Bút ký của Nhà văn Võ Bá Cường
Vội lắm! Anh ta chỉ kịp quăng người lên xe, nhìn tôi cười thân thiện. Anh nói: “Kiếm chút đầu thừa đuôi thẹo” thời gian của một viên chức cấp huyện, trực tiếp đưa Nhà văn lên đèo Lũng Lô, “Nơi gọi hồn sông núi”. Cử anh em khác, không hiểu việc, hiểu người đưa Nhà văn đi con đường lớn lót nhựa. Đến cột mốc nói đôi điều, ngoài mấy con số có sẵn. Rồi về… Đi như thế phí công. Đâu phải là cánh cửa của Nhà văn. “Trải nghiệm- Khám phá- Học hỏi”. Tôi nghe Anh nói. Thấy Anh hiểu người cầm bút, có chút “tri ân tri kỉ trong ta”, có chút khác đời. Thoáng nhìn gương mặt, với mái tóc hơi cứng, cắt ngắn, mái trước hơi trờm ra từng gọng cứng. Tôi thầm nghĩ: “Con người cứng cỏi trong hành động và suy nghĩ”. Nhưng không giấu được tính chất phác thật thà trong ngôn từ giọng nói, mẫu người xưa. “Ba đời bần cố Trung nông/ Suốt đời nhịn đói mà không kì kèo”.
Quen nhau rồi, vẫn chưa hề giới thiệu chức danh như những quan nhân khác tôi thường gặp. Giọng Anh có phần tư lự: Nhà văn ạ! Tôi nghĩ con người ta ai cũng cần được đào tạo, học hành tới nơi tới chốn. Đỗ đạt cao, làm việc giỏi. Nên chọn ghế thấp, đi xe nhỏ, cưỡi ngựa gày. Người đó hẳn được dân yêu. Tôi tự hỏi: Anh nói điều này với tôi làm gì? Không ngoài mục đích nhắc tôi hai chữ phải biết “chừng mực” với đời. Anh kể tiếp: Tôi đọc sách, thấy người xưa viết “Đèo Hải Vân rất hiểm trở”. Đèo này nổi tiếng “đầu não miền Thuận Quảng”. Đèo Hải Vân đã trở thành đề tài văn học, tốn bao giấy mực của Văn nhân. Muốn viết được một câu một chữ cũng phải đến đó. Trong bài Tam Thưởng Hải Vân, Tam nguyên Trần Hi Tăng có hai câu: “Văn phi sơn thủy vô kì khí/ Nhân bất phong sương vị lão tài”. Văn chương không có “núi sông” ở trong sao hay được. Người không qua “sương gió” sao là người tài?
Hôm nay tôi dẫn Nhà văn đi đèo Lũng Lô. Khác gì đèo Hải Vân xưa. Nhưng phải qua con đường “máu ta đã đổ” để gặp tấc lòng ông cha trong thời giữ nước. Gặp lại hồn người xưa trong lòng khe, cuối núi. Họ có tư chất một “Nam nhi” biết dấn thân cho dân tộc. Tư tưởng của họ trở thành “lý tưởng anh hùng” trong lịch sử với bối cảnh thời “Đường lên Tây Bắc”. Đi là để chạm vào hai câu thơ của Trần Hi Tăng viết khi qua đèo Hải Vân.
Chuyện Anh kể hút hồn. Tôi cứ gọi anh là Anh, cách xưng hô thân thiện. Chiếc xe hai cầu, Huyện đường mới “tậu” nhảy dựng trên con đường đất. Tôi bám chặt vào vai ghế trước, người vẫn rung lên vật xuống như quả bóng của đội tuyển U23 thi đấu quốc tế. Tự nhiên xe khựng lại, xì hơi nhả khói như một chú mã chiến vượt dốc Mã Pì Lèng nằm thở. Mắt tôi hoa lên. Cửa xe bật mở, Anh đỡ tôi xuống. Tay chỉ “Đây là hang Đại tướng” dừng chân trước khi ra chiến dịch Điện Biên. Tôi cười bảo Anh: “Anh cho tôi đi con đường khác gì người lữ hành đi qua sa mạc thời cổ”. Tôi nói với Anh câu đó lúc hai người bì bõm lội qua bãi cỏ sình lầy vào hang. Tôi ngồi bệt xuống hòn đá trên mặt đất. Lặng lẽ chiêm ngưỡng thời gian thấp thoáng hơn sáu chục năm đi qua vòm hang rộng.
Hang cách đường cũ mười mét. Hang đã có cửa đóng. Trước vách đá dòng chữ “Nếu để viên đạn ẩm mốc sẽ có tội với nhân dân”. Đây là chỉ thị của Đại tướng cho mặt trận. Nét chữ đi qua thời gian, gió mưa có cả thế sự thăng trầm của mảnh đất và cuộc đời con người Lũng Lô.
Càng đi sâu lòng hang càng rộng, giống quả trứng con thiên nga, tròn trịa, đủ độ sáng, chứa được vài trăm người. Quanh hang nghe thấy tiếng suối chảy chim kêu. Cảm giác trong tôi chốn này như một động Tiên. Cánh cửa mở ra đón “Tao nhân mặc khách”. Không khí dịu… mát… thoảng mùi thơm hoang dại của rừng. Tôi như muốn uống những cơn gió lạnh vào lòng để xoa đi cái nóng ngoài Hà Nội trên 40oC. Tôi cùng Anh tĩnh tâm ngồi xuống, cố tìm dấu ấn nơi sinh hoạt của Đại tướng. Chỗ nào Người ngả lưng tư duy cho trận đánh. Chỗ nào Đại tướng bắc bếp nhóm lửa, chia hạt muối cho chiến sĩ. Lúc nào ngậm búp chè khuya. Chỗ nào chú ngựa gõ móng nhai cỏ, uống nước. Rồi “hí” một tiếng gọi hồn non nước trước khi ra sa trường. Ngồi trong hang khiến tôi nhớ về quá khứ lịch sử hang động nước non mình. Thấp thoáng thấy Côn Sơn, có động Thanh Hư nơi Trần Nguyên Hãn ngồi viết sách dạy cháu ngoại là Vi thần Nguyễn Trãi. Sau này viết nên “Bình ngô đại cáo”. Sau mấy trăm năm, Bác Hồ xuất hiện. Có hang Pác Bó (Cao Bằng) đón nhận ngày đầu Bác đặt chân về Tổ Quốc (Hang lạnh nhớ tay người đốt lửa).
Còn đây là hang dưới chân đèo Lũng Lô, giờ được mệnh danh “Hang Đại tướng”. Từ động sơn này đã tạo ra chiến dịch Điện Biên “lừng lẫy năm châu”. Anh vẫn đứng cạnh tôi, âm thầm như một cánh lá mỏng rừng già, như để kiểm chứng cảm xúc của Nhà văn. Tiếng Anh bỗng vang lên, trong không gian tĩnh lặng. Vâng! Đại tướng từ Phà Hiên Tuyên Quang qua bến Âu Lâu, đến Thượng Bằng La, vượt qua đèo Lũng Lô, sang Cò Nòi (Sơn La). Con đường Đại tướng đi qua, sau này ngoài các đoàn văn công, có hàng trăm nghệ sĩ qua đèo lên Tây Bắc.
Đường 13 được mệnh danh “con đường máu lửa”. Đèo Lũng Lô là một tiêu điểm của giặc. Cụ Hà Đình Tài, cụ Hà Đình Vượng, hai người con Văn Chấn trực tiếp mở đường đèo Lũng Lô kể: “Đây là con đèo có độ dốc đá cao cheo leo bên vực thẳm. Hiểm trở nhất chỗ Khe Thắm và cánh đồng Mỏ. Toàn suối sâu và sình lày. Có lẽ Đại tướng phải dắt ngựa hoặc lội bộ đi qua”.
Hang Đại tướng ở, sau này được chuyển chứa vũ khí, đạn dược, xe ô tô, xe thồ, xe đạp của dân công hỏa tuyến… Bản Mỏ là xưởng sửa chữa ô tô. Bản Vằn là nơi chỉ huy công trường, cũng là nơi trú chân cho lớp cán bộ cao cấp vào Điện Biên. Bản Bau phía bên kia đèo (thuộc đất Sơn La) có hang thương binh từ mặt trận chuyển về.
Hàng vạn chiến sĩ, dân công từ xuôi lên, hàng ngày hấng bom đạn, treo mình trên vách đá mở đường. Trong bom đạn chết chóc vẫn vang lên câu hát. Câu thơ của Tố Hữu cũng từ thực tế này mà ra: “Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”.
Đại đội công binh 57 do ông Lưu Vĩnh Châu, tên thật là Trần Văn Dõi đã đảm bảo cho huyết mạch giao thông luôn chảy.
Chưa hết câu, Anh rốt ráo kéo tôi lên đứng trên lưng cây gỗ mục, tay chỉ xuống khe vực lòng núi bảng lảng mây trôi cánh võng.
- Kìa Nhà văn Nguyễn Đình Thi, vừa tung ra khỏi xe sau tiếng bom nổ. Anh như kẻ bốc đồng nhập hồn nhập cốt vào ông Thi, nói liền mạch. Năm mười chín tuổi ông đã tham gia Văn hóa cứu quốc. Hai lần giặc Pháp bắt tù. Được gặp Bác Hồ ở Đại hội Quốc dân Tân Trào. Năm 22 tuổi là Đại biểu Quốc hội khóa 1. Nhà văn tham gia nhiều chiến dịch. Cuối cùng là chiến dịch Điện Biên. Cuộc hành quân “máu trộn bùn non”. Ông bám vào chiếc xe chở a xít và lựu đạn lên đèo Lũng Lô. Rồi tháng ấy, ngày ấy, một quả bom nổ hất tung ra khỏi xe. Chiếc ba lô mắc trên ngọn cây cháy cụt ngọn. Ông nhặt chiếc ba lô khoác lên vai với tư tưởng “Đâu có giặc là ta cứ đi”, cuốc bộ về Cò Nòi vào lòng chảo Điện Biên.
Còn nhỏ, Anh đã nghe những tác phẩm nổi tiếng của Nhà văn. Máu mê yêu văn chương. Sau lớn lên cố tìm đọc từ “Diệt phát xít”, đến “Vỡ bờ”, “Người Hà Nội”. Sau này ông viết “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Rừng trúc”, “Con nai đen”. Có thời kì ông chịu nhiều sự va đập dèm pha từ phía này hay phía khác… Tôi quay lại, nắm lấy tay Anh, mặt nhìn mặt mà rằng: “Đã biết trước nghề văn chúng tôi là tự mua vào mình những ưu tư và đau khổ”. Anh nói lại làm gì với tôi chuyện ấy. “Mực đọng trong nghiên sầu” mà!
Tôi kéo tay Anh ngồi xuống. Mà rằng: “Anh đúng là quả khế, có múi, mọng nước hấp dẫn. Tôi được ăn vào buổi trưa hè, cho một cảm giác dịu nhẹ, chua chua, dôn dốt khó quên”.
Để kiểm chứng, mấy ngày sau tôi quay về gặp nhà thơ Ngọc Bái, người con sinh ra ở đất rừng Yên Bái hỏi chuyện ông Thi qua cái “túi bom” đó… Ngọc Bái chõn môi, hất tóc, nhìn tôi cười: “Tháng 5 năm 2002 lúc ông còn đi lại được, Nhà văn Tùng Điển tháp tùng lên đây”. Lần này “cụ” không còn đủ sức leo đèo Lũng Lô để nhìn lại cung đèo mình thoát chết. Cụ bảo rằng: “Đi lần này chẳng lần nào đi được nữa đâu”. Nghe câu ông Thi than thở, tôi bảo Ngọc Bái: “Mình với Bái cũng như cây vông. Người xưa đã ví: Càng cao lớn tuổi càng xốp xoáp. Ông Thi than vãn cũng đúng thôi!” Ngọc Bái dẫn chuyện tiếp. Ông Thi bảo: “Lần này lên đây có hai việc, thăm anh em văn nghệ Yên Bái- thăm lại vùng đất đã qua”. Nói rồi ông nhìn xuống đôi chân không còn sức. Mặt ông Thi thoáng nỗi niềm…
Ông bảo lần đầu đi Yên Bái có Tố Hữu từ Đan Hà (Phú Thọ) sang vào lúc Nghĩa Lộ vừa giải phóng. Đúng thời kì “tiêu thổ kháng chiến”. Tới đầu phố gặp cây đổ, nhà hoang làm vật cản đường giặc. Tố Hữu viết: “Những Di lăng (cây Di lăng) Sấu- Gạo/ Không tiếc lá cành xanh/ Vật ngang đường cản giặc…”. Về tới nhà Tố Hữu hoàn thành bài thơ “Thành phố trụi”, trong đó có mấy câu thơ trên.
Mặt Ngọc Bái trở lại cảnh buổi đông hàn giá buốt, thương cái thị xã nhỏ bé Nghĩa Lộ khu tự trị Thái Mèo qua thơ Tố Hữu… “Đông lạnh ghê người/ Chiếc lá vèo rơi mặt cỏ/ Tường xiêu loét đỏ/ Mái gẫy sườn đen/Mảnh buồng con kính vỡ rên lên/ Ô cửa mắt tròn thăm thẳm/ Ai lên tiền tuyến đường muôn dặm…”
Giải phóng Nghĩa Lộ là mệnh lệnh của giang sơn. Từ đó mở ra con đường máu lửa Lũng Lô- Cò Nòi để đi đến chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hai ông đi túi rỗng, lòng không, thoảng mùi sắn nướng ven đồi. Tới chân núi, có lúc ngồi bệt xuống nhổ cỏ non nhai cho đỡ mệt. Chắc chắn hai cây đại thụ văn chương nhớ đến thơ Nguyễn Trãi: “Cơ thực tùng căn, tước nhật hoa” (Đói ăn rễ tùng, uống tia nắng trời mà sống).
Những kẻ sĩ trước nỗi buồn về chiến tranh vẫn thèm cái nhìn màu xanh Tây Bắc, xanh từ một cánh rừng nguyên sinh đi tới một đại dương vô hạn. Đó là cách nghĩ của hai ông…
Trở lại câu chuyện giữa Ngọc Bái và ông Thi. Tùng Điển đi điền dã lần này. Đến ngã Ba Khe, ông Thi đòi dừng lại lững thững kéo hai anh ra bờ suối Ba Khe. Con suối hướng từ Lũng Lô chảy về. Ông tâm sự: “Đoạn suối này mình vác cối 60 li đi qua”. Ba chúng tôi lội bì bõm để lấy lại cảm giác ngày ra trận. Rồi kéo nhau lên vệ cỏ chỗ Bà Mười thường đặt sẵn cái mẹt, khi để nải chuối, lúc nồi khoai luộc, lúc rá sắn nướng, giúp bộ đội qua đường lấy sức vượt qua bom đạn đèo Lũng Lô. Bà Mười giờ không còn nữa. Con cháu bà ở đâu? Người mẹ lặng lẽ đóng góp sức mình cho đất nước. Không cần ai biết đến, cũng chẳng để kể công. Tự nhiên Bái nghĩ. Bà Mười còn đó. Ban đêm thường lảng vảng quanh đây cùng mấy mẹ ngồi nhổ tóc sâu cho nhau. Bà dẫu chết đâu đã đi vào cõi “hư bồng”, không ai nhớ đến. Bà vẫn còn: “Chết là thể phách hồn là tinh anh”.
Lần ấy, ông Thi có tiếp xúc các cháu sinh viên sư phạm Nghĩa Lộ. Có em hỏi: Từ hoàn cảnh nào Nhà văn đã viết được câu “Giũ bùn đứng dậy sáng lòa…”
Ông trả lời: Lúc thoát chết khoác ba lô cuốc bộ qua Lũng Lô về Cò Nòi tìm đến Điện Biên, tức tốc lăn xuống chiến hào để gặp chiến sĩ. “Gan không núng/Chí không sờn…”. Anh em đang nằm dưới bùn nước, thấy mình vụt đứng dậy, bùn chảy qua đầu tóc xuống đôi vai trần, lũng bũng xuống chiến hào. Chỉ có hàm răng trắng hiện ra trước mắt. Đấy là cái cười của những người Anh hùng, toát lên sự lạc quan và sức mạnh dân tộc. Họ giũ bùn đứng lên mà. Không ngờ câu thơ ấy trở thành hình tượng của một Dân tộc, một Đất nước.
Ngẫm nghĩ một lát, ông rỉ rả thêm: “Tôi cám ơn người chiến sĩ tự vệ Yên Bái. Hôm gặp nhau trên đường 13. Khi biết tôi là văn nghệ sĩ, chiến sĩ mừng hết nói”. Anh nhìn tôi, với mấy câu ngắn trên đường ra trận: “Nhờ ông giữ hộ cái ống này”. Đó là cái ống tre đựng tác phẩm của Tô Ngọc Vân. Trong đó có bức tranh kí họa “Chiều Lũng Lô”. Điều tôi không ngờ tới.
Lúc vui chuyện, Bái mạnh dạn hỏi chuyện hồi ông Thi viết “Con nai đen”, nó như thế nào? “Cũng như tác phẩm khác thôi! Thế mà mấy vị ngồi lại tìm cách phê phán. Chỉ có ông Cụ… không nói gì”. Bái chỉ dám hỏi thế và tự hiểu: Ông vốn là người đơn giản, nhưng lại không dễ dàng với những tư duy hời hợt, quan sát đại khái, kết luận vội vàng thì tác phẩm có gì đáng lo. Nhưng trong thực tế dòng đời đôi lúc không suôn sẻ. Quá khứ hoặc lúc này lúc khác, nơi này nơi nọ, chân lý đã từng bị bóp méo, xuyên tạc, chìm trong oan khuất. Nhưng chân lý vẫn là chân lý. Nó luôn ánh lên như ánh hào quang. Nghĩ vậy nên Bái lúc nào nhìn ông Thi cũng là người đáng kính trọng. Bởi ông bước vào văn học từ chân trời triết học. Có lúc ông từng run rẩy “Cỏ mềm thơm mãi dấu chân em”.
Bái hỏi sang đề tài Tô Ngọc Vân. Giọng ông Thi điềm đạm. Mình đã nói với Tô Ngọc Thanh, con trai danh họa Tô Ngọc Vân. Ông Vân đáng mặt chiến sĩ văn nghệ. Năm 1943 đã có kiệt tác “Thiếu nữ với hoa huệ”. Sau mình có hỏi tác phẩm đó, được gia đình cho biết. Năm đi kháng chiến, bức tranh gửi lại gia đình ngõ Trại Khách (Khâm Thiên). Nay là ngõ Thổ Quang, Hà Nội. Hòa bình trở về, tranh đã trở thành bộ sưu tập nổi tiếng của Đức Minh. Và giờ ở đâu? Không biết nữa. Số phận tác phẩm khác gì số phận tác giả, nay đây mai đó. Nhà danh họa lớn của chúng ta ngã xuống chân đèo Lũng Lô ngày 6/1954, sau ngày giải phóng Điện Biên.
Ông nằm xuống lúc Tô Ngọc Thanh đang ở Bắc Giang. Nghe tin bố mất, ông Thanh đạp xe từ Bắc Giang về Yên Bái. Đến cây số 42 (Quốc lộ 13) rẽ vào độ 3 km, gặp cái bản có 4 nóc nhà người Tày thuộc huyện Văn Chấn, cạnh con suối chảy. Ông cụ người Tày kể. Ông Vân đang ngồi vẽ trên gác, máy bay đột ngột đến ném bom xuống mấy ngôi nhà đơn sơ ven suối. Một hòn đá đã văng đúng người ông. Ông ra đi vội vã như thế. Gia đình làm đủ thủ tục, rồi chôn ông ở cạnh suối gần gốc cây ổi. Cây ổi mùa nào chả có hoa. Hương thơm, chim hót, ong về. Chắc chắn lúc thư nhàn ông Vân thường thơ thẩn dưới gốc ổi thơm. Nó rất hợp với tâm hồn nghệ sĩ, nên đặt mộ chí ông ở đó.
Ông Thanh đến nơi dân bản đã mai táng trước đó 4 ngày. Trong chiến tranh, những người mất trong bom đạn thường được chôn chung. Danh họa Tô Ngọc Vân một mình một mộ. Đó là sự tôn vinh của nhân dân đối với nghệ sĩ. Ông Thanh vái lạy bố xong, xin phép gia đình chuyển mộ lên sườn đồi. Sợ mùa mưa, lũ suối…
Hòa bình, ông làm thủ tục đưa cụ về xuôi. Ngọc Bái kể đến đó. Đôi mắt đượm buồn. Bởi người tài danh mỗi năm qua đi ngày càng thưa vắng. Chuyện anh Bái kể khiến tôi nhớ tới bóng dáng Nhà văn Nguyễn Đình Thi- Tô Ngọc Vân- Đỗ Nhuận. Sau bốn năm giải phóng Điện Biên, Văn Cao- Nguyễn Tuân- Nguyễn Huy Tưởng như cánh chim đại bàng nghe nói cũng tìm đường qua Lũng Lô để tìm lại cảm giác chiến tranh. Một kỉ niệm về Văn Cao khó mà quên được. Văn Cao bị chảy máu dạ dày. Cụ Tuân cõng tới bệnh viện dã chiến bên Mai Châu. Văn Thao con trai Nhạc sĩ Văn Cao kể. Bác sĩ, Anh hùng Lê Thế Chung cầm dao mổ cho cụ. Sau này bác sĩ về làm Trưởng Bệnh viện 103. Một đôi lần cụ trở lại thăm bác sĩ.
Ở Điện Biên về, cụ Tuân viết tác phẩm “Giăng liềm”, còn Nguyễn Huy Tưởng viết “Bốn năm sau”. Điện Biên như tiếng còi tàu hú gọi người lên Tây Bắc viết bản anh hùng ca dân tộc.
Trời nắng nhiều hơn. Sương tan. Những mái nhà đồng bào dân tộc dần hiện ra bên sườn núi như bức tranh trong hoang sơ của núi non Tây Bắc. Anh kéo tôi đứng vào gốc cây cổ thụ. Đột ngột hỏi: Nhà văn có biết nhạc sĩ Đinh Nhu không? Tôi lắc đầu. Anh nhím mắt lại bảo: “Đinh Nhu chết ở tuổi 42 vào ngày 17/3/1945. Quê ở Hải Phòng, là tác giả hành khúc “Cùng nhau đi hùng binh”. Một hành khúc kiểu mẫu, học sinh các trường âm nhạc thường lấy làm bài mẫu học. Ông hy sinh ở Căng Đồn Nghĩa Lộ trong chuyến vượt ngục. Ngày mai tôi mời Nhà văn tới đó thắp hương cho ông cùng 9 tử sĩ Pháp bắn tại đó”.
Vâng! Hôm sau tôi và Anh về Căng Đồn thắp hương. Ngồi trên tảng đá đầu dốc âm thầm nghe gió thổi, lá rụng đem nỗi buồn của người lữ hành cô đơn gửi vào Tây Bắc. Các đồng chí cựu chiến binh đang căng lưới chơi bóng chuyền. Nữ đồng chí ngoài bảy mươi, tóc bạc như ngàn lau trên Ô Quy Hồ. Sao có giọng hát mượt thế. “Đường lên Tây Bắc xa xôi/ Mái nhà sàn thấp thoáng”. Tôi quay lại hỏi: Bài hát của ai hở chị? Của Trọng Lanh viết lúc qua Lũng Lô đi Điện Biên. Sau này Trọng Lanh trở thành diễn viên múa. Chị còn kể Nhạc sĩ Mai Khanh viết bài “Tiếng hát người lái xe lên Điện Biên”. Tiếc rằng lâu ngày không hát, quên hết không nhớ được câu nào.
Tôi thấy mắt Anh chìm vào mây khói Căng Đồn. Như con chim chuyển giọng, Anh kể: Nhạc sĩ Đỗ Nhuận hành quân từ Đại Từ (Thái Nguyên) qua đèo Khế. Đến Thượng Bằng La trên xe tải bịt kín. Cuộc hành quân ngày đêm không ngừng, không nghỉ. Mọi người hồi hộp đặt ra câu hỏi: “Liệu mình có vinh dự được tham gia chiến dịch Trần Đình không?” (mật danh của Điện Biên). Rất nhiều ý kiến tranh cãi trong xe. Đến đoạn đường khó khăn nhất, bụi đá trộn đất như cám. Chiếc xe lắc lư, xê dịch từng bước. Có anh ngồi cạnh xe vạch bạt hỏi: “Đây là đâu nhỉ?” Câu hỏi được lặp đi lặp lại nhiều lần. Bỗng câu nói vang lên từ cuối xe như một mệnh lệnh của nhân dân “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Đỗ Nhuận nhìn ra núi hứng sương mù đắm chìm trong tĩnh mịch thâm nghiêm của rừng đại ngàn Lũng Lô. Không khí ra trận giữ nước của một dân tộc căng đầy trong một niềm cảm khái trầm hùng. Ông biết đất nước gian lao như vết bùn nhọc nhằn trên chân ngựa đá. Với cây bút, tiếng đàn, mình phải làm gì cho dân tộc?
Ông là một nhạc sĩ luôn có mặt ở điểm nóng các chiến dịch. Trong ông có phẩm chất một chiến sĩ văn nghệ. Đầu ông đã bùng lên một âm thanh, một nhịp điệu cho khúc ca, tự nhiên, ngắn gọn, đi vào lòng người, nhưng có tầm tư tưởng của Đất nước. Ý nghĩa ca từ đó sâu sắc, vang lên trong bước chân hào hùng của lớp người ra trận.
Một dân tộc nhỏ bé đi qua bao bể khổ. Nhưng mãi đến chiến dịch Điện Biên dân tộc ấy đã xuất hiện một Nguyễn Đình Thi “Giũ bùn đứng dậy sáng lòa”, Đỗ Nhuận “Đâu có giặc là ta cứ đi”, một Đinh Nhu “Cùng nhau đi hùng binh”…. âm vang những khúc ca đó tạo thành bước quân hành tìm đến bầu trời Tự do- Độc lập.
Hồi này ông Tử Phác phụ trách Văn nghệ Quân đội vào một đêm trăng ở bản Chanh xã Phù Nhan, Văn Chấn (nay là Nghĩa Lộ). Trên bản Chanh là bản của người Mông, dưới là bản người Thái. Trong cái không gian mênh mông vằng vặc trăng sao, ông cùng với Nhạc sĩ Sao Mai ngồi xem những cô gái Thái dùng hai cây nứa múa sạp. Hai cây nứa đập vào nhau theo điệu nhảy. Có lúc nhảy đôi, một bên nam bên nữ cầm quạt xòe ra uốn lượn.
Ông Phác nói với Sao Mai: “Với điệu múa đẹp như thế này nếu có nhạc sẽ hay hơn”. Và Sao Mai đã làm được điều ấy. Theo Nguyễn Thụy Kha nói: Sau này nhà thơ Hoàng Cầm dẫn văn công đi chiến dịch Điện Biên đã viết bài “Sự ra đời của điệu nhạc… sòn… sòn… sòn… đô sòn….”
Tôi nghĩ: Những tác phẩm về Tây Bắc thường viết trong giá rét của núi rừng Lũng Lô. Ở đấy có sương rơi, cỏ ướt, đá xanh, rêu phủ mơ màng in dấu chân nghệ sĩ…
Bất chợt, Anh nắm tay tôi như một người tri kỉ. Anh bảo: Văn học nghệ thuật là thế! Nó vô hình. Sức mạnh của văn chương lại vô tận. Hiểu được văn chương nhạc họa là người có phúc lớn. Họ biết rong chơi nơi thôn ổ như kẻ “nhàn” bơi trong sương lạc vào phố cổ, ra bờ sông ngắm nhìn vẻ đẹp của Tây Thi đập lụa. Cá trông thấy nàng phải lặn (Trầm ngư).
Hai chúng tôi nắm tay nhau tụt dốc. Một cơn gió thổi làm lay động cả khu rừng. Tôi tự hỏi: “Hồn tử sĩ đã về đây?”. Bất giác trong tôi có một ý nghĩ. Ở đỉnh đèo này, đâu chỉ cần một cột mốc ghi công như thế kia, mà cần có bức phù điêu bằng đá, dựng lại không khí chiến sĩ ta ra trận. Trong đó có chân dung Nhà văn Nguyễn Đình Thi- Nhạc sĩ Đỗ Nhuận- Danh họa Tô Ngọc Vân. Chiến sĩ và văn nghệ sĩ, những người có số phận lớn. Tuy họ chưa được phong Anh hùng, nhưng thái độ sống rất Anh hùng.
Anh nắm chặt tay tôi, tỏ thái độ hưởng ứng. Mắt Anh chớp liên hồi, nói:
- Tôi được nhân dân, Đảng bộ giao cho trọng trách lớn, là Bí thư huyện Văn Chấn. Chiếu dù nhỏ, tài hèn trí thiển, cũng muốn làm việc này để trả nợ hồn thiêng sông núi. Tiếc rằng…
Chúng tôi tới ngã ba Ba Khe. Anh mới bóc vẽ về mình tí chút. Quê gốc tôi ở Ngô Xá. Cái làng nghèo. Năm đói bà tôi luộc nồi khoai chưa đầy. Lúc tôi ra đời mẹ Nguyễn Thị Mai ước: “Bao giờ có nồi khoai đầy cho anh em thằng Ngữ nó ăn”. Ngô Xá thuộc Nam Phong, Thành Nam. Nơi có nhiều văn nhân cốt cách. Đất Thành Nam có Nam Cao- Văn Cao. Chỉ hai cây đại thụ ấy đủ tự hào rồi! Bố mẹ phiêu bạt, đẻ rơi tôi trên bản Quẩn- bản Phiệt Mường Khương.
Về Yên Bái kiếm sống. Đất thơm, cỏ lạ, Yên Bái nuôi sống, đào tạo Chu Đình Ngữ nên người. Tôi mong trở thành người “Tử tế” của núi rừng Tây Bắc, không thẹn với non sông.
V.B.C