Ông trưởng họ và ngôi từ đường

Truyện ngắn của Quang Bách

Tháng mười âm lịch, những cơn mưa trái mùa đầu đông năm nay hình như nhiều hơn mọi năm. Ống thoát nước từ tầng hai xuống sân tuôn trào tung tóe. Mưa lúc khoan, lúc mau tạo âm thanh náo nức, rộn rã. Đường trước nhà vì mưa, hơn nữa lại đang mùa dịch Covid-19 nên càng vắng lặng, một mình ngồi tính toán, lên kế hoạch ngày giỗ tổ họ sắp tới, bỗng nhiên ông Nhuần nhớ lại những chuyện xảy ra xung quanh việc di chuyển ngôi từ đường cách đây ba năm về trước…

Cũng như hôm nay, ngồi ở bàn uống nước nhìn ra sân, ông Nhuần như đếm từng giọt mưa. Tâm trạng nửa vui, nửa buồn khiến ông có dáng vẻ vừa khoan thai vừa trầm tư, nghiêm nghị. Ông vui vì vợ chồng thằng út năm nay đã ngoài ba mươi tuổi, đợi chờ mãi vừa rồi mới sinh được đứa cháu trai. Chúng nó gọi điện báo tin mừng cho ông bà và hứa hẹn cuối năm cả nhà nó từ miền Nam sẽ bay ra ăn tết đón xuân với ông bà. Nghĩ tới ngày mồng một tết, có mặt đầy đủ con cháu bên mâm cỗ đầu xuân mà lòng ông xốn xang, chộn rộn. Đặc biệt hơn, tết này đã ở tuổi ngoại bẩy mươi ông bà mới có cháu đích tôn. Niềm vui của hai vợ chồng già chắc chắn sẽ nhân lên gấp bội lần. Và còn nữa, từ đây họ Hoàng do ông làm trưởng họ đã có người nối dõi. Những ngày hội hè, đình đám trong làng ngoài xã ông không còn phải lăn tăn, ngại ngùng trước anh em, bà con hay bạn bè cùng trang lứa. Cương vị trưởng họ chắc chắn sẽ được vững bền vì đã có những đời sau kế tiếp.

Niềm vui thì vậy. Còn nỗi lăn tăn thậm chí lo lắng là việc ngôi nhà từ đường của dòng họ Hoàng hiện ông đang có trách nhiệm trông coi, gìn giữ nằm trong quy hoạch giải tỏa mặt bằng, giao đất cho dự án mở đường giao thông liên huyện phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng của địa phương. Ngôi từ đường gắn bó với gia tộc ông từ bao năm nay. Đời ông nội, đời bố, rồi đến đời ông và các đời trước đó, chắc cũng vậy, đều là thủ nhang nơi tâm linh tôn nghiêm cho cả dòng họ Hoàng làng Thái. Cuộc họp các chi trưởng trong họ tộc gần đây, rất nhiều ý kiến bàn bạc sôi nổi, có thuận chiều, có trái chiều, thậm chí có cả ý kiến trai lỳ, kiên quyết không nhận tiền đền bù, không di chuyển, buộc nhà thiết kế phải uốn đường vòng qua lối khác. Ở cương vị trưởng họ, ông Nhuần đầu óc rối tinh, rối mù. Chưa bao giờ ông thấy khó khăn trong điều khiển cuộc họp nội bộ họ tộc đến vậy. Đồng ý di chuyển ba gian nhà hoàn toàn bằng gỗ lim có trên trăm năm tuổi, gắn bó với gia đình, họ tộc ông như môi với răng hàng thế kỷ nay, ông cứ thấy cô liêu, trống vắng, hẫng hụt thế nào! Một năm, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, tuần nào tiết nấy, các thế hệ giữ vai trò trưởng họ trong gia đình ông, đều thay mặt gần trăm nóc nhà, thành kính khói hương nơi tổ đường, cầu mong mưa thuận gió hòa, con cháu trong dòng họ đời nối đời, an khang thịnh vượng... Những lời cầu xin chân tình ấy ngẫm ra đã ứng nghiệm. Con cháu họ Hoàng làng Thái hầu hết ăn nên làm ra. Nhiều người, nhiều nhà giàu có, trí tuệ mở mang. Đã có người nổi danh với học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ. Nhiều hơn thế nữa, có người là Tỉnh ủy viên, trở thành cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện. Đặc biệt, ông tự hào về người em họ, Hoàng Đồng, nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm để đời, được nhận giải thưởng nhà nước ngay từ đợt đầu tiên. Chẳng nói đâu xa, năm học vừa rồi, thằng cháu ông Chi trưởng ngành hai họ Hoàng của ông là học sinh lớp mười hai, đạt giải Nhì môn Địa lý trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia. Sự kiện này khiến ông khấp khởi mừng thầm, biết đâu khu đất làm từ đường dòng họ trở thành đắc địa nên mới có người đỗ đạt danh giá như vậy! Giờ đây di chuyển ngôi từ đường có nghĩa là di chuyển cả những điều rất tốt đẹp, đang lưu giữ nơi đây đến một nơi xa lạ, liệu chừng những bảo vật ấy có còn tồn tại và phát triển thêm? Sự tiếc nuối, hẫng hụt tràn ngập tâm trí ông khi tưởng tượng thấy cảnh mái ngói ngôi từ đường rêu phong cổ kính được lần lượt gỡ xuống từng viên, đê lộ những hàng đòn tay cầu phong, ly tô toàn bằng gỗ tứ thiệt bền chắc, vững vàng không hề có vết mối xông, mọt đùn. Rồi sau đó là sự tháo dỡ các bức ván làm vách che xung quanh, mười hai cánh cửa bức bàn, chục cánh cửa sổ xà, cột còn rất hin khít mộng mang... Một cảm giác rất lạ chạy từ cổ gáy, qua sống lưng xuống tận bàn chân khiến cơ thể ông rã rời, chân tay như phân liệt...

Họ Hoàng làng Thái nhiều người nói được, diễn xuất được. Trong cuộc họp nhiều ý kiến hùng hồn với những luận cứ, luận điểm chắc chắn, phản bác quyết liệt việc chấp thuận di dời ngôi từ đường đi nơi khác; nào là vị trí đất đai nơi từ đường tọa lạc có từ khi ông tổ họ Hoàng là người khai thiên lập địa ra làng Thái; nào là diện tích gần ba trăm mét vuông này đã được cấp có thẩm quyền trao giấy chứng nhận quyền sỡ hữu lâu dài và từ bao đời nay họ Hoàng vẫn sử dụng quỹ công để nộp thuế đất; nào là kinh phí hỗ trợ di dời của Ban dự án liệu có đủ đáp ứng yêu cầu xây dựng ngôi từ đường như hiện nay ở khu đất mới... ? Có những ý kiến do không giữ được bình tĩnh, hơn nữa cũng là cách diễn đạt của một người quen ăn sóng, nói gió sau nhiều năm xa quê làm thủy thủ tàu viễn dương, nay được nghỉ chế độ trở về, ông Hoàng Văn Hoành.

- Thưa các cụ bề trên, thưa các ông, các bà! Tôi nghĩ ngôi từ đường này, xét về mặt tâm linh đã có vai trò không nhỏ cho sự phát đạt của con cháu đời nối đời trong họ ta. Bây giờ chuyển đến khu đất khác theo sự sắp đặt của Ban dự án, nói dại, nếu sự nghiệp của đại bộ phận con cháu chúng ta đổ vỡ, lúc đó trách nhiệm sẽ về ai? Tôi nhất trí với pháp luật quy định "Quốc gia công thổ" đất đai do nhà nước quản lý, có thể thu hồi bất kỳ lúc nào khi cần cho lợi ích chung. Song ở hoàn cảnh hiện tại, chúng ta vẫn có thể làm đơn, lấy chữ ký của tất cả các gia đình trong họ, đề nghị cho mặt đường vòng qua phía sau ngôi từ đường, chấp nhận một khúc quanh và đi qua mặt ao của một số gia đình. Nếu không được chấp thuận, chúng ta sẽ kiên quyết không di dời. Xét về lý, ngôi từ đường có mặt trước con đường cách đây hàng thế kỷ. Quy luật muôn đời, không bao giờ việc đến sau lại có thể chiếm chỗ của việc đến trước. Trường hợp này nếu giải quyết theo đề xuất của tôi thì vừa có lý, vừa có tình đấy ạ!

Không khí cuộc họp trầm lắng hẳn xuống, nhiều ánh mắt đổ dồn về phía ông Hoành. Có người đồng tình, có người phản đối. Tất cả trông chờ vào sự quyết đáp của người chủ sự, ông Hoàng Văn Nhuần.

Vốn tính tình điềm đạm, có thói quen nghe, nhìn sự việc, lời nói bằng hai tai, ông Nhuần luôn giữ cốt cách của cán bộ văn hóa cấp huyện nghỉ hưu. Gia đình nề nếp gia phong, sự thuận hòa êm ấm trong họ ngoài làng cũng nhờ ở phẩm chất này. Hai người con, một trai, một gái được ông bà nuôi nấng dạy dỗ, cho ăn học đến nơi đến chốn. Con gái cả theo nghề Sư phạm, hiện là giáo viên cấp 2. Con trai út tốt nghiệp trường Sĩ quan bộ đội biên phòng, hiện đang công tác ở đồn biên phòng thuộc tỉnh miền Tây Nam bộ. Vợ là lính thông tin, công tác ở Tỉnh Đội, vì nhiệm vụ mà như vợ chồng ngâu, mãi mới có thằng cu tý như bây giờ.

Ý kiến của ông Hoành khiến ông Nhuần đã băn khoăn lại càng thêm băn khoăn, bối rối. Phản ứng theo cách này là vi phạm pháp luật. Chính quyền, đoàn thể bà con nhân dân sẽ nhìn họ Hoàng bằng con mắt thiếu thiện cảm. Họ cho rằng họ tộc ông không muốn làng quê đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, lợi dụng việc tự do tín ngưỡng của nhân dân luôn được Đảng và Chính phủ tôn trọng để viết đơn từ có chữ ký khiếu nại của đông người gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh làng xóm... Đã từng giữ chức Phó Trưởng phòng văn hóa huyện, ông Nhuần hiểu điều đó hơn bất kỳ ai. Song dân của cả một họ có phải ai cũng hiểu được như mình. Phát biểu trong cuộc họp, ý kiến nào cũng chứa đựng sự dồn nén của bức bối, tiếc nuối nếu ngôi từ đường trên trăm tuổi phải di dời. Chính bản thân ông, nửa muốn vận động con cháu ủng hộ dự án vì sự phát triển chung, nửa lại không muốn nền móng ngôi từ đường đã gắn bó như máu thịt trở thành mặt đường, oằn lưng gánh chịu sự đông đúc, nhộn nhịp qua lại ngày đêm của người và xe cộ. Hiện thực ấy khiến tâm trạng ông trở nên đăm chiêu. Nếu suy nghĩ chín chắn, thấu lý, đạt tình thấy rằng việc di dời ngôi từ đường là đúng thì cũng không phải một sớm, một chiều mà thuyết phục được số đông kia theo quan điểm của mình. Bởi vì chẳng cân đo, đong đếm cũng biết số người không đồng ý luôn chiếm đa số. Đang bế tắc, bỗng nhiên một phương án mới nảy sinh. Linh cảm cho ông biết rất có thể đây là phương án khả thi. Mồng sáu tết, ngày giỗ tổ họ, mọi người đều thấy rất thiêng liêng, hơn nữa nhân dịp này có cơ hội gần gũi nhau cùng đón tết mừng xuân vui vẻ nhất, nên sẽ có mặt rất đông đủ. Ông Nhuần đưa ra quyết định kết thúc cuộc họp, tuyên bố đợi đến ngày giỗ tổ sẽ đưa ý kiến này xin sự linh thiêng của tổ đường cho lời phán quyết qua đài xin âm dương linh nghiệm có tự ngàn xưa. Nếu chỉ một đài mà nhất âm nhất dương hiển hiện coi như tổ tiên cho việc di dời ngôi từ đường là hợp đạo, hợp đời cần gắng mà thực hiện. Nếu hướng chiều ngược lại, con cháu phải tập trung trí tuệ luận bàn sao cho lý tình phân minh, công tư rành rẽ mà khấu đầu bái lạy, tấu trình tiếp theo, đón chờ sự anh minh soi đường chỉ lối của tiên tổ ở lần xin đài kế cận. Đồng thời đây cũng là dịp để con cháu họ Hoàng tĩnh tâm suy ngẫm hướng về ngày mới vạn sự hanh thông. Cả cuộc họp đồng ý, ông Nhuần như thấy nhẹ bẫng trong đầu!

Mồng mười tháng chạp, không khí đón tết của cả làng Thái cũng chưa thật rộn ràng nhưng cũng không hẳn là ở nhịp độ bình thường như mọi ngày. Nhiều cụ già vốn bản tính lo xa được lưu giữ bởi nếp sống cũ xưa đã có những động thái vô tình nhắc nhở con cháu ngày tết đến, xuân về sắp sửa đến nơi. Lớp trẻ ào ào như đang chạy đua cùng thời gian, cố gắng đắp bù những thiếu hụt khi một năm tài chính kết thúc. Nhiều cô cậu ngỡ ngàng trước sự hong phơi áo khăn lễ chùa, xem trước ngày làm lễ tất niên nơi lăng mộ gia đình, nơi thờ cúng gia tiên, gia thần, lễ hóa vàng, phương hướng xuất hành năm mới... sao cho đẹp nhất, linh khí nhất để cả năm đắc lộc, đắc tài của các bậc cao niên trong gia đình. Riêng ông bà Nhuần, năm nào cũng vậy, vào những ngày này, công việc chỉnh trang, tu bổ từ đường, xét soát kim ngân, y phục, đăng nhang... dâng kính tổ tiên trong ba ngày tết coi như hoàn tất. Thời gian còn lại, ông bà điểm xuyết, bổ sung sao cho đủ đầy vật chất, lễ nghi theo nếp xưa để lại. Điều vui mừng nhất của ông bà, tết này con trai và con dâu đã đưa cháu nội về ăn tết, qua rằm tháng giêng mới trở lại miền Nam công tác. Từ hôm con cháu về đến nay, gia đình ông bà lúc nào cũng nhộn nhịp người đến chơi, thăm hỏi, chúc mừng, nghe con trai ông bà kể chuyện miền Nam, chuyện biên giới, chuyện biển đảo ... Đồng chí sĩ quan bộ đội biên phòng hiện đang đảm trách chức vụ chính trị viên đơn vị được bà con trong họ, ngoài làng hết sức quý mến vì tác phong giản dị, dễ gần, nói chuyện về đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ lại rõ, lại hay. Việc di dời ngôi từ đường dòng họ, anh cho rằng thực hiện theo yêu cầu của Ban dự án là đúng. Anh đến chơi mọi nhà, thăm hỏi các cụ già, chuyện trò, tâm sự cùng lớp trẻ. Ngang ngược, mạnh mồm như ông Hoành cũng đã được anh thuyết phục, đến mức tự giác đến nhà trưởng họ chơi và xin rút ý kiến đã phát biểu ở cuộc họp lần trước.

Không khí ngày giỗ tổ ở từ đường họ Hoàng theo truyền thống từ xưa đến nay diễn ra thật trang nghiêm. Người mọi nhà đều tuân thủ quy định theo nề nếp của họ tộc, chỉn chu từ ăn mặc, nói năng đến sắm sanh lễ vật. Ông bà Nhuần cùng con giai, con dâu và cháu nội có mặt từ sáng sớm tinh mơ, bởi lẽ, ngoài trách nhiệm trưởng họ, hôm nay ông Nhuần còn là chủ lễ. Thằng cu con thấy mọi người nhộn nhịp ra vào cứ tưởng như đang được các chú, các cô ở cơ quan xúm xít, vui đùa mỗi khi mẹ cho đến chơi nên cười tít mắt, nhảy choi choi trên tay bà nội.

Bàn thờ tổ họ nghi ngút khói hương. Bắt đầu từ trưởng họ đến các trưởng chi rồi lần lượt theo thứ bậc, tuổi tác mà mỗi gia đình có một người vào thắp hương, thành kính cầu xin điều tốt lành năm mới. Hai gian bên, từ trong nhà ra ngoài sân, ghế đã được kê thẳng hàng ngang dọc, đủ chỗ cho mỗi người sau lúc thắp hương. Ông Nhuần khăn xếp, áo the ngồi trên chiếu cạp điều. Phía sau bảy trưởng chi ngồi theo thứ tự. Sau hồi chuông thỉnh, giọng ông trưởng họ chậm rãi, rõ ràng. Bài cúng giỗ tổ thể hiện lòng thành kính của lớp lớp cháu con trước cội nguồn, được mọi người tâm niệm thỉnh cầu, cung kính chấp tay kính bái theo lời trưởng họ.

Lễ dâng hương đầu năm, bài cúng giỗ kết thúc, cháu, con ngồi nguyên vị trí. Ông trưởng họ triển khai công việc hệ trọng trong những ngày đầu xuân năm mới. "Yếu tố tâm linh, âm dương hòa thuận là cội nguồn gốc rễ cho sự chung sức, chung lòng làm nên việc lớn". Đó là lời mở đầu cho bài khấn nôm ông trưởng họ Hoàng Văn Nhuần kính trình tiên tổ. Ông giãi bày tâm trạng phân vân của tất cả các thế hệ trong toàn họ tộc về việc di dời hay không ngôi từ đường cổ kính theo yêu cầu của Ban dự án giải tỏa mặt bằng, mở đường giao thông liên huyện. Lời ông trầm bổng, khúc triết khiến mọi người xúc động, hồi hộp đợi chờ sự linh ứng của các bậc tiền nhân, chỉ lối, soi đường cho cháu con đi đúng phương hướng, trọn đạo làm người.

Cung kính nâng đĩa xin đài ngang mặt, trưởng họ Hoàng Văn Nhuần khẽ nhấc tay, hai đồng tiền quay tít mấy vòng rồi một đồng xấp, một đồng ngửa, song song nằm trong lòng đĩa. Chủ lễ cùng bảy trưởng chi cung kính chấp tay, ba vái tạ ơn. Cả họ trang nghiêm vòng tay kính lễ.

Ngoài sân, hai cây pháo hoa to, dài đã được đồng chí sĩ quan bộ đội biên phòng giao cho mấy thanh niên châm lửa, những chùm hoa rực rỡ, xoắn xuýt, hòa quyện bên nhau bung nở trước sân từ đường.

Trời xuân, gió se lạnh, mưa bụi lay phay, phảng phất hương thơm nồng nàn từ những chùm hoa bưởi đầu mùa.

 

                                                                                                   Q.B

 

 

 

Các tin khác:

61-65 of 336<  ...  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter