• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
“Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”
Ngày xuất bản: 23/04/2024 2:55:25 SA

HOÀNG VIỆT QUÂN

 

Đèo Lũng Lô còn có tên gọi đèo Đao vì ngày xưa ở đây có nhiều cây đao, thuộc Bản Dạ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Các cụ già ở Bản Dạ nói người Mường trước kia thường gọi là Cuổi Lôố, nghĩa là cuối rồi đấy, “qua Cuổi Lôố, vào Cuổi Lôố” là sang đất Phù Yên thuộc tỉnh bạn Sơn La.

Đèo Lũng Lô (đèo Đao) có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng nối Yên Bái với Sơn La vào vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

Cuối tháng 11/1952, Chỉ thị của Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh yêu cầu phải gấp rút mở tuyến đường 13 (13A và 13 B) từ Việt Bắc qua Yên Bái nối với đường 41 Sơn La, chuẩn bị vận chuyển từ hậu phương sang Tây Bắc, thời gian phải xong trong tháng 9/1953 để mở chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng Tây Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do Thủ tướng Phạm Văn Đồng là Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức làm đường, huy động nhân lực ở các địa phương từ Liên khu IV (cũ) trở ra, tổ chức vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men... cho mặt trận. Theo lời kêu gọi của Đảng, hàng vạn dân công ở các vùng tự do, vùng tạm chiếm, đồng bào các dân tộc khắp mọi miền đã tổ chức tới các công trường làm đường 13 và đi vận tải, tiếp tế cho Mặt trận.

Đảng bộ, quân dân và các dân tộc tỉnh Yên Bái được giao nhiệm vụ rất nặng nề và vinh quang là mở đường 13 từ bến phà Hiên (Tuyên Quang) qua Yên Bái, vượt bến Âu Lâu sang Ba Khe, đèo Đao đến Tạ Khoa, Cò Nòi (Sơn La) nối liền sông Hồng với Sông Đà, nối liền Quốc lộ số 32 với đường 41 (Sơn La). Xác định rõ nhiệm vụ chính trị, trước và sau Tết Nguyên đán 1953, Tỉnh uỷ Yên Bái đã cử đồng chí Nguyễn Trung- Tỉnh uỷ viên, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ làm Trưởng Ban Chỉ huy công trường 13 thuộc địa phận Yên Bái. Đồng chí Nguyễn Liêm- Trưởng Ty Giao thông công chính Yên Bái và gần như toàn bộ bô máy Ty Giao thông công chính làm nhiệm vụ khảo sát, thiết kế, lập kế hoạch thi công, chỉ đạo thi công các phần đường 13. Tỉnh uỷ cử đồng chí Doãn Kim phụ trách Ban Cán sự dân công công trường 13, chỉ thị các Huyện uỷ Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên đảm bảo huy động đủ lực lượng dân công và lương thực, thực phẩm cho công trường.

Cái khó của đoạn đường 13 là phải sửa và mở mới trên 120 km, trong đó có 2 đèo hóc búa nhất là đèo Đao (Lúc này bắt đầu được gọi là đèo Lũng Lô) và đèo Chẹn cheo leo hiểm trở với những dãy đá vôi, đá tai mèo và bắt buộc hoàn thành trong thời gian ngắn, lại đúng lúc địch đã xây dựng xong tập đoàn cứ điểm Điện Biên.

Tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị công binh và dân công Yên Bái, dân công các tỉnh bạn đã khởi công mở đường 13 cho xe ra tiền tuyến với tinh thần như Bác Hồ đã nói “Đường xá thông thì mọi việc đều thắng”.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ có 2 đèo bị bắn phá nhiều nhất, đó là đèo Pha Đin (Sơn La) và đèo Lũng Lô (Yên Bái). Khi ta hoàn thành việc mở đường 13 A qua đèo Lũng Lô vào đầu tháng 9/1953, nơi đây trở thành con đường huyết mạch cho bộ đội, dân công tiến vào Tây Bắc thì địch cũng tăng cường bắn phá, biến đèo Lũng Lô thành một túi bom. Cao điểm nhất từ tháng 2/1954 trở đi, thực dân Pháp đã tập trung hoả lực không quân đánh phá các tuyến đường lên Tây Bắc. Tại khu vực đèo Lũng Lô, địch đã ném xuống 2070 quả bom, có những ngày đèo Lũng Lô phải hứng chịu 200 quả bom. Trong suốt chiến dịch, mỗi ngày có từ 16 đến 18 chiếc máy bay địch oanh tạc từ 5- 6 lần và thả xuống dây gần 12.000 tấn bom các loại. Bom nổ ngay, bom nổ chậm đào thành những ao sâu, làm sạt lở taluy, mặt đường nham nhở đất đá. Trời nắng thì bụi mù, trời mưa nhiều chỗ phải lát rông- đanh (rondin) chống lầy thì xe mới qua được. Anh chị em dân công, cán bộ, những người đi bộ phải tụt dép mà đi chân đất, bởi không có đôi dép cao su nào chịu nổi cái mặt đường nhão nhoét đầy bùn đất ấy.Vì vậy nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt ra chiến trường gặp rất nhiều khó khăn, lại vừa phải chống gián điệp, biệt kích. Vừa lo tránh máy bay địch bắn phá, bảo toàn lực lượng, đòi hỏi mọi người phải hết sức cố gắng. Cuộc chiến đấu bảo vệ cầu đường diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Địch càng bắn phá dữ dội, tinh thần dũng cảm bám giữ cầu của quân dân ta càng cao.

Xác định rõ nhiệm vụ chính trị lúc này là đảm bảo giao thông thông suốt ra chiến trường, Đảng bộ Yên Bái đã động viên quân và dân tập trung sức lực, vật lực thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày đêm xả núi, phá đá, bắc cầu, chống lụt, chống biệt kích, bắn trả máy bay địch, sửa chữa, san lấp những nơi bị bom mìn làm hỏng, tháo gỡ bom mìn chưa nổ. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, tỉnh Yên Bái đã huy động 124.458 lượt người làm đường, 173.197 công đào đắp, san lấp hố bom, chống lún, sạt lở... Nhân dân xã Thượng Bằng La đã tự nguyện quyên góp hàng ngàn cây gỗ, hàng vạn cây tre, nứa, bương, vầu, cột nhà để lót đường, bắc cầu thông xe, vận tải quân lương vào chiến dịch. Hơn 200 ngày đêm quân dân ta vừa mở đường vừa bảo vệ và vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, vũ khí đạn được... đến nơi an toàn. Nhiều tên đất, khe, hang động góp phần không nhỏ cho chiến dịch với những kỷ niệm không quên trong lòng đồng bào, đồng chí. Đó là “Hang Vũ Khí” còn gọi là “Hang Đại Tướng” ở Bản Ban (Sơn La), nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dừng chân trên đường ra trận. Đó là “Hang Thương Binh” ở Bản Dạ (Yên Bái), nơi tạm nghỉ của thương binh khi trở về hậu phương điều trị. Một phần đèo Lũng Lô thuộc xã Thượng Bằng La là trọng điểm 7A, Bản Dạ là trọng điểm 7B có binh trạm T.100, có cánh rừng mênh mông che giấu mấy chục ô tô, hàng trăm xe thồ chờ đến tối là vượt đèo ra trận. Bên kia đèo là bạt ngàn những rừng nứa rậm rạp, cành lá um tùm che lấp hết cả, đúng là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, anh chị em dân công tha hồ dựng lều, dựng lán không sợ máy bay địch bắn phá. Bản Mỏ là trọng điểm C7 qua xưởng sửa chữa ô tô và trạm thương binh. Bản Vằm là trọng Điểm 7D có trụ sở Ban chỉ huy Công trường 13A và là nơi làm việc của cán bộ cấp cao. Đây còn là những trọng điểm trú quân, giấu hàng, cũng là nơi bom đạn giặc trút xuống vô hạn nhằm ngăn chặn quân ta vượt đèo. Thượng Bằng La như một cái túi chật căng dồn chứa hàng mấy chục ngàn dân bản địa và hàng vạn bộ đội, dân công các tỉnh, hàng trăm xe ô tô, xe đạp thồ nên các sinh hoạt kháng chiến sôi động một vùng rộng lớn trong phạm vi 18km chiều dài, 3km chiều ngang hai bên lề con đường 13A máu lửa. Ban ngày xáo động vì máy bay giặc, ban đêm rừng rực không khí khẩn trương vận chuyển hàng hoá, hành quân ra chiến trường.

Đèo Lũng Lô là một kỳ tích lịch sử khiến cho thực dân Pháp bất ngờ, khiếp sợ, chúng điên cuồng cho máy bay không ngừng ào ào kéo tới, gầm rú, thả bom, sát thương bộ đội và dân công. Nhiều đoạn đường bị hỏng, hàng nghìn bộ đội, dân công đã ngã xuống trên "con đường máu lửa" này. Ngay cả trước ngày chiến thắng 7/5/1945, hoạ sĩ Tô Ngọc Vân cũng bị trúng bom, hy sinh bên đèo Lũng Lô. Ông đã để lại bộ ký hoạ tuyệt vời về bộ đội, dân công, đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong thời gian diễn ra chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, tiêu biểu như tranh "Hành quân qua suối", "Đèo Lũng Lô"... Nhà văn Nguyễn Đình Thi trên đường ra trận cũng bị bom đạn địch đuổi bắn, hất bay khỏi thùng xe, may mà mắc vào cây to bên bờ vực mà thoát chết, tiếp tục tìm về đơn vị chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Với tinh thần "Tất cả cho chiến trường, tất cả cho tiền tuyến" hàng vạn lượt người, công binh, dân công ngày đêm vẫn kiên cường trụ bám cầu đường, nêu cao khẩu hiệu: "Địch Đánh ta lại sửa ta đi", "Địch phá đoạn này, ta mở đoạn khác", "Địch phá ban ngày, ta làm ban đêm"... Nhờ đó, hàng vạn bộ đội, dân công, thanh niên xung phong, hàng vạn ô tô, xe thồ chở lương thực, vũ khí đạn dược... vẫn tiếp ứng đầy đủ, kịp thời cho chiến trường. Dân công không quản ngại "Gánh nặng đường xa" thường động viên nhau bằng kinh nghiệm đi trong đêm: "Đường trơn gánh nặng, sờ quang gánh nhau mà đi".

Khắp các nẻo đường ra trận, ở đâu cũng nghe thấy tiếng cười tiếng nói hồn nhiên, vui vẻ, những lời ca tiếng hát, những câu hò vang rộn núi rừng.

Chính khí thế lao động, chiến đấu và đời sống lạc quan cách mạng đó đã giúp cho sức sống của cuộc kháng chiến thêm bất diệt, tạo nên sức mạnh thần kỳ cho dân tộc ta tiến lên giải phóng Điện Biên Phủ, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp, đem lại độc lập tự do cho đất nước.

Đèo Lũng Lô hôm nay vẫn còn đó như một minh chứng hào hùng của lịch sử. Quá khứ đã lùi xa, đường đèo đã được san gạt, tôn tạo, mở rộng, đi lại thuận lợi hơn. Người còn sống, người hy sinh và những vết thương chiến tranh đã dần được hàn gắn. Cuộc sống con người ở nơi đây đã đổi thay. Song mỗi khi nhắc đến đèo Lũng Lô, dốc Pha Đin thì cái khí thế hào hùng của cả một dân tộc như trỗi dậy, như hiện ra trước mắt mọi người, đâu đó còn vang lên mãi câu thơ của Tố Hữu:

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ

Đèo Lũng Lô anh hò chị hát

Ghi nhận những cống hiến trên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp oanh liệt, năm 2000 Đảng, Nhà nước đã tôn vinh, phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Thượng Bằng La. Ngày 27/4/2011 Nhà nước đã cấp Bằng Di tích lịch sử- văn hoá cấp Quốc gia cho đèo Lũng Lô, di tích đèo Lũng Lô gắn với chiến công, chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn của nhân dân các dân tộc Tây Bắc, của cả nước nói chung và của nhân dân Yên Bái nói riêng.

                                                                        

 

H.V.Q

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter