Ký của NGUYỄN THỊ THANH
Được đồng chí Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu về một điển hình tiến tiến của ngành, tôi đến thăm thầy và trò Trường TH & THCS Võ Thị Sáu khi năm cũ đã qua, tất cả đang chào đón một mùa xuân mới, niềm vui trong tôi thật xao xuyến bồi hồi… Nằm khiêm nhường bên dòng suối Thia là ngôi trường được xây dựng khang trang, khuôn viên sạch sẽ, gọn gàng và đẹp như công viên, nơi khởi xướng mô hình "Gian hàng hạnh phúc không đồng" ở thị xã miền Tây. Giữa sân trường, ánh nắng chan hòa cùng tiếng ríu ran của học trò giờ ra chơi, những bước chân ngập ngừng trước một "Gian hàng" được dựng lên bên trong cổng trường. Cột tre, mái lá, vách nứa trang trí những hoa văn độc đáo của đồng bào các dân tộc miền núi, bàn tay khéo léo của các cô giáo kết hình hoa lá, hình quạt, hình cọ xòe ô từ những chiếc khăn thổ cẩm. Trên vách nhà treo đan xen những vật dụng gần gũi với cuộc sống lao động như chiếc ớp, bồ xôi, chiếc giỏ tre, chiếc đó bắt cá, chiếc liềm, cum lúa… lan can cửa sổ mang dáng dấp không gian "hạn khuống" của đồng bào dân tộc Thái, bên dưới kê một chiếc tủ gỗ có giá để ngỏ xếp gọn gàng những bộ quần áo, sách vở, bút mực, giầy dép của những cá nhân đem đến tặng, hai bên ghi dòng chữ ấm áp nghĩa tình "Ai có thì đem tặng! Ai cần thì đến nhận!". Thấy mấy bạn ngại ngần, cô giáo Hoàng Thị Thu đến bên các em ân cần dắt tay vào cùng trải nghiệm không gian văn hóa rất gần gũi, cô tế nhị lựa chọn những chiếc áo ấm, khăn ấm khoác lên từng học trò đang cần sự chăm lo ấy. Sự đồng cảm đã xóa đi khoảng cách, trong bộ áo ấm các trò lại vô tư hòa vào niềm vui chung với bạn bè trong các trò chơi dân gian rộn rã sân trường như nhảy dây, chơi ô ăn quan, đánh que chuyền, múa các điệu xòe cổ theo sự hướng dẫn của các thầy cô giáo. Một hồi trống trường vang lên, tất cả học sinh vào lớp, sân trường tĩnh lặng, chỉ hơi ấm đọng lại trong gian hàng hạnh phúc không đồng. Ngồi bên chiếc bàn giả gỗ mộc mạc, tôi được cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Thảo tiếp chuyện khi nhà trường vừa mới thực hiện được chương trình trải nghiệm cho học sinh vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ đề tích hợp giáo dục kỹ năng sống cho học trò gắn với giáo dục thể chất, nhạc họa, văn hóa địa phương, hướng nghiệp dạy nghề. Mỗi năm, nhà trường lựa chọn từng chủ đề khác nhau để tạo môi trường trải nghiệm mới như chủ đề "Vụ mùa quê em" để tìm hiểu về phương thức canh tác nông nghiệp; chủ đề "Em là chiến sĩ nhỏ" tìm hiểu truyền thống cách mạng của quê hương; chủ đề "Phiên chợ quê" tìm hiểu về văn hóa ẩm thực, văn hóa dân gian… Sau mỗi lần trải nghiệm học sinh và giáo viên phải viết bài thu hoạch, qua đó rèn kỹ năng quan sát, đánh giá và rèn kỹ năng cảm thụ văn học.
Với học sinh bậc Tiểu học, nhà trường đã kết hợp chặt chẽ với hội phụ huynh tổ chức cho các em đi thăm trang trại nông nghiệp, các nhà vườn. Các bạn nhỏ được nghe chủ vườn giới thiệu về quá trình gieo trồng, chăm sóc ngô, lúa, rau màu, sau đó được trải nghiệm tự lựa chọn bẻ những bắp ngô đã chắc hạt, tự hái những quả cà chua chín, những trái bí non, thu hoạch rau xanh… Sản phẩm thu được do công đoàn nhà trường mua với giá rẻ cho học sinh đem về bày bán ở gian hàng trải nghiệm. Chính cha mẹ học sinh đến đón con lại trở thành khách mua hàng, được chứng kiến các con tự giới thiệu nguồn gốc sản phẩm và thích thú mua hàng ủng hộ, số tiền thu được sẽ sung vào quỹ tình thương. Mô hình này đã được nhà trường triển khai thực hiện từ 3 năm nay, số tiền ủng hộ qua các hoạt động trải nghiệm đã giúp cho nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Trường hợp đặc biệt như em Lò Nguyễn Tâm Thương dân tộc Thái, em không còn cha mẹ phải ở với bác ruột được giúp đỡ về vật chất và tinh thần để em có điều kiện đi học. Đồng thời nhà trường cũng kêu gọi sự đóng góp hảo tâm và em Thương đã được các chú công an phường nhận nuôi đỡ đầu. Với học sinh cấp Trung học cơ sở thì được tổ chức tham quan khu di tích lịch sử Căng- Đồn Nghĩa Lộ, thành Viềng Công, Nậm Tốc Tát, Đền thờ Cầm Hánh, thăm các địa chỉ đỏ là người có công, người tham gia kháng chiến, tìm hiểu các khu du lịch cộng đồng, các công xưởng, doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn để bồi đắp kiến thức lịch sử, địa lý, tư duy kinh tế từ phát triển du lịch và doanh nghiệp nhỏ tại địa phương, giúp hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp. Theo cô hiệu trưởng, nếu như trước đây đa số học xong lớp 9 là các em ở nhà làm ruộng hoặc đi làm thuê giúp gia đình có thêm thu nhập thì những năm gần đây tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở học tiếp lên Phổ thông trung học hoặc đi học nghề có đào tạo đạt tỷ lệ trên 90%. Bên cạnh đó nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện như chủ đề "Trường học không rác, khu dân cư không rác" với các buổi lao động vệ sinh ngoài giờ; chủ đề "Ngày chủ nhật xanh" trồng hoa xây dựng tuyến phố văn minh, vệ sinh và trồng cây tại khu tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức cho học sinh tham gia viết thư UPU quốc tế, thi vẽ tranh theo chủ đề "Em cùng hành động xanh" hưởng ứng chiến dịch "Vì một triệu cây tre Việt"… Hoạt động nhân đạo từ thiện được duy trì, hàng năm các thầy cô giáo nhận đỡ đầu học sinh nghèo trong trường, tổ chức ủng hộ và trao quà tết 100 xuất quà trị giá 15 triệu đồng. Tại "Gian hàng hạnh phúc không đồng" thường xuyên được tổ chức các đợt quyên góp tiền, hàng hóa, lương thực, thực phẩm, quần áo, sách vở ủng hộ cho học sinh. Có đợt các em không dùng hết đã được công đoàn nhà trường đem tới Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. Đồng thời nhà trường còn tham gia đóng góp xây dựng quỹ mái ấm công đoàn, quỹ hỗ trợ người cao tuổi, quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, chữ thập đỏ, ủng hộ phòng chống thiên tai, bão lũ, quỹ phòng chống COVID… lên tới trên ba chục triệu đồng mỗi năm. Liên đội thiếu niên tiền phong đã xây dựng "Tủ sách Đinh Hữu Dư" được trên 300 đầu sách, truyện, việc đọc sách được tổ chức thường xuyên theo mô hình "Thư viện xanh" đọc và trao đổi dưới các tán cây xanh trên sân trường và liên kết với thư viện tỉnh cho cán bộ, giáo viên, học sinh được mượn sách để nghiên cứu, tìm hiểu.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm như vậy, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường đã được nâng lên rõ rệt. Gần đây, năm nào trường cũng có học sinh thi đỗ vào Trường PTTH Chuyên Nguyễn Tất Thành của tỉnh. Năm học vừa qua có nhiều học sinh giỏi các cấp, trong đó có 4 giải Nhất, 10 giải Nhì, 6 giải ba, 16 giải Khuyến khích cấp trường; có 03 học sinh giỏi đạt giải cấp thị xã, 02 học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt có 11 học sinh dự thi giải Toán và thi Tiếng Anh trên mạng cấp Quốc gia, trong đó có 1 em đạt Huy chương Đồng môn Toán cấp Quốc gia. Tổ chức thi hùng biện Tiếng Anh theo hướng chuyển đổi số, xây dựng video chủ đề về trường học hạnh phúc đạt giải Nhì cấp thị xã và được dự thi cấp tỉnh. Chất lượng khảo sát đánh giá ngoài theo đề của Sở Giáo dục & Đào tạo đối với lớp 5 và lớp 9 được xếp thứ nhất toàn thị xã. Với mô hình giáo dục toàn diện này, trường đã được nhiều đơn vị bạn đến học tập, trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn. Nhà giáo Lò Thị Tuyết Dung, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã cũng đánh giá đây là một trong những đơn vị luôn có sự sáng tạo trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục ở một địa phương chiếm tới trên 50% dân số là đồng bào dân tộc Thái thuần nông, số học sinh nghèo còn nhiều, song nhà trường đã vượt khó vươn lên trở thành điểm sáng được nhiều trường đến học tập.
Sự cố gắng, niềm đam mê, ý thức trách nhiệm và sức sáng tạo của thầy và trò Trường TH & THCS Võ Thị Sáu thị xã Nghĩa Lộ đã được lan tỏa. Năm học vừa qua trường đã được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Đó là bông hoa muôn sắc đang tỏa hương dâng tặng mùa xuân mới. Mùa xuân của những nỗ lực mới, niềm vui mới và hứa hẹn nhiều thắng lợi mới của nhà trường nói riêng và sự nghiệp Giáo dục- Đào tạo của tỉnh Yên Bái nói chung.
N. T. T.
Tin khác