Xung quanh sự lừa đảo trên mạng xã hội

Tác giả: Nhà văn Trần Bảo Hưng

Hàng ngày các phương tiện truyền thông đều đưa tin: sự lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi, ngày càng nở rộ khiến hàng nghìn - hàng chục nghìn người sập bẫy. Thực ra sự lừa đảo trên mạng xã hội phát triển tỷ lệ thuận với sự lừa đảo trong đời sống hàng ngày. Có điều sự lừa đảo này chưa bị vạch mặt chỉ tên và người bị lừa đảo cũng rất ít khi lên tiếng. Nguyên nhân sâu xa sự phát triển mạnh mẽ và rầm rộ của việc lừa đảo trên mạng xã hội và đời sống chính là sự xuống cấp, sự sa sút của đạo đức xã hội. Nhiều người trắng trợn và “thẳng thắn” nói ra mục đích sống của mình là vì tiền và để có tiền người ta sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn và phương tiện hèn hạ nhất. Điều đáng buồn là số người nghĩ và sống như trên ngày càng nhiều và điều đáng sợ nhất là họ thể hiện những ước muốn hèn hạ của mình không cần che đậy, không một chút hổ thẹn. Do vậy muốn hạn chế được sự lừa đảo chúng ta phải tìm cách nâng cao đạo đức, lẽ sống xã hội, khiến cho con người trở nên cao đẹp hơn, chứ không chỉ vì mục đích thấp hèn ăn, ngủ… như con vật. Nhưng đó là câu chuyện của lâu dài, của tương lai. Trước mắt chúng ta muốn hạn chế sự lừa đảo trên mạng xã hội thì phải tìm hiểu nguyên nhân trực tiếp của nó. Nguyên nhân sự lừa đảo này thì có nhiều, nhưng tựu trung lại có ba nguyên nhân chính: lợi ích của bọn lừa đảo, các cơ quan chức năng chưa tích cực vào cuộc và sự thiếu hiểu biết cũng như sự hám lợi của một bộ phận công chúng.

Loại trừ nguyên nhân thứ nhất rất khó, thậm chí không thể thực hiện đầy đủ được. Do vậy chúng ta chỉ có thể tập trung vào nguyên nhân thứ hai và thứ ba. Vẫn biết sự lừa đảo trên mạng là hết sức tinh vi, nhưng chúng tôi có cảm tưởng các cơ quan chức năng của ta chưa vào cuộc một cách rốt ráo, bằng chứng là sự khởi tố, bắt giam các đối tượng lừa đảo còn rất ít. Thứ hai là các cơ quan chức năng còn có khoảng cách quá xa với người dân. Các cơ quan chức năng là người bảo vệ nhân dân, từ nhân dân mà ra, vậy tại sao bọn lừa đảo lại nhân danh công an, viện kiểm sát, tòa án… để hù dọa người dân. Điều này chứng tỏ các cơ quan chức năng như công an, tòa án, viện kiểm sát… chưa làm tròn trách nhiệm của mình là khiến cho dân tin, dân yêu mà không ít trường hợp còn khiến dân sợ. Nhiều trường hợp bọn lừa đảo đưa các cơ quan chức năng ra hù dọa, khiến người dân sợ hãi, mất tỉnh táo và nhất nhất làm theo yêu cầu của chúng. Loại trừ những trường hợp người dân thiếu hiểu biết và cá nhân những người ở các cơ quan chức năng còn hách dịch, ăn tiền nhân dân, thì các cơ quan này cũng cần xem lại cách hành xử của mình. Ví như các cơ quan công quyền lo thủ tục hành chính cho dân, nhưng vẫn còn có những con sâu hách dịch tham nhũng vặt cho nên nhân dân rất ngại đến các cơ quan này và họ nói vui: đây là các cơ quan hành là chính.

Nguyên nhân thứ ba (nguyên nhân chính) là sự thiếu hiểu biết và sự hám lợi của một bộ phận công chúng khiến bọn lừa đảo có đất sống và sinh sôi phát triển. Người dân cần hiểu rằng: các cơ quan chức năng muốn làm việc với công chúng phải có công văn, giấy tờ chứ không phải qua một tin nhắn, một cuộc gọi điện thoại - nhất là những người có liên quan đến các vụ án cần phải khởi tố, bắt giam. Tất nhiên là không loại trừ “những con sâu” trong các cơ quan công quyền luôn sử dụng tin nhắn, điện thoại để đe dọa người dân nhằm trục lợi. Thái độ của những người đại diện cho các cơ quan công quyền cũng phải thay đổi. Bản thân người viết bài này đã gặp trường hợp người của cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ, nhưng hành xử, nói năng cứ như với kẻ phạm tội. Trường hợp rõ rệt nhất của việc người dân bị lừa đảo chính là chiêu bài “Việc nhẹ lương cao” và hàng loạt biến tấu của nó. Nếu người dân không hám lợi và thiếu hiểu biết thì bọn lừa đảo không thực hiện được mục đích của mình. Nhiều người dân không hám lợi, nhưng “có tật giật mình” đã bị bọn lừa đảo dẫn dụ khiến bước vào tròng của chúng lúc nào không hay. Đó là khi bọn lừa đảo nói ông (bà) hay anh (chị) đang vướng vào một việc mà cơ quan chức năng đang điều tra cần phải khai báo số dư tài khoản trong ngân hàng hoặc chuyển tiền vào một tài khoản do chúng tạo ra để tiện cho việc điều tra. Trường hợp sập bẫy này khá nhiều, chứng tỏ một điều đáng buồn là rất nhiều người dân không trong sáng hoặc vi phạm pháp luật, khi bị bọn lừa đảo dọa nạt đã run sợ và nhân nhượng làm theo lời chúng.

Người viết bài này cũng đã từng nhận được những cuộc gọi điện đến báo trúng thưởng lớn phải nộp tiền lệ phí để lĩnh giải thưởng; rồi có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về đã quá hạn phải nộp tiền phạt để lĩnh; rồi chậm đóng tiền điện nên điện lực sẽ cắt điện; rồi có liên quan đến một vụ buôn ma túy cần phải phong tỏa tài sản v.v và v.v… Tất nhiên là tôi không dính bẫy vì sống trong sáng, nhưng cũng có một lần tý sập bẫy vì những luận điệu tinh vi của bọn lừa đảo. Một lần chúng gọi điện đến nói vanh vách số chứng minh thư của tôi (đến bây giờ tôi cũng không hiểu sao chúng lại có được) và nói là ngoài số điện thoại mà tôi đang sử dụng còn có một số điện thoại khác chuyên dùng để lừa đảo, cho nên chúng sẽ cắt số điện thoại tôi đang dùng. Hoảng hốt vì nếu chúng xóa số điện thoại này, thì liên lạc mấy chục năm của tôi với bạn bè và các cơ quan có liên quan sẽ bị đứt đoạn, tôi bảo chúng: các anh cứ cắt số điện thoại lừa đảo mạo danh tôi, chứ tại sao lại cắt số điện thoại của tôi. Chúng bảo ngày ấy, giờ ấy vào Tp. Hồ Chí Minh gặp công an để giải quyết hậu quả số điện thoại lừa đảo. Chúng còn nối máy để tôi nói chuyện với người tự xưng là công an. Đến lúc này thì tôi biết là bị lừa, bèn nổi xung lên: tao là công an đây công an không bao giờ dính vào các thuê bao điện thoại cả. Thế là chúng gác máy và tất nhiên là số điện thoại của tôi vẫn dùng bình thường cho đến nay.

Tiện đây cũng xin nói về số sim rác ngày ngày tấn công tôi cũng như các bạn (và cũng là một trong những thủ đoạn mà bọn lừa đảo trên mạng sử dụng). Thực ra triệt phá sim rác rất khó và cũng rất dễ, tất cả đều phụ thuộc vào các nhà mạng và đại lý của họ. Sim rác tăng thu nhập (bất hợp pháp) cho các đại lý và các nhà mạng. Chỉ khi nào các đại lý không bán sim đã kích hoạt cho các đối tượng không rõ nhân thân (không xuất trình chứng minh thư hoặc căn cước công dân chẳng hạn) thì sim rác mới không tồn tại. Muốn vậy các đại lý không thể bất chấp tất cả để có tiền hoa hồng và các nhà mạng không thể vì lợi nhuận mà nhắm mắt làm ngơ cho các đại lý (như phạt hoặc thu hồi giấy phép của các đại lý làm bậy). Và chỉ khi đó chúng ta mới không bị kẻ xấu quấy rầy, mới được hưởng thụ đầy đủ những tiện ích do sự phát triển của công nghệ mang lại.

Nguồn Văn nghệ số 38/2022

 

Các tin khác:

1-5 of 82<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter