Hổ trong truyện ngụ ngôn của người Việt

Hoàng Việt Quân 

Thuở xa xưa, rừng xanh còn bạt ngàn, con người lẻ loi, nhỏ bé trước rừng hoang núi vắng và các loài thú dữ rình rập xung quanh. Bên cạnh sự đối mặt với Hổ (cọp) trong thực tế cuộc sống, họ cũng thêu dệt nên bao nhiêu chuyện về con Hổ trong các truyện cổ dân gian các dân tộc ở các thể loại: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích và ngụ ngôn.

Trong truyện ngụ ngôn, Hổ xuất hiện với hai mối quan hệ tương quan, đó là: Hổ với các con vật và Hổ với người. Xem xét về số lượng thì loại truyện ngụ ngôn hổ với các con vật khá đa dạng, phong phú, nhiều hơn loại truyện Hổ với người.

Hổ (Cọp) có nhiều mối quan hệ với các loài vật. Do đó nhân dân đã xây dựng nhân vật Hổ với các con vật để rút ra những bài học mang ý nghĩa xã hội nào đó. Chẳng hạn truyện “Chó rừng và Cọp” (Kinh) kể: Chó và Cọp tranh nhau cai quản khu rừng. Hai con thách nhau trèo lên cây cao nhiều lá ở giữa rừng, nếu con nào trèo lên cao hơn thì thắng cuộc. Chó rừng trèo lên cây trước, nó đái khắp cả cành cây, lá cây. Cọp không thể nào trèo lên cao được vì bị nước đái chó rừng nhỏ vào mắt. Cọp đành chịu thua và nhường chốn sơn lâm cho chó rừng cai quản. Như vậy truyện cho biết: Mưu trí hơn cả sức mạnh.

Truyện “Chồn hơn Cọp” của người Kinh kể: Chồn coi thường sức mạnh của Cọp. Mỗi khi gặp Cọp, Chồn chổng đít lên gãi (hoặc quay đít lại Cọp), trêu chọc Cọp rồi mới bỏ chạy. Một lần Chồn ngủ say, bị Cọp bắt được, Cọp định giết Chồn (hoặc định ăn thịt Chồn). Chồn bèn nghĩ kế dọa Cọp để thoát thân. Nó bảo Cọp nếu giết nó (đánh nó) thì các loài thú sẽ đến đánh Cọp. Cọp cho Chồn ngồi trên lưng mình đi khắp rừng, các loài thú nhìn thấy Cọp đều sợ hãi bỏ chạy. Cọp lại tưởng chúng sợ oai Chồn, bèn cúi đầu xin Chồn tha tội. Truyện đem lại bài học: Khi gặp nguy hiểm phải biết nghĩ kế để thoát thân.

Truyện “Con Chồn với con Cọp” (Kinh): Chồn đi kiếm ăn, chẳng may bị sập xuống hầm. Thấy Cọp đi qua, Chồn nói dối Cọp là ngày mai trời sẽ sập. Cọp nghe nói vậy bèn xin xuống hầm tránh. Cọp xuống hầm rồi, Chồn trêu Cọp bằng cách cù vào nách làm Cọp tức giận ném Chồn lên mặt đất. Kết cục: Chồn thoát khỏi hầm sâu rồi chạy đi gọi người đến bắt Cọp. Truyện đem lại bài học: Chớ có vội tin kẻ ác gặp nạn.

Truyện “Con Rắn với con Hổ” (Kinh): Hổ tưởng dễ dàng nuốt tươi được Rắn, nó bèn tấn công. Rắn nhẹ nhàng quấn vào chân Hổ và cắn lại Hổ. Hổ sợ cuống cuồng, mãi hồi lâu mới gỡ được rắn ra rồi cắm đầu chạy mất. Truyện đem lại bài học: Chớ nên tự phụ mà coi thường kẻ yếu hơn mình.

Truyện “Cọp không sợ ngựa” (Kinh) kể: Con Ngựa có thân hình to lớn, tính khí lại hung tợn, hễ thấy loài khác thì thét cắn ầm ĩ, cho nên không loài nào dám đến gần nó. Con Cọp rình bắt Ngựa, nhưng lại sợ sức mạnh của Ngựa. Nó bèn giả vờ mấy lần xông vào như muốn bắt Ngựa để xem phản ứng của Ngựa thế nào. Cọp thấy Ngựa chỉ thét hung dữ với hai chân sau lồng lên mà thôi. Sau khi biết được điểm yếu của Ngựa, nó bèn xông vào phía trước bắt Ngựa. Ngựa không có cách nào chống đỡ được, đành chịu để Cọp bắt. Với truyện “Cọp không sợ Dê” (Kinh) cũng vậy: Dê ăn cỏ dưới chân núi, Dê quát một tràng dài thì các loài đều khiếp vía chạy trốn. Cọp ngồi rình Dê trong bụi cây, quan sát chỉ thấy Dê kêu be be thôi. Cọp bèn gầm thử một tiếng thì thấy chân cẳng Dê co quắp cả lại, thậm chí cả lưỡi kêu be be cũng không ra hơi nữa. Biết Dê nhát gan, Cọp xông ra bắt Dê rất dễ dàng. Cả hai truyện đều thấy Cọp rất mưu trí và đem lại bài học: Muốn làm tốt việc gì cũng phải điều tra, tìm hiểu kỹ rồi mới thực hiện ắt sẽ thành công.

Các truyện “Cọp mắc mưu Thỏ lùn mà cứu Voi” (Kinh), “Voi, Cọp thi tài” (Kinh) đều đề cao trí thông minh, mưu mẹo của các con vật mà lừa được Cọp, thắng Cọp.

Truyện “Cọp và Chó rừng” (Kinh) kể: Một con Cọp già, sức yếu bị rơi xuống hầm sâu không lên được. Lũ Cọp thấy chúa gặp nạn, bèn bỏ đi nơi khác. Chó rừng đi qua, nó ra sức khơi dòng nước suối cho chảy qua hầm, cứu Cọp thoát nạn. Truyện có ý nghĩa phê phán lũ Cọp đồng loại không cứu chúa trong khi loài vật khác lại ra tay cứu giúp, đem lại bài học cho con người: chớ coi thường bạn bè, hàng xóm xung quanh.

Các truyện: “Đàn Trâu và con Cọp” (Kinh), “Bầy trâu và con Cọp” (Kinh) kể chuyện đàn trâu hợp tác đánh Cọp, đem lại bài học: Đoàn kết đem lại sức mạnh.

Truyện “Đàn thú đi săn thịt” (Chăm) đề cao trí thông minh của Thỏ mà Trằn Tinh bị mắc bẫy, giữ được thức ăn cho cả đàn thú. Cọp, Chó, Gà thấy Thỏ lắm mưu bèn tôn nó làm quân sư.

Các truyện: “Dê đánh bạn với Cọp” (Kinh), “Dê đi kiếm ăn cùng Cọp” (Kinh) cho thấy: Bao giờ Cọp cũng chia phần cho Dê ít hơn. Nhưng Cọp tham lam, ăn hết phần của mình vẫn thèm, lại lấy phần của Dê ăn, thậm chí còn dọa Dê hoặc vồ luôn Dê ăn thịt. Truyện đem lại bài học: Không nên chơi với kẻ ác.

Truyện “Hổ và Báo” (Kinh) kể: Hổ là Chúa sơn lâm, Báo là bề tôi nhưng cũng rất dũng mãnh. Bề ngoài, Hổ vẫn lấy đạo vua tôi xử sự với Báo ân cần, nhưng bên trong thì toàn mưu kế trừ khử Báo để tránh hậu họa. Một hôm Hổ cùng Báo đi dạo cảnh núi rừng. Đến một cái dốc, Hổ giả vờ trượt chân để xô Báo xuống vực thẳm. Báo nhanh nhẹn chộp được đuôi Hổ, khiến Hổ phải hết sức mình trườn lên, kéo theo cả Báo lên khỏi miệng vực. Truyện đem lại bài học: Hãy cảnh giác sống chung với kẻ quyền uy độc ác.

Các truyện: “Khi chúa sơn lâm ngọa bệnh” (Kinh), “Thăm chúa Sơn lâm bị thương” (Kinh), “Chuột, Cò, Cáo và Cọp” (Kinh). Các truyện này có nội dung gần giống nhau, đại loại: Cọp bị thương, nằm trong hang với cái chân lở loét, hôi thối. Các con vật đến thăm, lần nào Cọp cũng giơ chân ra hỏi: “Mày thấy vết thương ở chân tao có mùi thế nào hả?”. Các con vật mỗi con trả lời một cách. Cò trả lời chân Hổ thối không chịu được. Cáo bảo chân Hổ bốc mùi thơm lắm. Chuột nói nó bị nghẹt mũi nên không ngửi thấy mùi gì. Cuối cùng con vật nào cũng bị chúa Sơn lâm giận dữ, quát mắng và xua đuổi. Kết cục: Chúa sơn lâm nằm một mình với chiếc chân thối, không con vật nào đến thăm nữa.

Truyện “Ky cóp cho Cọp nó ăn” (Kinh) kể: Cọp và Cáo rủ nhau đi kiếm ăn, được con gì thì cả hai cùng ăn. Cáo thấy Diều hâu bắt được con gà, liền bắt cả Diều hâu và Gà nộp cho Cọp. Cọp trở mặt tha mạng cho Diều hâu nhưng bắt mỗi tháng cả Cáo và Diều hâu phải nộp cho nó bẩy con gà. Từ đó. Cả Diều hâu và Cáo phải đi kiếm Gà về nộp cho Cọp. Bởi vậy mới có câu “Ky cóp cho Cọp nó ăn”.

Truyện “Sói, Cáo đi săn với Hổ” (Thái) kể: Một con Cáo, một con Sói cùng đi săn với Hổ. Chúng săn được một con Gà rừng, một con Thỏ và một con Sơn Dương. Sói được chỉ định chia phần. Theo nó, công bằng nhất là con Sơn Dương sẽ thuộc về Hổ, con Thỏ dành cho nó, Gà rừng dành cho Cáo. Nó lập tức nhận ngay cái bạt tai của Hổ. Đến lượt Cáo được chỉ định chia phần, nó bảo rằng: Thỏ thì để cho Hổ dùng vào bữa sáng, Gà cho Hổ ăn bữa trưa, con Sơn Dương là phần cho Hổ bữa cơm chiều. Hổ hài lòng với sự phân chia của Cáo. Truyện đem lại bài học: Không thể nói chuyện công bằng với kẻ hung ác và quyền thế, mạnh hơn mình.

Loại truyện ngụ ngôn kể về Hổ với người không nhiều lắm, nhưng bao giờ Hổ cũng mắc mưu người, bị chết hoặc bị thua thiệt như: “Làm ơn mắc oán” (Kinh), “Người học trò và con Hổ” (Kinh), “Trí khôn” (Kinh), “Hữu dũng vô mưu” (Kinh), “Người nông dân, con Hổ và con trâu” (Kinh), “Trí khôn con người” (Chăm).

Nhìn chung, nhân vật Hổ trong các truyện ngụ ngôn đều mang tính cách hung ác, bất nhân, chỉ lăm le ăn thịt các loài vật và con người. Mượn chuyện các loài vật dại dột bị Hổ ăn thịt, nhất là chuyện các loài vật và con người thông minh, biết dùng mưu để thoát nạn, đánh lừa Hổ, diệt Hổ, tác giả dân gian thường đem lại các bài học xương máu như: Hãy cảnh giác với kẻ ác và mạnh hơn mình, mưu trí hơn sức mạnh, chớ vội tin người, đoàn kết đem lại sức mạnh, không nên chơi với kẻ ác… Truyện ngụ ngôn về Hổ do đó có ý nghĩa xã hội và tính giáo dục sâu sắc.

 

H.V.Q

Các tin khác:

1-5 of 39<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter