Trang phục và những sản phẩm dệt trong đám tang của người Thái Tây Bắc

BÙI BÌNH

 

Trong các nghề thủ công của đồng bào các dân tộc vùng miền núi Tây Bắc- Việt Bắc, nghề dệt của người Thái được xem là một nghề có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời và chứa đựng nhiều tinh hoa văn hóa tộc người. Những sản phẩm độc đáo từ nghề dệt của người Thái không chỉ đem lại giá trị vật chất trong đời sống kinh tế, mà còn là giá trị quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào.

Người Thái quan niệm, con người khi chết đi không phải là đã hết, mà là rời khỏi cuộc sống thực tại để về Mường then, Mường trời, về sống cùng tổ tiên ở thế giới khác. Đám tang cho người chết chính là dịp để con cháu, người thân bày tỏ tấm lòng, tổ chức tiễn đưa người quá cố đến nơi ở mới. Bởi vậy, trong các đám tang của người Thái luôn là nơi nhiều yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán của tộc người được biểu hiện mà rõ nét nhất chính là những quy định trong trang phục và những sản phẩm của nghề dệt truyền thống.

Trong đám tang, ngoài việc con cháu phải mặc bộ y phục truyền thống cho người chết để hồn ma của họ gặp được tổ tiên khi sang thế giới bên kia thì gia đình còn cần chuẩn bị rất nhiều sản phẩm dệt khác bởi số lượng vải được sử dụng trong tang lễ  rất nhiều và các sản phẩm làm từ vải phục vụ tang lễ cũng rất đa dạng.

Chuẩn bị cho tang lễ, người chết sau khi được tắm rửa sạch sẽ và mặc bộ quần áo mới sẽ được đặt nằm trên chiếc đệm thường ngày người đó vẫn nằm rồi phủ vải trắng lên toàn thân. Trước khi đặt thi hài vào áo quan, người ta phủ lên mặt người quá cố một chiếc khăn piêu mới (gọi là piêu nốc lả); nếu là nữ thì đội thêm một khăn piêu lên đầu, mặc thêm áo dài (xửa chái) còn nam giới mặc thêm áo dài (xửa hi- loại áo của người đàn ông đứng tuổi).

Nếu người chết là bố hoặc mẹ chồng thì người con dâu cả phải mặc áo dài màu chàm đen và đội khăn piêu đen như ngày thường với ý nghĩa để hầu bố mẹ. Người Thái cho rằng, lúc này người con dâu mới thực sự thể hiện vai trò làm dâu của mình. Người đàn ông lớn tuổi trong nhà khi chết sẽ mặc chiếc áo xửa hi màu đỏ do chính tay con dâu cả may tặng khi mới về làm dâu nhà chồng, hoặc là món quà tặng cho bố chồng trong ngày cưới. Chiếc áo này là vật quan trọng, nên còn được mặc trong những dịp lễ hội. Những người con dâu còn lại phải mặc áo tang xửa cóm màu trắng, loại áo không có hàng cúc bạc mák pém mà 2 vạt được buộc lại bằng các sợi vải; đầu đội khăn piêu trắng không thêu hoa văn, áo không dựng cổ, không may gấu.

Ở một số nơi của tỉnh Sơn La, người Thái đen còn sử dụng áo xửa hiếu luông- chiếc áo dài, thụng, màu đen hoặc màu chàm có kẻ sọc ngũ sắc, may xẻ nách và buộc vạt bằng dải vải màu. Đây là chiếc áo của con dâu cả tặng bố mẹ chồng khi về làm dâu và là chiếc áo đại tang của con dâu. Áo này phải được may trước khi về nhà chồng. Khi bố mẹ chồng qua đời, con dâu cả phải mặc chiếc áo này để làm cơm cúng ma bố mẹ chồng. Mỗi cô dâu phải may 2 chiếc áo vì sau mỗi lần cúng ma cho bố, mẹ chồng thì áo sẽ được treo tại nhà mồ. Trong nhà có bao nhiêu con dâu thì bố, mẹ chồng khi chết sẽ có bấy nhiêu chiếc áo xửa hiếu luông. Người Thái ở Sơn La đặc biệt coi trọng tục lệ này. Theo quan niệm tâm linh của họ, nếu có con dâu mặc xửa hiếu luông trong đám tang thì khi về với Mường then họ sẽ được quý mến, kính trọng. Bởi vậy người nào khi chết đi mà chưa hoặc không có con dâu mặc xửa hiếu luông thì đó là nỗi buồn tủi lớn nhất của họ.

Với người Thái trắng ở Hòa Bình thì lại có những luật tục, quy định khác về trang phục trong đám tang. Ở đây, những cô gái chưa lấy chồng thường mặc áo tang trắng, gấu áo để sổ không may. Khi bố, mẹ chồng chết, con dâu mặc áo ngắn bên trong, khi thầy cúng làm lễ gọi hồn hoặc mời người chết ăn cơm và khi đưa đi chôn cất thì sẽ khoác thêm chiếc áo dài màu đỏ. Sau đám tang, chiếc áo dài này sẽ được cất đi chứ không treo vào nhà mò cho người chết.

Trái với sự phức tạp trong quy định của trang phục nữ thì trang phục của nam giới trong đám tang khá đơn giản. Thông thường, nam giới người Thái chỉ mặc áo chùng là một tấm vải được khâu ghép sườn, can tay và khoét cổ rộng, để sổ gấu.

Tục ngữ Thái có câu: “Đàn bà dệt vải- Đàn ông đan chài”. Trong cuộc sống, người Thái có sự phân công lao động rất rõ ràng. Việc dệt vải từ xa xưa đã được mặc định là công việc của người phụ nữ. Khi sống trồng bông dệt vải thì khi chết đi cũng không thể xa rời cây bông, khung dệt, chỉ thêu. Bởi vậy, trong nhà mồ của những người phụ nữ Thái, ngoài những thứ cần thiết được gia đình sắm cho người chết thường không thể thiếu những chiếc giỏ đan bằng tre, nứa đựng sợi, chỉ khâu, mảnh vải vụn, thậm chí là cả chăn, đệm…

Ngày nay, xã hội hiện đại, cuộc sống phát triển, những cuộc cách mạng công nghiệp, khoa học, kỹ thuật, công nghệ đã tạo ra rất nhiều sản phẩm mới với sự phong phú, đa dạng cả về số lượng, chất lượng và kiểu loại. Tuy nhiên, với sự độc đáo, ưu tú riêng cùng với xu hướng gìn giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc nên các sản phẩm dệt thủ công vẫn được cộng đồng người Thái ở Tây Bắc bảo tồn và phát huy trong đời sống kinh tế, văn hóa của họ. Thậm chí những năm gần đây, những sản phẩm dệt của người Thái còn trở thành hàng hóa, thành những sản phẩm du lịch độc đáo được du khách yêu thích.

                                                                                           B. B

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 40<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter