhà ăn, vừa là nơi sinh hoạt ngoài giờ của cả thầy và trò. Gọi là ký túc xá nhưng mỗi gian phòng rộng khoảng 30m2 với 15 chiếc giường sắt đơn 2 tầng chính là chỗ ngủ cho gần 90 trẻ. Tính ra cứ 1 giường rộng chừng 80cm đến 1m có 3 cháu, nằm nghiêng còn chật. Giữa dãy nhà ký túc và dãy nhà ăn được lắp ghép bằng tôn là khoảng sân được lợp mái che tận dụng để đủ chỗ ăn cơm cho trẻ. Ở góc ngoài của khu sân có bộ bàn ghế nhỏ và vài chiếc giường kê tạm để các thầy cô trực bán trú thay nhau ngả lưng lấy sức mỗi đêm... Thăm quan hết một vòng, cô Bắc bảo tôi rằng, đây là tất cả sự khang trang mà cô và trò ở điểm trường chính có, còn ở điểm lẻ trên Tà Ghênh các con vẫn phải học tập và ăn nghỉ ở nhà tạm ghép bằng tấm tôn. Nói rồi cô lại vui vẻ khoe với tôi, nào là những đứa trò lớp 1 bé xíu mà ngoan, xa nhà, xa mẹ gần 20 ngày nhưng không một tiếng khóc; nào là những đứa trò mới chỉ học lớp 3, lớp 4 đã biết tự giác vệ sinh cá nhân, tắm giặt, gội đầu, rồi còn không ruột rà thân thích nhưng lại biết quan tâm chăm sóc các em nhỏ hơn mình; nào là cô Điệp, thầy Quyền quên cả hạnh phúc cá nhân mà chuyên tâm chăm lo cho học trò như con ruột của mình… Cô còn khoe với tôi rằng, học trò Mông của cô bây giờ yêu trường, mến lớp, thích học lắm. Nếu như ngày trước, các cô phải vượt núi, lội khe tìm đến từng nhà vận động đồng bào cho con ra lớp thì nay chưa hết kỳ nghỉ hè, các con đã chủ động nhắn tin cho cô, háo hức trở lại trường rồi... Nghe cô Bắc kể chuyện trường, chuyện lớp bằng một phong thái vui vẻ, lạc quan nhưng từ trong câu chuyện ấy, tôi lại cảm nhận được không ít những ưu tư, trăn trở của cô về đồng nghiệp và học trò của mình. Với một ngôi trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng cao, những khó khăn thiếu thốn như cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp, tạm bợ; trang thiết bị dạy và học thiếu trước hụt sau; giáo viên công tác xa nhà, thiếu thốn cả về điều kiện vật chất lẫn tinh thần; học trò cũng học xa nhà, xa cha mẹ, đời sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn… vốn là chuyện không thể nào kể hết. Là mô hình trường bán trú Tiểu học và THCS, theo quy định, học sinh cấp Tiểu học nhà ở cách trường từ 3km, cấp THCS từ 4km sẽ được bán trú nên Xà Hồ có tới trên 80% trong tổng số gần 900 học sinh ở bán trú. Học sinh bán trú đông, lực lượng giáo viên lại mỏng nên các thầy cô phải luân phiên trực đêm tới 2- 3 đêm mỗi tuần. Hơn thế, với 2 cấp học, trường có nhiều đối tượng học sinh khác nhau nên việc quản lý cũng phức tạp hơn bởi ở mỗi lứa tuổi, tâm sinh lý của các em mỗi khác. Nếu như với các em lớp 1, lớp 2, các thầy cô còn phải lo các con ốm, đau hay khóc đòi về khi đêm xuống vì nhớ nhà thì ở các em lớn lớp 8, lớp 9, các thầy cô lại lo các con đang trong giai đoạn sinh lý nhạy cảm, không sát sao, không khéo léo động viên kịp thời thì các con sẽ hành động tiêu cực hoặc tìm đến lá ngón…
Vốn là người có tình yêu trẻ và lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề, hơn 30 năm gắn bó với công tác giáo dục ở vùng cao, có gian khó nào cô chưa từng trải. Bởi thế nên suốt 15 năm làm hiệu phó rồi hiệu trưởng, cô Bắc chưa bao giờ đặt mình vào tâm thế của một người lãnh đạo mà chỉ tâm niệm làm một người giáo viên, một người cô, người chị của đồng nghiệp; một người bà, người mẹ của học trò và là người bạn đồng hành của các phụ huynh. Để làm tròn chức trách ấy, bằng tất cả trái tim và bằng một cách rất riêng của mình, cô Bắc đã và đang từng ngày đem lại ngôi trường một luồng gió mới, tạo cho đồng nghiệp, học trò một môi trường học tập, sinh hoạt thực sự ấm áp, hạnh phúc. Nói về những cách làm đặc biệt của mình, cô Bắc chia sẻ với tôi rằng, học sinh của cô vốn rất thiệt thòi bởi điều kiện, đời sống kinh tế, xã hội ở vùng cao còn nhiều khó khăn. Chúng không được học tập trong điều kiện tốt nhất, không được thỏa sức đam mê, thể hiện năng lực, sở trường khi được hòa mình vào những hoạt động lớn, được tham gia sinh hoạt trong các tổ chức, các câu lạc bộ… như học sinh ở miền xuôi hay các thành phố lớn. Song dù thế nào, chúng vẫn có quyền được hưởng trọn niềm vui, niềm hạnh phúc của tuổi học trò. Bởi vậy, bằng cách kết nối với các tổ chức thiện nguyện trên khắp cả nước, cô Bắc đi xin cho các con từ quyển vở, cái bút, hòn tẩy, sách giáo khoa cho đến đồ chơi, quần áo, mũ, tất, chăn đệm, giường chiếu; thậm chí đến cả những chiếc ti vi lắp trong mỗi lớp học giúp các con trải nghiệm các chương trình học liệu mới hay lắp trong khu bếp ăn để các con được xem các chương trình giải trí sau mỗi buổi tối cùng nhau tự học. Kể từ ngày cô chuyển về Xà Hồ làm Hiệu trưởng, chuyện nhận quà từ các nhóm thiện nguyện, các tổ chức thiện nguyện đã trở nên quá quen thuộc đối với thầy cô và học trò nơi đây. Đầu tiên, cô xin về cho trường hàng trăm chiếc giường tầng sắt cho các con ngủ bán trú. Đầu năm học, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo sách giáo khoa mới, cô xin hơn 30 triệu đồng để mua sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 cho các con. Dù là đồ đi xin nhưng mùa nào thức nấy, đông ấm hè mát. Mỗi lúc trời sắp chuyển mùa, lo các con đông về không đủ ấm, cô lại cất tiếng xin về hàng trăm chiếc áo ấm, hàng nghìn đôi tất, hàng nghìn đôi dép cùng mũ len, chăn bông, rồi cả những bộ đồ chơi, những cuốn truyện cổ tích... Cô Bắc còn xin được hàng trăm xuất học bổng mỗi đợt, trị giá 300- 500 nghìn đồng cho những trò nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, động viên khích lệ các con phấn chấn đến trường. Những chiếc ti vi màn hình phẳng còn nguyên đai, nguyên kiện lần lượt được cô Bắc xin về lắp vào từng lớp học. Cuối năm ngoái, cô trò nhà trường lại phấn khởi được các cô chú trong nhóm thiện nguyện “Vì nụ cười trẻ em vùng cao” kết nối tới Tập đoàn Đại Dương Group, tài trợ cho một chiếc tivi màn hình phẳng rộng tới 55 inch, cho các con có được những buổi tối khám phá thế giới thật thú vị và bổ ích. Không chỉ lo cho học trò của mình, cứ hễ thấy ai có hoàn cảnh khó khăn như cậu thanh niên tật nguyền hay bà mẹ bị ung thư đơn thân nuôi 2 con nhỏ... cô Bắc cũng không thể cầm lòng mà lại đăng đàn để “xin”. Lạ một điều là cô chẳng quen nhiều biết rộng, nhưng cứ hễ mở lời xin là được bạn bè ở khắp nơi đồng tình, giúp đỡ. Tôi từng nghe được một câu danh ngôn rất hay rằng “Giàu có không phải là những gì bạn có trong tài khoản ngân hàng mà là những gì bạn có trong trái tim”. Không biết có phải do cơ duyên hay bởi trái tim giàu có của một người luôn xót xa trước cảnh khó của người khác như xót xa cho chính bản thân mình mà cô lại hữu duyên với những người làm thiện nguyện đến thế. Đôi khi, họ chẳng biết cô Bắc là ai mà vẫn cứ tin, cứ trao gửi rất nhiều tiền bạc, của cải cho cô để gửi tới những học trò nghèo, những hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao. Nhiều người từ xa lạ trở nên quen thân, yêu quý cô và còn chia sẻ trên các trang cá nhân của mình rằng, họ biết rằng vùng cao nhiều nơi còn rất khó khăn, giá như nơi nào cũng có những người hiệu trưởng và giáo viên nhiệt tình như ở Xà Hồ thì nhà hảo tâm nào cũng muốn đến, thì các bạn nhỏ vùng cao sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn, con đường đến tương lai tốt đẹp của các bạn nhỏ sẻ được dễ dàng hơn khi được cộng đồng cùng chung sức.... Trong công tác giáo dục, để phù hợp với mặt bằng nhận thức mang đặc thù riêng của học trò vùng cao, thay vì đặt nặng thành tích, cô Bắc coi trọng chất lượng và hiệu quả giáo dục và chăm sóc toàn diện để phát triển tối đa khả năng của mỗi học sinh, không áp đặt hay tạo áp lực thành tích lên giáo viên và học trò của mình. Cùng với việc truyền thụ kiến thức, tạo điều kiện cho các em được học cái chữ, cô Bắc còn động viên các thầy cô giáo tích cực gần gũi, truyền dạy và chia sẻ với các em kỹ năng sống, giáo dục bồi đắp tâm hồn, khích lệ bày tỏ tâm tư, tình cảm và phát huy tính sáng tạo của mỗi học sinh. Ngoài những giờ học căng thẳng, không chỉ tạo điều kiện để các em tự do vui chơi hay tham gia các hoạt động ngoại khóa tại trường, các cô lại tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị kinh doanh hoặc tìm cách kết nối với các tổ chức thiện nguyện để tổ chức cho các con những chương trình ngoại khóa đầy ý nghĩa như “Lớp học vui- Cùng con đẩy lùi Covid”; “Tìm hiểu danh thắng địa phương”; “Trung thu cho em”, “Tết yêu thương”…
Từ lâu, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về những thầy cô giáo cắm bản, vượt mọi khó khăn, hy sinh quên mình vì học trò vùng cao. Nhưng hôm nay về thăm Xà Hồ, tận mắt chứng kiến và cảm nhận tình yêu thương mà các thầy cô dành cho các em học sinh nơi đây vẫn khiến tôi vô cùng xúc động. Đang trò chuyện cùng tôi và một vài thầy cô giáo trẻ ở góc trực bán trú mà thấy các con ùa ra sân chơi sau giờ học chiều, cô Bắc như quên cả khách, vội vã xuống bếp kiểm tra xem cơm chiều của các con đã chuẩn bị đến đâu. Đi hết một vòng bếp ăn, cô quay ra xem các anh chị lớn đã bảo nhau đi tắm rửa, giặt quần áo cho các em bé hay chưa. Xong xuôi, cô quay ra sân, hòa vào đám trẻ đang vui đùa với những trò chơi quăng dây, đánh cầu, rồi sà xuống bên những bé gái lớp 9 với những cuộn vải thổ cẩm trên tay, xem các em chỉ cho nhau những mũi thêu đẹp và nghe các em khoe thành phẩm mà vui cùng với chúng. Đến giờ ăn cơm, sắp xếp cho các con ổn định xong, cô Bắc và các thầy cô trong ca trực lại đi một vòng, kiểm tra xem còn em nào chưa có đủ thức ăn, em nào còn vắng, còn tắm giặt chưa kịp vào bàn. Trẻ bắt đầu ăn, các cô lại chia nhau quan sát xem hôm nay các con ăn có ngon miệng không, có trò nào uể oải, chán ăn hay bỏ cơm hay không. Bình thường thì không sao, chỉ cần hôm ấy có một trong số 400 đứa trẻ mà bỏ cơm, ốm sốt hay đau bụng thì các thầy cô lại lo đến mất ăn mất ngủ. Mới vào đầu năm học chưa lâu, các bé lớp 1 vẫn còn nhỏ lại lạ lẫm nên cần sự chăm sóc, dỗ dành nhiều hơn. Thương các trò nhỏ vừa rời khỏi lớp mầm non đã phải xa cha mẹ, vượt hàng chục cây số đường núi về trường học nên gần 2 tháng nay, tối nào cô Bắc cũng phóng xe lên trường chơi với các con đến khi chúng đi ngủ mới về. Chẳng riêng gì cô mà dường như tất cả các thầy cô giáo của trường cũng đều có chung một tâm tư ấy nên nhiều hôm, dù tổ trực chỉ có 7 người mà nhiều tối giáo viên trong trường vẫn có mặt đông đủ.
Là người quản lý, việc đảm bảo kế hoạch nhiệm vụ năm học như chất lượng dạy và học, công tác chăm sóc bán trú hay tỉ lệ chuyên cần là những việc quan trọng và đương nhiên phải hoàn thành. Song, với quan điểm và cá tính riêng của mình, cô Bắc không vì để đạt thành tích mà áp đặt một cách máy móc lên đồng nghiệp hay học trò. Ở vùng cao, giáo viên không chỉ có nhiệm vụ dạy học mà còn phải chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ học trò; học sinh vùng cao từ điều kiện, hoàn cảnh sống và học tập đến năng lực nhận thức đều không được như học sinh miền xuôi nhưng đều cùng học một chương trình như nhau. Vậy nên, cô không bao giờ đánh giá chất lượng hay mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên bằng tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh khá, mà chỉ động viên đồng nghiệp của mình cố gắng rèn luyện, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Học sinh bán trú đều học xa nhà, đứa bé thì nhớ nhà, nhớ mẹ, đứa lớn thì sốt sắng về để giúp cha mẹ làm việc nhà nên cứ đến ngày cuối tuần là bọn trẻ háo hức, mau mải đến mức có đứa chả kịp ăn cơm trưa, xin cô giáo túi bóng đựng cơm đem về ăn trên đường. Đường về nhà thì xa, lại chủ yếu là ngược dốc nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện đến đón nên hầu hết bọn trẻ thường tự đi bộ về. Dù là đường núi không phải lo đến an toàn giao thông nhưng cô không thể yên tâm để các trò, nhất là trò nhò lớp 1, lớp 2 tự về một mình. Phân công các thầy cô giáo đưa về thì không xuể bởi học sinh quá đông. Giao cho các anh chị lớn đưa em nhỏ về nhà thì quy định về thời gian học và nghỉ khác nhau do ở 2 cấp học (Tiểu học nghỉ từ trưa thứ 6, THCS nghỉ từ trưa thứ 7). Nhiều anh chị chiều em, sợ em khóc vì nhớ nhà có khi bỏ cả buổi học sáng thứ 7 để đưa em về. Thế là cô Bắc lại đưa ra thêm một quyết định trái nguyên tắc, ấy là động viên các thầy cô tăng giờ dạy, đẩy các tiết học của ngày thứ 7 vào các ngày trong tuần để các con được nghỉ trước một ngày cùng các em.
Có ai đó nói rằng “Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”. Thế giới của cô Bắc và các thầy cô giáo ở Xà Hồ chính là ngôi trường, là những đứa trẻ Mông mặt mũi lấm lem nhưng nụ cười thì luôn rạng rỡ. Mong muốn đem đến tất cả những điều tốt đẹp nhất cho thế giới ấy, các thầy cô đã quên cả bản thân mình, hy sinh tất cả hạnh phúc cá nhân để toàn tâm, toàn ý mà chăm lo, bảo vệ. Trong số các giáo viên trẻ của trường có tới 6 thầy cô công tác xa gia đình. Với các thầy giáo, nỗi vất vả đôi khi chỉ là khoảng cách địa lý, là sự thiếu vắng hơi ấm gia đình hay là đồng lương chỉ đủ chi phí sinh hoạt, tiền nhà, tiền ăn nên 2 tháng mới về thăm nhà một lần; thương vợ ở nhà tảo tần đôi vai gánh nặng, thương con thơ không được cha bảo vệ, chở che. Nhưng với các cô giáo trẻ thì nỗi vất vả còn nhân lên gấp bội phần. Bởi công tác đặc thù ở trường bán trú, dù con còn nhỏ, các cô cũng không thể mang con theo bên mình để chăm sóc mà phải ủy thác lại cho chồng, cho cha mẹ ở nhà. Những đứa trẻ từ nhỏ đã thiếu đi hơi ấm và bàn tay chăm sóc của mẹ nên trở thành xa lạ. Có những lúc do yêu cầu công việc, không thể về thăm con thường xuyên, đến khi về, con không nhận ra mẹ, không cho lại gần, không cho ẵm bồng, có khi các cô còn bị con nhỏ đuổi không cho nằm cùng... Nhìn những gương mặt buồn mỗi khi màn đêm buông xuống; gương mặt phấn chấn, vội vã khăn gói, chằng buộc sẵn hành lý trên xe mỗi chiều thứ 6, vượt vài chục đến cả trăm cây số để về với chồng con để rồi có những buổi sớm đầu tuần lại đón các cô bằng đôi mắt sưng vù vì những lý do rất đặc biệt mà cô Bắc thấy lòng mình như nghẹn lại. Thương lắm nhưng chẳng biết phải giúp các cô bằng cách nào. Bởi tâm huyết với nghề mình đã chọn nên các thầy cô nơi đây đã phải hi sinh rất nhiều thứ, trong đó có gia đình. Cảm thông, chia sẻ và thương bằng tình thường của một người chị, người cô, vị Hiệu trưởng của Xà Hồ ngày càng “vi phạm nội quy” nhiều hơn. Cùng với việc động viên các thầy cô ở gần tạo điều kiện đổi tiết dạy cho các thầy cô ở xa vào những buổi học cuối tuần, cô Bắc còn lẳng lặng “xui” nhân viên của mình sắp xếp công việc để về sớm như đẩy giờ chủ trì sinh hoạt lớp của giáo viên chủ nhiệm vào chiều thứ 6 để thời gian nghỉ cuối tuần của các cô được dài hơn. Nếu có cuộc họp đột xuất, sợ giáo viên của mình về muộn, đường xa không an toàn, cô lại đặc cách cho miễn luôn không phải dự họp, có nội dung gì cô sẽ trực tiếp trao đổi sau. Mỗi cuối tuần trời đổ mưa là cô lại lo đến thắt ruột gan, cho nhóm nhà xa được nghỉ sớm rồi, chiều Chủ nhật sợ các bạn lên trường gặp mưa không an toàn, cô lại chủ động gọi điện cho nghỉ thêm...
Bằng tất cả tình yêu, sự đam mê và lòng nhiệt huyết với nghề, cô Bắc và những đồng nghiệp của mình đã cùng nắm tay nhau, cùng cười, cùng lo lắng, cùng cống hiến và cùng làm nên hạnh phúc ấm áp cho ngôi trường nhỏ bé giữa non cao Trạm Tấu. Giờ đây, vẫn với một tâm niệm “Để hôm nay bọn trẻ được cười tươi hơn ngày hôm qua” nên dù đã ở tuổi 55, cái tuổi mà lẽ thường đối với một người phụ nữ đã bắt đầu thấm mệt và muốn được nghỉ ngơi, nhưng cô Hiệu trưởng Bắc vẫn hừng hực khí thế và nỗ lực cống hiến. Trong 2 năm công tác còn lại này, cô Bắc đang ấp ủ ý định tổ chức cho giáo viên và các học sinh lớp 8, lớp 9 những chuyến đi thăm quan, trải nghiệm ở những nơi đang phát triển mạnh về du lịch như Suối Giàng, Mù Cang Chải… Cô biết, ở Mù Cang Chải, việc đưa du lịch vào trường học đã được huyện bạn triển khai khá hiệu quả nên muốn học để làm, dù khó. Cô Bắc còn kết nối với nhiều tổ chức thiện nguyện để giúp cho một số thanh niên đam mê khởi nghiệp làm du lịch. Đây không chỉ là kế hoạch, mà đã và đang được triển khai. Cô và bạn Dơ, bạn Tung ở bản Cu Vai đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhóm thiện nguyện, đầu tư cho vật liệu, trang thiết bị như gạch lát nền, chăn, gối, nệm… để mở homestay, làm lán nghỉ chân cho khách leo đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù. Chỉ đợi dịch bệnh qua đi, tình hình bớt căng thẳng là sẽ bắt tay làm ngay. Cô Bắc còn tính rằng, sau này về hưu, có thời gian, cô sẽ tích cực động viên bà con đồng bào Mông trên chòm Cu Vai, mỗi nhà làm một cái cối xay ngô, hay lập nhóm dệt thổ cẩm để tạo nên không gian văn hóa riêng của dân tộc mình, thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, làm giàu cho bản, cho quê hương… Rồi chỉ nay mai thôi, khi nói đến Trạm Tấu, người ta sẽ không chỉ nghĩ tới một huyện nghèo heo hút nữa, mà sẽ biết đến Trạm Tấu với những nụ cười rạng ngời hạnh phúc, những đồi dã quỳ rực vàng dưới nắng thu, những thảm hoa chi pâu tím ngắt triền núi, những đồi thông eo gió trong lành mát rượi ngày hè, những suối khoáng nóng ấm lòng người đi xa và cả những bản làng ấm tình người với những sắc màu văn hóa độc đáo của người Mông, người Thái nơi non cao này.
N.T
Tin khác