• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Đồng chí Hà Thiết Hùng trong kháng chiến chống pháp
Ngày xuất bản: 20/07/2023 3:28:04 SA

HÀ LÂM KỲ

 

Đồng chí Hà Thiết Hùng, một người khá nổi tiếng ở những thời điểm lịch sử của tỉnh Yên Bái. Kháng chiến chống Pháp lần thứ hai, thời gian gay cấn nhất (1947- 1950) hai ông là Đại đội trưởng Đại đội 86 Bộ đội địa phương huyện Văn Chấn. Kháng chiến chống Mỹ ông là Trưởng ty Công an tỉnh Nghĩa Lộ và Hoàng Liên Sơn (1962- 1977). Chiến tranh biên giới (1979- 1985) là Chủ tịch, rồi Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn. Đồng chí Hà Thiết Hùng, hai nhiệm kỳ là Ủy viên TW Đảng (1981- 1991) Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội khóa VII (1981- 1987). Là chính khách, cán bộ tiền khởi nghĩa, khi nghỉ hưu, từng được Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng... đến thăm, tặng quà tại nhà riêng (phường Minh Tân thành phố Yên Bái).

Đồng chí Hà Thiết Hùng, tên thật là Hà Đình Hưng. Sinh năm 1929, dân tộc Tày (dòng Tày chay), quê ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Thuở nhỏ, nhà nghèo, phải đi làm thuê, lên rừng lấy mây song cho nhà chủ. Vốn tính nhanh nhẹn, hoạt bát, và quả quyết, khoảng đầu tháng 5 năm 1945, Hà Đình Hưng tham gia nhóm “Trung kiên” Thượng Bằng La, được đồng chí Hoàng Đình Lự- một cán bộ Việt Minh Chiến khu Vần là người cùng xã, chọn làm liên lạc và bảo vệ.  Nhờ đó Hà Đình Hưng sớm được tiếp cận với các cán bộ cách mạng trong đó có Nguyễn Đức Vũ, tức Bình Phương, được đồng chí Bình Phương giác ngộ và đặt bí danh: Thiết Hùng. Cuốn lịch sử Đảng bộ xã Thượng Bằng La, tập 1 (1945- 1999) do Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thượng Bằng La xuất bản năm 2000, ghi: “Tháng 5 năm 1945, Hà Thiết Hùng, cùng với một số đồng chí khác được giao nhiệm vụ bảo vệ một cuộc họp bí mật tại nhà ông Trần Đình Khánh ở Vần. Sau cuộc họp, Hà Thiết Hùng được giao nhiệm vụ chuyển thư mật từ chiến khu về cơ sở Thượng Bằng La. Đầu tháng 6 năm1945, Hà Thiết Hùng được cử chuyển thư mật từ cơ sở về Chiến Khu. Chuyến đi này, ông được đồng chí Bình Phương giao 3 nhiệm vụ… Từ đây, Hà Thiết Hùng trở về quê hương cùng với đồng chí đồng đội hoạt động tích cực trong phong trào vận động cách mạng ở địa phương” (Trang 24). Có thể nhờ những nỗ lực của các cán bộ Việt Minh xã trong đó có đồng chí Hà Thiết Hùng mà Thượng Bằng La là xã thứ hai của Văn Chấn, sau xã Đại Lịch, giành được chính quyền và tổ chức tuyên bố xóa bỏ chế độ cũ. Sau đó, nhập Đoàn Giải phóng quân tiến vào trấn áp lực lượng phản kháng và giành chính quyền, xoá bỏ bộ máy cai trị thuộc Pháp ở huyện Văn Chấn.

Ngày 02 tháng 10 năm 1947 thực dân Pháp từ Phù Yên bất ngờ đánh chiếm Yên Bái, du kích Thượng Bằng La tham gia chặn đánh địch ở Đèo Đao (Lũng Lô), nhưng thế giặc mạnh, chỉ mấy ngày sau, huyện lỵ Văn Chấn (thị xã Nghĩa Lộ ngày nay) rơi vào tay Pháp. Đang công tác ở huyện, ngày 17 tháng 10, Hà Thiết Hùng được đồng chí Nguyễn Bá Lạc (tức Trần Quốc Mạnh), thường trực Huyện ủy cử gấp rút ra tỉnh với tư cách phái viên Huyện ủy, xin chủ trương. Lĩnh hội nhiệm vụ từ đồng chí Phan Đạo Xích (Phạm Ngọc Khôi) Thường trực Tỉnh ủy kiêm Trưởng ty Liêm phóng (Ty Công an): “Chọn người tốt, trung thành với Cách mạng ra làm việc với địch để nắm tình hình. Chuẩn bị khu căn cứ để bám trụ tổ chức nhân dân đánh giặc ….” (Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Chấn, tập 1, năm 2010 trang 105). 

Đồng chí Hà Thiết Hùng trở về, bị quân Pháp ở đồn Ca Vịnh Hưng Khánh phát hiện, nghi ngờ đuổi bắt, Hà Thiết Hùng chạy lên rừng, vượt núi Đáy sang xã Đại Lịch, nghỉ ở nhà ông Hà Văn Đê thổ đạo đình Khe Liền. Tại đây Hà Thiết Hùng nhanh trí, linh hoạt khâu nối tình hình với các lãnh đạo xã: Đào Tiến Lộc, Tạ Quang Nghi, Phạm Quang Tích, Phạm Văn Thuận, và gợi ý có thể chọn Đại Lịch hoặc Thượng Bằng La làm cơ sở sơ tán bí mật của cơ quan huyện như chỉ đạo của Tỉnh ủy. Chỉ sau hơn một giờ đồng hồ bàn bạc, đồng chí Đào Tiến Lộc- Bí thư Chi bộ Đại Lịch đề xuất, nếu được tỉnh và huyện chọn Đại Lịch làm "cơ sở bí mật" của huyện, toàn dân Đại Lịch sẽ nhất tề làm theo lời kêu gọi kháng chiến của Hồ Chủ tịch (Lời kêu gọi 19 tháng 12 năm 1946). Sau khi nghe đồng chí Hà Thiết Hùng báo cáo tình hình, thay mặt Thường trực Huyện uỷ, đồng chí Nguyễn Bá Lạc kết luận, chọn xã Đại Lịch làm địa bàn hoạt động bí mật của cơ quan huyện. Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Chấn tập 1 (1930- 1945), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Văn Chấn xuất bản 2010, khẳng định: "Lựa chọn Đại Lịch làm nơi đứng chân lãnh đạo phong trào kháng chiến trên địa bàn huyện là một chủ trương sáng suốt và đầy bản lĩnh của Huyện uỷ Văn Chấn. Đại Lịch hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà, ta sẽ phát huy được sức mạnh là quần chúng nhân dân kiên trung… Việc xây dựng căn cứ Đại Lịch còn có ý nghĩa chắp nối lại các cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh" (Trang 106). Trung tuần tháng 10 năm 1947, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc- Bí thư Tỉnh uỷ (người kế nhiệm Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Chấn) đã vào Đại Lịch chủ trì Hội nghị tại Đình Khe Liền, và phát động phong trào chiến tranh du kích trong toàn tỉnh. Đại Lịch từ đây được gọi là "Cơ sở hậu địch" mang mật danh "Nguyễn Huệ". Trong thời gian "nằm vùng" ở Đại Lịch, Hà Thiết Hùng được các gia đình cưu mang, ông trở thành con nuôi ông bà Hà Thị Đức (cụ Đức có 5 người con "theo chân" Hà Thiết Hùng đi kháng chiến trong đó hai người là liệt sĩ Vệ quốc quân, cụ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng).

Trước tình hình Pháp ngày càng củng cố đồn bốt, gia tăng càn quét, triệt hạ cách mạng, đồng chí Hà Thiết Hùng đề nghị củng cố du kích tập trung trên cơ sở lựa chọn du kích xuất sắc từ các xã Đại Lịch, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Thượng Bằng La, Cát Thịnh làm nòng cốt. Được Tỉnh uỷ và Huyện uỷ chấp thuận, Trung đội 76 Du kích tập trung, tiền thân của Bộ đội địa phương Văn Chấn ra đời, do ông làm Trung đội trưởng, trực thuộc Huyện đội Văn Chấn do Lê Bá Tân làm Huyện đội trưởng, Bùi Lạc làm Huyện đội phó, Trần Quốc Mạnh làm Chính trị viên (Trước đó, Đội Du kích tập trung đã ra đời nhưng chỉ trên danh nghĩa, do Bùi Lạc phụ trách).

Giữa tháng 12 năm 1947, Pháp từ đồn Đồng Bồ mở trận càn lớn vào Đại Lịch bị một Tiểu đội của Đại đội Kim Tiến chặn chân ở bãi Chằm Lũng Bũm thuộc làng Bằng Là. Trung đội trưởng Hà Thiết Hùng đang đóng ở Ngòi Thé cách 3km, liền cho bộ đội tiếp sức rất kịp thời, cùng du kích Đại Lịch đánh gập lại. Trận Lũng Bũm ta thắng (Nơi đây, nay có bia "Di tích chiến thắng Lũng Bũm" do xã Đại Lịch xây dựng. Bia ghi tên "Đại đội Kim Tiến" và Trung đội trưởng Hà Thiết Hùng. Ngày khánh thành 16/12/2014, ông Hà Thiết Hùng và một số cựu du kích về dự).

Ngày 31 tháng 12 năm 1947, được mật báo một Trung đội Pháp và bảo an từ Ca Vịnh (Hưng Khánh) vào tăng cường cho đồn Mỵ, chuẩn bị cho trận càn theo hướng Đông Nam vào khu Nguyễn Huệ- Căn cứ kháng chiến của huyện và tỉnh. Trung đội trưởng Hà Thiết Hùng chủ động thống nhất với du kích Chấn Thịnh và chỉ huy Đại đội Kim Tiến, (Đại đội trưởng Nguyễn Tiến Vinh) phục đánh địch ngay từ khi chúng chưa đến đồn Mỵ. Trận làng Mỵ "Ta đã tiêu diệt 15 tên trong đó có 2 tên Pháp, bắt sống 20 tên, thu 21 súng trường và hai khẩu Brennô. Đây là chiến thắng lớn nhất của quân và dân Văn Chấn trong năm đầu kháng chiến" (Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Chấn- Sách đã dẫn, trang 116).

Nhận thấy các trận đánh hiệp đồng thắng lợi liên tiếp cần có lực lượng mạnh để phối hợp với bộ đội chủ lực cả về binh pháp và khí giới, Huyện uỷ đề nghị với Tỉnh cho thành lập Đại đội Bộ đội địa phương. Tháng 9 năm 1947, Đại đội 86 Văn Chấn được thành lập, biên chế thành 3 trung đội: 76, 77, 78 trải rộng toàn huyện. Đồng chí Hà Thiết Hùng được chỉ định làm Đại đội trưởng, đồng chí Đào Tiến Lộc Trưởng ban dân vận làm chính trị viên. Lễ ra mắt được tổ chức dưới chân núi Tè, xã Thượng Bằng La. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Hà Thiết Hùng. Đại đội Bộ đội địa phương Văn Chấn nhanh chóng gắn kết với Huyện đội và Bộ đội chủ lực (Đại đội Kim Tiến, Đại đội Kim Sơn…) trên địa bàn huyện, từng bước và khẩn trương kiện toàn mạng lưới du kích các xã nhất là hậu địch, đủ sức chiến đấu tại chỗ. Nhờ đó, chỉ trong mấy tháng, hình thái "Chiến tranh du kích" được xoay chuyển rõ rệt theo hướng vừa xây dựng, phát triển, vừa chủ động phối hợp, cùng lúc có thể tiến công địch trên nhiều phương diện, nhiều địa bàn. Những trận ghi dấu ấn chỉ huy của đồng chí Hà Thiết Hùng như trận tiến công đồn Bữu (Thượng Bằng La), trận Đá Xô (Cát Thịnh), trận Kế Khấu Ly (Trạm Tấu) diệt bang tá Cầm Ngọc Ninh, trận phối hợp du kích Khau Phạ và Đại đội Kim Sơn tập kích bức nút đồn Tú Lệ…

Tháng 4 năm 1951, Tỉnh uỷ triệu tập Đại hội lần thứ 2 diễn ra tại xã Nam Cường (nay thuộc phường Minh Tân, thành phố Yên Bái). Bên cạnh số đại biểu cử, đồng chí Hà Thiết Hùng còn là đại biểu chỉ định, được mời đọc tham luận với tư cách chỉ huy đơn vị lực lượng vũ trang địa phương có nhiều thành tích. Từ năm 1952 ngay sau ngày giải phóng Nghĩa Lộ (18/10), đồng chí Hà Thiết Hùng được điều động tăng cường cho bộ đội chủ lực, chỉ huy một đơn vị tiễu phỉ ở Mù Cang Chải, Văn Bàn Than Uyên, Lai Châu và Sơn La. Từ năm 1962, ông chuyển sang hoạt động lĩnh vực An ninh ngành công an.

Có thể nói, Cách mạng tháng Tám chẳng những đem lại tự do, độc lập cho toàn dân tộc, mà còn định rõ hướng đi cho mỗi người dân miền núi. Từ cậu thiếu niên Hà Đình Hưng, đến Đại đội trưởng bộ đội địa phương, rồi Trưởng Ty Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và sau là Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Hà Thiết Hùng luôn thể hiện rõ bản lĩnh của lớp cán bộ kháng chiến người dân tộc thiểu số. Thuỷ chung với cách mạng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoà mình giữa quần chúng nhân dân. Luôn cùng đồng chí đồng đội, đồng hành làm nên chiến công và thành tựu. Huy hiệu 75 năm tuổi đảng, cán bộ tiền khởi nghĩa. Tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều Huân huy chương khác mà Đảng, Nhà nước, và nhân dân trao tặng ông như một sự ghi nhận, là hoàn toàn xứng đáng. Và ông- đồng chí Hà Thiết Hùng- đã trở thành nhân vật sinh động trong nhiều tác phẩm báo chí và văn học trong đó có tiểu thuyết Cánh cung đỏ của nhà văn Hà Lâm Kỳ, tiểu thuyết Đất Mường thời giông lũ của tác giả Trần Cao Đàm.

 

                                                        Yên Bái, tháng 5 năm 2023

                                                                          H.L.K

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter