Tác giả: Trần Hoàng Vy
Ngày xưa đi học, thầy cô giáo dạy văn dạy về Mỹ từ pháp, lớn lên đi dạy theo sách mới, tôi dạy học trò là “Các biện pháp về tu từ nghệ thuật”, nói đại thể là dạy học sinh về cách dùng từ trong văn bản và ngôn ngữ tiếng Việt sao cho... hay hơn, lịch sự hơn và nhất là có văn hóa, theo kiểu...” “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hay nói cách khác là “Lời hay ý đẹp”, mang tính biểu đạt và biểu cảm cao!
Mỹ từ pháp bao gồm các phương pháp sử dụng điệp từ, điệp ngữ, nói lái, chơi chữ, nói quá, nói giảm, nhân cách hóa, ẩn dụ, liên tưởng v.v và v.v...
Trong cuộc sống hiện nay, phần lớn các văn bản báo chí, lời phát biểu đa phần thường thấy là hay sử dụng Mỹ từ pháp “Nói quá” (cường điệu) hay “Nói giảm, nói khinh” (Nhã ngữ)? Bởi không cường điệu, giật gân, thì không... câu được bạn đọc. Nhất là báo mạng. Chuyện viết quá “bán mạng” là chuyện thường ngày. Người đọc thường cả tin và cả tò mò, báo càng nói vống cường điệu, càng câu nhiều like và lượt view. Do đó “tin vịt” càng có đất sống và sinh sôi nảy nở. Đặc biệt khi ca tụng thì đưa lên tận trời cao, còn khi cần “đánh” thì lôi đủ ba đời ra để nói xấu... đến tận bùn đen!
Song có lẽ điều khiến người đọc bức xúc và cảm thấy thất vọng nhất đó là chuyện... nói giảm, nói khinh, hay văn vẻ hơn là dùng “nhã ngữ” để nói tránh những điều xấu, không muốn thừa nhận hoặc chối bỏ, gỡ gạc chút sĩ diện trước bàn dân thiên hạ. Việc nói giảm, nói khinh còn mang sắc thái tình cảm, sự tôn trọng, kính phục. Ví như “Vua chết” thì gọi “băng hà”, người thân chết thì gọi “từ trần”, “mất” hay... “khuất núi”, lính bên ta chết trận thì gọi “tử trận”, “hy sinh” hay “tổn thất”, còn quân địch thì “bỏ mạng” thậm chí là... “ngoẻo” hay “ngỏm củ tỏi” v.v...
Ngôn ngữ... “hiện đại” ngày nay, càng ráo riết vận dụng đủ các loại từ ngữ để... “giảm” bớt đi những mặt xấu của sự kiện, hiện tượng kể cả nói... vòng vo tam quốc, nhằm đánh lạc hướng người nghe, chuyển sang một ý nghĩa khác... tốt hơn? Ví dụ để chỉ một nhóm người có thể là nhiều hoặc rất nhiều thì dùng từ “Một bộ phận...” vậy “bộ phận” là gì nếu không muốn nói là “tránh sự thật” hàm chứa sau cụm từ nói “giảm” ấy? Hoặc chuyện tham quan, tham nhũng là có thật, thì người ta sử dụng “mỹ từ” có... hiện tượng sa sút, tiêu cực hay là “có dấu hiệu tiêu cực!”. Làm việc bê bết, nói thẳng ra là hạng bất tài vô dụng, vi phạm pháp luật, thì giảm nhẹ đi “hạn chế trách nhiệm, chưa hoàn thành nhiệm vụ”. Chuyện... mua dâm trong xã hội, với dân thường thì gọi là “mua dâm” nhưng dính líu đến... quan nhân thì sửa lại là đi... “vui vẻ”… Hay như mới đây một quan cỡ bự ra nước ngoài “cầm nhầm” đồ (hàng hóa) của siêu thị thì gọi là “gặp sự cố” v.v và v.v... Gần đây hơn là chuyện “Trạm thu phí” đổi thành “Trạm thu giá”, rồi chiếc “xe bus” bấy lâu nay ai cũng gọi, ai cũng biết là chiếc xe vận chuyển hành khách trong các tỉnh, thành phố, hà cớ chi lại đổi thành “Xe khách thành phố”, càng khiến người đọc như “sa vào mê hồn trận” của uốn éo, lắt léo chữ nghĩa, mà cảm nhận thấy sự “sống sượng”, gượng ép của Mỹ từ, vốn được dùng cho cái hay, cái đẹp, đi vào lòng người thì nay cố tình bắt phải... nuốt, phải hiểu theo một ý nghĩa có chủ ý…
Anh chàng... Năm thi sĩ ở cạnh nhà, cứ mỗi sáng ra quán cà phê “kho” đầu hẻm, cầm tờ báo lên mặt nhăn như... uống nước cơm cháy pha với ký ninh càm ràm với chú Tư Ba Tri, một ông già Nam bộ chánh hiệu về cách dùng từ “ép trắng trợn” này. Chú Tư cười khà vuốt râu như cụ Đồ Chiểu mà phán xanh rờn: “Tụi nó... hiếp dâm Mỹ từ mà mậy!...”. Năm gật gù với cái câu nói cũng sặc mùi “cường điệu”, quá lố này của chú Tư. Gật đầu... tủm tỉm cười đắc chí: “Dạ, đúng là… thiệt á chú”.
Theo nguồn: Báo Văn nghệ