Tự bạch- sự mở lòng của nhà văn

PGS-TS Nguyễn Hằng Phương

 

Nhà văn, thường gắn với lời tự bạch, bút danh, chữ ký, bút tích, nhiều khi cả tự truyện hay cảm xúc tản văn nữa. Mỗi ngôn ngữ ấy, đi liền với đời cầm bút, hoặc thời cầm bút của họ. Các văn nghệ sỹ chuyên ngành khác (Âm nhạc, Mỹ thuật, Biểu diễn, Nhiếp ảnh …) cũng có những tự thuật theo nghĩa rộng như vậy dù không nhiều, và không sâu xa. Còn với nhà văn, đó là sự mở lòng của họ. Mỗi động tác trên, dù muốn hay không, vẫn được bạn đọc để tâm theo dõi, thậm trí, cắt nghĩa, lý giải, mổ xẻ từ ngữ, tranh cãi câu chữ, đưa lên diễn đàn… nhất là với các nhà văn từng gây dấu ấn. Đây cũng là sự thiện cảm và ưu ái của bạn đọc, của công chúng đối với văn sĩ. Hà Lâm Kỳ, nhà văn dân tộc Tày (quê ở xã Đại Lịch, Văn Chấn, Yên Bái) không nằm ngoài nhóm tác giả trên.

Tâm sự văn chương.

Nhìn chung, các nhà văn (từ chỉ chung cho giới văn chương) ít ai quan tâm đến thuật ngữ "tự bạch". Vì với họ, không cần biết, và thực sự cũng không cần thiết. Khi đã là văn chương thì để người đọc tự hiểu, tự phán xét, tác giả bộc lộ hay can thiệp, nhiều khi lại là điều dở. Ấy thế nhưng có lúc nhà văn phải làm theo một đòi hỏi nào đó, một yêu cầu chính đáng nào đó như sự kết nối thân thiện để bạn đọc bước lên cây cầu tác giả, đi vào tác phẩm. Bài này nhắc đến ở đây đôi lời "tự bạch" (theo nghĩa rộng) của nhà văn Hà Lâm Kỳ dựa trên một số cuốn sách mà chúng tôi có được.

Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội Nhà văn chủ biên, NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2007 nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết trong lời giới thiệu: "Ở đây, mỗi nhà văn, cùng với một tấm ảnh nhỏ, hoặc một ký hoạ chân dung, được giới thiệu qua các phần: thân nhân, hoạt động xã hội- nghề nghiệp, các tác phẩm được xuất bản, các giải thưởng văn học đã được ghi nhận; và cuối cùng là những lời tâm sự, lời tự bạch (đôi khi là những lời bình giá của bạn đọc được tóm tắt lại).

Trên "nền" đề dẫn đó, Hà Lâm Kỳ "Suy nghĩ về nghề văn: Sinh thời, nhà thơ Nông Quốc Chấn dặn tôi: Mình là người miền núi, mình nên viết về miền núi, về dân tộc. Viết được nhiều, được ít, đều quý. Miễn sao, những gì làm ra, phải giúp ích cho đồng bào mình. Nghe theo lời ông, tôi học đòi viết cho thiếu nhi miền núi. Vẫn biết rằng, chưa thành công, nhưng chắc chắn tôi sẽ không rời bút. Hàng triệu trẻ em vùng cao, dân tộc, còn đó". (Nguồn: Nhà văn Việt Nam hiện đại - NXB Hội Nhà văn, 2007. Trang 503).

Nhắc lại lời tự bạch trên, nhà văn Hà Lâm Kỳ cho biết: Tháng 7 năm 1997, Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo ở Sa Pa, chủ đề, sáng tác về miền núi dân tộc. Nhà văn có bài tham luận sáng tác cho thiếu nhi. Giờ giải lao, nhà thơ Nông Quốc Chấn Chủ tịch Hội, cũng là chủ trì Hội thảo có lời hoan nghênh bài viết ngắn gọn, đi đúng vấn đề mà Hội đặt ra. Hà Lâm Kỳ phân tâm chủ đề miền núi dân tộc quá rộng lớn nên chỉ dám tham luận về đối tượng thiếu nhi. Trầm ngâm giây lát nhà thơ vỗ vai tác giả Hà Lâm Kỳ, người mà ông tin cậy đứng ra giới thiệu kết nạp Hội Nhà văn năm 1993 và nói những lời vừa như tâm sự, vừa như định hướng trên đây. Nhà thơ Nông Quốc Chấn tên thật là Nông Văn Quỳnh sinh năm 1923, quê ở Cao Bằng, lão thành cách mạng. Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông mất đột ngột năm 2002. Nhà văn Hà Lâm Kỳ mở đầu lời bạch (năm 2007) với từ "Sinh thời" còn như một sự trọng nghĩa tri ân. Nhà văn Hà Lâm Kỳ kể:

Năm 1998, đang học thêm chuyên ngành Bảo tàng ở Đại học Văn hoá Hà Nội. Sáng chủ nhật đến "Phố Nhà binh" Mai Hắc Đế thăm Đại tá nhà văn Xuân Thiều người cùng đi Trại sáng tác Đại lải bốn năm trước, bất ngờ gặp Nhà văn Nam Hà Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Quân đội. Nam Hà cười cười, bảo: "May quá, chưa biết liên hệ bằng cách nào thì chú đến!" Rồi ông giao luôn tờ kê khai, hẹn hai ngày nộp". Chiều hôm sau, tôi mải miết đạp xe trở lại Lý Nam Đế. Đại tá Nhà văn Nam Hà, và Đại tá Nhà văn Dương Duy Ngữ đọc xong. Dương Duy Ngữ khen: "Lời bạch hay!". Chỉ mấy tháng sau bộ sách Tổng tập Nhà văn Quân đội ra mắt bạn đọc, trong số 245 nhà văn áo lính, có tên "Hà Lâm Kỳ. I. tác giả- Tác phẩm. II. Tự bạch:

Ngày tôi lên đường nhập ngũ, mẹ tôi bước xuống cầu thang nhà sàn vừa khóc vừa dặn: "Con đi, làmnên cái hay cho mẹ, làm nên cái khỏe cho bố". Khi ra tới cổng, một người làng đến tiễn, lại bảo: Chết thì cho xanh cỏ, sống thì cho đỏ ngực, cháu nhé. Tôi lặng lẽ nhận cái túi thổ cẩm của người chị gái rồi cúi chào hai cúi.

Tháng 10 năm 1974 tôi gửi bài thơ mấy câu lên báo Tây Nguyên và được in trên trang nhất:

Mùa mưa hai đứa hai nơi

Mùa khô hai đứa hai trời xa nhau

Vào mùa cùng một ước ao

Được đì chiến dịch, được vào tung thâm

Khi ấy tôi chỉ là một người yêu thích văn chương.Tôi thầm ơn quân đội, ơn những năm tháng mặc áo lính chiến trường. Chưa ghi được gì nhiều về chiến tranh, đó vẫn là món nợ lớn với quê hương, với đồng bào mình, củamột nhà văn dân tộc thiểu số.

Vâng, tôi chưa ghi được gì nhiều về hai cuộc kháng chiến. Cầu mong những người viết giữa thế kỷ và cuối thế kỷ 21 tiếp tục nói lên cái vĩ đại của cuộc chiến tranh giữ nướcnày. (Nguồn: Tổng tập Nhà văn Quân đội. Kỷ yếu và tác phẩm. NXB Quân đội 1999. Trang 167).

Tháng 3/2005 NXB Từ điển Bách khoa mời Hà Lâm Kỳ cộng tác trang kỷ yếu cho một cuốn sách. Biên tập viên, nhà văn Vân Thanh gọi điện dặn thêm, "Lời bạch mang sắc thái miền núi dân tộc để tác phẩm có thể còn dịch ra nước ngoài". Ngẫm nghĩ cả tháng trời, rồi "Tự bạch" cũng được gửi về Nhà xuất bản đúng hạn.

"Bố mẹ tôi năm 2005 này đều đã ở tuổi 96 nhưng vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Cách đây mười năm, phải rời ngôi nhà sàn lợp cọ ở làng Khe Liền (xã Đại Lịch) ra thành phố sống với các con. Bố tôi khóc, nói: Đi thì đi nhưng bố mẹ không bỏ làng bản được đâu! Truyện dài "Làng nhỏ" của tôi được bắt mạch từ câu chuyện ấy.

Và bố mẹ, chị dâu, chị gái; rồi làng xóm, rồi bạn bè thuở chăn trâu cứ lần lượt xuất hiện với tư cách nhân vật làng quê chân đất, hài hoà với khe suối, với chim thú cây cỏ.

Tôi nghĩ nếu mỗi người viết được một cái gì đó về quê hương để lại cho trẻ em thì chắc quê hương sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí lớp trẻ cho dù chúng lớn lên đi xa".

Các tác giả biên soạn nhận xét: Hà Lâm Kỳ là một trong số ít tác giả viết nhiều về thiếu nhi các dân tộc thiểu số. Anh có vốn sống khá phong phú nên hầu hết các tác phẩm viết cho thiếu nhi của anh mang được sắc thái văn hoá dân tộc. (Nguồn: Tác giả Văn học thiếu nhi Việt Nam. NXB Từ điển bách khoa. Hà Nội, 2006. Trang 427).

Nhà văn Hà Lâm Kỳ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam tháng 1/1996. Ông kể: Lần đầu tiên "Chạm ngõ" Nhà văn là tháng 12/1985 được Hội Văn nghệ tỉnh Hoàng Liên Sơn chọn cử đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ Nhất tại Hà Nội. Năm 1992 truyện dài đầu tay "Kỷ vật cuối cùng" đoạt giải C Hội Nhà văn Việt Nam. Theo gợi ý của nhà thơ Nông Quốc Chấn, Chủ tịch Hội đồng văn học các dân tộc thiểu số, và nhà thơ Phạm Hổ, Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn. Ngày 15/10/1993 ông làm đơn xin vào Hội được đích thân nhà thơ Nông Quốc Chấn, và nhà thơ Ngọc Bái Chủ tịch Hội văn nghệ Hoàng Liên Sơn giới thiệu. Năm 1993 rồi năm 1994, ông đều không đủ số phiếu cần thiết để vượt qua. Năm 1995, đợt bỏ phiếu xét kết nạp đầu tháng 12, Hà Lâm Kỳ quá bán cùng với Trần Hùng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Pờ Sào Mìn, Trần Thiên Hương, Phan Thị Vàng Anh… nhưng phải đến ngày 14 tháng 1 năm 1996 Tổng thư ký Hội Nhà văn- Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mới ký quyết định kết nạp. Ngay từ đầu năm đó, ông được thông báo chuẩn bị một trang kỷ yếu cho cuốn sách "Nhà văn Việt Nam hiện đại" nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957- 1997), và đây là lời "Tự bạch" khai bút đầu tiên của nhà văn.

"Khi tôi lẫm chẫm, mẹ tôi bảo: Con bám theo hàng hiên mà tập đi! Còn chị thì vắt dây đa lên lưng vừa cõng vừa hát: Nhà sàn có cầu thang, bố dặn đừng làm nó mục, đầu hồi, cái máng dẫn nước, lối vào nhà, rửa chân.

Lớn lên một chút nữa, mẹ lại bảo: Con phải biết đọc, biết viết để còn ghi lại những chuyện cổ tích mẹ kể. Chị lại nhắc:- Em ạ, lên nương thắt dao phải thắt cả ớp, lấy củi phải lấy cả đóm. Chị còn nói: làng mình như cái dải áo chàm, ba con dao quăng là hết thôi.

Những sáng tác dầu tay của tôi được gợi ra, nhen nhóm và hình thành từ đấy. Tôi chắc sẽ suốt đời viết về đề tài miền núi và ước sao tất cả những gì trên đất miền núi kia sẽ trở thành những nhân vật thật sống động, thật hồn nhiên trong mỗi tác phẩm của mình". (Nguồn tự bạch: Nhà văn Việt Nam hiện đại. NXB Hội Nhà văn 1997. Trang 353).

Tự bạch cho cuốn sách do Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam chủ biên, nhà văn Hà Lâm Kỳ thổ lộ sự chiêm nghiệm ân nghĩa:

"Trở thành người lớn từ trẻ con. Bây giờ mới có điều kiện ngẫm nghĩ về ngày xưa, ngẫm nghĩ về những kỷ niệm và kỷ vật, về mỗi nét hoa văn, về từng vuông thổ cẩm, và cả về cái làng nhỏ đã nuôi mình.

Tôi viết, và còn viết nhiều cho thanh thiếu nhi miền núi, dân tộc; mối duyên nợ ấy, cũng là để phần nào trả được ơn". (Nguồn: Nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam. Đời Và Văn. NXB Văn hoá dân tộc, 2000. Trang 316).

Cũng có những tự bạch rất gọn, dường như chỉ một thông điệp nhanh của tác giả. Cuốn sách "Nhà văn Việt Nam hiện đại" năm 2004, ở danh mục "Hà Lâm Kỳ- Tác giả, tác phẩm", ông đã mượn câu trả lời phỏng vấn chương trình phát thanh thanh thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam thay cho mình:

"Viết được cho thiếu nhi là điều rất khó, tôi luôn nghĩ rằng, phải là tác phẩm mang cái tâm, và sự định hướng". (Nguồn: Nhà văn Việt Nam hiện đại- Kỷ yếu. NXB Hội Nhà văn, 2010).

Với nhà văn Hà Lâm Kỳ, lời bạch không chỉ là tâm sự nghề nghiệp văn chương như nhà thơ Hữu Thỉnh nói, mà có khi mạnh mẽ hơn, hàm chứa cả một thái độ, một giá trị nhân văn. Mạch lời bạch này nhà văn thường đặt ở vị trí trang trọng nhất ngay trong tác phẩm của mình, và là sự tự nguyện có ý thức chứ không theo một sự "đặt hàng" nào. Chẳng hạn, Truyện dài "Kỷ vật cuối cùng" (NXB Kim Đồng 1991, tái bản 2008). Lời bạch: Tặng các em tôi. Truyện vừa "Làng nhỏ" (NXB Kim Đồng 2013), Lời bạch: Tặng Làng Khe Liền yêu dấu. Bộ tiểu thuyếtCánh cung đỏ (NXB Hội Nhà văn 2017, NXB Quân dội 2019). Lời bạch là hai câu thơ đề tựa: Làng sinh tôi trong khói lửa chiến tranh/ Tôi nặng nợ với Làng trăm năm không trả hết. Và bộ tiểu thuyết "Thủ lĩnh Rừng già" (NXB Quân đội 2021) nhà văn mượn lời Bác Hồ thay lời tự bạch: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Ở thể loại thơ, đôi khi cũng có lời tự bạch. Bài thơ "Đi rừng" (Sáng tác 1982. In trong tập "Xôn xao rừng lá", NXB Thanh niên, 1992):Vào rừng chẳng biết lối ra/ Thấy cấy nốc nác tưởng là vàng tâm. Bài thơ "Tình bạn" in trong tập thơ Lời riêng, NXB Thanh niên, 2009:Rồi mùa toóc giạ rơm khô/ Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm.Bài thơ "Cái tiếng". Lời riêng. NXB Thanh niên, 2009 lại mượn câu thành ngữ Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa,  làm lời bạch của tác giả.

Ở thể truyện ngắn. Lời bạch lại chứa đựng một ngôn ngữ cốt truyện, có không gian, có sự cắt nghĩa ngắn gọn nhất ở nội dung và ý tưởng, như trường hợp truyện ngắn Con trai Bà Chúa Nả:

Quê tôi (xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) là một vùng miền núi phía Tây sông Hồng có người Kinh từ Phú Thọ di cư lên cách đây 6- 7 thế kỷ, và họ đã hòa nhập trở thành người Tày người Mường địa phương.

Dựa theo sự lưu truyền đó, tôi viết truyện Con trai Bà Chúa Nả để trước hết tỏ lòng với tổ tiên. Sau nữa muốn gửi đến người dân quê tôi, rằng, chúng ta, tất cả đều là con cháu Vua Hùng Đất Việt, hãy biết giữ gìn sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc như Tổ tiên ta ngày xưa đã giữ". (Nguồn: Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam 1954- 2005. NXB Công an nhân dân 2005. Trang 57).

Và ở truyện thiếu nhi đầu tay "Chú Cuội đi đâu":

Tôi vào làng Văn bắt đầu từ việc làm thơ, và in rải rác từ những năm 74-75. Nhưng không nghĩ cái đêm Trung thu năm 1985 ấy, khi tôi ngồi ở hiên nhà nhìn hai cô con gái (Ngọc và Hằng, 6 tuổi và 4 tuổi) cùng chú mèo con ngây thơ đùa nghịch dưới ánh trăng rằm, tôi nhớ đến câu truyện dân gian "Thằng Cuội...” thế là tôi xoáy vào viết "Chú Cuội đi đâu ", và viết xong ngay. Hôm sau gửi báo Hoàng Liên sơn (nay là báo Yên Bái). Báo đăng. Trung thu năm sau gửi báo Nhi đồng và cũng được in trang trọng có kèm minh họa.

"Chú Cuội đi đâu" chắc chưa hoàn toàn là truyện ngắn, nhưng ít nhiều cũng có chút"chuyện" cho trẻ em.

Từ đấy tôi thích viết cho thiếu nhi. (Nguồn: Tuyển tập truyện ngắn đầu tay, NXB Thanh niên 1996).

Bút danh

Với những người cầm bút, bút danh không thể thiếu. Cố nhiên ở mỗi người ứng với mỗi thời kỳ và sở thích của họ. Bút danh (Không phải bí danh), làm nên tên tuổi nhà văn và theo họ suốt cuộc đời. Nhưng cũng có tác giả chỉ nhất thời. Nhà văn Hà Lâm Kỳ sử dụng bút danh mà ông tự nhận là "thất thường" có lẽ do nhiều yếu tố trong đó có yếu tố "kỷ niệm".

Giở lại các cuốn "Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại" các năm 1997, 2000, 2007, 2015 hay nhiều cuốn tuyển tập khác của các Nhà xuất bản có tên "Nhà văn Hà Lâm Kỳ" trong danh mục. Hầu hết chỉ ghi một bút danh trong trích ngang tác phẩm: "Vi Hà". nhà văn giải thích, bút danh "Vi Hà" xuất hiện khoảng 1995, 1996 sau buổi bất ngờ gặp lại thầy giáo cũ- nhà văn Vi Hồng, sau 15 năm xa cách. mang ơn người thầy từng có hai thời điểm làm chủ nhiệm lớp Văn (1971 và 1977, trước khi nhập ngũ, và sau khi ông từ chiến trường về Đại học Sư phạm Việt Bắc tiếp tục học Đại học), mà cũng là người định hướng, nâng đỡ ông trở thành nhà văn Việt Nam (tháng 12/1995). Từ ơn nghĩa ấy, Hà Lâm Kỳ ghép họ của thầy với họ của mình thành "Vi Hà", và coi đó là bút danh chính thức trên văn đàn.

Những năm 90 và 2000, Hà Lâm Kỳ hay viết cho các nhà báo ở trung ương, ông ký các bút danh: "Phương Thuý" (ghép từ tên đệm của hai con gái: Hà Phương Ngọc, Hà Thuý Hằng), "Vũ Hà" (họ của mẹ- Vũ, với họ của cha- Hà). Nếu là chụp ảnh và ghi chú thích, ông thường sử dụng bút danh "Hà Lâm". Họ và tên đệm. Cũng đôi khi có bài viết ngắn gửi in báo, không muốn lặp lại tên mình, Hà Lâm Kỳ lấy một bút danh mang tính cảm hứng nhưng vẫn ghi rõ ràng chính danh để toà soạn tiện liên hệ.

"Với mình, bút danh không chỉ kỷ niệm sâu sắc, còn là tư cách nhà văn, gắn bó với tên tuổi trong giấy khai sinh, bởi đó là tình yêu của cha mẹ, mình phấn đấu và phải có trách nhiệm trước tên tuổi ấy". Nhà văn Hà Lâm Kỳ cười cười như muốn khép lại câu chuyện Bút danh.

Chữ ký

Cũng như nhiều người, ngoài danh hiệu nhà văn Việt Nam, Hà Lâm Kỳ còn là một công dân gắn liền với cương vị xã hội mà ở đó chữ ký nằm trong quyền kiểm soát của pháp luật. Ông trò chuyện, trước thời điểm 2008, chữ ký của mình chỉ thể hiện một từ, đó là tên ông. Từ ngày Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, ông đăng ký lại chữ ký, đã chọn ba âm tiết để có thể hiểu đủ cả họ, đệm, và tên người, như thể kỷ niệm cuộc "vật lộn" 8 năm trời đưa Trường từ một cơ sở trung cấp nghệ thuật yếu kém, trở thành Trường Cao đẳng. Chữ ký này thành bản ký chính thức mỗi khi liên quan đến tác giả và tác phẩm.

Chẳng hạn: Ký lưu giữ bản quyền tác giả, ký tặng sách, tác phẩm của mình, tặng ảnh (chân dung), ký liên quan đến công trình nghiên cứu. Khi dùng trong các văn bản hành chính, cũng là chữ ký ba âm tiết này. Năm 2009 Tạp chí Hồn Việt chủ trương sưu tập Bộ chữ ký của  các nhà văn thành danh, xem đấy là "tài sản" cần được bảo tồn. Nhà văn Hà Lâm Kỳ đã ký chữ ký có 3 âm tiết. Hồn Việt đã rải rác in bút tích và chữ ký của một số nhà văn. Khi làm Kỷ yếu Hội Nhà văn năm 2010, thường trực Hội và Nhà xuất bản Hội Nhà văn yêu cầu mỗi tác giả đăng ký một chữ ký thường dùng cho văn chương đặt trong khung vuông sau lời tự bạch. nhà văn Hà lâm Kỳ dùng chữ ký có ba âm tiết theo thứ tự L, H, K (tạm hiểu: Lâm- Hà- Kỳ).

Bút tích

Nhà văn Hà Lâm Kỳ rất coi trọng bút tích. Ông bảo các cụ xưa dạy "Bút sa, gà chết" là muốn nói đến cái chứng cớ để lại cho người sau xem xét, với mình, lưu lại bút tích là một phần của chứng cớ, khẳng định cái mình làm ra!"  Nên, ngoài các cuốn sổ tay ghi chép tư liệu, có cuốn đã lưu trên 50, 60 năm như "Nhật ký hành quân đi B" (1972), tập "Thơ ghi ở chiến trường", thư viết về cho bố mẹ ghi ngày tại Đường Chín- Nam Lào, rồi Đơn xin vào Hội Nhà văn, Bản giới thiệu đề nghị kết nạp vào Hội Nhà văn của thơ Nông Quốc Chấn, Thư của nhà văn Vi Hồng…

Năm 1991 khởi thảo cuốn truyện dài Kỷ vật cuối cùng (tên bản thảo là Áo chàm chân núi), viết hết mười tập giấy kẻ vở học sinh, viết đi viết lại ba lần. Nhà xuất bản Kim Đồng in xong, được Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1992, tác giả nghĩ không cần giữ thế là huỷ tập bản thảo. Đến giờ ông vẫn thấy tiếc mà viết lại thì không nên. Rút kinh nghiệm, năm 1994 tại Nhà sáng tác Đại Lải, sửa chữa xong truyện dài Gió rừng thông (khi in, NXB Văn hoá dân tộc đề nghị đổi tên là Gió Mù Cang). Nhà văn đã kịp lưu lại bản viết tay cuối cùng và giữ gìn cho đến nay. Từ đấy tất cả bản thảo từ truyện vừa trở lên, gần đây là hai bộ tiểu thuyết: Cánh cung đỏ, và Thủ lĩnh Rừng già, Nhà văn Hà Lâm Kỳ lưu ngay vào "hộp tài liệu", xem đấy như văn bản gốc và là tư liệu gốc quý giá nhất trong đời viết văn. Đây là đoạn văn trong truyện ngắn Suối làng, không còn lưu được bút tích, ông đắn đo, có nên khôi phục?

"Tôi đi công tác lâu ngày mới về làng, lần về này vác theo cả máy camera để cố ghi lại những hình ảnh thời thơ ấu. Nhưng ống kính biết đưa vào đâu? Khe Diêm, khe Chao, khe Đồng Ràng, khe Vặn đều đã trơ đất đá. Vực Đằm trở thành ao nước tù; Bản Vặm Pũ ngày trước bây giờ có đẹp hơn, chỉ tiếc những mái nhà sàn lợp bằng ván thông có từ hàng trăm năm, giờ đây thay bằng tấm prô-ximăng. Xót xa hơn, con suối lớn, không hiểu sao nay người làng lại quen gọi là con ngòi? Vâng, con ngòi! Chắc nó cũng không thể bị xoá tên vì mươi năm gần đây thường xuất hiện những trận lũ quét, lũ ống khủng khiếp.Nhưng nếu cứ gọi là suối Then như ngày trước thì trẻ con trong làng không đứa nào thừa nhận. Chúng nó bảo: Suối Then là từ đời ông bà, còn bây gi gọi khác!

Tôi không biết lí giải với bọn trẻ thế nào, chỉ nghĩ rằng nhất định có ngày suối làng sẽ lại là con suối trẻ trung, khoẻ mạnh của cả làng Then".

Lao động nhà văn, thứ lao động nhọc nhằn, ngẫm từng con chữ, nhặt từng con chữ. Nó chỉ có thể tạo thành quả khi tác giả thực sự đam mê và nghiêm túc, biết tích cóp và xử lý khối tài sản tích cóp được, chuyển tải nó trên một cây cầu thông điệp không có sẵn. Với những nhà văn biết trân trọng giá trị văn chương và sức lao động của mình thì tất cả những gì khổ công suy nghĩ, nhặt nhạnh và tạo ra sản phẩm ấy, đều rất đáng được tôn vinh, bởi đó là nét đẹp văn hoá của họ - Nhà văn Việt Nam.

Tôi có may mắn được làm người cùng quê xã Đại Lịch với nhà văn Hà Lâm Kỳ (Ở vị thế em dâu). Ngày anh ở bộ đội về, học tiếp khoa văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, chúng tôi cùng học thầy Vi Hồng (1976- 1979). Lĩnh vực khoa học, anh đi theo con đường sáng tác văn học, còn tôi, nghiên cứu văn hoá, nên tôi hiểu anh cả về con người và bút pháp. Bài viết này chỉ là đôi lời cảm nhận tản mạn về anh- nhà văn của quê hương Yên Bái qua những dòng "tự bạch" mà tôi được biết, đôi khi cũng được cùng trò chuyện những câu chuyện bên lề tác phẩm. Với nhà văn, đó chỉ là "Phút thoáng qua" (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú). Nhưng với người làm nghiên cứu "tác giả- tác phẩm", nhiều khi đấy lại là những tư liệu quý, rất quý.

 

N.H.P

 



([*]) Nhà giáo ưu tú. Nguyên Chủ nhiệm Khoa Văn, ĐHSP thuộc Đại học Thái Nguyên.

Các tin khác:

Louvre - Bảo tàng nghệ thuật danh giá nhất thế giới

ĐỖ NGỌC DŨNG

Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở Thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là một bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới, với khối kiến trúc tráng lệ và là nơi lưu trữ những kiệt tác, tinh hoa nghệ thuật vô giá của Pháp và thế giới. Nơi đây được chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1793.

ĐỖ NGỌC DŨNG

Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở Thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là một bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới, với khối kiến trúc tráng lệ và là nơi lưu trữ những kiệt tác, tinh hoa nghệ thuật vô giá của Pháp và thế giới. Nơi đây được chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1793.

Là một họa sĩ, từ lâu cái tên bảo tàng Louvre tôi đã được nghe nhắc nhiều lần, cũng được biết sơ sơ qua màn ảnh nhỏ. Vì thế, chuyến Tây Âu lần này, là cơ hội để tôi được đặt chân đến địa chỉ văn hóa đặc biệt này.

Một ngày nghỉ tự do ở Thủ đô Paris, nhờ sự hỗ trợ của cán bộ sứ quán đặt vé qua mạng trước đó hai ngày, chúng tôi đã có mặt tại sân chính mang tên Hoàng đế Napoleon của bảo tàng, ngước nhìn xung quanh là ba tòa nhà dài tráng lệ với nhiều tượng và phù điêu được trạm trổ tinh xảo. Không may cho chúng tôi, lúc này trời bắt đầu mưa nặng hạt, nhưng cùng với dòng người kiên nhẫn xếp thành 4 hàng dài cả trăm mét, để vào bảo tàng qua 2 cửa của mô hình Kim tự tháp bằng kính.

Qua tìm hiểu được biết: Louvre đầu tiên được xây dựng như một pháo đài để bảo vệ thành phố khỏi những cuộc tấn công theo mệnh lệnh của hoàng đế Phillipe-Auguste. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử xã hội Pháp, đến thế kỉ thứ 16, Louvre được trùng tu làm cung điện hoàng gia và sau đó vào năm 1793, nó được điều chỉnh và chính thức trở thành một bảo tàng nghệ thuật hàng đầu ở Paris. Louvre còn trải qua một cuộc đại trùng tu nữa ở giữa thế kỷ 19, để nó có diện mạo đẹp như ngày nay.

Louvre đúng như một cung điện đồ sộ với tổng diện tích là 210.000 m2, trong đó diện tích trưng bày là 60.600 m2. Cấu trúc độc đáo bao gồm 3 tổ hợp kiến trúc tinh xảo.

Louvre không chỉ độc đáo bởi các sưu tập hiện vật trưng bày mà còn độc đáo ở kiến trúc, điêu khắc, đặc biệt sự góp mặt của mô hình Kim Tự Tháp bằng kính (Pyramid) nằm ở chính giữa sân Napoléon của bảo tàng. Kim Tự Tháp bằng kính này do Kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ gốc Hoa Leoh Ming Pei thiết kế, bắt đầu xây dựng năm 1983 và hoàn thành vào năm 1989 (dưới thời Tổng Thống Francois Mitterand). Bao bọc xung quanh Kim tự tháp chính là bảy đài phun nước hình tam giác hướng lối vào cho khách tham quan xuống tiền sảnh dưới tầng hầm.

Qua Kim tự tháp bằng kính, ánh sáng chiếu xuống sáng rõ những phòng trưng bày phía dưới và ở mỗi cánh Kim tự tháp đều có cửa riêng dẫn khách.

Không gian nghệ thuật bên trong

Dù dưới thời đệ nhất đế chế Pháp, nhờ những cuộc chinh phạt của Napoleon, nhiều tác phẩm nghệ thuật và hiện vật khảo cổ có giá trị được chuyển về Louvre. Tuy nhiên sau thất bại của Napoleon trong trận Waterloo, nhiều cổ vật được trở về với những quốc gia chủ nhân của nó.

Bảo tàng Louvre hiện đang lưu giữ khoảng 380.000 hiện vật, trong đó tại hệ thống trưng bày chỉ trưng bày, giới thiệu khoảng 35000 tác phẩm chia thành 8 bộ sưu tập tương ứng với 8 phần trưng bày. Là những bộ sưu tập khổng lồ về hiện vật từ cổ xưa nhất của Ai Cập cổ đại đến thế giới hiện đại, nghệ thuật Hy Lạp, La Mã, nghệ thuật Hồi giáo, hội họa, điêu khắc tạo hình và trang trí… Ngoài 8 bộ sưu tập chính, Louvre còn một khu trưng bày lịch sử của chính cung điện và một bộ sưu tập nghệ thuật Châu Á, Phi, Mỹ và Châu Đại dương.

Khu vực phương Đông cổ đại; gồm 100.000 hiện vật của nền văn minh cổ thuộc các nước Trung Cận Đông từ 8000 năm trước Công nguyên cho đến thời kỳ Hồi giáo.

Khu vực Ai Cập cổ đại; gồm 50.000 hiện vật giới thiệu chứng tích về các nền văn minh nối tiếp hai bờ sông Nin, từ thời Tiền sử tới thời Cơ đốc giáo.

Khu vực Hy Lạp, La Mã và Etruria cổ đại; với 45.000 hiện vật, dành cho các tác phẩm của ba nền văn minh Hy Lạp, La Mã và Etruria.

Khu nghệ thuật Hồi giáo; với 10.000 hiện vật, bao gồm các hiện vật được lấy cảm hứng từ Hồi giáo, trải dài suốt 1300 năm lịch sử của ba châu lục.

Khu vực hội họa; gồm 11.900 hiện vật, giới thiệu tất cả các trường phái phương tây từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19.

Khu vực điêu khắc; gồm 6.500 hiện vật là những tác phẩm thời Trung cổ, thời Phục hưng và hiện đại.

Khu vực nghệ thuật họa hình; gồm 137.479 hiện vật là những tác phẩm vẽ trên giấy, tranh phấn màu, tiểu họa, bản in, bản khắc, in thạch bản… và các chất liệu gỗ, da…

Khu vực nghệ thuật trang trí; gồm 20.704 hiện vật gồm các đồ vật của thời Trung cổ đến nửa đầu thế kỷ 19, hiện vật đa dạng, đồ trang sức, thảm đồng hồ, với nhiều chất liệu đồng, kim loại quý, ngà voi…

10 kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng của bảo tàng

Louvre có hàng ngàn kiệt tác nghệ thuật vô giá nhưng hãy tạm chọn ra 10 tác phẩm tiêu biểu nổi tiếng nhất và có lẽ xếp theo thứ tự như sau:

1. Bức tranh “Mona Lisa” (hay còn gọi là La Giocondo) của đại Danh họa Leonardo da Vinci. Đây là một trong những bức chân dung nổi tiếng nhất thế giới, được vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ dương tại Florence vào thế kỷ 16, trong thời kì Phục hưng Italy.

Lịch sử bức tranh Mona Lisa được vẽ từ năm 1503 đến 1506 (thế kỷ 16), khi Leonardo da Vinci đang đi tìm người bảo trợ cho bức tranh. Tuy nhiên, Ông đã không vẽ xong bức tranh này nên không được trả tiền, và cuối cùng ông mang theo nó khi đến Pháp 10 năm sau đó. Bức tranh này được đưa vào bộ sưu tập của vua Francis I, người bảo trợ cuối cùng của Da Vinci và là một trong những tác phẩm nguyên bản được trưng bày ở bảo tàng Louve từ năm 1797 theo thông kê của bảo tàng, mỗi năm có hàng chục triệu du khách đến đây để chiêm ngưỡng bức tranh thần bí này.

Mấy chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian, thậm chí còn bị lạc nhau khi mải mê xem những tác phẩm nguyên bản trưng bày trong bảo tàng. Đặc biệt là mãi mới tìm đến được nơi lưu giữ bức tranh này ở tầng 2 khu trưng bày. Cũng như mọi du khách chúng tôi cố gắng để có bức ảnh kỉ niệm trước bức tranh nổi tiếng này, mặc dù tất cả đều phải đứng cách bức tranh tầm trên 3m bởi một hàng rào đặc biệt.

2. Tượng thần chiến thắng "Nike of Samothrace" hay "Winged Victory". Đây là một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ bằng đá cẩm thạch, mô tả nữ thần Nike, vị thần tượng trưng cho chiến thắng. Bức tượng được nhà ngoại giao người Pháp Charles Champoiseau phát hiện năm 1863, tại đảo Samothrace, phía Đông Hy Lạp, trong tình trạng bị vỡ thành nhiều mảnh. Các mảnh vỡ được gửi về Paris, ghép lại và trưng bày ở bảo tàng Louvre. Mặc dù không còn nguyên vẹn nhưng Tượng thần chiến thắng Samothrace vẫn được xem như một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng bậc nhất.

3. Bức họa "Chiếc bè của chiến thuyền Méduse" (Le Radeau de la Méduse/ The Raft of the Medusa) của danh họa Théodore Géricault- một trong những người khai sáng ra chủ nghĩa lãng mạn trong hội hoạ. Đây là bức tranh làm bùng nổ một vụ scandal chấn động nước Pháp và cả thế giới những năm đầu thế kỷ 19. Bức tranh mô tả một nhóm người tuyệt vọng cùng cực trên một chiếc bè đang trôi nổi lênh đênh giữa biển khơi, đang vẫy gọi cầu cứu một con tàu xuất hiện nhỏ xíu ở tít đằng xa phía chân trời trong sự tuyệt vọng. Théodore Géricault vẽ bức họa này năm ông 27 tuổi. Phần máu trong tranh là kết quả tìm tòi không ngừng nghỉ của Géricault trong nhiều nhà xác.

4. Bức cẩm thạch "Psyche Revived by Cupid’s Kiss" (Psyche hồi sinh sau nụ hôn của Thần Ái tình). Tuyệt tác về tình yêu đích thực này được tạo ra vào năm 1787 bởi nhà điêu khắc tài hoa người Ý Antonio Canova theo trường phái Tân cổ điển. Trên một nền đá cẩm thạch, Canova dựng lại câu chuyện tình thần thoại của Thần Ái tình (kích thước xấp xỉ người thật) và nàng Psyche. Nữ thần Venus khiến Psyche bất tỉnh và ngủ vùi cho tới khi thần Cupid tới hôn lên môi Psyche. Sau đó nàng công chúa trần gian này uống một ly nước tiên và có thể sống bất tử với Cupid như những vị thần khác.

5. Bức họa "Death of Sardanapalus" (Cái chết của Sardanapalus) của Eugène Delacroix. Bức họa vẽ năm 1827 lấy đề tài từ vở kịch thơ “Sarnadapalus” của Byron. Vở kịch này lấy bối cảnh Assyria thời cổ với nhà vua anh hùng do đắm chìm trong một cuộc sống kiêu sa dâm dật, lại chuyên quyền tàn bạo. Sau đó vị vua này ra lệnh tiêu hủy toàn bộ tài sản của ông khi ông biết quân đội dưới quyền thất bại. Danh họa Delacroix chọn phần hay nhất của câu chuyện để vẽ - khi tất cả các thê thiếp và nàng hầu bị đem đi giết. Bức họa có đủ tính bạo lực, xa hoa quyền thế và gợi dục, núp dưới lớp vỏ "tranh lịch sử". Hiện bức tranh này được xem là tác phẩm đẹp nhất của viện bảo tàng mỹ thuật Louvre, hàng ngày nó hấp dẫn vô số người đến xem.

 

6. Tranh sơn dầu "Liberty Leading the People" của danh họa Eugène Delacroix, vẽ năm 1830. Cuộc cách mạng tháng 7 của dân chúng Paris đánh đuổi vua Charles X chính là điều thôi thúc Delacroix vẽ bức họa này. Ông đặt cô gái nửa lõa thể xinh đẹp vào vị trí nổi bật nhất của bức tranh, để cho nàng một tay đưa cao lá cờ tam sắc tượng trưng cho tự do, còn tay kia thì siết chặt khẩu súng có lưỡi lê tượng trưng cho cách mạng. Goethe từng ca ngợi Delacroix là người đã thực hiện “Sự hòa hợp một cách kỳ lạ giữa thiên đường và nhân gian”. Hình tượng của vị Nữ thần Tự do này làm say mê nhiều người nhất trong hội họa của nước Pháp. Nó đã cùng với Khải hoàn môn và tháp Eiffel trở thành tượng trưng cho nước Pháp và nền văn hóa Pháp.

7. Tranh "The Moneylender and His Wife" của danh họa Quentin Metsys, vẽ năm 1514. Quentin mô tả chính xác tới từng chi tiết mọi nét tính toán của người chồng tham lam làm nghề cho vay tiền và người vợ "cùng hội cùng thuyền". Người ta có thể thấy hai con ngươi mắt họ đếm từng đồng xu và cẩn thận ghi chú trọng lượng của chỗ vàng trên bàn.

8. Tượng thần Vệ Nữ, ra đời khoảng 130-100 trước Công Nguyên. Từ tượng điêu khắc Venus de Milo này mà người ta được biết những tượng điêu khắc bên trời Tây Âu đã dùng làm tiêu chuẩn để tạc đàn bà khỏa thân. Khuôn mặt thụ động trung dung, khác hẳn với đường cong mềm mại uyển chuyển của thân hình, điển hình khuôn mặt Hy lạp.

9. Bức họa nổi tiếng "The Coronation of Napoleon I and Coronation” của Josephine in the Cathedral of Notre-Dame de Paris on 2 December 1804" của Jacques-Louis David, vẽ năm 1806- 1807. Bức tranh vẽ về lễ Đăng quang của Napoleon, rộng 10m và cao 6m- là một trong những kỉ lục tuyệt vời trong lịch sử hội họa nước Pháp.

10. Tranh sơn dầu "La Grande Odalisque" của Jean Auguste Dominique Ingres, vẽ năm 1814. Bức tranh vẽ một vị cung phi với những chi tiết thon dài có chủ ý của họa sĩ. Nhiều người đương thời cho rằng họa sĩ Ingres đã miêu tả một nàng cung phi có hình thể thiếu tính hiện thực trong giải phẫu. Bức tranh đã gặp phải nhiều chỉ trích trong lần ra mắt đầu tiên.

Bảo tàng Louvre đã đi vào lịch sử như là một công trình kiến trúc độc đáo, một biểu tượng của nước Pháp. Và đã được du khách thế giới đánh giá là một trong những công trình kiến trúc có nhiều cái nhất:

- Là bảo tàng lớn nhất thế giới.

- Là cung điện của nhiều triều đại nhất.

- Là biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có nhất.

- Là bảo tàng sở hữu nhiều bộ sưu tập khổng lồ, những kiệt tác vô giá nhất.

- Là bảo tàng được truy cập nhiều nhất thế giới (qua website).

- Là bảo tàng đón nhiều khách tham quan nhất thế giới.

- Là bảo tàng có kiến trúc độc đáo nhất.

- Là bảo tàng có kim tự tháp bằng kính độc đáo nhất.

- Là bảo tàng phát sáng nhất (nhờ sử dụng 3200 bóng đèn led kết hợp với sự phản chiếu từ 673 tấm kính của kim tự tháp kính).

Hàng năm Bảo tàng Louvre đón hàng chục triệu lượt khách du lịch từ khắp mọi nơi trên thế giới đến thưởng ngoạn.

Đ.N.D

 

16-20 of 68<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter