• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Ngày xuân du ký Sơn A
Ngày xuất bản: 31/01/2024 8:45:27 SA

Ký của  HÀ LÂM KỲ

 

Có người nhận xét, Sơn A (xưa), là phên giậu của thị xã Nghĩa Lộ. Lời ví nghe như nói dạo, nhưng nghĩ, có lý. Chẳng thế mà trước, Tây đóng đồn ở Pú Chạng, có ý đặt Phù Nham, Sơn A làm chốn “Đi đêm về hôm” cho các quan đồn và cánh Âu- Phi. Và cũng vì thế mà lính bản xứ những nơi đây được xem như vệ sĩ chân đất, được huấn luyện sự tận tụy và sự trung thực.

Còn ngày nay, Sơn A bình an. Người Sơn A là chính chủ. Đất Sơn A là điểm du lịch của khách tứ phương.

Những ngày đầu Xuân năm Quý Mão vừa rồi, tôi về Sơn A định bụng gặp lại Lễ hội Thẩm Han, một hội chơi xuân của người Mường người Thái Sơn A mà tôi từng chứng kiến hai mươi năm trước. Rủi. Chính Hội đã diễn ra hôm Rằm tháng Giêng, mà nay chỉ là những ngày du xuân thăm thú. Đổi lại, tôi được Cựu Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Thìn đưa đến hầu chuyện hai chị em ruột, hai vị đại lão dầy công tích. Đó là cụ Đinh Thị Khuyên 92 tuổi, Nguyên Đại biểu Quốc hội khoá IV, khoá V (1971- 1981), và cụ Đinh Văn Don 89 tuổi Cựu Chủ tịch xã Sơn A (1980-1985- 02 khoá).

Vẫn là tục lễ đẹp, sau chén rượu nhà sàn Mường tựa như khai vị, câu chuyện ngày xuân, đang hội lễ dân gian, đậm sắc thái văn hoá Mường Lò, chuyển ngang sang chủ đề lịch sử từ lúc nào. Mà lịch sử Mường Lò, lịch sử Sơn A trong Mường Lò là một pho, kể đến canh năm, vẫn hấp dẫn. Ngồi trên nhà sàn, bất chợt, tôi dừng mắt ở cây hoa ban già trong vườn. Hoa ban của người Thái, người Mường, của Hội hang Thẩm Lé, Thẩm Han. Còn đây, gốc ban ngót 70 năm của những chứng tích lịch sử, dẫu già cỗi, vẫn bung mấy chúm lộc ngày xuân.

Những đốm sáng trong đường tối

Thời Tây (khoảng năm 1800), chính quyền Pháp lập Tổng Sơn A, Sách Sơn A (Đơn vị hành chính trước đấy) trở thành Tổng lị. Từ đó đến nay, kể cả trước và sau Cách mạng tháng Tám, địa danh khu vực Mường Lò nhiều điều chỉnh, nhưng “Sách”, (Sau này là xã) Sơn A vẫn nguyên danh. Và các bản (làng): Ao Luông, Vãn, Viềng, Cóc, Co Cọi, Gốc Bục, thuộc Sơn A vẫn tên cũ.

Trong số 9 dân tộc hiện hữu, thì người Thái (Thái trắng) được xem là gốc gác, họ chỉ đến sau Thái đen (thế kỷ XI). Tiếp đấy là người Mường di cư từ Thanh Sơn, Yên Lập (Phú Thọ) vào đầu thế kỷ XVIII.

Lịch sử Sơn A cận đại (trước 1945) gắn liền với truyền thuyết Nàng Han, gắn liền với sự kiện giặc Cờ Vàng và thủ lĩnh Cầm Hánh. Tác giả nghiên cứu văn học Hoàng Việt Quân đặt vấn đề “Có một nữ tướng Nàng Han trong lịch sử hay không”? Và ông tự trả lời: “Hoặc có trong lịch sử, hoặc chỉ là truyền thuyết, thì cũng là việc đáng bàn, đáng xem xét, nghiên cứu, bởi Nàng Han đã trở thành nhân vật huyền thoại trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc từ lâu đời rồi” (Sách: Nàng Han, lễ hội cổ truyền, NXB Hội Nhà văn, 2021, trang 6). Dẫu rằng truyện Nàng Han có ở nhiều tỉnh Tây Bắc. Nhưng có lẽ, chỉ “Nàng Han” Ở Sơn A mới phong phú, gắn thực về địa danh Yên Bái và nhiều giai thoại Mường Lò. Dựa vào những chi tiết của truyền thuyết, Nhà văn Hà Lâm Kỳ đã viết cuốn truyện dã sử “Thủ lĩnh Nàng Han” dành cho thiếu nhi. Ở đó, thấy giặc Cờ Vàng (Thái Bình Thiên Quốc) tàn bạo đến mức nào. Chúng hoành hành từ sông Hồng vào Mường Lò, vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân tướng Nàng Han. Thủ lĩnh Nàng Han hy sinh, Thủ lĩnh Cầm Hánh kế tiếp. Chỉ khi Cầm Hánh bị giết hại (1875), cuộc khởi nghĩa có thật trong lịch sử này mới bị Cờ vàng dập tắt. Từ đây người Mường Lò, người Sơn A lại tiếp tục chịu sự cực nhục dưới quân phương Bắc. Xót xa thay cái sự cực nhục ấy được chuyển tiếp qua tay phương Tây khi nhà Nguyễn cấu kết với người Pháp. Trong tăm tối, ông vua yêu nước Hàm Nghi hạ Chiếu Cần Vương. Đại thần Quân vụ Nguyễn Quang Bích dấy cờ Bình Tây phục Quốc ở Hạ Hòa, rồi kéo đại quân binh lên Yên Bái đóng bản doanh ở Pú Chạng. Tại đây Đại thần Nguyễn Quang Bích viết thư cho Phan Đình Phùng khẩn trương lo liệu “Đưa Thượng hoàng (Vua Hàm Nghi) ra Tây Bắc”. Giặc Pháp truy sát, bản doanh của Thủ lĩnh tạm rời về bản Viềng xã Sơn A. Sau đó rời tiếp vào núi Voi xã Nghĩa An. Bản Viềng trở thành Sở chỉ huy tiền phương của Bố Chánh phó thủ lĩnh Nguyễn Văn Giáp. Trận chiến Ngòi Thia (tháng 9 năm Mậu Tý- 1888) do các Lãnh binh Vương Văn Doãn, Lý Hữu Kim chỉ huy, đã đâm chết quan hai Nốc Kê, làm chúng không dám tiến quân. Giữa thời điểm ngặt nghèo ấy Tổng chỉ huy Nguyễn Văn Giáp mất đột ngột, Bộ tướng an táng ông tại chân núi Lò (Pú Lo), mười năm sau mới đưa hài cốt Bố Chánh về quê nhà xã Vạn Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tháng 4 năm 1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Yên Bái. Huyện Văn Chấn có bốn Tổng, xã Sơn A trở thành Tổng phủ của tổng Sơn A. Công sứ Tỉnh trưởng ra lệnh khép chặt bộ máy cai trị trong đó chú trọng gia cố đồn Pú Chạng, lập Căng (nhà tù) Nghĩa Lộ, bổ các chức dịch quản lý địa phương, lập ra nhiều hạng lính. Khu vực Sơn A Bản Hẻo, được coi là cửa nách phía Tây Đồn binh Nghĩa Lộ, nên công sứ chủ trương vừa áp chế, vừa mua chuộc, và vừa chia rẽ, vừa kích động. Nên thời đó (trước 1945) chức sắc công giáo và cánh hào lý vùng này có phần gần gũi với quan đồn hơn địa phương khác. Sơn A, phần đông là người Thái, người Mường, nên chức dịch cũng thích ứng với “lệ” của từng dân tộc chẳng hạn: Người Thái, chú trọng họ Lường làm Mo (thầy cúng), họ Lò làm Tạo (trưởng bản). Người Mường, ngành trưởng là Lang Cun, ngành thứ là Lang đạo... Sơn A là vùng trù phú nên Công sứ, Tri huyện đặt sự cống nạp cao hơn các nơi. Đó là chưa nói đến trai Sơn A phải nhập lính khố xanh, nhập lính cơ, lính lệ. Gái Sơn A nhập đội xòe, đội xướng ca vũ điệu sàn nhảy dành riêng cho các quan đồn và lính Âu. Nếu người dân đồng bằng là “một cổ hai tròng”, là “cu li”, thì dân Mường Lò cũng là “pên khỏi, pên khoai” (thân ngựa, thân trâu). Với Mường Lò, Sơn A, công sứ đầu tỉnh có chính sách riêng, vừa chia để trị, vừa mua để trị. Chính trong cái đường tối triền miên ấy, Sơn A xuất hiện những con người âm thầm nhóm lửa, đốm lửa Cách mạng.

Sách “Lịch sử Đảng bộ xã Sơn A” (Xuất bản năm 2015) ghi: “Cuối năm 1944 khu căn cứ cử đồng chí Bình Phương vào Văn Chấn để bắt liên lạc với một số giáo học ở Đại Lịch, Sơn A, Bản Hẻo nhằm tuyên truyền Cách mạng” (Trang 36), và “Sau khi thoát tù Nghĩa Lộ, các đồng chí Vương Thừa Vũ, Trần Huy Liệu tìm đường xuống Sơn A, được gia đình Chánh tổng Sa Văn Bút nuôi giấu, cung cấp tình hình” (Trang 37). Khởi nguồn đó, giúp cho Sơn A xuất hiện những thanh niên ưu tú: Nguyễn Đăng Long, Đinh Văn Quy, Đinh Văn Yêu, Lường Văn Lự, Hà Việt Bình, Lường Văn Phang… Chính họ đã góp phần giành chính quyền ở Sơn A, ở Nghĩa Lộ vào ngày 8 tháng 7 năm 1945 và bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai ngay năm sau đó.

Người Pháp muốn biến Phủ Tổng Sơn A thành nơi "đi về" an toàn cho chúng, nhưng không thành! Chỉ trong sáu tháng trời, loạt bản án "diệt ác, trừ gian" được du kích Nghĩa Lộ và du kích Sơn A thi hành: Khống chế Phó tổng Sa Văn Vãn, diệt Tổng Hét ở Bản Lè, diệt một tên Pháp ở bản Cóc, vây đánh Trung đội Lê Dương Đồ loa (Dehoi). Đặc biệt an ninh viên Nguyễn Trọng Thơ từ phố Nghĩa Lộ, theo dõi và nổ súng bắn chết tên Đội người Pháp Lơ te khi hắn đang ăn chơi tại nhà Chánh tổng Sơn A. Vụ này kinh động đến cả công sứ Tỉnh trưởng. Dư âm vụ thi hành án táo bạo đã đi vào lịch sử. Năm 2022, tác giả Trần Cao Đàm đã khắc hoạ sự kiện trên trong tiểu thuyết “Bất khuất Mường Lò”. Những con người như Nguyễn Đăng Long, Nguyễn Trọng Thơ, Đinh Văn Quy, và cả Cha Sáng (cha đạo) nhà thờ Bản Hẻo thời đó nữa, sống mãi trong lòng dân.

Rồi chiến dịch Lý Thường Kiệt và chiến dịch Tây Bắc những năm 1951, 1952. Sơn A là điểm tựa, là nơi ém quân cho những tiểu đoàn chủ lực Quân giải phóng, Trung tướng Giáo sư Nguyễn Đình Ước có lần trở lại thăm gia đình ông Đại một giáo dân Bản Hẻo từng nuôi giấu chăm sóc khi ông bị thương trong trận đánh đồn Nghĩa Lộ, chiến dịch Tây Bắc. Rồi gia đình cụ Hoàng Văn Thái cán bộ kháng chiến người dân tộc Mường thôn Ao Luông nguyên Bí thư Đảng uỷ xã nhiều khoá, góp phần làm rạng danh quê hương. Con gái cụ, bà Hoàng Thị Dong, từng là đại biểu thanh niên xuất sắc Khu tự trị Tây Bắc, được đứng bên Bác Hồ khi chụp ảnh với Người dưới thềm Phủ Chủ tịch tháng 9 năm 1955. Hai con rể cụ Thái là hai Phó trưởng Ty (Giáo dục và Y tế) những năm chiến tranh chống Mỹ. Đặc biệt liệt sĩ Đinh Văn Quy dân tộc Mường, người Bí thư Chi bộ đầu tiên và can đảm của Sơn A bị Pháp xử bắn ngay tại đồn Pú Chạng tháng 6 năm 1948. Bên gốc cây hoa ban góc vườn kia, Bí thư Chi bộ Đinh Văn Quy từng nhóm họp một số thanh niên trung kiên của Sơn A bàn định việc mở rộng và phát triển tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc phục vụ kháng chiến.

Sơn A mảnh đất Mường Lò. Lịch sử hào hùng.

Người Sơn A là chính chủ. Đất Sơn A là du lịch

Từng lang thang trên đường Sơn A những ngày xuân, mùa của hoa đào hoa ban xứ Mường. Còn bây giờ là chiều cuối thu trời xanh trong, làng bản thanh bình, mới cảm nhận phần nào vẻ đẹp quyến rũ của Sơn A.

Không biết nên gọi nơi đây là điểm đầu, hay cuối của cánh đồng Mường Lò một thời. Nhưng dù đồng đất nào đi nữa thì điểm nhấn vẫn là những luỹ tre bản Mường, bản Thái bọc lấy con suối Thia và con suối Nung. Cánh đồng Mường Lò, nếu ví như hình con cá, thì đuôi cá là triền lúa, triền ngô bản Vãn, Ao Luông, bản Hẻo, bản Tủ, lượn quành Cò Cọi. Xưa chỉ hai vụ, nay là ba. Ngô đông, lạc, khoai, cà chua, rau mầu ngắn ngày xen canh mùa vụ thay vì bỏ đất trống mấy tháng trời. Không chỉ là sản phẩm canh tác hạng "ô cốp" (OCOP), mà trước hết, sản phẩm của tư duy, của tâm lý dám làm, dám đột phá, xoá bỏ cung cách làm ăn theo thói quen. Quốc lộ 32 Yên Bái- Lai Châu chạy dọc Sơn A dù chưa phong phú dịch vụ đường phố, nhưng cũng sẽ là tương lai gần. Những năm bom đạn Mỹ huỷ diệt thị xã Nghĩa Lộ (1966- 1969), tôi đang học cấp 3, sơ tán vào Rừng cấm (Bản Tủ), thường hay ra ven Suối Thia tăng gia. Thầy trò tự túc rau củ quả, tự túc làm nhà gianh vách đất, tự lực học hành. Thế đã là thắng Mỹ. Tôi ra Bản Hẻo để thầy giáo phụ đạo, thường thấy chiếc com măng ca, đến, đi từ nhà bên cạnh. Hoá ra xe của ông Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Việt. Các cơ quan tỉnh Nghĩa Lộ sơ tán về các bản của Sơn A. Gián điệp, biệt kích chắc biết, nên bom đạn thả cả vào làng bản. Ấy vậy mà người dân Mường Lò khoác súng ra đồng vẫn vừa sản xuất, vừa đánh máy bay, nhẹ như công việc thường ngày. Lòng dân Sơn A, lòng dân Mường Lò là thế. Thắng được Mỹ cũng nhờ ý chí "nhất định không chịu làm nô lệ" này.

Khoảng năm 1970- 1971, nhà thơ Nông Quốc Chấn Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin (Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT), lên tỉnh Nghĩa Lộ dự Hội nghị Văn hoá quần chúng. Nhà thơ Đinh Sơn- Phó Chủ tịch tỉnh đưa ông vào Co Cọi thăm suối nước nóng Bản Bon. Trước đó, năm 1967 Trung Quốc giúp ta làm đường 32, họ đã xây dựng những bồn tắm giữa dòng mạch suối, nên bến tắm khá lịch sự mà vẫn "thiên nhiên". Cảm xúc, nhà thơ Nông Quốc Chấn có bài "Suối nước nóng" tặng dân bản Sơn A.

Ta say vì suối nước trong

Hay say vì suối mặn nồng suối ơi?

Người yêu suối, suối yêu người

Dựng nhà ở mãi đây thôi, chẳng về!

Năm 1976, tôi ở chiến trường Tây Nguyên ra, vào tắm suối, nhớ đến nhà thơ Nông Quốc Chấn mà cảm tác: 5 năm đi, tôi lại về với suối / Suối vẫn bên tôi, tôi vẫy vùng./ Tôi ôm lên suối, lòng tôi ấm/ Ấm cả tình riêng, mối thuỷ chung. Nói không ngoa, suối nước nóng Bản Bon, nguồn khoáng sản- một báu vật của Sơn A, mà trước hết là chăm sóc sức khoẻ con người. Ấy là chưa nói đến cảnh quan, chưa nói đến tập quán tắm suối- một nét văn hoá rất riêng, rất đẹp của dân tộc Thái, dân tộc Mường nơi đây. Báu vật sức khoẻ và văn hoá dân gian (Folkore) đấy, khách tây, khách ta đều muốn biết, cần biết. Sao nay vẫn chưa thể làm giầu? Có gì đó chậm chậm!

Sơn A hôm nay đất không rộng (8.500ha), người chưa đông (khoảng 1.100 hộ), nhưng tiềm năng "ngang ngửa"… huyện Mù Cang Chải. Không kể nguồn trời phú (tự nhiên), thì đó là lịch sử và văn hoá do chính con người Sơn A tạo dựng. Chỉ riêng hai dân tộc: Thái (Thái trắng), và Mường, chiếm 96% dân số của xã, đã là một pho văn hoá cổ truyền cho dù giao thoa, nhưng vẫn có cái riêng: Lễ hội Nàng Han, múa Mỡi, Nhà sàn Mường, phong hoá tộc người Thái trắng… cần dụng công để "biến di sản thành tài sản". "Nàng Han", dẫu là truyền thuyết, nhưng vẫn có thể như thế này, đặt nơi vách núi Sơn A.

Thẩm Co Đúa, nơi Người ở cũ

Nhớ ơn Người, nên gọi Thẩm Han

Giếng Thiên tạo, Người thường chải tóc

Nhớ ơn Người, gọi Giếng Nàng Han

Trại Pu Cút quân binh địa hạt

Nay gọi là Binh trại Nàng Han

Gái mường ấy người đời sau gọi

Nữ tướng là Thủ lĩnh Nàng Han.

          (Trích truyện dài: “Thủ lĩnh Nàng Han”- Hà Lâm Kỳ)

Còn với riêng tôi, nếu có nhà quản lý nào hỏi: Tỉnh Yên Bái mình, đâu là "Làng văn hoá" đầu tiên và bền vững? Tôi trả lời ngay và luôn: Bản (thôn) Ao Luông, xã Sơn A! Nói chắc, là bởi tháng 4 năm 1995 tôi và anh Nguyễn Quân được Giám đốc Sở Văn hoá- Thông tin Nguyễn Ngọc Bái giao nhiệm vụ đi Văn Chấn khảo sát để thí điểm xây dựng Làng Văn hoá theo tiêu chí của Bộ. Ao Luông lúc đó là bản ở hạng "trung bình khá". Ồng Hoàng Văn Thìn- Bí thư Đảng uỷ thật sự lo. Nhưng rồi, từ chỗ chưa hiểu "Làng văn hoá" là "cái gì", chúng tôi cùng đồng hành, chỉ hơn một năm sau "Làng văn hoá Ao Luông" được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Văn Chấn cấp Bằng công nhận. Đến năm 1998 được công nhận cấp tỉnh. Và nay, sau gần 30 năm, Ao Luông vẫn là tốp "Lá cờ đầu" xây dựng Làng Văn hoá- Nông thôn mới. Rõ ràng, nếu không hiểu Sơn A, sẽ thiếu đi một bài học quý.

Xây dựng quê hương giàu mạnh và hạnh phúc. Lớp cán bộ người Sơn A hôm nay- Những Lò Thị Huân, Đinh Đình Thiệp… và các kíp lãnh đạo xã đang đau đáu điều này, đang hết mình về điều này. Nghĩ rằng, Sơn A sẽ "Cất cánh" trong tương lai không xa.

 

H.L.K

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter