Yên Bái - Thành phố mùa xuân

Tùy bút của NGỌC CHẤN

 

Không biết tự bao giờ sông Hồng, con sông Mẹ của những dòng sông đất nước đã trở thành ký ức không thể nào quên nơi tôi sống trọn đời, mỗi khi đi xa, mỗi lần gặp lại, sông Hồng lại thao thức trong tôi, bồi hồi da diết.

Sáng xuân nay, tôi lại ngược gió sông Hồng qua những vùng đất mới, ngắm nhìn dòng sông xanh trong thả mình bên bờ cát trắng. Màu xanh trải dài trên những cánh đồng Tuy Lộc, Âu Lâu, Giới Phiên, Văn Phú được bao bọc bởi những cánh rừng trập trùng mây núi nối thành phố đến Vân Hội, Việt Hồng cửa ngõ của núi ngàn Tây Bắc. Cách thành phố không xa về phía Đông là biển hồ Thác Bà 1.350 hòn đảo giữa mênh mông sóng nước.

Dọc những con đường nối về thành phố những đoàn xe hối hả về xuôi mang theo hương sắc của núi rừng Tây Bắc. Sắc xuân bừng nở trên những cánh hoa đào rực rỡ, trên những cành lê trinh trắng mang tín hiệu mùa xuân đến với trăm miền.

Yên Bái thành phố của tôi mới một năm thôi đã đổi thay kỳ diệu. Dưới ánh nắng chan hòa của mùa xuân mới tôi đứng lặng chiêm ngưỡng cây cầu thứ năm, cầu Giới Phiên bắc qua sông Hồng thuộc thành phố Yên Bái. Vẻ đẹp của cây cầu 10 nhịp, 3 nhịp vòm kết hợp hài hòa với 160 sợi dây văng và 7 nhịp dầm dẫn tạo nên kết cấu vĩnh cửu, hiện đại với những nét chấm phá, sinh động mở ra không gian và điểm nhấn có một không hai khi dòng sông trải thảm xanh giữa hừng đông thành phố.

Ngược sông Hồng qua cầu Bách Lẫm tôi bị cuốn hút vào chợ lớn Bến Đò thuộc xã Giới Phiên. Chợ được di rời từ phường Yên Ninh tháng 2 năm 2023, mới chưa đầy một năm mà đã trở nên sầm uất. Từ cổng vào không khí mùa xuân đã tràn ngập các gian hàng, rực rỡ sắc màu các loại hàng quần áo, gia dụng, bánh kẹo, đến các hàng nông sản: Hoa quả, lá dong, gạo nếp, miến dong, mộc nhĩ, rau xanh, cá, thịt…. những sản vật của mọi miền quê không thiếu thứ gì đã góp nên phiên chợ tết nhộn nhịp. Không khí chợ tết thật sôi động, những gương mặt hồ hởi, tươi vui trong ánh mắt, nụ cười, lời chào hỏi, người mua, người bán tấp nập ra vào náo nức đủ nói lên hạnh phúc của ngày xuân trong mỗi gia đình nơi thành phố.

Hiếm có chợ nào rộng tới 14.408 m2 như chợ Bến Đò, không gian thoáng đãng nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, nét mới năm 2023 khi Yên Bái chuyển mình bước sang năm mới Giáp Thìn.

Yên Bái với rất nhiều địa danh đi vào lịch sử như: Chiến Khu Vần, Căng Đồn Nghĩa Lộ, Khu tưởng niệm nhà yêu nước Nguyễn Thái Học nhưng thành phố Yên Bái còn có một địa danh mà lịch sử vẫn còn nhớ mãi đó là: Bến Âu Lâu, nơi đây đã chứng kiến những đoàn quân vệ quốc, những đoàn dân công chở đạn dược, xe pháo, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Bến Âu Lâu năm 2023 đã được tôn tạo, tu bổ. Di tích lịch sử Quốc Gia bên cạnh tượng đài ngã ba, đã được tỉnh, thành phố đầu tư 15 tỷ đồng để xây kè bảo vệ, sân bậc tam cấp, khuôn viên tạo nên khu di tích trang trọng mang dấu ấn thời đại, phát huy giữ gìn truyền thống yêu nước của người dân Yên Bái.

Khi tôi đang viết bài này thì nhận được điện thoại của anh bạn thuộc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông của tỉnh cho biết: Trước tết Nguyên Đán năm 2024, nhà thầu thi công dự án nút giao IC13 cao tốc Nội Bài- Lào Cai đang tập trung nhân lực, máy móc, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ dự án. Nút giao IC13 (đoạn qua km 122 +240 cao tốc Nội Bài-Lào Cai) thuộc địa phận xã Âu Lâu khi hoàn thành sẽ giúp việc di chuyển người và phương tiện từ các tỉnh tới các địa phương của Yên Bái như: Trấn Yên, thành phố Yên Bái và các huyện, thị phía Tây của tỉnh: Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải sẽ gần và thuận tiện hơn. Nút giao IC13 đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội, động lực mới cho sự phát triển, bứt phá đi lên của tỉnh trong tương lai.

Đón xuân trên thành phố Yên Bái hôm nay, tôi bỗng nhớ lại ngày này cách đây 21 năm, mùa xuân 2002 Chính phủ đã có nghị định thành lập thành phố Yên Bái. 21 năm thành phố đã có sự đổi thay vượt bậc, có nhiều yếu tố thuận lợi, hình ảnh đô thị Yên Bái đã trở thành đô thị tiêu biểu xứng đáng với vị thế một đô thị quan trọng của vung Trung du và miền núi phía Bắc, có vai trò là động lực phát triển đối với tỉnh Yên Bái và vùng Tây Bắc.

Sau 11 năm thành phố thành lập, năm 2013, Chính phủ lại có nghị quyết mở rộng xã Nam Cường và Hợp Minh trở thành phường. Năm 2020, Quốc hội ban hành nghị quyết nhập xã Văn Tiến vào Văn Phú, xã Phúc Lộc vào xã Giới Phiên đưa tổng số đơn vị hành chính của thành phố lên 15 đơn vị gồm 9 phường, 6 xã. Việc mở rộng địa giới thành phố là bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng thành phố loại II. Và mới đây thôi, sau rất nhiều năm nỗ lực, thành phố Yên Bái đã chính thức được Chính phủ công nhận là đô thị loại II. Trong những năm qua thành phố Yên Bái đã khẳng định rõ vai trò, vị thế đầu tầu động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020- 2023 đạt con số ngoạn mục trên 10%năm.

Tính đến đầu năm 2023 tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 16.594 tỷ đồng góp phần đưa tổng sản phẩm của tỉnh đạt xấp xỉ 30%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng đô thị, lấy công nghiệp- thương mại- dịch vụ làm trọng tâm. Thành phố đóng góp vào việc thu ngân sách của tỉnh đạt 40% thu nhập bình quân đầu người đạt 86 triệu đồng, cao 1,8 lần so với bình quân chung của cả tỉnh. Chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 73% cao hơn 10% so với bình quân chung của cả tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại đô thị chỉ còn 0,67%.

Những năm qua, thành phố Yên Bái liên tục giữ vững vị trí đứng đầu về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp huyện. Thành phố đã phát huy mạnh mẽ tiềm năng và lợi thế, huy động mọi nguồn lực tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và các khu, cụm công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh- Hà Nội- Hải Phòng thành phố Yên Bái có vị trí thuận lợi để kết nối các hoạt động kinh tế với các đô thị nằm trên hành lang thủ đô Hà Nội, các đô thị cửa khẩu và cảng biển. Chính vì vậy, đồ án mở rộng thành phố Yên Bái đã có cách tiếp cận mới tạo không gian phát triển sang hữu ngạn sông Hồng. Năm cây cầu qua sông tạo thành trục giao thông liên vùng trên địa bàn thành phố mang dấu ấn của tư duy mới, tiền đề để thành phố vươn xa.

Mùa xuân đi trên những con đường thành phố rực rỡ cờ hoa, lấp lánh trong đêm ánh điện đủ sắc muôn màu, thấp thoáng trong những công viên lung linh hồ nước là những siêu thị khang trang ngập tràn các loại hàng hóa đủ để đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng.

Thành phố Yên Bái bên hữu ngạn sông Hồng đang hình thành khu đô thị nông thôn mới dọc hai bên đường cầu Bách Lẫm xã Giới Phiên. Đây là khu đô thị chất lượng phù hợp với nhiều đối tượng và nhu cầu thị trường, với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, phong cách hiện đại, tiện nghi đầy đủ, thúc đẩy môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội địa phương. Cơ cấu nhà ở và nhà ở xã hội với: 290 căn nhà liền kề chiều cao 3 tầng thuộc khu đô thị Bách Lẫm A đang hứa hẹn cuộc sống văn minh, hạnh phúc trước ngưỡng cửa một mùa xuân mới.

Đến Yên Bái du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những cây cầu, những con đường rợp bóng cây xanh tạo nên “phố trong rừng, rừng trong phố”. Và trong tương lại không xa khi trở lại Yên Bái du khách sẽ ngỡ ngàng hơn khi thành phố xây dựng khu đô thị mới mang tên Yên Ninh rộng tới 124 ha đáp ứng cho 8.508 người, bao gồm: Các công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, văn minh hiện đại có sức hấp dẫn về cảnh quan cũng như môi trường sống.

Khu đô thị năm trên địa giới hành chính thuộc phường Yên Ninh và xã Văn Phú. Về tổng thể quy hoạch được tổ chức theo hai trục Bắc- Nam và Đông- Tây tạo sự kết nối thông suốt.

Hai đầu trục giao thông chính bố trí cổng chào kết nối các công trình thương mại, dịch vụ kiến trúc hoành tráng tạo không gian mở đô thị. Phía Tây Bắc là khu vực phát triền đô thị cửa ngõ gần cầu Tuần Quán, mang đặc trưng thương mại, văn hóa với các cụm nhà liền kề, biệt thự mang phong cách kiến trúc cổ Châu Âu, trung tâm thương mại kết hợp với trục văn hóa quảng trường lễ hội đặc sắc. Phía Nam là khu vực gần cầu Giới Phiên, đây là cây cầu cảnh quan gắn với hoạt động văn hóa tạo điểm nhấn phía Tây Nam thành phố. Nơi đây có phố đi bộ hình thành trục cảnh quan xuyên suốt, điểm đầu là quảng trường thương mại tạo sắc màu nhộn nhịp, năng động và kết thúc là công trình trường học Quốc Tế.

Ở các khu vực có độ cao, dốc lớn được quy hoạch thành công viên rừng, nơi tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên.

Thành phố Yên Bái ngày mai bắt đầu từ hôm nay thật đẹp, trẻ trung và thơ mộng, diệu kỳ. Tạo nên sức hấp dẫn của hàng ngàn lượt du khách dừng chân trên chặng đường tham quan du lịch: Sa Pa, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Biển hồ Thác Bà. Đến thành phố Yên Bái bạn sẽ gặp Chùa Am, đền Nam Cường, Công viên Nguyễn Thái Học….

Mùa xuân một tuyến đường mới đang rộng mở nối cầu Bách Lẫm qua khu tái định cư tới cao tốc Nội Bài- Lào Cai, gặp quốc lộ 32C, tạo nên một không gian mở đan kết trong làng nối làng với phố. Một vùng đất mới đang hồi sinh tỉnh dậy không còn ngủ quên trong nghèo đói hoang vu, đầm lầy, lau lách….

Yên Bái lại vào xuân bằng công dân số, bằng đổi mới thủ tục hành chính về đất đai, bằng chỉ số hạnh phúc của người dân trong mỗi căn nhà góc phố. Đường lớn đã mở, dòng sông của năm tháng vẫn đợi vẫn chờ. Ta đi như thực như mơ trước thời khắc của năm cũ bước sang năm mới, con thuyền của thời gian đã trở về bến đợi, bất giác tôi nhớ đến một câu thơ mình đã viết: Có một dòng sông chảy giữa lòng thành phố/ Bên lở bên bồi sông vẫn chảy về xuôi/ Bến nước Âu Lâu nơi tôi sinh ra trong những ngày kháng chiến/ Vẫn vẹn nguyên sắc đỏ sông Hồng. Ôi! sông Hồng dòng sông Mẹ ngàn năm vẫn chảy qua thành phố để chứng kiến cuộc đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất này để thêm tin yêu một thành phố mỗi sáng mai xuân.

 

                                                                                     N.C

 

 

 

 

Các tin khác:

136-140 of 335<  ...  23  24  25  26  27  28  29  30  31  32  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter