• CN,11/5/2025, 08:46:07
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Sùng Đô- Hành trình hạnh phúc
Ngày xuất bản: 28/04/2025 1:32:54 SA

Ký của NGUYỄN TÂM

 

Ngược miền Tây những ngày cuối tháng ba, vốn chỉ mong được thưởng chút khí xuân còn sót lại, thế nhưng mảnh đất Văn Chấn- Mường Lò lại khiến tôi vô cùng bất ngờ khi mùa xuân nơi đây như vẫn còn tươi mới với ngập tràn sắc hoa và nắng. Còn chưa kịp thôi phấn khích bởi được thỏa mắt ngắm những thảm hoa, những con đường hoa rực rỡ của chị em phụ nữ Văn Chấn thì tôi như được lạc vào miền cổ tích khi đi dưới cả bầu trời ban trắng Mường Lò; rồi lại thêm mê mải, ngỡ ngàng với sắc hồng của đào phai e ấp trong sương núi khi lên với Sùng Đô. Gặp lại sau hơn hai mươi năm, Sùng Đô còn khiến tôi bất ngờ hơn nữa khi hoàn toàn xóa tan ký ức trong tôi về một mảnh đất xa xôi, nghèo khó.

Không cần đến 20 năm, mà chỉ 5 năm về trước, Sùng Đô vẫn còn là xã vùng cao, vùng sâu xa vợi; là vùng đất ít được khám phá và xa lạ với ngay cả người dân trong huyện Văn Chấn. Bởi địa thế, địa hình núi non cách trở, đường sá đi lại quá khó khăn cùng với 98% dân số là đồng bào dân tộc Mông, dù trụ sở xã xưa kia ở tận đỉnh Giàng Pằng cũng cách đường quốc lộ chẳng bao xa mà Sùng Đô vẫn gần như tách biệt hẳn với bên ngoài. Đồng bào Mông xưa nay vốn có tập quán sinh sống ở vùng núi cao, lao động sản xuất dựa vào đồi nương và đời sống sinh hoạt chủ yếu là tự cung, tự cấp; lại thêm đường sá đi lại khó khăn, đường núi hiểm trở, xa cách nên hiếm khi giao lưu với bên ngoài. Sự quần tụ và sống tách biệt đã tạo nên những nét bản sắc trong văn hóa truyền thống, nhưng cũng khiến họ quẩn quanh với cuộc sống đói nghèo và những hủ tục lạc hậu.

Bao năm qua, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại như một tập quán cố hữu trong vùng đồng bào Mông cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi; trở thành vấn nạn nhức nhối không chỉ của riêng Yên Bái. Trước năm 2020, chỉ trong 5 năm (2015- 2020) mà toàn tỉnh Yên Bái có tới 2.381 người tảo hôn. Trong đó, tảo hôn từ nữ giới chiếm tới hơn 50% và chủ yếu là đồng bào Mông. Bởi những quan niệm, phong tục lạc hậu, đồng bào Mông luôn cho rằng con gái sinh ra chỉ để làm vợ, làm mẹ; con trai lớn lên phải lấy vợ sớm để có người làm việc, sinh con cho gia đình, dòng họ; rằng người trong cùng dòng tộc phải lấy nhau để bảo tồn nòi giống, để dòng dõi, nòi giống của dòng họ mình không bị lai tạp... Rồi cuộc sống khó khăn, đói nghèo, sự cách trở về địa lý, chênh lệch về trình độ nhận thức khiến họ ít được giao lưu, học hỏi, chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, nâng cao dân trí, nhận thức về pháp luật, nhất là những người phụ nữ, nên không khuyến khích con em đến trường. Để rồi, cứ thế lưu truyền từ đời này qua đời khác, những cô gái Mông chỉ vừa tròn 13, 14 tuổi đã phải nghỉ học, ở nhà đi lấy chồng mà không biết được những hệ lụy khôn lường mà họ phải gánh chịu. Họ không nhận thức được rằng việc kết hôn sớm sẽ khiến họ mất đi cơ hội học tập; những cô gái lấy chồng, sinh con sớm sẽ khiến sức khỏe của bản thân bị ảnh hưởng do cơ thể chưa phát triển, chưa hoàn thiện cả về trí lực và thể lực, chưa có kinh nghiệm làm vợ, làm mẹ; những chàng trai lấy vợ khi tuổi đời còn quá trẻ chưa đủ kinh nghiệm, chưa có việc làm đã phải lo toan cuộc sống gia đình nên cuộc sống cứ mãi quẩn quanh với đói nghèo. Ấy là còn chưa kể đến việc họ chưa hiểu biết nhiều về kiến thức nuôi dạy con cái cũng như nhận thức về trách nhiệm, bổn phận của những người làm cha, làm mẹ nên chưa biết cách ứng xử với nhau, dẫn đến mâu thuẫn, thậm chí ly hôn. Với những cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống có thể sinh ra những đứa con bị dị dạng hoặc có nguy cơ mắc các bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, nhất là bệnh tan máu bẩm sinh rất cao, dẫn đến tàn phế suốt đời... Những điều này không phải chỉ là lý luận suông, mà chính là những câu chuyện thực tế mà tôi từng được gặp, được nghe trong những lần đi thực tế ở vùng cao Văn Chấn, Trạm Tấu hay Mù Cang Chải. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh bởi ánh mắt đượm buồn của những người phụ nữ có số phận, mảnh đời éo le do hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn gây ra.

Lần này trở lại Sùng Đô, trong những thông tin chia sẻ từ Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Giàng A Lứ và các cán bộ xã, thôn tại cơ sở, điều làm tôi thấy vui mừng, hào hứng muốn được nghe nhất lại không phải là chuyện về những con đường mới mở hay phong trào phát triển kinh tế của địa phương, mà chính là chuyện Sùng Đô đã đẩy lùi hoàn toàn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trước đây, Sùng Đô vốn là một trong những điểm nóng của huyện, của tỉnh về vấn nạn này. Chỉ với con số thống kê “không đầy đủ” mà xã thống kê được thì hàng năm luôn có ít nhất 10 cặp vợ chồng tảo hôn và Trạm Y tế xã đón, khám thai và đỡ đẻ cho ít nhất từ 3 đến 4 bà mẹ “trẻ con” chưa đầy 15, 16 tuổi. Thống kê không đầy đủ không phải bởi cán bộ xã làm việc qua loa hay tắc trách, mà bởi tập quán của đồng bào Mông xưa nay vẫn luôn cho rằng chuyện cưới gả, sinh con là việc riêng của họ nên không khai báo với chính quyền địa phương, ngay cả khi có người chết cũng không báo tử. Thậm chí cũng vì quan điểm lạc hậu mà có những cặp đôi mang thai khi chưa đủ tuổi kết hôn vì gia đình muốn giữ giống nòi khi con trai, con gái họ ở độ tuổi trẻ nhất, chờ để đẻ con rồi khi đủ tuổi mới tổ chức lễ cưới thì không tính được là tảo hôn, nên không thể thống kê. Để xảy ra tình trạng tảo hôn không thể kiểm soát như vậy cũng không phải do các anh bỏ mặc làm ngơ.

Nhớ về quá khứ, anh Lứ không ngần ngại giãi bày nỗi niềm ưu tư với tôi rằng ngày trước, với hơn 2.200 nhân khẩu, gần 350 hộ người Mông sống phân bổ ở 5 thôn bản, trong đó 2 thôn xa nhất là Giàng Pằng và Làng Mảnh; đa phần cán bộ xã cũng đều là người Mông nên các anh hiểu rất rõ tập tục của đồng bào mình. Anh bảo: “Quan niệm của người Mông ngàn đời nay vẫn thế, vì tuổi thọ không cao nên họ luôn mong con cái lấy vợ, lấy chồng sớm để có con đàn cháu đống, cháu chắt lớn lên không phải mồ côi cha mẹ”. Ngày ấy, những việc có thể làm để khuyên bảo, giáo dục, thậm chí răn đe, các anh đều đã làm, nhưng phần vì kinh nghiệm của chính các anh còn hạn chế; phần vì trình độ, kiến thức của bà con hạn hẹp mà những tư duy, quan niệm và nếp sống lạc hậu như cái rễ đã đâm sâu, bám chắc vào tiềm thức của họ nên mọi cố gắng đều không mang lại hiệu quả, các anh không thắng nổi cái “lý” của chính đồng bào mình.

Sau năm 2020, kể từ khi Sùng Đô được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thôn, bản vùng cao như Giàng Pằng, Làng Mảnh tuy vẫn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có Internet nhưng đường sá đi lại đã dễ dàng hơn, khoảng cách về không gian, địa lý đã được kéo lại gần hơn, giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con dần được cải thiện, cũng phần nào tác động đến tư duy, cách nghĩ của họ. Nhất là từ khi Kế hoạch số 191-KH/TU ngày 18/4/2020 về thí điểm việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 3 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Văn Chấn được triển khai, cùng với rất nhiều chương trình, dự án, đề án của Trung ương, của tỉnh, của huyện được tập trung đưa về các xã vùng cao đã tạo điều kiện, động lực cho các địa phương. Giống như nhiều địa phương trong huyện, trong vùng, Sùng Đô đã tranh thủ vận dụng những chính sách từ các chương trình, dự án; thay đổi cách nghĩ, cách làm và đặt ra cho mình những kế hoạch, mục tiêu riêng để thực hiện, quyết tâm đẩy lùi, xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Qua câu chuyện của Chủ tịch xã Giàng A Lứ, những chia sẻ của Phó Chủ tịch Hờ A Bùa và cán bộ Tư pháp Giàng A Lồng, cũng như qua những điều được “mục sở thị” tại cơ sở giúp tôi cảm nhận rõ sự nỗ lực, quyết tâm của các anh. Thời điểm đó, cùng với việc tìm đến sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các cơ quan, ngành, đoàn thể của tỉnh, của huyện để tìm hướng đi, tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương, Sùng Đô đã nhanh chóng đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ xã chỉ tiêu cụ thể về việc giảm tỷ lệ tảo hôn, đồng thời đưa ra những quy định về việc cán bộ xã, thôn, bản không được đi dự đám cưới tảo hôn, hướng dẫn các thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước có những điều quy định cấm tảo hôn. Mở các đợt truyền thông cao điểm tại các thôn bản, nhất là các thôn bản vùng cao, xã tập hợp thành đội với đầy đủ các thành phần, từ cán bộ mặt trận, tư pháp, nông dân, công an, thanh niên, phụ nữ rồi cả cán bộ y tế và giáo viên. Hành trang các anh mang theo không chỉ có tài liệu tuyên truyền mà còn cả lương thực, thực phẩm đủ cho đội ăn trong năm bảy ngày. Lên bản ai làm việc nấy, cán bộ mặt trận, tư pháp thì đi thăm hỏi, tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục, thay đổi tư duy, xây dựng nếp sống mới văn minh; cán bộ Hội Nông dân thì vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, chỉ cho bà con cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng; Đoàn thanh niên thì gặp giỡ các bạn trẻ, tuyên truyền để các bạn mạnh dạn làm ăn, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, đem những kiến thức học được từ trường lớp, từ xã hội về tuyên truyền, giúp đỡ bà con trong bản, làm trụ cột cho gia đình; cán bộ y tế thì tranh thủ thăm khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người già, trẻ nhỏ; cán bộ Hội phụ nữ thì hướng dẫn, động viên các chị em hội viên và cán bộ Hội ở cơ sở, tuyên truyền vận động chị em không sinh con thứ 3, kế hoạch hóa gia đình, biết chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình, con cái, vệ sinh nhà cửa, sắp xếp việc nhà, việc đồi nương cho hợp lý; các thầy, cô giáo đến từng nhà vận động bà con cho con em mình đến trường, động viên, khuyến khích học sinh ra lớp… Mỗi người một mục tiêu, một nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng hỗ trợ, phối hợp lẫn nhau; miệng nói, tay làm, cầm tay chỉ việc, cùng nhau giúp bà con từ việc dọn dẹp nhà cửa, ruộng vườn, chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

 Sự quyết tâm, nỗ lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã mang lại những kết quả đáng mừng cho Sùng Đô. 2 năm trở lại đây, ý thức pháp luật, hành vi trong hôn nhân và gia đình của đồng bào Mông nơi đây đã dần thay đổi, nhất là từ năm 2024 đến nay, Sùng Đô đã không còn phát sinh trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nào. Tôi còn nhớ nét mặt rạng ngời và vẻ hào hứng của thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sùng Đô Bùi Quốc Đông khi chia sẻ câu chuyện về hoạt động và kết quả giáo dục của nhà trường trong chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thầy bảo, ngày trước tình trạng tảo hôn khiến học sinh có tư tưởng bỏ học về nhà lấy chồng hoặc có thai trước hôn nhân, nghỉ học về sinh con rất nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Khi ấy việc phải lên bản, lên rừng hoặc đến từng nhà tìm, khuyên bảo, vận động học trò ra lớp trở thành nhiệm vụ quan trọng, vất vả ngang bằng, thậm chí còn hơn cả công tác giảng dạy. Nhưng nay thì đã hoàn toàn khác. Chấm dứt được tình trạng tảo hôn, các em học sinh đến trường đều hơn, chăm chỉ, chú tâm vào việc học nhiều hơn.

Vốn là người luôn đặt nhiều tâm huyết vào sự nghiệp giáo dục ở vùng cao, ngày mới chuyển về công tác, thầy Đông không khỏi ngậm ngùi, lo lắng trước thực trạng buồn của Sùng Đô. Trường có 660 học sinh thì tất cả đều là học sinh dân tộc Mông sống rải rác trên những ngọn núi, học sinh xa nhất cách trường tới 27km đường đồi núi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 80%. Với tỉ lệ chuyên cần ở mức rất thấp, học sinh chán học thường xuyên bỏ tiết, trốn học, nghỉ học; đặc biệt vào đầu năm học, sau các kỳ nghỉ lễ, ngày đầu tuần, cuối tuần, ngày mưa, ngày mùa, học sinh lại nghỉ học nhiều hơn; hàng năm có nhiều học sinh bỏ học ngang chừng; học sinh đến trường đa số không có đủ sách giáo khoa, không có vở viết, dù đi học nhưng áp lực từ gia đình, áp lực học tập nên luôn thiếu tự tin; lớp học hầu hết không có thiết bị hỗ trợ giảng dạy… Khi tiến hành khảo sát chất lượng giáo dục thì kết quả Sùng Đô có chất lượng thấp nhất trong toàn huyện, nhiều học sinh chưa đọc thông viết thạo, chưa biết làm toán, cá biệt còn có cả học sinh mù chữ. Năm học đầu tiên nhận công tác tại trường, thầy Đông bàng hoàng khi chỉ trong một năm học mà có tới 7 học sinh nữ tảo hôn. 7 cặp vợ chồng trong độ tuổi học sinh, vợ 14 đến 15 tuổi, chồng 16 đến 17 tuổi, có cặp vợ chồng được hai bên bố mẹ cưới cho vào dịp trong hè, sau tết; có cặp không tổ chức cưới mà chỉ về ở với nhau; có em lấy chồng cùng thôn nhưng có em theo chồng sang xã khác. Đa số các cặp vợ chồng về ở bên nhà chồng theo phong tục truyền thống, trong số đó có cặp vợ chồng được bố mẹ cho ở riêng trong cái lán đơn sơ bên một sườn núi. Trước tình hình đó, thầy Đông cùng đội ngũ lãnh đạo nhà trường đã nghiên cứu, vận dụng thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện, của Sở GD&ĐT, và phòng GD&ĐT về việc triển khai công tác giáo dục, tuyên truyền đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất nhập cảnh trái phép. Từ đây, cùng với việc tìm kiếm nguồn đầu tư, kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân để khắc phục điều kiện cơ sở vật chất trong thời gian ngắn nhất, thầy Đông đã cho lập ra các nhóm học sinh lớp 8, 9 cùng cô giáo phụ trách xuống thôn tiến hành khảo sát tìm hiểu nguyên nhân tảo hôn; từ đó tìm ra các giải pháp phù hợp với thực tế. Công tác tuyên truyền là nhiệm vụ đầu tiên với nhiều giải pháp được thầy đưa ra như: “Đẩy mạnh tuyên truyền do học sinh làm chủ, thầy cô làm huấn luyện viên cho các nhóm học sinh xây dựng nội dung tuyên truyền hướng tới đối tượng học sinh, giúp chính các em thấy được tác hại của nạn tảo hôn; kết hợp với chính quyền địa phương đã xây dựng mô hình “Gia đình, dòng họ, thôn không tảo hôn”; “Tuyên truyền thông qua tích hợp vào môn học”, xây dựng nội dung tuyên truyền tích hợp vào hoạt động giáo dục như sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần, ngoại khóa, phối hợp với công an, y tế thực hiện chương trình truyền thông cho học sinh và phụ huynh. Nhưng muốn phát huy tối ưu hiệu quả của tuyên truyền thì việc trước mắt là phải thu hút, tạo động lực khích lệ các em tới trường. Để làm được điều đó, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp như thi văn hóa, văn nghệ, thể thao, vẽ tranh kể chuyện; Thi sân khấu hóa, vẽ tranh, viết bài tìm hiểu tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tìm hiểu tổng đài bảo vệ trẻ em, tập xử lý tình huống tảo hôn…; Thành lập tổ tư vấn tâm lý, học sinh lười học, chán học, trốn học, phụ huynh không quan tâm đến việc cho con đi học đã được tổ tư vấn giúp đỡ tư vấn. Những học sinh ở xa được nhà trường tặng cặp lồng để mang cơm đến trường, thầy cô tổ chức cho các em ăn cơm trưa, ngủ trưa tại lớp để chiều tiếp tục học tập. Tổ chức thi đua khen thưởng theo tuần, tháng, học kỳ và cuối năm học; tiêu chí thi đua hướng tới duy trì sĩ số, khích lệ học sinh chăm chỉ học tập. Nhà trường cũng chia nhóm thầy cô hướng dẫn học sinh tự học ở nhà, ở khu bán trú thu hoạch sản phẩm học tập của các em thông qua các trò chơi học tập có trao thưởng khích lệ các em học sinh. Từ việc áp dụng triển khai đồng bộ các giải pháp ấy mà chỉ sau một năm học, nhà trường đã duy trì sĩ số trên 97%, chất lượng học sinh, kết quả khảo sát chất lượng các lớp cuối cấp được nâng lên so với các năm học trước và quan trọng hơn cả là đã góp phần cùng chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương đẩy lùi được nạn tảo hôn.

Lại nhớ hôm theo anh Giàng A Lồng- cán bộ Tư pháp xã lên Giàng Pằng, dù không phải leo bộ cả ngày trời như xưa, nhưng tôi vẫn phải lấy hết can đảm, dũng khí đánh đu sau lưng anh Lồng để con ngựa sắt đưa chúng tôi ngược núi. Giữa không gian thơ mộng của mảnh đất mù sương cheo leo nơi đỉnh núi, tôi đã được gặp, được nghe và cứ mãi ấn tượng với những câu chuyện và những con người hồn hậu nơi đây. Hào hứng đưa chúng tôi đi thăm để giới thiệu vườn chè shan cổ thụ mấy trăm năm tuổi, Nhà A Ga kể về quá khứ, hiện tại và những dự định tương lai của nhà mình. Ông Ga bảo, ngày trước không có kiến thức nên lấy vợ còn quá trẻ, sinh con nhiều. Đến khi con vừa lớn, chỉ lo mình già không có cháu khóc tang, lo các cháu lớn không còn cha mẹ nên bắt các con lấy vợ, lấy chồng sớm (Gia đình ông Ga có 6 người con thì 5 đứa đã có gia đình, đứa nào cũng có 3- 4 con rồi. Năm nay ông 50 tuổi mà cháu nội lớn nhất đã 14- 15 tuổi). Các con ông không được học hành nhiều, đứa học cao nhất cũng chỉ hết lớp 6 rồi về lấy chồng, sinh con nên cuộc sống khó khăn, bố mẹ không đủ tuổi đăng ký kết hôn, con cái sinh ra không khai sinh được nên đủ tuổi mà vẫn không được đến trường. Bây giờ khác rồi. Đảng và Nhà nước quan tâm mở cho đường đi thuận tiện; cán bộ xã giúp đỡ, chỉ bảo nhiệt tình nên biết làm ăn, vườn chè truyền từ nhiều đời nay để lại cho thu hoạch, thương lái mua tận nơi nên đời sống ấm no. Trong nhà còn một đứa con gái út năm nay 16 tuổi, ông Ga sẽ cho đi học để bằng bạn bằng bè chứ không để nó lấy chồng sớm nữa.

“Giàng Pằng cao chín tầng mây”- Nhà văn Tô Hoài bảo thế, mà lên được đến nơi tôi cũng thấy đúng thật là thế. Giàng Pằng vẫn là nơi cao, xa, vẫn sương núi gió bấc, ban ngày dù nắng mây vẫn sà trước mặt. Đồng bào Mông ở Giàng Pằng vẫn thật thà, chất phác và quý người, nhưng họ không còn chỉ biết lên nương phát cỏ, thả ngô, vào rừng bẫy chuột, bắt cáo, ăn rêu đá, mà đã biết trồng lúa nước; biết trồng quế, chăm sóc, phát triển và chế biến các sản phẩm từ cây chè shan cổ thụ; biết chăm sóc, nuôi dạy con cái nên người; nhất là họ đã bỏ đi những hủ tục lạc hậu, không còn tảo hôn, không còn hôn nhân cận huyết thống, không sinh nhiều con như xưa nữa. Tại thời điềm này, Giàng Pằng, Làng Mảnh vẫn chưa có điện lưới quốc gia, vẫn chưa có mạng internet nhưng nếp sống đã tiến bộ hơn xưa rất nhiều. Người Mông nơi đây không còn sống thu mình nơi bản nhỏ, mà đã bắt đầu vươn mình ra khỏi lớp sương mù để tiếp thu kiến thức, khoa học, văn minh; để giao lưu kinh tế, văn hóa với đồng bào miền xuôi. Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nơi đây tuy đã được đẩy lùi mà chưa thực bền vững. Song với quyết tâm chính trị cao của tập thể Đảng bộ, chính quyền xã; với sự chung tay vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân, tin tưởng rằng Sùng Đô sẽ đạt được mọi mục tiêu đề ra; người Sùng Đô sẽ chạm tới đích trong hành trình vun trồng hạnh phúc.

                                                                                                  N.T

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter