• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Hai hoạt động văn học nghệ thuật đầu năm nhiều ý nghĩa
Ngày xuất bản: 18/03/2021 3:29:51 SA

Ghi chép của Hiền Lương

Ngày 25/2/2021, tức 14 tháng Giêng năm Tân Sửu, được sự cho phép của lãnh đạo tỉnh, Hội Liên hiệp VHNT đã tổ chức ra mắt tập sách ảnh "Yên Bái- Đất và Người" và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVIII, Nguyên tiêu Tân Sửu- 2021. Đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Minh Tuấn- Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Vũ Thị Hiền Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan báo chí trong tỉnh, đại diện của Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Nhiếp ảnh thành phố Hải Phòng và đông đảo các tác giả ảnh, tác giả thơ Yên Bái và một số tỉnh bạn tham dự. Chấp hành nghiêm việc phòng chống Covid 19, các hoạt động có sự thu hẹp quy mô và nội dung nhưng vẫn diễn ra hết sức tốt đẹp.

"Yên Bái- Đất và Người", ấn phẩm ảnh do UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo xuất bản, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái biên soạn, NXB Thông tấn cấp giấy phép xuất bản, in và hoàn thành trong tháng 10 năm 2020. Ấn phẩm gồm gần 200 tác phẩm ảnh, chủ yếu là ảnh nghệ thuật, của nhiều tác giả Yên Bái, được sáng tác trong khoảng vài năm gần đây. Trước hết, tập sách đúng với tên gọi "Yên Bái- Đất và Người". Các tác phẩm trong tập đã phản ánh khá đầy đủ từ thiên nhiên, làng bản, phố phường tới con người Yên Bái, làm sống dậy một Yên Bái với thiên nhiên kỳ vỹ qua các tác phẩm ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đỉnh Tà Chì Nhù- Trạm Tấu, đèo Khau Phạ, thung lũng Mường Lò, bình nguyên Khai Trung, hồ Thác Bà, hồ Vân Hội, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, thác Háng Tề Chơ, rừng trúc Háng Sung, bản Lìm, bản Cu Vai... cùng những sản vật và tài nguyên thiên nhiên nổi tiếng, qua các tác phẩm về chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, Sùng Đô Văn Chấn, sơn tra Mù Cang Chải, quế Văn Yên, đá quý Lục Yên, Yên Bình. Bên cạnh thiên nhiên kỳ vỹ là Yên Bái với các cơ sở hạ tầng hiện đại qua các tác phẩm ảnh nhà máy Thủy điện Thác Bà, nút giao IC 12 nối thành phố với đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai, cầu Bách Lẫm, Trung tâm Thương mại Vincom Plaza, khu Resort nghĩ dưỡng Tú Lệ, khu nghỉ dưỡng Ecolodge Nậm Khắt, khu suối khoáng nóng Trạm Tấu... và các ảnh chụp toàn cảnh trung tâm thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, thị trấn huyện lỵ Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Đó còn là một Yên Bái đa dân tộc, nhiều sắc màu văn hóa. Các tác phẩm ảnh về quá trình canh tác lúa trên ruộng bậc thang, vừa là hình ảnh cảnh vật, con người, vừa phản ánh sự lao động bền bỉ, thông minh, sáng tạo, nền văn minh lúa nước độc đáo của người Mông. Các ảnh làm cốm của người Thái, làm bánh giầy của người Mông, làm bánh chim gâu của người Cao Lan... phản ánh nét văn hóa ẩm thực có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc. Các ảnh lễ hội cầu mùa của người Khơ Mú, lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ cúng cây chè tổ của người Mông... vừa gắn với nền sản xuất nông nghiệp, vừa phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các ảnh đền và lễ hội đền Đông Cuông, lễ rước Mẫu Thượng ngàn, giá hầu Cô bé Đông Cuông, lễ thả hoa đăng Chùa Ngọc Am, múa hầu Thánh Mẫu của người Tày Khao... phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của người Yên Bái. Các ảnh lễ cấp sắc, lễ đón dâu của người Dao, tắm suối của người Thái... phản ánh phong tục tập quán văn hóa độc đáo. Các ảnh múa xòe, nhảy sạp, hát giao duyên trên sàn Hạn Khuống của người Thái, thổi khèn của người Mông, thổi Kèn của người Dao, người Xá Phó, múa Cá lượn của người Khơ Mú, vẽ tranh thờ của người Dao, vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông, người Thái, truyền dạy chữ cổ của người Thái; chơi ném còn, tó mắc lẹ, đi cà kheo, leo cột, đẩy gậy, chọi dê, đua thuyền... thể hiện kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú và việc giữ gìn bản sắc văn hóa của các đồng bào các dân tộc Yên Bái, toát lên hình ảnh con người Yên Bái giàu bản sắc văn hóa, văn minh, thân thiện, đoàn kết, sáng tạo và hội nhập.

Đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao tặng sách ảnh "Yên Bái- Đất và người" cho các đại biểu khách mời

 

Các ảnh nuôi cá lồng hồ Thác Bà, làm tranh đá quý Lục Yên, chế biến chè Shan tuyết Suối Giàng, đan rọ tôm, thêu, dệt tổ cẩm, làm giấy dó, sản xuất sứ cách điện, bao bì, sản xuất đá Cẩm thạch của doanh nghiệp Ấn Độ, nhà máy may Hàn Quốc tại Cụm công nghiệp Âu Lâu, học sinh Yên Bái đoạt Huy chương Bạc Olympic quốc tế, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ lên thăm và làm việc với Yên Bái, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Yên Bái, lễ ký kết hợp tác hữu nghị giữa Yên Bái với tỉnh Valde Marne... đã toát lên một Yên Bái với những tiềm năng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc đang được thức dậy. Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong chuyến lên thăm và làm việc với tỉnh Yên Bái vào dịp Xuân Kỷ Hợi- 2019: "Yên Bái chưa bao giờ có được cơ đồ tốt đẹp như hôm nay". Mở đầu tập sách là hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với đồng bào Yên Bái tại sân Căng, nay là sân vận động thành phố, sáng ngày 25/9/1958, Bác đã căn dặn: "Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi". Kết thúc là hình ảnh Lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh cùng hình ảnh tuổi trẻ Yên Bái rực rỡ trong màu cờ Tổ quốc Quảng trường 19 tháng 8 như 2 điểm nhấn ấn tượng, hàm nghĩa cho toàn bộ tập sách.

Nhìn từ bình diện xã hội, tập sách đã phản ánh khá đầy đủ hiện thực tự nhiên- xã hội Yên Bái. Nhìn từ bình diện nghệ thuật, mỗi loại hình nghệ thuật đều có những đặc thù, điểm mạnh riêng. Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật không gian, ở đó, các hình ảnh hiện thực dù nhỏ hay lớn cũng chỉ hiện ra trong một khoảnh khắc của thời gian và được cảm nhận bằng thị giác. Song hình ảnh khách quan, là thiên nhiên, sự vật, hay con người, dù có đẹp đến mấy thì bản thân nó cũng chỉ là đối tượng phản ánh chưa thể trở thành tác phẩm nghệ thuật. Bản chất của nghệ thuật không phải là sao chép hiện thực mà là phản ánh hiện thực theo quan điểm của nghệ sĩ. Những hình ảnh khách quan, qua lao động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ nhiếp ảnh, không phải chỉ là hình ảnh mà còn có chứa đựng thái độ, cảm xúc, tài năng của người nghệ sĩ mới trở thành tác phẩm. Khi đó, hình ảnh đã trở thành hình tượng, toát lên không chỉ là ý nghĩa sự vật mà còn mang cả ý nghĩa nhân văn, cảm hứng thẩm mỹ; không chỉ tác động vào thị giác mà còn tác động tới con tim, khối óc, truyền cảm hứng tới người xem. Vì vậy, các tác phẩm ảnh trong tập sách vừa khơi dậy niềm tự hào, tình yêu của người Yên Bái với vùng đất của mình, vừa là thông điệp, lời mời gọi của Yên Bái với bạn bè trong và ngoài nước hãy đến với Yên Bái.

Phát biểu trong lễ ra mắt tập sách, NSNA Vũ Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam nhận xét: Các tác phẩm trong tập hầu hết đã đoạt giải thưởng trong các cuộc liên hoan, triển lãm ảnh khu vực, quốc gia và quốc tế, kết cấu tập sách đã có sự hài hòa giữa giữa tính định hướng chính trị và tính nghệ thuật, vì vậy nó vừa đạt chất lượng nghệ thuật, đồng thời tạo hiệu quả tuyên truyền cao. Đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Trưởng Ban Chỉ đạo cuốn sách ảnh thì cho rằng, tập sách đã phản ánh sâu sắc tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người của Yên Bái. Mỗi tác phẩm trong tập là một câu chuyện về đất và người Yên Bái, hấp dẫn, sinh động, độc đáo, nhiều điều để nói, để khám phá về Yên Bái. Lần đầu tiên Yên Bái có được một công trình nghệ thuật ảnh xuất sắc, nhờ đó mà bạn bè trong nước và quốc tế biết, tìm đến với Yên Bái nhiều hơn.

Có thể khẳng định có được tập sách ảnh được đánh giá cao, bởi đã hội tụ được nhiều yếu tố. Thứ nhất, đối tượng phản ánh "đất" và "người"  Yên Bái đã tiềm ẩn những phẩm chất của cái đẹp, nguồn đề tài phong phú cho các nghệ sĩ sáng tác. Thứ hai, tâm huyết, tài năng của các tác giả ảnh Yên Bái đã làm cho cái đẹp trong tự nhiên, xã hội trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn qua các tác phẩm. Thứ ba, lãnh đạo tỉnh đã thấy được hiệu quả nghệ thuật, xã hội của các tác phẩm ảnh và quyết định cho xuất bản tập sách. Thứ tư, ban biên soạn tập sách đã có sự lựa chọn tác phẩm xác đáng, kết cấu theo chủ đề, tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật gắn kết, trình bày hợp lý, lời bình xúc tích, giàu chất văn bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Điều thứ năm là sự góp ý, trao đổi đầy trách nhiệm của Ban chỉ đạo với Ban biên soạn trong quá trình thực hiện tập sách.

Ấn phẩm ảnh "Yên Bái- Đất và Người" đã được hình thành trong điều kiện Thiên thời- Địa lợi- Nhân hòa và đã được ra mắt trang trọng. Dẫu chưa thể nói, tập sách đã phản ảnh hết mọi khía cạnh của đất và người Yên Bái, song với những gì đã có, nó vẫn xứng đáng là một tập sách quý, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, khám phá và thưởng thức cái đẹp của đất và người Yên Bái qua nghệ thuật nhiếp ảnh.

Ngay sau Lễ ra mắt tập sách ảnh là Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVIII, Nguyên tiêu Tân Sửu- 2021 tại Yên Bái, được tổ chức. Chủ đề Ngày thơ Việt Nam năm nay là “Tổ quốc và Mẹ”. Qua các tác phẩm nhằm ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, ca ngợi những thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôn vinh người Mẹ Việt Nam tần tảo, đảm danh, anh dũng, kiên cường.

Các đại biểu thả thơ chúc mừng thành công buổi lễ

 

Mở đầu là 2 bài thơ truyền thống, "Nam quốc sơn hà" của Tướng quân Lý Thường Kiệt và "Nguyên tiêu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, niềm tự hào của thơ Việt và gắn với chủ đề Tổ quốc, do nghệ sĩ Văn Quân, Trung tâm Văn hóa- Nghệ thuật tỉnh thể hiện. Tiếp theo là phần hội thơ gồm các tác phẩm thơ, nhạc, ca ngợi mùa xuân, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, ca ngợi Mẹ Việt Nam do các nghệ sĩ của Trung tâm Văn hóa- Nghệ thuật cùng các tác giả thơ của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh thể hiện.

Chùm thơ về Tổ quốc của các tác giả Yên Bái khá phong phú, khai thác nhiều bình diện của Tổ quốc. Tác giả Ngọc Loan cảm nhận Tổ quốc từ lịch sử dựng nước và giữ nước: Có nơi nào như đất nước tôi.../ Mới buổi đầu dựng nước/ Em bé lên ba nhổ tre đánh giặc.../ Tên nước bao lần thay đổi/ Nhưng điều này không đổi/ Tự ngàn xưa: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Không có gì quý hơn độc lập tự do.../ Người Việt Nam dù ở đâu cũng hướng về Tổ quốc/ Tự hào là con Rồng, cháu Lạc...". (Đất nước tôi- Ngọc Loan). Tác giả Hoàng Mai Thanh, khai thác hình ảnh lá cờ 54m2 trên cột cờ Lũng Cú tượng trưng cho 54 dân tộc cùng Tổ quốc: "Hiên ngang Lũng Cú trời mây/ Năm tư dân tộc tung bay ngọn cờ" (Dáng đứng tự hào- Hoàng Mai Thanh). Tác giả Vũ Chấn Nam cảm hứng về một Tổ quốc thống nhất: "Tổ quốc trong mùa Xuân thống nhất/ Hết nỗi mơ mòng ngày Bắc đêm Nam/... Cả dân tộc vang bài ca thống nhất.../ Đất nước đi vào mùa xuân vĩnh viễn" (Tổ quốc trong mùa xuân thống nhất- Vũ Chấn Nam). Tác giả Trịnh Thoại lại nhìn đất nước từ bình diện đất nước có Đảng lãnh đạo: “Mừng Đại hội Đảng, rộn ràng xuân/ Đất nước sang trang khắp xa gần" (Bông hoa mừng xuân- Trịnh Thoại). Cũng là cảm hứng Tổ quốc, Thế Quynh lại đi vào bình diện lịch sử- văn hóa: "Đất này là đất ông cha/ Máu xương đổ xuống cho ta đất này/ Ngàn năm dân tộc cấy cày/ Thảo thơm sự tích bánh giày bánh chưng" (Đất này- Thế Quynh). Với Ngọc Chấn, Tổ quốc không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là những gì gần gũi, thân thương. Tổ quốc là: "Hàng tre gầy thả tóc dưới chân đê", là "Hoa mua tím nhớ ngày ra trận", "Dòng sông Chảy có điều gì vương vấn". (Đất xưa- Ngọc Chấn). Tác giả Lê Ngân bằng cảm xúc của người lính vừa trải qua cuộc chiến với quân thù, thể hiện hình ảnh đất nước hòa bình: "Ta ung dung ngồi trên nóc thuyền thoi/ Đúng bốn ngày sau Điện Biên giải phóng.../ Ơi Hồng Hà sông đỏ thế sông ơi/ Qua cửa ngòi Thia lại dòng trong xanh quá/ Sông lộng gió thơm nồng mùi rơm rạ/ Ngô lau vẫy cờ/ Sắn khoai xòe lá/ Tiếng gà trưa ru mượt cả ven sông" (Xuôi sông Hồng- Lê Ngân). Nói về Tổ quốc không thể nào không nói tới Hoàng Sa, Trường Sa, phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Tác giả Nguyễn Thế Chửng có những câu thơ thật hào sảng: "Con nối cha/ Bao đời cưỡi sóng Trường Sa.../ Cờ Tổ quốc nơi tiền tiêu Tổ quốc/ Thấm máu cha ông rạng rỡ non sông" (Sớm xuân Trường Sa- Nguyễn Thế Chửng).

Chùm thơ viết về Mẹ được các tác giả thơ Yên Bái tập trung khai thác hình ảnh Mẹ Việt Nam tần tảo, trọn đời hy sinh nuôi dạy các con cùng sự biết ơn, nỗi nhớ thương mẹ da diết của những người con: "Trời cho hương sắc mùa xuân/ Mẹ lo khuya sớm tảo tần vì con/ Xuân mang hoa trái tươi non/ Mẹ mang tấm áo nâu sờn tháng năm" (Mùa xuân tình mẹ- Đoàn Đức Bình); "Tám mươi tuổi mẹ ngồi vá áo/ Tay run run nâng tấm áo quê mùa/ Bùn đất, mồ hôi nồng từng sợi vải/ Mẹ để trên đường kim một thời con gái/ Khéo miếng vá vai/ Mẹ để trên đường kim tháng năm tần tảo/ Những miếng vá kề nhau thơm thảo một đời…/ Con xin đội ơn cuộc đời của mẹ/ Đội ơn đường kim tay mẹ vá khâu/ Trái tim con có phần tha thiết/ Cũng bởi con đã mặc áo quê mùa." (Mẹ- Hiền Lương); "Mẹ nuôi con trên mảnh đất cằn/ Con cao lên, mẹ còng thấp xuống.../ Con từng ước thời gian trôi mau/ Nhưng giờ con ước thời gian dừng lại/ Để mẹ còn mãi mãi bên con" (Mẹ- Vũ Thu Hương); "Mẹ dạy làm thân con gái nhớ chưa/ Đi sớm về khuya phải thưa phải hỏi/ Cố mà đắn đo để bớt phần nhẹ dạ/ Chữ trung trinh phải thật vẹn toàn/ Mẹ cầm tay bảo thế này là thêu/ Quay xa đều tay sợi tơ tằm sẽ mịn/ Người một nhà phải cùng xây tổ ấm/ Giữ an hòa nếp nhà vạn sự vinh/ Riêng chặt củi xếp gốc vào một phía/ Đừng bao giờ lộn gốc ngọn vào nhau/ Thứ tự trước sau nhịn nhường trên dưới/ Bài học làm người mẹ dạy mãi còn đây" (Nhớ mẹ- Hoàng Thị Hạnh); Ngôi nhà nhỏ hai gian hai chái/ Đứng chông chênh thoai thoải sườn đồi/ Mỗi tối về tôi lặng ngắm sao rơi.../Chúng con lớn lên từ đó/ Nuôi ước mơ xanh suốt dọc cuộc đời"... (Ngôi nhà của mẹ- Bùi Thị Kim Cúc). "Mẹ ơi/ Chiều này/ Nắng nhạt/ Ta luy quê mình hoa chít đua nhau/ Con biết/ Lưỡi lá cứa vào tay mẹ thót đau/ Đứng trong chênh vênh/ Mẹ giấu con/ Quyệt máu đào rịn ra từ nứt nẻ.../ Tháng Chạp chạy đua cùng bông chít trổ đòng/ Mẹ đua với thời gian cùng tấm lưng còng" (Mẹ ơi chiều này- Hà Ngọc); "Mẹ thắp hương khi tôi ở chiến trường.../ Mẹ bảo đấy là bởi bao ngày mong mỏi/ Mẹ thắp hương thờ con sống đấy con ơi/ Hòa bình mẹ lại đến nghĩa trang/ Thắp hương cho bao người lâm trận/ Mẹ nói đấy là đồng đội của con/ Họ vẫn sống cùng con ngay sau khi họ mất (Mẹ vẫn thắp hương- Hoàng Việt Quân): "Âm thầm rau cháo lớn khôn/ Vét tàn sức mẹ mỏi mòn lời ru.../ Dâng bông hồng trắng như sao/ Vu lan báo hiếu lệ tràn Mẹ ơi!" (Vu lan- Tường Vy).

Bên cạnh các bài thơ được ngâm, đọc, trình bày tranh thơ, các ca khúc "Đảng đã cho ta mùa xuân" sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên, "Khúc du ca Tây Bắc" sáng tác nhạc sỹ Bảo Trần,"Xuân về trên rừng núi" sáng tác nhạc sĩ DC Tâm, "Đón Xuân", sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương do các diễn viên của Trung tâm Văn hóa- Nghệ thuật tỉnh thể hiện đã tạo thêm hương sắc mùa xuân cho ngày thơ. Trong ngày thơ Hội Liên hiệp VHNT còn tổ chức trao giải Cuộc thi Thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái lần thứ IV- 2020, cho 02 tác giả đoạt giải Nhì, 03 tác giả đoạt giải Ba, 06 tác giả đoạt giải Khuyến khích.

Kết thúc ngày thơ là hoạt động thả thơ, một nét văn hóa, thú chơi tao nhã có từ lâu đời của người Việt. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, khách mời Trung ương, tỉnh bạn, lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội và các tác giả thơ, công chúng yêu thơ cùng thả lên trời xuân cao xanh những bài thơ hay nhất của thơ ca Yên Bái với bao khát vọng về một nền thơ Yên Bái ngày càng phát triển, về một Yên Bái đang vươn lên thành một miền quê xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

Hai hoạt động của Hội trong ngày đầu năm thành công tốt đẹp, hứa hẹn sẽ đem đến một năm nhiều thắng lợi của văn học nghệ thuật tỉnh nhà.  

 

 H.L

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter