• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Hương say
Ngày xuất bản: 22/09/2023 2:41:36 SA

Truyện ngắn của DƯƠNG THU PHƯƠNG

 

Thường thì bà sẽ ngồi vào bàn ăn sau khi đã bày tất cả mọi thứ lên mâm, đưa thêm chai rượu đế và chiếc ly để bên cạnh. Vừa xơi cơm bà vừa kể chuyện. Những chuyện linh tinh, có khi chỉ là để có chuyện mà kể.

Cái Hoa ở tận Hà Nội thế mà nhoằng cái là thấy mang chồng mang con về chơi với ông bà. Thằng Gấu mới đó đã cao hơn cả mẹ nó, khối thứ trên cao, chẳng cần ghế bàn gì nó chỉ khẽ kiễng chân lên là đến. Không nhớ nổi tên mà chào tíu tít từ đằng xa. Mà thằng Phương, chồng cái Hoa, kiếm đâu ra cái đứa vừa biết việc lại lành hiền như thế chứ.

Mâm cơm chỉ có hai người, đôi khi bà chỉ muốn kể chuyện cho có chút âm thanh nhưng cứ nhìn cái cách ông đặt ly rượu xuống bàn thì bà im bặt. Ông làm như thể chuyện con gái lấy chồng về dưới xuôi là lỗi của mình bà vậy.

Nhà có chiếc ti vi, ông vẫn trưng dụng nó như một chiếc radio, bật thật to lên rồi đi từ đầu ngõ đến cuối góc vườn để chỉ nghe tin tức, nên khi ông Khởi bước vào đến tận chiếc bàn ăn kê bên cạnh giường, gọi to ông cũng không nghe thấy.

- Có chuyện gì mà ông sang tận đây, không chờ đến hôm họp chi bộ được à?

- Thì cũng là nội dung chuẩn bị cho nội dung cuộc họp đây. Thứ nhất là hôm đấy có cấp trên về dự, ông cho cái ý kiến, hai là việc mở đường, đi qua các đồi quế, mà đồi nhà ông phải lấy đi gần hết.

Bà đi từ phía cửa hàng, mang ấm tích nước chè ủ từ sáng để lên bàn chưa vội rót, chủ yếu là để nghe ngóng xem chuyện đất cát thế nào. Mấy hôm nay, bà có nghe người ta qua lại nhỏ to nhưng sự thể thế nào thì bà cũng chưa nắm rõ.

Sự đời, càng sốt ruột lại càng thấy lâu. Ông Khởi bắt đầu như một phiên họp chính thức với một câu báo cáo, hai câu kính thưa. Mà mấy người khách đến mua hàng thì giục bà từ nãy. Bà vừa xúc hàng, cho lên cân, vừa ra sức gạn tiếng của ông Khởi nhưng lại chỉ nghe được tiếng của vị khách đến muộn “Chả biết chắc lép thế nào chứ bón chậm, trổ sau là chỉ làm mồi cho lũ chuột, châu chấu. Bà cho tôi thêm ít kali, nó bắt đầu làm đòng rồi đấy”. Giục giã thế nhưng lại chẳng có vẻ gì là muộn, người khách còn kể với bà về đủ thứ “đám ruộng nhà ông Thìn bị ốc vàng ăn trông như vạt áo rách mà chẳng ai ngó ngàng tới. Tính gì bán buôn, cố để không phải ăn đong. Ruộng nương chả ăn thua, may mà còn đồi quế”.

Sáng sớm, sương hãy còn bàng bạc trên mặt đất. Thường ngày ông sẽ làm vài động tác thể dục, vẫy tay, duỗi chân mà cô con gái ngày nào cũng gọi điện về nhắc nhở. Nhưng hôm nay, ông quyết định lên đồi. Bệnh viêm khớp mãn tính khiến cho đầu gối như có gai đâm, lại mang sức nặng bộ quần áo dày dặn, mũ mão đã cất từ lâu trong tủ nên ông phải kéo rê từng bước một. Giá là gánh thóc, gánh ngô bà còn hộ được, đây lại là lên đồi quế, lại là tâm trạng trùng trùng thế kia. Bà chỉ biết nhìn theo dặn ông về sớm.

- Ông lên đồi đó à? Lâu lắm rồi mới thấy ông ra đây.

Người hai bên đường nói to như thể ông bị điếc. Chỉ là cái lưng, cái chân, lại vết thương cũ làm tình làm tội chứ ông nào đâu có điếc lác gì. Bực là thế nhưng ông cũng ậm ừ cho qua.

Bắt đầu vào mùa bóc vỏ, người ta cắt những khoanh nhỏ dưới gốc cây để nước và chất dinh dưỡng không lên được, chờ đến lúc lớp vỏ bên ngoài khô tách hẳn với phần thân người ta sẽ đi bóc nó. Ông biết. Ngày trước, cứ ăn Tết xong ông cũng lên đồi. Bà bận rộn với cửa hàng tạp hóa nhỏ, với vài bao đạm, lân kali bán cho những người mua lẻ, một mình ông trèo hết đồi này qua đồi khác, nào làm cỏ, tỉa cành, gọt thân, bóc vỏ. Nhưng sao giờ đây nhìn dòng nước đọng lại nơi phần vừa cắt ông thấy như từng dòng mồ hôi đang chạy chằng chịt sau lưng áo.

- Sao còn non thế đã bóc vỏ?

- Nghe bảo người ta sắp lấy đất ông ạ.

Đoạn đường này ngày trước ông đi một tí là đến, thậm chí còn chưa hết một ý nghĩ mà sao bây giờ từng bước như đeo đá. Gánh nặng tuổi tác đè lên tấm thân mỏng.

Những cành quế sà xuống, ngang đầu, ngang mặt ông. Ông đưa bàn tay ra gạt lấy. Bàn tay này đã đào biết bao hốc đất, bàn tay hết phồng lên rồi xẹp xuống mà đứa con gái nhỏ vẫn lật đi lật lại để tìm mặt trăng, rồi cười khanh khách. Bà thường giành công việc gom cỏ và cây bụi vào cuối ngày chất thành đống để Lá sắc thế, gai nhọn thế, đâm vào tay thì biết bao giờ khỏi được”.

Hàng xóm bảo, bà chăm ông, ông lại bảo “bà ấy nuôi tôi còn lãi hơn nuôi lợn”. Bà đi qua, nghe thế cũng chỉ cười. Ông nói thế là vì ông là bộ đội phục viên, thương binh nặng hạng 2/4, thương tổn khiến cho người ta khuyến cáo ông không nên sinh con, nhưng nhờ trời thương ông bà cũng có được một cô con gái.

Ông Khởi bảo phát biểu ý kiến trong cuộc họp tới, mà nói gì được. Thỉnh thoảng có các cô ở đài truyền hình tỉnh cũng xin lên ghi hình, ông bảo tôi không biết nói gì, các cô lại bảo, ông chỉ cần kể về quá trình khai hoang, đưa giống quế về phủ trên các ngọn đồi, kể về những ngày đi kết nối với thương lái, về cách thức vận động để những gia đình xung quanh biết trồng và chăm sóc để tạo nên một vùng quế nổi tiếng như ngày nay. Hôm chương trình phát, đứa cháu ngoại gọi điện kể nó đã được nhìn thấy ông trên tivi. Mẹ nói lên tivi ai cũng béo hơn mà ông gầy đi nhiều quá. Ông bảo, mẹ mày cứ linh tinh, ông vẫn thế, vẫn vận nội công làm lớp lớp cây dại bật gốc, vì thế mới trồng được nhiều quế chứ. Cháu ông bảo, ông là đỉnh nhất, nó bảo đi học buổi sáng ở trường, buổi tối ở nhà cô giáo, còn buổi chiều cháu sẽ đi luyện võ để được như ông.

Nắng đã lên, tia sáng nắng xiên qua đám mây mỏng, thong dong vẽ màu trên mặt lá và làm dậy lên mùi của đất. Chân đã mỏi, ông ngồi xuống bên mõm đá. Ông đã cố tình để lại nó như một dũng sĩ trông coi cho quả đồi này. Ông tin, trong tảng đá có ông, có những giọt mồ hôi chảy ròng từ đôi tay mỗi khi ông mệt tưởng lả đi vịn vào đó, thấm mồ hôi từ tấm lưng chưa bao giờ khô của ông khi ở đồi, cả giọt mồ hôi ứa ra từ hốc mắt cay xè. Cái mùi thơm ngai ngái, nồng nồng của đất làm ông thèm một cút rượu. Thứ rượu trắng bà tự nấu bằng loại nếp trồng trên cánh đồng nổi tiếng gạo ngon này rồi cho vào chum sành ngâm ủ cẩn thận. Bà muốn ngâm vào đó đủ thứ thuốc thang mà con rể mang về biếu mỗi dịp lễ, tết nhưng ông chỉ thích làm ngụm rượu trắng, nó cay, nồng, thấm vào từng thớ thịt, để rồi mồ hôi cũng thơm thơm. Thứ rượu mà hằng năm ông vẫn dành riêng một chai, đi bộ tận Đại Sơn để tưới vào gốc cây quế trăm năm tuổi. Chỉ có thứ rượu ấy mới có thể làm cho quế nơi đây có vị ấm nồng, thơm ngọt. Ông đã tin như thế.

            Ông nhớ, sáng nay, bà chạy với theo dặn ông về sớm. Lần tay vào túi áo, ông mới nhớ ra là mình quên mang điện thoại. Bây giờ bọn trẻ giỏi, cần gì thì lên mạng chứ không phải chạy sang tận nhà để nhờ ông xem giúp vì sao lá quế lại đỏ, hay có đốm nâu, hỏi xem trồng khoảng cách như thế đã được chưa.

Gió hiu hiu như miệng thằng cháu ngoại vẫn thổi lên những ngón chân sưng vù, đau nhức. Hình như cứ lên đồi quế là ông hết mệt. Ông đi thẳng sang phần đồi phía bên kia, nơi có những cây quế đã to bằng ống chân, lá nhọn có màu đỏ tía. Ông đã hì hụi đứng trên đó cả tuần liền, nhiều hôm khi thấy bụng đói cồn cào quay lại thì gói cơm trong nắm lá đã nguội ngắt. “Nhà mình có xa xôi gì, ông về ăn cơm rồi nghỉ ngơi một chút”, bà nói nhiều đến nỗi những người đi làm đồi qua vẫn nhắc lại từng chữ một để trêu ông. “Nhưng mình chờ được, mùa vụ thì lại không, phải trồng cho kịp đón mưa”. Thằng cháu bao tuổi thì cây quế bấy nhiêu năm. Ông đào rãnh, phân ra thành một khu hẳn hoi. Ông dặn bà, “phần đó tôi để cho cháu sau này, những lúc tôi không ở nhà, nếu tỉa cành, bóc vỏ bà cũng để dành riêng tiền đó ra gửi cho cháu”. Ông phải dặn kỹ vì thỉnh thoảng ông không ở nhà, bệnh của ông đi viện cứ như đi an dưỡng định kỳ, chỉ ngặt nỗi bà ở nhà thui thủi. Giá mà cô con gái nghe ông.

Đến tận bây giờ, việc bà và cô con gái cãi lời ông duy nhất đó là việc ở lại thành phố, lấy chồng tít tận nơi xa lạ.

Giữa lúc bọn trẻ xung quanh nghỉ học làm nương, lấy chồng, thì ông nhất quyết bắt cô con gái đi học trường trung tâm của tỉnh. “Đất nhà mình, quế nhà mình, vài năm tỉa cây, ba năm tỉa cành, 5 năm bóc vỏ, 7 năm thu hoạch. Mười đứa cũng nuôi được chứ không phải một. Con cố mà ăn học”. Học hết cấp 3 rồi lên đại học, ông mong con gái sẽ học kỹ sư nông nghiệp, ông cứ nghĩ như ông “thiếu đất, thiếu cây không thể sống được. Mình ngủ nhưng đất, cây không ngủ. Không sợ không khấm khá lên được”. Cô con gái lựa chọn học ngành xây dựng. Mà xây gì trên cái vùng đất rặt những triền đồi, gối lên nhau ấy. Cô ở lại thành phố. Ngày cô lấy chồng, ông có cảm giác như cái quả bị người ta hái trộm, phải hàng tháng sau, ông mới nghe điện thoại của con gái.

Gánh nặng tuổi tác đè lên vai, đè lên khớp gối vẫn kêu lục khục, chuyển mái tóc từ muối tiêu sang bạc hẳn nhưng đồi quế vẫn cứ xanh thẳm không bận tâm làm ông luôn cảm thấy như mình là người mắc lỗi.

Có chuyến xe vào thu mua vỏ cây của những nhà bán sớm. Những câu chuyện líu ríu vào nhau trên cung đường dốc. “Chả bõ chuyến xe vào đây. Ngày trước, vùng này bạt ngàn quế, nhưng mấy năm trước, quế xuống giá, người ta chặt hết để trồng keo. Nhiều đồi vẫn còn trơ lại bao nhiêu là gốc”. Lòng ông chùng xuống, giá mà có kỹ sư nông nghiệp, hướng dẫn bà con, quy hoạch cây trồng để không phải chạy theo phong trào, giờ quế đắt không có bán, cánh xưởng gỗ bóc thì đóng cửa hết, keo cứ trơ trên đồi, rỗng hết cả ruột mà bán rẻ cũng không có người thu mua. Có người còn bán cả đồi, chuyển đi làm công nhân cho các nhà máy.

Nhà ông cũng có đôi lần tính đến chuyện bán đồi. Đó là lúc cô con gái cưới chồng, bà muốn cho con làm của hồi môn, “Mình nở mày nở mặt với thông gia, con mình cũng dễ sống”. Ông luôn không thích tư duy cổ hủ của bà, mình nuôi con ăn học, nghề nghiệp đó là tiền chứ đâu. Ông biết bà lén lút mang tiền định sửa lại cái mái tôn đằng trước để cho con nhưng không ngăn cản.

Lần thứ hai là khi con bé mua nhà. “Nó chỉ thủ thỉ với mẹ nó nhưng tôi biết phải đôi ba tỷ, nhà thành phố, không rẻ được. Tôi tính bán bớt một mảnh đồi. Dù sao thì tất cả những thứ tôi có được cũng sẽ là của nó”. Bà nghe ông tâm sự với ông bạn già khi bà thêm đĩa lạc luộc trên chiếc bàn lỏng chõng vài cái ly. Nhưng cuối cùng, ông bán 2 mẹ con nhà trâu và bảo bà đưa toàn bộ vàng có trong nhà mang ra thành phố. “Tiền kiếm được nhưng đất khó mua. Một năm làm nhà, ba năm trả nợ, bà bảo chúng cứ từ từ đâu khắc vào đó”. “Ông không ra xem nhà cửa con mình thế nào à?”. “Đang mùa chăm cây, không có mình chỉ đạo nhỡ người ta làm không cẩn thận”.

Bà thương ông, bà hiểu ông. Ông chẳng tiếc tiền. “Già rồi, ăn tiêu không đáng bao nhiêu, ốm đau đã có bảo hiểm y tế”. Nhưng đồi quế là niềm hãnh diện của ông. Ra khỏi cuộc chiến, trở lại về Bắc, ông chỉ còn một cái đầu cắm trên những khúc xương đã qua nhiều va đập. Như nhiều bạn ông lúc này, còm cõi sống, đợi một cơn đau ập đến, rồi lại dồn sức còn lại để đứng lên. Cuộc sống lặp đi lặp lại như vậy. Ông đào đất, tìm giống, gieo cây, chăm bón, mùi thơm thoảng thoảng của quế lẫn trong đất đã xoa dịu những cơn đau kinh niên. Nhìn từng ngọn đồi được phủ kín bằng màu xanh của quế, đi đâu người ta cũng nói đến quế quê ông, nào là các hội nghị sản phẩm OCOP, những người từ xa gọi đến tìm mua… những ngôi nhà mới, sáng trắng đua nhau mọc lên trong xóm… Những điều đó làm ông thấy râm ran niềm vui. Tết nào gia đình được ông thuê chăm sóc đồi quế đến nhà ông đầu tiên “Trăm sự nhờ ông, giờ bố cháu đã yên tâm ở nhà, bọn trẻ biết ăn biết học. Sang năm nhà cháu cất nhà mới”. Đứng trên đồi quế, ông thấy mình có giá trị. Bạn bè ông vẫn thường phàn nàn người này người kia không nhớ được gì. Ông cười, “có lẽ vì họ không có đồi quế”.

Lời ông Khởi nói ông cũng nghe râm ran từ lâu. Đường phải được mở rộng, cắt cua, bớt đèo đốc, phấn đấu lên xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đường vào làng như vàng vào nhà. Ông biết chứ. Không phải như mà là vàng thật. Đất đai sẽ lên giá, quế cũng đang được giá, được mùa. Mấy người trong xóm bảo, nhà ông không có người làm, bao giờ có ý định bán thì bảo lại với họ.

Bàn chân ông đã mỏi nhừ đau nhức, không muốn đi tiếp nhưng còn phải dành sức để về nhà. Bà đang đợi ông, hoặc cũng có thể đang trên đường đi vào đây, thế cũng được, ông đang có chuyện cần bàn với bà.

Gần đến nhà, điện sáng trưng, mọi thứ cứ rõ mồn một vậy mà ông nghĩ mãi vẫn chưa mường tượng ra gốc quế ông trồng ngày con gái sinh. Một nhúm rau thai, có chai thủy tinh ghi rõ ngày tháng, tên tuổi, cả một bài cúng ông xin với thần đất, ông tổ nghề quế, tất cả ông gói ghém chôn xuống cùng một gốc quế ông cẩn thận chuẩn bị từ trước. Khi con gái sinh đứa thứ hai, ông sẽ trồng cây quế ngay sau nhà, vào chỗ bà đang trồng mấy luống rau thơm, đất đai đó tốt nhất, lại dễ chăm sóc, quan trọng dễ nhớ. Ông già thật rồi.

            May mà hôm nay ông lên thăm, đồi quế nhà ông tốt xanh, đang vào vụ cho thu hoạch. Ông sẽ gọi người đến bán hết để hiến đất. Người ta đang xây dựng nông thôn mới, ông sẽ bàn với bà, gom số tiền bán quế, số tiền con gái quà cho ông bà mấy năm nay để người ta xây dựng khu vui chơi thể thao cho bọn trẻ. Ông tha hồ trả lời khi đám cháu đông đúc hỏi “về đó cháu chơi gì, chơi ở đâu”, ông tưởng tượng, căn nhà sẽ rộn rã khi hè đến.

Bà bước từ phía chiều ngược lại, ánh sáng xanh hắt từ chiếc đèn trên đầu, chiếu vào mắt ông, in cái dáng đi đã hơi trũng xuống. Lâu rồi ông mới nhìn bà kỹ thế, thì ra bà không còn trẻ. Ngày mai, ông sẽ mời thêm thầy phong thủy, chọn một khu đất đẹp trên ngọn đồi quế. Sau này, ông bà sẽ lên đó để trọn đời được ướp hương thơm.

Mâm cơm được bày sẵn trên bàn, vẫn có chai rượu đế bên cạnh. Ông bảo “chỉ có đồi cây và bà là thương tôi”. Trên màn hình điện thoại, giọng thằng bé con huyên thuyên đủ thứ chuyện. “Ngày mai, bố mẹ đưa con về thăm ông bà, con sẽ ở luôn lại đó”. Bất chợt cơn gió đi qua dịu dịu, say say.

 

D.T.P

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter