Rồng trong truyền thuyết của người Việt

Rồng trong truyền thuyết của người Việt

 

Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, Rồng (Long) xuất hiện ở thần thoại, truyền thuyết và một số ít truyện cổ tích, nhưng nhiều nhất vẫn là ở những câu chuyện truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian, đặc biệt là các truyền thuyết của người Kinh giải thích về ngọn nguồn dân tộc thuộc nòi giống "Con Rồng cháu Tiên" như: "Âu Cơ và Lạc Long Quân", "Truyện Hồng Bàng", "Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân", "Sự tích một trăm trứng", "Truyện tổ tiên mở nước"… lưu truyền ở khắp nơi trong nước. Hiện nay, nhiều nơi còn lưu giữ các Thần tích ở các đình, đền thờ, tiêu biểu nhất là ở đền Âu Cơ (Phú Thọ).

Trong các truyền thuyết về địa danh liên quan đến loài Rồng, có một số truyền thuyết giải thích lịch sử hình thành của một số địa danh, trong đó có Hoàng thành Thăng Long. Theo chuyên khảo "Kho tàng truyện kể dân gian Thăng Long- Hà Nội" của GS.TS Kiều Thu Hoạch cho biết: Ngay từ khi thuyền Vua Lý mới dời đô từ Hoa Lư ra Đại La thì truyền thuyết Rồng vàng xuất hiện trên sông Nhị đã mau chóng lan truyền khắp trong dân gian. Rồng vàng xuất hiện trong ngày vua đến đóng đô vừa gợi lên ký ức thiêng liêng về nòi giống, tổ tiên, vừa biểu lộ niềm tin của nhân dân đối với triều đại mới, một triều đại mang khí thế thiêng như Rồng bay lên, hội tụ đầy đủ trong hai chữ "Thăng Long". Sau truyền thuyết về cái tên Thăng Long, cụm truyền thuyết "Thăng Long tứ trấn" cũng ra đời. Đó là những truyện kể về nhân vật thần Trấn Vũ trấn giữ phía Bắc, thần Cao Sơn trấn giữ phía Nam, thần Long Đỗ- Bạch Mã trấn giữ phía Đông, thần Linh Lang trấn giữ phía Tây thành Rồng (Thăng Long). Ngoài ra, ở một số tỉnh thuộc Tây Bắc như Sơn La, Bắc Cạn còn có các truyện "Sự tích hồ Mường Muổi" (Thái), "Sự tích hồ Thuận Châu" (Thái), "Rồng đá Quan Làng" (Tày)  kể về gốc tích hình thành một số địa danh trong vùng.

Trong các truyền thuyết về thần thánh và phép thuật, Rồng còn là nhân vật thần linh hỗ trợ, phù hộ, đem lại sức mạnh và tài năng, phép thuật cho con người, hoặc hóa thân, đầu thai thành người để giúp họ đánh giặc, dựng nước, giữ nước, trở thành các bậc vua chúa, anh hùng được mọi người quý trọng, tôn thờ. Các truyền thuyết của người Kinh về Tản Viên Sơn Thánh lưu truyền ở miền Bắc, có bản kể: Rồng vàng phun khí tốt cho người mẹ khi xuống giếng lấy nước, sau sinh được người con trai tuấn tú, cao lớn, mây lành vấn vít, hào quang rực rỡ, cha mẹ đặt tên là Nguyễn Tuấn, lớn lên đổi tên là Nguyễn Tùng, được thần linh ban tặng cho cây gậy đầu sinh đầu tử và cuốn sách ước, nhờ đó đã chiến thắng được thần nước (Thuỷ Tinh), lấy được Mỵ Nương lên núi Tản ở, giúp vua Hùng đánh tan quân Thục, trở thành một vị Sơn Thánh luôn dùng phép thuật thần tiên giúp nước, cứu dân, được nhân dân khắp nơi mến mộ, tôn thờ.

Truyền thuyết về Triệu Quang Phục (7 bản) kể việc ông lấy địa bàn hoạt động chính là vùng đầm lầy, cùng Lý Bôn dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi được quân Lương, lên làm vua. Ông được thần Chử Đồng Tử cưỡi Rồng vàng bay đến ban cho cái vuốt Rồng đem cài lên mũ đầu mâu làm vật hộ mệnh, từ đó đánh đâu thắng đó, thanh thế lẫy lừng. Đến khi thua trận do bị Lý Phật Tử dùng mưu ăn cắp (hay đánh tráo) móng rồng thần đem quân đánh, phải chạy đến cửa bể Đại Nha (tức chỗ ngã ba Độc Bộ, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) và nhảy xuống thì được Rồng thần đi trước rẽ nước thành đường để vua đi rồi khép lại như cũ. Các triều vua về sau thấy sự thiêng lạ, lệnh cho dân các làng lập điện thờ.

Truyền thuyết kể về người dẹp loạn cát cứ lên ngôi vua có 5 bản, trong đó có truyện "Rồng hiện cứu vua, chú cắm gươm lạy cháu" (Kinh) kể về đứa trẻ táng mộ cha vào ngôi hàm Rồng dưới vực nước xoáy, hoặc được Rồng vàng cõng qua sông khi có người đuổi. Nhân vật được lòng người, xây thành đắp luỹ, tuyển quân và dẹp loạn cát cứ, sau đó xưng vương. Truyện "Sự tích chàng Cả, chàng Hai, chàng Ba đại vương thời Triệu Vũ Đế" (Kinh) lưu truyền ở miền Bắc kể về việc Triệu Đà nằm mộng được Lạc Long Quân cho ba quả trứng. Sau này, nhờ có Lan Phi (Đệ nhị phi- vợ của ông) báo mộng, biết ba quả trứng được một đại mãng xà cuộn tròn ôm trong miếu thờ của Lan Phi là ba trứng Rồng được Long Quân cho đầu thai nên đem về cung. Quả nhiên ba ngày sau, ba quả trứng nở ra ba người con trai khôi ngô tuấn tú, lớn lên đều có tài văn võ, tinh thông thiên văn địa lý. Gặp khi hạn hán, các ngài cầu đảo cho mưa tràn ngập ruộng vườn. Họ còn xin vua cha cho khoan sức dân, thực hành nhân nghĩa với dân. Sau này, ba người đổ bệnh mà chết. Nhà vua cho lập đền thờ tại các triền sông để phụng thờ và sắc phong đại vương cho ba ông.

Thần tích làng Vân Đồn, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định ghi lại "Sự tích Hùng Hải, Đỗ Huy thời Hùng Vương" kể: Hai vị là con trai của quan chủ bộ Dương Tuyền và con trai của quan chủ bộ Chu Diên thuộc quận Giao Chỉ. Vào thời Hùng Duệ Vương (tức đời Hùng Vương thứ 18), hai tướng Hùng Hải và Đỗ Huy được vua cử đi trừ thiên tai, dịch bệnh, đào kênh mương, đắp đê ngăn nước, trị thuỷ cho dân. Hai tướng còn phụ trách các đạo thuỷ quân và bộ binh trừ giặc Hồ Tôn ở phía Nam nước Văn Lang. Sau này, hai người anh hùng trở về trời trong hình dáng con rồng và ngôi sao. Sau khi hoá, Hùng Hải được phong là Thuỷ Hải long đại vương, Đỗ Huy được phong là Chiêm Huy linh ứng đại vương. Đến đời Thục Vương, hai ông được phong là Đông Thánh, Tây Thần. Các đời sau, hai thần đều có công giúp nước, cầu đảo đều linh ứng.

Rồng xuất hiện nhiều nhất trong các truyền thuyết có ấy rồng, bị rồng quấn quanh mình… rồi có thai, hoặc khi đang mang thai thấy rồng ấp bóng sinh ra những người con trai khỏe mạnh, thông minh và tài giỏi, trở thành những vị thần giúp dân đánh giặc, trị thủy, bảo vệ quê hương. Có thể kể đến như: Truyền thuyết về hai vị thần sông nước là Trương Hống, Trương Hát lưu truyền ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên; Truyền thuyết "Cha dỗ đó mẹ lá chùa" (Kinh) ở Ninh Bình; "Sự tích Học Công, Nga Nương, Hồng Nương thời Hai Bà Trưng" lưu truyền ở Hà Nam; "Sự tích Lý Bí", " Sự tích Tiền Lý Nam Đế"; "Sự tích Minh Lang, Sát Hải, Quế Hoa, Quỳnh Hoa, Mai Hoa thời Hùng Vương" ở Hưng Yên; "Trần Giới, Trần Hà", "Sự tích Đào An, Đào Ý thời Hùng Vương ", "Sự tích Mang Công, Mỹ Công, Lộ Công thời Hùng Vương", "Sự tích hai anh em sinh đôi Nguyễn Cảm, Nguyễn Ứng đại vương thời Hùng Vương", "Ả Đại nương", "Sự tích bốn anh em cùng một bọc có công giúp vua Lê Đại Hành"…

Truyền thuyết về người anh hùng là các con của Lạc Long Quân có 3 truyện "Sự tích chàng Ba thời Hùng Vương", "Sự tích Anh Công, Dực Công thời Hùng Vương", "Sự tích Cao Sĩ đời Vua Hùng" lưu truyền ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định kể xuất thân của họ là ba người con trai của Lạc Long Quân: Tam Lang em trai thứ ba của Hùng Vương thứ nhất, gặp hai người anh của mình là các vị đi xuống biển cùng Lạc Long Quân. Hai người anh báo cho Tam Lang biết sắp có giặc ngoại xâm và hẹn sẽ giúp em diệt trừ giặc. Giặc Mũi Đỏ (Xích Tị) đến quấy phá, tướng giặc là Ma La có nhiều phép thuật. Hai người anh là thần biển khơi đến giúp Tam Lang dẹp yên giặc. Chiến thắng khải hoàn, Tam Lang báo cho Hùng Vương thứ nhất. Hùng Vương phong cho anh Cả là Đông Hải đại vương, anh Hai là Tây Hải đại vương. Sau khi Tam Lang mất, vua phong cho Tam Lang là Bắc Nhạc đại vương. Sắc cho làng Cố Đế (Vụ Bản), nơi Tam Lang gặp hai anh, lập đền thờ cả ba vị thần.

Có 4 truyền thuyết về anh hùng Nùng Trí Cao của người Nùng, Tày ở Cao Bằng chống giặc phương Bắc. Đại thể, khi Nùng Trí Cao còn nhỏ, đi chăn ngựa cho chú, một hôm thấy có đám mây đen hình con rồng từ trên trời sa xuống cuốn quanh lấy ngựa. Sau đó ngựa đẻ ra ngựa con trắng có cánh, bay nhanh như gió đưa Nùng Trí Cao về kinh đô đi học. Nhờ có ngựa thần, Nùng Trí Cao nối chí cha, liên kết các châu, tự xưng là Hoàng đế đại lịch. Nhà Lý bắt Cao giải về Thăng Long, rồi phủ dụ cho làm Tri châu, cai quản ba châu Quảng Yên, Thượng Lang và Hà Lang. Nùng Trí Cao có cõng đánh đuổi quân Tống khỏi biên giới, thậm chí còn chiếm hết 8 châu của Quảng Châu, song không hạ được thành, sau lui về nước Đại Lý (Vân Nam ngày nay) để lập căn cứ. Nhà Lý lo ngại vì thanh thế Nùng Trí Cao ở vùng biên, sợ ông làm phản, cho quân lên dẹp mà không được. Tướng nhà Tống cùng bọn tướng của ông phản bội, lập mưu tập kích, chặt đầu ông. Khi bị tướng giặc chém đầu, Nùng Trí Cao ôm đầu phi ngựa chạy, gặp hai người phụ nữ goá chồng hỏi, họ đều trả lời "Bị cắt cổ không chết", nhưng khi về gặp mẹ, được mẹ trả lời "Bị cắt cổ là không sống được" thì lăn ra chết. Ngày nay, Nùng Trí Cao được nhân dân các huyện Hoà An, Hà Quảng, Thông Nông, Bảo Lạc, Quảng Hoà … đều thờ cúng. Hàng năm ở đền Khâu Sầm đại vương (còn gọi là Kỳ Sầm) thuộc Cao Bằng, có lễ hội đền vào ngày 10 tháng giêng.

Các truyền thuyết về người anh hùng sinh ra từ quả trứng (có 4 truyện) đều kể về việc mẹ ra suối tắm (hoặc đi hái dâu qua bến sông) bị giao long quấn quanh người, hay về thì mơ thấy rồng xanh từ trên trời bay xuống ngậm trứng nhả vào miệng, sau sinh ra trứng, trứng nở ra các con, hoá thân thành tướng tài dẹp giặc. Còn truyện "Sự tích năm anh Minh Công, Tín Công, Cao Công, Thạch Công và Dung Nương thời Hùng Vương" thì kể về các anh hùng sinh ra từ trứng Rồng, lớn lên có chiến công giúp vua dẹp được giặc Thục.

"Sự tích hai anh em Thiện, Quang thời Hùng Vương" ở Hưng Yên kể về hai vị anh hùng thác sinh từ râu Rồng thần, có công giáo hoá dân chúng khi thanh bình, lúc có giặc được thống lĩnh thuỷ quân đánh tan giặc. Khải hoàn, hai thần về đến cửa sông Viên Môn thuộc Sơn Nam thì hoá thành hai con giao long biến mất. Vua sắc cho làng Thanh Sầm thờ phụng hai thần.

Truyện "Thần Rồng và anh em nhà Yrah- Yrin" của dân tộc Ê Đê lưu truyền ở miền Trung (Tây Nguyên) kể về người có công khai sáng cho buôn làng. Đó là hai anh em nhà Yrah- Yrin mồ côi, đi vào rừng tìm cái ăn cái mặc, cầu khấn và gặp được thần Rồng. Sau khi dâng lễ vật và tổ chức nghi lễ cộng đồng, thần Rồng đã giúp cho hai anh em và dân làng có được mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ, sung túc. Từ đó, hai anh em và người Ê Đê hàng năm khi thu hoạch mùa màng xong, thường tổ chức lễ hội cúng bến nước để tạ ơn thần Rồng.

Giải thích về nguồn gốc mương phai có các truyện "Sự tích con mương Tà Loòng" (Tày), "Sự tích con mương bản Loàn và thằng Tâm Đón" (Tày), "Tạo Mường Phe và bản Na Toòng" (Thái) ở vùng Bắc Cạn, Nghệ An kể: Rồng (có truyện là trâu trắng) bị Rồng ở nơi khác (hoặc trâu đen) đến cướp nhà. Ông già (hoặc chàng trai) vô tình chứng kiến cuộc giao tranh đó. Rồng nhờ ông già dùng nỏ bắn vào kẻ thù giúp mình. Cuộc giao tranh diễn ra. Khi rồng đuối sức, ông già liền dùng nỏ bắn vào kẻ thù như lời hứa giúp cho Rồng giành được chiến thắng. Khi Rồng muốn trả công người đã giúp mình, ông già xin Rồng giúp bản làng có nước để cày cấy. Mong muốn ấy được Rồng thực hiện và mương nước được hình thành.

Tìm hiểu về loài Rồng trong truyền thuyết nói riêng, truyện dân gian Việt Nam nói chung, chúng ta càng thêm yêu mến, tự hào về dòng giống "Con Rồng cháu Tiên", tự hào về những vị anh hùng dân tộc tiếp nối sức mạnh của Rồng- Tiên đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, tươi đẹp hơn.

                                                                              HOÀNG VIỆT QUÂN

                                                                              (Sưu tầm và biên soạn)

 

Các tin khác:

26-30 of 44<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter