Ký của NGUYỄN TÂM
Gặp lại Phúc An sau chuyến công tác về vùng Đông Hồ chưa lâu mà tôi ngỡ như mình đã đi lạc đến nơi nào khác. Còn hơn một tháng nữa mới đón năm mới Giáp Thìn nhưng thay vì khung cảnh bộn bề, khói bụi của công trình giao thông tỉnh lộ 170 qua địa bàn xã đang được thi công nước rút thì nay, cờ hoa trang hoàng rực rỡ trên khắp các nẻo đường, thôn xóm; dọc hai bên con đường lớn, những quầy hàng chật chội bởi trước đó đã bị cắt đi phần lớn diện tích để hiến đất làm đường cũng đang được bà con sắp xếp lại và trang trí cho gọn gàng, đẹp mắt; những gương mặt rạng rỡ, tươi vui của đồng bào Dao, Tày, Cao Lan tất bật chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho Tết Nguyên đán, cho ngày hội mở đình, cho lễ hội cầu mùa, lồng tồng… Lòng người hân hoan, phấn khởi; không khí náo nhiệt, rộn ràng ngập tràn trên khắp quê núi Phúc An, như thể nàng xuân đã dành sự ưu ái đặc biệt mà về sớm với miền đất sơn thủy hữu tình này.
Vốn là xã vùng 2 thuộc khu vực thượng huyện, Phúc An nằm ở phía Đông hồ Thác Bà, cách trung tâm huyện 50 km đường bộ. Với địa hình nằm dọc theo sông Chảy, một bên tựa núi, một bên là sông, khí hậu ôn hoà, tài nguyên phong phú, có điều kiện thuận lợi phát triển nông- lâm nghiệp, thủy sản và du lịch; lại có trục đường tỉnh lộ Vĩnh Kiên- Yên Thế chạy qua, giao thông đi lại thuận tiện, giúp cho giao lưu kinh tế hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội và đời sống dân sinh có nhiều thuận lợi… Thế nhưng mãi cho đến năm 2020, Phúc An vẫn là một trong 10 xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình.
Năm 2011, bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Phúc An đối mặt với tất cả những khó khăn đặc thù, cơ bản của một xã nghèo: trên 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều; 87% lao động là lao động phổ thông trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; đội ngũ cán bộ thiếu kinh nghiệm; nền tảng ban đầu gần như là con số không, từ quy hoạch xây dựng, giao thông nông thôn, công trình thuỷ lợi,cơ sở vật chất trường học, văn hoá, y tế… đều thiếu trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước cũng như ngân sách địa phương còn khó khăn nên chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng các công trình công cộng của xã; tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống của nhân dân trong xã gặp nhiều khó khăn nên nguồn lực đóng góp tham gia xây dựng cơ sở vật chất còn hạn chế... Thực tiễn địa phương khiến việc triển khai xây dựng nông thôn mới của xã trong những năm đầu gặp nhiều lúng túng.
Trong quyết tâm chung của toàn huyện phấn đấu nỗ lực đưa tất cả các địa phương về đích, nhằm hoàn thành mục tiêu đưa Yên Bình sớm trở thành huyện nông thôn mới, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện cùng sự giúp đỡ của các phòng, ban, đoàn thể huyện; trên đà thắng lợi thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết với những thành tựu mang tính nền tảng đã đạt được trong nhiệm kỳ trước cùng những bài học sâu sắc được rút ra cho cả hệ thống chính trị, cho người đứng đầu; bước vào nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ xã Phúc An đã đặt quyết tâm cao nhất nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách để xây dựng xã ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, Nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đây không chỉ là quyết tâm chính trị của Đảng bộ xã, mà chính là mục tiêu lớn nhất của người đứng đầu Phúc An- vị Bí thư Đảng bộ xã vốn là “khách” được điều chuyển từ Bạch Hà về nhận nhiệm vụ đưa xã về đích nông thôn mới.
Gặp lại Bí thư Đảng uỷ xã Phạm Đình Huân trong chuyến công tác cuối năm, tôi lại nhớ đến hình ảnh anh Bí thư trẻ trong dáng vẻ bình dân, xuề xoà, thân thiện của Bạch Hà ngày trước. So với Phúc An, Bạch Hà vốn nhiều khó khăn, ít điều kiện thuận lợi để phát triển hơn rất nhiều. Là xã vùng 3 nằm lọt thỏm trong những dãy núi cao, giao thông đi lại khó khăn, mọi thứ gần như biệt lập với bên ngoài; đến nỗi cán bộ lãnh đạo xã mỗi lần lên huyện họp phải khiêng xe, xắn quần lội suối. Ấy thế mà chỉ sau hơn 6 năm, bằng sự đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và tinh thần cầu thị, không ngừng tìm tòi, học hỏi của bản thân, anh Huân cùng tập thể cán bộ lãnh đạo, Nhân dân trong xã đã sớm đưa Bạch Hà trở thành xã nông thôn mới vào năm 2017. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Bạch Hà, anh Huân được điều động về giúp sức tìm cách tháo gỡ khó khăn cho Phúc An. Trong những câu chuyện cũ, chuyện mới mà tôi được nghe Bí thư Huân chia sẻ, anh có nói với tôi rằng sau khi vượt qua những lúng túng, vướng mắc ban đầu, cuối năm 2016 Phúc An đã xây dựng cho mình một kế hoạch dài hơi, nghiêm túc và bài bản; đội ngũ cán bộ từ xã tới thôn luôn đoàn kết, sáng tạo, tích cực trong công việc; người dân tuy thuần nông nhưng chất phác, cần cù, chăm chỉ làm ăn… chỉ là chưa tìm được cho mình một hướng đi phù hợp và hiệu quả. Bởi vậy, khi nhận nhiệm vụ về Phúc An, việc đầu tiên anh làm không phải là bắt tay ngay vào việc thực hiện các tiêu chí cụ thể mà chính là tập hợp lực lượng, chụm đầu cùng nhau bàn bạc, thống nhất tìm ra hướng đi mới; đồng thời tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tiễn của địa phương, nhất là tâm tư tình cảm của Nhân dân. Trong suốt 6 năm cùng Đảng bộ và Nhân dân Bạch Hà vượt khó vươn lên xây dựng thành công nông thôn mới, việc tạo dựng được niềm tin tuyệt đối của Dân với Đảng chính là bài học kinh nghiệm lớn nhất anh rút ra cho mình, cũng là bài học kinh nghiệm anh học hỏi được từ Việt Thành- một xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của huyện Trấn Yên. Với Phúc An, bài học ấy dường như vẫn còn nguyên giá trị khi được anh áp dụng và đã thành công.
Về Phúc An nhận nhiệm vụ từ năm 2019, anh Huân dành phần lớn thời gian cùng các thành viên trong Ban quản lý phụ trách xuống từng thôn, phối hợp với Ban phát triển thôn, trưởng ban công tác mặt trận và các đoàn thể trong thôn khảo sát tình hình tâm tư, nguyện vọng và đời sống của Nhân dân cũng như những thuận lợi, khó khăn khi triển khai thực hiện nông thôn mới. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, có thể nói công tác tuyên truyền, vận động luôn được các địa phương đặt lên hàng đầu, nhất là các địa phương miền núi với dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều… Phúc An cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, cùng với việc tuyên truyền giúp cho cán bộ, nhân dân hiểu về các chủ trương, chính sách, nội dung về xây dựng nông thôn mới thì công tác đào tạo, tập huấn, nghiên cứu, học hỏi cũng luôn được cán bộ lãnh đạo xã nghiêm túc triển khai. Cùng với đó, trên quan điểm đặt nhu cầu, lợi ích của người dân lên hàng đầu, Phúc An luôn coi việc vận động Nhân dân tích cực tham gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, lớn nhất cần phải thực hiện. Bởi cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nên hàng năm, xã luôn chủ động triển khai kế hoạch sản xuất; tập trung tìm kiếm, tranh thủ các chính sách hỗ trợ, các đề án, dự án phát triển vật nuôi, cây trồng đưa về cho bà con. Sau 2 năm nỗ lực theo hướng đi riêng, Phúc An đã tạo dựng cho mình một nền tảng cơ bản khi kinh tế- xã hội đã có sự chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã ngày càng lớn, nhất là với ông Bí thư đến từ Bạch Hà đã dần không còn là khách, mà được bà con nhân dân nơi đây yêu quý như người thân ruột thịt. Có được sự tin yên và đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, xây dựng nông thôn mới không chỉ còn là nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền mà đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, lan toả rộng khắp ở Phúc An. Chất lượng cuộc sống nâng lên, tư duy nhận thức dần thay đổi tạo nên không khí thi đua phấn khởi, tinh thần lao động hăng say, người Phúc An sẵn sàng tham gia và thực sự trở thành chủ thể trong công cuộc xây dựng quê hương. Họ mạnh dạn tham gia vào các đề án, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng, bỏ trồng cây sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi, trồng rừng; bớt diện tích trồng lạc, trồng khoai sang trồng dưa lê, dưa hấu; tăng quy mô chăn nuôi thành các mô hình chăn nuôi hàng hoá; khai thác diện tích mặt hồ phát triển nuôi trồng thuỷ, hải sản để tăng thu nhập. Họ cũng hăng hái, sẵn sàng dỡ rào hiến đất, hiến công trình và đóng góp tiền để mở rộng đường, xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh… Khó khăn dần được tháo gỡ, dù nói rằng không đặt nặng mục tiêu thực hiện các tiêu chí nhưng nhiều tiêu chí đã nhờ vậy mà hoàn thành. Đến năm 2021, khi UBND huyện Yên Bình ban hành kế hoạch xây dựng 4 xã: Ngọc Chấn, Yên Thành, Phúc An, Tân Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới thì Phúc An đã có đủ tự tin bước vào giai đoạn nước rút, mở đại chiến dịch để hoàn thành nốt những tiêu chí khó để đưa xã về đích vào năm 2022 theo kế hoạch.
Tròn 1 năm sau ngày kế hoạch của huyện được ban hành, Phúc An như một đại công trường khi tất cả các công trình cùng đồng thời được triển khai xây dựng. Từ công trình lớn như trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND xã; trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, chợ… cho đến các tuyến đường bê tông vào từng thôn, xóm hay nhóm hộ đều được huy động thực hiện ngay trong năm. Và rồi cùng với Tân Nguyên, người Phúc An đã thoả nỗi hân hoan khi được đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ngay trước thềm năm mới 2023 chỉ có một ngày. Nhìn lại cả hành trình 10 năm nỗ lực phấn đấu của tập thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, kết quả đạt được tuy chưa thực sự viên mãn, song lại chính là bước khởi đầu quan trọng, là nguồn động viên lớn để Phúc An tiếp tục xây dựng và phát triển. Trọn một ngày được Bí thư Đảng ủy Phạm Đình Huân đích thân đưa đi thăm quan xã, chúng tôi đã được ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh, chân thật, sinh động về một nông thôn mới đang từng ngày khởi sắc và được nghe nhiều câu chuyện, chia sẻ thú vị về mảnh đất, con người Phúc An. Trong những câu chuyện ấy, tôi nhận ra những tâm tư, tình cảm và tâm huyết không hề nhỏ mà bấy lâu anh Huân luôn đặc biệt dành cho Phúc An. Ngược con đường tỉnh lộ về điểm đầu của xã để đưa chúng tôi đến thăm một vài địa danh di tích không chỉ có dáng vẻ hoang sơ, phong cảnh hữu tình mà còn lưu giữ một sự tích tâm linh mang đậm chất nhân văn, huyền bí đã trở thành dấu ấn mang tính đặc trưng của Phúc An; anh Huân giới thiệu với chúng tôi về Đát Ô Đồ, di tích đền, chùa Ô Đồ và đình làng Ba Chãng với niềm phấn khởi, tự hào như thể nơi đây là quê hương của chính mình. Anh bảo: “Người Phúc An dù làm việc hay sinh sống ở đâu trên mọi miền đất nước thì cũng luôn nhớ và tự hào về quê hương mình. Trải qua thời gian và sự biến động về lịch sử, đền Ô Đồ (vốn có tến gọi là đền thờ Ông Đồ, thác Ông Đồ) giờ chỉ còn lại dấu vết nhưng sâu trong tâm trí, người dân nơi đây vẫn mãi ngưỡng mộ nhân cách, phong thái và tỏ lòng thành kính với Ông Đồ- người đã tạo nên truyền thống hiếu học của các thế hệ từ xa xưa cho đến mãi sau này”. Cùng thực hiện song song với việc hoàn thành các chỉ tiêu cây dựng nông thôn mới, năm 2022, Phúc An mạnh dạn đăng ký xây dựng và đã thành công, được công nhận là “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. Nhờ đó, không chỉ đời sống kinh tế- xã hội ngày càng ổn định, phát triển mà các thiết chế văn hóa cũng được đầu tư xây dựng, các lễ hội truyền thống của địa phương được khôi phục, hoạt động văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao được duy trì, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày một được nâng cao. Tính đến tháng 6 năm 2023, Phúc An đã thành công trong và đi đúng hướng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy được thế mạnh trong phát triển về nông- lâm- thủy sản và chăn nuôi. Tốc độ tăng trưởng được duy trì, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu/ người/ năm; hoạt động thương mại dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú; chất lượng giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao; an sinh xã hội được đảm bảo với 100% số hộ gia đình chính sách đều có mức sống ổn định, 79% lao động được qua đào tạo và 85% lao động thường xuyên có việc làm, tỷ lệ nghèo đa chiều chỉ còn 11,6%... Người Phúc An giờ đây rất hạnh phúc, bởi họ đã đặt trọn niềm tin vào Đảng, Nhà nước và luôn thấy hài lòng về cuộc sống họ đang có.
Rời khỏi khu văn hóa tâm linh của người Cao Lan và cảnh nhộn nhịp, sầm uất với những ngôi biệt thự cao tầng trên phố chợ trung tâm xã, anh Huân đưa tôi ra vùng hồ để tận hưởng không khí trong lành và ngắm nhìn những lồng cá sóng sánh dưới làn nước bạc. Với tổng diện tích mặt hồ được giao quản lý là hơn 670ha, nuôi cá lồng hiện nay đang được coi là nghề có tính bền vững và đem lại hiệu quả, thu nhập cao nhất cho người dân vùng Đông Hồ Thác Bà. Tuy niên với Phúc An, nghề nuôi cá lồng những năm qua không phát triển mạnh như các nơi khác. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn xã mới chỉ duy trì được khoảng 70 lồng cá, còn lại phần lớn vẫn khai thác đánh bắt tự nhiên. Theo thông tin của anh Vấn- chủ khu trại nuôi cá lồng đầu tiên và lớn nhất trong xã chia sẻ, nuôi cá lồng tuy là một nghề vất vả, đòi hỏi kỹ thuật, sự tỉ mỷ kinh nghiệm và công chăm sóc nhưng việc đầu tư ban đầu không quá lớn mà giá trị thu về lại khá cao, mang lại hiệu quả và lợi nhuận cho người nông dân. Mỗi lồng cá, tổng chi phí ban đầu anh Vấn bỏ ra là 8 triệu đồng cùng với hơn 2 triệu đồng tiền cá giống. Sau 4- 5 tháng bỏ công chăm sóc, anh Vấn thu về cho gia đình hơn 80 triệu đồng. Làm giàu từ nghề nuôi cá lồng, nhiều năm nay, anh Vấn đã đi vận động nhiều anh em cùng làm, sẵn sàng tư vấn, chỉ bảo cho họ cách làm, chỉ mong giúp được nhiều người để anh em, bà con có được cuộc sống tốt hơn. Mong muốn giản dị nhưng chứa đựng cả tâm tư của người nông ngư ấy khiến tôi càng thêm ấn tượng với những con người chân chất, thật thà mà đầy nghĩa tình ở nơi này.
Trở lại đất liền, trước khi đưa tôi về thăm làng nghề đan rọ tôm Đồng Tâm, chỉ về phía làng ven nằm sâu bên trong khu hồ mà gia đình anh Vấn khai thác nuôi cá, anh Huân chia sẻ với tôi rằng, từ lâu anh đã nung nấu ý tưởng mở một con đường từ trung tâm xã vào khu dân cư ven hồ kia, tạo thành một đường vành đai chạy dọc ven hồ, sau này sẽ hình thành nên một làng chuyên sản xuất, khai thác thủy hải sản, mở một bến cảng để tạo đầu mối giao thương cho ngư dân vùng hồ phát triển kinh tế. Anh Huân bảo: “Phúc An là mảnh đất giàu tiềm năng, trên bến dưới thuyền, đường lớn chạy qua, thế mạnh lớn hơn Bạch Hà rất nhiều. Nếu không tận dụng, khai thác được tiềm năng, thế mạnh ấy để đưa Phúc An phát triển giàu mạnh thì mình sẽ có lỗi với bà con lắm”. Anh còn “nói nhỏ” với tôi rằng, ý tưởng của anh về làng ven chuyên canh kia sẽ trở thành hiện thực sớm thôi, bởi dự án mở đường đã bắt đầu được triển khai thực hiện. Nghe và hình dung những điều anh nói tôi thấy mừng cho Phúc An. Mừng vì sẽ chỉ nay mai thôi, vùng hồ này sẽ trở thành nơi giao thương nhộn nhịp; người Phúc An giàu nghĩa nặng tình sẽ có một cuộc sống sung túc, đủ đầy và nơi đây sẽ trở thành miền quê trù phú, đáng sống, góp thêm mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh nông thôn mới của huyện Yên Bình.
N.T
Tin khác