• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Du Xuân Đại Phác
Ngày xuất bản: 26/03/2024 8:26:47 SA


Ký của NGUYỄN HIỀN LƯƠNG

 

                                                                

 

 

Đầu Xuân, tôi có chuyến lên Đại Phác, nơi đã diễn ra trận đánh tiêu diệt đồn Đại Phác vào ngày 19/5/1949, đập vỡ một mắt xích quan trọng trên phòng tuyến của địch, mở màn cho chiến dịch Sông Thao của bộ đội ta thắng lợi. Đại Phác hôm nay là một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của huyện Văn Yên. Với những đóng góp cho hai cuộc kháng chiến và xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân Đại Phác đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1998, Huân chương Lao động hạng III năm 2010, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh và huyện. Hòa mình vào Đại Phác đang tràn ngập sắc xuân, tôi lại bồi hồi nhớ về quá khứ…

 

Mới chỉ biết Đại Phác qua bài học lịch sử về trận đánh tiêu diệt đồn địch năm xưa, nay mới được đặt chân tới, lại đúng dịp đầu Xuân quả là có rất nhiều cảm xúc. Đã trao đổi với Chủ tịch UBND xã Đại Phác Hoàng Kim Chung qua điện thoại từ trước nên anh đón tôi ở Trụ sở xã. Tôi đặt 3 vấn đề muốn tìm hiểu với anh: lịch sử Đại Phác, trận công đồn năm xưa và Đại Phác nông thôn mới hôm nay, sau đó xin anh dẫn đi tham quan một thôn.

Chủ tịch Chung vui vẻ gật đầu, không cần giở sổ sách, trao đổi ngay: Đại Phác hôm nay là một phần của xã Đại Đồng, thuộc huyện Trấn Yên, được thành lập ngay sau cách mạng Tháng Tám 1945, khi hệ thống chính quyền của chế độ cũ bị xóa sổ, ta thành lập chính quyền nhân dân. Năm 1964, theo quyết định của Chính phủ, 19 xã của huyện Trấn Yên, trong đó có xã Đại Đồng và 6 xã của huyện Văn Bàn được tách ra để thành lập huyện Văn Yên. Năm 1965, Bộ Nội vụ ra quyết định đổi tên Đại Đồng thành Đại Phác. Đến năm 1967, Bộ Nội vụ lại ra quyết định chia xã Đại Phác thành xã Đại Phác và xã An Thịnh. Còn về trận đánh đồn Đại Phác- nói rồi Chủ tịch Chung dẫn tôi tới khung ảnh có gần chục tấm ảnh đen trắng, chỉ tay bảo- Năm 2019, xã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đại Phác, có mời các Cựu chiến binh Tiểu đoàn 11 đánh đồn Đại Phác năm xưa về dự. Các bác ấy tặng xã những tấm ảnh chụp khi nhận nhiệm vụ tiêu diệt đồn Đại Phác và hình ảnh đồn Đại Phác sau khi bị quân ta tiêu diệt, cùng nhiều thông tin quý về quá trình đánh đồn- Tôi vừa chăm chú xem những tấm ảnh đen trắng chụp cách đây đã hơn 70 năm nhưng vẫn còn rõ nét vừa lắng nghe Chủ tịch Chung chia sẻ- Khi Thực dân Pháp trở mặt, quay lại đánh ta, ngày 18 tháng 10 năm 1947, chúng đã chiếm được Yên Phú, Đại Phác, Đại Bục, Gióm, Phong Dụ, Châu Quế Thượng. Chiếm tới đâu, chúng dựng chính quyền tay sai phản động đến đấy, đồng thời lập các đồn Đại Bục, Đại Phác, Gióm, Phố Ràng, tạo nên phòng tuyến Sông Thao nhằm khống chế giao thông thủy, bộ của ta, tạo điều kiện cho hành quân càn quét, mở rộng vùng kiểm soát, làm bàn đạp tiến quân về phía Đông. Đồn Đại Phác là một trong những cứ điểm mạnh nhất của địch trên phòng tuyến Sông Thao; được đặt trên một quả đồi cao chừng 30m, cạnh Suối Thia, tựa lưng vào dãy núi cao, thuộc thôn Ba Luồng nay là thôn Trung Tâm. Với vị trí này, đồn Đại Phác không chỉ khống chế tuyến đường bộ từ Mậu A đi Trái Hút, Văn Bàn, Than Uyên mà còn khống chế cả tuyến đường thủy trên sông Hồng và Suối Thia, ngăn chặn ta đột nhập, vận chuyển lương thực, vũ khí cung cấp cho các cơ sở kháng chiến trong vùng địch hậu. Đồn có cấu trúc 2 khu, khu A và khu B, mỗi khu nằm trên mỏm cao của đồi, cách nhau một dải yên ngựa chừng 70m; xung quanh đồn có nhiều lớp hàng rào và các chướng ngại vật. Về vũ khí, được trang bị hỏa lực mạnh, gồm 5 súng máy F.M, 2 đại liên, 10 si-ten, 3 tôm- sơn, 3 cạc- bin, 2 móoc chê 60mm, 60 súng trường; 2 máy thu phát vô tuyến điện. Quân số đóng tại đồn khoảng 115 tên, gồm 22 sĩ quan và lính Pháp, 33 lính khố đỏ và lính dõng. Về phía ta, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch Sông Thao nhằm tiêu diệt một phần sinh lực địch và phá vỡ phòng tuyến của chúng, để mở rộng căn cứ Tây Bắc từ sông Thao đến sông Đà, đồng thời cũng là dịp để bộ đội ta tập dượt, chuyển từ du kích chiến sang vận động chiến, chuẩn bị cho tổng phản công. Tham gia chiến dịch có 5 tiểu đoàn bộ binh, gồm Tiểu đoàn 11, Tiểu đoàn 54, Tiểu đoàn 79, Tiểu đoàn 630, Tiểu đoàn 564 và 2 đại đội pháo binh, 2 khẩu phóng bom, 5 đại đội độc lập của Trung đoàn 115. Chiến dịch chia làm hai đợt, đợt 1 tiêu diệt đồn Đại Phác và Đại Bục, mở màn vào đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, 19 tháng 5 năm 1949. Tiểu đoàn 11, còn gọi là tiểu đoàn Phủ Thông được giao đánh đồn Đại Phác, Tiểu đoàn 54 đánh đồn Đại Bục. Phương án tác chiến là tấn công cường tập ban ngày. Tiểu đoàn 54, có sự yểm trợ của pháo binh sẽ tấn công đồn Đại Bục trước. Sau đó, pháo binh chuyển làn yểm trợ cho Tiểu đoàn 11 tấn công đồn Đại Phác. Song, trước khi Tiểu đoàn 54 nổ súng, Tiểu đoàn 11 đã chiếm lĩnh được trận địa, cắt được 20m hàng rào. Nên khi Tiểu đoàn 54 nổ súng, chỉ huy Tiểu đoàn 11 quyết định không đợi pháo binh yểm trợ mà cũng nổ súng ngay. Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên lệnh cho đội trợ chiến bắn 11 quả móoc chê vào đồn, đại liên và súng phóng bom cũng dội đạn vào các ổ đề kháng của địch. Sau đó, tổ xung kích vượt hàng rào, xông lên đánh chiếm cả khu A và khu B. Quân ta đã chiếm được khu A, còn khu B, do sườn đồi quá dốc, địch lại ngoan cố chống cự nên các mũi xung kích chưa phá được hết hàng rào. Trời sắp tối, Tiểu đoàn trưởng quyết định đổi hướng tấn công, để một bộ phận quân trước khu B nghi binh địch, đồng thời lệnh cho cánh quân ở khu A đánh tràn sang chiếm khu B. Cửa khu B địch đặt chướng ngại vật, cản trở ta xung phong. Được sự yểm trợ của hỏa lực, một tổ 3 người quyết tử xông lên khiêng chiếc chướng ngại vật của địch vứt sang một bên, mở đường cho xung kích xung phong chiếm đồn. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong hồi ký: “Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên báo cáo trận Đại Phác. Vị trí này là sở chỉ huy tiểu khu, quân số đông hơn Đại Bục. Tiểu đoàn trưởng quyết định không chờ pháo, ra lệnh cho súng cối bắn vào đồn và dùng mọi hỏa lực bắn thẳng bịt các lỗ châu mai, yểm hộ cho bộ đội bắc thang vượt qua lớp rào lông nhím để xung phong. Từ các lô-cốt, ụ súng chưa bị phá, quân địch bắn ra dữ dội. Rút kinh nghiệm trận Phủ Thông, lần này cùng đi với các chiến sĩ xung kích cầm mác, có cả những chiến sĩ có súng trường, tiểu liên, ba-dô-ca. Nên các hỏa điểm trong đồn địch lần lượt bị dập tắt. Bộ đội xung phong tiêu diệt các ổ đề kháng. Đồn Đại Phác bị tiêu diệt sau một giờ chiến đấu…”. Tiêu diệt được đồn Đại Phác và Đại Bục, ta đã đập vỡ được 2 mắt xích quan trọng, chọc thủng phòng tuyến địch, mở màn cho chiến dịch Sông Thao thắng lợi, hệ thống ngụy quyền cũng bị tan vỡ theo. Đây cũng là lần đầu tiên, bộ đội ta thực hiện lối đánh công kiên vào đồn địch quy mô cấp tiểu đoàn, thể hiện trình độ phát triển kĩ thuật, chiến thuật của quân đội ta, qua đó rút được nhiều bài học kinh nghiệm cho tác chiến trong giai đoạn tổng phản công. Nhân dân Yên Bái nói chung và nhân dân Đại Phác nói riêng đã có nhiều đóng góp cho chiến dịch. Mặc dù là kỳ giáp hạt, dự trữ lương thực hạn chế song cả tỉnh đã cung cấp 312 tấn gạo, hàng nghìn kg thực phẩm cho bộ đội, huy động 45.000 ngày công phục vụ chiến dịch, làm 55 mảng vượt sông, cho mượn 120 ngựa thồ. Đội du kích Đại Đồng (nay là Đại Phác) đã tích cực hoạt động ngay từ những ngày đầu thành lập và vinh dự được tham gia chiến dịch sông Thao. Cuốn lịch sử Đảng bộ xã Đại Phác ghi rõ: Sau Cách mạng Tháng Tám, 1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Chu Văn Sách- cán bộ Khu bộ Việt Minh, Đội Tự vệ xã Đại Đồng đã được thành lập do ông Hoàng Đình Tam làm Đội trưởng, để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tháng 10 năm 1945, đổi tên thành Đội Du kích, lúc đầu chỉ có một tiểu đội, sau phát triển thành trung đội do đồng chí Hoàng Cao Hỷ làm Trung đội trưởng, chủ yếu làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, bảo vệ chính quyền cách mạng. Đến năm 1947, Đội du kích Đại Đồng được củng cố, quân số lên đến 40 người, chủ yếu là người Tày do ông Hoàng Cao Sơn làm Đội trưởng. Đội được trang bị vũ khí mạnh hơn, mở rộng địa bàn hoạt động, đã tiến hành hàng chục trận phục kích, tập kích các toán địch đi tuần tiễu, hoặc di chuyển quân, tiêu diệt một số tên, thu nhiều chiến lợi phẩm. Ngày 19 tháng 5 năm 1949, Đội du kích xã Đại Đồng được vinh dự phối hợp với bộ đội chủ lực Tiểu đoàn 11, tiêu diệt đồn Đạị Phác.- Ngừng một lát mời uống nước, rồi Chủ tịch Chung chia sẻ tiếp: Suốt thời kì chống Pháp, nhân dân và du kích xã vừa tích cực bảo vệ quê hương, vừa ra sức tăng gia, sản xuất để quân ta ăn no, đánh thắng. Thời kì chống Mỹ, nhân dân Đại Phác với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, mỗi năm đóng góp trên 200 tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường, tiễn đưa 250 con em lên đường chiến đấu. Lực lượng dân quân xã vừa chắc tay cày, vừa hay tay súng, bắn rơi một máy bay F105 của Mỹ, góp phần cho cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Hòa bình lập lại, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân Đại Phác, đoàn kết một lòng quyết xây dựng quê hương Đại Phác ngày càng giàu hơn, đẹp hơn, nhân dân Đại Phác no ấm, hạnh phúc hơn. Với những đóng góp lớn lao cho 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, năm 1998, nhân dân và lực lượng vũ trang Đại Phác đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khu đồn Đại Phác năm xưa cũng được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2006. Năm 2010, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Đại Phác, lại vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạnh III.

Nhìn gương mặt và nghe giọng nói của Chủ tịch xã Hoàng Kim Chung kể về chiến thắng Đại Phác, tôi hiểu, 74 năm đã đi qua, song chiến thắng Đại Phác vẫn mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Đại Phác hôm nay nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh, xây dựng Đại Phác ngày càng “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” hơn như định hướng phát triển Yên Bái của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Về thực hiện mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Hoàng Kim Chung cho biết: Đại Phác có tổng diện tích 1.136,57ha; dân số 997 hộ với 3.478 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh, Tày. Xã được chia thành 5 thôn: Đại Thắng, Trung Tâm, Tân Thành, Tân An, Phúc Thành. Tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế- xã hội của Đại Phác chính là đất đai và con người Đại Phác. Đại Phác có cả 3 nguồn đất: đất ruộng trồng lúa nước, đất soi bãi trồng màu và đất đồi trồng quế và cây lâm nghiệp. Người Đại Phác luôn cần cù, thông minh, sáng tạo và khát vọng vươn lên. Vấn đề đặt ra là lãnh đạo xã phải giải được bài toán “Trồng cây gì? Nuôi con gì?” cho phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, kinh nghiệm sản xuất của nhân dân để đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê mình. Về trồng trọt hàng hóa, với diện tích đất ruộng trồng lúa nước là 127,06ha, xã chọn cây lúa chiêm hương là cây chủ lực, xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung sản xuất lúa gạo chiêm hương Đại Phác chất lượng cao và xin cấp mã vùng cho sản phẩm; với nguồn đất soi bãi 42ha, xã chọn cây chủ lực là cây dâu, phát triển trồng dâu nuôi tằm, thành lập Hợp tác xã dâu tằm; cây ngô để phát triển các mô hình chăn nuôi gà, lợn hàng hóa; với diện tích đất đồi rừng 564ha, xã phát triển thành vùng trồng quế và phát triển các dịch vụ về quế, gồm ươm quế giống, chế biến sản phẩm OCOP quế sáo Đại Phác. Về phát triển chăn nuôi hàng hóa, xã đã lập quy hoạch xây dựng 35 mô hình chăn nuôi hàng hóa giai đoạn 2021- 2023, gồm mô hình nuôi gà đen, mô hình nuôi dê, lợn, mô hình nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên. Đến nay cả 35 mô hình đã được nghiệm thu, phát huy hiệu quả tốt. Về tổ chức sản xuất, xã đã thành lập 04 hợp tác xã, 30 tổ hợp tác có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình cũng rất tích cực phát triển kinh tế hộ đạt hiệu quả cao, như hộ ông Hoàng Việt Trung thôn Đại Thắng, hộ ông Nguyễn Đức Huy thôn Trung Tâm, hộ ông Phạm Văn Cường thôn Tân Thành, hộ ông Phạm Quốc Uân thôn Tân Thành, hộ ông Phạm Văn Thân thôn Phúc Thành… Hiệu quả phát triển kinh tế đã đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới của xã. Năm 2015, xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng, ngay khi được công nhận là xã nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền Đại Phác đã xây dựng đề án, lựa chọn giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế phù hợp thực tiễn của địa phương, phấn đấu lên nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã, cuối năm 2021, xã hoàn thành 5/5 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trở thành xã thứ 2 của huyện Văn Yên đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Cũng ngay khi đại chuẩn nông thôn mới nâng cao, không dừng lại, xã xác định tiếp tục duy trì tốt các tiêu chí đã đạt, đồng thời phấn đấu đạt chuẩn 4 tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay cả 4 tiêu chí đều đạt. Về tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, năm 2021 khi được công nhận là nông thôn mới nâng cao là 49,5 triệu đồng, cuối năm 2022 là 53 triệu đồng, cuối năm 2023 lên 56,2 triệu đồng, tăng 12% so với thời điểm được công nhận nông thôn mới. Về tiêu chí để ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất mang đặc trưng địa phương, Chủ tịch Chung cho biết, năm 2022 xã đã tổ chức thành công ngày Hội Văn hóa Tày Đại Phác, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa Tày mang giá trị đặc trưng của địa phương. Đại Phác có hơn 36% dân số là người Tày, sống tập trung ở 2 thôn Đại Thắng và Trung Tâm, đây là những cư dân bản địa, sinh sống lâu đời trên địa bàn Đại Phác, có nền văn hóa Tày phong phú từ trang phục, vật dụng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày, trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian đến ẩm thực. Các giá trị văn hóa này cần được bảo tồn, phát huy và giới thiệu đến bạn bè, du khách gần xa nên xã đã tổ chức ngày hội văn hóa Tày. Ngày Hội được tổ chức vào đúng Ngày Gia đình Việt Nam 28 tháng 6, nhằm gửi tới nhân dân thông điệp: “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, sẽ góp phần xây dựng gia đình, thôn bản hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống, đem lại sự hài lòng cho người dân”. Tại ngày hội, đã diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc mang đậm chất văn hóa Tày truyền thống. Văn nghệ dân gian có hát then Tày, khắp Tày, múa Tày. Trò chơi và thể thao dân gian, có thi đấu cà kheo nam, nữ, đôi nam nữ, cự li 50m, 100m; thi đấu cù quay nam, nữ; kéo co; đặc biệt là tiết mục dân vũ cà kheo. Đi cà kheo là một nét văn hóa dân gian của người Tày Đại Phác có từ lâu,  nay được kết hợp với nhạc hiện đại để trở thành tiết mục dân vũ cà kheo độc đáo. Mỗi thôn thành lập một đội dân vũ cà kheo, số lượng 30 người, biểu diễn rất hay trong ngày hội. Truyền thống kết hợp với hiện đại một cách hài hòa, độc đáo, được nhân dân, nhất là các thanh niên rất yêu thích, nhiệt tình tham gia. Trong ngày Hội, còn trưng bày 4 gian hàng, trong đó có 2 gian ẩm thực, đều là những món ăn Tày truyền thống trong bữa ăn hàng ngày và trong các ngày lễ tết; cùng các sản vật được người Tày Đại Phác trồng cấy và chế biến; 2 gian trưng bày các loại trang phục, nhạc cụ Tày và dụng cụ sản xuất truyền thống, thu hút rất đông người xem. Điều đáng nói là mọi công việc từ chuẩn bị, luyện tập, đến tổ chức ngày Hội đều do Ban Công tác Mặt trận, Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình và Hội người Tày Đại Phác thực hiện. Xã chỉ định hướng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân tổ chức. Tuy là lần đầu tổ chức nhưng thành công ngoài mong đợi. Sự thành công không chỉ là bản sắc văn hóa Tày được tái hiện, nâng cao ý thức và hành động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của bà con dân tộc Tày trong xã mà còn giới thiệu, quảng bá các đặc sắc văn hóa, hình ảnh quê hương Đại Phác, góp phần cho phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Ngoài các giá trị văn hóa phi vật thể, Đại Phác còn có đình, đền đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp tỉnh từ năm 2022, xã đã tiến hành xã hội hóa tu sửa để tổ chức lễ hội đình- đền Đại Phác vào ngày Dần đầu năm. Về tiêu chí xây dựng xã “thông minh”, xã đã thực hiện tốt chuyển đổi số, hiện 70% hoạt động của cấp xã được xử lý trên môi trường số, các văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước đã được thực hiện dưới dạng điện tử và chữ ký số, trừ văn bản mật; trên 65% hồ sơ được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến; trên 1.799 công dân trong xã cài đặt tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 (VNEID), đạt 102% chỉ tiêu giao, là xã hoàn thành cài đặt VNEID đầu tiên của huyện Văn Yên. Trên 65% người dân trưởng thành trong xã sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và sử dụng nền tảng số Yên Bái- S. Thôn Tân Thành, có mạng Wifi miễn phí tại Nhà văn hóa thôn, có hệ thống loa truyền thanh. Các hộ gia đình trong thôn được tiếp cận và ứng dụng nền tảng số trong các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe trực tuyến. Các lĩnh vực giáo dục- y tế- môi trường cũng đều đã đạt chuẩn quốc gia. Trưởng Tiểu học và Trung học cơ sở Đại Phác đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trạm Y tế duy trì tốt chuẩn quốc gia về Y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện đạt trên 94%. Xã luôn có sự gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với bảo vệ môi trường, tạo nên bước chuyển lớn cả về ý thức và hành động của người dân trong bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Thông điệp của người Đại Phác về môi trường là: “Bảo vệ môi trường như bảo vệ hơi thở của bạn; bảo vệ chính bản thân bạn, gia đình bạn và cộng đồng”. Các phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, "Mỗi người- mỗi ngày một việc, góp phần làm sạch môi trường” được đẩy mạnh, trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, có hiệu quả cao. Các tuyến đường liên xã, liên thôn đều được giao cho 1 hội hoặc 1 chi hội đoàn thể cấp xã, cấp thôn chịu trách nhiệm quản lý, các đường ngõ xóm cũng giao cho từng gia đình quản lý. Toàn dân Đại Phác chung tay, chung sức, chung lòng bảo vệ môi trường sống; toàn dân Đại Phác cùng vì môi trường sống của mình và mọi người "Sáng- Xanh- Sạch- Đẹp”. Cơ sở hạ tầng của xã cũng ngày càng phát triển, nhiều công trình đã hoàn thành trong năm 2023, như Trụ sở UBND xã; Chợ xã; tuyến đường trục chính của xã được láng nhựa từ Trạm Y tế xã tới Mỏ đá, có độ dài 1,63km; mở mới tuyến đường đất từ thủy điện Đồng Sung đi xã Đại Sơn, đoạn qua Đại Phác dài 3,6km, mặt đường 3,5m. Cầu Đại Phác- Yên Phú cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2023- 2025, để phá thế đường cụt của xã. Về chính sách tôn giáo, Đại Phác có 559/997 hộ với 2.214 nhân khẩu/ 3.478 nhân khẩu theo đạo công giáo. Suốt những năm qua bà con giáo dân Đại Phác luôn sống với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, kính Chúa và yêu nước, đều là những giáo dân- công dân mẫu mực, đoàn kết lương- giáo, cùng xây dựng quê hương Đại Phác thêm giàu, thêm đẹp, cuộc sống người dân Đại Phác thêm ấm no, hạnh phúc. Các thôn dù giáo hay lương cũng đều phấn đấu trở thành thôn văn hóa, thôn hạnh phúc, thôn thông minh để xây dựng xã Đại Phác thành xã văn hóa, hạnh phúc, thông minh.

Đã gần trưa, Chủ tịch xã Hoàng Kim Chung cùng cán bộ công chức văn hóa Phạm Văn Biên dẫn tôi đi tham quan Đại Phác. Tới di tích đồn Đại Phác, giờ chỉ còn dấu vết của những giao thông hào, tôi nhìn ra phía sông Hồng, con sông mùa xuân vẫn dậm màu phù sa, yên ả, lững lờ trôi xuôi, bờ bãi ven sông mướt mát, biêng biếc màu xanh của dâu tằm, ngô, khoai, đậu, lạc. Nhìn sang, phía cửa ngòi Thia, nước cửa ngòi trong xanh như màu lá chuối non đang hòa dần vào màu phù sa của nước sông Hồng. Cảnh sông nước, bờ bãi, núi non đẹp đẽ, yên ả, thanh bình, khiến nhìn mãi mà không chán mắt. Trở về, rẽ vào thôn Trung Tâm và thôn Đại Thắng. Đây là 2 thôn có đồng bào Tày sinh sống. Hỏi về ngày Hội Văn hóa Tày, ai ai cũng hồ hởi nói, ngày Hội vui lắm, thích lắm, mong mỗi năm được tổ chức một lần, không chỉ cho riêng người Tày Đại Phác mà mời bà con dân tộc Tày tại các xã lân cận cùng tham gia để mọi người được giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Có người còn mong muốn xã tổ chức cả ngày Hội Lồng tồng (Hội xuống đồng) của người Tày, vào dịp đầu năm để cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, thôn, bản bình yên, nhà nhà, người người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc… Nhìn nét mặt thân thiện, dễ gần, dễ mến của bà con, tôi chợt nhớ định hướng của Huyện ủy Văn Yên về xây dựng con người Văn Yên phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, hướng đến chân- thiện- mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, vừa mang đặc trưng văn hóa, con người Việt Nam, vừa thể hiện nét riêng có của con người Văn Yên “Nghĩa tình, thân thiện, đoàn kết, khát vọng, sáng tạo, hội nhập”, là đây chứ còn đâu nữa. Quả là ý Đảng hợp với lòng dân. Thấy mấy cô gái trẻ trong trang phục Tày đang cười nói ríu ran trên đường. Tôi hỏi các cháu đi đâu về mà mặc toàn váy áo Tày vậy? Các cô bảo: Chúng cháu đi tập múa chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ mừng xuân mới. Vì là múa Tày nên phải mặc đúng trang phục chú ạ.- Tôi chỉ vào vườn mận, mơ đang trổ hoa của ngôi nhà ven đường bảo: “Mấy cháu vào trong kia cho chú xin một kiểu ảnh”. Các cô vui vẻ đồng ý. Nhìn những khuôn mặt hồn nhiên, những nụ cười tươi tắn, những dáng thân, dáng tay mềm mại của các thiếu nữ Tày trong trang phục truyền thống màu chàm biếc nổi bật lên giữa vườn hoa mận màu trắng muốt, hoa mơ màu trắng sữa bừng nở từng chùm trên thân cành; một làn gió xuân thổi nhẹ, những cánh hoa mỏng manh bay lất phất như tuyết rơi, tôi mê mải bấm máy để chọn những khuôn hình đẹp nhất.  

Mùa xuân đã về với Đại Phác thật rồi! Không chỉ là mùa xuân của thiên nhiên mà còn là mùa xuân của lòng người. Cảm xúc về một Đại Phác anh hùng trong chiến đấu giành độc lập tự do và một Đại Phác tràn đầy khát vọng vươn lên giàu hơn, mạnh hơn, đẹp hơn, ấm no hơn, hạnh phúc hơn cứ lâng lâng trong lòng tôi; dâng lên trong tôi một niềm tin mãnh liệt: Đại Phác nhất định sẽ trở thành một miền quê đáng sống của miền đất nhớ Văn Yên. Bởi vẫn là những con người Đại Phác, thế hệ trước đã góp phần viết lên những trang sử hào hùng trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do, hôm nay con cháu họ bằng trí lực và khát vọng sẽ viết tiếp trang sử về Đại Phác trong dựng xây cuộc sống mới. Thế hệ sau của người Đại Phác không quên quá khứ nhưng cũng luôn hướng tới tương lai với một khát vọng và niềm tin mãnh liệt, nhất định sẽ đưa Đại Phác vươn tới những tầm cao mới.

 

                                                                                                                                             N.H.L

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter