Về Mường Lai say câu hát Khắp


                                                  

               Hoàng Tương Lai

              

Mường Lai là xã rộng về diện tích và có bồn địa khá đẹp so với các xã của huyện Lục Yên, Yên Bái. Xã có gần 1.900 hộ và gần 8.200 khẩu thì có 97% dân số là dân tộc Tày và còn lưu giữ được nhữn g nét văn hóa truyền thống từ xưa cha ông để lại. Người dân ở mảnh đất này coi hát Khắp là “Quan họ” của dân tộc mình. Hát “Quan họ” là các liền anh liền chị không được lấy nhau, nhưng hát Khắp là đi đến hôn nhân bền chặt. Nguồn gốc của hát Khắp được các cụ ở đây truyền lại: Xưa có đôi nam nữ đưa nhau ra bờ suối tình tự, bỗng làn gió nhẹ thổi qua khiến cho những cây tre, cây nứa cọ vào nhau, tạo ra những âm thanh kỳ lạ khiến cả hai xao xuyến, cất miệng hát theo và sau đó, chàng trai lấy ống nứa khoét những lỗ tròn rồi đưa lên miệng thổi, cô gái hát theo cùng mây, cùng gió vang xa khiến cho thiên hạ mê mẩn, xao xuyến cõi lòng. Người đang cào cỏ lúa trên nương nghe được giọng ấy bỏ cào ngẩn ngơ, quân quan đang cưỡi ngựa trên đường nghe tiếng hát cất lên bỗng dừng lại chẳng thể bước nổi nữa, tâm hồn lâng lâng, xao xuyến lạ lùng. Người đời sau đặt cho câu hát đấy là hát “Khắp”, có nơi gọi là hát “Yếu”. Còn đoạn ống nứa mà chàng trai đưa lên môi thổi được gọi là “Bjẳm”, là cây sáo ngày nay. Tám cô gái Tày Mường Lai đã thổi “Bjẳm” phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12 năm 1986 tại thủ đô Hà Nội, bài “Gửi người trai bản” theo điệu hát Khắp. Đó là vinh dự cho Mường Lai nói riêng và Yên Bái nói chung.

Khác với hát Cọi, người hát Khắp bắt vào nhịp ư ơi... rồi luyến láy theo câu hát, tạo ra sự dịu dàng, trầm bổng, da diết, buồn man mác, sâu thẳm, như sợi dây vô hình buộc chặt lòng người nghe. Được biết nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn đã dày công sưu tầm tới mấy trăm bài hát Khắp và vừa tổ chức truyền dạy nhiều lớp hát Khắp cho thế hệ trẻ. Người hát Khắp hay nhất Lục Yên hiện nay là nghệ nhân ưu tú Mai Thị Hồng Chắn, sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Mường Lai, Lục Yên; trước đó có Hoàng Nừng và Hoàng Bình Ngự có giọng hát Khắp nổi tiếng nhưng đã mất.

Hát Khắp (Yếu) là những bái hát, câu hát trữ tình, mộc mạc. Những sáng tác trên đều do các nghệ nhân khuyết danh nhiều đời để lại. Điều đáng quan tâm ở đây là sự khiêm tốn, đầy chất trữ tình, đượm vẻ thiên nhiên trong thơ. Những sáng tác này đều mượn cỏ cây, hoa lá, sông núi, chim, cá để bộc lộ lòng mình từ bản xa đến tìm bạn tình. Trước ngổn ngang đường vào ngõ xóm, bên trai có người cất lời hát Khắp. Xin trích dịch ra tiếng phổ thông: “Con đường ba mươi ngả/ Ba mươi lối về vòng/ Chín mươi lối về chụm/ Chỉ đường anh thăm bản thăm mường em ơi!”.

Thấy bạn đang cầm đon mạ cấy ở ruộng, bên trai cất lời: “Em ơi, chiếc mạ bao nhiêu nhánh/ Để anh chung một nhánh được không”. Hoặc thấy bạn gái nón đội đầu: “Em ơi, nón cọ hay nón bạc/ Nón này đội hai người được không/ Đội được cho anh chung lối bước…”.

Bên trai hát mãi, rồi bên gái cũng cất lời: “Ơn anh ở khác bản lại thăm/ Lời hay em không cho rơi giát/ Lời ngọt em không cho rơi đất/ Em đem vào hòm bạc em khoá/ Hôm nào về nhà chồng mới mở”.

Muốn dừng lại ở bản để hát tiếp, nhưng khi chiều đã buông xuống: “Anh bước đến đầu bản chiều tà/ Tay áo vẫy mặt trời không lại/ Mặt trời đã vội vã về tây/ Thân anh người khác xứ hỏi han/ Ơn chủ có lòng thương thân thiết/ Cho chúng tôi nghỉ trọ được không?”.

Người con gái đã khiêm tốn mời khách đến nhà mình: “… Nhà em cột sa nhân/ Dựng dỏng dẻnh bên đường/ Giát nhà bằng giát nứa/ Không chê dặm là ở…anh ơi!

Cuộc hát đối đáp kéo dài qua đêm, song người con trai chỉ sợ mình có lỗi: “… Anh có nhỡ câu dở đừng chê/Câu dở xin nhận về gói lại…”. Cứ thế, họ hát đối đáp nhau: lượn mời, mừng nhà, mừng cây đa, bến nước, mừng cánh đồng, ao cá, cây cau, vườn trầu, hỏi thăm cha mẹ, xin trầu, mời trầu… Họ hát đố nhau về hoa, về quả, về nước giếng, về chiếc cọn múc nước lên đồng, đố về gốc rượu rồi hát nam than nữ ước. Du xuân xuống Long Cung chơi, rồi rủ nhau lên xem số, chơi chim én, hát chia tay biệt bạn. Hát một ngày một đêm không hết thì các ngày, các đêm sau hát tiếp. Những bài hát khắp cọi cũng rủ nhau lên thuyền dạo cảnh biển hồ: “Em xin mừng bến sông vực thẳm/ Bè mảng người nhộn nhịp lại qua/ Thuyền nhỏ đánh cá nơi sông biển/ Thuyền to chở vòng xuyến bạc vàng/ Tiền bạc không có qua với bạn/ Một thân mình vò võ tương tư…”; “Mời em ngồi mảng bióoc cho an/ Mời em tựa thuyền hoa cho vững/ Hai ta cùng dạo chốn cảnh tiên…”.

Cuộc dạo chơi khi đã đến bên bờ, người con gái đã hát lời tạ ơn: “Ơn anh chèo mảng bióoc được an/ Ơn anh đưa thuyền hoa giúp noọng/ Mười lần ơn xin trả ơn người/ Có bạc em trả anh đầy rá/ Có ngựa em thưởng anh cả yên/ Có lụa em trả anh cả thước Chẳng có bạc em thưởng lời cho quan/Chẳng có ngựa em thưởng tiếng cho người/ Cầu mong anh sớm nên gia thất/ Nguyện cho người nhà cửa giàu sang…”

Bên trai từ bản này sang bản khác hay từ xã này sang xã khác để tìm gặp bạn tình, hát giao duyên bằng giọng “Khắp”, bên trai bao giờ cũng cất lời trước: “Theo dấu trâu dấu bò vào bản/ Theo dấu hươu dấu nai vào rừng/ Nhà em dựng cao hay dựng thấp/ Ném đôi mơ có đến được không/ Ném quả mận cả cành có tới được không/ Đói bụng anh về cơm được không/ Áo ướt anh nhờ phơi được không/ Trai trẻ anh về trọ được chăng/ Đường người về rừng rậm đã hết/ Đường người về rừng rộng núi cao/ Ba mươi lối ngã ba về chụm/ Đường cạn đười đi Xá/ Đường mặt nước tới Kinh/ Thân anh đi một mình chẳng được/ Nhờ chim chí chẹp dẫn đường/ Ơn em mang lời thương vào bản”.

Nữ cất tiếng hát: “Anh ơi!/ Đi trên hay về dưới/ Bước chân mấy ngả đường/ Mời anh về quê hương bản noọng/ Núi cao cùng mây cuộn vân vi/ Đủ loài chim rủ về làm tổ/ Người đón người nhắn nhủ yêu thương”.

   Bên trai cất tiếng hát dọn đường: “Thân anh đi đường xa cách dặm/ Đến thấy đường to rộng nghỉ ngơi/ Thấy những người tú nữ có duyên/ Khác nào như nàng tiên giáng thế/ Tày- Nùng - Kinh người khách lại qua/ Anh xin mừng ngã ba đường lớn/ Một đường là xuống giáp Long Vương/ Đường khác lên thượng phương bà mụ/ Đường nữa là tới chỗ Kinh Đô/ Ngả này là đường kết bạn tình/ Nhìn thấy những voi, ngựa lại qua/ Tôi là người đường xa- cất tiếng”.

   Đến ngồi nghỉ dưới gốc đa lưng đồi, bên trai cất lời hát: “Thênh thang đường vạn nẻo mênh mông/ Chân bước một chặng đường ngồi nghỉ/ Có cây đa bóng toả một vùng/ Thiên hạ người qua đường trú bóng/ Trên cành bách điểu vọng tìm ăn/ Bên gốc gái trẻ cùng trai tân chào hỏi/ Kinh- Tày như trẩy hội mùa xuân/ Có người còn quên chồng bỏ ngãi/ Có phần tìm kết ngãi yêu đương/ Tiếng đồn khắp bắc nam thiên hạ/ Anh là người khác xã tạm mừng”.

   Thấy cánh đồng, bên trai đã cất lời hát mừng đồng: “Thấy đồng anh mừng đồng người lớn/ Gặp mường em mừng mường người rộng/ Mường người thật quang đãng phong lưu/ Gái trai cùng dập dìu làm việc/ Hoa bên đường muôn sắc đẹp thay/ Trăm thứ hoa hương bay thơm ngát/ Ong bướm bay dìu dặt đêm ngày/ Vợ chồng cùng dắt tay vào cửa/ Đất lành người yên trí làm ăn/ Khác đường xin tạm mừng em nhé”.

   Thấy mường người rộng, quang đãng, bên trai cất lời hát: “Ngẩng mặt anh mừng cảnh phương đông/ Phương có hoa bên rừng chim hót/ Trăm thứ hoa nở sắc toả hương/ Thứ hai mừng phương nam cảnh quý/Toả hương hoa thiên lý bay về/ Ong bướm bay lại đi dìu dặt/ Thứ ba mừng miền đất phía tây/ Trăm hoa đua nở đầy vườn cảnh/ Kim quý nở quanh năm hương sắc/ Thứ tư mừng phương bắc đào hoa/ Chốn cảnh tiên đi qua đi lại/ Hoa đây nở tươi mãi suốt đời/ Trai trẻ đến quên ngồi ăn bữa/ Anh ở nơi khác xứ đến nơi/ Mừng phong cảnh mường người, vậy nhé”.

   Thấy khóm diễn trồng bên đường, bên nam hát mừng khóm diễn, thấy đình làng thì hát mừng đình, thấy bến sông có thuyền bè đi lại thì hát mừng thuyền bè, thấy vườn dâu thì hát mừng vườn dâu, nhớ công người con gái chăm sóc vườn dâu xanh tốt. Thấy đàn trâu đang gặm cỏ ven đồi thì hát mừng trâu, thấy cầu bắc qua suối thì hát mừng cầu, cầu ở đây được ví là cầu Kiều đưa đón khách lại qua. Gặp cọn nước thì hát mừng cọn nước, nữ hát đố chiếc cọn ra đời từ khi nào: “Em xin hỏi cùng người thuận ý/ Đời nào tạo có lý phân minh/ Ai tạo ra thành lần liền cọn/ Nước dưới thấp lại chuyển lên đồng/ Đời nào đã tạo ra thành cọn/ Xin hỏi tới khác chốn đôi lời/ Bảo cho em khác nơi được biết”. Bên nam đã không ngần ngại cất tiếng trả lời: Anh bảo tới em gái cành châm/ Đời xưa vua thần nông tạo đặt/ Thiên hạ nước giếng cạn kêu than/ Vua thần nông mới truyền làm cọn/ Nước lên ruộng mọi chốn đủ đầy/ Người phấn khởi vui say sản xuất/ Bảo cho em được biết đôi lời”.

   Thấy giếng nước thì hát mừng giếng nước và nữ hát đố về nguồn gốc của giếng nước, bên nam lại hát trả lời. Cứ thế, con đường vào bản gặp vườn hoa thì hát mừng vườn hoa, hát mừng cánh đồng, hát chào Thổ công đầu bản. Thấy cối nước giã gạo bên suối thì hát mừng cối nước rồi thấy bản người thì hát bài mừng bản, hát mừng cánh đồng rộng trước bản, hát mừng ao cá, nữ lại hát đố đời nào tạo ra ruộng nước, đời nào tạo ra ao cá. Thấy vườn rau trước nhà thì hát mừng vườn rau, hát mừng cây cau, giàn trầu, bên nữ lại hát đố về sự tích của cau của trầu, bên trai hát trả lời rồi ngỏ ý xin trầu: “Giơ tay xin trầu cau với én/ Yêu nhau chẳng lọ hẹn mới nên/ Thương nhau chẳng mua tiền cũng biếu/ Mới thật em niên thiếu một lòng”. Bên gái lại hát lời cảm ơn: Thưa cùng anh ở bản xa xôi/ Lời nói tựa nước trôi xuống thác/ Hinh dong nom chẳng khác gì tiên/ Càng nhìn càng có duyên xinh đẹp/ Con ruồi chết bởi bát nước đường/ Lời nói những văn chương khôn khéo/ Mỗi bước đi yểu điệu sinh tân/ Đôi rượu này trả công anh khác bản tới đây.)

Từ đây họ hát đối đáp nhau các bài yêu hoa, các loài hoa từ hoa đào, hoa mận, hoa chanh, hoa bưởi, hoa lúa, hoa mạ, hoa rau muống, hoa phù dung, hoa phặc phiền, hoa trám, hoa cây gạo vv... Bên nữ hát đố hoa và bên nam lại hát trả lời: “Hôm nay trên bước đường hành lộ/ Được thấy cây hoa lạ bên đường/ Hoa gì nở tỏa hương thơm quá/ Muốn vít sợ lo gai/ Muốn ngắt lại sợ chủ/ Ngửa tay lên trước mặt anh xin/ Hoa ấy ở trong lòng có biết/Cho anh xin một nụ về nhà/ Xuân buồn được nhìn hoa ngắm bóng”. Rồi họ hát với nhau các bài hát về kết bạn tình: “Cất lời với em nhỏ đẹp xinh/ Cho anh xin kết duyên làm bạn/ Thân anh ở khác bản xa xôi/ Vụng nói chẳng có người yêu mến/ Biết em có thương đến hay không/ Để anh thấy trong lòng buồn bã/ Xin kết thành bạn khoá nên chăng/ Kết nhau cho thành công đừng bỏ/ Duyên tơ hồng se để thành đôi/ Kết bạn để cho đời khang thọ/ Hai duyên kết nhân nghĩa trung thân/ Đã kết cho thành công mới phải/ Mười năm anh nhớ mãi ngàn xuân/ Mới đúng em cành châm có nghĩa/ Đã bạn mãi bạn nhé đừng lìa/ Chẳng chồng vợ cũng thề là bạn/ Ngày đêm cùng hôm sớm thở than/ Anh xin kết khác đường có được”. Người con trai lúc này cất tiếng: “Gặp nhau dạo cùng nhau một đỗi/ Hết mùa hoa kim quý là thôi/ Mai kia vườn bưa tươi cũng héo/ Cây cài nơi cửa mộ là thôi/ Ong bướm bay vọng sôi chẳng dậy/ Ngày chết là nằm đấy thành phân/ Trăm loài vật tranh phần chúng nhắm/ Ve sầu kêu thê thảm trên đầu/ Nhớ đoạn đường dạo chơi đâu biết”.

Đấy là hát giao duyên khi gặp nhau ở đầu làng hay đã vào bản, tiếp theo là hát hỏi nhà bạn gái: “Nhà em ở thấp hay ở cao/ Ném quả mơ có trúng được không/ Ném quả mận cả cành có trúng được không/ Áo ướt anh đến phơi được không/ Đói lòng anh đến ăn cơm được không/ Trai chưa vợ đến trọ được không?”. Bên gái đã hát trả lời: Nhà em cột sa nhân/ Dựng dỏng dảnh bên đường/ Áo ướt anh đến phơi thì đến/ Đói lòng đến ăn cơm thì đến/ Trai chưa vợ đến trọ được thôi”.

Nam hát mừng cổng nhà, hát mừng cầu thang, lên nhà thì hát mừng nhà, hát mừng khuôn bếp, hát mừng bàn thờ tổ, hát mừng chủ nhà, hát mừng ông bà, cha mẹ trong nhà. Bên nam hát bài nào thì bên nữ có các bài hát cảm ơn. Rồi hát đến các bài rủ nhau đi xem số, xem tuổi nào hợp với tuổi nào. Nữ hát bài nỗi vất vả của người con gái sinh xuống thế gia phải vất vả ra sao... Rồi hát đến các bài nam than nữ ước. Đã đến lúc phải xa nhau trở về bản quán, họ đã hát với nhau những bài tạm biệt, hẹn gặp nhau các dịp khác: “Hãy ở nhé là hãy ở/ Hãy ở nhé núi cao ba ngọn/ Hãy ở nhé người già trong mường/ Hãy ở nhé cả bản gái trai/ Én về liệng một chao hai chao én bay/ Gian trong anh xin chào người chị/ Gian ngoài anh xin chào người anh/ Chúng ta chia tay nhau về nhà/ Ví như then đến lúc thôi cường/ Chia tay nhau về nhà mỗi người hãy nhớ/ Không nhớ mặt hãy nhớ tên/ Hãy nhớ lời vô duyên anh dặn/ Lời anh dặn về giấu dưới gối/ Lời anh dặn về giấu mép chiếu/ Bao giờ có con cùng địu/ Hãy nhớ về chúng ta ngày ấy”; “Ở lại nhé hoa mận trắng ngần/ ở lại nhé hoa đào đỏ thắm/ Anh phải đi về chốn phương xa/ Em hãy ở quê nhà cùng mẹ/ Anh đi anh còn về/ Đợi anh chỗ vườn hoa em nhé”.

Tiếp nữa họ hát các bài thương nhớ nếu phải tạm biệt lúc này, nỗi nhớ mong nhờ vào cánh én, ngỏ ý xin trầu với người đẹp: “Én hỡi én cánh vàng/ Loàn hỡi loàn cánh hoa/ Én hỡi về cửa nhỏ anh nhờ/ Loàn hỡi xuống cửa giữa anh bảo/ Én hãy vượt mây trời non nước/ Bay đến đậu giường bạc của nàng/ Xin trầu cho người xa nghìn dặm/ Xin trầu chỗ người đẹp nơi nàng/ Có thương hãy cho chàng một miếng/ Mới phải nghĩa lấy tiếng thương anh/ Thương hại giúp ngàn dặm đường xa”.

Họ lại hát những bài về những giấc mơ, nằm mơ tháng giêng thì ao ước những điều gì cho đến hết mười hai tháng đằng đẵng bao nỗi nhớ nhung. Rồi hát với nhau lời nhắn nhủ: “Cất lời cùng cành châm bạn ngọc/ Giờ đây còn nói được cùng nhau/ Lúc nữa vía hai nơi cách biệt/ Tựa như chim ăn trái lìa tổ/ Biết bao giờ hội ngộ hai ta/ Giống như bụt nơi chùa bỏ hương/ Xa em bao tháng ngày gặp lại/ Xa anh về khác xã hãy thương/ Xa anh lập gia đình khác bản/ Cơm nước xong mắc màn vào ngủ/ Em hãy đặt gối để cho anh/ Vía hôm sớm được thành bầu bạn/ Ngộ nhỡ em mơ đến cũng nên/ Cơm ăn đặt xuống mâm thêm đũa/ Cau trầu đặt gần chỗ bạn nằm/ Vía anh được cùng nàng kết bạn/ Anh nhắn em khác bản đừng quên”.

Cuối cùng là các bài hát để khẳng định tình yêu khăng khít, bền chặt cần phải giữ gìn: “Yêu nhau yêu bền chặt/ Mến nhau mến dài lâu/ Bao giờ nước lìa sông hẵng bỏ/ Bao giờ trâu lìa cỏ hẵng thôi/ Múc nước cho đầy sọt hẵng lìa/ Rót nước cho đầy vó hãy xa/ Hai ta là vợ chồng mãi mãi”. Nhắc nhở nhau cần giữ mối tình bề chặt đó, không có trở lực nào chia lìa nhau được: “Công thương cho nên thương/ Đừng nghe lời bên đường dỗ ngọt/Đừng nghe lời bạn khác rủ rê/ Họ rủ cho bạn lìa/ Họ rủ cho em xa anh đó/ Thương nhau như hoa quý rừng sâu/ Hai ta mãi cùng nhau tình đẹp/ Gió thổi bay lả lướt vườn hoa/ Lời nói được đi về với bạn”.

 Tiếp theo là các bài hát tả nỗi nhớ nhung người bạn tình sau bao năm tháng hẹn hò chờ đợi, rồi cũng đến ngày bước chân tạm biệt căn nhà sàn, tạm biệt bố mẹ, những người thân yêu, những vật đã gắn bó với mình biết bao là kỷ niệm để  cất bước đi làm dâu: “Còn trẻ là bố mẹ dạy nuôi/ Lớn lên gả thành đôi gia thất/ Ngày tháng cứ rần rật mau trôi/ Trước cầu thang xin đôi lời giã biệt/ Nhất giã biệt làng bản yêu thương/ Hai giã biệt cửa nhà con ở/ Ba giã biệt bát đũa hàng ngày/ Bốn giã biệt cả đây già trẻ/ Năm giã biệt bố mẹ, vãi xa/ Sáu giã biệt trâu bò, cây cối/ Bảy giã biệt vườn rau, thửa ruộng/ Tám giã biệt ao cá trước nhà/ Chín giã biệt con đường đi lại/ Mười giã biệt mây trên mái nhà/ Mười một giã biệt dần sàng, ống gạo/ Mười hai giã biệt bè bạn gái trai/ Mười ba giã biệt chim bay, bướm lượn/ Mười bốn giã biệt máng nước rửa chân/ Mười lăm giã biệt chăn màn bố mẹ/ Mười sáu giã biệt rừng gỗ người già/ Mười bảy giã biệt gần xa bạn trẻ/ Mười tám giã biệt người thuở yêu xưa/ Mười chín giã biệt chiếc thuyền đập lúa/ Hai mươi giã biệt ngày rượu hôm nay/ Hai mốt giã biệt những ngày tết nhất/ Giờ xa thấy tha thiết trong tim/ Giờ này con là người biệt mẹ/ Mai kia con sinh được gái trai/ Trai ở gái làm dâu nhà người/ Rồi mẹ lại những nhớ những thương/ Hôm nay con làm dâu nhà người/ Con xin mẹ chỉ nhớ đừng buồn/ Con cất bước làm dâu mẹ nhé!”

Đây là bài hát mừng đám cưới, đồng thời là lời dặn dò chức phận đạo làm dâu con phải làm tốt những điều mong ước của ông bà, cha mẹ cùng bao người thân nhắn nhủ: “Giờ tốt xin ra lời/ Giờ đẹp tôi cất tiếng/ Ngẩng mặt tôi xin nói/ Chắp tay ra lời trình/ Trình tới các cụ già ngồi trên/ Trình đến cô chú, đạo dâu ngồi dưới/ Tôi mừng đến hạnh phúc đang xuân/ Nay nội ngoại xa gần chứng kiến/ Chứng kiến cho chim iểng thành đôi/ Đôi hồng ở trên trời se lại/ Hạnh phúc này mãi mãi trăm năm/ Bạn nhau tựa đôi rồng uốn khúc/ Có gái trai hai đốt là thôi/ Hãy nhớ lời bác bá dạy khuyên/ Hãy nghe lời mẹ sinh, xuân họ/ Có con là chịu khó đảm đang/ Vợ chồng hãy lo toan mọi việc/ Ông gọi là em dạ/ Bà bảo là em vâng/ Mới phải người đạo tâm đắc ý/ Chồng cáu gắt nhỏ nhẹ làm lành/ Thôi đoạn hãy tay nhanh nhóm bếp/ Rồi thu xếp nấu ăn/ Ăn xong cùng lo toan mọi việc/ Mới phải phép vợ chồng/ Khách đến nhà làm cơm ra thết/ Khách đường xa cách biệt đến chơi/ Trầu nước miệng cười tươi mời khách/ Mới phải người hiểu biết trước sau/ Đông Nam Bắc đâu đâu cũng biết/ Em hỡi hãy ở đây thong thả/ Giàu có như nước sông nước biển/ Yêu nhau cho nội ngoại vui mừng/ Cho cha mẹ trường xuân trông cậy về sau em nhé!)

Không thể thiếu bài hát “Khắp” về nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ: “Mười giờ bảo giờ này giờ đẹp/ Trăm giờ bảo giờ này giờ tốt/ Giờ tốt em cất lời/ Giờ đẹp em cất tiếng/ Kể về chuyện thân sinh thuở trước/ Chẳng kể người không biết/ Người ít nghĩ chẳng khôn/ Mẹ đến tháng thứ nhất/ Thấy mệt mỏi trong người/ Mẹ đến tháng thứ hai/ Mọi lời rên ra miệng/ Mẹ đến tháng thứ ba/ Xuống bãi muốn vịn thang/ Đi xa muốn chống gậy/ Mẹ đến tháng thứ tư/ Khác thấy lo trong mình/ Con nằm ngang trong bụng/ Mẹ đến tháng thứ năm/ Thấy bố mẹ chồng ngại nói/ Chả chào được thành câu / Mẹ đến tháng thứ sáu/ Thấy chiếu muốn nghỉ ngơi/ Thấy gối đầu muốn ngủ/ Thấy nhúc nhích trong người/ Mẹ đến tháng thứ bảy/ Mọi khúc xương mỗi căng/ Mọi đường gân mỗi mỏi/ Mẹ đến tháng thứ tám/ Nắng nhẹ muốn ra hong/ Nắng vàng muốn về sớm/ Mẹ đến tháng thứ chín/ Tựa ống nước đổ xoà/ Con lúc ấy theo về cùng nước/ Công cha mẹ như non cao biển rộng/ Lìa đời lên mường trời thành rồng/ Về mường tiên để hưởng hương hoa/ Mường tiên đẹp chẳng về/ Vẻ đẹp tiên chả lại/ Từ nay mãi về sau/ Bố mẹ chết làm ma/ Mới đeo tang là thế/ Hãy dâng cơm sớm tối/ Hiếu lễ tự lòng mình/ Đặt bát nhang hương khói/ Mồng một có hương lên/ Ngày rằm có hương thắp/ Con cháu nhớ công ơn cha mẹ”.

Các bài hát đã có từ xa xưa ấy, có tới mấy trăm bài có thể cất giọng hát Cọi hay Khắp đều được cả. Nhưng ở Lục Yên thì thịnh hành hơn cả là hát Khắp, còn ở Yên Bình thì chủ yếu là hát Cọi. Những bài hát ấy gặp hoàn cảnh nào thì cất giọng hát cho phù hợp. Lời hát chân thành mộc mạc, mượn cỏ cây hoa lá, cảnh sắc thiên nhiên từng vùng mà cất giọng ứng biến cho phù hợp. Lối hát giao duyên ấy đã cho những trai gái nên vợ nên chồng, hạnh phúc dài lâu bền chặt. Với khuôn khổ của bài viết, tôi xin trân trọng trích dịch, giới thiệu để bạn bè gần xa cùng thưởng thức

 

 

                                                                          HOÀNG TƯƠNG LAI

                                                                 Sưu tầm, dịch và giới thiệu

 

 

 

 

 

Các tin khác:

1-5 of 40<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter