Dương Thu Phương
Bất kỳ một quốc gia- dân tộc nào muốn trở nên thịnh vượng đều phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Quốc gia dân tộc cũng thế mà các địa phương nhỏ càng thế, “khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực” đó là chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo huyện Yên Bái trong suốt nhiệm kỳ qua. NgắmYên Bình hôm nay với sắc màu sáng tươi của những công trình mới vừa xây dựng, những con đường thảm nhựa, bê tông phẳng lỳ, khuôn mặt rạng ngời của bà con nông dân sau mỗi mùa vụ để hiểu điểm tựa nào cho niềm tin cất cánh.
Chúng tôi đang đi trên mảnh đất Yên Bình, thấm vị mát dịu của làn gió thổi lên từ vùng hồ, thoảng vị thơm ngọt của những đồi cây đang mùa kết hoa đơm trái, nghe ngai ngái mùi bùn vẩn lên từ những thửa ruộng ven đường, thế mới thấy đối với một địa phương miền núi, có địa thế thuận lợi cho nông nghiệp như thế nhưng nông sản chưa bao giờ là thế mạnh của huyện, mới biết chúng ta chưa biết cách “làm cho đất lên tiếng”. Nhưng đó là chuyện đã xa, giờ đây, Yên Bình đã có được một nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học gắn với tạo ra chuỗi sản phẩm liên kết xây dựng nên các thương hiệu nổi tiếng trong tỉnh, trong vùng và trên cả nước như Gạo Bạch Hà, Bưởi Đại Minh, Thanh long ruột đỏ Bạch Hà, các dự án liên kết theo chuỗi giá trị như: sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Bưởi Đại Minh, cây dược liệu Khôi nhung, cá lồng hồ Thác Bà, gỗ keo, gỗ ván dán… Đây cũng là minh chứng cho một định hướng phát triển đúng trong xu thế sáng tạo và hội nhập.
Đổi mới thể chế, thu hút đầu tư là xu thế chung của nhiều địa phương để phát triển. Đây cũng là cách mỗi đơn vị phát huy thế mạnh bên trong kết hợp với nguồn lực bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Với lợi thế sẵn có là các mỏ khoáng sản, vật liệu xây dựng, gỗ... huyện Yên Bình tiếp tục phát triển các ngành nghề truyền thống, có giá trị cạnh tranh cao như Xi măng, bột Cacbonnat Canxi, vật liệu xây dựng, sản phẩm từ gỗ rừng trồng, may mặc, ván ép, sản phẩm chế biến măng tre bát độ... Bên cạnh đó huyện cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ như sửa chữa máy móc cơ, điện nông nghiệp, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; làng nghề chế tác đá quý, đá cảnh,… hình thành một số sản phẩm mới như bột tráng phủ, hạt nhựa, đá xẻ nhân tạo ...; bước đầu phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm (2015-2020) đạt 14.583 tỷ đồng gấp, 02 lần giai đoạn 2010- 2015. Tôi cảm nhận được ánh mắt lấp lánh niềm vui khi lãnh đạo huyện chia sẻ với chúng tôi những vấn đề này.
Quá trình vận động để chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là một bài toán có nhiều đáp án. Trong đó việc phát triển công nghiệp, thu hút nguồn vốn đầu tư; giải quyết việc làm; tạo thu thập cao ổn định, tại chỗ và nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động, tạo ra một thế hệ mới có trình độ kỹ thuật, khả năng thích ứng, áp dụng và sáng tạo khoa học kỹ thuật, có nguyên tắc và kỷ luật cao... không chỉ giải quyết được mỗi vấn đề về kinh tế mà đi cùng với đó là văn hóa, xã hội; không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà là vấn đề của lâu dài, góp phần cùng với cả nước giải quyết vấn đề về an sinh xã hội, không để người lao động tràn vào các thành phố lớn gây áp lực lớn lên sự điều hành các chính sách lớn của Nhà nước. Tôi tin rằng trong điều kiện nào đó, từng địa phương giải quyết các vấn đề của mình với sự hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ chủ động và hiệu quả hơn.
Trôi trong suy nghĩ, xe đã đưa chúng tôi đến trước Bảo Lai Investment JSC, Công ty TNHH một thành viên đá trắng Bảo Lai. “Sau những nóng bức của thời tiết, sau những căng thẳng với con số, đây là điểm dừng chân lý tưởng của kể cả trên thực địa và trong suy nghĩ”. Anh lái xe đùa bông đùa một cách văn vẻ, dí dỏm. Có lẽ, kinh nghiệm quý báu này được anh rút ra sau rất nhiều lần đưa các đoàn công tác đến đây. Không cố tình nhưng tôi gần như chôn chân ở đó, tôi muốn thu vào tầm mắt hình ảnh của khối đá trắng khổng lồ trong không gian xanh biếc của trời và cái vàng rực của nắng. Đến Yên Bình nhiều lần, quan tâm đến sự đổi thay, cảm nhận được sức vươn của một vùng quê mới nhưng tôi vẫn thấy ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được đến nơi đây, được tận mắt nhìn thấy quy trình vận hành chuyên nghiệp, hiện đại với thiết bị kỹ thuật tiên tiến hiện đại bậc nhất thế giới. Tôi cũng tận mắt được nhìn thấy hình ảnh, phẩm chất của những “công dân toàn cầu” ngay trên chính một miền quê đặc trưng miền núi. Đó là những cuộc trao đổi giữa lãnh đạo công ty với các đối tác đến từ khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc và cả các nước Trung Đông. Đó là quá trình làm việc, tham vấn kỹ thuật trực tiếp của công nhân công ty với những chuyên gia kỹ thuật đến từ Ý, Trung Quốc... Sự bề thế, tối tân của công ty đã mang lại doanh thu hàng trăm triệu đô lại đi cùng với đó là những cam kết mang tính tiên quyết về môi trường và sự chân thành với các trách nhiệm xã hội, đó là mục tiêu chúng ta hướng đến.
Chủ trương đúng, tổ chức điều hành hiệu quả chính là “sức hút Yên Bình”. Cũng dễ hiểu vì sao trong nhiệm kỳ qua đã có đến 130 doanh nghiệp, trong đó có nhiều nhà đầu tư mới, một số doanh nghiệp có khả năng thi công những công trình có yêu cầu kỹ thuật cao; thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động, giá trị sản lượng đạt xấp xỉ 94 tỷ đồng là sự công nhận những nỗ lực của huyện trong con mắt các doanh nghiệp cả về mặt chính sách, tài nguyên và con người. Và Yên Bình đang khẳng định vai trò nền tảng ngày càng cao của nền kinh tế công nghiệp trong một địa phương vốn thuần nông.
Tôi luôn thường trực mong muốn được trở lại Yên Bình. Có lẽ một phần xuất phát từ khao khát được bình yên trong chính mỗi con người. Khao khát đắm mình trong những điệu hát then, hát khắp, được nhìn thiếu nữ người Dao, Cao Lan xúng xính trong những bộ váy áo đầy sắc màu... Yên Bình nơi hội tụ và lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng Đông Hồ nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung, có lợi thế về vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, nơi đây đã hướng việc kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, homestay theo một hướng riêng mang tính đặc trưng vùng miền, với mong muốn để lại trong lòng du khách nét đẹp không thể trộn lẫn. Những đội văn nghệ dân gian, những hợp tác xã du lịch như Ngòi Tu (Vũ Linh), du lịch Hồ Thác Bà vì thế mà phát triển. Văn hóa thấm trong ẩm thực, trong những thứ gia vị riêng có, với cách chế biến đặc trưng... tất cả đã tạo nên tính đặc sắc riêng thu hút khoảng 90.000 lượt khách du lịch mỗi năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 30%. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp về kinh doanh dịch vụ chất lượng cao như Điện máy xanh, Thế giới di động, Honda Hòa Bình, Vinmart+ đã vào đầu tư ở huyện. Các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như đại lý xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, đồ gỗ gia dụng phát triển mạnh. Một số trung tâm xã, thị tứ kết hợp với chợ nông thôn tạo thành mạng lưới thương mại rộng khắp. Dịch vụ Y tế, dịch vụ tài chính, tín dụng, Dịch vụ vận tải, Dịch vụ Bưu chính Viễn thông đang tham gia vào nền kinh tế ngày càng rõ nét. Thành tựu này đã cho thấy tính năng động của nền kinh tế mới.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, trong mọi yếu tố đầu vào của nền kinh tế là tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ và con người thì tài nguyên và vốn là các yếu tố hữu hạn, khó thay đổi, sẽ cạn kiệt dần và để khai thác được cũng lại mất đi nguồn lực. Trong đó khoa học công nghệ và con người được tính là những yếu tố đặc biệt năng động, vô hạn. Và trong đó con người là yếu tố quan trọng nhất vì chính nó còn tạo ra khoa học công nghệ, biết ứng dụng khoa học công nghệ. Đầu tư cho nguồn lực con người cũng là thành tựu luôn được lãnh đạo huyện tự hào khi trao đổi với chúng tôi. “Việc triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp của huyện được sắp xếp hợp lý đã góp phần quan trọng trong việc thu gọn đầu mối, khắc phục dứt điểm tình trạng thiếu cơ sở trường học. Chính những nỗ lực về thực hiện Đề án, nâng cao chất lượng giáo dục mà trong 5 năm qua, Yên Bình là một trong những điểm sáng về chất lượng mũi nhọn với 639 lượt giáo viên giỏi cấp huyện, 39 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 300 lượt học sinh giỏi cấp tỉnh và đang hướng tới mục tiêu “trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc”.
Việc tập trung chăm lo, xây dựng phát triển con người mới, vừa thể hiện tính ưu việt của chế độ vừa là đầu tư tái sản xuất một cách hiệu quả. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, thì việc quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhà ở, tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng là những vấn đề được lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Củng cố tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nâng cao năng lực phản biện và vai trò tham chính của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, đẩy mạnh thực hiện nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua yêu nước, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển thế hệ tương lai...
Những con số, những dòng báo cáo vẫn sẽ nằm lại trên giấy, người ta sẽ nghe được đâu đó trong các buổi hội nghị, hay các chương trình phát thanh hằng ngày, trong những chương trình lồng ghép vào giảng dạy. Nhưng hình ảnh về những con đường hoa luôn rực rỡ, những ngõ xóm thôn luôn sáng ánh đèn, những vườn cây, ao cá, trang trại đưa lại thu nhập vài trăm triệu đồng năm, nụ cười tin tưởng, rạng ngời hạnh phúc trên gương mặt của những con người hiền lành chất phác. Đó chính là số ít trong 1.391 mô hình “Dân vận khéo”, 381 mô hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thể hiện sự tin tưởng của nhân dân vào Đảng, chính quyền, sự đồng lòng, đồng thuận, tự giác, quyết tâm cao trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế chính trị tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình và đóng góp nhiều mặt cho xã hội.
Giữa trung tuần tháng 6, vào đúng dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện, trong không khí phấn khởi, thi đua, tin tưởng, với tinh thần "Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”, Đảng bộ huyện Yên Bình đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Với 211 đại biểu chính thức, tiêu biểu cho trí tuệ, sức mạnh đoàn kết và nguyện vọng của trên 6.300 đảng viên đã gửi niềm tin và khát vọng thông qua lá phiếu bầu ra 38 đồng chí tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIII, đồng chí Đoàn Hữu Phung, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Bí thư Huyện ủy Yên Bình khóa XXII đã được tái đắc cử chức danh Bí thư Huyện ủy Yên Bình lần thứ XXIII với số phiếu tuyệt đối ngay tại Đại hội.
“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bỗng trái đất lên” (Acsimet). Chúng tôi tin rằng những thành quả mà Yên Bình đạt được trong 5 năm qua, sự đồng thuận của nhân dân, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt các cấp chính là điểm tựa cho nền kinh tế, xã hội cất cánh trong nhiệm kỳ mới để “sớm đưa Yên Bình thành huyện nông thôn mới, giàu mạnh, văn minh”.
Tin khác