• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Xuân Lai ngày mới
Ngày xuất bản: 27/12/2023 4:06:35 SA

Ký của HOÀNG KIM YẾN

Tôi đến Xuân Lai lần này trong sự ngỡ ngàng bởi Xuân Lai đã phát triển đến không ngờ. Những con đường bê tông trải dài, len lỏi về tận ngõ xóm. Nhà nối nhà khang trang, sạch đẹp ẩn mình trong những khu vườn xanh mướt trĩu trịt hoa trái. Nông dân Xuân Lai giờ hiện đại hơn rất nhiều, họ làm chủ khoa học kỹ thuật, chăm chỉ không ngừng, họ như những nghệ sĩ tài ba, thiết kế cho ngôi nhà mình trở thành một nơi thực sự đáng sống. Vườn cây, chuồng trại, đồi rừng đều được họ quy hoạch hợp lý, đều được chăm sóc chu đáo trở thành những mô hình không những hiệu quả cao về kinh tế mà còn đẹp mắt. Ấy là cảm nhận của tôi khi đến một vài hộ nông dân tiêu biểu của Xuân Lai. Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Văn Kham cười thành tiếng kể về những ngày chưa xa, khi Xuân Lai còn là một xã khó khăn, nhiều hộ nghèo, dọc tuyến đường trục chính cũng không thể tìm được một ngôi nhà khang trang. Ngày ấy dân Xuân Lai vẫn còn canh tác giống lúa thuần nông năng suất thấp, cây khó chăm sóc, dễ bị bệnh và năng suất không cao. Trâu bò nuôi thả nã không được chăm sóc chu đáo, có khi còn bị chết rét. Đồi rừng chỉ trồng cây bồ đề và mỡ- những giống cây chỉ có thể bán cho nhà máy giấy, ván ép xuất khẩu, giá thành thấp. Vả lại giống bồ đề cây nhẹ, năng suất không cao, cây mỡ thì chậm lớn, lâu được thu hoạch. Đã vậy nông dân còn thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật nên những giống cây trồng xuống chủ yếu bỏ không cho tự lớn, hoặc có chăm sóc cũng không đúng cách làm giảm đi năng suất. Làm thế nào để dân mình khá lên trên chính đồng đất quê mình? Ấy là câu hỏi không phải của riêng Chủ tịch Hội Nông dân xã như Kham mà còn của cả các cấp lãnh đạo xã. Chủ trương chuyển đổi giống cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật đưa về xã như chắp thêm cái ý tưởng đã nung nấu trong đầu Kham. Những ngày xuống với dân để tuyên truyền dân chuyển đổi giống cây trồng đầy nhọc nhằn và gian khó. Thói quen từ cha ông truyền lại biết bao đời đã ăn sâu, bén rễ khó có thể ngày một ngày hai là xóa bỏ được. Biết bao ngày xuống với dân tổ chức họp để tuyên truyền, biết bao hôm làm bạn với dân để lựa lời khuyên chân tình mà họ vẫn nhất định không là không. Lại phải tìm những hộ hiểu biết hơn, có tư tưởng tiến bộ hơn, động viên và hứa sẽ luôn thăm ruộng và đồng hành với họ khi chăm sóc. Khi họ đồng ý, Hội nông dân lại chủ động liên hệ với trung tâm Giống cây trồng tỉnh cung cấp giống và phân bón cho dân, thường xuyên thăm đồng cùng dân để đảm bảo lúa được chăm sóc đúng kỹ thuật. Thời gian thấm thoắt, ngày thu hoạch, trước bao ánh mắt tò mò của người dân, lúa thu hoạch về nhiều hơn và ngon hơn đúng như lời cán bộ nói. Những người khởi đầu làm theo chỉ dẫn của cán bộ thấu hơn ai hết những lợi ích của việc thay giống lúa mới, họ trở thành những người tuyên truyền tích cực tới người dân. Một người hiểu làm theo rồi dần dà là nhiều người hiểu, cái thói quen trồng lúa thuần kém năng suất, thói quen cất lúa năm trước làm giống cho năm sau dần bị xóa bỏ, giờ đây 100% nông dân của xã trồng theo giống lúa mới. Ấy là những thắng lợi đầu tiên của Hội nông dân xã. Dân bắt đầu tin tưởng lãnh đạo, hiểu cái tâm ý muốn giúp dân khá giả hơn như bao làng quê khác. Công cuộc chuyển đổi giống cây trồng trên các đồi rừng của Xuân Lai cũng được nhen lên. Cán bộ Hội Nông dân lại xuống dân trò chuyện như những người làng tâm sự với người làng, rằng giống keo Úc rất hợp với đất này, cây khỏe, kháng sâu bệnh và năng suất cao. Lại những người hiểu biết, cán bộ đảng viên đi trước mở đường, có sự sát cánh của cán bộ Hội Nông dân. Nhưng vẫn thói quen trồng xong bỏ đấy cho cây tự sinh, tự dưỡng khiến cho cây chậm lớn. Chưa hiểu nguyên nhân họ cho rằng, keo Úc trồng không tốt, không bằng cây bồ đề, cây mỡ. Cán bộ Hội lại xuống cùng dân, chỉ cho dân cách trồng, cách chăm sóc, cách bỏ phân đúng kỹ thuật, đúng thời kỳ. Làm theo cán bộ, cây lớn lên trông thấy. Hiệu quả nhãn tiền, họ tin cán bộ. Giờ đây, trên tất cả các quả đồi ở Xuân Lai, keo Úc đang bời bời bén rễ, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.  Kham vui vẻ bảo, Hội nông dân xã Xuân Lai có 692 hội viên trên 789 hộ. Với số lượng chiếm đa số nên việc Hội viên Hội nông dân mạnh sẽ là tiền đề để toàn xã mạnh. Hiểu được điều đó mới thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc nỗ lực giúp dân chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi góp phần phát triển kinh tế. Cùng với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Hội luôn sát cánh cùng nông dân vượt qua mọi khó khăn, cản trở để vươn lên thoát nghèo rồi làm giàu trên chính đồng đất quê mình. Dân thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật thì xuống dân cung cấp hay mời dân đi tập huấn. Trong trồng trọt hay chăn nuôi, gặp phải đợt dịch bệnh dân chưa tìm được cách cứu chữa thì cán bộ hội phối hợp với Khuyến nông xã xuống tận ruộng, nhổ cây lúa bệnh, chỉ cho dân thấy triệu chứng đó là của bệnh gì, phải phun thuốc gì. Rồi động viên nông dân cùng bảo nhau phun một đợt để chữa triệt để tránh ruộng nọ lây sang ruộng kia. Với kiến thức học được từ khi học Đại học nông lâm cùng với tinh thần luôn học hỏi, Kham trở thành cánh tay đắc lực của nông dân Mường Lai và các xã lân cận trong diệt trừ sâu bệnh. Cây bệnh gì, con bệnh gì chỉ cần mang cây đến cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật của Kham hay tả triệu chứng là Kham bắt bệnh, kê thuốc về phun là khỏi ngay. Vì thế cậu càng tạo được niềm tin trong nhân dân. Để hiểu được dân, để thấy dân đang có gì và cần có gì, Kham không ngại bỏ thời gian xuống với dân làm bạn. Trò chuyện như những người bạn, chỉ cho họ thấy với những gì họ đang có thì nên lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả. Thiếu giống anh sẵn sàng giúp, thiếu kỹ thuật anh sẵn sàng chỉ, thiếu vốn, anh sẵn sàng làm hồ sơ đăng ký ngân hàng chính sách cho vay để đầu tư. Trong quá trình thực hiện, vướng mắc gì lên anh cùng tháo gỡ, vì thế hằng năm có tới 250 hộ đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, họ sẵn sàng tiếp nhận khoa học kỹ thuật, luôn luôn sẵn sàng đổi mới, thay thế giống cây mới cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường để không trở nên tụt hậu. Đã có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi được nhen lên từ đây. Bốn năm gần đây, trong tổng số 250 hộ đăng ký thì có 225 hộ đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó tiêu biểu là hộ anh Hoàng Văn Liêm được vinh danh trong Chương trình tự hào nông dân việt Nam năm 2021, 1 hội viên đạt danh Hiệu Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 1 hội viên đạt danh hiệu Hội nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện; 2 hội viên được Hội Nông dân tỉnh khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chợt nhớ đến lời của một nguyên lãnh đạo xã Xuân Lai khi nói về Hoàng Văn Liêm “Liêm làm tốt lắm. Nhất là việc tìm vốn cho bà con tăng gia, sản xuất”, tôi hỏi Liêm, cậu bảo, xã em có 3 tổ chức được Ngân hàng chính sách ủy thác cho vay vốn. Trong đó Hội Nông dân được giao phụ trách 6/13 tổ tiết kiệm trên địa bàn 2/4 thôn. Tổng vốn dư nợ của hội Nông dân quản lý là gần 18 tỷ đồng. Do rất cẩn trọng trong khâu khảo sát để không sai đối tượng, nên cho đến thời điểm này Hội nông dân không có nợ xấu. Người dân được hưởng thụ rất nhiều từ nguồn vốn vay để đầu tư mua giống cây, giống con cho sản xuất.

Chúng tôi chậm rãi đi trên con đường bê tông phẳng lỳ để đến nhà anh Hoàng Văn Liêm thăm mô hình nuôi bò giống và bò sinh sản có quy mô rộng nhất toàn tỉnh. Kham bảo, ngày trước, hộ gia đình anh là hộ đầu tiên thực hiện mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo. Anh ấy đầu tư mua trâu gầy với giá rẻ tầm 28 triệu đồng 1 con về cho ăn cám, bã bia, cỏ voi, cây mía tím, tiêm phòng, tẩy giun, cho uống thuốc bổ. Sau 1 tháng rưỡi, với chi phí khoảng 50- 70.000 đồng 1 con 1 ngày, anh bán với giá 63 triệu. Mô hình này đem lại lợi nhuận rất lớn cho gia đình anh. Thấy được điều đó, Kham tích cực xuống với dân vận động bà con học cách làm của anh Liêm để chăm sóc cho đàn trâu của mình. Đã có nhiều nhà dân tích cực làm theo, những ai thiếu vốn đầu tư cho mua giống, Kham tạo mọi điều kiện để họ vay vốn sản xuất kinh doanh từ ngân hàng chính sách. Có thể vận dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo hay cho sản xuất kinh doanh ở những vùng khó khăn. Nhờ vận dụng linh hoạt, nhiều nhà đã có vốn để làm ăn, vì thế ngày một vươn lên khá giả. Giờ đây những đàn trâu gầy còm của Xuân Lai không còn nữa. Nhiều hộ đã tận dụng các khe, dộc, mảnh bãi soi hoặc ruộng kém năng suất, những mảnh nương bằng phẳng để trồng cỏ voi và chăn nuôi theo mô hình ấy. Thấy mô hình sản xuất của anh Liêm có thể tập hợp trở thành Hợp tác xã, Kham lại cất công xuống vận động. Mô hình Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp ra đời, mới đầu thu hút được 7 hộ gia đình tham gia, giờ thì lên đến 17 hộ.

Chúng tôi dừng xe trước ngôi nhà khang trang bề thế, phía sau là bạt ngàn cỏ voi và 5 chuồng nuôi bò giống và bò sinh sản. Chị kế toán Hợp tác xã nhanh nhảu nói với chúng tôi, Hợp tác xã hiện tại đang chăm nuôi hơn 600 con bò tại 8 trang trại ở Mường Lai và hơn 500 con dê ở các trang trại vệ tinh. Từ ngày Hợp tác xã ra đời, thu hút 18 lao động thường xuyên với tiền công 250.000đ/ngày. Trong đó có 13 công nhân được Hợp tác xã đóng bảo hiểm. Người dân lại có thêm một phương thức sản xuất là trồng cỏ voi, trồng ngô sinh khối bán cho Hợp tác xã hay nhận bò về chăm nuôi theo kỹ thuật của Hợp tác xã để lấy công. Hỏi chị kế toán về lợi ích của việc thành lập Hợp tác xã Thiên An, chị vui vẻ, nói như reo “Được chứ, được rất nhiều thứ. Được tỉnh rất quan tâm, Liên minh Hợp tác xã có Chương trình gì đều ưu tiên cho Thiên An. Các thành viên Hợp tác xã được vay vốn, được tập huấn về khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là có đầy đủ cơ sở về pháp lý để mua bán có giấy tờ đầu ra, đầu vào” “Thu nhập hàng năm bao nhiêu chị?”. “2 tỉ rưỡi”. Đó có lẽ là con số bất ngờ với rất nhiều người khi đến đây. Kham bảo, xã còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế nữa như mô hình nuôi gà với quy mô lớn, mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp và các mô hình nuôi cá lồng. Có nhiều gương nông dân ấn tượng. Họ luôn nỗ lực vươn lên, thấy giống gì mới hiệu quả lại tiếp tục đầu tư trồng mới. Vì thế đã có hộ có 10 con trâu, bò sinh sản, 20- 30 con lợn, mùa nước xuống trồng dưa hấu trên bãi, là 1 trong những hội viên đi đầu về trồng dưa hấu ở hồ Thác Bà. Khi thấy giống thanh long ruột đỏ mang lại lợi ích kinh tế cao, hộ đó đã vay 50 triệu vốn từ ngân hàng chính sách đầu tư trồng 300 trụ thanh long, giờ đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhạy bén trong làm ăn kinh tế là thế nhưng chủ hộ lại sống rất tình nghĩa. Anh đang nuôi 2 đứa cháu con anh trai do bị mồ côi bố, dám bỏ ra 700- 800 triệu để xây nhà cho cháu ở. Ân nghĩa ấy được nông dân trân trọng và đánh giá cao. Tất cả đang là những con át chủ bài giúp Xuân Lai ngày một phát triển.

Trên con đường bê tông ngược về ủy ban xã, Kham nói nhiều đến quá trình xây dựng nông thôn mới mới của xã. Trong đó có đóng góp không nhỏ của Hội nông dân. Họ đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp, đóng góp hàng tỉ đồng để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Trong 4 năm (2018- đầu năm 2023) tổ chức 82 buổi lao động với trên 1000 lượt cán bộ hội viên và nhân dân tham gia dọn dẹp đường làng ngõ xóm. Vận động được 92% hội viên tham gia mua Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Vận động hội viên nhân dân đóng góp tiền, công, hiến đất, hiến cây để mở mới trên 3,6km đường liên thôn, bê tông hóa 5,7km đường ngõ xóm, lắp đặt 5,2 km đường điện chiếu sáng. Hội Nông dân luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy các năm 2019, 2020, 2021 và 2022. Từ các Chương trình đó, đã có 3 hộ gia đình được Hội giúp đỡ thoát nghèo, cùng hội viên nhân dân đóng góp ngày công làm 500m đường bê tông, thực hiện Chương trình “Thắp sáng đường quê” tại thôn Trung Tâm với chiều dài 500m, xây dựng thành công mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Duy trì 2 tuyến đường tự quản, mỗi tuyến 500 m. Kể về những nỗ lực giúp nông dân thoát nghèo Kham bảo, đã có những khi phải mất nhiều ngày xuống với dân động viên, gợi ý những ý tưởng thoát nghèo, hỏi họ cần gì để thoát nghèo thành công rồi tìm cách hỗ trợ họ. Có lúc Hội trích số tiền quỹ có được từ nhận ủy thác cho ngân hành chính sách để mua gà, mua cám cho họ chăm nuôi. Những hộ nào đã cố gắng thoát nghèo, Hội phối hợp với thôn kịp thời động viên, biểu dương trước nhân dân, tạo cho họ niềm hứng khởi để họ hiểu rằng họ luôn có tổ chức Hội quan tâm, giúp đỡ.

Tạm biệt Xuân Lai trong cái nắng mỏng tang se sắt gió, tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh những người nông dân chân chất hiền lành, chịu thương chịu khó, không hay khoe khoang, sống đơn giản nhưng làm kinh tế lại rất chắc, rất am hiểu và cũng rất nhanh nhạy. Họ đang là những nhân tố quan trọng để làm nên một Xuân Lai đổi mới và giàu mạnh. Họ sẽ là hậu phương vững chắc để con cháu Xuân Lai sải cánh bay xa.

 

H.K.Y

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter