Làm mới những giá trị cũ

Tác giả: Võ Khắc Nghiêm

75 NĂM QUỐC KHÁNH 2/9 (1945-2020)

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy,có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…

Lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng một số thành viên nhóm tình báo Con Nai, Mỹ, tại Tân Trào năm 1945. Ảnh: TƯ LIỆU.

 

Mở đầu bằng những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, cùng Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp, chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy ngẫm rất nhiều về những giá trị to lớn mà hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới đem lại cho nhân loại. Sau khi khát quát lại 80 năm bị Pháp đô hộ, dân tộc Việt Nam phải chịu bao đau thương, đọa đày đã vùng lên tự giải phóng cho mình và đoàn kết cùng Đồng Minh đánh đuổi phát xít Nhật; Người hào sảng, trịnh trọng tuyên bố: Nước Việt Nam đã thực sự thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. 

Đánh giá sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các nhà sử học Pháp, Mỹ đều khẳng định đây là sự mở đầu cho phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa, góp phần đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ, hướng về những tiến bộ văn minh của các nước Đồng Minh, nhất là Hoa Kỳ. Cần nhấn mạnh rằng năm 1945, cả Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc đều chưa công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác Hồ đã trích Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ để mở đầu cho bản Tuyên ngôn Độc lập nước nhà, không phải ngẫu nhiên.

Có những nguyên nhân sâu sắc khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn tạo mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ trước khi soạn thảo văn bản quan trọng này. Sự kiện đầu tiên có thể nhắc đến là vào đầu tháng 11 năm 1944, viên trung úy phi công người Mỹ, R.Shaw, được Việt Minh cứu thoát tại vùng núi Cao Bằng và đưa về Côn Minh, nơi có phái bộ quân Đồng Minh đóng. Sau chuyện này, đầu năm 1945, Bác Hồ có dịp gặp tướng Mỹ S.Chenault tại Côn Minh trong một không khí nhiều thiện cảm. Chenault đã tặng Người sáu khẩu súng lục mới nhất của Hoa Kỳ và một bức ảnh chân dung cùng chữ ký đề tặng. Khi Bác ngỏ ý muốn có máy truyền tin và nhân viên điện tín để thường xuyên thông báo tình hình phát xít Nhật tại Việt Nam với Đồng Minh, Chenault đã chấp nhận ngay, và hai sĩ quan người Mỹ đã được cử sang Cao Bằng giúp Việt Minh đào tạo du kích sử dụng vũ khí, chiến đấu…

Sau khi nhận thấy uy tín của Việt Minh cũng như ảnh hưởng của Hồ Chí Minh rất lớn trong dân chúng, tháng 4/1945 đại úy Archimedes Patti, chỉ huy tình báo Mỹ tại Đông Dương (OSS) đã có cuộc gặp Bác Hồ tại Côn Minh để trao đổi về những vấn đề Mỹ có thể hỗ trợ Việt Minh. Sau cuộc gặp đó, A.Patti viết báo cáo nhận xét: Việt Minh là thành phần quan trọng nhất, được ủng hộ rộng rãi nhất trong nhân dân. Họ theo chủ nghĩa Mác, nhưng mối quan tâm lớn nhất của họ là đánh đuổi Nhật, họ rất mong được người Mỹ giúp đỡ…

Ngày 17/7/1945, đội tình báo Mỹ mang biệt danh Con Nai gồm 5 người do thiếu tá A.Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Tân Trào, huấn luyện cách sử dụng súng, kỹ năng chiến đấu cho 40 du kích trong đội quân của Đàm Quang Trung do Võ Nguyên Giáp trực tiếp lãnh đạo. Chính Bác Hồ đã đặt tên cho đơn vị này là Bộ đội Việt - Mỹ và ra mệnh lệnh đầu tiên đánh chiếm Thái Nguyên vào trung tuần tháng 8/1945.

Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 25 tháng 8 Bác về đến Hà Nội và ngay trưa hôm sau, ngày 26/8, Người đã có bữa tiệc ngoại giao đầu tiên với Trưởng phái bộ Mỹ ở Đông Dương. Đó lại chính là A.Patti, lúc này đã mang quân hàm thiếu tá. Viên sĩ quan này viết trong hồi ký: Ngày 29/8/1945 Hồ Chí Minh đọc cho tôi nghe dự thảo bản Tuyên ngôn Độc Lập và mời cơm tôi chiều ngày 1/9 tại Bắc Bộ Phủ. Cùng dự còn có Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám… Người hoan nghênh và rất coi trọng sự ủng hộ, giúp đỡ vật chất, tinh thần từ Mỹ dành cho dân tộc Việt Nam. Người đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ rất hiệu quả của OSS và mong sự hợp tác hữu ái sẽ tiếp tục phát triển…

Thiếu tá A.Patti kể lại: Mọi người khen bản Tuyên ngôn Độc lập là áng văn hùng biện, sâu sắc, đanh thép, phần kết mang tính chiến đấu bất khuất… Bác Hồ cười, chân tình nói đại ý: Tôi cũng học người xưa thôi! Thực ra nước Việt Nam ta từng có những bản Tuyên ngôn Độc lập rất hào hùng. Đó là “thơ thần” Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”, rồi Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi chấp bút… Bác chỉ làm mới thêm cái ý nghĩa Độc lập - Tự do phải gắn liền với quyền mưu cầu hạnh phúc mà ngài Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đã đề cao…

Ngày 2/9/1945, A.Patti cùng phái đoàn OSS dự lễ Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữa một rừng người kín đặc Ba Đình, hò reo vang trời… “Việt Nam của người Việt Nam… Thà chết, không nô lệ, Hoan nghênh Đồng Minh, hoan nghênh phái đoàn Mỹ…”

 Ngày 16 tháng 9 năm 1945, Philip Gallagher, vị tướng Hoa Kỳ đầu tiên đến Hà Nội trong tư cách trưởng đoàn cố vấn quân Đồng Minh. Ông được chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự “Tuần Lễ Vàng”, được báo chí lúc đó đề cao vì vị chuẩn tướng này không cho phép Pháp trở lại Việt Nam sau khi đã bị phát xít Nhật lật đổ, và cũng chính ông đã đàm đạo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong lâu dài và thành lập ngay Hội Hữu nghị Việt - Mỹ (VAFA).

Ngày 22/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Bộ Trưởng bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ; ngày 28/10/1945 gửi điện cho Thống chế Tưởng Giới Thạch, khẩn thiết đề nghị Mỹ và Trung Hoa Dân Quốc công nhận chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người còn ngỏ lời nhờ phái đoàn Mỹ có tác động mạnh mẽ để Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh sớm công nhận Việt Nam. Phái đoàn Mỹ đã nhiệt tình gửi nhiều bức điện cho Bộ Ngoại giao Hoa kỳ với những nhận xét tốt đẹp, đề nghị Mỹ sớm công nhận Chính Phủ của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên do tình báo Mỹ tại Pháp khẳng định, Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, đảng viên cộng sản Pháp, từng hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, và Mỹ cần phải bảo vệ quyền lợi của Pháp tại Đông Dương. Việc này khiến cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry S.Truman khi đó mới nhậm chức, lại có nhiều thiện cảm với tướng Pháp Charles de Gaulle, đã bỏ lỡ cơ hội rất tốt, rất sớm để mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Dương, Đông Nam Á, dẫn đến hàng loạt sai lầm tiếp theo của các đời tổng thống Mỹ sau này, là sa lầy vào cuộc chiến tranh đẫm máu tại Việt Nam kéo dài ròng rã 30 năm, để rồi phải mất đúng nửa thế kỷ, cho đến năm 1995, Hoa Kỳ mới thiết lập được quan hệ chính thức với nước Việt Nam rồi trở thành đối tác toàn diện như ngày nay, điều mà Bác Hồ từng đặt ra khi thành lập Hội Hữu Nghị Việt - Mỹ 75 năm trước…

Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã khiến cho các nhà lãnh đạo Mỹ phải tự tìm hiểu lịch sử chiến tranh, văn hóa Việt Nam. Lịch sử còn nhắc đến bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ R.Nichxơn ngày 25/8/1969, trước khi qua đời 5 ngày. Trong đó Người đã chân thành vạch ra con đường tốt nhất cho người Mỹ là Rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Sau này, khi quan hệ hai nước đã bình thường hóa, thì câu chuyện một vị Tổng thống Mỹ còn trích cả Kiều khi nói về quan hệ mới của hai nước Việt - Mỹ, có thể xem là một minh chứng sinh động. Gần đây những tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về chủ quyền trên Biển Đông và những phát biểu của Tổng thống Donal Trump trong hai lần thăm Việt Nam cho thấy người Mỹ đang tự thu hẹp dần những khác biệt, tiến gần hơn đến hợp tác chiến lược với Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á… Rõ ràng những giá trị cũ mà Bác Hồ đặt nền móng cho sự hợp tác toàn diện của hai nước đang thực sự được làm mới, mạnh mẽ và toàn diện.

 

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020

 

Các tin khác:

76-80 of 82<  ...  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter