• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Bài ca Yên Ninh
Ngày xuất bản: 01/07/2024 2:19:25 SA

Truyện ngắn của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

 

Trong thời kì chống Mỹ, ngoài bộ đội, còn có nhiều đoàn cán bộ dân chính đi B phục vụ chiến đấu và xây dựng vùng giải phóng. Tỉnh Yên Bái cũng cử Đoàn Văn công tỉnh vào phục vụ bộ đội và nhân dân tỉnh Ninh Thuận kết nghĩa với Yên Bái. Đoàn có 17 nam, 8 nữ, gồm tổ hát, tổ chèo, tổ múa, tổ kịch do nhạc sĩ Xuân Đài làm trưởng đoàn. Thanh là diễn viên hát trẻ nhất đoàn. Mới học hết lớp 7, nhưng đam mê ca nhạc nên khi Đoàn Văn công tỉnh tuyển diễn viên, Thanh trốn bố mẹ đi dự tuyển. Với khuôn mặt sáng ngời, nụ cười tươi tắn, hồn nhiên, làn da trắng mịn, dáng người như vũ nữ nên chỉ cần nghe Thanh hát vài câu, xem cô thể hiện vài động tác múa là biết Thanh có tố chất nghệ sĩ nên các cô chú đã nhận ngay vào đoàn. Khi Đoàn Văn công tỉnh chọn diễn viên đi B, Thanh bị loại vì trong mắt các cô chú lãnh đạo, Thanh chỉ là một cô bé ngây thơ non nớt, không chịu đựng nổi những gian khổ chiến trường. Biết tin bị loại, Thanh khẩn khoản, năn nỉ chú trưởng đoàn không được liền liều mạng lên gặp hẳn bác Trưởng Ty Văn hóa nằng nặc xin đi. Bác Trưởng Ty  bảo:

- Nhưng sẽ gian khổ và nguy hiểm lắm đấy. Liệu cháu có chịu đựng được không?

Thanh trả lời ngay:

- Khổ mấy cháu cũng chịu được. Nguy hiểm mấy cháu cũng không sợ. Cháu muốn biết Trường Sơn. Cháu muốn biết chiến trường. Cháu muốn được biểu diễn cho bộ đội, cho đồng bào Ninh Thuận xem. Nếu bác không cho cháu đi, cháu sẽ cắt tay lấy máu viết đơn tình nguyện.

Vậy là bác Trưởng Ty phải xuống nước, cho Thanh lên đường. Đoàn tập trung tại Ủy ban Thống nhất Trung ương tại Hòa Bình, vừa luyện tập thêm các tiết mục, vừa học tập chính trị và rèn luyện thể lực. Về tiết mục, ngoài những ca khúc, điệu múa đặc sắc, phổ biến trong cả nước, đoàn còn luyện tập 2 ca khúc về Yên Bái là “Bài ca Yên Ninh” của nhạc sĩ Tuấn Long và “Hoa Yên Bái” của nhạc sĩ Trọng Loan. Đặc biệt, “Bài ca Yên Ninh” là bài hát truyền thống của các Tiểu đoàn Yên Ninh. Từ tháng 1 năm 1967 đến tháng 6 năm 1968, tỉnh Yên Bái thành lập 4 tiểu đoàn bộ binh đều mang phiên hiệu Yên Ninh, chi viện cho chiến trường miền Nam. Hơn ba nghìn người lính Yên Ninh, từ Yên Ninh 1 tới Yên Ninh 4, không một ai không thuộc bài hát này. Họ đã vượt Trường Sơn ra trận theo tiếng gọi của bài ca. Vì vậy, “Bài ca Yên Ninh” được coi là ca khúc “tủ” của đoàn. Ngoài luyện tập tiết mục, các diễn viên còn tập đeo ba lô nặng từ 30kg trở lên, tập hành quân 10km mỗi ngày, tập mắc võng, đào bếp Hoàng Cầm, cứu thương, bắn súng, ném lựu đạn... Sau 3 tháng học tập, rèn luyện, các diễn viên được phát quân trang đi B gồm quần áo bộ đội, mũ tai bèo, giầy cao cổ, dép cao su, tăng võng… Đêm 25 tháng 11 năm 1974,  đoàn rời Hòa Bình trên chiếc xe zin 157, hướng phương Nam thẳng tiến. Lúc này Mỹ đã rút quân, đường Trường Sơn bớt nguy hiểm hơn, không còn B52 rải thảm song vượt Trường Sơn với bộ đội thì bình thường còn với các diễn viên, nhất là diễn viên nữ thì vẫn vô cùng gian nguy, vất vả. Đường đèo dốc quanh co, đầy ổ trâu, ổ voi. Ngày nắng, mỗi khi xe ô tô đi qua, bụi đỏ cả góc trời. Ngày mưa đường chỗ thì trơn trượt, chỗ thì nhão nhoét, bánh xe quay tít trong bùn, lại xuống xe tìm đá lót đường, rồi hò nhau đẩy cho xe lên. Ngồi xe mà như bị quăng quật, ai cũng say lử, nôn thốc nôn tháo ra cả mật xanh, mật vàng. Tuy vậy, vẫn còn sướng chán so với những đoạn không có xe, phải hành quân bộ. Có hôm vượt suối, chỗ nông nhất, nước cũng ngập đến bụng, lại chảy xiết, phải bám dây, đu người sang. Mấy cô thấp bé bị nước cuốn, may các anh nam túm tay giữ lại được, nước lật tung vạt áo, hở cả ngực nhưng chẳng còn biết xấu hổ là gì. Có hôm leo dốc cao, dựng đứng, tay cũng phải bám dây, chân đạp đất mà bước từng bước lên, đi được một đoạn, tay mỏi nhừ, bàn chân như muốn rời ra. Thấy Thanh không nhấc chân nổi, đứng lại thở dốc, chú trưởng đoàn bảo: “Khi cháu co tay kéo thì chân phải đạp mạnh vào sườn núi, rồi dướn người mà bước lên”. Thanh làm theo, cố đạp chân thì bị trượt, cả người và ba lô treo lủng lẳng, tay cố bám vào dây nhưng mỏi quá, sắp không giữ nổi. Vừa lúc anh Tình đi trước, quay lại thấy thế vội cúi xuống, tóm được cái ba lô của Thanh, anh Tùng đi sau thì đủn đít, Thanh mới đặt chân bước lên được. Đến đỉnh dốc, nghỉ giải lao, mấy chị bảo Thanh: “Đã bảo ở nhà còn cố đòi đi. Thấy sợ chưa? Bây giờ có muốn quay về cũng không được”.  Thanh cúi đầu im lặng. Các chị nói đúng, mình đã định lấy máu viết đơn tình nguyện, đã hứa với bác Trưởng Ty, với chú Trưởng đoàn thì nhất định phải vượt qua mọi gian nan, nhất định không bỏ cuộc. Được nghỉ mươi phút, khỏe lên, miệng Thanh lại lẩm nhẩm hát: “Trường Sơn ơi, Trường Sơn ơi/ Đèo vút cao vượt qua mây gió/ Đạp đá tai mèo băng sức pháo ngàn cân/ Đi ta đi những trai làng Phù Đổng/ Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân”. Cứ vậy, có trạm được đi ô tô, có trạm phải hành quân bộ, nhưng Thanh không kêu ca nửa lời. Đoàn Văn công Yên Bái đến Trạm giao liên 257, thuộc Binh trạm 44 đúng 29 Tết Giáp Dần. Đây là trạm giao liên cuối cùng trên tuyến đường ngang B46. Từ đây có một đường đi Khu Năm, một đường vào Bắc Tây Nguyên. Các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, các đoàn văn công, văn nghệ sĩ vào chiến trường đều dừng chân tại 257 rồi mới nhập tuyến. Ăn Tết tại Trạm 257 xong đoàn vào Tây Nguyên. Thời điểm này, Quân giải phóng đang tiến công như vũ bão, đồng bào các địa phương cũng phối hợp với quân giải phóng, nổi dậy giành chính quyền. Đoàn Văn công Yên Bái được giao ngay nhiệm vụ, đến những nơi vừa được giải phóng biểu diễn mừng chiến thắng. Cứ vậy, vừa đi, vừa diễn. 8 giờ 20 phút ngày 3 tháng 4 năm 1975, Đà Lạt được giải phóng thì ngay chiều hôm sau, đoàn đã có mặt ở Đà Lạt. Ủy ban Quân quản vừa được thành lập đã kịp bố trí cho đoàn ở một ngôi biệt thự to đẹp của một quan chức chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tháo chạy, ngay bên hồ Xuân Hương. Đà Lạt đẹp quá, hồ Xuân Hương thơ mộng vô cùng nhưng mọi người chẳng có thời gian dạo chơi, ngắm cảnh mà bắt tay chuẩn bị cho đêm diễn ngay. Tiếp đến, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lần lượt được giải phóng, đoàn đều lưu lại biểu diễn. Mãi ngày mùng 5 tháng 5 mới tới Ninh Thuận. Ủy ban Quân quản bố trí nơi ăn chốn ở và cho xe phục vụ đoàn. Tuy cả đoàn chưa ai một lần tới Ninh Thuận nhưng Ninh Thuận là tỉnh kết nghĩa nên ai cũng cảm thấy thật gần gũi, thân thương. Vừa đặt chân đến Ninh Thuận, đoàn đã lên chương trình biểu diễn ngay. Các đồng chí ở Ủy ban Quân quản cho biết, hiện ta chưa truy quét hết tàn quân địch nên rất có thể chúng sẽ tiến hành khủng bố các đêm diễn, gây hoang mang trong nhân dân và diễn viên. Biết là nguy hiểm nhưng không một ai trong đoàn nao núng, vẫn quyết tâm biểu diễn. Các đồng chí Ủy ban Quân quản phải sắp xếp vài tiết mục của nhân dân địa phương diễn xen với tiết mục của đoàn, đồng thời huy động một lực lượng lớn bộ đội đến xem để ngăn chặn âm mưu khủng bố của địch. Nguy hiểm rình rập nhưng đêm diễn nào của đoàn cũng đông kín khán giả. Bà con Ninh Thuận ai cũng háo hức đi xem văn công miền Bắc, tiết mục nào cũng được vỗ tay hoan hô. Đặc biệt, khi tốp ca hát “Bài ca Yên Ninh”, ngay khi câu hát mở đầu vang lên: “Yên Ninh ra đi/ Băng qua rừng, suối sâu với đèo cao” bà con nhân dân đã vỗ tay theo. Khi hát đến câu: “Anh em ta ơi!/ Ninh Thuận thiết tha đang chờ mong” tiếng vỗ tay càng vang to hơn. Đến đoạn cuối của bài hát: “Ra đi, ra đi chứa chan trong lòng ý chí diệt Mỹ/ Xa quê hương ta ra đi càng thiết tha yêu bản làng/ Ta hy sinh không ngại ngần vì miền Nam yêu thương/ Lời hát tiếng ca theo cùng súng ra chiến trường tiêu diệt Mỹ/ Mạnh bước đi lên, vui xiết bao hướng đi theo miền Nam”, bà con đứng cả dậy ùa lên sân khấu, người thì bắt tay, người thì ôm hôn các diễn viên. Đoàn Văn công Yên Bái trở thành khách quý của nhân dân Ninh Thuận. Bà con tự động mang đến tặng đoàn đủ các loại trái cây. Ngày 15 tháng 5 năm 1975, cả nước tổ chức lễ mừng chiến thắng. Tại Ninh Thuận cờ hoa, khẩu hiệu rợp trời. Từ các ngả đường nườm nượp xe đò của các ấp, phun, sóc cắm cờ đỏ sao vàng, trang trí đẹp, tập kết về quảng trường để tham gia diễu hành. Các diễn viên văn công Yên Bái, trong trang phục bộ đội được đứng ở vị trí hàng nhất của kỳ đài. Trên kỳ đài, nhìn xuống Thanh thấy khuôn mặt nhân dân, bộ đội, ai ai cũng bừng sáng niềm vui đất nước đã sạch bóng quân thù, non sông liền một dải. Rồi cả ngàn người vừa vỗ tay vừa cất vang lời ca: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”.

Sau lễ mừng chiến thắng, đoàn văn công Yên Bái tiếp tục biểu diễn tại các địa phương trong tỉnh. Cái nắng Phan Rang làm da ai cũng sạm đen nhưng ánh mắt ai cũng bừng lên niềm vui. Nhạc sĩ Xuân Đài rất giỏi, đến địa bàn nào, cũng nắm bắt tình hình rồi sáng tác bài hát mới, khi thì ca khúc, khi thì chèo, đều đưa tên địa danh của nơi đến diễn vào. Nhạc sĩ sáng tác đến đâu, ca sĩ tập hát luôn tới đó, để kịp tối biểu diễn. Bà con nghe thấy nhắc đến tên quê hương mình thì vô cùng thích thú, vỗ tay nhiệt liệt. Tiết mục “Cô gái Pa Cô đi tải đạn”, thấy các cô văn công miền Bắc duyên dáng trong trang phục con gái Pa Cô, vai đeo gùi hát- múa, bà con Pa Cô đứng dưới sân khấu cứ kéo gấu váy để các cô quay lại cho họ tặng hoa. Có anh thanh niên mang cây đàn Ta lư lên sân khấu diễn cùng, có già làng tóc râu bạc phơ, ôm con gà trống to lên tặng. Sau buổi biểu diễn nào bà con cũng nán lại, đến tận nơi nắm tay các diễn viên miền Bắc.

Sau giải phóng, cuộc sống của nhân dân dần ổn định. Tại thị xã Phan Rang, các cửa hàng, cửa hiệu đã mở cửa trở lại. Ngày nghỉ, mấy chị em rủ nhau ra phố chụp ảnh gửi về nhà. Thấy biển đề “Tiệm ảnh Ninh Phước”, các cô bước vào. Ông chủ tiệm lịch sự mời ngồi. Thanh dè dặt hỏi:

- Bao nhiêu tiền một “pô” hả bác? Vì... chúng cháu không có nhiều tiền ạ!

Ông chủ tiệm ảnh khẽ nói:

- Dạ 100 ngàn tiền miền Nam, nhưng tôi sẽ giảm một nửa cho các cô văn công miền Bắc.

Nghe vậy, Thanh hồn nhiên vỗ tay, cười nói:

- Thế thì cháu phải chụp mấy kiểu.

Ông chủ tiệm vui vẻ mời Thanh ngồi xuống ghế, hướng dẫn Thanh tư thế ngồi sao cho đẹp nhất, rồi ông bật đèn bên trên, phía sau, xoay đèn sao cho ánh sáng đạt nhất. Ông bỗng ngây người trong giây lát trước vẻ đẹp của cô văn công miền Bắc. Mấy chục năm làm nghề chụp ảnh, ông đã chụp biết bao cô gái trẻ. Họ trang điểm cầu kì, thuê áo nọ, đầm kia, hóa trang thành cả ông hoàng, bà chúa để chụp. Còn cô gái này, vẫn chiếc áo bộ đội giản dị, khuôn mặt không son phấn mà sao lại tươi tắn, xinh đẹp, lộng lẫy đến vậy. Thấy mấy sợi tóc lòa xòa trước trán Thanh, ông tiến lại thận trọng gạt qua bên cho lộ rõ đôi mắt đang ánh lên niềm vui. Rồi ông bấm máy xoành xoạch, chụp đủ các góc để sao cho được tấm ảnh đẹp nhất. Mấy hôm sau, Thanh ra lấy ảnh. Ông chủ tiệm đưa mấy tấm ảnh to bằng cuốn sổ nhỏ cho Thanh, ảnh nào, phía trên góc phải ảnh cũng có dòng chữ: “Ninh Thuận- Kỷ niệm giải phóng miền Nam 1975", rồi bảo:

- Bác tặng cháu tấm ảnh này, cả tấm này, tấm này nữa! Cháu đẹp lắm, vào ảnh cũng rất đẹp. Bác chụp nhiều cô gái rồi nhưng chưa có ảnh nào bác ưng bằng tấm ảnh này. Bác lồng hình cháu lên hình Tháp Chàm, biểu tượng của Ninh Thuận để khi về Yên Bái cháu mãi nhớ Ninh Thuận.

Rồi ông ngỏ ý xin Thanh cho phóng to một tấm ảnh của cô làm ảnh mẫu. Đón tấm ảnh, lòng Thanh rộn ràng vui sướng, khẽ nói: “Dạ, vâng ạ!”. Ông chủ tiệm mừng lắm, xúc động nắm tay Thanh bảo: “Bác mới gặp cháu nhưng đã rất quý mến cháu. Cháu còn ở đây thì qua nhà bác chơi thường xuyên nhé”. Mấy hôm sau, quay lại tiệm ảnh, Thanh thấy rất đông người đang chỉ vào một tấm ảnh mẫu treo ngoài cửa tiệm. Ông chủ tỏ vẻ hãnh diện khoe với khách:

- Cô văn công miền Bắc đấy!

Có ai đó hỏi:

- Có đúng là cô văn công miền Bắc không?

Có người trả lời luôn:

- Trăm phần trăm, tôi đi coi, thấy văn công miền Bắc diễn hay quá trời! Cô gái này hát bài “Hoa Yên Bái” đấy, tôi còn nhớ có câu: “Em ơi lên Yên Bái/ Xem hoa sở búp hồng...”.

Có ai đó khen:

- Con gái miền Bắc dễ thương quá hà!

Rồi mọi người ai cũng trầm trồ khen. Có cô gái trẻ còn bảo:

- Bác chụp cho cháu kiểu dáng giống cô gái trong ảnh nhé.

Ông chủ bước ra cửa tiệm, thấy Thanh, liền reo lên:

- Cô văn công miền Bắc trong ảnh đây này.

Mọi người quay cả lại, đều nhận ra Thanh là cô văn công mấy bữa nay biểu diễn ở các tụ điểm công cộng trong thị xã. Rồi, người thì cầm tay Thanh, người thì đặt tay lên vai Thanh. Nhiều người qua đường thấy thế cũng dừng cả lại. Tiệm ảnh bỗng đông chật người. Bà vợ ông chủ tiệm nắm tay Thanh mời vào trong nhà. Cậu con trai lớn của ông thì như bị hút hồn, đứng ngây nhìn Thanh. Bà chủ tiệm liền giục:

- Kìa con, đón em vào phòng khách đi!

Rồi bà quay lại bảo Thanh:

- Cháu diễn ở đâu nó cũng chạy xe đến xem bằng được.

Thanh xúc động, nhìn anh con trai ông chủ tiệm, khẽ gật đầu bày tỏ sự cảm ơn. Anh chàng đỏ mặt, lúng túng nói:

- Anh chạy xe vào tận Bắc Ái xem đoàn em diễn đấy! Các em múa hát hay lắm, đẹp lắm.

Thanh vô cùng ngạc nhiên bởi chỗ đó rất xa thị xã. Đó là quê hương của Anh hùng Pinăng Tắc, người con ưu tú dân tộc Raglai. Từ hôm ấy, mỗi lần Thanh đi ra phố đều được các má, các chị kéo về nhà chơi. Có chị mở tủ quần áo, giầy dép bảo “Em thích gì chị cũng tặng”. Nhìn thấy đủ loại áo dài, guốc dép, Thanh thích lắm nhưng không dám nhận, vì Đoàn đã quán triệt không ai được nhận quà của dân. Nên Thanh cảm ơn và nói “Những đồ này đẹp lắm, nhưng em là văn công bộ đội nên mặc không hợp ạ”, để khỏi mất lòng các chị. Khi Thanh ra chợ, mua cái áo len về tặng mẹ, theo giá tiền miền Bắc là 10 đồng. Khi Thanh trả tiền, người bán hàng cầm tờ tiền 10 đồng màu đỏ hồng, có hình Bác Hồ, liền giơ lên ngắm, khen Bác đẹp. Mọi người xung quanh cũng kéo đến xem hình Bác, xem tiền miền Bắc.

Mấy hôm sau, đoàn được điều động đi diễn tại huyện Ninh Hải. Các chú quân quản dẫn đoàn ra bãi biển Ninh Chữ. Bãi biển hình vòng cung rất đẹp, nước biển màu ngọc bích, bãi cát trắng mịn, sóng vỗ nhẹ êm, hiền hòa. Cả đoàn được bữa tắm thỏa thuê. Tối, nhân dân đến xem rất đông, không chỉ nhân dân thị trấn mà cả ở các xã xa hàng chục cây số cũng đến xem. Tan buổi diễn, có một thiếu phụ Chăm cầm tay một người đàn ông trong trang phục Chăm dắt lên sân khấu bảo:

- Các anh chị à, chồng mình đấy, ảnh là bộ đội miền Bắc bị thương nặng, mình cõng từ đồi cát về, cho uống thuốc của người Chăm mới khỏi, song ảnh không nhớ gì, không biết mình đơn vị bộ đội nào, quê ở đâu, không nói được cả tiếng Kinh nữa. Hôm nay nghe văn công hát tự nhiên ảnh lại bật ra mấy tiếng “Yên… Ninh, Yên… Ninh” nên mình dắt chồng lên đây gặp các anh chị, may ra chồng mình nhớ được, nói được…

Nghe người thiếu phụ Chăm nói, cả đoàn ùa cả lại hỏi thăm, nhưng người đàn ông cứ giương to mắt trân trân nhìn mọi người, miệng như muốn nói mà không nói được. Lát sau anh ta ôm mặt, miệng ú ớ, nói câu gì bằng tiếng Chăm, rồi cầm tay vợ kéo đi. Trưởng đoàn Đài hỏi chị vợ:

- Anh ấy nói gì vậy?

Thiếu phụ Chăm bảo:

- Anh ấy bảo đi về nhà thôi. 

Lúc này cũng đã muộn nên Trưởng đoàn Đài xin họ tên người phụ nữ và địa chỉ, hẹn mai sẽ đến thăm. Hôm sau, Trưởng đoàn Đài và các diễn viên cùng đồng chí cán bộ quân quản tìm đến nhà thiếu phụ Chăm, ở xã Nhơn Hải, dưới chân núi Chúa. Tên chị theo tiếng Chăm là Hanii, tiếng Việt có nghĩa là hạnh phúc. Hanii kể, tháng 10 năm 1968, một sáng được má sai đi hái lá thuốc, khi qua bàu cát, chị thấy xa xa có một khối đen đen trông giống như người nằm bất động trên cát. Nhớ đêm qua có nhiều tiếng súng ngoài bàu cát, Hanii nghĩ có thể du kích hay bộ đội bị lính ngụy mật phục bắn nên vội rảo bước tới. Đến gần, đúng là một người, quần áo bộ đội giải phóng, nằm sấp, mặt vùi trong cát, vết thương sâu ở gáy vẫn rỉ máu, bầm đen cả đám cát. Đặt tay lên người, thấy cơ thể còn ấm, Hanii vội lật người anh lên, áp tai vào ngực thấy tim còn đập, liền cố sức kéo anh bộ đội vào lùm cây dại trên bàu cát, rồi nhanh chóng lấy cát lấp lên vũng máu để xóa dấu vết. Làm gì bây giờ? Không thể cõng anh bộ đội bị thương về nhà lúc này, bọn lính đi càn vẫn ở trong làng. Mà cứ để anh nằm đây, không biết có sống được đến tối không, vả lại có ai đi qua phát hiện ra thì sao? Thần người suy nghĩ một hồi, rồi Hanii vội cào lõm đám cát, đặt anh bộ đội xuống, lấy cát phủ kín người, chỉ để hở cái mặt. Xong, Hanii chạy vội về nhà kể với má. Nghe Hanii kể, má cô vội lấy thuốc gia truyền của người Chăm có tác dụng cầm máu và tăng lực đem sắc, đưa cho Hanii, bảo cô cố cho anh bộ đội uống, để cầm cự tới tối. Ra bàu cát, Hanii cạy miệng anh bộ đội, đổ được ít nước thuốc. Đợi hồi lâu, thấy anh bộ đội hé mắt định cựa mình, Hanii liền ra hiệu bảo anh nằm im, cho anh uống nốt thuốc, rồi về nấu cháo mang ra bón cho anh. Trưa, bàu cát nắng chang chang, Hanii nhổ cây sa sâm, loại cây mọc hoang trên cát, cũng là một loại cây thuốc của người Chăm, phủ đầy lên người anh cho bớt nóng. Một ngày chờ đợi thật nặng nề, đầy lo âu, sốt ruột. Sẩm tối, bọn lính rút khỏi làng nhưng phải đợi khuya, hai má con Hanii mới dám ra bàu cát cõng anh bộ đội bị thương về nhà, giấu vào trong buồng, đun nước lau rửa vết thương và đắp thuốc. Nhà Hanii ở cuối làng, lại chỉ có hai má con nên ít người lui tới. Anh bộ đội được giấu trong buồng Hanii, gần một tháng, bằng thuốc uống, thuốc đắp gia truyền của người Chăm và sự chăm sóc tận tình của hai má con Hanii, vết thương đã lành, anh cũng khỏe dần lên, đã đi lại được nhưng ngặt nỗi, vết thương ở vùng đầu đã làm anh hoàn toàn mất trí nhớ, không biết mình là ai. Mọi sinh hoạt hàng ngày của anh đều diễn ra trong buồng. Hanii không quản ngại việc chăm sóc anh, nhưng cũng không thể giấu mãi anh trong buồng được. Cái kim trong bọc lâu ngày còn lòi ra, huống hồ đây là một con người. Nhưng biết đưa anh đi đâu? Anh lại đang mất trí nhớ. Má Hanii liền đến bàn với trưởng làng là người bà con, cũng là một cơ sở cách mạng tìm hướng giải quyết. Trưởng làng nghĩ hồi lâu rồi bảo: “Chỉ còn cách con Hanii phải bắt bộ đội bị thương làm chồng. Con Hanii đã làm lễ Kareh, trưởng thành rồi thì được bắt chồng”. Ông còn bảo: “Phong tục người Chăm mình, nếu nhà gái không có điều kiện tổ chức đám cưới theo đúng nghi lễ thì cô dâu có thể bắt chú rể về nhà mình. Khi có một mặt con, vợ chồng đưa nhau về nhà trai làm lễ “thú” với bố mẹ, họ hàng nhà trai thì cũng coi như xong đám cưới. Nếu con Hanii ưng bắt bộ đội làm chồng, tao sẽ báo với mọi người trong làng, nhà Hanii nghèo nên phải ra tận Bình Định “bắt” thằng trai Chăm H'Roi về làm chồng”.

Suy đi tính lại cũng chỉ còn cách ấy là an toàn, vả lại Hanii cũng rất thương anh bộ đội. Vậy là anh bộ đội được trưởng làng đặt tên Chăm là AMan, nghĩa là bình yên. Giờ AMan đã biết giúp cho vợ làm gốm, làm thuốc, đã nói được ít tiếng Chăm. Hanii cũng đã sinh được một con trai. Trưởng đoàn Đài hỏi Hanii, khi mang AMan về nhà, trong người anh có vật gì không. Hanii mở rương, lấy ra một bộ quần áo bộ đội đã rách, một chiếc mũ tai bèo có vết đạn và một cuốn sổ tay thấm máu. Mọi người khẽ lật từng trang cuốn sổ, những dòng chữ đã mờ nhòe, mất nét, phải luận từng chữ. Cuốn sổ không có thông tin gì về lai lịch anh bộ đội, chỉ toàn chép bài hát, trong đó có “Bài ca Yên Ninh”. Theo Trưởng đoàn Đài, chắc chắn AMan là một người lính Yên Ninh. Mọi người quây lấy anh để hỏi chuyện nhưng anh lắc đầu, xua tay, lẩn trốn. Chỉ có Thanh là lại gần AMan được. Thanh lấy lược chải mớ tóc rối của anh. Thanh khe khẽ hát “Bài ca Yên Ninh”. Ánh mắt AMan chợt như sáng lên rồi dân dấn nước.

Những ngày ở Ninh Thuận, Trưởng đoàn Đài cùng các anh ở Ủy ban Quân quản đã liên hệ với nhiều đơn vị quân giải phóng ở địa bàn Ninh Thuận để tìm thông tin về người bộ đội bị thương trên bàu cát nhưng vô vọng. Từ 1968 tới 1975 có rất nhiều đơn vị tham chiến tại Ninh Thuận, đơn vị nào biết người của đơn vị ấy, có đơn vị đã chuyển tới mặt trận khác nên việc tìm lai lịch một người đến cái tên mình cũng không nhớ quả chẳng khác nào “mò kim đáy biển”. Tháng sau, Đoàn văn công Yên Bái được lệnh trở ra Bắc. Trước ngày trở về, Trưởng đoàn Đài cùng Thanh quay lại Nhơn Hải, thăm gia đình Hanii, dẫn theo cả ông chủ tiệm ảnh nhờ chụp một số kiểu ảnh AMan để mang về Bắc, hy vọng qua tấm ảnh có thể các chiến sĩ của Tiểu đoàn Yên Ninh nhận diện ra AMan là ai. Lúc chia tay Aman cứ nắm chặt tay Thanh như không muốn rời.

Về tới Yên Bái, Trưởng đoàn Đài cùng Thanh mang tấm ảnh AMan ra Tỉnh đội, kể lại sự việc và nhờ nhận diện người trong ảnh. Các đồng chí Tỉnh đội rất nhiệt tình thực hiện ngay. Song để tìm được người nhận diện rất khó khăn. 4 tiểu đoàn Yên Ninh, chiến sĩ ở khắp các địa bàn trong tỉnh; vào Nam được bổ sung cho rất nhiều đơn vị suốt từ Trị Thiên tới Tây Nguyên, Sài Gòn- Gia Định, Tây Ninh, Long An, hiện mới chỉ có một số đồng chí trở về. Khó khăn nhưng không ai buông xuôi, công việc vẫn đang được bền bỉ tiến hành thì một tai nạn khiến Trưởng đoàn Đài không thể đi lại được. Vậy là chỉ còn một mình Thanh lặn lội tìm kiếm. Sau nhiều tháng tìm kiếm không có kết quả, đồng chí quân lực Tỉnh đội chợt nảy ra sáng kiến mang ảnh AMan lên Tân Hương tìm các gia đình có bộ đội Yên Ninh đóng quân nhờ nhận diện, vì cả 4 Tiểu đoàn Yên Ninh đều huấn luyện tại Tân Hương, đều đóng quân tại các nhà dân. Thật may, có một gia đình nhận ra người trong ảnh rất giống anh Kim, người Tày Lục Yên đã đóng quân tại gia đình. Lập tức, một đoàn cán bộ Tỉnh đội cùng Thanh lên nhà đồng chí Kim. Gia đình bảo đã nhận được giấy báo tử Kim từ tháng 12 năm 1968, xã cũng đã tổ chức lễ truy điệu, song ai cũng khẳng định người trong ảnh là Kim. Với sự giúp đỡ của Tỉnh đội, Thanh đã dẫn bố mẹ Kim vào Ninh Thuận. Kết quả đúng như dự đoán. Một năm sau, qua nhiều thủ tục, người lính Yên Ninh thất lạc đã được trả lại tên. Anh Kim cũng đã phục hồi trí nhớ, kể lại được hoàn cảnh bị thương. Đêm ấy tổ 3 người của anh được giao nhiệm vụ vào làng Chăm móc nối với cơ sở trong làng. Đang đi trên bàu cát thì đụng ổ phục kích của địch, Kim bị thương ngay từ loạt đạn đầu song anh vẫn đủ sức lăn từ trên đỉnh xuống chân bàu cát, rồi không biết gì nữa. Cùng đi với anh đêm đó còn có đồng chí Đức quê Phú Thọ, đồng chí Khang người Ninh Thuận, không biết các đồng chí ấy sống, chết ra sao? Năm sau, Kim dẫn vợ con về thăm quê nội, không quên ghé thăm Thanh, mời Thanh bằng được lên nhà chơi, chứng kiến cuộc đoàn tụ, còn xin nhận Thanh là em gái kết nghĩa. Bố mẹ, anh em muốn Kim ở lại Lục Yên, song anh xin được trở lại Nhơn Hải sinh sống. Nơi ấy có những người Chăm hiền lành, nhân ái, dũng cảm đã sinh ra anh lần thứ 2, đã cho anh một gia đình hạnh phúc, các con anh đều mang trong mình dòng máu Yên- Ninh nên anh nguyện gắn bó với Ninh Thuận suốt đời. Thi thoảng những người dân làng Chăm Nhơn Hải lại nghe thấy từ nhà Kim- Hanii vang lên ca khúc “Bài ca Yên Ninh”. Bài ca, Đoàn Văn công Yên Bái đã hát trên đất Ninh Thuận trong những ngày vừa được giải phóng. Bài ca ấy không chỉ tạo thêm động lực cho những người lính Yên Ninh lên đường ra trận mà còn hồi sinh một con người, tạo nên một cuộc đoàn tụ hi hữu. Còn Thanh, những ngày biểu diễn ở Ninh Thuận mãi là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời nghệ thuật của mình.

 

                                                                N.H.L

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter