• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Mường Lò, đất lúa mãi sinh sôi
Ngày xuất bản: 24/03/2025 9:02:36 SA

Ký của NGUYỄN THỊ THANH

            Mỗi lần trở lại Mường Lò lòng tôi lại bâng khuâng say trong từng câu hát "Mường Lò ơi… ta yêu tên đất, tên người…". Đất Mường Lò phì nhiêu, màu mỡ, người Mường Lò chịu khó, chịu thương. Đất và người nơi đây từ bao đời đã tạo nên một miền quê trù phú, dẫu lịch sử có lúc thăng, lúc trầm nhưng sức vươn Mường Lò dường như chưa bao giờ ngưng nghỉ!

Đi giữa cánh đồng trải dài bát ngát, tôi dang tay hít hà hương lúa và hình dung về quá trình hình thành của vùng đất được bao trọn bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Cũng chính vì vậy mà lòng chảo Mường Lò được bồi đắp một tầng dày phong hóa đất mùn, cùng với thế "Tam sơn, Nhị thủy" đất luôn được tưới mát từ nguồn nước của dòng suối Thia, suối Nung; đặc biệt là nhờ kinh nghiệm canh tác ngàn đời của đồng bào dân tộc Thái, trong đó kinh nghiệm xây dựng hệ thống thủy lợi "Mương, phai, lái, lin" được đánh giá đã đạt tới trình độ cao nhất và sớm nhất trong canh tác lúa nước ở vùng cao, tất cả đã làm nên xứ sở của một vựa lúa lớn thứ hai giữa vùng núi Tây Bắc nên thơ "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc" với gần 5.000 ha ruộng nước và nhiều loại gạo ngon nức tiếng. Tôi hỏi nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Văn ở phường Tân An về kỹ thuật thủy lợi "Mương, phai, lái, lin" vì thoạt nghe như một loại hình văn hóa của đồng bào Thái. Chị cười, nét cười trong như nước suối. Chị đưa tôi về với hình ảnh những người nông dân áo chàm ngày đêm đào mương dẫn nước, dòng mương nhỏ uốn lượn theo sườn đồi như hàng trăm, hàng ngàn mét vải thổ cẩm nhuộm nắng vàng nâng niu từng giọt nước trời. Do địa hình không bằng phẳng, khi gặp phải gò đất cao thì bà con lại phải đắp phai để tích nước và tiếp tục dùng ống bương, ống tre chia nguồn nước cho từng thế ruộng, hoặc làm "cọn" đưa nước từ thấp lên ruộng cao. Trong nghề nông nói chung luôn coi trọng "nhất nước, nhì phân" thì ở Mường Lò đất màu mỡ không chỉ đủ nước mà mỗi vụ người dân còn đốt gốc rạ để có thêm lượng tro tăng độ mùn cho đất. Ôi… Đó chẳng phải là một vẻ đẹp, là nghệ thuật, là nét văn hóa trong lao động sao? Nghệ thuật sáng tạo ấy đã để lại một di sản thực thụ cho đến nay vẫn không gì thay thế, có chăng là mương máng được bê tông hóa để chống sạt lở mà thôi! Có lẽ, những dòng nước ngọt ngào, tinh khiết đã bắt hồn vào hạt gạo, cho nên nói đến Mường Lò là nói đến nơi "gạo trắng, nước trong" mà giờ đây còn được mệnh danh là "Miền di sản"! Tất cả đều được tạo nên từ nền văn minh lúa nước. Bởi thế, trải qua năm tháng, mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn là một trong những mũi nhọn nhằm không ngừng nâng cao giá trị cuộc sống của người dân, kể cả các đề án phát triển du lịch- thương mại và dịch vụ nơi thị xã miền Tây cũng đều lấy nông nghiệp làm nền tảng. Dựa trên thế mạnh về nông nghiệp, những năm gần đây Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ- Mường Lò đã và đang phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và từng bước nâng lên giá trị hàng hóa cao. Chủ trương đó không còn là khẩu hiệu chung chung mà đã thực sự đi vào cuộc sống, thấm vào tư duy và nhận thức của người dân. Trước hết là phát huy thế mạnh của cây lúa nước trên toàn bộ diện tích canh tác với phương châm đẩy mạnh liên kết "4 nhà" về giống, khoa học - công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và coi trọng đầu ra sản phẩm qua ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm lúa đặc sản gắn với thị trường cao cấp, chế biến sâu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ phát triển nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ tự hào nói về những thành tựu đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa năm 2024 và vụ đông xuân 2024- 2025 góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trong đó, về cây lúa đã đạt tổng diện tích gieo cấy cả năm 4.045,15 ha; năng suất bình quân cả năm đạt 55,96 tạ/ha; sản lượng đạt 22.636,49 tấn. Để đạt được kết quả trên, địa phương đã chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp như mô hình trình diễn giống lúa Thụy Hương 308; giống Phúc Ưu 868 của Công ty giống Vinaseed, bước đầu thử nghiệm tại thôn Bản Lào xã Thanh Lương. Kết quả cho thấy giống có thời gian sinh trưởng ngắn đến trung bình. Lúa sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu được với các loại sâu bệnh; năng suất thu hoạch cao hơn hẳn các giống lúa khác, đạt 86- 90 tạ/ha, chất lượng gạo cũng đạt khá. Đặc biệt, nhiều năm nay trên cánh đồng Mường Lò đã tích cực sản xuất lúa đặc sản, xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gồm giống lúa Séng cù, Chiêm hương với quy mô hơn 45,69 ha tại các xã Phù Nham, Phúc Sơn, Thanh Lương, Sơn A, Tân An… Kết quả thật khả quan khi sản phẩm lúa gạo ở xã Phù Nham đã được chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2021 và gạo Séng cù ở xã Phúc Sơn đạt sản phẩm OCOP 3 sao, đồng thời chỉ đạo sử dụng phân bón hữu cơ Avi gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Thanh Lương và một số vùng lân cận. Bà con nông dân ở Thanh Lương rất phấn khởi trước thành quả thu nhập sản phẩm cao hơn trước và giá trị kinh tế cũng tăng lên rất nhiều nhờ tiết kiệm được chi phí vật tư, phân bón, giá thành sản phẩm lại cao. 

Mùa thu hoạch, nhìn những chiếc xe trĩu nặng chở lúa, chở dưa, chở rau màu về sân nhà trong tiếng cười rạng rỡ mà thấy hân hoan niềm vui sướng, thấy cuộc sống hạnh phúc đang tràn trề trên mỗi bản làng, mỗi căn nhà của miền quê núi thân thương. Nâng niu từng bông lúa trĩu nặng lòng tay, lúa Séng cù đã trở thành thương hiệu của Mường Lò và cũng trở thành hàng hóa được cung cấp trên thị trường rộng lớn, lòng tôi trào dâng một cảm xúc thật khó tả. Tôi nhớ về những năm tháng chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, hạt gạo Mường Lò cùng lên đường ra tiền tuyến, người ở lại chắt chiu, dành dụm… Bọn trẻ chúng tôi đội nắng, đội mưa ra đồng mót lúa, nhặt từng bông rụng, gạn từng hạt rơi mà nghe trong đó thấm đẫm mồ hôi của mẹ của cha; nghe như trong đó có tiếng của bom rơi, đạn nổ và nghe được cả tiếng hò reo chiến thắng từ tiền phương vọng về. Còn hôm nay nhìn từng hạt lúa tròn căng, vàng óng, vỏ mỏng sẽ cho ra hạt gạo trắng ngà, trắng ngọc tôi đã thấy tỏa ngát hương thơm từ bát cơm nghi ngút đến ấm lòng, thấy cuộc sống đang sinh sôi từng phút, từng giờ… Giống lúa Séng cù được gieo trồng hai vụ, nhưng chủ yếu vào vụ chiêm xuân. Đây là giống lúa chủ lực của vùng Mường Lò cho năng suất và sản lương cao, hạt gạo chắc đều, ít bị gãy vỡ, khi cơm chín lại có mùi thơm đậm đà, ăn bùi, dẻo và được đánh giá là có hàm lượng vitamin cũng như giá trị dinh dưỡng cao. Chẳng thế mà rất nhiều doanh nghiệp đã lên mạng quảng cáo, chào mời về gạo Séng cù Mường Lò. Giờ đây nhờ công nghệ chuyển đổi số, ta cứ gõ vào biểu tượng Google trên thiết bị điện tử sẽ dễ dàng bắt gặp những trang "Thực phẩm sạch Quốc Huy- luongthuc.org", trang "Truyền hình công thương", "Mai Linh Mart", "Gian hàng dinh dưỡng Quy Nguyên- https// quynguyen.com", rồi trang "Bưu điện Việt Nam", hay "Sàn thương mại điện tử Việt Nam"… Ở đó các doanh nghiệp đã quảng bá gạo Mường Lò và giới thiệu rất chi tiết về hàm lượng chất xơ, chất béo, protein, cacbonldrat, hàm lượng đường, can xi, chất sắt… thậm chí có doanh nghiệp còn quảng bá cả về công dụng hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, huyết áp, làm đẹp vóc dáng… Thế mới thấy sự có mặt của đặc sản gạo Séng cù Mường Lò trên thị trường và chỗ đứng của nó trong cuộc sống mới đáng nể đến nhường nào! Tôi trộm nghĩ, trong hàng ngũ những sản phẩm gạo Mường Lò thì Séng cù nổi trội kiêu sa như một Nàng Hậu mà ai cũng ngước nhìn, thán phục. Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, từ khi triển khai mô hình trồng giống ớt Jalapeno xuất khẩu, dưa bao tử, ngô ngọt, mướp đắng lấy hạt… bà con đã có doanh thu bình quân từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng/ha chưa trừ chi phí, nhưng do sử dụng phân hữu cơ nên chi phí vật tư giảm rất nhiều, vì vậy giá trị sản phẩm đã đạt gấp từ 4 đến 5 lần so với cấy lúa truyền thống. Với mô hình trồng dưa hấu, dưa lê tại các xã Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham, Sơn A cho tổng doanh thu bình quân từ 250 triệu đồng đến 350 triệu đồng/ha. Không dừng lại ở đó, gần đây thị xã đang thử nghiệm mô hình cấy giống lúa Thảo cẩm 9 sử dụng phân hữu cơ Avi trên diện tích 8 ha, thu hoạch cho năng suất trung bình 50 tạ/ha nhưng giá trị thu nhập đạt 65 triệu đồng/ha. Đây là giống lúa tẻ nhưng có màu cẩm tím dùng làm bột dinh dưỡng, trà dinh dưỡng đang được ưa chuộng trên thị trường và được doanh nghiệp tiêu thụ bao trọn hàng hóa. Không chỉ có lúa gạo, đến Mường Lò ta còn được đến với một vùng rau an toàn, chất lượng cao nhờ đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Du khách đến Mường Lò rất thích thú các món ẩm thực đặc trưng và không thể không mua những mớ rau tươi xanh, ăn có vị ngọt, mát khác hẳn rau vùng xuôi; những quả cà chua chắc nịch, nhiều bột cùng với ngô nếp, ngô tím đã được xe thương lái chở đi mọi nơi.   

 Để có tư liệu minh chứng cho kết quả chung của địa phương, tôi đã đến một số xã trong vùng lòng chảo Mường Lò. Những thửa ruộng ở Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương, Sơn A, Phúc Sơn, Hạnh Sơn đang dần thay áo mới, những tấm áo nhiều sắc màu rạng rỡ tôn lên vẻ đẹp của một vùng quê đang tràn đầy sức sống trong thời kỳ hội nhập. Đến thăm mô hình của gia đình bà Hà Thị Thao ở Bản Bát, xã Thanh Lương, bà vui mừng và xúc động nói "Nhờ có sự chỉ dẫn của cán bộ nông nghiệp mà nhà tôi nay đã khá hơn nhiều. Trước đây ruộng khó lấy nước, cấy lúa không ăn thua, từ khi chuyển đổi sang trồng dưa hấu và rau màu trái vụ đã cho thu nhập gấp 3 đến 5 lần". Gia đình ông Hoàng Xuân Đương ở Bản Khinh, xã Thanh Lương nhờ tiếp thu khoa học kỹ thuật trồng ớt xanh xuất khẩu, với diện tích 1.700 m2 đã cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Chị Lường Thị Thiết ở xã Phúc Sơn, người đứng ra vận động các đoàn thể của xã tiên phong cấy giống lúa Séng cù trên diện tích gần 1.000 mét vuông ruộng 5%, thấy đạt năng suất, sản lượng cao và bán chạy trên thị trường, từ đó Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã đã triển khai mô hình trên 2 ha tại thôn Lụ 1. Đến nay diện tích cấy lúa Séng cù đã được nhân rộng tại nhiều thôn bản và nhiều xã của địa phương. Ông Hà Văn Kiến ở thôn Lụ 1 mạnh dạn cấy 2.000 m2 lúa Séng cù, ông cho biết năm nào cũng vậy, lúa chưa chín đã có người đặt mua hết vì vậy kinh tế gia đình khấm khá hẳn lên. Đến xã Sơn A, đi trên cánh đồng thơm hương lúa mới và những thửa ruộng cạn trồng đỗ cô ve, dưa leo, mướp đắng bằng phương pháp dùng phân hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP ở Bản Vãn, Gốc Bục, Ao Luông…; ngắm những giàn cây thẳng hàng đang hứa hẹn mùa bội thu vui cười trong gió, lòng người dân cũng như đang bừng lên niềm tin về chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm không ngừng nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân trong từng lĩnh vực của cuộc sống. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn A dẫn tôi đến thăm mô hình chăn nuôi tại bản Đoàn Kết, một bản nằm bên kia suối Thia. Qua cây cầu treo vững chãi chúng tôi đến nhà ông Phùng Văn Thanh, một điển hình về phát triển chăn nuôi, mỗi lứa lợn có hơn 100 con đồng thời nuôi gà thả đồi gần 1.000 con gối lứa. Trong bản còn có các gia đình như bà Phùng Thị Phiêng, ông Đỗ Văn Dũng, ông Nguyễn Văn Hòa cũng là những điển hình về phát triển chăn nuôi. Các gia đình ở đây đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, kinh nghiệm tái đàn và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đúng như cái tên đã chọn, bản Đoàn Kết đã đoàn kết đi lên, hầu hết các gia đình đều hăng say thi đua lao động sản xuất, bản làng sạch sẽ, phong quang, đường làng được bê tông hóa 100%, nhà cửa to đẹp, nhiều hộ khá, hộ giàu nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đến với thôn An Sơn của xã Hạnh Sơn tôi càng lạc quan hơn vì đây là thôn đầu tiên của xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ruộng đồng tốt tươi, đường làng ngõ xóm rất sạch sẽ, những người nông dân ở đây hầu hết đã nói không với việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu độc hại, hạn chế phân bón vô cơ mà tăng cường lượng phân hữu cơ để đảm bảo chất lượng nông sản trước yêu cầu của thị trường hiện nay. Đồng chí trưởng thôn nói "Việc tuyên truyền vận động bà con nông dân sử dụng phân hữu cơ, không mua các loại thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc trước hết là bảo vệ chính bản thân, gia đình mình rồi mới đến bảo vệ cuộc sống xã hội. Ở đây tuyệt nhiên không có chuyện "rau hai luống" như đâu đó đã làm…". Còn xã Phù Nham, một trong những đơn vị dẫn đầu về phong trào trồng rau màu, đây có thể được coi là một vùng rau trọng điểm cung cấp cho thị trường phía Tây tỉnh Yên Bái. Gia đình bà Đồng Thị Định sớm chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang canh tác rau màu, bà cho biết trồng đỗ cô ve chỉ sau 1 tháng đã cho thu nhập, giá trị gấp 5 lần so với cấy lúa. Gia đình bà Lê Thị Nết ở thôn Năm Hăn cũng chuyển đổi hơn 2.500 m2 ruộng sang trồng dưa cho thu nhập cao. Dọc theo suối Thia tôi đến với xã Nghĩa Lợi để tận mắt chứng kiến mô hình nuôi gà quy mô trang trại hơn 5.000 con/lứa của gia đình ông Lò Văn Chinh bản Phán Hạ. Trước đây người dân bản địa chỉ biết trông chờ vào 2 vụ lúa, năm được, năm mất phụ thuộc vào thời tiết thì giờ đây họ đã biết làm giầu trên chính mảnh đất của mình. Học tập cách làm giầu của ông Chinh, bà con trong bản Phán và bản Xà Rèn đã nhân rộng mô hình chăn nuôi giúp tăng thu nhập, nâng cao mức sống của mỗi gia đình. Ngược lên xã Nghĩa Lộ, với địa hình nhiều đất đồi nên bà con chủ yếu trồng chè và cây ăn quả. Hiện nay việc trồng cam, bưởi da xanh, mận tam hoa, thanh long ruột đỏ… đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đặc biệt có hộ gia đình đã trồng thử nghiệm hơn 200 cây vú sữa Hoàng Kim bước đầu có thành quả và được giá trên thị trường. Đến với trang trại của gia đình ông Đoàn Thế Yêm ở thôn 9, xã Nghĩa Lộ với hơn 6 ha cam giống mới, nhìn đồi cam hàng nối hàng, sai trĩu quả, ông cho biết mỗi vụ thu hoạch được hơn 20 tấn cam, chất lượng và giá thành cao hơn nhiều so với các giống cam khác. Năm nào cũng vậy, chưa đến mùa cam chín đã được khách đến đặt hàng. Do nguồn thu nhập từ cây cam khá ổn định nên ông đã thực hiện kỹ thuật triết ghép giống cây F1 để nhân rộng diện tích và mở rộng mô hình trồng cam tại địa phương, góp phần làm giầu cho quê hương Nghĩa Lộ. Tại thôn 1 xã Nghĩa Lộ có gia đình ông Phan Hữu Long đã phát triển trồng rừng, trồng chè xen với trồng cỏ voi, đồng thời kết hợp chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt. Ông nói kết hợp như vậy vừa có thức ăn cho gia súc, lại thêm nguồn phân bón hữu cơ cho cây chè, vừa giảm chi phí vật tư vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó mỗi năm gia đình ông Long thu hoạch được hơn 45 tấn chè búp tươi, gần 200 triệu đồng từ đàn bò, sắp tới sẽ khai thác hơn 3 ha gỗ bạch đàn… Trên cánh đồng Mường Lò bát ngát với hàng trăm mô hình tiên tiến về phát triển kinh tế, những con số đồ sộ khác qua thống kê của thị xã Nghĩa Lộ như tổng diện tích ngô các vụ 1.396,68 ha; 85 ha cây khoai lang; 493,8 ha cây rau đậu các loại; 450 ha chè với sản lượng chè búp tươi đạt 7.808 tấn trong đó chè chất lượng cao đạt 965,6 tấn; 569,3 ha cây ăn quả ước đạt 2.700 tấn sản phẩm; tổng đàn gia súc chính 65.625 con; tổng đàn gia cầm chính 430.000 con… Tất cả đã vẽ nên bức tranh sống động về sự chuyển mình vươn lên của vùng đất giàu tiềm năng kinh tế này. Với Mường Lò, đất lúa không chỉ có lúa đã làm nên thương hiệu mà đất đã cùng con người cần mẫn dâng cho đời bao nhiêu sản phẩm hữu ích khác, góp phần không nhỏ trong tiến trình xây dựng tỉnh Yên Bái "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc"!

                                                                                    N. T. T

 

           

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter