• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Nhịp sống mới nơi bản Thái
Ngày xuất bản: 27/03/2023 8:38:35 SA

Ký của THẾ QUYNH

Qua cầu Nậm Kim, rẽ trái theo con đường trải nhựa áp phan chừng ki lô mét, Giàng A Lù- phóng viên của Trung tâm Văn hóa huyện Mù Cang Chải đưa tôi đến với Làng văn hóa Bản Thái Kim Nọi. Gọi như vậy là gọi theo tên cũ khi bản này còn thuộc xã Kim Nọi. Nhưng từ năm 1998, khi cắt về địa bàn thị trấn Mù Cang Chải thì nó mang tên mới Tổ dân phố số 5. Nằm ở trung tâm thị trấn, một bản người Thái với những nếp nhà sàn truyền thống mái lợp ngói đỏ au như được xếp ngay ngắn cạnh nhau tạo nên một bức tranh bản làng bình yên, thơ mộng. Không biết những người Thái đầu tiên đến nơi đây định cư từ bao giờ, song có lẽ câu truyền khẩu “Thái ăn theo nước, Xá ăn theo lửa” đã giúp họ chọn được nơi ở tuyệt đẹp. Đó là một cánh đồng ven suối Nậm Kim, dẫu không rộng nhưng đất đai mỡ mầu. Dãy đồi núi thấp bao quanh, thông xanh ngút ngát xen những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh mỗi mùa nước đổ. Nếu người giỏi phong thủy hẳn phải thốt lên lời với cái thế “tiền giang hậu sơn” (mặt hướng sông, lưng tựa núi) làm tiền đề cho sự phát triển lâu bền.  

Ghé vào ngôi nhà nằm sát bên đường, Giàng A Lù cất tiếng gọi chủ. Một người đàn ông dáng cao dong dỏng, nét mặt rắn rỏi ra mở cửa. Theo như giới thiệu anh là Lò Văn Toàn, bốn mươi hai tuổi, làm tổ trưởng đã hai khóa. Sau tuần nước, vị công bộc của dân kể vanh vách về địa bàn mình phụ trách cứ như thuộc trong lòng bàn tay vậy. Bản có 94 hộ với 298 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Trước kia cuộc sống của dân còn nhiều khó khăn, kinh tế nông nghiệp tự cấp tự túc nên không khỏi một số hộ thiếu đói khi giáp hạt. Đời sống tinh thần vốn tồn tại không ít hủ tục lạc hậu. Top of FormBottom of FormHưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và được sự chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, nhân dân trong bản đồng lòng quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu xây dựng bản văn hoá. Để xoá đói giảm nghèo, nhiều hộ đã khai phá đất hoang tận dụng trồng lúa nước và cây hoa màu. Đến nay, diện tích lúa nước của toàn bản là 20ha chiếm 67% diện tích lúa nước của thị trấn. Bà con biết áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất nên năng suất cây trồng, vật nuôi ngày càng tăng cao. Từ năm 2001, với sự vận động và giúp đỡ của chính quyền, người dân đã làm 2 vụ lúa/năm, năng suất trung bình 50 tạ/ha. Cùng 2 vụ lúa, bà con còn trồng khoảng 10ha rau màu, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu hằng ngày và  cung cấp rau xanh cho thị trấn. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi của các gia đình được xây kiên cố, hợp vệ sinh. Bình quân mỗi hộ nuôi từ 1- 2 con trâu, 2- 3 con lợn thịt. Ngoài ra HTX khai thác vật liệu xây dựng suối Nậm Kim ra đời cũng đã giải quyết việc làm cho 30 lao động trong bản với thu nhập bình quân 3- 4 triệu đồng/ người/ tháng. Chính vì vậy cuộc sống của người Thái ở bản Kim Nọi đang ngày được nâng cao, số hộ giàu có trên 40% và chỉ còn 8 hộ nghèo do hoàn cảnh thiếu phương tiện canh tác. Đời sống tinh thần theo đó cũng cải thiện, phong tục tập quán thay đổi nhiều, việc ma chay cưới xin thực hiện nếp sống mới, 100% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn; nhiều năm nay không có trường hợp sinh con thứ ba, không phát sinh đối tượng nghiện. Đây là điều kiện cơ bản giúp Bản Thái Kim Nọi xóa nghèo bền vững. Cũng nhiều năm nay, 100% trẻ học lớp 1 đúng độ tuổi, 98% trẻ hoàn thành chương trình bậc tiểu học; 97% học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở. Hiện ở bản có nhiều học sinh theo học tại các trường đại học, cao đẳng và sau khi tốt nghiệp đã về công tác tại địa phương. Nhìn con đường bê tông trải nhựa áp phan chạy dọc chiều dài bản cùng các nhánh đường bê tông xuyên vào các ngõ mới thấy nếp suy nghĩ của người dân đã thay đổi nhiều. Bởi hơn 6.000m đường bê tông nội bản với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng hoàn toàn do người dân đóng góp. Rồi trồng hoa và vệ sinh thường xuyên vào ngày cuối tuần. Từ đây đi lại trong bản dễ dàng hơn, cảnh quan đẹp và sạch sẽ hơn. Con đường được làm nên từ lòng dân, từ khát vọng vươn lên ấm no, hạnh phúc như minh chứng cho nhịp sống mới ở Bản Thái Kim Nọi đang hình thành.

Những năm gần đây, cùng với hoạt động chung của huyện Mù Cang Chải thì Bản Thái Kim Nọi cũng bắt tay vào làm du lịch cộng đồng. Cả bản 94 hộ thì đã có 16 hộ tham gia vào “ngành công nghiệp không khói”. Manh nha hoạt động du lịch cộng đồng có từ khoảng hơn chục năm nay, nhưng phát triển mạnh phải tính từ thời điểm năm 2010. Các gia đình ông: Lường Văn Sanh, Lương Văn Tư và Tòng Văn Dơn, Lương Văn Hòa là những hộ đầu tiên làm dịch vụ này. Đa phần các Homestay đều phục vụ ăn, nghỉ và tắm lá thuốc. Du khách lên ngắm ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào mùa nước đổ hay mùa lúa chín; ngắm hoa tớ dày cùng sơn tra mỗi độ tiết xuân về sẽ có thêm chỗ lưu trú thú vị. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân vào các hộ làm du lịch cộng đồng đó là mặc dù vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc Thái với ngôi nhà sàn truyền thống nhưng nếp sinh hoạt, cách bài trí đã được cải tiến rất nhiều. Không gian sạch sẽ, thoáng mát; ngoài các loại chăn ga gối đệm tân kỳ thì một số hộ vẫn duy trì loại chăn vải dệt thổ cẩm và nệm nhồi bông lau quen thuộc trong sinh hoạt lâu đời. Đặc biệt, tất cả những nhà chúng tôi vào tham quan đều có khu vệ sinh riêng biệt, mới xây và được ốp lát đẹp đẽ. Được biết năm 2015, huyện Mù Cang Chải  có chủ trương cho mỗi hộ dân vay 20 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh đúng quy cách. Riêng Bản Thái có 6 hộ được vay với số tiền 120 triệu đồng trong thời hạn 3 năm không lãi. Từ việc làm thiết thực này đã thúc đẩy hoạt động du lịch của địa phương theo hướng văn hóa, văn minh, dần đáp ứng nhu cầu của cả khách trong nước và nước ngoài.

Buổi tôi đến đây đang độ mùa xuân, khắp các triền núi của Mù Cang Chải trắng tinh khôi màu hoa sơn tra và rực rỡ sắc hồng của hoa đào rừng hay còn được gọi bằng cái tên rất H’Mông là Tớ dày. Huyện cũng vừa tổ chức thành công lần đầu “Lễ hội hoa Tớ dày” nên khách đến rất đông, nhất là các nghệ sĩ say đi săn tìm ảnh đẹp. Dọc con đường quanh bản, xe ô tô đủ loại to nhỏ mang biển số: Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng thậm chí tận Thành phố Hồ Chí Minh dập dìu đưa khách. Các nhà nghỉ Homestay: Tùng Lương Bản Thái, Hà Hợi, Noọng Sao, Thủy Sơn, Sanh Nhơn… chật kín người. Đến thăm hộ làm du lịch Lương Văn Hòa, cả hai anh chị đều là viên chức Nhà nước, anh Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện, chị giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên. Khu đất 500 m2 với ngôi nhà sàn cũ tài sản cha mẹ để lại được xây dựng, cải tạo thành 5 phòng khép kín với một sàn có thể lưu trú khoảng 25 người nghỉ trọ. Nhà neo người không thể phục vụ ẩm thực nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ với các nhà hàng, các tổ dịch vụ để đặt lịch ăn uống và đưa đón khách thăm các thắng cảnh đẹp như đồi Móng ngựa Mồ Dề, thác Mơ, bãi đá cổ La Pán Tẩn… Ngay lúc tôi chuyện trò cùng gia chủ đã chứng kiến đoàn 23 khách đến từ Hà Nội đang chuẩn bị theo các chàng trai Mông trên các chiến mã xe ôm vượt dốc lên đỉnh Háng Gàng săn mây và ngắm hoa đào rừng rộ nở. Còn để quảng bá, trang thông tin của Bản luôn gắn hình ảnh với lời giới thiệu ngắn gọn mà hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong thời đại số hóa. Nào là “Homestay Hà Hợi mang lại cho du khách một cảm giác bình yên đến lạ. Không cầu kì kiểu cách, nơi đây giữ nguyên những vật dụng sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa để bạn thực sự được sống, được trải nghiệm như một người dân Bản Thái”. Hay “Sanh Nhơn Homestay ở Mù Cang Chải đẹp, là một ngôi nhà gỗ xinh xắn theo lối kiến trúc nhà sàn cũ, nép mình trong đồi thông xanh mướt ở Bản Thái. Đứng từ ban công, bạn có thể phóng tầm mắt thả hồn cùng những dải ruộng bậc thang ngút ngàn, lắng nghe tiếng suối róc rách và tiếng chim hót líu lo. Phòng ngủ chủ yếu là phòng tập thể, phù hợp cho các bạn đi du lịch theo nhóm. Ở đây có bãi đỗ xe miễn phí, dịch vụ tiện nghi đầy đủ, mở cửa 24/24”. Mới đây, Làng văn hóa du lịch cộng đồng Homestay Kim Nọi đạt chuẩn OCOP 4 sao đã chính thức ra mắt theo Quyết định công nhận số 3417- ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh Yên Bái gồm 16 thành viên hộ gia đình. Theo đó, Làng văn hóa có Ban quản lý điều hành, có phương án hoạt động kinh doanh du lịch. Như vậy đồng nghĩa với việc khách đến luôn có chỗ nghỉ đầy đủ, được tận hưởng các dịch vụ, không để xảy ra tình trạng chặt chém. Và việc ra mắt Làng văn hóa du lịch cộng đồng Homestay Kim Nọi đạt chuẩn OCOP 4 sao sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, thương mại; mở ra cơ hội trao đổi, giao lưu văn hóa giữa du khách với cộng đồng, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, không chỉ đón tiếp du khách trong dịp diễn ra các lễ hội mà còn tạo thành điểm nhấn thu hút du khách đến lưu trú quanh năm, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ kinh doanh dịch vụ homestay.

Cũng tại buổi làm việc với tổ trưởng dân phố Lò Văn Toàn được biết trong bản hiện có một đội văn nghệ với 10 diễn viên và nghệ nhân, sinh hoạt đều đặn tại Nhà văn hóa thôn. Họ là những diễn viên không chuyên, ngày đi sản xuất và vào  dịp lễ hội hoặc buổi tối theo yêu cầu của khách du lịch lại áo cóm, khăn piêu với vòng dây xà tích bạc trễ mông, điệu đà trong vòng xòe, điệu nhảy. Ngoài ra còn có đội văn nghệ của Đoàn thanh niên, hoạt động thường xuyên là tập các điệu xòe cổ, luyện hát những bài dân ca và ca khúc mới. Đây sẽ là hạt nhân tiếp tục phát huy giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Đi theo dịch vụ này còn có 2 hộ đầu tư mua sắm bộ tăng âm, đèn chiếu hiện đại phục vụ biểu diễn. May sao hôm đó chúng tôi được mời dự khán chương trình “cây nhà lá vườn” theo đề nghị của đoàn du khách nước ngoài. Mở đầu là tiết mục chào đón xuân sang. Tiếng hát thiết tha của tốp sơn nữ eo thon lưng ong hòa cùng tiếng trống, tiếng khèn và tiếng đàn tính tẩu khiến giai điệu khúc dân ca “Inh lả ơi/ Sao noọng ời/ Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời/ Mùa xuân đến ngàn hoa hé cười/Inh Lả ơi/ Sao noọng ơi!” ngân vang khắp bản. Rồi các làn điệu múa: Hoa ban nở, kéo tơ dệt lụa, múa sạp… và vòng xòe đoàn kết. Hơi thở của mùa xuân, của đất trời như thúc giục mọi người tay nắm tay siết chặt; để rồi lòng người chếnh choáng trong men say tình người vùng cao khi đất trời vào xuân. Với tôi, từng đi và đắm mình cùng múa mỡi của đồng bào Mường Hòa Bình; vũ điệu Chăm pa của tộc người Chăm Quảng Nam, Ninh Thuận hay mô phỏng săn bắt, hái lượm của người Lạch tỉnh Lâm Đồng… lại càng vui mừng khôn xiết khi chứng kiến sự thăng hoa của văn hóa quê mình. Và rồi cùng với nhiều tiềm năng để phát triển từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm thì các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng Homestay Kim Nọi của huyện Mù Cang Chải đã và đang góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế du lịch- một lĩnh vực quan trọng của Yên Bái hiện nay.

T.Q

 

 

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter