Phù thủy sân khấu Việt “làm” Ngày Thơ

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 diễn ra vào dịp Rằm Nguyên Tiêu Qúy Mão 2023 được hứa hẹn nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng đối với không chỉ những người làm văn học nghệ thuật, mà còn với công chúng, những người yêu thơ (và cả những người vẫn đứng bên lề thi ca đương đại). Người sẽ góp phần lớn làm nên công trình nghệ thuật này, đạo diễn Lê Qúy Dương- “phù thủy của sân khấu Việt” cho biết: Tôi mang cả tình yêu, trách nhiệm và khát vọng của tôi đến với sự kiện này. Với tôi, đây không chỉ là một niềm vinh dự, mà còn là trách nhiệm của người làm văn hóa.

Đạo diễn, nhà thơ Lê Quý Dương

Đạo diễn Lê Qúy Dương, tổng đạo diễn chương trình Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 được biết đến là một đạo diễn của các chương trình Festival lễ hội và sự kiện với qui mô lớn trên khắp cả nước. Anh có một nền tảng kiến thức và kinh nghiệm sáng tác, dàn dựng cho sân khấu kịch trong nước và quốc tế trong suốt 30 năm qua, và đã giành được nhiều giải thưởng sân khấu quốc tế danh giá danh giá tại các nước Úc, Anh, Pháp…

Tài năng không đợi tuổi 

Có thể nói, đạo diễn Lê Qúy Dương là anh hoa phát tiết từ rất sớm: Anh tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành nghiên cứu, lý luận, phê bình sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh khóa 1985 – 1990. Kịch bản đầu tay “Chợ đời”, tiết mục gây tiếng vang lớn tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 tại Hà Nội đã được Lê Qúy Dương viết khi mới tròn 22 tuổi. Tiếp theo đó, nhiều kịch bản sân khấu do anh sáng tác, trong đó có những vở đã tham dự Hội Diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và gây tiếng vang lớn.

Trong thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài, tác giả - đạo diễn Lê Quý Dương đã tạo dựng một sự nghiệp sân khấu vẻ vang, tự hào cho người Việt Nam ở xa Tổ quốc. Anh đã sáng tác và dàn dựng nhiều tác phẩm sân khấu kịch và nhạc kịch lớn: “Thỉnh cầu mùa xuân” (City Moon Theatre  - Sydney 1994); “A Graveyard for the Living” (Belvoir Street Theatre 1996), “Market of Lives” (Theatre South - Sydney 1998), “Meat Party” (Playbox - Melbourne Festival 1999), “Motherland” (Chamber Made Opera - Melbourne Festival 2000),  “Lời thì thầm từ thế giới bí mật” (Melbourne Festival 2001).

Điều đặc biệt, Lê Quý Dương là người tiên phong cho phong trào sân khấu thử nghiệm tại Việt Nam với các vở diễn “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” (Lưu Quang Vũ) 1998, “Giấc mộng đêm hè” (William Shakespeare) 1999, “Ngôi nhà đông người” (John Romeril) 2000 dựng tại Trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM và Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh.

Đầu năm 2005 anh đã sáng tác, dàn dựng và cùng Nhà hát Múa rối Trung ương trình làng vở diễn sân khấu thử nghiệm độc đáo kết hợp rối nước với nghệ thuật sắp đặt mang tên “Những giấc mơ bí mật của Tễu và Kangaroo”. Năm 2006, Lê Quý Dương gây bất ngờ lớn tại Festival Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế tại Hà Nội với vở diễn “Huyền thoại cuộc sống” tiết mục tham dự của Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh, giành Giải thưởng Đặc biệt của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Gần đây nhất, Lê Quý Dương lại gây bất ngờ tại Festival Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế 2019 tại Hà Nội với vở diễn “Mơ rồng”, tiết mục đặc biệt kết hợp sân khấu rối nước với nghệ thuật hình thể và hiệu ứng kỹ thuật hiện đại do Nhà hát Múa Rối Thăng Long thực hiện.

Ngày Thơ – Cảm hứng lớn và trách nhiệm của người làm văn hóa

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 được tổ chức sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch Covid 19, với chủ đề “Nhịp điệu mới” đã khiến vị đạo diễn nổi tiếng này thực sự vô cùng tâm đắc. Anh chia sẻ: Chủ đề của chương trình này đã tạo cho tôi rất nhiều cảm hứng. Đây là một chủ đề thú vị, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mỗi cá nhân chúng ta, sau đại dịch, sau những biến cố, thăng trầm của xã hội, đều mong muốn cái gì đó đổi thay, chính vì vậy khi nhận lời làm chương trình Ngày Thơ, tôi có một tình cảm và trách nhiệm rất lớn.

 Vậy, chương trình được mong đợi này, đạo diễn đã đón nhận và sẽ thực hiện ra sao?

“Là đạo diễn từng làm những chương trình lớn, những lễ hội lớn, tôi luôn nghiên cứu rất kỹ trước khi làm. Chính vì thế, khi nhận lời mời làm chương trình Ngày Thơ, tôi đã nghiên cứu rất kỹ, và bỗng nhận ra rằng: hóa ra thi ca của chúng ta đã thực sự hình thành và đồng hành cũng dòng chảy lịch sử của cả dân tộc suốt mấy nghìn năm qua. Đặc biệt, thi ca không chỉ là chỗ dựa tinh thần, mà còn là nơi tìm về của mỗi người Việt Nam. Ta thấy, hàng ngàn năm qua, từ những lúc đất nước thanh bình, khi chiến tranh ly loạn, từ khi khó khăn, nghèo nàn lạc hậu đến lúc đổi mới phát triển, luôn luôn có bóng dáng thi ca. Và nếu mở rộng tầm nhìn thì ta có thể thấy những danh nhân văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận đều là nhà thơ: Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi...

 Tôi cũng nhận ra rằng dân tộc ta chính là một dân tộc thi ca, điều này rất quan trọng. Chính vì vậy, tôi đón nhận chương trình này với một tâm thế là góp phần cùng Hội Nhà văn Việt Nam mang thi ca đến gần hơn với đời sống, và để thi ca có một tầm vóc mới.

Với hình thức của chương trình, theo đạo diễn: Đây là một lễ hội thi ca, một lễ hội khác Ngày Thơ ở Văn Miếu mà ta vẫn làm hằng năm. Ở Văn Miếu có thể là ngày của các nhà thơ và những người yêu thơ. Nhưng mục tiêu của chúng tôi, trong dịp này là không phải chỉ là ngày của các nhà thơ nhiều thế hệ, không phải chỉ công chúng yêu thơ, mà cả với những người thờ ơ với thơ, chưa hiểu về thơ, không thích thơ, và lễ hội đón nhận họ, cho họ thấy thơ rất giá trị, thơ là người bạn tinh thần rất lớn đối với họ. Cho nên chúng tôi chọn Hoàng Thành, trong tổng thể Hoàng Thành đó, chúng tôi muốn mỗi du khách là một Từ Thức khám phá cõi thơ.

Đạo diễn Lê Qúy Dương cũng chia sẻ thêm: Không gian của chương trình sẽ rất lạ và ấn tượng, kết hợp độc đáo giữa tính hiện đại và truyền thống, để mỗi người tham dự sẽ thấy toát lên tinh thần của một ngày thơ rất lãng mạn, rất thánh thiện, rất thăng hoa nhưng đồng thời ẩn chứa trong đó những thông điệp thơ sẽ không chỉ thầm lặng trong cuộc sống, mà thơ phải trở thành một năng lượng mới, tinh thần mới với tất cả những khát vọng mới cho một xã hội tốt đẹp hơn.

Được mệnh danh là “Phù thủy sân khấu Việt”, nhưng ít người biết Lê Quý Dương là người tiên phong trong việc tạo nên sân khấu thử nghiệm, sân khấu du lịch và đào tạo nghệ thuật sân khấu theo mô hình xã hội hóa. Các vở kịch, lễ hội của Lê Quý Dương làm tác giả - tổng đạo diễn đều được khán giả đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật và sự độc đáo. Và, anh còn là một nhà thơ. Những truyện ngắn, thơ của anh đã đăng báo từ nhiều năm trước. Năm 2020, “Ký họa cơn mê” - tập thơ song ngữ đầu tiên của anh ra mắt bạn đọc. Giữa thu 2022, anh tiếp tục xuất bản tập sách thơ, ảnh song ngữ Việt - Anh “Nhịp đập sáng tối”.  “Giọng điệu thơ cũng chính là tính cách của Đạo diễn - Nhà thơ Lê Quý Dương: Mạnh mẽ, bạo liệt, sáng tạo và yêu thương sâu đậm. Sự thẳng thắn không cần che đậy trong những cuộc phẫu thuật vấn đề nhân sinh, nhân loại bằng con dao chữ bén nhạy đã lập tức xếp cái tên người thơ này vào một đẳng cấp khác biệt.” (Kiều Bích Hậu).

Huyền Anh

Nguồn Văn nghệ số 5/2023

 

 

Các tin khác:

1-5 of 7<  1  2  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter