• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Hoàng Thế Sinh- Dòng xoáy văn chương
Ngày xuất bản: 16/02/2024 8:29:22 SA

HÀ LÂM KỲ

 

Năm 1990, tôi viết được truyện “Kỷ vật cuối cùng”. Từ đấy, tôi mải mê đi trên đường văn học thiếu nhi. Mười năm sau, ngoảnh lại, bỗng bắt gặp một suối nước, nhưng là suối nước văn phong. Tôi vẫn đi. Ba mươi năm sau. Trước mặt tôi không phải con nước đổ, mà là một “dòng xoáy văn chương”. Tác giả làm sáng lên dòng xoáy văn này, có tên đầy đủ “Hoàng Thế Sinh”- kẻ thích ngậm tẩu ngồi góc bìa sách.

Khởi đầu “Như xửa xưa” chăng?

Tôi và Hoàng Thế Sinh, đồng niên, và cũng có phần... đồng điệu. Tôi vào khoa văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (1971). Sinh vào đây (1971). Tôi nhập ngũ (5/1972). Sinh nhập ngũ vài tháng trước đó, tôi ở Bắc Tây Nguyên (1972- 1975). Sinh vào Đông Trường Sơn, rồi Xiêng Khoảng Nam Lào (1972). Tôi trở về khoa Văn, học tiếp (10/1976). Thương binh Sinh cũng trở lại khoa Văn xưa. Tôi về dạy Trường Sư phạm 10+3 Hoàng Liên Sơn. Sinh cũng về, rồi đi cao học. Nghe nói, những năm Cao học, Hoàng Thế Sinh đã văn hay chữ tốt nên bạn bè tôn làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn của Khoa. Giữa năm 1991 tôi công bố truyện dài “Kỷ vật cuối cùng” (NXB Kim Đồng) thì cuối năm, Sinh cho ra mắt tập thơ “Như xửa xưa” (NXB Thanh Niên). Ấy là hai "đầu tay" của cặp đồng niên Cựu chiến binh, nhà giáo.

Được tặng Như xửa xưa, cuốn sách bìa vàng nhám, chữ to, kiểu phăng tê zi, lõi giấy đen, chân chữ cùng kiểu. Thời đó, đã là đẹp. Tôi thích mấy bài được cho là loại thơ "quên chiếc áo trên cành hoa sen" bởi nó có bóng dáng nhiều tà áo trắng áo hồng.

                                   

Em đắm đuối với gam màu nóng lạnh

Đuốc bập bùng như ngọn lửa hoang sơ

Đêm vũ trụ nhập vào ngọn bút

Em vẽ ào nét thực nét mơ.

                                    (Như xửa xưa)

Lạ. Lời nhận xét về "em" hay chính tuyên ngôn văn chương của tác giả, để hôm nay, ba mươi năm sau, chủ nhân Như xửa xưa trở thành "Dòng xoáy Văn Hoàng Thế Sinh" đủ sức thuyết phục người đọc?.

Một đường đi

Chủ nhiệm CLB Văn Hoàng Thế Sinh gắn kết với những bạn văn cao học cừ khôi: Trần Hoà Bình, Châu Hồng Thuỷ, Chu Văn Sơn, Văn Giá, cả Nguyễn Hiền Lương và Nguyễn Ngọc Trìu của "Xứ mưa" Yên Bái. Nhóm bút văn của thầy Trần Đình Sử náo loạn trường mình và các trường bạn ở Hà Nội. Tất nhiên làm hút hồn các cánh áo dài trắng. Tiểu thuyết “Thời hoa đỏ” (1998) chắc chắn thai nghén từ những tháng ngày đầy cảm hứng này. Cầm bằng, Hoàng Thế Sinh trở lại trường, rồi về Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn làm đồ đệ văn chương cho Chủ tịch Hội- Nhà thơ Ngọc Bái. Nơi này, có hai Sinh. Hoàng Thế là Sinh thầy, Nguyễn Thái là Sinh trò. Sinh trò cũng là người lắm chữ nghĩa, nên Sinh thầy êm êm rút sang Báo Đảng. Ngày về hưu (2012) Hoàng Thế Sinh cầm Thẻ bảo hiểm Phó Tổng biên tập.

Tháng 01/1995, tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn. Mười năm sau Yên Bái mới có thêm Hoàng Thế Sinh. Mười bốn năm nữa (2019), có thêm hai: Nguyễn Hiền Lương và Nông Quang Khiêm. Một năm sau có thêm Phạm Quỳnh Loan, năm sau nữa thêm Nguyễn Ngọc Yến. Cửa vào làm hội viên Hội Nhà văn những năm 90, không rào chắn, mà sao khó? Thì đây, Hoàng Thế Sinh, một phần của sự trả lời, ấy là biên niên tác phẩm: Như xửa xưa (Thơ 1991), Tiếng vọng dưới chân núi (Tập Truyện ngắn, 1991), Bụi hồ (Tiểu thuyết, 1992), Thời hoa đỏ (Tiểu thuyết, 1998), Xứ mưa (Tiểu thuyết, 2000), Luật của rừng (Tập Truyện ngắn, 2002), Khát vọng từ đất (Tập Ký 2002), Tài tử Bờm (Tập Truyện ngắn, 2004). Ôi chao. Vào làm cái hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà Hồ sơ tự nguyện của Hoàng Thế Sinh đến 2005, dày cộp thế đây. Điều gì đến, nó khác đến, cố mà được à?! Sinh bảo vậy. Ngẫm vậy. Cũng phải.

Đúng là Hoàng Thế Sinh không cố. Mấy chục năm qua, đầu sách chắc sắp cao bằng đầu người. Mà đầu loại cũng không kém, lại chất. Đây nhé: Tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, lý luận văn học, truyện mi ni bi hài, tản văn, chân dung cuộc sống, cả thẩm định kịch bản phim nữa. Nếu cùng thả các "đầu" này xuống bể Văn chương, tôi chắc có đến ba phần tư, sẽ là của chìm. Đọc sướng!

Sau “Như xửa xưa”, tôi lại được bất ngờ: "Thân thiết tặng Hà Lâm Kỳ. Yên Bái ngày 02 tháng 11 năm 1991. Thế Sinh"! Ấy là tập truyện ngắn “Tiếng vọng dưới chân núi” do Hội Văn học nghệ thuật Hoàng Liên Sơn xuất bản. Cuốn sách giấy giang, còn bột dính, do Hoạ sỹ Kim Tiến vẽ bìa, đã dồn nén 9 truyện ngắn. Tôi mở, tìm ngay "Rét lộc", và đọc. Bởi, truyện đó đang gây xôn xao giới giáo chức Hoàng Liên Sơn sau khi đăng trên báo Văn nghệ.

Rét lộc viết về nhà giáo những năm cuối của thời bao cấp. Cuối thời này, đã xuất hiện trong giới sự rạn nứt mối quan hệ con người với con người. Số đông, tận tâm tận sức với ngành nghề. Số ít, nhoi lên, làm nhẹ, lợi nhiều. Số đông, bươn trải đủ kiểu để kiếm sống và dạy học, họ yêu nghề, yêu học trò và trung thực. Còn số ít thì ngược lại. Tiếc thay, số ngược lại này, lại có cả lãnh đạo chủ chốt và cơ quan chức năng quản lý: "Sau một tuần thanh tra, đồng chí Nham, Phó Giám đốc Sở thay mặt Đoàn thanh tra tuyên bố: "Điều 2, điều 3, điều 5 là vu khống. Mà vu khống là vi phạm pháp luật. Nhưng xét quá trình cống hiến của đồng chí Đặng, chiểu theo đề nghị của đồng chí Trương Trịnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Trung học Hoàng Liên, chúng tôi sẽ không đưa vấn đề này ra trước công luận, trước pháp luật…! Tôi ngồi chết lặng giữa hội trường, tôi đã bị bỏ rơi. Tôi đã bị lừa dối. Tôi trở thành kẻ vu khống bỉ ổi!" (Tiếng vọng dưới chân núi, Tập truyện, Hội Văn học nghệ thuật Hoàng Liên Sơn, trang 66).

Cái "mạch" Rét lộc ấy đeo đai Hoàng Thế Sinh mấy mươi năm trời để rồi anh gây choáng bạn đọc với loạt tiểu thuyết cảnh báo: Rừng thiêng (2007), Thuốc phiện và lửa (2013), Ma tiền (2016), Chúa đất miền Khau Sưa (2020), Dĩ nhiên, để đến được mấy quả bom có sức công phá này, Sinh đã đưa những Rét lộc, Người nuôi cá sấu, Luật của rừng, Người nông dân nhỏ bé, Sềnh bông phèng… rải dọc đường đi một cách gian nan. Ý tưởng xa xôi và ý thức kiên định ấy có từ những năm 88- 89 thế kỷ trước: "Tôi thấy rất rõ đôi mục kỉnh của Trương Trịnh soi tôi từ đầu đến chân như soi một vật kỳ lạ. Tại sao tôi lại trốn tránh cuộc đời? Tôi đau khổ, phải, nhưng tôi không thể là một thằng hèn". (Rét lộc- Tiếng vọng dưới chân núi, trang 80). Bản lĩnh của nhân vật ("Tôi" ở đây là Đặng). Cũng là bản lĩnh của người viết- Hoàng Thế Sinh, vậy đấy.

Vẫn biết Hoàng Thế Sinh chọn cho mình một đường bút rất sớm. Nhưng có lẽ bắt đầu từ những bài thơ? Vậy là Sinh bước hai chân (Tập Thơ, tập Truyện, ra mắt cùng năm 1991) mà hai chân bao giờ cũng đều, và chắc. Nên cái kênh “người lớn”, cái chuyên “vấn đề xã hội” được Bút Sinh, Văn Sinh tung hoành, mổ xẻ đến tận ngõ ngách những gì của căn bệnh lạ ủ trong cơ thể Việt Nam ngay từ cuối bao cấp và có nguy cơ bùng phát ở thời kinh tế thị trường. Hoàng Thế Sinh như người dùng bút chấm phá nhận mặt căn bệnh này. Nếu như bút ký “Tất cả trên vai người lính” của Ngọc Bái cùng thời điểm, dội vào vách cộng đồng, thì loạt truyện ngắn của Thế Sinh kiểu “Rét lộc” vừa dội vào cộng đồng, và bám theo cộng đồng xã hội tạo nên hiệu ứng cảnh báo, rằng, ở lô tiểu thuyết: Bụi hồ, Rừng thiêng, Ma tiền, Chúa đất miền Khau Sưa... có chân tướng bọn vô học, bọn quan tham, và bọn xã hội đen giấu mặt. Nhưng đang dần dần lộ mặt. Rồi sẽ đến ngày bị nhân dân lật mặt.

Nói về tiểu thuyết “Ma tiền”- Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 2000, Nhà xuất bản Thanh niên bình luận: “Ma tiền đã phơi bày những bi kịch của những thân phận con người mà đồng tiền đã làm tha hóa nhân cách của họ”. Còn tác giả Cảnh Mạnh thì viết: “Con người, dù có ma mãnh thủ đoạn đến mấy, cũng không thể thoát nổi lưới trời tâm đức” (Báo Yên Bái, 25/11/2016). Còn tôi, thành viên Hội đồng Chung khảo giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái năm 2020 thấy rằng: Nếu như Ma tiền (Tiểu thuyết của Hoàng Thế Sinh) chạm đến tính tha hóa của người có đồng tiền... thì Chúa đất miền Khau Sưa, là sự tinh quái của nhóm người rửa tiền. Đồng tiền “bẩn”, và nhóm người ấy đã nhanh chóng bám sâu, bám chặt vào mảnh đất kinh tế thị trường mới hình thành, nó, cơ hồ trở thành mối nguy hại bóp nghẹt xã hội.

Chỉ sơ sơ hai, trên nhiều tiểu thuyết lớn của một mạch tác phẩm cảnh báo, đã thấy Nhà văn Hoàng Thế Sinh có trí tưởng tượng, có sức hư cấu trên cái nền nhập cuộc xã hội dồi dào đến như thế nào? Tôi là kẻ viết cho thiếu nhi, loanh quanh “Làng nhỏ”, Không dám lạm bàn đến tư tưởng tác phẩm, đến nghệ thuật tác phẩm của loạt tiểu thuyết dậy sóng này. Chỉ trộm nghĩ rằng: Ba mươi, năm mươi năm sau, người người đọc lại, kháo nhau mà rằng: ông viết văn đã nhìn thấy điều này từ mấy chục năm trước rồi! Ôi. Nhà văn chắc sẽ không có gì sướng hơn những lời bình luận thực lòng đó của thế hệ bạn đọc.

Văn Hoàng Thế Sinh là thế. Văn dự báo. Văn cảnh báo, nằm trong Nhân văn. Khi các tác giả kịch bản chuyển những tiểu thuyết này của Sinh thành kịch bản phim dài tập, sức công phá của “Nghệ thuật thứ 7” mạnh lên nhiều lần thì Văn Sinh đến với công chúng sẽ là cấp số nhân.

Khoảng năm 2006 Hoàng Thế Sinh nói với tôi: “Đi dần vào tổng kết!”. Tôi tròn mắt. Nhưng rồi bất chợt nhớ lời tâm sự của Nhà văn Ma Văn Kháng: "Cứ mười năm, mình tự nhìn lại chặng sáng tác một lần". Tôi ngóng được xem bản “Báo cáo” Văn chương của Sinh. Nhưng không. Sinh làm đến “uỵch” một cái, in gộp ba cuốn tiểu thuyết: Bụi hồ, Xứ mưa, Rừng thiêng, trên 700 trang (Nhà xuất bản Lao động, 2007). Sách ghi là “Tác phẩm tuyển chọn”. Cứ thế, Hoàng Thế Sinh lần lượt cuốn chiếu khối truyện ngắn, khối bút ký, và lô tiểu thuyết... Năm nay xuân Giáp Thìn, nhà văn tuổi Rồng này vẫn đang triển khai phần “thân bài”. Tôi đồ rằng, những đứa con tinh thần của Sinh còn tiếp tục chào đời. Mùa hạ dư thừa biết bao là lửa/ Mà trong tôi không đủ ấm một chiều! (Bài thơ chưa được đặt tên, Hoàng Thế Sinh). Viết văn, đã là một sự thôi thúc, lại được bạn đọc luôn đợi đón. Nhà văn sao nỡ từ chối? Đến như Tố Hữu đại thụ: “Mới nửa đường thôi, còn bước tiếp” (Đảng và thơ), huống hồ? Văn chương đi liền với nghiệp chướng! Là có thật.

Hoàng Thế Sinh là lính chiến trường, anh tả xung hữu phách trong chiến dịch Cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng Lào năm 1972. Chất lính Bộ đội Cụ Hồ hóa thân vào anh, góp phần tạo nên cái riêng trong bút pháp viết văn. Đọc văn xuôi, đọc thơ của Sinh thấy rõ. Đọc bút ký của Hoàng Thế Sinh, càng rõ. Với bút ký, nhà thơ Ngọc Bái nhận xét: “Ngòi bút của tác giả tung tẩy trên nhiều ngả đường, nhiều sự kiện” sau khi “đã bỏ công phu tra cứu, ghi chép những tài liệu liên quan tới từng vấn đề được đề cập trong bút ký” (Ngọc Bái- Hoàng Thế Sinh, sâu đậm những trang ký). Sinh có cái tài, có thể nói biệt tài, là tóm cái “thần” của vấn đề, để làm nên chủ đề và dàn dựng nội dung bài ký, nên nghe những cái tít (tiêu đề) bài viết vừa lạ, vừa hay, người đọc đã muốn lục tìm rồi: Cây đời mãi mãi xanh tươi; Lời cầu nguyện của mẹ; Mở đường lên trời; Đè núi xuống, làm giầu; Nỗi đau ngoài tâm bão; Ngẩng đầu lên bước trước mặt trời; Khúc biến tấu của đá; Miền gái xinh; Mưa núi; Mỏ truyện Trần Cao Đàm... Bút ký đấy. Văn chương, mà cũng rất báo chí. Thông điệp và thông tin, sâu và chắc.

Hữu xạ tự nhiên hương

Những lần đi thực tế sáng tác, tôi để ý thấy Sinh đúc cuốn sổ bé bằng bàn tay vào túi quần. Rồi đủng đỉnh trò chuyện với người ở cơ sở, như chả lo gì đến sẽ nhớ sẽ quên. Ấy thế mà những bài đăng đàn Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, vẫn gợn sóng là... hay! Tôi ngẫm Hoàng ThếSinh rất khéo trong việc lồng ghép hai nhà: nhà văn và nhà báo vào một ngòi bút. Điều này không dễ với người viết.

Tôi làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Trường Sơn (Trực thuộc Hội truyền thống Trường Sơn Yên Bái), tổ chức buổi giới thiệu Cánh đồng Chum mùa hoa ban khi cuốn tiểu thuyết này vừa trình làng (Quý I/2021). Tác giả Hoàng Thế Sinh ngần ngừ. Nhưng kế hoạch rồi, Nhà văn Nguyễn Hiền Lương thuyết trình trước các cựu chiến binh Trường Sơn và lưu sinh viên Lào tại Yên Bái. Em Mic Key trả lời Đài truyền hình tỉnh: “Cháu mới chỉ nghe giới thiệu về tiểu thuyết “Cánh đồng Chum mùa hoa ban” của bác Nhà văn Hoàng Thế Sinh mà đã thấy rất xúc động và cảm phục, chúng cháu cần phải hiểu hơn nữa về tình hữu nghị Việt- Lào, phải hiểu hơn nữa về quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên đất nước Lào”. Được tác giả ủng hộ, hôm đó Hội Văn nghệ Trường Sơn đã tặng các sinh viên Lào tốt nghiệp trở về tổ quốc năm cuốn tiểu thuyết tráng ca chống Mỹ này. Chỉ sáu tháng sau, được tin “Cánh đồng Chum mùa hoa ban” của Hoàng Thế Sinh đoạt Giải thưởng Văn học Sông Mê Kông năm 2021, một giải thưởng quốc tế được trao luân phiên hàng năm giữa 6 quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.

Cầm tinh con Rồng, cựu chiến binh, nhà giáo, nhà báo, mà trước hết là Nhà Văn, với khối lượng và chất lượng tác phẩm, Hoàng Thế Sinh- Dòng xoáy văn chương Yên Bái. Tôi nghĩ như vậy, chắc không sai.

H.L.K

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter