NGUYỄN TÂM
Ra đời và trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, trải qua 19 kỳ đại hội, thực hiện công cuộc đổi mới gần 40 năm mà Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh Yên Bái luôn không ngừng phát triển, vững mạnh; tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của mình. 78 năm qua, dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng bộ vẫn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo, phát huy cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết đoán hơn, tự tin, vững vàng và chủ động hơn trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị đặt ra trong mỗi giai đoạn cách mạng, từ đó trưởng thành cả về tư tưởng, tổ chức và trở thành nhân tố quan trọng nhất, khơi dậy và cùng Nhân dân hoàn thành thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển quê hương theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Kì I: Đoàn kết, quyết tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh
Là tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Bắc, với diện tích tự nhiên gần 6.887km2, dân số trên 84 vạn người, Yên Bái có hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới trên 57%. Trong tổng số 173 xã, phường, thị trấn thuộc 9 đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh có tới 59 xã đặc biệt khó khăn. Trải qua quá trình 78 năm gây dựng và phát triển, từ chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên chỉ có 3 đảng viên, đến nay, hệ thống chính trị của tỉnh Yên Bái được xây dựng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Tính đến hết tháng 5/2023, Đảng bộ tỉnh Yên Bái có 12 đảng bộ trực thuộc, 466 tổ chức cơ sở đảng, 2.743 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với gần 60.750 đảng viên. Kết quả thể hiện sự lớn mạnh không ngừng ấy là minh chứng chân thực nhất cho tinh thần và sức mạnh đoàn kết trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh.
Nhận thức sâu sắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vào công cuộc xây dựng và phát triển, sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là từ khi tái lập tỉnh Yên Bái (1991) đến nay, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chú trọng đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương pháp học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên; đồng thời, kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh từng bước xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu, phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kể từ khi thành lập cho tới nay, việc vận dụng chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam luôn được thể hiện rõ nét qua từng kỳ Đại hội và Tỉnh ủy Yên Bái cũng luôn kịp thời cụ thể hóa các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ; đồng thời xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phù hợp với đặc điểm, điều kiện của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhất là trong nhiệm kỳ mới này, sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách bảo đảm toàn diện trên các lĩnh vực thành 11 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; 80 nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 54 nghị quyết, 32 đề án, chính sách của HĐND, UBND tỉnh. Trong đó, điểm nổi bật nhất có thể kể tới là hằng năm đều ban hành Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm với tư duy đổi mới, thể hiện quyết tâm chính trị cao, rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá. Đây chính là bước cụ thể hóa, vận dụng chủ trương, quan điểm của Đảng vào điều kiện của tỉnh, tạo cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong cả nhiệm kỳ 2020- 2025 và những nhiệm kỳ tiếp theo, nhằm cụ thể hoá mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của vùng vào năm 2030 với các tiêu chí cụ thể.
Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thành công và bảo đảm cho sự phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đi suốt chặng đường 78 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, cả hệ thống chính trị đã có trên 60.750 đảng viên, 100% thôn, bản đã có chi bộ bền vững. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, kết hợp với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp được xây dựng vững mạnh, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc. Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trước Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã cho thấy những nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của Tỉnh uỷ Yên Bái trong việc hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Nửa nhiệm kỳ qua, việc quán triệt, cụ thể hoá nghị quyết và công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn được Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức bài bản, khoa học, với hình thức đa dạng, phong phú, đảm bảo tiến độ, chất lượng và phù hợp với từng đối tượng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân như: Biên soạn, phát hành cuốn Văn kiện Đại hội để phổ biến đến từng chi bộ; biên tập tài liệu những nội dung cốt lõi của Nghị quyết đưa vào Bản tin sinh hoạt chi bộ; mở các chuyên trang, chuyên mục trên các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh…
Với tinh thần chủ động, quyết tâm cao nhằm sớm triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều Chương trình hành động cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, định hướng phát triển và các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trên từng lĩnh vực với lộ trình, thời gian đảm bảo đồng nhất, phù hợp với thực tiễn của tỉnh; ban hành kịp thời, đồng bộ, chất lượng 11 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, 53 nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, có nhiều nội dung mới, sáng tạo, mang tính tiên phong và chưa có tiền lệ đã được lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tổ chức thực hiện, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đòi hỏi như Quy định (số 16) về thực hiện văn hóa, đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị tại Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch (số 30) về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái; Kế hoạch (số 37) về xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”… Trong quá trình lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, cùng với việc nghiêm túc tuân thủ các quy định, chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước; kịp thời ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, Đảng bộ đã luôn coi trọng và tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Khởi động bằng Chương trình hành động số 144 (năm 2019), mỗi năm, Tỉnh ủy Yên Bái đều ban hành Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiện vụ theo hướng “Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, với từng chủ đề và phương châm hành động cụ thể, rõ ràng (Chương trình hành động số 190 năm 2020, Chương trình hành động số 18 năm 2021, Chương trình hành động số 56 năm 2022 và Chương trình hành động số 135 năm 2023). Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, không ai đứng ngoài cuộc, Chương trình hành động hằng năm của Tỉnh ủy đã thực sự làm thay đổi nhận thức và tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả tỉnh cũng như của mỗi ngành, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh; tạo được động lực, khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị và có sức lan tỏa, thu hút mạnh mẽ, tạo một luồng sinh khí mới để mọi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi, không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, thay đổi tác phong, lề lối làm việc để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của năm. Thực hiện các Chương trình hành động từ 144 đến 56, trong 4 năm đã có 232 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương, 266 lượt cá nhân người đứng đầu được biểu dương, khen thưởng, tổng kinh phí khen thưởng 39,246 tỷ đồng. Sau mỗi năm, việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị đã ngày càng được hoàn thiện, khoa học, sát thực tiễn hơn, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngày càng rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm; cách đánh giá, chấm điểm, xếp loại khách quan, khoa học; công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương cũng rất kịp thời. Đây chính là thước đo rõ nhất, hiệu quả nhất để đánh giá chính xác trình độ, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, tinh thần tiên phong đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Từ sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, thể hiện sự sáng tạo, đột phá trong phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên với những kết quả ấn tượng có được, các chương trình hành động đã tạo chuyển biến tích cực trên mọi mặt của đời sống xã hội, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, tạo sự đổi thay rõ nét cho quê hương Yên Bái.
Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, sát sao, quyết liệt, hiệu quả các kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng bộ; nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Luôn chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền để đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã có 3.358 tập thể, 2.787 cá nhân đăng ký xây dựng điển hình trên tất cả các lĩnh vực ở 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở), trong đó có 5 tập thể, 6 cá nhân đã được Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen.
Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục được đổi mới, nâng cao, việc nắm bắt, dự báo, định hướng, xử lý các vấn đề tư tưởng, bảo đảm thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội cũng có nhiều tiến bộ và hiệu quả; các cấp ủy luôn quan tâm tuyên truyền, học tập, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành một Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết số 37) về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng mà trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở. Nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện, sau hơn 2 năm đã có 16/25 chỉ tiêu duy trì đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng cao so với trước khi thực hiện Nghị quyết như: Các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh hoàn thành vượt chỉ tiêu kết nạp đảng hàng năm; Số cấp ủy viên cơ sở có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; Số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; Số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên… Kết quả này cho thấy Nghị quyết đã sớm đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tốt. Thực hiện 11 nhóm giải pháp mà Nghị quyết đề ra, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã có những cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cũng từ việc thực hiện Nghị quyết số 37 này mà nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng ngày một nâng lên, có sự chuyển đổi tích cực trong hành động, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung nêu cao tinh thần đoàn kết, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nhất là thực hành tốt trách nhiệm nêu gương, tích cực đổi mới phương pháp, tác phong làm việc, đề cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Cùng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng cũng như công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng bộ tăng cường lãnh, chỉ đạo và nghiêm túc thực hiện. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đã kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới; từ đó, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được nâng cao, góp phần giữ nghiêm kỷ luật đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Quán triệt tinh thần ấy, nhiều năm nay công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh tiếp tục được chú trọng, tăng cường, đổi mới, quan tâm phát huy quyền làm chủ và lợi ích thiết thực của Nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cũng không ngừng được đổi mới, ngày càng hoạt động hiệu quả. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ, chương trình công tác. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới, tham gia hiệu quả vào lãnh đạo, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của UBND các cấp được đổi mới theo hướng dân chủ, minh bạch, quyết liệt, kỷ cương, sâu sát, hiệu quả. Hoạt động của các cơ quan tư pháp tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhân dân được nâng lên. Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội cũng ngày càng được phát huy; nội dung, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, qua đó khơi dậy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển, nỗ lực thực hiện thắng lợi toàn diện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra; quyết tâm đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
N.T
(Kỳ II: Hướng tới mục tiêu xây dựng “Tỉnh hạnh phúc”- Tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân)
Tin khác