• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Thơ Lê Ngân- Bài ca thấm đẫm tình đời
Ngày xuất bản: 31/01/2024 9:11:23 SA

NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

 

Tác giả thơ Lê Ngân, Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái, đã xuất bản 4 tập thơ: Hương quê”- Sở Thông tin- Truyền thông Yên Bái, 2005, “Nghiêng nghiêng bóng núi”, NXB Hội Nhà văn 2006, “Thao thức một miền quê”, NXB Văn học, 2010, “Lau thưa xào xạc mãi”, NXB Văn học, 2011. Ngoài ra, ông còn có một số bài thơ in chung trong nhiều tập thơ và đăng trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Ông cũng đã đoạt một số giải thưởng thơ: Giải thưởng VHNT Yên Bái năm 2010; giải thưởng cuộc thi thơ Đường toàn quốc năm 2009; giải thưởng cuộc thi thơ của Liên hiệp các Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam, năm 2011; giải thưởng cuộc thi sáng tác VHNT chủ đề  “Viết tiếp bản hùng ca Tây Bắc”, năm 2016, kỷ niệm 70 năm, ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu II và một số giải cuộc thi thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái hàng năm. Chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều lần thể hiện các bài thơ của ông. Ngày 14/11/ 2023, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái tổ chức Hội thảo về tác giả, tác phẩm Lê Ngân, với chủ đề “Thơ Lê Ngân- Bài ca thấm đẫm tình người”, giao cho Chi hội Thơ chủ trì. Dự Hội thảo có lãnh đạo Hội và các Chi hội, đông đảo các tác giả thơ của Chi hội Thơ và Hội Người yêu thơ Việt, gia đình, bạn bè, học trò của tác giả Lê Ngân. Ngoài báo cáo đề dẫn, tổng kết, 4 tham luận được trình bày tại Hội thảo, gồm: “Đời lính, nghề thầy thỏa ước mơ” của Quang Bách; “Lê Ngân, hồn thơ người lính, người thầy” của Hoàng Việt Quân, “Có một miền quê luôn thao thức trong thơ Lê Ngân” của Hà Ngọc Anh, “Lau thưa dung dị mãi xạc xào” của Phạm Quỳnh Loan, cùng các ý kiến phát biểu của nhà thơ Ngọc Bái, Nguyễn Thế Quynh, Phạm Đức Toàn…

 Nhìn tổng quát, về nội dung, thơ Lê Ngân có 3 mảng đề tài chính: Quê hương; đời bộ đội trong chiến tranh; nghề thầy, mái trường, học trò, ngoài ra còn có một ít bài thế sự. Cả ba mảng đề tài này đều là đề tài mang tính xã hội, đề tài chính, phổ quát của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến 1975 của thế kỷ trước. Đó là những vấn đề cơ bản của thời đại, liên quan sống còn tới vận mệnh của đất nước, dân tộc, trong thời kì kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là ba cõi thiêng bồi đắp, nuôi dưỡng, hình thành nên tâm hồn người nghệ sĩ thời kì này và là nguồn cảm hứng sáng tạo của họ. Mọi cảm xúc, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ lúc đó đều gắn với Tổ quốc, với dân tộc, với nhân dân. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên "Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa/ Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa/ Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa"  (Chế Lan Viên- Tiếng hát con tàu); hay Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào/ Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ/ Con ngọc trai đêm hè đáy bể/ Uống thủy triều bỗng sáng hạt châu (Chế Lan Viên- Chim lượn trăm vòng). Hiện thực Tổ quốc và Nhân dân không chỉ tạo cảm hứng sáng tác của các văn nghệ sĩ mà còn là chất liệu xây dựng hình tượng văn học giai đoạn này. Hầu hết các văn nghệ sĩ thời bấy giờ không ai vượt khỏi quỹ đạo này. Lê Ngân cũng nằm trong số đó.

Về nghệ thuật: Thơ Lê Ngân vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính sử thi. Tính truyền thống thể hiện ở thể thơ, ngôn ngữ, nhịp điệu thơ, đều theo thơ ca truyền thống dân tộc. Tính sử thi thể hiện, hiện thực được phán ánh trong sáng tác của tác giả là những vấn đề lớn của thời đại, liên quan đến vận mạng của dân tộc, đặc biệt là hiện thực chiến tranh. Nhân vật trữ tình- tác giả, cái “tôi” của nhà thơ mang phẩm chất cái ta thời đại, trữ tình gắn với chính trị, ngợi ca cái đẹp, cái cao cả, truyền lửa cho bạn đọc. Khuynh hướng sáng tác này, trong thơ ca nói riêng và văn học nói chung thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ đã tạo nên những nhà thơ lớn như Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Giang Nam, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm… Tác phẩm của những nhà thơ này có sức hút mãnh liệt kéo theo rất nhiều các tác giả khác tạo nên dòng thơ chủ lưu của thời đại, góp phần cổ vũ, động viên con người trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ sau 1975, đất nước được hòa bình, thơ Việt Nam đã có sự chuyển hướng, trở lại cảm hứng đời tư đã có từ trước nhưng được cách tân, đổi mới. Sự chuyển hướng rõ nhất là từ cái tôi trữ tình- chính trị chuyển về cái tôi trữ tình cá nhân- nhân bản, trước những vấn đề của cuộc sống thường nhật, thể hiện những nỗi niềm, buồn, vui, yêu, ghét, sầu bi, cô đơn cá nhân. Nghệ thuật cũng có những thay đổi, phá vỡ những khuôn khổ cứng nhắc của thơ ca truyền thống, tìm phương thức thể hiện mới trên phương diện ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu… Ví dụ như đoạn thơ sau: “Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái/ Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy/Những người đàn bà xuống gánh nước sông/ Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt/ Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé nhỏ chơi vơi/ Bàn tay kia bấu vào mây trắng”(Nguyễn Quang Thiều- Những người đàn bà gánh nước sông). Những chi tiết tả thực trần trụi về người đàn bà (chân xương xẩu, móng dài và đen…) bên cạnh những hình ảnh phi thực tế (bàn tay bấu vào mây trắng) tạo nên một hình tượng thơ độc đáo, kỳ vĩ. Khuynh hướng sáng tác này đã và đang tạo nên những tên tuổi thơ ca như Trần Quang Quý, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương... có sức hút kéo theo khá nhiều tác giả trẻ tạo nên dòng thơ đổi mới. Lê Ngân không nằm trong số đó.

Song cái tôi trữ tình- chính trị Lê Ngân cũng có những nét riêng; không hối thúc, giục giã, kêu gọi như Tố Hữu; không chính luận, suy tưởng như Chế Lan Viên; không “vũ trụ ca” như Huy Cận. Cái “Tôi” Lê Ngân nghiêng về sự thao thức, da diết, xào xạc của tâm hồn với những gì xảy ra với ông, hoặc ông được chứng kiến. Ông viết về quê hương, về những cuộc hành quân chiến đấu, hay về mái trường đều bằng sự thao thức và xào xạc của tâm hồn một người con yêu làng, một người lính yêu đời chiến sĩ, một thầy giáo yêu nghề, mến trẻ. Cái tôi trữ tình- tác giả, bao giờ cũng tràn đầy cảm xúc, được thể hiện bằng ngôn ngữ, hình ảnh thơ hết sức dung dị mà mượt mà, biểu cảm, gần với cách cảm, cách nghĩ, cách biểu hiện của quảng đại quần chúng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc: Đêm bồng bềnh mái tóc trắng màu mây/ Chỉ có vầng trăng xưa còn trẻ mãi/ Vẫn cùng tôi nhớ một thời xa ngái/ Ơi cội nguồn! Thao thức một miền quê. (Thao thức một miền quê); "Bến Lu sông Hồng ngày ấy/ Rì rầm sóng nhắc chuyện xưa/ Lau thưa còn xào xạc mãi/ Ngẩn ngơ... thương đến bây giờ" (Lau thưa xào xạc mãi); “Chiềng Ve ơi! Một thời quá khứ/ Mãi theo ta khắc đậm in sâu” (Một thoáng bâng khuâng); “Ôi Hồng Hà nước đỏ thế sông ơi/ Qua cửa ngòi Thia lại dòng trong xanh quá/ Sông lộng gió thơm nồng mùi rơm rạ/ Ngô, lau vẫy cờ, sắn khoai xòe lá/ Tiếng gà trưa ru mượt cả ven sông (Xuôi sông Hồng); “Có phải máu hồng trong ngực đất/ Mỗi mùa lại trổ một đài hoa” (Lên đồi A1). Đặc sắc thơ Lê Ngân, nét riêng thơ Lê Ngân là ở đó. Đọc “Thao thức một miền quê”, hay “Lau thưa xào xạc mãi”, ta biết ngay đó là thơ Lê Ngân. Nếu xem mỗi bài thơ Lê Ngân như một nốt nhạc thì toàn bộ thơ Lê Ngân là bài ca thấm đẫm tình đời, tình người.

Thơ Lê Ngân luôn trôi theo cảm xúc, giống như kiểu Tế Hanh viết “Nhớ con sông quê hương”, Giang Nam viết “Quê hương”, Hoàng Cầm viết “Bên kia sông Đuống”, Hữu Loan viết “Màu tím hoa Sim”. Bao hình ảnh xưa, kỉ niệm cũ cứ ùa về, theo ngòi bút chảy tràn trên trang giấy, không thể dừng lại được nên các bài thơ của ông thường khá dài. Nếu có sự cô đọng, dồn nén cảm xúc hơn, xây dựng hình ảnh có chất thơ hơn, dùng từ “đắt” hơn, thì mỗi câu thơ và bài thơ sẽ có sức bật mạnh hơn. Nó giống như bàn tay, nắm thì sẽ có sức mạnh hơn xòe ra năm ngón. Ví như bài thơ “Thu cảm” của ông, chỉ có 4 câu: “Sương biếc chim ngàn mỏi cánh bay/ Sông Thư thương nhớ vẫn vơi đầy/ Nghiêng nghiêng bóng núi chiều xa lắm/ Sực tỉnh trên đầu tóc trắng mây” nhưng nó lại có sức gợi mở, liên tưởng rất nhiều và cũng nhiều tầng nghĩa. Thơ ca là vậy, “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Câu thơ lục bát Mái gianh ơi hỡi mái gianh? Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương”, chỉ 14 chữ nhưng phải nhiều chữ mới nói hết về nó.

Về con đường thơ, có thể nói cuộc đời và thời đại đã tạo nên hồn thơ Lê Ngân. Quê gốc ông là làng Hà Thạch, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nhưng ông lại sinh ra và lớn lên ở Y Can, phủ Trấn Yên, Yên Bái. Y Can gắn liền với tuổi thơ Lê Ngân, cũng là mảnh đất làm nên hồn thơ ông. Mảng thơ về quê hương của ông đều lấy cảm hứng từ vùng quê này, một làng nhỏ 4 mùa xanh biếc ngô khoai, thanh bình, yên ả bên dòng sông Hồng đỏ nước phù sa. 18 tuổi Lê Ngân chia tay làng quê lên đường chiến đấu, ông có 11 năm sống trong quân ngũ, (từ năm 1952 tới năm 1963). Đơn vị đầu tiên của ông là Đại đội 87 Trấn Yên, rồi ông được biên chế vào Tiểu đoàn 995, thuộc Trung đoàn 159, Quân Khu Tây Bắc (giờ là Quân khu II). Suốt 11 năm quân ngũ, cuộc đời chiến đấu của ông gắn với núi rừng Tây Bắc, vừa chống Pháp, vừa tiễu phỉ suốt từ Mường Khoa, Mường Sến, Mường Bo, Bình Lư, Phong Thổ, Tủa Chùa sang Tuần Giáo, Điện Biên, Lai Châu tới tận Pa Khôm, Pa Hắng, Chiềng Ve, Lóng Sập biên giới Việt Lào. Với năng khiếu sẵn có và cuộc sống người lính, ông đã viết khá nhiều bài thơ bằng cảm hứng thi sĩ- chiến sĩ. Hòa bình lập lại, năm 1963 Lê Ngân chuyển ngành đi học Đại học sư phạm Toán. Sau 3 năm là sinh viên, ông trở thành thầy giáo cấp III của nhiều trường trên địa bàn tỉnh. Với 26 năm dạy học, nghề thầy, học trò, mái trường đã tạo cho ông nhiều cảm hứng sáng tác, nhiều bài thơ được ông viết bằng trái tim thi sĩ- nhà giáo. Nếu Lê Ngân không sinh ra làng quê Y Can, nếu anh thanh niên Lê Ngân không chia tay quê hương lên đường nhập ngũ, cùng đồng đội hành quân, chiến đấu trên các nẻo đường Tây Bắc, nếu không có thầy giáo Lê Ngân lăn lộn dựng lớp, mở trường tại Lục Yên, Văn Yên trong những năm khó khăn thiếu thốn của thời bao cấp, thời chiến tranh thì không có “Hương quê”, “Nghiêng nghiêng bóng núi”, “Thao thức một miền quê”, “Lau thưa xào xạc mãi”.

Sự xuất hiện của Lê Ngân trên văn đàn khá muộn so với tuổi đời, số lượng tác phẩm cũng không nhiều lắm nhưng đã để lại những dấu ấn nhất định về hồn thơ. Có người viết nhiều nhưng chẳng có bài thơ nào để nhớ. Ngược lại, nhiều nhà thơ sống được chỉ nhờ một bài thơ, như Vũ Đình Liên với “Ông Đồ”, Đoàn Văn Cừ với “Chợ Tết”, Nguyễn Nhược Pháp với “Hôm qua em đi chùa Hương”, Thâm Tâm “Tống biệt hành”, Hữu Loan với “Màu tím hoa Sim”… Chỉ cần có thế họ đã sống đến muôn đời. Ở Lê Ngân, nếu chọn một bài để nhớ đến ông, tôi sẽ chọn bài thơ “Thao thức một miền quê”, với những câu thơ dung dị nhưng đã chạm tới sâu thẳm nỗi niềm của tất cả những ai sinh ra từ làng, gắn bó với làng, trong ngày trở về, sau bao tháng năm xa cách: Đây Khe Gạo nơi cha sang gặp mẹ/ Thương vạt đồi thời kiếm củi chăn trâu/ Còn sót lại cây trẩu già cằn cỗi/ Thân xù xì qua nắng mưa vẫn đợi/... Hoa rưng rưng, rơi trắng nẻo tôi về/ Tôi lạc vào những suy nghĩ mung lung/ Thoáng bóng mẹ cấy cuối đồng chiêm trũng/ Gánh mạ non, cha áo quần ướt thũng/… Gặp lại rồi, đây triền rộc chạy dài/ Ơi bãi sậy tuổi thơ sao rộng thế/… Tôi lần theo dấu vết cũ con đường/ Chân ướm lại những bước chân ngày trước…”

Năm nay Lê Ngân đã bước sang tuổi 90. Trong quan niệm dân gian từ 90 tuổi trở lên là đại thọ. Người được đại thọ là hưởng phúc lớn, gia đình cũng có phúc lớn. Chi hội Thơ, tổ chức Hội thảo về thơ Lê Ngân, ngoài việc đánh giá, ghi nhận những đóng góp của ông trong lĩnh vực thơ ca còn là món quà tri ân với Nhà giáo- Cựu chiến binh- tác giả thơ Lê Ngân, góp thêm sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc, cảm hứng để ông tiếp tục có những sáng tác thơ thấm đẫm tình người.

                                                                                      N.H.L

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter