• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Văn học Yên Bái 2023- Những dấu ấn đẹp
Ngày xuất bản: 14/02/2024 9:49:24 SA

MINH NGỌC

 

Văn học nghệ thuật với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, trong nhiều năm qua luôn đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc thông qua các Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ chính trị khóa VI; Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X; Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”... Trong đó Văn học luôn được nhắc đến như giá đỡ xương sống với 02 thành tố cấu thành là Văn xuôi và Thơ.

Năm 2023 khép lại với nhiều hoạt động văn học nghệ thuật sôi nổi, toàn diện. Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái ngoài vai trò là mái nhà chung của văn nghệ sĩ Yên Bái còn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của 01 cơ quan báo chí chính thức của tỉnh, xuất bản 03 ấn phẩm (Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, Văn nghệ Yên Bái vùng cao và Trang Văn học nghệ thuật Yên Bái điện tử). Có được kết quả đáng ghi nhận đó không thể không kể đến sự đóng góp của hai chuyên ngành Văn xuôi và Thơ.

Trong 09 chi hội chuyên ngành trực thuộc Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái, Chi hội Văn Xuôi và Thơ là 02 trong số các chi hội mạnh, có số lượng hội viên đông, hoạt động sôi nổi và đạt nhiều kết quả trong năm 2023.

Với hơn 60 hội viên thuộc chuyên ngành văn học (30 hội viên Chi hội Văn xuôi;  trên 30 hội viên Chi hội Thơ), trong đó có 07 hội viên trung ương (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) (05 nhà văn, 02 nhà thơ), còn lại là Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái. Trong đó thật đáng quý có nhiều tác giả vừa sáng tác văn xuôi, vừa sáng tác thơ. Ngoài ra còn có hơn 20 tác giả thơ Hội viên Hội người yêu thơ Việt Yên Bái cũng tham gia sinh hoạt chuyên môn cùng chi hội Thơ hàng tháng.

Trong năm, nhiều hội viên cao tuổi sức khoẻ yếu, hạn chế điều kiện đi lại, hầu hết hội viên sinh hoạt một lúc hai ba chi hội; một số hội viên cư trú ngoài tỉnh, ít tham gia sinh hoạt thường xuyên song các tác giả luôn tích cực sáng tác, có tác phẩm đăng tải thường xuyên trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, Văn nghệ Yên Bái vùng cao. Bình quân mỗi số Tạp chí đăng tải từ 10 đến 15 bài thơ, 10 đến 13 bài ký, truyện ngắn, giới thiệu trao đổi. Văn nghệ Yên Bái vùng cao đăng mỗi số từ 3 tới 5 bài thơ; 07 đến 10 bài ký, truyện ngắn, giới thiệu trao đổi của các tác giả Yên Bái. Như vậy, trong năm 2023 có gần 200 bài thơ và khoảng 250 bài ký, truyện ngắn, giới thiệu trao đổi mới sáng tác của các tác giả văn học Yên Bái đăng tải trên các ấn phẩm của Hội, chứng tỏ năng lực, đam mê và trách nhiệm sáng tác rất lớn của các tác giả.

Ngoài việc đăng tải tác phẩm trên các ấn phẩm của Hội, nhiều tác giả còn có tác phẩm đăng tải trên Báo Yên Bái, Tập san Người làm báo của Hội Nhà báo. Các tác giả Ngọc Bái, Phạm Quỳnh Loan, Nguyễn Ngọc Yến, Nông Quang Khiêm, Hoàng Kim Yến, Nguyễn Thị Tâm, Thế Quynh, Hà Ngọc Anh, Dương Thu Phương... có tác phẩm đăng trên Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Thời báo Văn học nghệ thuật Việt Nam, Văn nghệ Công an, Người Hà Nội và một số tạp chí trung ương, địa phương khác.

Năm 2023, các tác giả văn học Yên Bái bằng đam mê, tâm huyết, trách nhiệm và nỗ lực cá nhân đã góp thêm một bông hoa đẹp trong vườn hoa văn nghệ đa sắc, với những hoạt động nổi bật như sau:

Xuất bản nhiều đầu sách

Năm 2023 ngoài việc viết các tác phẩm, bài viết riêng lẻ gửi cộng tác các báo, tạp chí, tham dự các cuộc thi; các tác giả còn ấp ủ sáng tác các tập sách, công trình cá nhân. Trong năm tổng cộng có 18 tập sách văn học được xuất bản, trong đó có 11 tập văn xuôi được công bố (9 tập xuất bản cá nhân, 02 tập do hội viên chủ biên) và 7 tập thơ được xuất bản. Ngoài ra còn có 4 bản thảo văn xuôi được hoàn thành, chưa kể việc hội viên in chung nhiều tác phẩm cho thấy hoạt động sáng tác văn học tuy âm thầm, bền bỉ nhưng không kém phần sôi nổi.

Trong số 11 tập văn xuôi được công bố có 06 tác phẩm gửi tham dự giải thưởng VHNT Yên Bái năm 2023 với nhiều thể loại: tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tiểu luận- trao đổi, sưu tầm văn hóa dân gian…. Trong đó có thể kể đến một số tập sách tiêu biểu như: Tiểu thuyết “Tằng Cẩu”- NXB Hội Nhà văn của Nhà văn Hoàng Thế Sinh; “Gió mây vần vũ”- NXB Hội Nhà văn của Nhà văn Nông Quang Khiêm; “Ai là nghệ sỹ” - NXB Hội Nhà văn của tác giả Hoàng Kim Yến. Mỗi tập sách là một thông điệp, hướng tới một nhóm độc giả cụ thể, mang tính giáo dục cao. Nếu “Tằng Cẩu” khai thác tập tục đẹp trong văn hoá của đồng bào Thái, ca ngợi những giá trị cao quý của con người và là lời cảnh báo mạnh mẽ về sự băng hoại nếu không chú ý giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thì “Gió mây vần vũ” lại là những thông điệp nhẹ nhàng, sâu sắc về triết lý cuộc sống; tình yêu, tình người được hiện lên rõ nét, thấm đẫm tính nhân văn, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Riêng “Ai là nghệ sỹ”- Một tập sách hiếm hoi dành cho lứa tuổi mẫu giáo lớn và học sinh tiểu học- một đối tượng rất khó viết lại đậm tính nhân ái, yêu thương, chân thực, nhẹ nhàng, tâm lý lứa tuổi. Những tập sách được công bố đã thu hút sự quan tâm và tạo được ấn tượng đẹp với đọc giả.

Với chuyên ngành Thơ, 07 tập Thơ được công bố đều tham dự giải thưởng VHNT Yên Bái năm 2023. Với chất lượng khá, chủ đề phản ánh phong phú, bút pháp đa dạng, nội dung tư tưởng tốt, lành mạnh, tích cực, bám sát vào thực tiễn cuộc sống và những vấn đề nhân bản; các tập thơ đã tạo thiện cảm đối với Hội đồng Giám khảo. Tìm tòi cách thể hiện mới, sáng tạo về ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ và cá tính sáng tạo; “Giấc mơ hoa Chi Pâu”, NXB Hội Nhà văn của Nhà thơ Phạm Quỳnh Loan tập trung viết về đề tài miền núi, khắc họa địa danh, cảnh vật, con người miền núi (Em đi tìm hoa Chi Pâu/ Hoa ở đâu/ Tím hoang dã mê dụ Tà Chì Nhù/ Ban sơ Xà Hồ/ Tím thủy chung như cái bụng người Mông thẳng ngay ruột núi… (Giấc mơ hoa Chi Pâu); Mắc pém dậy thì/ Mắt chan mắt mà say; Núi buộc núi/ Mây buộc mây/ Khúc Páo dung buộc chàng trai Dao ở rể (Bình minh trên đỉnh Phia Oắc); Anh muốn đổi tên Thác Bà thành thác em/ Cho lòng hồ trẻ mãi… (Tiếng vọng Thác Bà)…). Với bút pháp phóng khoáng, ngôn ngữ thơ tự do, không bị gò bó, hình tượng thơ khá sinh động, bay bổng, cảm xúc, hình ảnh thơ đẹp của “Mây bay trên đỉnh Tà Xùa”, NXB Hội Nhà văn của tác giả Ngọc Chấn, đất và người Yên Bái được tác giả khắc họa từ nhiều bình diện địa lý, lịch sử, văn hóa tộc người (Anh lạc vào thung lũng ngàn mây/ Liệu có đường mây nào cho anh lời hẹn… Gặp cơn mưa cuối mùa/ Nghe tiếng khèn vắt ngang sườn núi/ Anh đợi em/ bồng bềnh mây trắng… (Mây bay trên đỉnh Tà Xùa); Bình minh mở cửa gió ngàn/ Anh đi trong miên man/ Chếnh choáng men say tiếng khèn gọi bạn… (Nà Hẩu)). Bằng hồn thơ chân tình, đằm thắm, tha thiết ở “Ngôi nhà của mẹ”, NXB Hội Nhà văn, tác giả Bùi Thị Kim Cúc lại thể hiện sự suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc sống, về nhân tình thế thái, nặng nghĩa, nặng tình, xúc động. Ẩn chứa trong các hình ảnh thơ là những nỗi niềm có thực của tác giả, không hề lên gân, cường điệu (Bài toán cuộc đời là em hãy cho đi/ Mà có thể em nhân lên việc tốt/ Cho mọi người chính là cho em đó/ Em đổi thay, thế giới cũng chuyển mình (Nếu em có thể))Các tập thơ “Rẽ vào ngày xưa” NXB Hội Nhà văn, tác giả Hà Ngọc Anh; tập thơ “Dòng sông ưu tư”, NXB Hội Nhà văn, tác giả Nguyễn Thu Hương; tập thơ “Những ngày mưa Yên Bái”, NXB Hội Nhà văn, tác giả Lê Văn Cường; tập thơ “Long lanh giọt sương”, NXB Hội Nhà văn, tác giả Nguyễn Đăng Lộc đều thể hiện sự nỗ lực tìm tòi, đổi mới trong sáng tác, đem lại cho thơ ca Yên Bái một luồng gió mới và nhận được những phản hồi tích cực từ phía hội đồng chấm giải và bạn đọc.

Tích cực tham gia các trại sáng tác, chương trình thực tế sáng tác

Hiểu rõ việc tham dự trại sáng tác, thực tế sáng tác là cơ hội để các tác giả tiếp cận thực tế, tích lũy tư liệu, cảm xúc để hình thành tác phẩm, trong năm 2023, các tác giả văn học Yên Bái mặc dù tuổi cao, sức yếu hoặc bận công tác song rất tích cực tham dự các trại sáng tác, chương trình thực tế sáng tác do Hội phát động hoặc Chi hội tổ chức để nâng cao chất lượng sáng tác. Trong năm các tác giả văn học đã tham dự Trại sáng tác tổng hợp tại Cần Thơ; Trại sáng tác văn học nghệ thuật tổng hợp năm 2023, thực tế tại Yên Bình do thường trực Hội tổ chức. Nhiều tác giả đã tham gia dự thính Trại sáng tác Văn học Trẻ Yên Bái năm 2023 do Hội tổ chức, được nghe Nhà thơ Trần Anh Thái- Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà văn- Nhà lý luận phê bình văn học Ngô Văn Giá truyền đạt, đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm sáng tác quý báu. Đặc biệt trong năm 2023, được sự đồng ý và chỉ đạo của thường trực Hội, Chi hội Thơ Yên Bái đã hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Bên cạnh việc tổ chức sinh hoạt thơ đều đặn vào ngày 12 hàng tháng, Chi hội đã tổ chức được 03 chuyến đi thực tế sáng tác cho các tác giả tại Văn Chấn, Văn Yên và Thị xã Nghĩa Lộ. Cụ thể Chi hội đã kết hợp với Hội Người yêu thơ Việt, tổ chức ngày thơ Việt Nam, Quý Mão- 2023 và thực tế sáng tác tại thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Thượng Bằng La, xã Suối Giàng, Văn Chấn với 17 tác giả tham dự; Thực tế sáng tác tại các xã Nà Hẩu, Đại Phác, Đông An, Quang Minh, Đông Cuông, huyện Văn Yên với 16 tác giả tham dự. Ngoài ra Chi hội còn phối hợp với Hội người yêu thơ Việt Yên Bái và Hà Nội tổ chức ra mắt tác phẩm mới “Men say mùa Tây Bắc” của tác giả An Nhu, Yên Bái, “Thu Hà Nội” của tác giả Thu Hà, Hà Nội; tham dự Hội Xòe Nghĩa Lộ và thực tế sáng tác tại huyện Trạm Tấu. Các hoạt động liên tiếp đó đã thể hiện sự năng động, sáng tạo và tâm huyết của Ban chấp hành Chi hội Thơ Yên Bái. Và sau mỗi trại sáng tác, chuyến đi thực tế đã mang về cho các tác giả nhiều cảm xúc mới, tư liệu mới, tác phẩm mới được công bố. Điều đó thật quan trọng và thật đáng quý.

Phối hợp tổ chức và tham gia nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên môn

Năm 2023 cũng khép lại với rất nhiều dư âm đẹp từ các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên môn. Đặc biệt là hai cuộc hội thảo về hai tác giả cao tuổi: tác giả thơ Lê Ngân và Nhà văn Hoàng Thế Sinh là những dấu mốc không thể quên trong cuộc đời sáng tác của cá nhân các tác giả và hoạt động của 02 Chi hội.

Ngày 14/11/2023, Chi hội Thơ đã phối hợp với cơ quan thường trực Hội tổ chức thành công Hội thảo cho tác giả thơ Lê Ngân ở tuổi 90, với chủ đề “Thơ Lê Ngân- Bài ca thấm đẫm tình đời”. Hội thảo đã để lại ấn tượng rất tốt cho tác giả Lê Ngân cùng gia đình, các tác giả thơ và người yêu thơ. Các tác giả trong Chi hội đã nhiệt tình, tích cực viết bài tham gia hội thảo. Ngay sau Hội thảo tác giả thơ Lê Ngân 11 ngày, dưới sự chỉ đạo của cơ quan thường trực Hội, Chi hội Văn Xuôi đã tổ chức thành công Hội thảo văn học “Nhà văn Hoàng Thế Sinh- Nhà văn và tác phẩm”, người đã xuất bản hơn 20 đầu sách ở nhiều thể loại như: thơ, bút ký, truyện ngắn, truyện ngắn hài, tiểu thuyết… với 13 bản tham luận tâm huyết, có giá trị. Hội thảo đã làm rõ sự đóng góp của nhà văn Hoàng Thế Sinh đối với nền văn học Việt Nam nói chung, Yên Bái nói riêng. Trên cơ sở đó, Hội thảo cũng chỉ ra một số đặc điểm trong tiếp cận hiện thực, xây dựng hình tượng, cá tính sáng tác của nhà văn Hoàng Thế Sinh và khẳng định những thành tựu trong các sáng tác của ông.

Ngoài ra các tác giả chuyên ngành văn học cũng tích cực tham gia các cuộc Hội thảo do Hội Sử học, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, Hội Trường Sơn tỉnh tổ chức. Đặc biệt 02 tham luận đến từ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái được trình bày tại tỉnh Bắc Kạn nhân Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nông Quốc Chấn đã để lại những ấn tượng đặc biệt với các đại biểu tham dự Hội thảo.

Thực tế cho thấy, việc phối hợp tổ chức và tích cực tham sự các cuộc hội thảo chuyên môn của các tác giả văn học Yên Bái không chỉ là cơ hội tốt để quảng bá tác giả, tác phẩm; tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau từ các hội viên mà còn tạo động lực sáng tác, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển.

Đoạt nhiều giải thưởng trung ương và địa phương

Trồng cây, chăm bón là mong đến ngày thu hái. Những quả ngọt đem về cũng thật xứng đáng dành cho các tác giả văn học sau một năm miệt mài nỗ lực. Nhờ tích cực sáng tác và tham dự các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật cấp tỉnh, khu vực và trung ương, trong năm qua, 07 Hội viên Chi hội Văn xuôi đoạt 07 giải cấp Trung ương và khu vực. Trong đó tiểu thuyết Thủ lĩnh rừng già của Nhà văn Hà Lâm Kỳ đoạt giải B, tiểu thuyết Bất khuất Mường Lò của tác giả Trần Cao Đàm đoạt giải C, tập ký "Những vùng đất đi qua" của tác giả Nguyễn Thế Quynh đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021- 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Tại Cuộc thi viết truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ ba tỉnh Yên Bái- Phú Thọ- Lào Cai năm 2023, Nhà văn Nguyễn Hiền Lương đoạt giải C với truyện ngắn “24 bông cúc trắng”, tác giả Bùi thị Kim Cúc và Hoàng Tương Lai đoạt giải Khuyến khích với các truyện ngắn “Bát cơm rang”“Lỡ hẹn với dòng Lam”. Các Nhà văn Hoàng Thế Sinh, Nguyễn Ngọc Yến; Nông Quang Khiêm và các tác giả Hoàng Kim Yến, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Thanh, Dương Thu Phương, Lưu Khánh Linh… đã đoạt giải chính thức tại các cuộc thi cấp tỉnh như Giải báo chí tỉnh Yên Bái năm 2023; giải Búa Liềm Vàng tỉnh Yên Bái năm 2023; Cuộc thi báo chí về chủ đề Dân vận khéo tỉnh Yên Bái năm 2023; Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Văn Yên- miền đất nhớ”…. và hứa hẹn sẽ đoạt Giải thưởng VHNT Yên Bái 2023- Giải thưởng chính thức về Văn học nghệ thuật của Yên Bái.

Với chuyên ngành Thơ, các tác giả đã tham dự và đoạt nhiều giải thưởng đáng biểu dương. Có thể kể đến: 03 Giải thưởng của Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam với tập thơ “Giấc mơ hoa Chi Pâu” của nhà thơ Phạm Quỳnh Loan, giải B (không có giải A), tập thơ “Cây cỏ và hoa” của Nhà văn Nông Quang Khiêm, giải C và tập thơ “Mây bay trên đỉnh Tà Xùa” của tác giả Ngọc Chấn, giải Khuyến khích; 01 Giải C Giải thưởng cuộc vận động sáng tác tác phẩm về học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Trung ương (tập thơ “Cây cỏ và hoa” của Nhà văn Nông Quang Khiêm). Riêng Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề “Văn Yên miền đất nhớ”, các tác giả thơ Yên Bái đã gửi tham dự hàng trăm tác phẩm, trong đó có 05 tác giả xuất sắc đoạt giải (tác giả Phạm Quỳnh Loan đoạt giải A, tác giả Đoàn Đức Bình đoạt giải C, tác giả Phạm Đức Toàn đoạt giải C, tác giả Trịnh Thoại đoạt giải Khuyến khích, tác giả Lý Hoàng Cung đoạt giải Khuyến khích).

Một năm miệt mài sáng tác với nhiều thành tích rất đáng biểu dương cũng cho thấy đam mê gắn liền với hành động, thực tế gắn liền với sáng tác là hai vế bổ trợ, tương hỗ lẫn nhau. Rồi từ đó sáng tác sẽ đi liền với giải thưởng, vừa là khẳng định chất lượng sáng tác, vừa là nguồn động lực để các tác giả chuyên ngành văn học tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho năm sau.

Hơn 60 hội viên là hơn 60 ngòi bút, phong cách khác nhau nhưng chung một niềm đam mê cống hiến, chung một ý nguyện xây dựng tỉnh Yên Bái “Xanh- Hài hòa- Bản sắc và Hạnh phúc”, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng cường thịnh đã góp thêm cho bức tranh văn học Yên Bái nói riêng và văn học Việt Nam nói chung thêm nhiều gam màu đặc sắc. Vượt qua những khó khăn về tuổi cao, sức yếu, những bộn bề công việc, đời sống thường nhật… với tinh thần trách nhiệm cao của những người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và hy vọng về những hoạt động sôi nổi và nhiều thành tựu của Văn học Yên Bái trong tương lai.

 

M.N

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter