Lính Điện Biên

Truyện ký của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

 

Vừa hoàn thành nhiệm vụ tiễu phỉ ở Than Uyên, cả 4 đại đội của Tỉnh đội Yên Bái được lệnh khẩn trương hành quân về hậu cứ Tỉnh đội. Về đến nơi, bộ đội được phổ biến nghỉ ngơi, tắm giặt chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Anh em bàn luận không biết nhiệm vụ mới là gì? Lại đi tiễu phỉ ở địa bàn khác, hay vào đơn vị tăng gia sản xuất? Sang ngày thứ ba, bộ đội được lệnh tập trung nghe thủ trưởng tỉnh đội giao nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Tiến Thanh, Tỉnh đội trưởng, đứng giữa hàng quân, dõng dạc quán triệt:

- Thưa toàn thể các đồng chí! Sau 8 năm kháng chiến cục diện chiến tranh, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã có nhiều thay đổi. Quân đội ta ngày càng lớn mạnh, dành nhiều thắng lợi quan trọng, vùng giải phóng được mở rộng ở Tây Nguyên, Khu 5, Cao- Bắc- Lạng và cả ở đồng bằng Bắc bộ. Chiến dịch đánh nhanh, thắng nhanh của quân Pháp bị phá sản, lực lượng bị tiêu hao, vùng chiếm đóng bị thu hẹp, chi phí cho chiến tranh ngày càng leo thang làm cho nền kinh tế Pháp suy kiệt, tình hình chính trị trong nước bất ổn, chính phủ lập lên đổ xuống nhiều lần. Nguy cơ quân đội Pháp bị sa lầy ở chiến trường Việt Nam đã rõ ràng. Trước tình hình đó, Nava một viên tướng kì cựu của quân đội Pháp, đã từng tham gia cả hai cuộc chiến tranh thế giới, được cử thay Xa Lăng làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, hòng tìm kiếm một chiến thắng quân sự, nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh, chuyển bại thành thắng trong vòng 18 tháng. Nhậm chức Tổng chỉ huy, Nava quyết định chuyển chiến lược quân Pháp tại Đông Dương từ phòng thủ sang tấn công. Y lập ra các lực lượng tấn công lưu động và chọn Điện Biên Phủ, một thung lũng rộng 5km, dài 15km, nằm dọc theo sông Nậm Rốm, xung quanh là đồi núi chập trùng xây dựng thành một căn cứ bộ binh- không quân tầm cỡ Tập đoàn cứ điểm, vừa nhằm án ngữ vùng Tây Bắc nước ta, kiểm soát cả vùng Thượng Lào, vừa làm bẫy nhử quân chủ lực của ta tấn công. Khi đó Pháp sẽ dùng pháo binh và không quân nghiền nát quân chủ lực của ta tại Điện Biên. Trước âm mưu của địch, ta tập trung lực lượng, chủ động mở hàng loạt chiến dịch tấn công địch trên nhiều hướng chiến trường như Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào và Tây Nguyên, buộc Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó. Kế hoạch Nava bước đầu đã gặp sự cản trở, tạo thời cơ thuận lợi để ta mở trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công chiến lược ở Điện Biên, các đơn vị chủ lực cần được bổ sung, tăng cường lực lượng. Theo mệnh lệnh của cấp trên, các đại đội bộ đội địa phương Yên Bái chúng ta được bổ sung cho Sư đoàn 308. Ngay trong đêm nay các đơn vị của Sư 308 hành quân từ Tuyên Quang sang sẽ đến Yên Bái để lên Điện Biên. Các đồng chí sẽ gia nhập vào sư đoàn luôn. Giờ các đồng chí về lán trại, chuẩn bị quân, tư trang sẵn sàng đợi lệnh. Các đồng chí rõ chưa? Bộ đội đồng thanh hô lớn “Rõ”, rồi theo lệnh của các đại đội trưởng về làm công tác chuẩn bị. Khuôn mặt ai cũng tươi rói, nói cười râm ran. Đã nghe thông tin việc ta mở chiến dịch Điện Biên, ai cũng ao ước được tham gia nhưng lại nghĩ làm gì đến lượt quân địa phương. Chiến dịch lớn thế phải là quân chủ lực mới xứng tầm. Nay bỗng nhiên được bổ sung vào quân chủ lực, lại là lính Điện Biên thì không vui sao được. Ai cũng vỗ vỗ tay vào ngực mình nói: Lính Điện Biên! Lính Điện Biên rồi nhé! Đừng có đùa!

Cuối chiều, Hoan nhận được lệnh dẫn đại đội ra bến Âu Lâu để nhập vào đơn vị mới. Theo sự phân công của quân lực, Đại đội 96 của Hoan được biên chế vào Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Sau 3 ngày hành quân bộ, Trung đoàn 36 đã tập kết tại bến Âu Lâu, để đêm vượt sông Hồng. Tiểu đoàn trưởng Bái, vui vẻ ra đón chiến sĩ mới. Ông khoe cũng là người Yên Bái, rồi chỉ sang bên kia sông bảo:

- Bên kia, chỗ tre xanh nhất ấy là xóm Vạn Lâu quê tớ đấy. Muốn về qua nhà lắm nhưng phải đợi xong chiến dịch đã. Phải đến tối bà con Vạn Lâu mới đưa bộ đội qua sông bằng thuyền nan. Thuyền bé, mỗi chiếc chỉ chở được 5 tới 7 người. Để cả đơn vị qua sông được nhanh, đồng chí nào bơi thạo thì giơ tay lên, mỗi người sẽ được phát một khúc thân cây chuối làm phao để bơi sang sông. Trong khi chờ đợi, tất cả vào trú trong các lùm tre, sắp xếp lại quân tư trang cho gọn gàng, giữ bí mật tuyệt đối, tránh máy bay địch phát hiện và tranh thủ ăn cơm nắm.

Bộ đội liền tranh thủ giở cơm nắm ra ăn, rồi chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc vượt sông Hồng. Trời vừa nhập nhoạng tối, bỗng xuất hiện hàng trăm chiếc thuyền nan lao vun vút trên sông, không một tiếng cười, tiếng nói nào, chỉ có tiếng chém nước của mấy trăm mái chèo ràn rạt, ràn rạt. Tốp thuyền đi đầu đã cập bờ. Toàn là các bà, các chị, các em chèo thuyền. Có tiếng một chị hô nhỏ nhưng đanh chắc: “Các đồng chí bộ đội nhanh chóng xuống thuyền, mỗi thuyền 7 người, khẩn trương”. Bộ đội chưa xuống thuyền hết, bỗng có tiếng máy bay ì ầm đằng xa. Một loáng sau đã gầm thét ngay trên đỉnh đầu, đạn từ máy bay bắn xuống chiu chíu xé rách mặt sông, rồi một tiếng nổ đinh tai, tiếp theo là một cột nước lớn vụt lên ở giữa dòng, nước sông như vụn tan ra, lả tả rơi trắng xóa. Những chiếc thuyền nan đang ở giữa dòng nhào lên, ngụp xuống theo sóng. Hình như đã quá quen thuộc với cảnh này nên các bà, các chị vẫn bình tĩnh cho thuyền trồi lên những cuộn sóng để cập bến.

Bỗng có tiếng Vinh kêu thất thanh:

- Tôi bị thương rồi các đồng chí ơi.

Hoan vội chạy đến. Vinh bị một mảnh bom chém vào bắp đùi, vết thương khá sâu. Đồng chí y tá vội garô cầm máu và băng vết thương. Trận bom vừa dứt, các bà, các chị giục bộ đội nhanh chóng lên thuyền để vượt sông trước khi máy bay địch quay lại. Đồng đội cõng Vinh lên thuyền, Vinh phải cắn chặt răng, gồng mình lên mới không phát ra tiếng rên. Thuyền tới bờ bên kia thì Vinh cũng bị ngất đi do mất máu nhiều. Đại đội trưởng Hoan liền quyết định gửi Vinh lại nhờ bà con xóm Vạn Lâu chăm sóc, khi nào khỏi sẽ xin nhập vào đơn vị khác để lên mặt trận sau, còn cả đại đội tiếp tục hành quân. Đi suốt đêm, tảng sáng được lệnh dừng nghỉ ở cánh rừng ven đường gần Ba Khe. Đây là ngã ba, đi thẳng là vào Nghĩa Lộ, rẽ trái là lên đèo Lũng Lô, sang Phù Yên. Trời bắt đầu đổ mưa. Cứ tưởng sẽ nghỉ lại Ba Khe để tối hành quân tiếp nhưng bộ đội vừa ăn cơm nắm xong lại được lệnh hành quân ngay. Tiểu đoàn trưởng Bái bảo:

- Trời mưa, máy bay địch không hoạt động được ta tranh thủ trời mưa vượt trọng điểm đèo Lũng Lô. Các đồng chí cố gắng nhé, Điện Biên đang đợi chúng ta. Nhanh phút nào tốt phút ấy.

Nghe nói tới hai chữ Điện Biên, hầu như mệt nhọc trong người bị xua đi hết. Bộ đội lại hăm hở lên đường. Gần trưa đến đèo Lũng Lô. Trời càng đổ mưa to, bộ đội vượt Lũng Lô trong mưa trắng rừng, không gặp sự cố máy bay nào. Xuống tới chân đèo bên kia thì gặp một bản Thái. Bộ đội được lệnh dừng nghỉ qua đêm. Mỗi đơn vị vào nghỉ tại một bản. Nhà sàn dưới bãi rộng rãi đủ chỗ cho cả trung đội nghỉ. Hỏi thăm được biết đây là Mường Tấc, Phù Yên. Dân bản đã chuẩn bị cơm cho bộ đội. Mỗi người được phát 2 nắm cơm. Một nắm ăn tối, một nắm dành cho trưa sau. Bộ đội ăn cơm xong lại được lệnh tập trung  tham dự đêm lửa trại do dân bản tổ chức đón chào bộ đội lên giải phóng Điện Biên. Đại đội trưởng Hoan ngồi cạnh trưởng bản, ông hỉ hả bảo: Hôm nay dân bản xòe cho bộ đội xem 6 điệu xòe cổ của người Thái, để bộ đội thêm khỏe cái chân hành quân lên Điện Biên. Dân bản mình cũng nhiều người đi dân công tải gạo lên Điện Biên đấy. Điệu xòe này là điệu “Khắm khăn mơi lẩu” đấy, tức là nâng khăn mời rượu bộ đội ạ. Người Thái ta, quý khách đến nhà lắm, có khách là phải xòe để chào đón khách. Người nâng khăn mời rượu khách quý. Khi mời, một bàn chân nhún xuống, một bàn chân kiễng lên di chuyển nhẹ nhàng, vừa tỏ ý khiêm nhường vừa tỏ lòng kính trọng khách. Đấy bộ đội thấy chưa? Đẹp không nào?

Hết điệu xòe thứ nhất, đến điệu thứ hai, Hoan thấy bước chân người xòe có sự thay đổi. Trưởng bản lại bảo:

- Điệu này gọi là điệu “Phá xí” tức là bốn phương đấy, các cháu bộ đội à. Bàn chân người xòe đi ngang nhưng cứ bốn bước lại chụm hai bàn chân vào nhau rồi mới lại bước tiếp, rồi từng đôi, rồi bốn người, tới tám, tới mười hai người, tay đan vào nhau cùng lộn xoay vòng,  ý nói các dân tộc khắp bốn phương trời sống trên thế gian này đều là anh em một nhà, luôn bên nhau.

Cứ thế anh em bộ đội được xem tiếp các điệu xòe “Đổn hôn” tức là tiến lùi. Từng đôi xoè vừa bước đi vừa nhún, người này tiến thì người kia lùi nhưng không rời nhau, ý nói trong cuộc sống có lúc người này thành công, người kia thất bại nhưng vẫn nắm tay đoàn kết, dìu nhau vượt qua khó khăn, gạt mọi cản trở vươn về phía trước. Điệu xòe “Nhôm khăn” lại là tung khăn xòe. Chiếc khăn Piêu được choàng trên cổ các cô gái. Hai tay cô gái cầm hai đầu khăn, đi theo hàng rồi xếp thành hình tròn, chân bước tiến, lùi, tay chụm lại vung về phía trước, khăn tung lên trông như những bông hoa ban bừng nở, thật đẹp mắt, rộn ràng, tưng bừng, chan chứa niềm vui. Điệu “Ỏm lọm tốp mư” lại là xòe vỗ tay mừng vui. Mọi người nắm tay nhau thành vòng tròn, chân bước chuyển theo nhịp, tay cùng vỗ, mắt nhìn nhau trao gửi niềm vui, hạnh phúc và sự tin yêu. Vòng tròn luôn đảo chiều thể hiện cuộc sống dù có thay đổi nhưng con người vẫn luôn bên nhau. Cuối cùng là điệu “Khắm khăn ỏm nọm”, trưởng bản bảo tất cả bộ đội cùng vào vòng xòe. Mọi người không phân biệt trai gái, bộ đội hay nhân dân, già hay trẻ, đều nắm tay nhau thành vòng tròn. Tay giơ lên thì chân đưa chéo, dịch chuyển theo chiều quay của trái đất, biểu thị cho sự gắn kết cộng đồng, mong ước về một cuộc sống ấm no, hòa bình, hạnh phúc vẹn tròn. Gần 10 giờ, hội xòe tan, để bộ đội nghỉ mai hành quân sớm nhưng dư âm của nó vẫn làm những người lính trẻ ngây ngất. Hơi ấm bàn tay của các cô gái Thái Mường Tấc như tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội. Bao nhiêu mệt nhọc, vất vả, hiểm nguy tự nhiên tan biến hết, để sáng sau lại nhằm hướng Điện Biên thẳng tiến. Có nhiều chặng hành quân, để bảo đảm bí mật, bộ đội không đi theo đường cái mà theo các lối mòn của dân hoặc cắt rừng đi. Đã vào dịp cuối năm, mùa xuân Tây Bắc dường như đến sớm hơn, nhiều vạt rừng đã nở trắng hoa ban. Lần đầu tiên Hoan được nhìn thấy hoa ban, anh không khỏi ngỡ ngàng. Lúc nghỉ giải lao, chiến sĩ trẻ Lò Văn Pọn, người Thái Mường Lò bảo Hoan:

- Thủ trưởng ơi, người Thái em có câu chuyện kể về sự tích hoa ban hay lắm, thủ trưởng và các đồng chí có muốn nghe không?

Hoan vui vẻ bảo:

- Ừ, đang nghỉ giải lao, em kể cho cả đại đội nghe đi.

Lò Văn Pọn vội đứng hẳn dậy say sưa kể:

- Thủ trưởng ạ, các đồng chí ạ, ngày xưa, ở vùng Mường Lò, có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na, hát hay, lại có tài thêu khăn, dệt vải. Nhiều trai mường trên, bản dưới ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho chàng Khum, vừa hiền lành lại giỏi săn bắn và làm nương nhất vùng. Nhưng cha nàng Ban lại chê nhà Khum nghèo, ông quyết gả Ban cho con trai tạo mường giàu có, dù nó là thằng vừa gù vừa lười biếng. Nàng Ban vào rừng khóc thầm mấy đêm liền. Khi thấy cha cùng lão tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban vội băng rừng chạy đến nhà người yêu, cầu cứu. Lúc ấy chàng Khum đang cùng bạn bè đi săn ở rừng xa. Nàng Ban buộc vội chiếc khăn Piêu của mình vào cầu thang nhà chàng Khum rồi vượt núi, vượt đèo đi tìm người mình yêu dấu. Tìm mãi, tìm mãi, qua bao nhiêu con suối, bao nhiêu đèo cao, kiệt sức, nàng Ban gục xuống chết giữa rừng xanh. Ngày hôm sau, nơi nàng gục xuống mọc lên một loài cây nở hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân mường thấy thứ hoa lạ liền đặt tên cho nó là hoa Ban. Còn chàng Khum khi trở về nhà, thấy chiếc khăn nàng Ban buộc ở cầu thang, chàng hiểu ra sự việc vội đi tìm nàng. Tìm mãi, tìm mãi, cũng qua bao nhiêu con suối, bao nhiêu đèo cao. Chàng kiệt sức, cố lê bước đến hang Thẩm Lé, cất lên được tiếng gọi “Ban ơi! Ban ơi!” thì cũng gục xuống chết. Hồn chàng bay lên trời hóa thành con chim sống lẻ loi, chỉ hót vào mùa ban nở. Dân mường đặt tên cho loài chim lẻ bạn này là Nộc Khum. Đấy, sự tích hoa ban là thế đấy, thủ trưởng và các đồng chí ạ.

Hoan vỗ tay, cả đại đội cùng vỗ tay theo, “Hoan hô Lò Văn Pọn, kể chuyện hay quá”, làm anh chàng đỏ cả mặt nhưng vừa dứt tiếng vỗ tay, chàng lính trẻ người Thái lại tươi cười bảo:

- Người Mường Lò chúng em còn gọi hoa ban là hoa rau, hoa thuốc các anh ạ. Bởi hoa ban, nhất là búp hoa có thể làm nộm, nấu canh ăn rất ngon, còn dùng để làm cả thuốc chữa ho nữa đấy ạ. Chiều nay ta có thể ngắt hoa Ban làm canh các anh ạ.

Nghe Lò Văn Pọn kể về sự tích hoa ban, Hoan ngắt một bông ban đặt lên lòng bàn tay, nhìn ngắm hồi lâu màu trắng của cánh hoa có những đường gân tim tím, màu hồng hồng của nhị hoa mà có cảm giác nao nao trong lòng. Rồi mọi người đổ xô đi hái hoa ban cải thiện. Bữa chiều, cả đại đội được thưởng thức món canh hoa ban có hương vị rất lạ.

Đường hành quân ngày càng nhiều đèo cao, vực sâu, lại bị máy bay B26 và máy bay khu trục Hen Cát của Pháp lại quần đảo, đánh bom cả ngày lẫn đêm. Ngã ba Cò Nòi, đèo Phạ Đin trở thành những trọng điểm ác liệt, hai bên sườn núi trụi hết cả cây cối, đất đá xới trộn, nhưng không có đường tránh phải tranh thủ những thời điểm máy bay địch ít đánh để vượt qua. Nhiều bộ đội, thanh niên xung phong và dân công đã hy sinh trên đường hành quân. Đại đội Hoan 5 đồng chí hy sinh, 11 đồng chí bị thương phải dừng lại điều trị, còn bị thương nhẹ, băng bó lại vẫn có thể hành quân được thì nhiều lắm. Ròng rã hơn hai chục ngày cuốc bộ liên tục, chân ai cũng bị sưng tấy, mỏi nhừ. Hoan nhớ, hồi mới gánh hàng đi bán rong ở Văn Bàn, chân nhiều lúc cũng bị sưng tấy, mỏi nhừ như thế. Bà lang Nhậy ở Văn Bàn mách anh, trước khi đi ngủ ngâm chân vào nước ấm có pha chút muối sẽ đỡ sưng chân. Quả đúng như vậy. Bây giờ bài thuốc ấy lại được Đại đội trưởng Hoan đem ra vận dụng trên đường đi chiến dịch. Hoan cho mỗi tổ ba người khoét một cái hố nhỏ dưới đất, lót ni nông, đổ nước ấm có pha muối, rồi thay nhau ngâm chân, đồng chí này ngâm xong thì đồng chí khác ngâm tiếp để tiết kiệm muối. Bộ đội bớt sưng chân, hành quân nhanh hơn. Sáng kiến của Hoan lập tức được phổ biến cho cả trung đoàn làm theo. Cứ thế, khi thì ngày đi đêm nghỉ, khi thì ngày nghỉ đêm đi, đúng một tháng trời, toàn sư đoàn cũng đã lên tới Điện Biên. Các đơn vị vào vị trí tập kết theo phân công, sẵn sàng đợi lệnh tấn công. Sư đoàn 308 được giao nhiệm vụ đánh vào phía Tây của tập đoàn cứ điểm, thọc thẳng tới Sở chỉ huy Đờ Cát. Đại đội của Hoan được chọn làm đại đội mũi nhọn của Trung đoàn 36, có nhiệm vụ tiêu diệt lô cốt đầu cầu, mở đường tiến cho toàn tiểu đoàn. Mọi phương án tác chiến đã được chuẩn bị kĩ lưỡng, chỉ đợi giờ G, thì thật bất ngờ, chiều 26 tháng 1 năm 1954, cả sư đoàn mỗi người được phát một túi gạo rang, rồi được lệnh rút quân, đi về phía nước bạn Lào. Đã hành quân hàng tháng trời mới lên tới Điện Biên, tinh thần chiến sĩ đang hăng, tưởng đã được vào trận ngay, nào ngờ lại phải rút quân, anh em chiến sĩ thắc mắc lắm, hỏi Đại đội trưởng Hoan đây là lệnh của ai mà lại kì quặc vậy? Bản thân Hoan cũng thấy thật khó thông. Không phải chỉ có riêng đại đội Hoan, các đơn vị khác cũng vậy. Hoan định chạy lên hỏi Tiểu đoàn trưởng Bái cho rõ thì liên lạc tới truyền lệnh trung đoàn mời từ cấp đại đội lên hội ý. Trung đoàn trưởng nét mặt nghiêm trang nhưng giọng nói không giấu nổi sự xúc động. Ông bảo: Rút quân là mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Sau khi nghiên cứu tình hình chiến trường, Đại tướng quyết định chuyển chiến lược tấn công từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, thực hiện lời dặn của Bác Hồ trước khi lên Điện Biên: “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Ý đồ chiến lược này phải đảm bảo tuyệt đối bí mật nên các đồng chí chưa được phổ biến cho bộ đội, chỉ động viên anh em chấp hành mệnh lệnh cấp trên, “Quân lệnh như sơn, nhất cử nhất động” không bàn bạc.

Vậy là tất cả lặng lẽ, khẩn trương lên đường rút quân sang Lào. Trung đoàn 36 hành quân tới tận Luôngphabăng thì tập kết tại đó. Đến cuối tháng 2 năm 1954, mới được lệnh bí mật trở lại Điện Biên. Lần này Sư đoàn 308 nhận nhiệm vụ đánh đồn Độc Lập và Bản Kéo. Chỉ sau 5 ngày chiến đấu, bộ đội đã chiếm được đồn, mở toang cánh cửa phía Bắc vào Tập đoàn cứ điểm. Đêm 02 tháng 4, các chiến sĩ Trung đoàn 36 đào dũi xuyên qua được hàng rào ở phía Tây Bắc sân bay Mường Thanh, chiếm gọn cứ điểm, loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội lính lê dương. Tiếp theo là những ngày vừa phát triển hệ thống đường hào, siết chặt vòng vây vừa “săn Tây bắn tỉa”. Đợt tấn công thứ 3, Sư đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm 311A, 311B ở phía Tây. Ngay đêm đầu tiên, Trung đoàn 88 đã tiêu diệt cứ điểm 311A. Riêng cứ điểm 311B chỉ cách hầm Đờ Cát khoảng 300m nên địch tăng cường hàng rào dây thép gai và rải mìn dầy đặc rất khó tiếp cận. Tổ mũi nhọn của Đại đội Hoan đã cắt được 3 lớp hàng rào dây thép gai và các dây mìn thì bị địch phát hiện. Lập tức súng từ trong cứ điểm và pháo ở các nơi khác bắn tới như mưa. Hoan ra lệnh cho chiến sĩ bộc phá vượt làn lửa đạn xông lên phá nốt hàng rào cuối cùng. Hàng rào vừa bị phá, tiểu đội xung kích đồng loạt xung phong, vừa ném lựu đạn vừa dùng tiểu liên, trung liên tiêu diệt các ổ đề kháng, buộc địch phải xin hàng. Hơn 2h sáng, ngày 3 tháng 5 đại đội đã chiếm được 311B. Vòng vây ngày càng thít chặt vào khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm. Chập tối ngày 6 tháng 5, Hoan được lệnh phổ biến cho toàn đại đội hiệu lệnh tiến công đêm nay là tiếng nổ của khối bộc phá ở đồi A1. Đúng 20h30 phút, một tiếng nổ trầm nghe đánh ục, rồi một đám khói lớn phụt lên từ đồi A1, đất, đá bay lên mù mịt. Địch không hiểu điều gì đã xảy ra, vô cùng hốt hoảng. Trung đoàn 102, Sư 308 nhanh chóng đồng loạt xung phong lên chiếm cứ điểm 311. Cùng lúc các mũi tấn công khác cũng đều hoàn thành nhiệm vụ. Sáng ngày 7 tháng 5, cờ chiến thắng đã tung bay trên đỉnh đồi A1. 3 giờ chiều ngày 7 tháng 5, tất cả các cánh quân được lệnh: Không đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Trung tâm cứ điểm. Cánh quân phía Đông và phía Tây được lệnh cùng đánh thẳng vào khu trung tâm và phải đánh nhanh, đánh mạnh, bao vây thật chặt, không để cho Đờ Cát chạy thoát. Nhận mệnh lệnh tổng tiến công, quân ta tràn lên như nước vỡ bờ đánh chiếm các cứ điểm cuối cùng. Đúng 17h 30, cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm Tướng Pháp Đờ Cát.

Bàn chân trần đầy bùn đất của Hoan đạp lên nóc hầm Đờ Cát, nhìn tướng giặc và bầy đàn chỉ huy chui ra khỏi hầm, giơ tay hàng, Hoan có cảm giác như người vừa cán đích trong cuộc chạy Marathon đường dài. Không phải là cuộc chạy 5, 10, 20 hay 50 cây số, mà là cuộc chạy của 9 năm kháng chiến. Không chỉ là chặng đường của 9 năm kháng chiến mà còn là chặng đường hơn 80 năm bị nô lệ, lầm than, song tinh thần yêu nước của dân tộc Việt vẫn như ngọn lửa khi bùng lên dữ dội, khi âm ỉ cháy nhưng không bao giờ tắt, không bao giờ nguội lạnh ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc chạy 80 năm mà những người lính Điện Biên vừa cán đích là một cuộc chạy tiếp sức của rất nhiều thế hệ người Việt Nam, qua nhiều chặng đường, trên mọi nẻo đường Tổ quốc, dành sức, dành lực, tạo nên sức mạnh cho những người lính Điện Biên đạp chân lên nóc hầm tướng Đờ Cát bại trận, kết thúc chiến dịch; đánh tan cả dã tâm xâm lược của kẻ thù, dành lại độc lập cho đất nước, tự do cho con người. Sau giây phút vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, Hoan lại nhớ vợ con da diết. Anh muốn được về ngay bãi Ngọc chia sẻ niềm vui chiến thắng với những người thân yêu của mình. Nhưng Sư đoàn 308 lại được lệnh chuẩn bị tiếp quản Thủ đô vào đầu tháng 10 năm 1954. Việc xin về thăm gia đình đành phải gác lại. Bước chân những người lính lại lên đường nhận nhiệm vụ mới. Nhưng đây là cuộc lên đường phấn khởi, vui vẻ nhất. Lên đường về tiếp quản Thủ đô. Trên đường về Thủ đô, một hạnh phúc thật bất ngờ. Sáng ngày 19 tháng 9 các chiến sĩ đang học tập các quy định về tiếp quản Thủ đô thì có lệnh lên Đền Hùng gặp Bác. Thật là niềm vui nhân đôi. Bác tươi cười hỏi thăm sức khỏe, tình hình sinh hoạt của các chiến sĩ. Bác khen Vệ quốc quân ta là con em của nhân dân lao động nhưng đánh giặc rất giỏi, thắng được cả đế quốc to. Cuối cùng Bác nắm tay các Sư đoàn trưởng, rồi nhìn tất cả đoàn quân, dặn dò: "Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước”. Hoan nhìn Bác không chớp mắt, nghe như nuốt từng lời Bác dặn. Trước khi chia tay, Bác  bảo: “Nào, bây giờ Bác bắt nhịp để các chú cùng hát bài Kết đoàn nhé, các chú có đồng ý không?”. Tất cả hô vang: “Chúng cháu đồng  ý ạ!”. Thế là tiếng Bác cất lên: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh. Một! Hai! Ba”. Cả sư đoàn vừa vỗ tay vừa hát theo Bác. Rừng cây Nghĩa Lĩnh cũng rì rào hòa cùng tiếng hát của những người lính chiến thắng. Tự nhiên, nước mắt Hoan trào ra. Hoan nhìn sang hai bên, mắt các chiến sĩ cũng đỏ hoe như Hoan.

Đầu tháng 10 cả đại đoàn đã tập kết ở ngoại ô Hà Nội. 8 giờ sáng ngày 10 tháng 10, Trung đoàn 36 của Hoan và Trung đoàn 88, cùng tiến vào thành phố, qua các phố Bạch Mai, phố Huế, Hồ Gươm, chiếm toàn bộ khu vực Đồn Thuỷ, nhà Đấu Xảo. Nhân dân Hà Nội hò reo, phất cờ, hoa, hát vang bài ca "Tiến về Hà Nội" của Nhạc sĩ Văn Cao, đón chào đoàn quân chiến thắng. 15 giờ, Uỷ ban Quân chính thành phố làm Lễ chào cờ tại sân Cột Cờ, có tới hàng chục vạn người tham dự. Còi Nhà hát thành phố kéo một hồi dài, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội, bài hát "Tiến quân ca" vang lên hào sảng. Thật là một ngày lịch sử vĩ đại của thủ đô, cũng là của cả đất nước, cả dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên trong đời Hoan được về Hà Nội, lại với tư cách của người chiến thắng, sung sướng vô ngần. Hoan đã đi một chặng đường rất dài, từ làng Phù Sa, tới Chợ Ngọc, Bảo Hà, Văn Bàn, Chiến khu Vần- Hiền Lương, Nghĩa Lộ, Than Uyên, Điện Biên, hôm nay mới được đến Thủ đô Hà Nội. Đó không chỉ là một chặng đường dài của thời gian qua biết bao không gian địa lý mà còn là chặng đường của thân phận con người từ kiếp nô lệ, lầm than, phiêu bạt, trở thành một quần chúng cách mạng, một cán bộ Việt Minh, một đảng viên cộng sản, một chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Hoan đã tham gia rất nhiều chiến dịch, giải phóng Văn Bàn, Bảo Hà, Nghĩa Lộ, Điện Biên, giờ lại được về giải phóng Thủ đô. Hoan đã chứng kiến những giây phút vỡ òa cảm xúc, những giọt nước mắt long lanh và nụ cười hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Xá Phó… khi được giải phóng khỏi kiếp nô lệ, lầm than. Hôm nay Hoan lại được thấy những giọt nước mắt long lanh và nụ cười hạnh phúc của các cụ, các ông, các bà, các anh chị, các em Thủ đô Hà Nội. Tất cả đều giống nhau, giọt nước mắt nào cũng đều long lanh, nụ cười nào cũng đều rạng rỡ, khuôn mặt nào cũng đều hân hoan. Chỉ có khác là Hà Nội nhiều hoa quá, trên tay ai cũng cầm một bó hoa tươi thắm tặng các chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Hoan được một cô gái rất trẻ, đẹp, mặc áo dài trắng tặng một bó hoa hồng cùng câu nói nghẹn ngào: Hà Nội được giải phóng rồi, vui quá anh ơi. Cảm ơn các anh, cảm ơn các anh nhiều lắm, nhiều lắm.

Bỗng nhiên Hoan cảm thấy nghẹn ngào, đau xót vì biết bao đồng đội của mình đã ngã xuống, trên các nẻo đường kháng chiến, để có thắng lợi hôm nay. Cả dân tộc hân hoan, vui sướng; chỉ có các anh, những người đã ngã xuống là không thể có những phút giây hạnh phúc như Hoan đang có. Thương các đồng đội biết nhường nào!

 

                                                                               N.H.L


 

Các tin khác:

6-10 of 332<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter