• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Nghĩa Lộ- Đô thị xanh của miền Tây Yên Bái
Ngày xuất bản: 20/09/2021 2:25:32 SA

Nguyễn Thị Tâm

Kỳ I: Sức sống mới trên đất Nghĩa

Là một thị xã miền núi nằm trọn trong lòng chảo Mường Lò, được ưu ái sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thuần khiết, hoang sơ cùng bản sắc văn hóa đậm đà, riêng có của 21 dân tộc anh em cùng chung sống, Nghĩa Lộ hội tụ rất nhiều tiềm năng để xây dựng và phát triển, nhất là tiềm năng về di sản văn hóa để thực hiện xây dựng thị xã văn hóa- du lịch, trở thành một thị xã văn hóa- du lịch tiêu biểu, một đô thị xanh bền vững của miền Tây Yên Bái.

Đảng vững mạnh- dân tin yêu

Về thăm Nghĩa Lộ đúng vào dịp Rằm tháng bảy, tôi háo hức mong chờ được hòa mình vào không khí đầm ấm, vui tươi, náo nhiệt của những ngày Tết Síp xí- một cái tết lớn nhất trong năm của đồng bào Thái nơi đây. Nhưng rồi, Nghĩa Lộ lại chào đón tôi bằng một không khí nghiêm túc, bình lặng đến bất ngờ. Ngay từ lúc mới đặt chân cho đến khi dạo khắp một vòng thị xã, tôi vẫn luôn cảm nhận được đâu đó có dấu ấn của ngày tết, song trái ngược với không khí Síp xí rộn ràng của những năm trước, năm nay, trên khắp các tuyến phố, hàng hóa bày bán còn không nhiều như ngày thường, người đi lại trên đường thưa vắng và trong các khu chợ, các bà, các chị đi mua sắm tết cũng vội vã, gọn nhẹ hơn... Lý giải cho những gì tôi đã thấy và cảm nhận được, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hà Văn Nam đã chia sẻ với tôi rằng, đồng bào Thái nói riêng, người Nghĩa Lộ nói chung đang ăn một cái tết truyền thống đặc biệt nhất từ trước đến nay, bởi họ ăn tết nhưng không quên nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K để phòng chống dịch bệnh COVID- 19. Nghe theo lời kêu gọi của Đảng, của Chính phủ cùng sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ và chính quyền địa phương, đồng bào nơi đây thuận lòng bỏ đi một năm ăn tết lớn, vận động con em xa quê không trở về, quyết giữ cho Nghĩa Lộ, giữ cho Yên Bái luôn là “vùng xanh” an toàn trong đại dịch này.

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng và phát triển thị xã, những năm qua, Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị với nhiệm vụ phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của địa phương. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được Đảng bộ thị xã quan tâm chú trọng, quyết liệt trong đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; củng cố, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận lớn trong xã hội. Bằng việc làm tốt công tác chính trị, tư tưởng; quan tâm chăm lo giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức viên chức của thị xã ngày càng được nâng cao cả về tư tưởng, ý thức, nhận thức và trình độ (100% cán bộ lãnh đạo, quản lý từ thị xã đến xã, phường có trình độ Trung cấp lý luận chính trị, 100% đảng viên trong Đảng bộ có trình độ sơ cấp lý luận chính trị, 100% cán bộ quản lý được cập nhật kiến thức mới hàng năm; trên 90% cán bộ, công chức, viên chức thị xã có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên; 97% cán bộ, công chức xã, phường có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó 100% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học). Cùng với đó, việc sử dụng, sắp xếp, bố trí và tạo nguồn nhân lực cũng được Đảng bộ đặc biệt chú trọng. Trong 5 năm gần đây, Đảng bộ đã tiến hành sắp xếp, hợp nhất, giảm 12 cơ quan, đơn vị, 29 tổ dân phố, 22 cán bộ quản lý, 17 biên chế, 207 cán bộ không chuyên trách cấp xã và tổ dân phố, thôn, bản... Từ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên, thực sự là hạt nhân lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Nghiêm túc trong việc thực hiện kiểm điểm, đánh giá chất lượng các tổ chức đảng và đảng viên, hàng năm tỷ lệ đảng viên và tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, số lượng đảng viên mới được bồi dưỡng, kết nạp luôn đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Từ một Đảng bộ non trẻ của những ngày đầu mới thành lập (sau khi tách lập năm 1995) chỉ có 17 chi, đảng bộ cơ sở với 840 đảng viên thì nay, Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ đã không chỉ trở nên lớn mạnh về số lượng đội ngũ với 42 tổ chức cơ sở đảng, 218 chi bộ trực thuộc Đảng uỷ cơ sở và gần 4.400 đảng viên sinh hoạt; mà còn xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh chính trị, có phẩm chất, năng lực, uy tín và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Kế thừa và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu và mỗi cán bộ, đảng viên cùng với tinh thần dân chủ, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, công tác dân vận, hoạt động của chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội, suốt hơn 10 năm qua, Đảng bộ thị xã luôn giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu; hàng năm hơn 85% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; chính quyền luôn là đơn vị vững mạnh, các tổ chức đoàn thể hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao.

Xây dựng thị xã phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo ra cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân; đưa Nghĩa Lộ trở thành trung tâm Văn hoá- Thương mại- Dịch vụ- Du lịch của khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái phấn đấu xây dựng thị xã trở thành đô thị loại III là những mục tiêu mà từ lâu thị xã đã hướng đến. Với vai trò là trung tâm của khu vực miền Tây Yên Bái, là điểm kết nối, hội tụ những giá trị văn hóa của 21 dân tộc cùng chung sống, cùng với việc tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế thì thị xã Nghĩa Lộ sớm đã khai thác những lợi thế về văn hóa để phát triển du lịch. Năm 2003, thị xã Nghĩa Lộ đã cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” bằng việc xây dựng Đề án “Xây dựng thị xã văn hóa giai đoạn 2003- 2010” và thực hiện ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. Sau 10 năm triển khai, thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều đổi thay trên các lĩnh vực kinh tế- văn hóa- xã hội. Hình hài một đô thị trẻ có dáng vóc đặc trưng của một thị xã miền núi đang trên đà phát triển đã dần được hình thành, việc xây dựng đề án thị xã Văn hóa- Du lịch ở những giai đoạn tiếp theo càng là nhiệm vụ cần thiết và tất yếu hơn bao giờ hết. Bởi đây không chỉ là giải pháp hữu hiệu để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ lần thứ XII, XIII đã đề ra, mà còn là một quyết sách đúng đắn mang tính chiến lược, là khâu đột phá, trọng tâm trong phát triển kinh tế của Đảng bộ thị xã để lãnh đạo, đưa thị xã sớm trở thành thị xã văn hoá phát triển nhanh, toàn diện, bền vững ở khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái.

Một góc thị xã Nghĩa Lộ- Ảnh: internet

Những thành tựu mang “thương hiệu” của đất Mường- Trái ngọt của ý Đảng, lòng dân

Về Nghĩa Lộ lần này, ngoài tình người nồng ấm, hồn hậu và hiếu khách của người dân vẫn vẹn nguyên như xưa thì tôi còn cảm nhận được rất rõ sự đổi thay mạnh mẽ ở nơi đây. Từ những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng, với quyết tâm chính trị và sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ cùng với sự đồng thuận của nhân dân, Nghĩa Lộ đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện trong xây dựng và phát triển địa phương. Kinh tế- hạ tầng phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục có bước phát triển nhanh, bước đầu khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương; sản xuất công nghiệp phát triển ổn định; sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc; công tác quy hoạch, phát triển đô thị được đặc biệt chú trọng, tạo môi trường đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp; văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên...

“Muốn ăn gạo trắng nước trong/ Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”, câu ca ấy từ lâu đã trở thành lời khẳng định cho danh tiếng của một sản vật mang “thương hiệu” Mường Lò. Nằm trọn trong vùng lòng chảo Mường Lò với cánh đồng phì nhiêu và rộng lớn thứ 2 khu vực Tây Bắc, cùng với phát triển sản xuất rau màu và cây ngô vụ đông trên 75% diện tích đất 2 vụ lúa, Nghĩa Lộ đã phát triển được hàng nghìn ha lúa hàng hóa và vùng sản xuất trên 500ha lúa hàng hóa chất lượng cao với các giống lúa nức tiếng như Séng cù, Chiêm hương. Từ việc tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Lộ đã từng bước thay đổi được tư duy sản xuất của người dân. Thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng thì nay bà con đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm; từ việc sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình sang kết hợp giữa tiêu dùng và sản xuất hàng hóa, gắn với việc tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của thị xã. Năm 2017, nhằm nâng cao vị thế gạo Mường Lò, nâng cao sức cạnh tranh và tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm, Nghĩa Lộ đã xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho gạo Mường Lò. Kể từ đây, những hạt gạo trắng ngần, dẻo thơm của người nông dân Nghĩa Lộ đã được đặt tên và vươn ra khắp thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, Nghĩa Lộ đã có vùng lúa hàng hóa chất lượng cao hơn 500ha gắn với chỉ dẫn địa lý “gạo Mường Lò”, thành lập Hội sản xuất và kinh doanh gạo Mường Lò có truy suất nguồn gốc theo chỉ dẫn địa lý và đã có một số cơ sở chế biến gạo đầu tư công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Với hơn 3000ha diện tích gieo cấy, năm 2020, tổng sản lượng lương thực có hạt của thị xã đạt hơn 9.800 tấn; giá trị thu nhập trên 01ha đất hai vụ lúa đạt 150 triệu/ha/năm. Cùng với sản xuất lúa gạo, những năm gần đây, các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất từ vụ Đông như ngô, rau màu và nhiều sản phẩm có giá trị từ các mô hình mới như dưa lê, cỏ ngọt, bưởi, chanh leo… đạt tiêu chuẩn OCOP của Nghĩa Lộ cũng đã được thị trường biết đến như những sản phẩm mang thương hiệu của đất Mường.

Là trung tâm vùng văn hóa Mường Lò, có vị trí chiến lược, là nơi thuận tiện cho việc liên kết các điểm du lịch nổi tiếng phía Tây của Yên Bái cũng như các tỉnh bạn như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai..., Nghĩa Lộ còn được biết đến với nhiều tài nguyên du lịch. Đó là Nghĩa Lộ của một xứ sở hoa Ban trắng, của những lễ hội tưng bừng, đậm đà bản sắc; những cô gái Thái, gái Mường duyên dáng, thướt tha, uyển chuyển trong những vũ điệu xòe, then làm mê đắm lòng người; những món ẩm thực dân tộc độc đáo... Nơi đây được xác định là vùng đất tổ của tộc người Thái đen, còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp mang đậm bản sắc của đồng bào. Đặc biệt, Nghĩa Lộ còn được mệnh danh là vùng đất của những di tích Lịch sử- Văn hóa khi mà chỉ trong phạm vi một địa bàn tương đối nhỏ hẹp lại có tới 02 di tích cấp quốc gia, 03 di tích cấp tỉnh. Năm 2003, thị xã là một trong 7 huyện, thị của cả nước vinh dự được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chọn làm điểm xây dựng đơn vị văn hoá cấp huyện, khu vực miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2008, thị xã xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam mâm xôi ngũ sắc lớn nhất; năm 2013 xác lập kỷ lục màn đại xòe lớn nhất và năm 2017 xác lập kỷ lục chiếc khèn bè lớn nhất của đồng bào Thái. Nhận diện rất rõ những tiềm năng ấy, nhiều năm trở lại đây, Nghĩa Lộ đã tập trung xây dựng thị xã Văn hóa- Du lịch và xác định du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Với phương châm phát triển bền vững, không đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sau 7 năm triển khai Đề án “Thị xã Văn hóa- Du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013- 2020”, Nghĩa Lộ đã đạt được những thành tựu không nhỏ trên mọi lĩnh vực kinh tế- văn hóa- xã hội, nhất là lĩnh vực văn hóa và du lịch. Trên cơ sở bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa cộng đồng trong các phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống, mang đậm bản sắc của các dân tộc Thái, Mường như chữ Thái cổ, các điệu xòe cổ, tục Đâm Đuống, múa Mỡi, tết Síp xí, lễ hội Xên bản, Xên mường, hội Hạn khuống, Khai hạ… thị xã đã xác định khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng thành sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu riêng cho du lịch Nghĩa Lộ. Với trên 40 cơ sở lưu trú và 35 mô hình homestay đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, Nghĩa Lộ là địa phương có số cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch lớn nhất tỉnh, mỗi năm đón hơn 60.000 lượt khách lưu lại thăm quan, tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm. Riêng năm 2020, thị xã đã đón, phục vụ trên 120.000 lượt khách, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 225 tỷ đồng; doanh thu từ du lịch đạt 96 tỷ đồng…

Trong số những thành tựu đã đạt, có lẽ thành tựu lớn nhất mà Nghĩa Lộ có được chính là niềm tin yêu và sự đồng lòng, chung sức của nhân dân. Còn nhớ mỗi lần về thăm Nghĩa Lộ vào dịp Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, năm nào tôi cũng được chứng kiến những màn đại xòe với hàng nghìn người dân tham gia biểu diễn. Từ màn đại xòe xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2013 với 2013 người cho tới màn đại xòe 5000 người, tất cả đều do chính những người phụ nữ nông dân của thị xã tham gia biểu diễn. Để có được những đêm đại xòe đầy ấn tượng, khiến cho bao du khách phải đắm say chẳng muốn rời chân ấy, những người phụ nữ chân lấm tay bùn, ban ngày vẫn tất bật với công việc đồng áng, chăm lo cho gia đình nhưng khi màn đêm buông xuống, họ lại như quên hết mỏi mệt, cùng nắm tay nhau hòa vào vòng xòe, hăng say tập luyện để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng của quê hương. Hay trong lần Nghĩa Lộ xác lập được kỷ lục Guiness mâm xôi ngũ sắc lớn nhất Việt Nam cũng vậy. Để có được mâm xôi ngũ sắc hình hoa ban 5 cánh lớn nhất với trọng lượng 1,3 tấn, rộng 2,8m, dày 30cm, hơn 200 hộ đồng bào người Thái đã phải dùng 300 chõ xôi, 800kg gạo nếp và hàng chục kg thảo dược để chiết xuất lấy nước màu ngâm gạo.

Về thăm Nghĩa Lộ lần này, tôi đặc biệt ấn tượng bởi không khí thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành xã nông thôn mới nâng cao, trở thành phường của Đảng bộ và nhân dân ở nhiều xã, trong đó có xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An và xã Nghĩa Lộ. Trong câu chuyện của Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lợi Lò Văn Hải và Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ Vũ Thị Thanh, tôi nhận thấy họ đều có một cảm xúc chung rất đặc biệt, rằng nhờ có sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của nhân dân mà Đảng bộ, chính quyền xã và bản thân những người làm lãnh đạo như họ mới có được thành quả như hôm nay. Với Nghĩa Lợi, một xã chỉ vừa thoát khỏi diện 135 mà chỉ sau 4 năm đã hoàn thành 19 tiêu chí để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và giờ đây đang trong lộ trình đô thị hóa lên phường vào năm 2022. Còn với Nghĩa Lộ, một xã vốn đã trở thành đô thị văn minh trước khi sáp nhập về thị xã, nhưng khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, ngoài tiêu chí về mức thu nhập bình quân đầu người thì hầu hết các tiêu chí đều thiếu, thậm chí có những tiêu chí tưởng chừng như khó thực hiện. Vậy mà chỉ sau chưa đầy một năm, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã cùng nhau vượt qua khó khăn để về đích.

Trong cuộc trao đổi nhanh với lãnh đạo thị xã, đồng chí Phó Chủ tịch UBND Lương Mạnh Hà đã khẳng định với tôi rằng, những kết quả đạt được về phát triển du lịch của thị xã trong thời gian qua tuy còn khiêm tốn so với tiềm năng của địa phương, nhưng đã tạo ra những tiền đề quan trọng để chính quyền và người dân Nghĩa Lộ kiên định với mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững. Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục xây dựng Đề án “Xây dựng thị xã Văn hóa- Du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2021- 2025” với 33 chỉ tiêu tập trung vào nhiệm vụ phát triển văn hóa và du lịch. Song song với đó, Đảng bộ và nhân dân thị xã cũng đã xây dựng và thực hiện các kế hoạch về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng trường học hạnh phúc, gia đình hạnh phúc; xây dựng con người văn hóa Nghĩa Lộ, Mường Lò văn minh, thân thiện, nồng hậu, mến khách, tạo ra nét đặc trưng của con người và mảnh đất nơi đây.

(Còn nữa)

 

N.T.T

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter