• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Văn Yên suối bạc, rừng vàng
Ngày xuất bản: 22/08/2023 7:50:35 SA

Ký của THẾ QUYNH

Theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ ngày 16 tháng 12 năm 1964, huyện Văn Yên chính thức được thành lập. Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc trong huyện luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhau chung sức chung lòng, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cùng với nguồn lực con người, huyện Văn Yên đang tích cực sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước, văn hóa và chuyển đổi số để phát triển bền vững

Những dòng “than trắng”

Không biết từ bao giờ người ta đặt tên cho nguồn thủy năng trên các dòng sông, con suối là “than trắng”. Bởi vì cùng với các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt thì năng lượng của các thác nước, dòng chảy đã được nhân loại sử dụng để vận hành các máy công cụ, máy phát điện. Nhìn vào bản đồ địa lý thủy văn, huyện Văn Yên có hệ thống sông, ngòi, suối, ao hồ rất phong phú. Sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc), chiều dài chảy qua Văn Yên dài 70 km. Các phụ lưu của sông Hồng trên địa bàn huyện có tới 40 con ngòi, suối lớn nhỏ chảy ra như: ngòi Thia, ngòi Thắt, ngòi Hút, ngòi Dóm, ngòi Trục, ngòi Quạch, ngòi Viễn,.... Hệ thống ngòi suối này đều bắt nguồn từ các dãy núi cao hai bên sông nên có độ dốc lớn, tiềm năng thủy lợi, thủy điện phong phú. Trong đó lớn nhất là ngòi Thia và ngòi Hút chảy qua huyện Văn Chấn vào địa phận huyện Văn Yên có chiều dài tổng cộng hơn 100 km.

Nhớ lại chuyến công tác lên xã Phong Dụ Thượng giữa những năm chín mươi của thế kỷ trước. Ban đêm, nằm nghe tiếng nước Ngòi Hút xối vào đá ào ào mà không khỏi sốt lòng sốt ruột cho một vùng quê giàu tiềm năng mà chưa được khai thác. Tâm sự khi ấy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lò Văn Lả chỉ mong xây được con đập vừa lấy nước tưới ruộng vừa chạy máy phát điện. Vậy mà đã mấy chục năm, thời gian làm cho địa phương vùng cao thay da đổi thịt. Ước mơ “ánh sáng văn minh” cũng được hiện thực hóa. Nhà máy Thủy điện Ngòi Hút 1- nhà máy thủy điện đầu tiên xây dựng trên dòng Ngòi Hút gồm 3 tổ máy có công suất 8,4MW với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng, mỗi năm sẽ cung cấp 36 triệu KWh được xây dựng. Dự án do Tổng Công ty Sông Hồng làm chủ đầu tư và được đầu tư xây dựng theo hình thức B.O.O, trong đó Tổng Công ty Sông Hồng góp 51%, Tổng Công ty Tài chính Dầu khí 39%, Công ty CP PSD 10%. Khỏi phải nói khó khăn trong quá trình thực hiện dự án: giá cả thị trường biến động lớn, nhiều vật tư thi công chính như thép, cát, đá, xi măng… tăng giá cao làm cho các nhà thầu thi công không thể tập kết đủ vật tư, vật liệu để thi công theo đúng kế hoạch cũng như tiến độ đề ra. Mặt khác, do thời tiết mưa lũ kéo dài gây sạt lở đất đá ở nhiều vị trí và xói lở mặt đường từ Quốc lộ 32 vào đến nhà máy làm ách tắc giao thông không vận chuyển được vật tư, vật liệu thi công công trình. Mặc dù vậy, với tinh thần xung trận của một đơn vị có bề dày kinh nghiệm và đáp ứng khát vọng bấy lâu nay của đồng bào các dân tộc vùng cao, đơn vị thi công đã phấn đấu hoàn thành sớm nhất các hạng mục công trình như: đập dâng, đập tràn, đập tràn bờ trái, đập tràn bờ phải, cửa nhận nước, nhà máy, kênh dẫn ra, hầm đứng và hầm ngang cơ bản đồng thời hoàn thành các hạng mục phụ trợ như xây dựng hệ thống đường giao thông, hệ thống điện thi công và vận hành, khu nhà điều hành. Rồi lắp đặt máy móc, xây dựng đường điện 35KV mạch kép đấu nối thuỷ điện Ngòi Hút 1 có chiều dài 10,5km và đường dây 35 KV mạch đơn đoạn Gia Hội- trạm 110KV Nghĩa Lộ có chiều dài 22,074km; đào tạo cán bộ vận hành… Chính vì vậy, khởi công từ tháng 4/2007, cuối năm 2010 chạy thử và hoàn thành hòa lưới điện quốc gia đầu năm 2011. Tiếp đó các thủy điện Ngòi Hút 2 có công suất lắp máy 48 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 209 triệu KWh. Công trình trải dài gần 20km, trên địa bàn 3 xã là Tú Lệ (huyện Văn Chấn), Nậm Có (huyện Mù Cang Chải) và Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên), khởi công tháng 8/2010, hoàn thành tháng 1/2015. Và thủy điện Ngòi Hút 2A, công suất lắp máy 8,4 MW bắt đầu xây dựng năm 2015 cũng tại xã Nậm Có (huyện Mù Cang Chải) hoạt động liên hoàn với Ngòi Hút 2. Như vậy một Ngòi Hút, ba tầng bậc thủy điện và sự khởi đầu lại chính từ Phong Dụ Thượng. Tôi cũng lại nhớ, sau khi hoàn thành xây dựng Thủy điện Văn Chấn trên Ngòi Thia, tỉnh Yên Bái chủ trương cho các nhà đầu tư tiếp tục xây dựng ở các tầng bậc tiếp theo. Và địa điểm Thác Cá, xã Mỏ Vàng được lựa chọn. Theo chân đoàn khảo sát ngược dòng chảy, hai bên bờ vách núi dựng đứng. Với cao trình mấy trăm mét so với mực nước biển hẳn những con đập dâng cũng sẽ vươn tầm vài chục mét. Cũng thời gian ngay sau đó, dự án được phê duyệt. Đến năm 2020, Thủy điện Thác Cá có hai bậc với tổng công suất lắp máy 41,5 MW, sản lượng điện hàng năm 155 triệu KWh. Trong đó Thủy điện Thác Cá 1 có công suất lắp máy 27 MW, sản lượng điện hàng năm 99 triệu KWh, khởi công tháng 4/2018, hoàn thành năm 2020; Thủy điện Thác Cá 2 có công suất lắp máy 14,5 MW, sản lượng điện hàng năm 55 triệu KWh, hoàn thành tháng 4/2021. Riêng  Nhà máy thủy điện Thác Cá 2 sử dụng công nghệ Turbine Kapsun trục ngang loại bóng đèn được thiết kế với một tổ máy công suất 14,5 MW, là công nghệ tương đối mới trong ngành thủy điện của Việt Nam. Cũng trên dòng Ngòi Thia, ở vùng đất xã Viễn Sơn và Đại Phác, Nhà máy thủy điện Đồng Sung được xây dựng với công suất 21,5 MW do Công ty cổ phần Xuân Thiện Yên Bái làm chủ đầu tư. Được biết, công trình có tổng mức đầu tư 740 tỷ đồng, chính thức khởi công xây dựng từ tháng 1/2018. Sau hơn một năm triển khai dự án, chúng tôi cũng có cơ hội ghé thăm. Chưa vào mùa lũ nên dòng Thia thật hiền hòa. Nước chảy rì rầm qua những ghềnh đá hòa cùng tiếng máy rền vang, tiếng cười nói của người thợ thủy điện đang làm việc hối hả. Hơn một năm, các nhà thầu đã thi công xong toàn bộ phần xây dựng đập tràn, đập dâng, nhà máy, đào hầm dẫn dài 800 m, rộng 7 x 7 m; hoàn thiện toàn bộ việc lắp đặt cơ khí thủy công, cánh van, cửa van... Chỉ tính riêng khối lượng đào đắp đất đá đã lên tới cả triệu m3 và đổ bê tông cốt thép cũng trên 70.000 m3. Quá trình thi công xây dựng công trình thủy điện Đồng Sung, cán bộ công nhân phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên tai, trong đó có trận lũ lịch sử do ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2018 gây thiệt hại cho công trình hàng chục tỷ đồng; đặc biệt là làm giảm tiến độ thi công gần 2 tháng. Tuy vậy, ngày 05/05/2021, cán bộ kỹ thuật của NETECH đã phối hợp với chuyên gia thiết bị của tập đoàn công nghệ quốc tế ANDRITZ và chủ đầu tư Công ty cổ phần Xuân Thiện Yên Bái tiến hành chạy thử và hòa lưới điện quốc gia thành công. Dù quy mô của công trình không lớn nhưng theo tính toán, mỗi năm sản lượng điện đạt khoảng 68 triệu KWh, mang lại giá trị khoảng trên 120 tỷ đồng và nộp ngân sách trên 20 tỷ đồng. 

Đến nay, ngoài các nhà máy thủy điện trên, một số dự án thủy điện nhỏ như: Làng Bằng, Nà Hẩu, Hạnh Phúc đã hoàn thiện các thủ tục và thực hiện dự án đầu tư. Một số nhà đầu tư đang đề nghị cho phép khảo sát xây dựng thủy điện tại xã Phong Dụ Thượng và Phong Dụ Hạ. Kể về quá trình di dân giải phóng mặt bằng xây dựng và lòng hồ, một cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng cho biết: tổng số chủ quản lý sử dụng đất bị ảnh hưởng gồm một số tổ chức và hàng trăm hộ gia đình; hàng trăm ngàn ha đất được đền bù giải phóng mặt bằng. Nhìn chung mọi người đều vui vẻ nhượng đất, di dời nhà cửa vì đồng bào hiểu làm cái thủy điện là có lợi, để cho nước mạnh dân giàu. Các dự án đầu tư xây dựng trong quá trình thi công đã thu hút, tạo việc làm cho số lượng đáng kể lao động tại khu vực xây dựng thủy điện, thúc đẩy hoạt động dịch vụ- thương mại phát triển. Các chủ đầu tư thực hiện dự án còn tham gia đóng góp xây dựng một số công trình xây dựng tại địa phương như nhà văn hóa thôn, đường giao thông nông thôn và có sự hỗ trợ địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây, đoàn công tác của tỉnh Yên Bái do đồng chí Ngô Hạnh Phúc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có chuyến đi thực tế nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong đầu tư, quản lý vận hành của các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện Văn Yên. Đoàn đã đi kiểm tra các nhà máy: thuỷ điện Thác Cá 1, thủy điện Thác Cá 2, thủy điện Đồng Sung và tình hình triển khai dự án thủy điện Ngòi Hút 8 và Ngòi Hút 9 thuộc Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái. Về hiệu quả các dự án đã phát điện, 4 tháng đầu năm 2023 tổng sản lượng điện đạt trên 22 triệu KWh, doanh thu gần 65 tỷ đồng. Các nhà máy đi vào vận hành đã đóng góp ngân sách, tạo công ăn việc làm cho lao động, hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.

Bát ngát “vàng xanh”

Theo niên giám thống kê năm 2019, huyện Văn Yên có tổng diện tích đất tự nhiên 139.033,9 ha thì đất lâm nghiệp 104.278,3 ha, chiếm 75%. Với những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, khí hậu mang tính đặc trưng nên diện tích rừng ở Văn Yên thuộc loại rừng nhiệt đới thường xanh với nhiều loài cây lá rộng, nhiều tầng; trên các đỉnh núi cao là kiểu rừng nhiệt đới núi cao với nhiều loại cây lá kim như pơ-mu, sa mộc xen lẫn các loại cây lá rộng thuộc họ sồi, dẻ, đỗ quyên... Bên cạnh các loại gỗ quý như nghiến, táu, lát hoa, chò chỉ; các loại dược liệu như đẳng sâm, sơn tra, hà thủ ô, hoài sơn, sa nhân..; các loại động vật quý hiếm như cầy hương, lợn rừng, hươu, gấu, vượn.. Các xã Châu Quế Thượng, Phong Dụ Thượng, Xuân Tầm, Lâm Giang, Phong Dụ Hạ, Lang Thíp, Châu Quế Hạ, Mỏ Vàng, Đại Sơn… hiện còn khá nhiều diện tích rừng tự nhiên. Còn ở những nơi khác trong huyện hiện chỉ có rừng trồng, rừng tái sinh và các thảm thực vật khác. Đất lâm nghiệp có rừng 104.278,3 ha thì trong đó: đất rừng sản xuất 72.426,5 ha; đất rừng phòng hộ 15.812,7 ha; đất rừng đặc dụng 16.039,1 ha. Trung bình trồng rừng mới và trồng vào diện tích đã khai thác được 2.958 ha/năm. Hàng năm, khai thác bình quân 82.000 m3 gỗ rừng trồng.

Từng nhiều năm gắn bó với Văn Yên, những chuyến công tác đã giúp tôi đến với hầu hết các xã trong huyện. Đâu đâu cũng gặp màu xanh của rừng. Và thật vui khi báo cáo về tỷ lệ che phủ rừng của Yên Bái năm 2021 toàn tỉnh đạt 63% thì huyện Văn Yên có diện tích rừng lớn nhất chiếm 101.952 ha, tỷ lệ che phủ rừng là 67,5%. Có được kết quả này phải kể đến sự quan tâm bảo vệ, phát triển vốn rừng của các thế hệ lãnh đạo. Và các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện đều đưa nội dung này vào Nghị quyết với các chỉ tiêu và phương hướng cụ thể. Đến Văn Yên, khách tham quan không thể không đến với Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Là một trong hai khu bảo tồn quý hiếm của tỉnh Yên Bái, rừng nguyên sinh Nà Hẩu được biết đến là nơi lưu giữ được một hệ sinh thái động, thực vật phong phú và đa dạng. Có dịp gặp và trao đổi với Thạc sĩ Lâm nghiệp Phạm Tiến Thịnh- kiểm lâm Khu bảo tồn, anh cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nằm trên địa bàn 4 xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng, tổng diện tích quy hoạch 16.950 ha; trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.250 ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.700 ha. Khu vực Nà Hẩu như một lòng chảo được tạo nên từ thung lũng hẹp, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao. Địa hình ở đây bị chia cắt mạnh tạo thành nhiều khe suối và các hợp thủy. Độ cao trung bình từ 600- 700m so với mặt biển, nơi cao nhất 1.788m, nơi thấp nhất 200m. Nhiệt độ bình quân 23,2 độ C, lượng mưa bình quân 1.458,0 mm/năm, độ ẩm 85%. Hằng năm thường xuất hiện gió mùa Đông- Bắc vào tháng 11 và 12 kèm theo sương muối. Những ngày ít nắng, trời âm u, ở những nơi núi cao sương mù bao phủ cả ngày, độ ẩm không khí trong rừng rất lớn. Với điều kiện khí hậu như vậy rất phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển và khả năng tái sinh tự nhiên của cây rừng, thuận lợi cho các loài thực, động vật ở đây phát triển đa dạng và phong phú, tạo nên cấu trúc rừng rậm, nhiều tầng tán phù hợp với tính năng phòng hộ đầu nguồn. Trong khu bảo tồn thiên nhiên này, hệ rừng lá rộng thường xanh còn tương đối nguyên vẹn, nhiều khe suối, thác nước chảy quanh năm. Hiện rừng tự nhiên vẫn còn trên 30 loài thực vật khác nhau, trong đó có những loài cây gỗ quý hiếm như lát hoa, pơ mu...; một số cây thuốc thuộc loại biệt dược như kim tiền, thất diệp nhất chi hoa phát triển chủ yếu ở độ cao 700m trở lên so với mặt nước biển. Hệ động vật trong khu bảo tồn khá phong phú với khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, 48 loài bò sát. Trong đó có nhiều loài có giá trị có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Đến với Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, du khách còn được đắm mình trong dòng thác Suối Tiên, Đuôi Công ẩn mình giữa cánh rừng nguyên sinh của thôn Khe Tát; khám phá hang động như Hang Gấu, Hang Vàng hay thỏa sức chekin bên “tiểu thạch lâm” (rừng đá) Ba Khuy. Đẹp và hấp dẫn, chẳng thế mà Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh nhà đi thực tế nơi đây dù thời gian tuy ngắn đã cho ra đời hàng chục thi phẩm. Và tôi vẫn ấn tượng với những câu thơ trong bài “Đêm trăng Nà Hẩu” của thi sĩ rừng Bá Khánh “Ai bắt hồn của đá/ Ai thu vía của cây/ Mà ngẩn ngơ đứng đó/ Vàng một đêm trăng đầy”.

Huyện Văn Yên còn nổi tiếng trong và ngoài nước với cái tên “Huyện quế”. Nói về hàm lượng tinh dầu, cây quế Văn Yên đứng thứ hai sau quế Trà My ở Quảng Nam. Trung bình mỗi năm diện tích quế ở Văn Yên lại trồng mới thêm hàng ngàn ha, nâng diện tích quế của toàn huyện đến nay là trên 52.000 ha. Sinh sống trên vùng quế Văn Yên chủ yếu là đồng bào Dao, có nghề trồng quế từ lâu đời. Cây quế là nguồn thu nhập rất lớn trong kinh tế hộ gia đình, được đồng bào Dao trồng thành rừng và đưa vào hương ước của từng thôn bản trở thành một phong tục tốt đẹp. Người dân ở xã Đại Sơn vẫn còn nhắc mãi việc cụ Hoàng Văn An ở thôn Khe Chìa, vào thời điểm năm 1980 bán 7 cây quế được 10 triệu đồng và dành toàn bộ mua công trái Chính phủ. Gia đình cụ có 40 ha quế, còn các hộ Lý Kim Thanh, Bàn Hữu Vượng, Đặng Nguyên Tài... đều có từ 10 ha trở lên. Về Làng Dao Khe Ván của xã Quang Minh cũng gặp những tỷ phú quế như: Triệu Thiều Thăng 13ha, Triệu Quý Lâm 8ha, Triệu Thiều Lâm 7 ha… Cây quế mang lại đời sống no đủ, có tiền xây nhà mới khang trang, tiện nghi và cho con ăn học. Chung vui ngày hội Đại đoàn kết và phát biểu chúc mừng xã Quang Minh đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân có một cảm nhận rất nữ tính “Về đây tôi thấy diện mạo xã miền núi rất tươi đẹp, đường xá đi lại rất thuận lợi, đồng bào vui vẻ, đoàn kết, có thu nhập rất tốt từ cây quế. Tôi cảm thấy như có mùi hương quế quanh đây rất thơm”. Theo thống kê, hiện toàn huyện có trên 80% số hộ trồng và có nguồn thu nhập từ quế. Bởi vậy, từ thị trấn đến các xã vùng sâu, vùng xa, nhân dân đều tận dụng đất trống để trồng quế. Đặc biệt người dân Văn Yên không chỉ sản xuất quế truyền thống mà còn thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị cây quế và bảo vệ môi trường. Toàn huyện hiện có trên 4.500ha quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, châu Mỹ. Từ việc sản xuất quế hữu cơ, đời sống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt đối với các hộ dân tham gia dự án sản xuất quế hữu cơ đều có thu nhập cao, ổn định giúp người dân thoát nghèo bền vững. Có thể nói cây quế là loại cây khi thu hoạch không bỏ đi thứ gì: vỏ, thân, rễ, lá tất cả đều là hàng hóa. Ngoài quế vỏ, các doanh nghiệp địa phương còn đầu tư thiết bị chưng cất tinh dầu, làm các đồ thủ công mỹ nghệ và chế biến dược phẩm, trà uống… Sản phẩm từ quế của huyện không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước mà xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bình quân mỗi năm, huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, tận thu trên 65.000 tấn cành lá quế và hơn 50.800 m3 gỗ quế, chưng cất tinh dầu quế đạt 300 tấn mang lại thu nhập từ quế đạt trên 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, Văn Yên đã có 25.357 ha quế được xác lập Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã. Bên cạnh đó còn khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương. Cũng đến thời điểm này,16 sản phẩm được chế biến từ quế được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đang tiếp tục xây dựng sản phẩm quế hữu cơ đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Sinh thời, Bác Hồ từng nói "Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý". Rừng Văn Yên chính là “vàng xanh” đang góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu của địa phương.

Vì một Văn Yên phát triển bền vững

Cùng với nguồn lực con người, huyện Văn Yên đang tích cực sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước, văn hóa và chuyển đổi số để phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Văn Yên lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định mục tiêu trong 5 năm tới: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng niềm tin vững chắc vào đường lối đổi mới của Đảng; phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, và ý chí, khát vọng phát triển; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; tập trung phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị, có quy mô lớn, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến sâu, đa dạng sản phẩm làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế; chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu; không ngừng củng cố vững chắc quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; quyết tâm xây dựng huyện Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Trong 5 chương  trình  trọng  điểm  cần tập  trung thực hiện thì cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị; thúc đẩy chuyển dịch mạnh kinh tế lâm nghiệp bền vững; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đưa Văn Yên trở thành trung tâm chế biến quế công nghệ cao, có giá trị, xây dựng thương hiệu trong và ngoài nước; ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ du lịch. Đối với công nghiệp, mục tiêu đặt ra là giá trị sản xuất đạt 2.000 tỷ đồng (tăng bình quân 14,2%/năm). Trong đó chú ý phát huy hiệu quả tiềm năng về công nghiệp điện năng trên hệ thống Ngòi Thia, Ngòi Hút… Còn với việc bảo vệ và phát triển vốn rừng, phấn đấu diện tích rừng trồng mới tập trung hằng năm đạt 2.500 ha. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì thành quả đã đạt được ở mức 67,5%. Và cũng để nâng cao giá trị sản phẩm từ rừng, nhất là cây quế huyện cũng xác định: Ưu tiên các dự án chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm từ quế (tinh dầu quế, vỏ quế) thành các sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp; thu hút các dự án chế biến gỗ rừng trồng và gỗ quế tạo ra sản phẩm gỗ thành phẩm và bán thành phẩm xuất khẩu ra thị trường trong nước và quốc tế.

Cũng từ tiềm năng sẵn có, huyện Văn Yên đã và đang phát triển du lịch xanh theo tinh thần Nghị quyết số 28 ngày 24/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Huyện nhấn mạnh đến quan điểm thứ 2 trong Nghị quyết “Phát triển du lịch bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh…”. Về vấn đề này, ông Hà Đức Anh- Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Huyện cũng xác định phát triển du lịch xanh, bền vững phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với khai thác có hiệu quả, sử dụng tiết kiệm các tiềm năng, thế mạnh của huyện trên cơ sở bảo vệ cảnh quan, môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, xác định các sản phẩm du lịch xanh phải có sự tham gia tích cực của người dân địa phương”. Cùng với đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu; hệ thống thác nước, hang động, ruộng bậc thang, các đồi quế xanh ngút ngàn tại các xã rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng. Và qua đẩy mạnh triển khai phát triển du lịch theo Nghị quyết số 28, toàn huyện thành lập được các hợp tác xã, tổ hợp tác du lịch như: Khu nghỉ dưỡng 3 sao Đại-Phú- An, thị trấn Mậu A; Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng thôn Minh Khai, xã Quang Minh; Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Trung Thành tại xã Yên Hợp phát triển du lịch farmstay; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và du lịch xã Nà Hẩu; Hợp tác xã Du lịch cộng đồng xã Phong Dụ Thượng. Đặc biệt là Điểm du lịch cộng đồng xã Nà Hẩu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Mục tiêu  đến năm 2025 hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện Nông thôn mới đã đến gần. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều có sự tăng trưởng và đời sống nhân dân được nâng cao. Một Văn Yên phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” đang tượng hình phía trước.

T.Q

  

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter