LTS: Nhà văn Hoàng Thế Sinh cho ra mắt bạn đọc Tiểu thuyết “Cánh Đồng Chum mùa hoa ban” năm 2021, cũng là năm tiểu thuyết này được trao Giải thưởng văn học sông Mekong. Từ thực tế cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam trong chiến dịch Z tại Xiêng Khoảng- Lào (1971- 1972), tiểu thuyết kể về tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm của những chiến sĩ tuổi hai mươi từng là bạn học Cấp 3 Phố Ràng- Yên Bái.
Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975- 30/4/2025), Tạp chí Văn nghệ Yên Bái trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một phần chương II tiểu thuyết “Cánh Đồng Chum mùa hoa ban”.
Lính tò te đánh trận
Trích Tiểu thuyết của HOÀNG THẾ SINH
...
Gần sáng.
Bỗng Ù-ù-ù-ùng! Ù-ù-ù-ù-ùng!
Hai tiếng nổ như sét đánh.
Ngọn núi Phu Tâng chớp lòa, rung động. Hoàng biết, thế là quân ta đã mở hai cửa mở, sẵn sàng cho cuộc vây ép và tấn công đồn giặc. Cùng lúc, bọn giặc trên đồn bắn ra như mưa, đạn pháo chớp lòa, đạn cối tóp đoành, lựu đạn bùm bùm, súng máy pằm- pằm- pằm, hỗn loạn, nhức tai, pháo sáng vút lên không trung cứ lơ lửng bay như sao bay. Hoàng nghe rõ tiếng gào thét, quát tháo náo loạn của bọn giặc trên đồn. Hừ, cái bọn lính Thái Lan đánh thuê với bọn lính Vàng Pao lem nhem thế mà cũng đòi đánh trận à? Vừa mới giao tranh mấy phút chúng đã vội gọi máy bay và pháo tầm xa chi viện. Chúng cậy “gần nhà” lắm quân, nhiều bom đạn, lại chiếm lĩnh đỉnh cao lợi thế, nên thả sức bóp cò, ấn nút, bom đạn ầm ầm cắt nát đêm trăng sao sáng đẹp, xé vụn núi rừng Phu Tâng, tưởng giã nát quân ta.
Hãy đợi đấy!
Sáng.
Sương giăng mờ mịt.
Gió im bặt.
Không tiếng nổ.
Quân ta đang dò xét thái độ bọn giặc?
Hình như bọn giặc cũng muốn nghỉ để nghe ngóng đối phương?
Bỗng một tiếng chim kêu chíp chíp, chíp chíp, ơ, con chim bé bỏng thoát chết đêm qua, sáng nay bay lạc trong rừng, chỉ một tiếng chim nghe đơn côi, sợ hãi quá. Hoàng nghĩ, cơn cớ gì mà con chim bé bỏng kia phải chết vì bom đạn của con người nhỉ? Chim ơi, hãy bay đi, bay xa cái nơi bom đạn chết chóc này, bay mãi đến nơi nào bình yên chỉ có cỏ cây và hoa lá cho chim nhập với đàn mà hót vui thôi, đừng chết vô ích chim ơi.
Sương sớm tan dần.
Sáng rõ.
Chợt pằm-pằm-pằm..., đoàng... đoàng... đoàng..., tóp chí-í-í-íu đoàng..., thế là cuộc giao chiến lại bắt đầu rồi. Hoàng và anh Cường ngồi im trong hầm, lặng nghe bom đạn nổ, vừa lo lắng, vừa thương đồng đội đang canh giữ hai cửa mở. Bọn giặc trên đồn cao hò hét ầm ĩ, và nã đạn pháo, đạn cối, lựu đạn, lia tiểu liên pằm pằm ra xung quanh đồn. Súng máy nhằm phía trước hai cửa mở, bắn như vãi trấu. Quân ta ém phía ngoài hai cửa mở, im lặng, mặc cho bọn giặc bắn khiêu chiến, thực ra là chúng bắn chỉ để dọa dẫm, chỉ để chế ngự sự sợ hãi trong lòng mà thôi, vì chúng biết, thân phận lính đánh thuê, qua mấy mùa chiến dịch, bọn chúng chẳng mấy khi thoát khỏi cái chết nơi chiến địa. Nửa buổi sáng, bọn giặc vẫn không thấy quân ta đánh trả, liền ngừng bắn. Một lúc lâu, bỗng vù vù mấy chiếc trực thăng bay tới, thả hàng xuống đồn Phu Tâng. Không biết từ đâu, pháo cao xạ 37 và súng 12ly7 của ta vút thẳng vào mặt lũ trực thăng, chúng khiếp quá, quăng hàng bừa bãi, rồi vù vù bay ngược ra khỏi trận địa, mặc cho dù hàng bay tán loạn khắp núi rừng, chẳng có gói hàng nào rơi xuống đồn Phu Tâng. Gần trưa, bọn giặc lại bắn bừa bãi ra xung quanh đồn, cũng chẳng thấy quân ta đánh trả, chúng lại gọi cứu viện hàng, máy bay trực thăng lại vù vù bay đến thả hàng, pháo cao xạ 37 và súng 12ly7 của ta lại bắn lên dữ dội khiến lũ trực thăng phải bay dạt góc trời, mặc cho những gói hàng rơi khắp núi rừng, để lại sự lo lo lắng cho lũ giặc ngày càng vơi bớt lương thực, thực phẩm và cơ số đạn dự trữ. Bỗng bầu trời vang động tiếng máy bay gầm rú. Máy bay phản lực F4. Máy bay T28. Máy bay OV10. Máy bay L19. A, chúng kêu cứu đến quan thầy Mỹ rồi. Bọn Mỹ phải tức tốc cứu viện ngay. Chợt nhớ, ngày còn đi học cấp 2 ở Bảo Hà, Hoàng đã từng nằm bẹp bên sườn núi Khe Trẩn xem bọn F4 nhào xuống ném bom cầu đường sắt Bảo Hà, một chiếc F4 bị pháo cao xạ của ta bắn trúng, xác máy bay rơi trên núi Khe Trẩn, khói lửa bốc cao ngút trời. Dân quân và người dân ào lên núi Khe Trẩn tìm bắt phi công. Thấy thế, Hoàng với Bình, Minh cũng chạy theo đám đông. Lên núi, Hoàng nhập vào đoàn dân quân, dò đến một vùng cây gãy nát, ôi giời, xác chiếc máy bay văng mỗi nơi một mảnh, vỏ đuya-ra sáng bạc, nhưng chẳng thấy phi công Mỹ đâu. Mọi người tìm rộng ra xung quanh, chợt có tiếng kêu: "Ối giời... nó... đấy đấy... kia, cái chân thằng phi công Mỹ!". Mọi người cùng ào đến. Hoàng ngó vào, khiếp, cái chân thằng phi công Mỹ, cái đoạn chân chỉ từ bàn chân đến gần gối, còn thì bay đâu mất cả, cái cẳng chân nhỏ, trắng xanh, vằn vằn vệt máu đỏ. Cái chân nó cũng giống chân mình thôi, mà sao nó lái được cả chiếc máy bay to đùng, bay nhanh như cắt, Hoàng lẩm bẩm, thì nó cũng là người mà sao nó ác thế, ném bom khắp nơi làm cho bao nhiêu người chết, phá hỏng bao nhiêu nhà cửa, cầu cống, phố xá, nó chết thế liệu đã đáng chưa? Ấn tượng về cái chân thằng phi công Mỹ bị bắn rơi ở núi Khe Trẩn, Bảo Hà từ năm 1966 cho đến bây giờ vẫn chưa phai mờ trong trí nhớ của Hoàng. Hôm nay, giữa chiến trường Cánh Đồng Chum, giời xui khiến hay sao mà Hoàng lại chạm mặt với lũ giặc trời Mỹ tàn ác. Vốn tò mò, Hoàng mượn ống nhòm của anh Cường, nhảy lên cửa hầm, giương ống nhòm lên bầu trời Cánh Đồng Chum. Đấy, một lũ máy bay phản lực Mỹ gầm rú ầm ĩ cả Cánh Đồng Chum, thỉnh thoảng chúng bổ nhào trút bom bừa xuống chân núi Phu Tâng, tiếng nổ dữ dội, rung động cả núi rừng. Tiếp đấy là một lũ máy bay T28 cậy có bầu trời mênh mông, cứ bay vù vù quanh thung lũng Cánh Đồng Chum, chúng hạ thấp độ cao đến nỗi nhìn thấy rõ cả cánh quạt quay tít, nhoáng thấy phi công trong máy bay, chúng cứ ngang nhiên bay ngang bay dọc Cánh Đồng Chum mà trút bom, bắn xỉa vào bất cứ nơi nào chúng nghi ngờ. Bên dưới mặt đất, cả đoàn pháo cao xạ 37 của ta vừa chạy vừa giương nòng súng lên bắn, đạn pháo nổ như pháo hoa giữa trời xanh, hai chiếc T28 bốc cháy lao xuống giữa Cánh Đồng Chum khiến lũ T28 còn lại phải khiếp sợ, bay vút lên cao. Hoàng nhìn hai chiếc T28 bốc cháy như đuốc lửa giữa trời, sướng quá, reo to: "Lũ giặc trời chết đi-i-i-i!". Một lúc, hình như chúng bảo nhau qua điện đàm, liền xúm lại cả mấy chiếc T28 vây quanh đoàn pháo cao xạ của ta, thay nhau bổ nhào thả bom và bắn xỉa, thừa lúc chúng bổ nhào, xe pháo ta vụt chạy, chúng bắn hụt lại vút lên, lũ giặc trời T28 lại bổ nhào, pháo ta lại vụt chạy, chúng bắn hụt lại vút lên, cứ thế, lũ giặc trời T28 trên trời, pháo cao xạ của ta dưới đất, bắn bắn, bom bom, nhử đánh, đánh nhử, nhồng nhồng giữa thung lũng Cánh Đồng Chum. Lần tiếp, chúng bắt đầu nhào xuống thì mấy xe pháo ta dừng hẳn, hiên ngang giương cao nòng súng nhả đạn mãnh liệt khiến lũ giặc trời T28 phải dạt ra, ba chiếc T28 không kịp thoát đã trúng đạn, bốc cháy ngùn ngụt, rồi nhào xuống chân núi Phu Tâng. Nhìn sướng quá, Hoàng giơ cao nắm đấm, nói to: "Pháo ta giỏi quá! Lũ giặc trời chết đi-i-i-i!". Anh Cường nhô đầu ra khỏi hầm, khẽ quát: "Hoàng xuống hầm ngay! Mảnh bom, mảnh pháo văng vù vù ra đấy, nguy hiểm lắm!". Nghe thế, Hoàng lui xuống hầm, hơi xị mặt vẻ tiếc rẻ cuộc giao chiến giữa lũ giặc trời T28 với pháo cao xạ của ta, Hoàng tận mắt nhìn năm chiếc T28 bị pháo cao xạ 37 với 12ly7 của ta bắn tan xác, bốc cháy giữa trời xanh Cánh Đồng Chum thật hay như trong phim mà Hoàng từng xem ở bãi chiếu phim Phố Ràng, phim thời sự chiến đấu ở chiến trường miền Nam, phải nói, pháo thủ của ta thông minh, dũng cảm vô cùng.
Quá trưa.
Mặt trời như dội lửa xuống núi Phu Tâng.
Anh Cường và Hoàng ra khỏi hầm, lên trận địa với các chiến sĩ ĐKZ. Hoàng đã bật máy vô tuyến sẵn sàng, cần ăng-ten ngất nghểu, bộ đàm ốp tai, lặng nghe. Hồi hộp quá! Một lúc lâu, bộ đàm vang lên, giọng gấp gáp: "A lô! Đại Bàng gọi Chim gâu! Đại Bàng gọi Chim Gâu! Nghe rõ, trả lời!", Hoàng dõng dạc: "A lô! Chim Gâu nghe rõ!", đầu sóng bên kia: "Một, hai, ba, Bắc cạn Ăngcovát Nam định sippo-o-o-o!" (Bắn!), lập tức, Hoàng vẩy tay cạnh nòng súng ĐKZ như ra lệnh: Bá-á-á-ắn! Khẩu ĐKZ ngay trước mặt Hoàng phụt từng phát, viên đạn bay vù vù mang theo vệt lửa vàng rực, quất vào đồn giặc, nổ đoàng, tung đất đá mù mịt. Mấy chiến sĩ ĐKZ mặt đanh lạnh, sạm đen, mím môi, ôm từng quả đạn nhét vào nòng súng, nghiến răng bóp cò. Cùng lúc, quân ta không biết từ hướng nào, các đơn vị phối thuộc hiệp đồng chiến đấu cùng hổ xám Khăm Chuông lệnh nã pháo 105, pháo 175, cối 60, cối 82, cối 120 rú rít từng chập, vút vào đồn Phu Tâng, pháo cối liền liền. Quân giặc đã nửa ngày mệt mỏi, lo sợ, bây giờ không ngóc được đầu lên khỏi hầm và công sự. Bọn máy bay phản lực, máy bay T28 đến chi viện, thả bom vung vít vì pháo cao xạ 37 và 12ly7 của ta bắn lên khủng khiếp. Bọn giặc dường như đã hoang mang, khiếp nhược đến tột độ, tất cả chúi đầu trong hầm và công sự.
Tích tắc, tích tắc, tích tắc...
Quân ta quyết định "cường tập", tấn công lên đồn. Mũi đột phía Đông, do Bun Kim- tức Đại đội trưởng Kim trực tiếp chỉ huy, mũi đột chỉ dành cho những người lính dày dạn chiến đấu, nhưng lính tò te Lập quyết xin nhập mũi đột, muốn lập công ngay trận đầu để báo công với bố giờ này chắc cũng đang chiến đấu với bọn giặc Mỹ ở miền Nam. Mũi đột phía Tây và mũi đột phía Đông như hai gọng kìm siết chặt cổ đồn Phu Tâng.
Nắng cháy đỏ.
Mịt mù khói bom khói đạn.
Quân ta ào lên với AK, trung liên, với lựu đạn, với B41... những tiếng hô vỡ núi: "Xung phong! Xung pho-o-o-ong!"... liền với những tràng AK và trung liên quét từng chặp pằm-pằm-pằm..., tiếng lựu đạn nổ đoàng... đoàng... đoàng... Một tiếng nổ lớn "bùm" của B41, cái chóp nhọn đồn Phu Tâng nhoáng lửa, đất đá và khói bốc mù mịt, tiếng quân giặc la hét ầm ĩ, cùng đường, quân giặc quần áo rằn ri vằn vện đẩy nhau ào ra khỏi hầm hào, phọt phóng lựu M79 và quét tiểu liên cực nhanh từng tràng dài, ném lựu đạn vung vãi ra xung quanh, nhưng quân ta thế chủ động lại quá dũng mãnh, cứ ào lên như cơn lốc núi khiến quân giặc phải lùi từng đoạn, co cụm dưới chiến hào. Phát đạn B41 Bình vừa bắn trúng ổ pháo trên đỉnh lô cốt cùng với tiếng nổ loạn xạ, mùi khét lẹt của thuốc súng dường như là liều thuốc kích thích với người lính tò te trong trận công đồn đầu tiên đã khiến Bình hăng lên, không còn nghe rõ tiếng súng của ta hay của địch nữa, không còn thấy run sợ nữa, tim đập thình thịch tưởng vỡ lồng ngực nhưng bình tĩnh lạ lùng. Thanh nhoai theo Bình liên tục tiếp đạn, Bình nhanh tay lắp đạn, nheo mắt qua khe ngắm, và cứ nhắm xiên vào các cửa hầm giặc đang xả đạn ra, nhắm thẳng các ngách chiến hào bọn giặc đang ríu ríu bỏ chạy mà siết cò, từng phát một, phát một, phát một..., chính xác vào mục tiêu, nổ tung đất đá và lửa khói mịt mù, lũ giặc bị thương kêu rú rùng rợn. Bảy phát B41 là bảy phát đạn rực lửa, làm lũ giặc kinh hoàng. Hết bảy phát B41, kéo Thanh nhảy sang một chiến hào khác, Bình ép mình bên chiến hào, lắp nhanh một quả đạn B41 nữa, dấn lên từng bước, ngay sau Bình là Thanh ôm túi đạn B41 trước ngực nhoài theo, a, a, Bình nghiêng đầu, thoáng thấy cả lũ giặc rằn ri vằn vện đang đu đẩy nhau phía trước, Bình nhanh tay nâng súng lên vai, nheo mắt qua khe ngắm, siết cò, đạn bay vèo... bùm! Cả lũ giặc bị B41 xé tan xác, bị B41 thiêu cháy đen như than củi, nhiều thân xác giặc chỉ còn là đống thịt chín đỏ bầy nhầy, khét tanh kinh khủng. Nhìn mặt Bình tím đỏ, máu chảy xộc ra mũi, máu chảy dài dưới mang tai, Thanh hốt hoảng hơi khựng lại một chút, định kéo Bình xuống chiến hào, nhưng nghe bọn giặc hò hét ầm ĩ và bắn vung vít như mưa về phía quân ta, mùi thuốc súng khét lẹt khiến Thanh hăng lên, lại tiếp thêm cho Bình một quả B41 nữa. Bình lắp nhanh quả đạn B41 vào nòng súng, rồi kéo Thanh nhảy lên khỏi chiến hào, bò dưới hai làn đạn, tụt xuống một chiến hào khác, tích tắc, tích tắc, tích tắc, nghe nhiều tiếng nổ lớn phía ngoài, ngó lên, Bình phát hiện bọn giặc đang tập trung lao bộc phá, ném lựu đạn phá hàng rào thép gai bùng nhùng, tìm cách thoát ra ngoài, lập tức, Bình ghếch nòng súng lên vỉa chiến hào, nheo mắt qua khe ngắm, siết cò, đạn bay vèo... bùm! Đất đá và khỏi lửa mù mịt, một lúc, rõ ra một bãi trống hoác, lũ giặc bay mất xác, chỉ còn vương vãi đây đó mấy nòng súng gẫy, ngổn ngang cẳng chân cánh tay cháy xém đen, nhiều cái đầu cháy trụi tóc vỡ toác mà hố mắt đen ngòm lô lố, phát khiếp. Cuộc giao chiến chưa đầy nửa tiếng, quân ta tấn công dồn ép quân giặc lùi từng đoạn chiến hào, bọn giặc trở nên hung hãn, liều mình phản công, xác đổ chồng lên nhau. Quân ta cũng thương vong khá nhiều. Cuộc giao chiến diễn ra ác liệt và đồn Phu Tâng bị quân ta đập nát, hầu hết lũ giặc bị bắn chết, một số bị thương, còn một số bị bắt sống. Quân ta từ hai cửa mở ào lên, tản ra khắp đồn thu chiến lợi phẩm, nhiều nhất là đạn pháo, đạn cối còn đầy trong hầm, nhiều nữa là thịt hộp, cá hộp, dù hoa, gạo Thái, lương khô... Anh Cường và Hoàng cùng các chiến sĩ ĐKZ theo đoàn quân cũng ào lên theo cửa mở phía Tây. Giời ạ, Hoàng thốt lên khi nhìn cảnh tượng đồn Phu Tâng tan hoang, ngổn ngang súng đạn, giày, mũ, quần áo, chăn gối, đệm mút, xác chết chồng chất lên nhau, nghiêng nhìn ra chiến hào, Hoàng giật thót tim, ôi giời ơi, những chiếc đầu lâu vỡ toác cháy đen thui, ngổn ngang cẳng chân, cẳng tay cháy xém, nhầy nhầy đống thịt đỏ như nướng, mùi khét thuốc súng lẫn với mùi cháy khét thịt người tanh lợm khủng khiếp, Hoàng ôm máy vô tuyến gục xuống chiến hào, bụng thót lên, miệng ộc từng cơn rớt rãi, một lúc mới thở hổn hển, cố gượng dậy, không còn nghĩ đến việc thu chiến lợi phẩm nữa, chuệnh choạng đi ra phía cửa mở, theo đoàn quân xuống chân núi Phu Tâng. Vừa lúc gặp Bình đang ngồi lau khẩu B41, tai Bình vẫn còn rỉ máu, Hoàng lau rớt rãi dính bên mép, miệng như mếu, hỏi Bình:
- Cậu bắn B41 tung chiến hào à?
- Ừ! Bắn tung chiến hào. Bắn tung hầm. Bắn tung hàng rào thép gai có bọn giặc chui lủi chạy trốn!
- Kinh khủng quá, Bình ơi!- Hoàng thốt lên.
- Bình bắn chín phát đấy!- Thanh nói chen vào.
- Ừ, tớ bắn chín phát! Đáng đời bọn tay sai của Mỹ!- Bình nói thản nhiên.
- Ôi giời!
Hoàng nghe Bình nói một cách thản nhiên thế mà đau lòng. Không biết sau khi bắn chín phát đạn lõm B41, loại đạn nổ khiến sắt thép cũng vỡ toác, cháy chảy thành nước, thì Bình có biết con người sẽ thế nào không, Bình có quay lại nhìn đống xác giặc bị xé xác văng vãi, cháy chín khét lợm đằng kia không? Nghĩ đến đấy, Hoàng lại gục xuống, rùng mình, nôn ọe rớt rãi, mặt trắng nhợt, không thể nói chuyện với Bình được nữa.
Quân ta thu dọn chiến trường và rút nhanh.
Đúng là, đánh nhanh- thắng nhanh- rút nhanh!
Như dự đoán của chỉ huy, chưa đầy nửa giờ sau máy bay phản lực từ đâu rú rít, bổ nhào, dội bom ầm ầm xuống đồn Phu Tâng. Chúng muốn xóa sạch dấu vết cuộc thua trận đầu nhục nhã này. Hoàng nghĩ, bọn giặc tàn ác với cả xác chết! Hoàng cùng Bình và Thanh cũng theo đoàn quân tạt ngang rừng già, xuyên xuống rừng thông chân núi Phu Tâng, đã xa đồn Phu Tâng. Mấy đứa đang phăm phăm bước thì gặp Phú cũng vừa trên Phu Tâng xuống. Mấy đứa gặp nhau, mũ Pa-thét bay đâu mất cả, đầu tóc bù xù, mặt mày nhem nhuốc bụi đất và ám khói, quần áo xộc xệch, hôi xì, thấy không đứa nào hề hấn gì, thì ôm nhau cười ha ha. Buông nhau ra, Phú ôm bụng, kêu đói. Cả Phú, Bình và Thanh cùng khoe hộp thịt, hộp cá chiến lợi phẩm. Bình cầm hộp thịt, rút dao găm, cắm phập mũi dao, khoanh một vòng quanh mép hộp, mở ra, ây dà, thịt nạc từng miếng nhỏ đỏ tươi thơm nức, thịt hộp Mỹ tư bản có khác thịt hộp Trung Quốc xã hội chủ nghĩa chứ. Hoàng ngó hộp thịt, ối ối, những miếng thịt đỏ tươi kia... Hoàng kêu ríu lưỡi, vội ngoảnh đi, rùng mình, ứa rớt rãi, khiếp thịt hộp! Mấy đứa tròn mắt nhìn Hoàng, rồi mặc, cứ thoải mái bốc thịt hộp ăn ngon lành. Phú lấy dao găm mở hộp cá, mắt sáng lên, ây dà, cá hộp tư bản Mỹ cơ mà, ngần ngẫn khúc cá thu với dưa quả, với cà chua đỏ tươi, Bình, Phú và Thanh lại chùi tay, bốc cá hộp, ăn ngon lành, ăn ngấu nghiến, ăn một mạch hết bốn hộp cá, rồi chùi tay, cười hỉ hả. Ăn xong, cả bốn đứa cùng xuống núi, gặp một đoàn tải thương nối dài, thập thõm, lùng tùng võng cáng. Thấy một võng cáng có phủ tăng kín, chiếc võng vẫn lõng thõng máu đỏ rỉ giọt, Phú đến cạnh, hỏi:
- Lính đơn vị nào thế?
- Lính đột!- Một chiến sĩ khênh võng trả lời.
Lính đột?- Thoáng có linh tính, Phú run run mở chiếc tăng che, giật giọng:
- Ôi Lập!
Phú nhìn rõ gương mặt Lập trắng bệch, mắt nhắm nghiền, mặt phù to, mấy vết đạn xuyên thủng bả vai, máu ra thấm đỏ áo quần. Hoàng, Bình, Thanh vịn võng, ngó vào mặt Lập. Chắc nghe thấy tiếng thì thào, Lập từ từ mở mắt, he hé nhìn lên, một lúc, dường như muốn nhìn cho rõ xem có phải mấy thằng bạn đồng học đây không, một thoáng thôi, Lập mấp máy môi, thều thào: nư-ư-ư-ước, nư-ư-ư-ước! Phú vội dốc bi đông, chỉ còn chưa đủ ngụm, dốc từng giọt vào cái miệng sưng vêu với đôi môi khô rộp, miệng bi đông rỏ từng giọt, từng giọt, từng giọt, hết, rồi Lập khẽ chẹp chẹp miệng như thể vẫn còn thòm thèm lắm, và im lặng, chỉ nhoáng, Lập khẽ kêu một tiếng: "Bố ơ- ơ- ơi!", nấc nhẹ và tắt thở. Cái chết của Lập khiến cho Hoàng, Bình, Phú, Thanh và hai chiến sĩ khênh võng chết lặng, cúi đầu, nước mắt giàn giụa, thương xót bạn quá chừng. Phú vịn tay vào võng, tóc rũ, lòng thổn thức, thầm nghĩ, Lập ơi, hai đứa mình cùng sinh ra ở thị trấn Phố Ràng, cùng đi học với nhau từ bé, chơi với nhau suốt ngày, còn bây giờ thì mãi mãi, Lập ơi, mãi mãi chúng mình xa nhau. Hoàng cúi đầu, lặng người, thầm nghĩ, thế là mãi mãi Lập không còn được đi tìm bố nữa, mình hiểu rồi, bao nhiêu chiến sĩ trước lúc hy sinh đều gọi: "Mẹ ơi", còn Lập thì gọi: "Bố ơi", mình hiểu tình cảm của Lập mà, nếu được trở về nhà, mình sẽ thưa với mẹ Đoan rằng, con trai của mẹ không phải người bất hiếu đâu, nó vẫn nghe lời mẹ, vẫn khao khát được vào chiến trường miền Nam đánh giặc Mỹ để có dịp tìm bố Đoan cho mẹ, nhưng mà... hu, hu, hu..., Hoàng bật khóc, khiến Phú, Bình, Thanh cũng khóc theo. Thương bạn vô cùng!
Một chiến sĩ khênh võng vừa lau nước mắt vừa nói nhỏ:
- Đồng chí này còn may mắn đấy, chứ mấy đồng chí ở khẩu cối 82 phía Đông còn dính bom bay mất tăm tích kia!
- Khẩu cối phía Đông?- Hoàng bật dậy, tay chùi nước mắt.
- Phải!- Chiến sĩ khênh võng chớp chớp mắt, giọng méo- Chúng tôi tìm đến nơi đặt khẩu cối 82 thì chỉ còn thấy một hố bom rộng lớn và sâu hút, là bom tấn ấy, chắc là tất cả khẩu đội tan nát, bay hết, bay tất cả, chắc xương cốt và súng ống văng xa lẫn vào cây cỏ rừng già, không còn tìm thấy bất cứ dấu vết gì nữa, khổ thân các đồng chí ấy quá!
- Chước ơi!
Hoàng kêu tắc cổ. Ai ngờ chuyện nằm mơ đêm qua của Chước cùng mẹ từ đỉnh núi Mã Yên Sơn về nhà bằng dù bay, thì bây giờ bay hết cả!
Thế là mãi mãi, Chước ơi!
...
H.T.S
Tin khác