Để giữ giá trị cho giải thưởng

Tác giả: Ngô Thảo

Giải thưởng cho các tác giả và tác phẩm Văn học nghệ thuật là một vấn đề không mới. Hồ sơ văn thư lưu trữ ở Phòng Phủ Thủ tướng số HS#2484 trong Công văn và chương trình giáo dục bổ túc của Bộ Giáo dục 1951 ngày 4/9/1951, ở phần Giáo dục Chính trị đối với các anh em Văn nghệ sĩ đã đề cập đến. Từ nhận định: Từ kháng chiến đến nay, trong Văn nghệ nước ta, không có lấy được một tác phẩm gì cho ra hồn. Người viết đã nêu duyên do, ở ba mặt: 1/ Về người: Do hầu hết nhà văn còn trẻ tuổi, nên hiểu biết về Xã hội, về Văn hóa và Chính trị đều còn nhiều hạn chế. 2/ Về hoàn cảnh: Nước ta, nhà văn tài năng không nhiều. 3/ Về Giáo dục: Chưa tìm ra phương pháp thích hợp để giáo dục.

Để khắc phục tình trạng đó, tác giả đề nghị đồng thời với việc giáo dục cho các nhà văn trẻ, phải giao công việc cụ thể cho họ để vừa làm công tác, vừa có điều kiện hiểu sâu đời sống để có chất liệu sáng tác. Đồng thời để khuyến khích phong trào, các cấp sẽ có tổ chức chấm, trao giải thưởng. Chính vào thời điểm cách đây hơn 70 năm đó, tác giả đã nêu vấn đề: Khi lên đến toàn quốc là những tác phẩm hay nhất, thì phải có những giải thưởng Hồ Chí Minh để tặng (Dĩ vãng phía trước – Ngô Thảo, Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr.436).

Gần nửa thế kỷ sau, khi Văn học nghệ thuật nước nhà đã có nhiều thành tựu, thì vấn đề đặt các Giải thưởng cấp Quốc gia cho Văn học Nghệ thuật mới được chính thức hóa trong các Nghị định cấp Nhà nước. Nhưng từ khi có nghị định đến khi bắt đầu cụ thể hóa trong các Văn bản chi tiết là một thời gian không ngắn. Quyết định nêu rõ, Giải thưởng có hai cấp: Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh, với những tiêu chí khác nhau. Đến đây, có vấn đề đặt ra, là tặng Tác giả, hay Tác phẩm? Quyết định chính thức đầu tiên khẳng định là tặng cho Tác phẩm. Trong các tiêu chí xét giải, nói theo ngôn ngữ hiện nay là có phần cứng, và có phần mềm. Cứng là những thứ có thể đo đếm được, và phần mềm, phần này mới có tính quyết định hơn, là những thứ không dễ kiểm đếm: Chất lượng nghệ thuật, và tác động xã hội của tác phẩm. Từ Văn bản, đến khi đi vào thực tế xét giải đã phát sinh nhiều vấn đề, nên sau mỗi đợt xét, đều có bổ sung, điều chỉnh một số tiêu chí cụ thể.

Phần cứng tức những thứ có thể đo đếm được, như đã được bao nhiêu Giải thưởng (bên nghệ thuật là đếm số Huy chương vàng, bạc). Ngỡ là khoa học chính xác, nhưng khi áp vào thực tế luôn gặp những điều trớ trêu. Chẳng hạn, ngành Giáo dục, để phong Giáo sư, Phó Giáo sư, trong nhiều yêu cầu, có một đòi hỏi, phải có bao nhiêu bài đăng ở báo nước ngoài. Tiêu chuẩn cứng này, khi đi vào thực tế, từng chuyên ngành thật không dễ. Khoa học, kỹ thuật, y tế, các ngành Khoa học tự nhiên, là nơi, có tiếng nói chung toàn thế giới, nên những phát hiện, sáng kiến, công bố quốc tế là điều bình thường. Nhưng với Khoa học xã hội, đây là điều không chắc đã hợp lý. Với các cán bộ giảng dạy các bộ môn về Lý luận Chính trị hay Văn học Việt Nam, thì việc tìm được một Tạp chí khoa học đăng công trình nghiên cứu chuyên sâu thì bằng tìm lối lên… trời. Ngay quy định, số bài đăng các Tạp chí được tính điểm nghiên cứu khoa học ở trong nước cũng là một chuyện gây khó, gây khổ cho các vị Tiến sĩ. Số Tạp chí đó hiện không có nhiều, mà cán bộ giảng dạy bây giờ ở hàng trăm trường Đại học là không ít. Dù đăng đâu cũng không dễ chen chân; trong khi để kiểm tra trình độ Giảng viên thì có nhiều cách chuẩn xác hơn.

Trở lại với Giải thưởng về Văn học nghệ thuật, có một điều cần nhận rõ: Vai trò, vị trí của Văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội ngày nay đã khác rất nhiều so với thời Cách mạng và kháng chiến. Trong chiến tranh, Văn học nghệ thuật là một Mặt trận, Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó. Với định hướng rõ ràng đó, chúng ta đã chủ động xây dựng được một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, có nhiều người thật sự có tài năng, và bằng tác phẩm của mình, đã góp phần động viên, cỗ vũ tinh thần chiến đấu cuả quân và dân ta. Tên tuổi, và tác phẩm của văn nghệ sĩ được đông đảo người dân biết đến với tình cảm yêu mến và trân trọng. Nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu: Ca khúc là cái nhiệt kế tinh thần của thời đại. Đã có một thời, mà bất cứ nghề gì cũng được có thể thành bài hát được: Tôi là người thợ lò, Bài ca xây dựng, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Bài ca người giáo viên nhân dân, Em đi làm tín dụng, Ba cô đi cấy chăng dây, Những cô giái mở đường, Chào em, cô gái Lam Hồng, Những cô gái Sài Gòn đi tải đạn… rồi “địa phương ca” Bến Tre, Thái Bình, Nghệ Tĩnh, Hà Giang, An Giang, Cần Thơ… Ngày nay, chúng ta gọi đó là những Giai điệu tự hào. Mà đáng tự hào thật. Chính là những giai điệu đó đã lưu giữ tinh thần của một thời gian khổ, đau thương, nhưng đầy niềm tin vào chiến thắng, và đầy tự hào về đất nước, con người Việt Nam.

Sang thế kỷ XXI, đất nước xây dựng to đẹp, đàng hoàng, bài hát nhiều, người sáng tác cũng nhiều, nhưng vài chục năm nữa, khi nhắc đến những năm này, liệu sẽ có những bài nào được chọn, như là giai điệu tự hào của ngày hôm nay? Văn chương cũng ở tình trạng tương tự. Trong một đất nước đã có gần nửa thế kỷ xây dựng trong hòa bình, vị trí và vai trò văn học - nghệ thuật đã có sự đổi khác rõ rệt. Chính vì thế, khi nhìn vào Danh sách tác phẩm, công trình đề nghị Giải thưởng Hồ Chí minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật của Hội Nhà văn được công bố, với 25 tác phẩm, công trình tham dự Giải thưởng Hồ Chí Minh, 116 tác phẩm, công trình tham dự Giải thưởng Nhà nước (sau này rút lại còn 6 tác phẩm, công trình tham dự Giải thưởng Hồ Chí Minh, và 36 tác phẩm, công trình tham dự Giải thưởng Nhà nước), tôi thấy rất bất ngờ.

Xin nhắc lại tiêu chuẩn xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng sau năm 1993 (Còn từ 1993 về trước đều đã xét trong những đợt trước):

 - Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật: Đã được tặng giải cao nhất…

Nhìn vào danh sách đề nghị, thì thấy khó có tác phẩm của bất cứ tác giả nào đạt đến chuẩn nay. Có thể, có một số tác giả từng được giải thưởng Nhà nước, giờ trong tương quan mới, muốn nâng cấp khen thưởng. Nhưng tác phẩm đã khen, không được tính lại, mà thường đó là những tác phẩm xuất sắc nhất của tác giả, nên mấy đợt vừa qua đã xẩy ra tình trạng bất cập: Tác phẩm Giải thưởng Hồ Chí Minh, về mọi mặt, không bằng tác phẩm Giải thưởng Nhà nước của chính tác giả đó. Với một số tác giả lớp trước, với tất cả sự kính trọng, và yêu mến, cũng không thể xem tác phẩm về sau này họ đạt tác dụng to lớn,… ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội hiện nay được. Chưa kể, có một số tác phẩm tham dự giải thưởng chỉ là vài tập, thậm chí một tập không thuộc thể loại văn học. Không biết tới đây, Hội đồng các cấp sẽ xét duyệt thế nào. Những năm gần đây, mỗi bản sách có giá trị nghệ thuật thường chỉ in được con số hàng nghìn, kịch ít vở dựng diễn được hàng trăm buổi, phim chính trị thường do Nhà nước đặt hàng, chiếu rạp không có mấy người tự nguyện mua vé đi xem. Đó là một thực tế, nói lên vai trò và đóng góp của Văn học nghệ thuật ở một đất nước đã gần trăm triệu dân.

Cũng cần lưu ý, ngày nay, hoạt động văn học - nghệ thuật cả nước, tác giả cũng như tác phẩm mỗi chuyên ngành rất đông đúc và đa dạng. Người trong một loại hình còn không thể biết hết về nhau, nói chi bao quát được hết các loại hình khác. Vậy nên Hội đồng cấp Bộ, rồi cấp Quốc gia, thường là bao gồm đại diện các Hội chuyên ngành (được cấu tạo theo nhiệm kỳ 5 năm) là những người cầm cân nảy mực, mà lại đòi thống nhất ở tỉ lệ cao, thì thật là chuyện hoang đường. Chắc chắn trong họ, đa số sẽ có quyền quyết định giá trị cho những tác phẩm mình không hề biết mặt. Hình dung đại diện Hội Kiến trúc, Hội nghệ sĩ Múa, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh, Hội Nghệ sĩ sân khấu… bỏ phiếu cho các nhà văn, và ngược lại, thì mức độ chuẩn sẽ  đạt đến mức nào. Ngay trong Hội đồng cơ sở Hội Nhà văn, mà những tác giả có hàng chục tập tiểu thuyết, trường ca, thơ, nhiều tác phẩm được giải thưởng, mà vẫn không qua được vòng sơ tuyển, như Văn Lê, thì nói gì, chuyện ra các Hội đồng tổng hợp.

Giải thưởng Nhà nước cũng có những đòi hỏi rất cao cả về tác động xã hội, và giá trị xuất sắc về nghệ thuật. Trong hiện tình Văn học nghệ thuật như hiện nay, mà một danh sách hàng trăm tác phẩm của các tác giả được đề nghị xét, thì rất đáng suy nghĩ.

Để bảo vệ giá trị cho Giải thưởng Hồ Chí Minh, với đúng tiêu chuẩn đã đề ra, có lẽ chỉ nên xét những tác phẩm ra đời trong Cách mạng và mấy cuộc kháng chiến. Trong thời bình, liệu có nên duy trì việc xét như một định kỳ, đến hẹn lại xét, như lâu nay? Giải thưởng Nhà nước, do thời gian sáng tác ngày nay, nhiều người rất dài, có thể trao hai lần, với những tác phẩm khác nhau, nhưng không nhất thiết phải nâng cấp lên Giải thưởng Hồ Chí Minh. Thay vì định lượng về thời gian, có lẽ chỉ nên xét đột xuất khi xuất hiện những tác phẩm thật đặc sắc. Những tác phẩm đó cũng cần có thời gian mới lan tỏa ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội

Để động viên các văn nghệ sĩ, từ 1993, hàng năm Nhà nước đã cấp cho các Hội sáng tạo Văn học nghệ thuật một khoản tiền không nhỏ để làm giải thưởng. Cho đến nay, các Hội vẫn duy trì những hình thức xét giải khác nhau. Dù vậy, không phải tác phẩm nào được chọn cũng được dư luận đồng thuận. Hy vọng Ban Chấp hành mới sẽ có những  phương án, đưa được giải thưởng hàng năm, như một hỗ trợ cho các tác giả có tác phẩm nghiêm túc được xuất bản, rồi 3-5 năm, mới xét những tác phẩm xuất sắc nhất, được thử thách để trao giải cao hơn. Hàng năm, để xem xét việc này, nên để cho các Hội đồng chuyên ngành có Giải thưởng (Hay khen thưởng) của Hội đồng, Hội có thể chọn tác phẩm xuất sắc, hoặc 3-5 năm mới có Giải thưởng cấp Hội. Thay vì tốn rất nhiều công phu, và kinh phí xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà Nước, Nhà nước nên tăng kinh phí và trách nhiệm khen thưởng cho các Hội sáng tạo Văn học nghệ thuật, vừa nâng vị trí xã hội của các Hội, vừa bớt những nhiệm vụ khó khăn không cần thiết cho các cơ quan quản lý Nhà nước, nơi mà rất khó tìm ra những cán bộ có đủ chuyên môn để theo dõi và thẩm định sâu giá trị các tác phẩm thuộc nhiều loại hình của cả nền Văn học nghệ thuật ngày càng rộng lớn của nước nhà.

Mấy ý kiến chân thành, mong được cùng trao đổi rộng rãi.

 

Theo nguồn: Báo Văn nghệ

Các tin khác:

1-5 of 82<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter